Tác giả: Thủy Nguyễn
Trung tâm Bảo tồn Di sản Phật giáo

“Hà Nam trì địa dục chung linh

Mai Xá danh hương hội thử sinh

Nguyễn tộc sinh liên hương tuyệt diệu

Dương môn xuất biểu thế trâm anh

Tế Xuyên đắc chỉ quang thiền phả

Sùng Phúc trùng tu hiển thế danh

Phẩm đức kiêm ưu dư bách tuế

Công viên quả mãn Niết bàn thành.”[1]

Thân thế

Cố lão Hòa thượng Thích Thanh Bích thế danh Nguyễn Văn Bích[2], sinh năm Quý Sửu (1913)[3] tại thôn Mai Xá, xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, trong một dòng họ có nhiều người đỗ đạt, khoa bảng. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Thặng tự Hữu Thượng (1880), thân mẫu là cụ bà Dương Thị Cập (1877).[4] Hòa thượng là con trai thứ 4 trong gia đình đông con (4 trai, 2 gái).

Năm 1919, khi mới lên 6 tuổi, Hòa thượng được phụ mẫu dẫn theo lên đường tha phương. Khi qua thôn Kim Ðới, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, ngài được vợ chồng nhà Nho họ Dương, tên là Ðình Huỳnh (tên chữ là Dương Đình Cảnh), vợ là Trọng Thị Như nhận làm con nuôi, dạy dỗ vô cùng cẩn trọng gửi Hòa thượng theo học tiểu học tại một trường tư thục ở Kiến An, Hải Phòng.

Cơ duyên tu hành

Mẹ nuôi của Hòa thượng là người rất mộ đạo Phật, đã phát tâm ăn chay trường và niệm Phật tu tại gia đến cuối đời. Cha mẹ nuôi ngài đã phát tâm xây dựng ngôi chùa Song, bên cạnh bến đò Song (Kim Đới, Hữu Bằng, Kiến Thụy, Hải Phòng); Hòa thượng và chị nuôi tối tối thường ra ngôi chùa này niệm Phật. Năm 1926, ngài lên 13 tuổi, Tổ Thiên Phúc (Hòa thượng Thích Thông Tiến) vân du qua chùa Song đã hỏi thăm và nhận ra Hòa thượng chính là cháu ruột của mình. Sau khi được Tổ Thiên Phúc khai thị, giảng Pháp, Hòa thượng đã phát nguyện xuất gia. Chị nuôi của Hòa thượng sau này cũng phát nguyện xuất gia, là Ni trưởng[5] chùa Tiên Long, Gò Vấp, Sài Gòn (nay là TP. HCM). Được sống trong gia đình thấm nhuần truyền thống Nho học và đạo Phật, chính là khởi duyên theo Phật của Hòa thượng và chị nuôi.

Đạo nghiệp

Từ đó, Hòa thượng được thầy gửi tu tập qua nhiều chốn: Bút Tháp, Bà Đá, Bảo Khám, Đại Dương Sùng Phúc,... Năm 1927, Hòa thượng 14 tuổi, tại chùa Bà Đá, ngài được nghiệp sư Thích Thông Tiến cho thụ giới Sa di với pháp danh là Tâm Bích, đạo hiệu là Trí Tính thiền sư. Tham học tại chốn Tổ Bảo Khám - Tế Xuyên 10 năm, Hòa thượng cần cù đèn sách đàm Kinh, Luật, Luận, một lòng tụng kinh không lo việc khác, mùa đông giá lạnh thì ngồi thiền. Đến năm 1937, ngài được đăng đàn thụ giới Cụ túc tại Đại giới đàn chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1940, Hòa thượng Thích Thanh Bích trở về chùa Đại Dương Sùng Phúc (chùa Sủi, nay thuộc Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội), nơi sư phụ ngài đang trụ trì, cùng thầy đảm đương gánh vác việc nhà chùa. Thời kỳ khó khăn, nhất là những năm 1945 - 1956, Hòa thượng đã cùng nhân dân xã Phú Thị vào hợp tác xã, ban ngày đi cày, đắp đê, làm đường. Tấm gương chân tu kham nhẫn, khổ hạnh của Hòa thượng đã ghi tạc trong lòng dân; mỗi khi nhắc đến Hòa thượng, nhân dân làng Sủi lại nhớ đến tích ăn cỏ Dày để thực nghiệm phép tu theo hạnh Đầu Đà[6]. Thượng Tọa Thích Thanh Phương - trụ trì chùa Sủi vô cùng mến mộ Hòa thượng Thích Thanh Bích đã có những cảm nghĩ như sau: “Năm 1990, Đại lão hòa thượng Thích Thanh Bích về lại chùa Sủi đã sắp xếp cho tôi về trụ trì ở đây. Thầy động viên chúng tôi cố gắng tu hành, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc của người tu hành. Ngài thể hiện tình cảm thắm thiết mà chúng tôi là người kế vãng ngài, thấy hình ảnh, tấm lòng của ngài để lại, chúng tôi nguyện xin vâng lời, giữ gìn. Đạo hạnh của bậc chân tu như đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích đáng kính trọng, đáng được học hỏi, chúng tôi được Hòa thượng cho giữ gìn, trông coi ở đây, chúng tôi nguyện đem những công đức này, vừa để tu học, vừa là giữ gìn, bảo vệ.”[7]

Đến năm 1960, gánh trọng trách kế tổ truyền đăng của Tông phong Lâm Tế, Hòa thượng Thích Thanh Bích cùng với Tôn sư là Tổ Thiên Phúc về Tổ đình Hội Xá, Thường Tín, Hà Nội. Đến năm 1966, do mến mộ đạo hạnh của ngài, người dân xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Tây cảm thỉnh ngài để mời ngài sang trụ trì chùa Ðậu (Thành Ðạo tự). Suốt 20 năm ở đây, Hòa thượng tiết chế ăn uống, nhịn ăn, nhịn uống, không đi thiền quán chữa bệnh, luôn giữ thân thanh tịnh; noi theo hai vị Tổ sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường[8].

Năm 1986, Hòa thượng từ chùa Đậu về chùa Hội Xá, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội kế Tổ truyền đăng, duy trì đạo nghiệp tùng lâm chốn Tổ. Những ngày đầu về chùa, thấy mái nhà dột nát, hư hỏng nhiều, Hòa thượng đã cho tu sửa lại, có lần nhà bếp bị dột, Hòa thượng liền trèo lên mái đảo lại ngói. Cuộc sống thường nhật, Hòa thượng chỉ ăn một bữa, y phục chỉ có ba bộ, đã sờn chắp vá như lá trúc đắp lên, ngài chỉ ngủ ngồi, chấp tác phép tu “khổ hạnh[9], Đầu Đà”[10]. Hòa thượng chỉ chuyên tâm niệm Phật, làm gương cho Tăng, Ni; bàn tay không rời quyển sách kinh, dạy dỗ cho chúng sinh.

Hơn 30 năm ở chùa Sùng Phúc phục tùng giới luật nhà thiền, vừa nguyện chúng kiết Hạ Tăng, Ni; không quan tâm đến tài vận, danh lợi, an bần tự tại, ngài muốn truyền cho đệ tử cái hạnh ấy. “Hun đúc tu Tam học[11], đồng tu Nhất thừa[12], mùa Đông, mùa Hè thức khuya dậy sớm, các thời khóa tịnh tâm theo Tam nghiệp[13], không màng tới tiền tài, không ham danh lợi, an nhiên trong bần hàn, dạy cho đệ tử kế thừa truyền thống, áo rách, túi cỏ, gậy trúc, ít ham muốn, sống thanh nhàn, cũng truyền dạy cho đệ tử cái hạnh tu ấy.”[14] Đại đức Thích Nguyên Thực (chùa Hội Xá) - Đệ tử trưởng của Hòa thượng Thích Thanh Bích kể về người thầy của mình, tấm gương đáng để hậu học noi theo như sau: “Đức tính của Hòa thượng, Phật tử ba miền Trung, Nam, Bắc đều ngưỡng mộ là bậc chân tu hiếm có, không dễ tìm được ở thế kỷ XX - XXI này. Có đức, học rộng hiểu cao, đức tính của Hòa thượng từ xưa vẫn là vậy, cứ giản dị. Hòa thượng tuổi đã cao, đi đâu cũng muốn tự đi tự làm, không muốn ai đi theo, cụ đi ra cầu ao tắm, chúng tôi mới đi theo, nhưng không dám đi gần, sợ Hòa thượng mắng. Hòa thượng tắm, giặt một mình rồi lại đi lên.”[15]

Năm 2005, Đức Đệ nhị Pháp chủ Thích Tâm Tịch, nguyên Trưởng Sơn môn Tế Xuyên - Bảo Khám Hà Nam viên tịch, Hòa thượng Thích Thanh Bích được Sơn môn thỉnh kế nhiệm. Đầu xuân năm 2012, Thành hội Phật giáo Hà Nội cùng Sơn môn long trọng tổ chức đại lễ khánh thọ 100 tuổi của Hòa thượng trưởng lão Thích Thanh Bích. Thời điểm đó, ngài là Hòa thượng cao niên bậc nhất trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn trụ thế.

“Long ẩn Tế Xuyên vân vạn lý

Đức lưu Hội Xá vĩnh thiên thu.”[16]

Đạo nghiệp đã mãn, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích đã an nhiên thu thần, viên tịch vào hồi 8 giờ 20 phút ngày 23 tháng 3 năm 2013 (tức ngày 12 tháng 2 năm Quý Tỵ), tại Tổ đình Hội Xá. Xá lợi Hòa thượng được an nhập vào tháp Phúc Thắng, chùa Hội Xá, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội.

Những cống hiến với Phật giáo Việt Nam

Dù tuổi tác đã cao, bệnh tật quấn thân, Hòa thượng vẫn không lơi là Phật sự hoằng pháp, Hòa thượng tham gia rất nhiều những sự kiện Phật sự quan trọng của Phật giáo Việt Nam như khởi công trùng tu, xây dựng lại các chùa; khánh thành các công trình; các đại lễ lớn của Phật giáo Việt Nam; đặc biệt thường về tham dự giỗ Tổ ở chùa Bảo Khám, Tế Xuyên.

Ngài đồng thời ở ngôi đường chủ nhiều năm của Hạ trường Mai Xá (Hà Nam), Hội Xá (Hà Nội), Mỗ Lao (Hà Nội) cùng nhiều trường hạ khác trong và ngoài địa giới Hà Nội, làm tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Thế hệ đương thời, hậu thế sẽ nhớ mãi về tấm gương thạc đức của Hòa thượng cùng những cống hiến với Giáo hội, xiển dương đạo pháp, đào tạo Tăng tài: Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Thành phố Hà Nội, Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tây, Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây, Tông trưởng Sơn môn Tế Xuyên - Bảo Khám, Viện chủ Tổ Đình Hội Xá - Thường Tín, Hà Nội.

Trong tang lễ của cố Hoà thượng Thích Thanh Bích, khi đọc Điếu văn, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nói về đạo hạnh của ngài rằng: “… Trước sau Cụ luôn có đạo đức chất phác thủy chung… có Đạo hạnh tu hành, tác phong của Cổ Đức. Chúng tôi luôn luôn ghi nhận Cụ là Người có thể tiêu biểu cho giới tu hành hạnh giới hiện đại, là Bậc thuần túy đạo đức, trai giới tịnh nghiêm.”[17]

Tác giả: Thủy Nguyễn
Trung tâm Bảo tồn Di sản Phật giáo

***

Tài liệu tham khảo

1. Chùa Khai Nguyên TTHH Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), Phim tài liệu: “Cuộc đời và đạo nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích”, phát sóng ngày 6/3/2014.
2. Chương trình Chân dung cuộc sống, “Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích - Áo nâu bên cửa thềm”, Kênh truyền hình trực tuyến Văn hóa Việt Nam, phát sóng ngày 19/7/2012.
3. Gia phả họ Nguyễn, lưu trữ tại nhà ông Nguyễn Văn Dùng trưởng dòng họ Nguyễn Văn tại Mai Xá, Đồng Lý, Lý Nhân, Hà Nam.
4. Hội Xá Sùng Phúc tự cúng giác linh khoa, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi 
5. Phim tư liệu “Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích - Bách tuế vinh thọ chí khánh.”

Chú thích:

[1] Hội Xá Sùng Phúc tự cúng giác linh khoa, lưu trữ tại Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi.

[2] Gia phả họ Nguyễn, lưu trữ tại nhà ông Nguyễn Văn Dùng trưởng dòng họ Nguyễn Văn tại Mai Xá, Đồng Lý, Lý Nhân, Hà Nam.

[3] Nhiều tài liệu ghi Hòa thượng sinh năm 1912, ở đây chúng tôi căn cứ vào khoa cúng Hội Xá Sùng Phúc tự cúng giác linh khoa chép ngài sinh vào tháng 8, mùa Thu năm Quý Sửu,  tức tháng 8 năm 1913. Nguyên văn: “Quý Sửu niên mộng ứng liên sinh, Thu bát nguyệt tường vi lân dục.”

[4] Gia phả họ Nguyễn, Tlđd.

[5] Chị nuôi của Hòa thượng thế danh là Dương Tùng Chính, pháp danh là Thích Nữ Như Chính (1913 - 1998)

[6] Đầu Đà nguyên nghĩa là rũ sạch bụi bẩn phiền não, dịch ý là từ bỏ sự tham muốn và dính mắc vào ba thứ áo quần, ăn uống và chỗ ở để tu luyện thân tâm, cũng gọi là hạnh Đầu Đà, sự Đầu Đà, công đức Đầu Đà (dhūta-guṇa). Phật giáo Nam tông có 13 hạnh Đầu Đà, Phật giáo Bắc tông có 12 hạnh Đầu Đà. Trong 12 hạnh Đầu Đà, Hòa thượng Thích Thanh Bích ứng với 4 hạnh:  Mặc y phấn tảo (loại y được làm từ những miếng vải vụn, rách); Chỉ có ba y; Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa; Ngồi ngủ, không nằm ngủ.

[7] Phim tư liệu “Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích - Bách tuế vinh thọ chí khánh.”

[8] Hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tu hành tại chùa Đậu vào thế kỷ 17. Hai vị vừa là chú cháu ruột cũng vừa là hai thầy trò, suốt cuộc đời giữ lối sống thanh đạm, mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm rau vào chính Ngọ. Khi mất nhục thân nhị vị không bị thối rữa.

[9] Khổ hạnh: trước khi thành Phật, đức Thích Ca có tu 6 năm theo lối hành xác, ấy về sau gọi là phép tu khổ hạnh.

[10] Hội Xá Sùng Phúc tự cúng giác linh khoa, Tlđd.

[11] Tam học: Giới, Định, Tuệ.

[12] Nhất thừa: Phật thừa (giáo pháp duy nhất của Đức Phật).

[13] Tam nghiệp: thân, khẩu, ý.

[14] Hội Xá Sùng Phúc tự cúng giác linh khoa, Tlđd.

[15] Phim tư liệu “Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích - Bách tuế vinh thọ chí khánh.”

[16] Hội Xá Sùng Phúc tự cúng giác linh khoa, Tlđd.

[17] Chùa Khai Nguyên TTHH Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), Phim tài liệu: “Cuộc đời và đạo nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích”, phát sóng ngày 6/3/2014.