Bộ ván kinh Phật thuyết Trường A Hàm còn bảo quản tại chùa Phúc Lâm (Dư Hàng), Hải Phòng còn tương đối đầy đủ và tình trạng ván khắc tốt, chữ rõ, sắc nét. Hiện tại bộ ván đã được biên mục, số hóa và bảo quản tốt tại chùa.
Tác giả: TS Nguyễn Khuyến & NNC Phan Anh Dũng Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tóm tắt:
Chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm tự), thuộc xã Dư Hàng (huyện An Dương), nay thuộc địa bàn phường Hồ Nam, quận Lê Chân. Đến thời Trần các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập ở Yên Tử Sơn, đã có mối quan hệ với bản chùa Dư Hàng.
Vì vậy, từ xưa đến nay, chùa Dư Hàng vẫn truyền lệ kỷ niệm sinh nhật vị sư tổ đệ nhất “Điều Ngự Giác Hoàng tinh tuệ thiền sư” tức vua Trần Nhân Tông vào ngày 02/11 âm lịch. Vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm là thiền sư Huyền Quang. Chùa không những gìn giữ được hệ thống các pho tượng cổ chư tổ mà còn bảo quản được bộ ván khắc kinh Trường A Hàm và một số ván về Quan Âm ngũ bách danh.
Từ khóa: Mộc bản, chùa Dư Hàng, Hải Phòng, Trường A Hàm
1. Giới thiệu chung
Tên chữ Hán đầy đủ của bộ sách: 佛說長阿含經, Phật thuyết Trường A Hàm Kinh. Khắc in năm Bảo Đại thứ 8 (1933). Tàng bản tại chùa Phúc Lâm, xã Dư Hàng, Hải Phòng.
Tổng số tập: 6 tập, 22 quyển (tổng 549 tờ)
Tập 1: Quyển 1-3 , Tập 2: Quyển 4-7, Tập 3: Quyển 8-11, Tập 4: Quyển 12-15, Tập 5: Quyển 16-19, Tập 6: quyển 20-22 .
Nội dung: bộ kinh sách là những lời thuyết pháp của Phật Thích Ca ở Kì Thụ Hoa Lâm nước Xá Vệ về đạo bình đẳng (không phân biệt chủng tộc, trai gái) và mặc khế huyền chỉ (tự hiểu thấu đạo lí cao siêu của Phật). Kinh này tập hợp những bài pháp thoại dài của Đức Thế Tôn mà thành, có những bài pháp thoại rất dài, trình bày nhiều vấn đề, nhiều ý nghĩa sâu xa, chứa đựng nhiều giáo lý căn bản.
Trong các bản Phật thuyết Trường A Hàm Kinh do Việt Nam khắc in thì ở thư viện viện Hán Nôm hiện còn 1 bản ký hiệu là AC.391 gồm 3 tập, 22 quyển, với 1064 trang khổ 30 x 18cm, sách có 1 bài tựa có ghi là “trùng san” tức in lại, được san khắc vào năm Bảo Đại thứ 8 (1933), tàng bản ở chùa Dư Hàng, Hải Phòng (tên chữ là chùa Phúc Lâm).
Hiện tại ở Trung tâm Tư liệu Phật giáo có các bản Kinh Trường A Hàm đã số hóa sau:
1. Bản AC.391 lưu ở Viện NC Hán Nôm.
2. Bản chùa Quán Sứ (chưa chụp đầy đủ)
3. Bản chùa Ráng, Phú Xuyên, Hà Nội đầy đủ 6 tập 22 quyển.
4. Bản chùa Bảo Khám, Tế Xuyên, Lý Nhân, Hà Nam, 5 tập, phân khoảng 3 quyển một tập như vậy có khoảng 7 tập và thiếu 2 tập. Việc đối chiếu so sánh bản này với bản 6 tập cần nhiều thời gian, có thể chúng tôi sẽ làm trong một bài khảo cứu riêng.
Bản của Trung tâm Tư liệu Phật giáo dùng để so sánh với mộc bản gốc ở chùa Dư Hàng là một bản mới in lại theo ảnh chụp bản AC.391 nhưng hình thức đóng như dạng sách cổ, trọn bộ in thành 6 tập với 22 quyển.
Qua nội dung của lời tự dẫn khi trùng san lại kinh này được Sa môn tự là Tâm Trí hiệu Huyễn Cư ở chùa Phúc Lâm thành phố Hải Phòng kính bái viết lời dẫn. Bên cạnh đó lại được Sa môn tự Thông Mệnh là Giám viện chùa Đào Xuyên và Giám viện chùa Yên Ninh là Sa môn tự Ngọc Thư cùng trợ giúp hiệu điểm.
Bản khắc này được lưu tại chùa Phúc Lâm xã Dư Hàng, Thành phố Hải Phòng để sau này ấn loát về sau.
Lời tựa bộ kinh này được Thích Tăng Triệu ở Trường An thuật lại vào tháng 7 năm Quý Mão niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1843).
Cuối sách là quyển phương danh dài 6 trang ghi tên tuổi thập phương tùy hỷ cung tiến tiền để san khắc ấn tống bộ kinh này. Qua việc đóng góp kinh phí lần này, có thể nhận thấy rất nhiều các Tỳ Khưu ở các chùa như cụ Pháp chủ chùa Vĩnh Nghiêm; chùa Yên Ninh; chùa Quế Phương; chùa Linh Quang; chùa Khổ Khối; chùa Thắng Phúc; chùa Linh Quang; chùa Phúc Lâm; chùa Hoa Linh, chùa Hoa Nghiêm…
Hy vọng ngày nay các đệ tử kế đăng của nhiều chùa có thể đọc được bộ kinh này và tự hào với chốn tổ xưa kia đã góp tiền của để bộ kinh này ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Theo tác giả Thích Nguyên Hiền “Kinh Trường A Hàm, gồm 22 quyển, do Ngài Phật-đà Da-xá và Trúc Phật Niệm cùng dịch vào năm Hoằng Thủy thứ 15 đời Dao Tần (413), hiện được xếp vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập 1. Sở dĩ nói “Trường” là vì do soạn tập những kinh điển dài nhất trong A Hàm mà thành.
Theo Tứ Phần Luật 54, Ngũ Phần Luật 30, Luận Du-Già-Sư-Địa 85, nguyên do có chữ “Trường” là vì tổng tập những kinh lớn (dài). Tát-Bà-Đa Tỳ-Ni Tỳ-Bà-Sa thì cho rằng Trường A-hàm là phá dẹp các tà thuyết của ngoại đạo. Luận Phân Biệt Công Đức thì cho rằng “Trường” nghĩa là nói những việc lâu xa, nghĩa là trải qua nhiều kiếp vẫn không dứt. Nói chung về phần định danh, các kinh luận nói khác nhau, xong đại để vẫn vậy.
Toàn kinh chia làm 4 phần, gồm 30 kinh. Trong đó, phần thứ nhất nói về bản thủy và sự tích của Đức Phật; phần thứ hai nói về việc tu tập các hạnh và cương yếu giáo pháp của Phật thuyết; phần thứ ba nói về các luận nạn đối với ngoại đạo và dị thuyết; phần thứ tư ghi chép về tướng trạng khởi nguyên của thế giới vũ trụ.
Hiện tại Trung Tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam đã đưa bộ kinh Trường A Hàm 22 quyển trong Đại Chính Tân Tu lên mạng ở địa chỉ https://tulieuphatgiao.vn/kinh-dien-phat-giao/?tukhoa=長阿含經
2. Dữ liệu về bộ mộc bản Kinh Trường A Hàm ở chùa Dư Hàng
Vừa qua Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam đã tới chùa Dư Hàng thực hiện công tác số hóa tư liệu kinh sách và mộc bản, thì thấy là bộ mộc bản kinh Trường A Hàm tàng bản ở chùa Dư Hàng dù đã trải qua gần một thế kỷ và nhiều năm chiến tranh nhưng vẫn còn tương đối đầy đủ, gồm 279 ván, chiếm gần trọn hai tủ ván kinh hiện còn lưu ở chùa Dư Hàng.
Sau đây là số liệu thống kê cụ thể từng ván của bộ kinh, so với bản sách in:
Tổng số ván hiện còn của bộ sách là 279 ván, đa số đều khắc cả hai mặt, mỗi mặt một tờ, tổng số tờ là 538 tờ, nhưng có 2 tờ là khắc lại (hoặc khắc trùng) nên thực tế có 536 tờ so với sách đã in. Phân bố số tờ theo từng quyển ở bảng sau:
Số tờ thiếu gồm: Tờ nhãn, tờ 21 quyển 14, tờ 5 và 6 quyển 17, tờ 11 và 12 quyển 22. Nếu không kể nhãn (vì nhãn cũng thường thay đổi khi in lại) thì thiếu mất 5 tờ thuộc nội dung sách, với tỉ lệ hư hao mất mát như thế thì có thể nói là bộ mộc bản hiện còn khá đầy đủ.
Cuối quyển có ghi tên thợ khắc như phó Thử, phó Cụ .v.v. vốn là thợ khắc ở các làng nghề khắc ván truyền thống Thanh Lục, Liễu Tràng Hải Dương.
Tình trạng ván qua hơn 90 năm (tính từ năm 1933 - Bảo Đại thứ 8 là đã gần 1 thế kỷ) vẫn còn khá tốt, nhiều ván nứt nhẹ nhưng nếu in ra giấy thì mắt thường khó nhận ra các khe nứt đó, chỉ có một vài ván sứt mép thì có mất chữ hay mất nét chữ khi đem in lại.
Nếu các chùa hay nhà nghiên cứu nào cần dữ liệu ảnh chụp số hóa của từng mộc bản xin liên hệ với Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam.
3. Nhận xét
Bộ ván kinh Phật thuyết Trường A Hàm còn bảo quản tại chùa Phúc Lâm (Dư Hàng), Hải Phòng còn tương đối đầy đủ và tình trạng ván khắc tốt, chữ rõ, sắc nét. Hiện tại bộ ván đã được biên mục, số hóa và bảo quản tốt tại chùa.
Bộ ván là một trong những bộ thuộc 4 bộ A Hàm, hiện nay đã tìm thấy ván khắc của 2 bộ là Tạp A Hàm và Trường A Hàm tại Việt Nam. Còn bộ Trung A Hàm mới chỉ tìm thấy 01 ván tại chùa Quảng Bá Hà Nội, còn bộ Tăng nhất A Hàm vẫn chưa thấy ván khắc.
Từ bộ ván khắc Trường A Hàm hiện còn, tiếp tục cung cấp thêm tư liệu di sản quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Từ đó có thể khẳng định truyền thống khắc ván in kinh của nhiều ngôi cổ tự và việc hoằng dương Phật pháp qua việc in ấn kinh sách. Ngoài ra, bộ ván kinh này cũng góp phần bổ sung thêm cứ liệu về những đóng góp của nghệ nhân khắc ván của làng nghề khắc ván ở Hải Dương đối với Phật giáo Việt Nam.
Tác giả: TS Nguyễn Khuyến & NNC Phan Anh Dũng Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam - Viện NCPHVN tại Hà Nội ***
Tài liệu tham khảo
1. http://hannom.org.vn/default.asp?CatID=248
2. https://tulieuphatgiao.vn/phat-thuyet-truong-a-ham-kinh-bo-6-quyen/
3. Phật thuyết Trường A Hàm kinh, bản lưu tại chùa Phúc Lâm, Hải Phòng
Bình luận (0)