Trang chủ Chuyên đề Chữ Khmer và kinh lá buông trong dòng chảy văn hóa Phật giáo Nam tông: Nhận diện và bảo tồn giá trị

Chữ Khmer và kinh lá buông trong dòng chảy văn hóa Phật giáo Nam tông: Nhận diện và bảo tồn giá trị

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Chữ Khmer và kinh lá buông tại An Giang là một di sản Văn hóa độc đáo và nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và tu sĩ Khmer. Song, mặc dù có nhiều tiền đề để phát triển, nhưng thực sự nhiều người tín ngưỡng Phật giáo chưa nhận biết được cũng như chưa có điều kiện tiếp cận với hệ thống kinh điển như vậy.

ThS. Đỗ Duy Hưng & ThS. Trần Anh Châu
Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Tóm tắt:
Kinh lá buông và chữ Khmer trên kinh lá được chế tác và khắc rất cầu kì, với đôi bàn tay tài hoa và sự hiểu biết thấu đáo của người nghệ nhân Khmer Nam Bộ – đồng thời cũng là các tu sĩ Nam tông Khmer.
Tiếp cận vấn đề về nhận diện và bảo tồn Kinh Lá Buông, chúng tôi hướng đến mục đích cao nhất đó là giá trị của các bộ Kinh Lá Buông hiện được lưu giữ tại gần 30 ngôi chùa Nam tông – Khmer.
Thông qua các phương pháp nghiên cứu đặc thù của ngành Tôn giáo học kết hợp với cách thức tiếp cận liên ngành như Văn hóa, Lịch sử,… qua phương pháp chủ yếu là phân tích – tổng hợp, nghiên cứu này tập trung làm rõ các vấn đề như sau: Thứ nhất, Khái lược về chữ Khmer và kinh lá buông của Phật giáo Nam tông Khmer trong văn hóa Phật giáo Việt Nam; thứ hai, phân tích chữ Khmer và kinh lá buông trong dòng chảy Văn hóa Phật giáo Nam tông Việt Nam; thứ ba, đề xuất một số biện pháp về công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển ứng dụng chữ Khmer cổ và kinh lá buông hiện nay.
Từ khóa: Chữ Khmer, kinh lá buông, Phật giáo Nam tông Khmer,…

Dẫn nhập

Trong kho tàng kinh điển Phật giáo Việt Nam, ta có thể dễ dàng nhận thấy có sự hiện diện của các cuốn kinh sách Phật giáo theo lối Bắc truyền, được viết trên chất liệu giấy, khắc trên gỗ (mộc bản) bằng chữ Quốc ngữ hiện hành, chữ Hán cổ và thậm chí có cả chữ Nôm. Song, những cuốn kinh điển này chưa phải là toàn bộ. Chính kinh lá nói chung và kinh lá buông nói riêng, trọng tâm ở đây là kinh lá buông của người Khmer Nam Bộ trong nhịp chảy Văn hóa Phật giáo Việt Nam chính là một trong những mảng màu khác biệt khiến hệ thống kinh điển Phật giáo trở nên đa sắc hơn.

Tuy nhiên, kinh điển lá buông của Phật giáo Nam tông Khmer lại đang dần dần trở nên mai một và bản thân việc tiếp cận kinh điển lá buông cũng như nội dung kinh lá buông giữa dòng chảy Phật giáo – Văn hóa Phật giáo vẫn là một điều đáng để quan tâm. Không có quá nhiều công trình nghiên cứu được công bố có đủ sức khai phá được toàn bộ về hệ thống kinh điển và sách chữ lá buông của cộng đồng người Khmer. Một phần đến từ khía cạnh văn tự Khmer và một phần đến từ rào cản ngôn ngữ cũng như cách thức để tiếp cận nghiên cứu. Bởi vậy, đề cập đến chữ Khmer, văn tự Khmer và tinh thần Phật giáo trên kinh lá buông của người Khmer đến nay vẫn là một vấn đề khó.

Tham luận này không giải quyết hết toàn bộ những vấn đề đặt ra nêu trên, chúng tôi chỉ góp phần nghiên cứu nhằm mục đích nhận diện và bảo tồn chữ viết trên kinh lá buông và bản thân kinh lá buông của Phật giáo Nam tông Khmer. Từ tiếp cận Tôn giáo học, sử dụng một số phương pháp nghiên cứu đặc thù của chuyên ngành, chủ yếu qua việc phân tích – tổng hợp, nghiên cứu này giải quyết các vấn đề như sau: thứ nhất, khái lược về chữ Khmer và kinh lá buông của Phật giáo Nam tông Khmer trong văn hóa Phật giáo Việt Nam; thứ hai là tìm hiểu về chữ Khmer và kinh lá buông trong dòng chảy Văn hóa Phật giáo Nam tông Việt Nam; thứ ba là đưa ra một vài đề xuất về công tác bảo tồn, gìn giữ chữ Khmer cổ và kinh lá buông hiện nay.

1. Khái lược về chữ Khmer và kinh lá buông của Phật giáo Nam tông Khmer trong văn hóa Phật giáo Việt Nam

Chữ Khmer hay chữ viết của người Khmer là dạng thức văn tự gắn với hệ ngôn ngữ Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm Môn – Khmer (Hồ Xuân Mai, 2012, tr43), mượn chữ viết như của người Ấn (Hoàng Văn Ma, 2002, tr 72-73) vào khoảng thế kỉ VI. So với chữ viết của người Việt, người Khmer cũng dùng loại hình chữ viết tượng thanh, ghi âm và ghép vần như của người Việt nhưng hệ thống văn tự Khmer cực kì phức tạp. Theo tài liệu môn Tiếng Khmer của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếng Khmer có 24 nguyên âm không độc lập, 15 nguyên âm độc lập, 33 phụ âm và 32 chân phụ âm. Trước đây, văn tự Khmer cổ chỉ được xem là công cụ sử dụng trong các chùa nhằm mục đích biên soạn kinh sách nên đã từng có một thời gian ngôn ngữ này bị hạn chế bởi nhiều mặt (Hồ Xuân Mai, sdd, tr46). Chính điều này đã khiến cho ngôn ngữ Khmer cổ, chữ của người Khmer xuất hiện nhiều trong các ngôi chùa Khmer Nam Bộ, ít thấy ở dân gian Khmer.

Người Khmer theo Phật giáo Nam tông, nhưng không phải Nam tông thuần túy. Phật giáo Nam tông hay còn gọi là Theravada. Theravada vào Việt Nam từ khi nào thì chưa có cột mốc chính xác hoàn toàn, nhưng trên tàn tích cổ Phù Nam, đặc biệt là trên các bia đá cổ được tìm thấy tại Phù Nam xưa thì ta có thể thấy được ở giai đoạn TK V đã có sự tồn tại của bộ phận Phật giáo Nguyên Thủy trên lãnh thổ Phù Nam. Người Phù Nam cổ xưa đã theo Phật giáo. Còn, theo đường truyền phía Nam, Phật giáo vào Hà Tĩnh từ trước Tây lịch, còn lại dấu tích tại vùng đất Quỳnh Viên, Hà Tĩnh (Lê Mạnh Thát, 2006, tr 25-26). Như vậy, theo đường truyền phía Nam, Phật giáo vào Việt Nam có thể đã từ rất lâu đời, nhưng về niên đại chính xác của dòng Theravada bước chân chính thức vào Việt Nam và ảnh hưởng đến Văn hóa Phật giáo Việt Nam vẫn còn là vấn đề cần có sự nghiên cứu và thống nhất để chuẩn hóa mốc thời gian cụ thể.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chu Khmer Va Kinh La Buong Trong Dong Chay Van Hoa Phat Giao 1

Hiện nay, Phật giáo Nam Tông tại Việt Nam đang có hai hệ phái lớn đó chính là Phật giáo Nam tông Kinh và Phật giáo Nam tông Khmer. Phật giáo Nam tông được người Kinh tại Việt Nam tín ngưỡng và ghi dấu ấn sâu sắc tại Việt Nam có phần muộn hơn Phật giáo Nam tông Khmer. Đến cuối những năm 30 của thế kỉ XX, với sự xuất hiện của các nhà tri thức Việt Nam sinh sống trên mảnh đất Campuchia truyền bá vào Sài Gòn như nhà sư Thiện Luật, Huệ Nghiêm và Hộ Tông (Thiện Hậu, 2017, tr20-23). Trong khi đó, Phật giáo Nam tông Khmer, theo Võ Minh Tuấn, được du nhập và đồng bộ hóa với Văn hóa tín ngưỡng của người Khmer từ khoảng thế kỉ IV (Thích Nhật Từ chủ biên, 2021, tr162). Như vậy, hiện tại Phật giáo Theravada tại Việt Nam đang có hai dòng lớn đó là Phật giáo Nam tông Kinh và Phật giáo Nam tông Khmer.

Nhắc đến Phật giáo Nam tông Khmer thì không thể không nhắc đến sự hiện diện của các ngôi chùa Khmer. Người Khmer coi trọng ngôi chùa hơn cả ngôi nhà của họ, chính vì vậy, trong bộ phận các khum sóc Khmer đều có những ngôi chùa với kết cấu truyền thống, màu sắc sặc sỡ, gắn chặt với cộng đồng người Khmer tại các phum sóc. Kết cấu không gian một ngôi chùa Khmer tương đối đơn giản, với phần Chánh điện là nơi quan trọng nhất cùng các khu vực Sala, vườn tháp, và một số khu vực khác. Ngôi chùa của người Khmer chủ yếu được sử dụng sắc vàng kim, xanh lam, nổi bật hẳn trong địa phận. Lối kiến trúc Khmer truyền thống, nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao chính là nền tảng góp phần khiến ngôi chùa của người Khmer giống như một vùng trời ngay tại nhân gian.
Điểm nổi bật, dễ nhận ra nhất của các sư Nam tông Khmer đó chính là sắc y màu vàng cam, cạo hoàn toàn phần lông mày khi xuất gia. Người Khmer có tục lệ xuất gia báo hiếu, chính vì vậy, ta có thể dễ dàng bắt gặp trong ngôi chùa Khmer hình ảnh các “sư trẻ” ở độ tuổi 16, đi tu báo hiếu. Họ có thể ở lại chùa tu từ một vài tháng cho đến vài năm, tùy theo tâm phát nguyện. Đối với những người đã xuất gia gieo duyên như vậy, sau khi họ quay lại với cuộc sống thường nhật sẽ nhận được nhiều sự ưu ái của cộng đồng người Khmer. Mặt khác, việc vào chùa xuất gia đối với người Khmer có vai trò quan trọng không chỉ trong tâm thức – tiềm thức của bộ phận người Khmer Nam Bộ mà còn trong chính cuộc sống thường nhật của Nam giới người Khmer. Có thể nói, trong khoảng thời gian xuất gia deo duyên của nam giới người Khmer, họ được giảng dạy văn hóa Khmer, chữ Khmer, cũng như Phật giáo Nam tông Khmer. Điều đó khiến những Nam thanh niên người Khmer xuất gia báo hiếu có kiến thức, tri thức và được tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình trong quá trình tu tập.

Kinh lá buông là một bộ phận của kinh lá, xuất hiện chủ yếu trong cộng đồng người Chăm và người Khmer. Song, đối với cộng đồng người Khmer, kinh lá buông giữ một vai trò hết sức quan trọng. Kinh lá buông của Phật giáo Nam tông Khmer xuất hiện từ bao giờ và ở đâu đến Việt Nam vẫn còn là một ẩn số cần có sự nghiên cứu kĩ hơn, song, với các bộ kinh lá buông cổ nhất được lưu lại cách đây hàng thế kỉ thì chúng ta có thể chứng minh rằng, sự xuất hiện của kinh lá buông vào Việt Nam (qua đường truyền Campuchia) đến nay cũng đã hơn 100 năm. Song, các bộ kinh lá buông hiện được lưu giữ rải rác tại các ngôi chùa Khmer, rải rác chủ yếu quanh khu vực huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Có đến 108 bộ kinh lá và 736 quyển kinh được lưu giữ tại 28 ngôi chùa trong phạm vi 2 huyện: Tri Tôn và Tịnh Biên (Sở Nội vụ An Giang, 2013, Báo cáo khảo sát tài liệu quý hiếm tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên). Đây có thể coi là số lượng kinh lá tương đối nhiều trong 2 huyện. Tuy nhiên, với kho tàng Văn hóa dân gian của Khmer, với gần 1,4 triệu người Khmer trên lãnh thổ Việt Nam (tính đến năm 2019) thì số lượng kinh sách viết thủ công trên lá buông vẫn chưa phải con số quá cao. Song, về tầm quan trọng thì không thể phủ nhận.

Sự trân quý của kinh lá buông không chỉ nằm ở phương diện văn hóa được lưu truyền lại đối với người Khmer nói chung và Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, mà nó còn nằm ở sự thủ công trong quá trình chế tác và điêu khắc chữ Khmer trên nền lá buông. Nghệ thuật chế tác lá buông thành lá kinh phải bắt nguồn từ khi lá còn non, mới lên đọt, chưa bị đổi sắc. Sử dụng dây cuốn chặt không cho lá nở, đến khi lá bặt đầu già mới chặt xuống khỏi cây, rút gân lá và chia lá thành các phần (Nguyễn Văn Lùng, Nguyễn Thị Tâm Anh, 2021, tr102). Mỗi lá có thể chia thàng 4-5 khúc. Mỗi khúc dài từ 50-60cm và có thể viết từ 4 đến 5 dòng kinh trên 1 lá kinh. Trải qua quá trình phơi khô, ép lá, khắc chữ tỉ mỉ và cầu kì, mỗi cuốn kinh sau khi được khắc chữ xong, người nghệ nhân chế tác kinh lá buông sẽ đóng thành một tập kinh lá, có bìa gỗ, và “lấy dung dịch nước bột vàng quét phủ lên gáy sách, bìa sách tựa sơn son thiếp vàng” (Lan Thoa, 2014, đoạn 3). Kinh lá buông hiện nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm chu đáo của các cơ quan bảo tồn, chính vì vậy, việc bảo tồn kinh lá buông trong cộng đồng Phật giáo Nam tông Khmer chủ yếu do các ngôi chùa tự bảo quản, thường được đặt trong các tủ kính.

Kinh lá buông và loại hình văn bản ghi chép lại gần như toàn bộ nền Văn hóa Khmer Nam Bộ. Các phạm trù đề cập của kinh lá buông tương đối rộng, từ những vấn đè liên quan đến giáo dục, văn hóa, tôn giáo (Phật giáo),… và tất cả những gì xoay quanh chất đời nhất đều được ghi chép lại trong các bộ kinh lá buông. Nó được người Khmer cổ gán cho một ý nghĩa về sự răn dạy con người, về thái độ và hành vi ứng xử, về phong tục tập quán, về âm nhạc và nghệ thuật,… Những câu chuyện được viết trên kinh lá buông chủ yếu được viết dưới dạng dối đáp, thơ, văn vần,… ít có sự xuất hiện của văn xuôi thông thường. Thậm chí, ta có thể bắt gặp những tục ngữ Khmer, thành ngữ Khmer qua các bản kinh lá buông.

Người Khmer chịu sự tác động và ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông và tín ngưỡng của dân tộc nên việc xuất hiện và định hình cho sách lá buông thành hệ thống kinh – sách và gọi chung là kinh lá buông cũng là vấn đề không quá khó hiểu. Sở dĩ như vậy bởi trong kho tàng – hệ thống kinh điển lá buông và văn hóa Khmer đều có sự ảnh hưởng lớn từ tư tưởng của Phật giáo Theravada kết hợp với chất dân dã có sẵn trong tín ngưỡng của người Khmer. Nó không quá khác biệt với câu chuyện dung hợp tín ngưỡng với Tôn giáo qua sự hiện diện của Mẫu trong chùa người Kinh. Tất nhiên, người Khmer không có Mẫu và chùa Bắc truyền người Kinh còn chịu ảnh hưởng từ văn hóa dân gian miền Bắc nên nếu bóc tách rõ rệt sẽ không giống nhau. Điều này, chúng tôi sẽ tiếp tục bàn luận trong các bài viết khác.

Trải qua 4 phần lớn và hàng trăm phần nhỏ, tiếng Khmer và văn tự cổ Khmer trên kinh lá buông thực sự mang đặc trưng Phật giáo đã chiếm tới hơn ¼ dung lượng của Phật giáo Nam tông đối với đời sống tinh thần của người Khmer. Từ đó có thể thấy, văn hóa Phật giáo Nam tông và Phật giáo Nam tông Khmer đã ăn sâu vào văn hóa Khmer, biểu thị trên các câu chuyện dân gian Khmer và ngôi chùa Khmer cũng như trong nội dung của các bản kinh lá buông Khmer.

2. Chữ Khmer và kinh lá buông trong dòng chảy Văn hóa Phật giáo Nam tông Việt Nam

2.1. Nhận diện về văn tự Khmer và kinh điển của Phật giáo Nam tông Khmer trên lá buông

Chữ Khmer được khắc trên lá buông cũng là vấn đề khá “đau đầu” của những nhà khoa học và những người thực hành trong quá trình tiếp xúc với lá buông. Chữ được khắc trên kinh lá buông thuộc 2 phong phạm, thứ nhất là chữ Pali và thứ hai là chữ Khmer cổ. Chữ Pali hay còn gọi là Nam Phạn, là loại chữ đặc trưng nhất cho kinh sách Nam tông – Theravada. Chữ Khmer cổ là chữ viết xa xưa của người Khmer, được lấy mẫu từ dòng chữ Ấn – từ cuối TK VI. Hai loại chữ này không quá khác biệt với nhau, đều có sự xuất thân từ Ấn Độ. Tuy nhiên, trong quá trình khắc chữ trên kinh lá buông, những nhà sư có quy ước về việc sử dụng ngôn ngữ Pali và ngôn ngữ Khmer cổ khá rành mạch: tên kinh được khắc bằng chữ Pali, tại dòng trên cùng của kinh; dòng thứ hai đề thời gian (viết bằng chữ Pali) và dòng cuối cùng khắc dòng chữ Khmer cổ với ngụ ý cuốn kinh được sử dụng trong ngôi chùa Theravada. Nội dung kinh có thể có sự pha trộn của hai loại ngôn ngữ này tùy theo vấn đề mà người khắc đề cập và tầm quan trọng của bộ kinh.

Khắc chữ Khmer lên lá buông là cả nghệ thuật của sự chế tác. Bởi, đặc trưng của lá buông là độ mỏng, chính vì vậy khi khắc kinh cần đảm bảo chữ đẹp và lực đủ. Nếu lực tay quá mạnh sẽ khiến cho lá kinh bị rách, còn trong trường hợp lực tay quá nhẹ khiến chữ chưa thực sự hằn trên lá kinh, mực khắc chưa thực sự ăn sâu vào lá cũng sẽ khiến bay mực và ảnh hưởng đến chất lượng của kinh lá buông. Vì vậy, người khắc kinh cũng cần có những sự cảm nhận lực khi tác động vật lý lên lá làm kinh.

Đối với việc khắc chữ, kinh lá buông được khắc thủ công bằng một công cụ được gọi là đéc-cha, có phần đầu bút được chế tác từ đinh nhọn, thân bút dài khoảng ngoài 20-30cm, đường kính khoảng 3cm, chuyên sử dụng trong việc khắc kinh. Trong quá trình khắc kinh, người nghệ nhân khắc đòi hỏi sự tập trung cao độ và hiểu biết tường tận cách viết của người Khmer, tức thông thạo Văn tự Khmer cổ và chữ Pali, tránh để việc viết lệch, viết sai, thiếu nét. Nếu có sự sơ xuất trong quá trình viết thì lá viết kinh phải bỏ đi, gây lãng phí và không có sự tôn kính đối với kinh văn.

Về phần nội dung, kinh lá buông được chia thành 4 chủ đề chính, trong đó bao gồm:

Thứ nhất là Satra Rương hay còn gọi là Satra Tâm noong ghi chép lại các câu chuyện cổ tích của người Khmer. Các câu chuyện cổ tích này xoay quanh những ánh lửa quây quần mà các sư Khmer kể cho các sãi trẻ trong chùa, mang những bài học về giá trị cuộc sống của người Khmer. Nó được coi như hệ thống văn học tiểu thuyết của người Khmer. Vfa đôi khi, những câu chuyện này có thể được chuyển hóa thành các bộ tuồng, kịch nên người Khmer đôi khi cũng gọi nó là truyện tuồng Lò Khon (Thích Nhật Từ chủ biên, 2021, tr 345).

Thứ hai là bộ Satra Chơbắp (luật giáo huấn). Bộ sách này thường do những người trí thức viết ra theo đúng luật Khmer. Bộ sách này được chia làm hai loại, dành cho những người tu hành và dành cho những người bình thường. Được diễn xướng theo thể thơ Khmer, Satra Chơ-bắp có nhiều câu chuyện thơ, bao gồm Satra Chơ-bắp Piêk-Chas (lời khuyên của người xưa), Satra Chơ-bắp Koon-chau (lời khuyên con cháu), Satra Chơ-bắp Xê-rây (luật khuyên con gái) và Satra Chơ-bắp Pờ-rôs (luật khuyên con trai) (Hoàng Tuấn, 2013, tr 28)…

Thứ ba là tập Satra Lbeng (La-bớk) hay còn gọi là truyện ngụ ngôn dân gian. Tập sách này chủ yếu ghi chép lại về các câu truyện cười sâu cay nhằm ẩn ý châm biếm một việc nào đó theo quan niệm đạo đức của người Khmer. Tuy nhiên, thay vì quan niệm về nó dưới dạng thức của thần kì thì Satra Lbeng lại được xoay quanh những vấn đề liên quan đến luân hồi của Phật giáo khiến các bộ truyện thơ Satra Lbeng trở nên gần gũi và dễ dàng đi vào lòng người, phục vụ vấn đề truyền bá giáo pháp của Phật giáo một cách khá chỉn chu.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chu Khmer Va Kinh La Buong Trong Dong Chay Van Hoa Phat Giao 2

Cuối cùng là tập Satra Tes hay còn gọi là kinh điển Phật giáo, là măng Satra viết về Văn học Phật giáo đồ sộ của người Khmer. với mảng này, bộ phận Văn học Phật giáo Khmer được chia thành 4 nhóm: Nhóm Chiếc Đốk ghi lại tiền kiếp của Phật Thích Ca, nhóm Moha Chiếc ghi lại hạnh bố thí của Phật được triệt để thực hiện, nhóm Tô- chiếc nói về 10 hạnh nguyện của đức Phật. Và tất nhiên, ở bộ sách này sẽ không thiếu Tam Tạng kinh điển, Kinh pháp cú,… dịch từ tiếng Bali sang tiếng của người Khmer (Thích Nhật Từ, sdd, tr346).

Trong số 4 phần lớn kể trên, nội dung trọng tâm nhất và chiếm dung lượng lớn nhất chính là kinh sách Phật giáo Theravada của riêng người Khmer, được viết bằng chữ Khmer theo dòng Nam tông. Thực chất, ngoài tập Satra Tes thì bản thân tập Satra Lbeng cũng có tính giáo dục con người thông qua sự hiện diện của các thành tố liên quan đến luân hồi, sử dụng nó như một phương thức để giáo dục con người một cách hài hước và sâu cay. Ngay chính trong phần kinh Satra Chơ-bắp cũng có các yếu tố gần Phật giáo Theravada, có mượn hình ảnh của Phật để giáo dục đạo đức con người ví như câu “Hay âm thanh vang khắp bầu trời cũng không bằng âm thanh của Đức Phật đánh thức tâm hồn con người” (theo Satra Chơ-bắp Kon-chau). Vì vậy, có thể coi rải rác xung quanh các Satra trong các bộ kinh lá buông của người Khmer đều có sự xuất hiện của hình ảnh Phật.

Riêng với bộ Satra Tes, đây được coi là mảng Văn học Phật giáo nổi bật nhất của người Khmer. Trong cộng đồng người Khmer Nam Bộ nói chung và tu sĩ Nam tông Khmer nói riêng, hình ảnh Phật xuất hiện không huyền ảo và mờ sương khói với các phép thuật lạ kì như cách mà người Kinh tin tưởng vào Phật. Người Khmer coi Phật là người Thầy dẫn dắt vì vậy. mặc dù vẫn có sự thiêng và tính thiêng trong quá trình Phật giáo Nam tông ảnh hưởng đến người Khmer nhưng, họ vẫn có quan niệm bám sát tính thực. Người Khmer tin tưởng về luật Nhân quả và Luân hồi, nên trong các bộ kinh Khmer trên lá buông, quan điểm này xuất hiện rất nhiều lần. Và thậm chí, chính bản thân đức Phật của người Khmer cũng đã từng có tiền kiếp sinh ra và chịu sự luân hồi của Nghiệp như nội dung của bộ Krong So-pi-sach nói về Đức Phật thuở còn làm đôi chim đa đa, hay hai đời Phật làm hoàng tử, được ghi chép lại thành hai bộ kinh riêng biệt…

Nói chung, việc kinh điển Nam tông Khmer chính thống trong hệ thống kinh lá buông chiếm giữ vị trí đặc biệt to lớn và quan trọng. Thực chất, dựa vào văn cảnh và nội dung ta vẫn có thể bóc tách kinh lá buông của người Khmer thành kinh lá buông Phật giáo và Satra dưới dạng sách lưu lại văn hóa của riêng bộ phận người Khmer. Song, do người Khmer và Phật giáo Nam tông đã quá hòa quyện với nhau, hình thành riêng hệ phái Nam tông Khmer – Nam tông của riêng người Khmer nên các bộ sách kinh không thể nào và cũng không nên bị tách khỏi nhau trong cùng một phổ Văn hóa Khmer cổ truyền.

Hệ thống kinh điển Khmer, kinh điển được khắc trên lá buông có ưu điểm lớn nhất đó chính là ít (gần như không) bị bạc màu bởi thời gian. Sở dĩ như vậy vì kĩ thuật khắc chữ Khmer cổ trên kinh điển lá buông từ cổ xưa đã vừa khắc chìm chữ trên lá và đồng thời truyền mực in vào trong lá khiến lá buông – kinh lá buông có thể lưu giữ được trước nếp gấp của thời gian.

Song, nó vẫn có hạn chế nằm ở việc công nghệ khắc truyền thống cùng bài toán đặt ra trong vấn đề lưu giữ để tránh mối mọt. Bởi không phải người tu hành nào cũng có thể thực hiện tròn vẹn một bộ kinh lá buông từ khâu chuần bị giấy cho đến đóng quyển, khắc chữ. Hòa thượng Chau Ty, sãi cả chùa Sài Son, huyện Tri Tôn là người nổi tiếng nhất có thể thuần thục tạo ra một bộ kinh Khmer trên lá buông bằng công nghệ truyền thống.

Song, không vì điều đó mà chúng ta bỏ quên đi kinh lá buông giữa nhịp chảy của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng. Vẫn có những người như hòa thượng Chau Ty chùa Sài So cùng các sư – sãi Nam tông Khmer miệt mài truyền bá tư tưởng Phât giáo và Văn hóa Khmer Nam Bộ vào từng chữ kinh nhằm lưu lại chính văn hóa bản địa của mình, lưu lại giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể – kinh lá buông trước nguy cơ thất truyền.

Như đã trình bày, dung lượng kinh lá buông trong tổng thể hệ thống kinh điển Khmer Nam truyền tương đối nhiều. Chưa có bản dịch thuật một cách trọn vẹn nên chúng tôi chưa thể chắc chắn về dung lượng Phật giáo – kinh điển trong tổng thể hệ thống kinh lá buông chiếm bao nhiêu phần trăm. Chúng tôi nhận thấy rằng, việc xuất hiện yếu tố Phật giáo trong kinh lá buông mà chúng tôi có dịp khảo sát được là tương đối nhiều. Đặc biệt, bộ phận kinh sách được khắc trên lá buông ghi chép lại cuộc đời của Phật Thích Ca – từ khi ra đời đến khi đắc đạo, từ nhiều kiếp đến kiếp sống cuối cùng là một kho tàng tư liệu Phật học vô cùng quý giá của người dân Khmer theo Phật giáo Theravada.

Điểm đáng quý hơn ở đây không chỉ đơn thuần là việc chúng ta nhận thấy sự xuất hiện của một bộ phận kinh lá buông của Phật giáo Theravada Khmer, mà ta có thể thấy văn hóa Phật giáo lấn sâu trong văn hóa dân tộc và hòa nhập với tín ngưỡng dân gian của người bản xứ, định hình hẳn hệ phái Nam tông Khmer trong dòng chảy của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Ở Việt Nam, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, song, sự xuất hiện của Phật giáo Nam tông Khmer và đặc biệt là sự tiếp biến của Văn hóa Khmer và Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), hình thành – phát triển – bùng rộ trong chính một cộng đồng cư dân Khmer Việt Nam đã khiến cho tinh thần Phật giáo thấm nhuần cùng Văn hóa Khmer, khiến nền Phật học Việt Nam sâu sắc hơn, đa dạng hơn.

2.2.Giá trị của văn tự Khmer cổ và kinh lá buông trong Văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer Việt Nam

Kinh lá buông mang trong mình không chỉ một mà còn nhiều giá trị cao cả – đặc biệt, mà điểm chạm đầu tiên chính là ở Văn hóa. Có thể nói, kinh lá buông vừa mang tầm vóc của bộ nhận diện Di sản văn hóa phi vật thể, vừa mang dáng hình của di sản văn hóa Vật thể của riêng người Khmer.

Trên khía cạnh phi vật thể, kinh lá buông lưu giữ lại toàn bộ hệ giá trị tư tưởng, văn hóa của người Khmer trên nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Có thể nói, về phần kinh điển lá buông của người Khmer dưới góc nhìn phi vật thể, dường như chỉ cần đọc được toàn văn kinh lá buông là ta có thể nắm được hết những gì tinh hoa nhất trong nhịp sống của người Khmer Nam Bộ. Từ các khía cạnh thuộc về niềm tin (Phật giáo và đạo Balamon) cho đến khía cạnh đời sống như âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc,… và thậm chí còn học được ở người Khmer những luật tục, phong tục thường nhật của nhịp sống đang diễn ra.

Trên khía cạnh vật thể, những tác phẩm thủ công truyền thống – kinh lá buông của người Khmer đang là những hiện vật quan trọng cần được bảo tồn, lưu giữ và phát triển. Vì vậy, để có thể bảo vệ được Phật giáo Nam Tông Khmer – văn hóa Khmer thì trước hết cần có sự bảo tồn kinh điển Khmer khắc trên lá buông, nói cách khác chính là tham gia trực tiếp vào việc bảo tồn kinh lá buông. Ta có thể nhận thấy, nếu tổng thể con số kinh lá buông được lưu giữ lại tại các ngôi chùa lớn thuộc cộng đồng Nam tông Khmer thì việc xuất hiện của kinh lá buông lên đến con số 700 quyển là không nhỏ cho 28 ngôi chùa. Tuy nhiên, chưa tính các chùa nhỏ tản mát quanh các phum sóc Khmer, chưa kể đếm được các bộ kinh lá buông của người Khmer viết về các vấn đề khác nhau thì việc 100 bộ kinh có lẻ với tổng thảy hơn 700 cuốn kinh là một con số không nhiều cho mọi mặt của đời sống người Khmer dang được sách kinh lưu giữ, Chính vì vậy, cần có sự nghiên cứu cách thức bảo quản lá buông, bảo quản kinh lá buông sao cho hợp lý tại các ngôi chùa Nam tông Khmer.

Thứ hai, kinh lá buông là một trong những căn cứ lịch sử Văn hóa chứng minh sự tồn tại của Phật giáo Nam tông của người Khmer. Đây là một vấn đề quan trọng, bởi nếu chưa/không có sự hiện diện của kinh lá buông trong cộng đồng Nam tông Khmer chúng ta sẽ mất đi một chứng cứ lịch sử, minh chứng cho việc đã từng có một hệ phái tu hành của riêng người Khmer song hành cùng các trường phái tu hành khác của dân tộc. Như cách ngành khảo cổ học chứng minh sự tồn tại hay không tồn tại của một huyền tích (trường hợp nền nhà Chử Đồng Tử tại Hà Tĩnh), việc bảo tồn giá trị kinh là buông giữa nhịp sống hiện đại, tránh sự mai một và mất đi của một nền văn hóa (ở đây chính là văn hóa Phật giáo Nam Tông Khmer), góp phần tạo ra một căn cước lịch sử để chứng minh Phật giáo Nam Tông Khmer tồn tại phát triển trên lãnh thổ của Việt Nam, là một bộ phận không thể tách rời của Phật giáo Việt Nam. Một mặt, các ngôi chùa Khmer và các nhà sư Nam Tông Khmer đã đóng góp, đồng hành cùng lịch sự dân tộc, mặt khác, các bộ kinh lá buông của Phật giáo Nam Tông Khmer cũng là minh chứng rõ ràng nhất, không không thể phủ nhận của Phật giáo Nam Tông Khmer trong bước chuyển mình của Phật giáo Việt Nam. Chính vì điều đó, Phật giáo Nam tông Khmer cần có kinh là buông như một con người cần có căn cước công dân để minh chứng cho sự tồn tại, của mình trong tổng quan của cả một đất nước, một dân tộc đa dạng về văn hóa và có bề dầy lịch sử như Việt Nam.

Thứ ba, kinh lá buông đang lưu giữ nghề làm giấy kinh từ lá cây buông. Trên khía cạnh văn hóa làng nghề cổ truyền truyền thống, việc làm ra – chế tác ra thành phẩm lá buông là điêuù tương đối khó khăn, đòi hỏi tính thủ công cao và sự tỉ mỉ rõ ràng đến từng chi tiết. Điều đó khiến cho nghề thủ công làm giấy kinh từ lá cây buông không được nhiều người biết đến. Hơn nữa, việc thủ công hóa hay cố gắng giữ sự thủ công trong quá trình chế tác lá buông thành phẩm nhưng không đem lại giá trị kinh tế, khiến cho việc chế tác lá kinh lá buông của cộng đồng người Khmer gặp nhiều khó khăn. Bản thân cây buông mọc ở vùng Thất Sơn An Giang không đem lại hiệu quả kinh tế nên có dấu hiệu vơi dần khỏi hệ sinh thái môi trường. Điều đó khiến cho nguyên liệu chế tác thành phẩm trở nên ít ỏi và không nhận dược sự thấu cảm của người Việt nói chung không theo Phật giáo Nam tông.

Thứ tư, tác động đến cộng đồng cư dân Khmer. Với những gì mà kinh lá buông đang lưu trữ thì chúng ta có thể nhận định nó giống như một bộ từ điển của riêng người Khmer trong Văn hoá phổ quát chung của người Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc lưu trữ kho tàng Văn hoá Khmer, mà những bộ kinh lá buông của người Khmer còn thể hiện niềm tin và đạo đức của người Khmer Nam Bộ. Chính những lời kinh mang đậm tinh thần Phật giáo khiến đạo Phật vốn đã bén rễ sâu sắc trong niềm tin của người Khmer lại càng được củng cố vững chắc qua các bài học giá trị. Người Khmer trước đây tín ngưỡng với bà la môn thì hiện nay, tinh thần Phật giáo đã ăn sâu vào tâm khảm và trở thành tôn giáo lớn nhất mà họ sùng kính. Kinh lá buông cũng từ đấy mà trở thành nguồn tư liệu thành văn có giá trị đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng niềm tin, củng cố văn hoá và tinh thần Theravada Khmer trong mỗi thế hệ người Khmer truyền thống.

Thứ năm, Cân bằng sinh thái hiện đại qua các phong tục cổ truyền. Người Khmer theo đạo Phật không giống với cách mà người Kinh theo đạo Phật. Nam giới Khmer có được khoảng thời gian tương đối dài lên chùa xuất gia gieo duyên, tu báo hiếu khi họ đỉ 16 tuổi. Trong khoảng thời gian đó, các ngôi chùa Khmer có cơ hội dạy chữ Khmer và văn tự Khmer cổ đến với những tu sĩ trẻ xuất gia gieo duyên này. Những câu chuyện Satra Tâm nong cũng có cơ hội xuất iện nhiều hơn trong nhịp sống của người Khmer.

Kinh lá buông, một lần nữa trở thành nền tảng khiến bộ phận nam giới Khmer lĩnh hội được bản sắc văn hoá dân tộc mình.

Mặt khác, với sự quý giá của kinh lá buông, vào những dịp tết Chôl Chnăm Thmây, hoặc những dịp trọng đại như lễ Dôn Tà của Khmer Nam Bộ, người Khmer nói chung mới có cơ hội tiếp xúc gần hơn với kinh điển lá buông. Một phần vì sự trân quý, một phần vì bản thân kinh lá buông hết sức thiêng liêng đối với người Khmer, vì chữ trên kinh lá buông ghi chép lại lơic của Phật đã dạy. Nên, sự xuất hiện của lá buông, của các bộ kinh lá được lưu trữ tại các chùa lớn của người Khmer và xuất hiện trong các dịp trọng đại khiến cho tinh thần Phật giáo được nâng cao, sự sùng kính với Phật của người Khmer cũng có thể được biểu lộ sâu sắc.

Song, cũng cần phải nói thêm rằng, sự xuất hiện của kinh lá buông không phải ở tất cả mọi nơi, mọi ngôi chùa Khmer mà nó chỉ có mặt trong các ngôi chùa lớn một cách có giới hạn. Điều này khiến chính bản thân các sư Khmer tu hành trong các ngôi chùa nhỏ ở An Giang cũng khó có thể tiếp cận văn bản gốc của kinh lá buông, khiến kinh lá buông chưa thể ăn sâu bén rễ và tác động sâu đến đời sống của Cộng đồng người Khmer Việt Nam.

Với tầm quan trọng của kinh lá buông cũng như sự tác động mạnh của hệ thống kinh điển này đến người Khmer nên, chúng tôi thiết nghĩ sẽ cần có sự bảo tồn một cách khoa học hệ thống kinh điển này trong kho tàng Văn hoá – Văn học Phật giáo Việt Nam.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chu Khmer Va Kinh La Buong Trong Dong Chay Van Hoa Phat Giao 3

3. Một vài đề xuất về công tác bảo tồn, gìn giữ chữ Khmer cổ và kinh lá buông hiện nay

Để kinh lá buông có sự ổn định phát triển và tác động của kinh lá buông đến nhịp sống của con người, cũng như dễ dàng trong việc lan toả giá trị của kinh lá đối với văn hoá đại chúng, thay vì chỉ đơn thuần với văn hoá Khmer Nam Bộ, chúng tôi thấy rằng điều đầu tiên chính là cần dịch lại đầy đủ và thống nhất nội dung của các bộ kinh lá buông. Sở dĩ cần dịch lại toàn bộ và thống nhất nội dung các bộ kinh lá buông đầu tiên bởi việc dịch kinh, lấy nội dung kinh lá buông và chuẩn bị cho kinh lá buông một một bộ công cụ tư liệu phục vụ quá trình lan toả và thấm nhuần vào đời sống sẽ nhanh hơn, tối ưu hoá hơn so với việc đào tạo bộ phận người biết tiếng Khmer để học kinh lá buông bằng tiếng Khmer.

Mặt khác, việc giảng dạy văn tự Khmer, mà tiêu biểu chính là chữ Khmer cổ và chữ Pali trong đời sống cũng là điều mà chúng ta nên quan tâm. Hệ thống kinh lá buông ở Việt Nam hiện nay chưa có số liệu chính xác. Nhưng những dân tộc sở hữu kinh lá buông nổi bật là người Chăm và người Khmer Việt Nam vẫn đang từng ngày bảo tồn giá trị di sản của các bộ kinh lá. Riêng đối với người Khmer, kinh lá buông được chế tác với một kĩ thuật tương đối cao, qua nhiều công đoạn, bằng văn tự Khmer rắc rối nên người khắc kinh cũng đòi hỏi nhiều yếu tố đi kèm. Bởi vậy việc tối ưu hoá bộ phận người Khmer biết tiếng Khmer để học được, đọc được, hiểu được giá trị Văn hoá của dân tộc mình trên kinh lá buông cần được triển khai nghiêm túc.

Thứ hai, nên có sự số hoá các bản dịch của kinh lá buông. Việc số hoá các bản dịch của kinh lá buông này có thể được diễn ra với các chặng lớn và nhỏ khác nhau. Song, chúng tôi ghi nhận rằng, UBND tỉnh An Giang đã có sự nhận diện đúng đắn với giá trị của kinh lá buoong khi chấp thuận đề án số hoá kinh lá buông của cộng đồng người Khmer ở An Giang. Việc số hoá này được thực hiện để đem lại cho kinh lá buông nền tảng vững chắc và cống hiến cho ngành Khoa học Xã hội của nước nhà một hệ thống tư liệu thành văn đồ sộ để phục vụ các hoạt động nghiên cứu, nhận diện và bảo tồn văn hoá của người Việt Nam, văn hoá Phật giáo Việt Nam nói chung và cộng đồng người Khmer An Giang nói riêng. Bản thân những người Khmer ở An Giang sinh sống tại các khu vực miền núi thuộc huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang, nằm trong khu vực văn hoá Oc Eo cũ, nơi về sau này có quốc gia cổ có người Khmer sinh sống. Chúng tôi kỳ vọng rằng trong hơn 100 bộ kinh lá buông với gần 740 cuốn kinh sẽ xuất hiện những điểm chạm cho cột mốc Phật giáo Theravada đến với người Khmer và định hình cho dòng Theravada Khmer Việt Nam một dấu mốc cho sự truyền thừa.

Việc số hoá lại kinh điển lá buông theo phương án đề dẫn của UBND tỉnh An Giang với hai giai đoạn: thứ nhất là nghiên cứu về kinh lá buông và các vấn đề xoay quanh kinh điển lá buông như văn tự, nội dung, hướng dẫn phương pháp bảo quản và gìn giữ các bộ kinh lá buông,…. Thứ hai là xây dựng hồ sơ di sản cho kinh lá buông, trình UNESCO ghi danh kinh lá buông là di sản tri thức nhân loại. Với quan điểm của chúng tôi, điều này không những cần thiết mà còn thực sự cấp bách. Bởi bản thân An Giang và thậm chí kéo xuống Trà Vinh, Vĩnh Long vẫn còn tản mát bộ phận người Khmer sinh sống, thiết nghĩ vẫn sẽ còn những người Khmer sinh sống, vẫn sẽ còn những bộ kinh lá buông và vẫn đang cần sự vào cuộc để nghiên cứu và bảo tồn.

Từ các yếu tố trên, chúng tôi mạnh dạn đề xuất việc lan tỏa giá trị kinh lá buông sau khi nhận diện và bảo tồn như sau:

Song, nếu chỉ dừng lại ở bảo tồn thôi có lẽ vẫn chưa đủ với tầm vóc và sức nặng của các bộ kinh lá buông trong cộng đồng Phật giáo Theravada Khmer và lớn hơn là cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Chính vì vậy, khi kinh lá buông đã có được nền tảng vững chắc cho quá trình nhận diện và bảo tồn rồi, chúng ta cũng nên có sự lan toả giá trị của các bộ kinh lá buông đến gần hơn với nền văn hoá và văn hoá Phật giáo mang tính đại chúng của riêng Việt Nam. Và tất nhiên, chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực thực tế và nguồn lực phi hiện thực cho sự tỏa lan của kinh điển lá buông giữa xã hội hiện đại.

Trên khía cạnh giáo dục, việc cần làm và nên làm sớm nhất chính là đào tạo các sư Khmer biết văn tự Khmer cổ trở thành những nghệ nhân chế tác – khắc chữ. Trên lá buông. Hiện nay, người nghệ nhân ưu tú nhất và được cho là người nghệ nhân cuối cùng có thể hoàn thiện tất cả các khâu chế tác kinh lá, từ việc chọn lá cho đến việc quết sơn phủ vàng lên gáy sách thành phẩm, nghệ nhân – hoà thượng Chu Ty có thể hoàn thiện. Hiện nay, hoà thượng Chau Ty vẫn cần mẫn đào tạo những thế hệ sư Khmer trong công cuộc khắc chữ trên lá buông.

Thứ hai, những bộ kinh lá buông được khắc mới nên đưa đến các khu vực chùa của phum sóc Khmer để chính những người tu hành Phật giáo Theravada Khmer có điều kiện tiếp cận hệ thống kinh điển Nam tông được khắc trên lá buông – niềm tự hào lớn nhất của người tu tập Theravada Khmer. Điều đó cũng làm nảy sinh những nhu cầu tín ngưỡng và cố kết cộng đồng người Khmer tại khum sóc, tạo tiền đề cho sự phát triển của Phật giáo Nam tông trong cộng đồng người Khmer An Giang.

Thứ ba, chúng ta có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn nghệ thuật khắc chữ trên lá buông của người Khmer, tín ngưỡng của người Khmer với Phật giáo Nam tông đến gần hơn với đại bộ phận người Việt Nam qua việc sử dụng công nghệ 4.0 và truyền thông qua mạng xã hội. Sự lan toả lớn của mạng xã hội và các kênh truyền thông đa phương tiện sẽ là cơ hội, tạo tiền đề lý tưởng cho việc toả lan giá trị của kinh lá buông trong dòng chảy hiện đại, giữa nếp gấp của Phật giáo Việt Nam ở độ xâm thực của văn hoá toàn cầu.

Trên khía cạnh kinh tế, thực chất, bản thân việc khắc kinh trên lá buông đã trở thành một dạng thức nghề thủ công truyền thống của riêng bộ phận người Khmer ở Nam Bộ nói chung và đặc trưng của các sư Nam tông Khmer nói riêng. Theo tâm lý người tiêu dùng khi đến với cơ sở du lịch và đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh tôn giáo, người tiêu dùng thường thích mua và sở hữu những món quà thủ công mang đặc trưng vùng miền (quà lưu niệm), ví như đến làng cổ Bát Tràng thường mua đồ gốm, đến phố cổ Hội An có thể mua áo dài, đến Huế có thể mua nón lá,… Thì việc tiếp cận và biến đổi kinh lá buông sang dạng thức món quà lưu niệm thủ công, lấy kinh văn Phật giáo Theravada giống như lời tựa Triết học đời sống và giáo lý về thế giới sẽ là một phương án nên được suy nghĩ thêm trong thời gian sắp tới nhằm định hướng phát triển kinh lá buông, tránh để bị mai một, đồng thời cũng góp phần quảng bá du lịch tâm linh, đưa văn hóa khắc chữ Khmer trên lá buông đến gần hơn với văn hóa đại chúng. Từ đây cũng khiến các ngôi chùa Khmer chủ động trong vấn đề tài chính, góp phần phát triển GDP địa phương và nền kinh tế chung của tỉnh nhà.

Tạm kết

Có thể nói, chữ Khmer và kinh lá buông tại An Giang là một di sản Văn hóa độc đáo và nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và tu sĩ Khmer. Song, mặc dù có nhiều tiền đề để phát triển, nhưng thực sự nhiều người tín ngưỡng Phật giáo chưa nhận biết được cũng như chưa có điều kiện tiếp cận với hệ thống kinh điển như vậy.

Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi đúc rút ra những vấn đề sau đây cần bảo tồn:

Thứ nhất: Kinh lá buông được viết bằng chữ Khmer cổ và chữ Pali trên nền lá buông, loại văn tự này khó học tập và kén người sử dụng.

Thứ hai, kinh lá buông chưa có dấu mốc chính xác cho sự ra đời, nhưng những bộ kinh điển cổ xưa nhất được lưu giữ lại đã có cách đây hàng trăm năm.

Thứ ba, kinh lá buông là bộ công cụ thành văn ghi chép lại toàn bộ hệ thống kinh điển Theravada Khmer cũng như ghi chép lại nhiều vấn đề thuộc bộ phận văn hóa của tộc người Khmer Nam Bộ ở Việt Nam.

Thứ tư, Kinh lá buông khó chế tác, khó học, tốn thời gian và công sức chế tác nên đã và đang bị mai một.

Thứ năm, cần có những biện pháp nhận diện và bảo tồn kinh lá buông như học kinh, học làm kinh, và lan tỏa giá trị các bộ kinh lá buông đến các ngôi chùa Khmer.

ThS. Đỗ Duy Hưng & ThS. Trần Anh Châu
Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

***

Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Tuấn (2013), Satra Chơbắp luật tục viết trên lá buông của dân tộc Khmer Nam Bộ, Văn hóa Lịch sử An Giang, số 95 tháng 2
2. Hoàng Văn Ma (2002), Ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam – Một số vấn đề về quan hệ cội nguồn và loại hình học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
3. Hồ Xuân Mai (2012), Vài nét về tiếng Khmer Nam Bộ (trường hợp ở tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh), Khoa học Xã hội số 12 (172)
4. Lan Thoa (2014), Lá Buông – loại giấy quý của người Khmer, đăng trên https://vnexpress.net/la-buong-loai-giay-quy-cua-nguoi-khmer-3119724.html truy cập ngày 22/4/2023
5. Lê Mạnh Thát (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh
6. Nguyễn Văn Lùng và Nguyễn Thị Tâm Anh (2021), Kinh lá buông: Di sản Văn hóa phi vật thể của người Khmer An Giang, Khoa học Xã hội, số 16 (1)
7. Thiện Hậu (2017), Phật giáo Nam tông Kinh tại Việt Nam (1937-1963), Nxb Hồng Đức, Hà Nội
8. Sở Nội vụ An Giang (2013), Báo cáo khảo sát tài liệu quý hiếm tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên
9. Thích Nhật Từ (chủ biên, 2021), Phật giáo Nam tông tại vùng Tây Nam Bộ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường