Ngày xưa, có thiền sinh trẻ đến xin học đạo với một vị thiền sư nổi tiếng. Sau vài ngày, vị thiền sư mời anh uống trà. Khi rót tách trà vừa đầy, thiền sư vẫn tiếp tục rót khiến nước tràn ra ngoài. Người học trò ngạc nhiên thốt lên: “Thưa thầy, tách trà đã đầy rồi, sao thầy còn rót thêm làm chi?”.
Thiền sư mỉm cười, nhẹ nhàng nói: “Tâm con cũng đang như tách trà ấy, đầy những kiến thức, thành kiến, lo toan, kỳ vọng. Nếu con không chịu rửa sạch những thứ đó, thì làm sao có chỗ cho Đạo đi vào?”.
Câu chuyện tuy đơn giản nhưng đã trở thành minh triết trong chốn thiền môn. Muốn học đạo, hành đạo và giải thoát thì trước hết phải rửa tâm - sạch ý.
Bởi một tâm hồn nếu chất chứa quá nhiều thứ nhỏ nhặt thì sẽ không còn chỗ trống cho những điều tốt đẹp khác, như chiếc ly đã đầy nước thì không thể chứa thêm được nữa.
Đức Phật từng dạy: “Tâm tịnh thời quốc độ tịnh” khi tâm thanh tịnh, thế giới cũng trở nên thanh tịnh. Vậy nên, nói rằng: “Rửa tâm là căn bản của sự giải thoát, sạch ý là nền móng của sự tiến tu” không chỉ là một lời khuyên đạo đức, mà còn là chỉ điểm then chốt cho mọi hành giả bước vào con đường tu tập.
Rửa tâm - căn bản của sự giải thoát

Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:
Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm chủ tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo.
Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm chủ tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình.[1]
Tâm là nguồn gốc của mọi hành động, lời nói và ý nghĩ. Khi tâm nhiễm ô bởi tham lam, sân hận, si mê, thì mọi hành vi xuất phát từ đó đều đưa đến khổ đau. Ngược lại, tâm thanh tịnh là mảnh đất tốt để những hạt giống hiểu biết và yêu thương phát triển.
Rửa tâm ở đây không phải là nỗ lực để đè nén cảm xúc hay trốn chạy thực tại, mà là quá trình tỉnh thức, quán chiếu và chuyển hóa những phiền não cấu uế trong tâm. Khi tâm được rửa sạch qua chính niệm, giới luật, thiền định thì giải thoát không còn là điều xa vời mà trở thành hiện thực trong từng phút giây sống có ý thức.
Sạch ý - nền móng của sự tiến tu
Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý, thì ý nghiệp là tinh vi và khó thấy nhất. Chính vì vậy, việc sạch ý được xem là nền tảng để giữ giới và tiến sâu vào định tuệ. Trong Kinh Trung Bộ, bài kinh Samanamandikā, đức Phật dạy: “Không có sự thanh tịnh nào cao hơn sự thanh tịnh của tâm ý”.[2]
Điều này khẳng định rằng sự tu tập nội tâm là cốt lõi của mọi con đường đạo. Chúng ta có thể giữ giới bằng hành vi, có thể nói lời hay ý đẹp, nhưng nếu trong tâm ý vẫn còn khởi lên sân hận, ganh tỵ, kiêu mạn hay tham ái, thì sự tu tập ấy chỉ là lớp vỏ bên ngoài.
Người học đạo cần phải soi lại tâm ý mình trong từng sát na, theo dõi những ý niệm vừa sanh khởi như người gác cổng quan sát khách ra vào. Khi thấy một ý niệm không thiện lành khởi lên, dù là ý định hơn thua, mong cầu khen ngợi hay phán xét người khác hành giả cần tỉnh giác, nhận diện và buông bỏ.
Sạch ý cũng chính là điều kiện để thiền định phát triển. Trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và cả Đại thừa, tiến trình tu tập theo ba giai đoạn: Giới - Định - Tuệ.
Trong đó, sạch ý là bước chuẩn bị để thiền định có thể phát triển. Nếu tâm còn loạn động, đầy vọng tưởng, thì dù có ngồi yên 30 phút, cũng chỉ là ngồi với vọng tưởng chứ không phải thiền đúng nghĩa. Khi ý được thanh lọc dưới ánh sáng của tỉnh thức thì tâm bắt đầu định tĩnh. Từ định, trí tuệ sinh khởi, đó chính là tuệ giác, cái thấy trực tiếp về vô thường, vô ngã của vạn pháp.
Rửa tâm - sạch ý: Cánh cửa đi vào trí tuệ và từ bi
Trong Kinh Tương Ưng (Samyutta Nikāya), đức Phật nói: “Ai thanh tịnh trong tâm, người ấy không còn sợ hãi. Ai điều phục được ý, người ấy vượt qua được tất cả khổ đau”.[3]
Tâm được thanh lọc không chỉ là một tâm trạng an ổn hay yên tĩnh nhất thời, mà là một nội tâm rộng mở, nơi từ bi và trí tuệ cùng hiển lộ. Khi hành giả không còn bị chi phối bởi những tâm sở bất thiện như phẫn, hận, phú, não, tật san,… thì tâm của người ấy trở nên trong sáng, dễ dàng cảm thông với người khác, biết thương yêu không điều kiện, và có khả năng nhìn sâu vào bản chất của cuộc sống.
Tu tập không phải để trở thành một ai đó khác, mà là hành trình trở về với chính mình, trở về với bản tâm vốn thanh tịnh, vốn không sinh không diệt.
Bản tâm ấy tuy luôn hiện hữu, nhưng thường bị che phủ bởi lớp bụi dày của vô minh, tà kiến. Giống như một tấm gương sáng chưa bao giờ mất ánh sáng chỉ vì bụi phủ nên ánh sáng không thể hiển lộ.
Khi ta kiên nhẫn lau chùi từng lớp bụi ấy bằng chánh niệm và tỉnh thức, thì ánh sáng nơi gương cũng như trí tuệ và từ bi nơi tâm sẽ tự nhiên tỏa rạng.
Trong hành trình tu học, có người tìm kiếm giáo lý cao siêu, có người mong cầu cảnh giới nhiệm mầu. Nhưng rốt lại, nếu tâm chưa rửa sạch, ý chưa thanh tịnh, thì mọi pháp môn cũng chỉ như áo đẹp khoác lên thân đầy bụi.
Nếu mỗi ngày, chúng ta biết quay về quan sát tâm, biết dừng lại khi sân khởi, biết buông bỏ khi tham sinh, thì từng bước chân cũng là thiền, từng hơi thở cũng là tỉnh thức.
Giải thoát không ở đâu xa, mà nằm ngay nơi từng niệm được rửa sạch, từng ý được soi chiếu bằng chánh niệm. Bởi vậy, “Rửa tâm là căn bản của sự giải thoát, sạch ý là nền móng của sự tiến tu” không chỉ là lời dạy để ghi nhớ, mà là pháp tu thực tiễn cần được thực hành mỗi ngày.
Sự giải thoát không ở cuối con đường, mà hiện hữu trong từng khoảnh khắc ta buông được một vọng tưởng, tha thứ cho một người, hiểu sâu một tâm niệm.
Đó là con đường đi về bản tâm sáng tỏ, nơi mà từ bi, trí tuệ, và bình an không còn là điều phải tìm kiếm, mà trở thành bản thể sống động của từng phút giây ta có mặt với chính mình và với cuộc đời.
Tác giả: Huệ Đức
***
Chú thích:
[1] Kinh Pháp cú, phẩm Song Yếu, HT Minh Châu dịch.
[2] Bhikkhu Ñāṇamoli & Bhikkhu Bodhi dịch, The Middle‑Length Discourses of the Buddha, Wisdom Publications, 1995, p. 552.
[3] Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng Bộ kinh, VNCPHVN, NXB Hồng Đức, 2020, tr.223.
Bình luận (0)