Khi màn đêm buông xuống trên bãi cát hoang sơ ở Côn Đảo, cũng là lúc Quốc Thái, chàng trai sinh năm 1997 đến từ Tây Ninh, cùng với nhóm tình nguyện viên bắt đầu ca trực đỡ đẻ cho những bà mẹ rùa biển trong chương trình Bảo tồn rùa biển do IUCN Vietnam Sea Turtle Volunteer phối hợp cùng Vườn Quốc gia Côn Đảo tổ chức đầu năm 2025.
Mười đêm ròng, ăn cơm hộp, ngủ võng rừng, ban ngày dọn dẹp giữ gìn vệ sinh khu vực, ban đêm thức canh từ 19h đến 3h sáng, công việc ấy không lương, không danh, không cần ai biết đến, nhưng lại đủ khiến người ta cảm động vì một tinh thần sống đẹp, âm thầm cống hiến cho sự sống của muôn loài.
Hằng đêm, từ 19h đến 3h sáng, rùa mẹ sẽ bò lên bãi cát đẻ trứng. Công việc của các tình nguyện viên là theo dõi, hỗ trợ chuyên viên lấy trứng trực tiếp đưa vào hồ ấp tại trạm Bảy Cạnh. Mỗi rùa mẹ có thể đẻ từ 60 đến 150 trứng, trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tiếng. Có những mẹ rùa đào tổ giả để đánh lạc hướng, khiến việc “đỡ đẻ” trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thành quả 10 ngày tình nguyện của nhóm là những con số ấn tượng như cứu hộ thành công 130 tổ trứng với hơn 13 nghìn quả; vệ sinh hồ ấp 19 tổ; thả về biển gần 2 nghìn con.
Không phải ngẫu nhiên mà những người như Quốc Thái lại chọn gắn bó với thiên nhiên bằng một tình yêu lặng thầm đến thế. Bởi đằng sau hành trình “hộ sinh” cho rùa là sự hội tụ của nhiều giá trị sống sâu sắc.
Sáu triết lý này không chỉ là nền tảng đạo đức tâm linh, mà còn là chiếc la bàn có thể dẫn đường cho chúng ta trong đời sống hiện đại đầy biến động.

Không ồn ào trên mạng xã hội, không tìm kiếm sự ghi nhận, Quốc Thái – chàng trai 9x âm thầm đăng ký tham gia chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển, trong suốt mười ngày đêm gắn bó nơi bãi cát hoang vu, anh lặng lẽ cùng đồng đội thức khuya, dậy sớm, theo dõi rùa mẹ sinh sản, chuyển trứng đến khu bảo hộ và thả rùa con về biển khi chúng đủ sức.
Hành động ấy không mang theo cái tôi của người “cứu hộ”, cũng chẳng cần đến hào quang “người hùng môi trường”. Đó chính là biểu hiện sống động của tinh thần vô ngã, khi con người hòa mình vào thiên nhiên bằng tâm không sở hữu, không dính mắc, không đặt bản ngã làm trung tâm. Làm mà không chấp vào cái mình làm, cống hiến mà không kể công, Quốc Thái đã cho thấy: bảo tồn thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là của mỗi người dân.

Từ bi đối với mầm sống mong manh
Giữa màn đêm tĩnh mịch của Côn Đảo, Quốc Thái và các tình nguyện viên lặng lẽ bước đi trên bãi cát với chiếc đèn đỏ mờ dịu – thứ ánh sáng đủ soi đường mà không làm giật mình những bà mẹ rùa đang vật lộn sinh nở. Họ cúi người, nhẹ tay nâng từng quả trứng ướt mềm như mảnh sương non, cẩn trọng đặt vào ổ bảo hộ, và chờ đợi căn ke thời gian kịp lúc để thả chúng về biển cả.
Không phải vì động vật quý hiếm mà rùa được quan tâm đặc biệt mà bởi mỗi sự sống đều đáng thiêng liêng. Từng hành vi nâng niu, chăm sóc rùa mẹ và bảo hộ rùa con chính là biểu hiện cụ thể của lòng từ bi trong Phật giáo: không giới hạn đối tượng, không phân biệt loài giống mà mở rộng đến tất cả chúng sinh hữu tình. Ở nơi rừng hoang và cát trắng, lòng từ ấy không được giảng từ kinh sách, mà sống động trong từng đôi tay kiên nhẫn và trái tim không mỏi mệt trước sự sống mong manh của muôn loài.

Chính niệm trong từng thao tác
Không chỉ là lao động chân tay giữa đêm khuya và sương lạnh, công việc bảo tồn rùa biển đòi hỏi một sự hiện diện toàn tâm – mà trong Phật giáo gọi là chính niệm. Suốt 10 ngày liên tiếp, Quốc Thái cùng nhóm tình nguyện viên dậy từ tinh mơ, quét sạch hồ ấp, kiểm tra bãi cát, theo dõi thủy triều và chuẩn bị các thao tác đỡ đẻ cho rùa mẹ. Từng bước đi, từng cái cúi người nhặt vỏ trứng, từng lần di chuyển ổ trứng đến nơi an toàn... tất cả đều phải được thực hiện với sự tập trung cao độ và tinh thần tỉnh thức.
Chỉ một chút lơ là cũng có thể khiến trứng bị nứt, rùa mẹ hoảng loạn, hoặc rùa con lạc hướng ra biển. Chính vì vậy, việc chăm sóc những mầm sống nhỏ bé này trở thành một pháp môn hành trì: mỗi hành động là một cơ hội để rèn luyện tâm không tán loạn, thân không hấp tấp, và ý không bị cuốn theo sự mệt mỏi. Ở đó, chính niệm không phải điều gì cao siêu – mà chính là khả năng có mặt trọn vẹn trong từng thao tác đơn giản, với lòng tôn trọng và trách nhiệm trước sự sống.

Trí tuệ sống hòa quyện với thiên nhiên
Quốc Thái, khi đến với chương trình bảo tồn rùa biển, không có sẵn kiến thức chuyên môn. Nhưng với tinh thần ham học, anh đã nghiêm túc vượt qua các bài kiểm tra, trải qua khóa huấn luyện kỹ lưỡng và dần hiểu được những nguyên lý sinh học, đặc tính sinh sản và thách thức của rùa biển trong môi trường tự nhiên ngày càng bị xâm hại.
Chính trong quá trình ấy, Thái không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện khả năng vận dụng, từ việc nắm bắt chu kỳ thủy triều đến cách xử lý ổ trứng gặp sự cố. Đó là trí tuệ đi liền với hành động, là sự chuyển hóa từ nhận thức lý thuyết thành hành vi cụ thể, điều mà Phật giáo gọi là tuệ giác thực tiễn. Và khi con người sống chan hòa với tự nhiên bằng cả hiểu biết và tâm tỉnh thức, trí tuệ ấy không còn là của riêng ai, mà trở thành một phần của sự sống lớn lao và bền vững.
Duyên nở, duyên khởi
Quyết định tham gia chương trình bảo tồn rùa biển của Quốc Thái không phải là một hành vi bộc phát, cũng không xuất phát từ một lý tưởng lớn lao có sẵn. Đó là một sự hội tụ của nhiều yếu tố tưởng chừng tình cờ: một hình ảnh rùa con bò về biển trên mạng xã hội, một thông tin nhỏ về chiến dịch bảo tồn, và một tấm lòng vốn luôn nhạy cảm với cái đẹp và sự sống. Những yếu tố ấy kết lại, khơi lên trong Thái một thôi thúc bước chân dẫn anh đến một hành trình đầy ý nghĩa.
Đó không chỉ là một câu chuyện về bảo tồn sinh vật, mà còn là một lời nhắc dịu dàng rằng: mỗi nhân duyên đến trong đời – nếu được nhận diện bằng tâm tỉnh thức – đều có thể trở thành cơ hội tu học và cống hiến.
Trong từng bước chân lặng lẽ trên bãi cát, trong giây phút xúc động khi thả những sinh linh bé nhỏ về với biển cả, từ bi không phân biệt, có trí tuệ trong hành động, có vô ngã trong cống hiến, và có chính niệm trong từng hơi thở hiện diện.
Tổng hợp: Minh Thành/Tham khảo: https://tienphong.vn/
Bình luận (0)