Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu “Tư tưởng Thiền” của đại sư Vạn Hạnh thời Lý

“Tư tưởng Thiền” của đại sư Vạn Hạnh thời Lý

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thiền sư Vạn Hạnh là vị thiền sư lỗi lạc của Việt Nam thời nhà Lý. Cuộc đời và sự nghiệp của ông góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Ngài là người rũ bỏ danh lợi tìm đến chốn Phật môn

Tác giả: TT.TS.Thích Hạnh Tuệ & SC.Thích Nữ Giới Chân

1. Hành trạng của đại sư Vạn Hạnh

Theo Thiền uyển tập anh, đại sư Vạn Hạnh chưa rõ sinh năm nào, viên tịch năm 1018 thuộc thế hệ 12 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, họ Nguyễn, vốn sinh trưởng trong một gia đình thờ Phật ở đất Cổ Pháp nơi Phật giáo được thịnh vượng từ xưa, tức là Đình Bảng huyện Tiêu Sơn tỉnh Hà Bắc ngày nay.

Lúc nhỏ Sư bản chất thông minh, khác thường, quán thông tam tạng kinh và nghiên cứu Bách Luận tức là triết học Trung Quán, môn học quan trọng của Đại thừa do Bồ Tát Long Thọ sáng lập.

Năm 21 tuổi mới xuất gia theo học với Thiền Ông ở chùa Lục Tổ. Chùa này theo truyện thiền sư Thường Chiếu ở tại Hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, đời Đường có trưởng lão La Quí An chân nhân đúc tượng lục tổ bằng vàng ở đây để thờ. Dịch Bảng sau này là Đình Bảng. Ngoài giờ hầu hạ, ông học hỏi không biết mệt mỏi. Sau khi Thiền Ông tịch, ngài đã giải quyết hết tinh thần nghi vấn bằng suy tư, bước sang khóa trì Tam Ma Địa (Samadhi). Để đạt được trạng thái siêu thức của tâm, cần phải thực hành bằng thiền định. Bởi lẽ, Những thực nghiệm siêu tâm lý do khoa thiền định tạo nên và chỉ những người tu luyện mới có khả năng hiểu biết thực nghiệm về tất cả “tâm trạng” khuấy động một ý thức thông thường phàm tục không giác ngộ, như ảo tưởng sai lầm về trí giác.

Đại sư được vua Lê Đại Hành (979-1005) thể hiện sự tôn kính và đã nhiều lần thỉnh vào triều tham khảo ý kiến trước khi có những quyết định chính sự quan trọng. Năm đầu niên hiệu Thiên Phúc, tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo sang xâm lược, đống quân ở Lưỡng Giáp trấn Lạng Sơn, vua triệu hỏi Sư về sự thắng bại. Sư thưa: “Trong ba, bảy ngày giặc tất lui”. Quả nhiên đúng như thế, đến khi sắp đi đánh Chiêm Thành, đình nghị chưa quyết định ra sao, Sư tâu xin phát quân đi gấp khỏi mất cơ hội tốt, sau quả nhiên thắng trận. Tuy vậy, khi Lê Long Đĩnh lên ngôi, cai trị đất nước bằng sự bạo ngược, độc ác, khiến xuất hiện những điểm lạ, chính thiền sư Vạn Hạnh chủ trương việc lập phế.

Bấy giờ có kẻ gian tên là Đỗ Ngân muốn mưu hại Sư, Sư đã dự biết trước khi nó hành động mới gởi cho nó một bài kệ rằng:

“Thổ và mộc sinh ra nhau, cấn đứng liền với kim,
Cớ sao lại chất chứa trong lòng mưu mô hại ta?
Lúc bấy giờ lòng ta buồn bã vô cùng,
Nhưng về sau thì chẳng còn để bụng oán giận” [59, tr 215]

Khi nghe bài kệ trên, kẻ gian muốn hại sư như hồi tâm chuyển ý không còn hành động. Thiền sư Vạn Hạnh có thế xem điều đã qua biết điều sắp tới. Và cũng chính ngài là người gây dựng sự nghiệp cho nhà Lý và đem lại sự hùng cường cho dân tộc Việt Nam trên hai thế kỷ (1010-1225) và chính Sư đã chủ trương dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long là nơi trung tâm hệ trọng cho đến hôm nay. Lê Văn Siêu khi nghiên cứu về văn minh Việt Nam đã có lời khen: “Không còn nghi ngờ gì nữa, nhà kiến trúc sư quan niệm đạo đức rộng rãi và uyên thâm này nhất định phải là Sư Vạn Hạnh”.

Tap chi nghien cuu phat hoc so thang 7.2018 Thien su van hanh van dung tu tuong PG xay dung nha Ly 1

Tượng thiền sư Vạn Hạnh tại chùa Tiêu, Bắc Ninh

Vào niên hiệu Thuận Thiên thứ 9 (năm 1018), ngày rằm tháng năm, ngài gọi tăng chúng lại để đọc bài kệ:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.

(Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cối xuân tươi thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”. [59, tr 218]

Đọc bài kệ xong, ngài lại bảo: “Các người cần trụ chỗ nào? Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ”. Sau đó ngài thị tịch.

Vua Lý Thái Tổ và đệ tử của ngài làm lễ hỏa tán, thu lượm xá lợi xây tháp cúng dường. Về sau vua Lý Thánh Tông có làm lễ truy tán sư bằng bài thơ:

“Vạn Hạnh dung tam tế,
Chân phù cổ sấm cơ.
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ”.

(Vạn Hạnh dung ba cõi,
Thật hiệp lời sấm xưa.
Quê hương tên Cổ Pháp,
Chống gậy trấn kinh đô”.

Cả cuộc đời của đại sư Vạn Hạnh là vì đạo, vì dân tộc; bằng tinh thần ấy, ngài đã góp phần quyết định trong việc khai sáng ra triều đại nhà Lý, mở đầu sự thịnh vượng lâu dài cho đất nước.

Vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh trong thời kỳ đầu xây dựng đất nước Đại Việt

2. Tư tưởng Thiền của Thiền sư Vạn Hạnh

Tinh thần dung hợp

Khi thiền sư Vạn Hạnh viên tịch, vua Lý Thánh Tông có làm lễ truy tán sư bằng bài thơ:

萬行融三際
真符古讖機
鄉關名古法
柱錫鎮王畿

“Vạn Hạnh dung Tam tế,
Chân phù cổ sấm cơ.
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ”. (Thích Hạnh Tuệ (2018)Văn học Phật giáo Việt Nam, tr 214)

Thiền sư được ca ngợi là người có tư tưởng dung hợp ba đạo lúc bấy giờ: Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. “Tam tế” cũng có thể hiểu là quá khứ, hiện tại, vị lai; cũng là ba cõi. Tất cả đều thể hiện trí tuệ siêu việt, sự chứng ngộ viên mãn của thiền sư.

Thiền sư Vạn Hạnh chuyên sâu về Phật học, lại giỏi về Khổng học và Lão học. Hiểu về đạo Khổng, đạo Lão, thiền sư hiểu vai trò của một người dân đối với vua, luôn phù tá vua. Thời vua Lê Đại Hành, ngài cố vấn giúp vua thành công trong những lần xuất binh bảo vệ đất nước, thiền sư nhận được sự tôn kính, tin tưởng của vua. Thời Lý, thiền sư Vạn Hạnh được tôn xưng quốc sư. Trong cuộc cách mạng bất bạo động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi mở đầu thời Lý, thiền sư đã thể hiện khả năng kết hợp tài tình giữa chính trị với những lời sấm vĩ mà ngài có được nhờ sự chuyên sâu thực tập Tổng trì Tam Ma Địa.

Thiền sư Vạn Hạnh nhận được sự tin tưởng, kính trọng của triều đình, của nhân dân bởi ngài là bậc am hiểu đạo – đời, có trí tuệ và đức hạnh. Nếu thiền sư chỉ ở ẩn tu hành đắc đạo, không màng việc đời thì đâu có một Lý Công Uẩn tài giỏi, anh minh, đức độ, trị nước an dân, khởi đầu cho nhà Lý hưng thịnh; thì đâu có một công cuộc rời đô vĩ đại đánh dấu bước ngoặt thiêng liêng trong lịch sử đất nước. Ngược lại, nếu ngài không có áp dụng giáo lý vô ngã, vị tha của Đức Phật thì ngài sẽ chấp vào những cống hiến to lớn cho triều đình, cho đất nước, tiến sâu vào chốn quan trường: “Sư Vạn Hạnh khi thành công đã không chịu nhận một chức tước gì trong triều của ông vua vốn là học trò của mình, mà ngai vàng lại đã do chính tay mình đem đến, tư cách ấy nào khác gì với tư cách của Phù Đổng Thiên Vương” (Văn Học Đời Lý, bản in năm 1957, Sài Gòn, nhà xuất bản Hướng Dương, tác giả Lê Văn Siêu, trang 111). Ở ngài có trí tuệ xuất chúng mà ung dung điềm đạm, có sự dung thông hài hòa giữa đạo và đời, giữa Phật, Đạo, Lão. Đạo Phật thấm nhuần vào dòng chảy của dân tộc thể hiện rất rõ trong tư tưởng, hành trạng của thiền sư Vạn Hạnh. Lòng yêu nước thương dân của người con Phật trong ngài đã biến thành những hành động thiết thực, ý nghĩa cho dân tộc. Thiền sư kết hợp nhuần nhuyễn tam giáo vào cuộc đời, để giúp cho đất nước phát triển và hưng thịnh. Vì thế ngài đi vào đời bằng Nho, ở lại với đời bằng Đạo và vươn lên tất cả bằng Phật giáo, như nhận định của sử gia Lê Văn Siêu: “Qua câu chuyện huyền thoại về nguồn gốc dân tộc, ta thấy ở đấy cũng một mùi đạo hạnh uyên thâm cũng một giọng kín đáo mà thuần phác, cũng một ý răn dạy luân lý để nghiền ngẫm cho từ vua quan đến thứ dân, cũng một tinh thần xây dựng về lâu dài cho muôn thuở, cũng một trình độ lĩnh hội và tổng hợp của cả ba đạo Nho – Phật – Lão và cũng một ý thức sáng tạo lớn là để phụng sự cho dân tộc”.

Tuy ở thiền sư có sự dung thông đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão nhưng không bị hòa tan, không làm mờ nhạt đi những giá trị cốt lõi, cao siêu của đạo Phật. Tư tưởng của Vạn Hạnh thiền sư còn đi xa hơn Khổng Tử, tìm ra cái “Đạo Nhất Quán” vì Khổng Tử chỉ dùng có suy tư và học tập mà không qua chặng đường thực nghiệm siêu thể như ngài được. Vạn Hạnh Thiền sư đã dựng nên một nền minh triết việt đạo độc đáo cho dân Việt, đánh dấu cho sự độc lập dân tộc trên lĩnh vực văn hóa sau một nghìn năm Bắc thuộc.

Cuộc đời tu tập và hạnh trạng của thiền sư Vạn Hạnh đã nói lên sự dung hợp các pháp môn tu tập của ngài. Thiền sư đi từ triết lý Tam môn học để rồi đến Bách luận của Long Thọ rồi lại chuyển sang thể nhập tổng trì Tam ma địa là một hành trình tiến triển lịch sử tư tưởng của ngài. Thiền sư là một người thông suốt ba môn học Nho học, Phật học và Lão học. Tuy nhiên, không dừng lại ở lý thuyết, giáo điều, ngài chiêm nghiệm, suy tư, phản biện rồi thực hành, thể nhập. Thiền sư Vạn Hạnh thừa kế dòng thiền Tỳ Ni đa Lưu Chi, một thiền phái thiên về Mật giáo, dòng thiền này chủ yếu lấy tinh thần kinh Tượng đầu tăng xá làm yếu chỉ nghiên cứu và tu tập. Thiền sư nghiên cứu về tư tưởng “Trung Quán” của Bồ tát Long Thọ, giải quyết các nghi ngờ về điều thật, điều giả, điều chân, điều ngụy… dưới góc nhìn của riêng mình, từ đó dung hợp tinh thần phủ định của Long Thọ Bồ tát với Tam môn học thành lập nên triết học Tam luận tông. Không thỏa mãn với những giáo điều của tam giáo, ngài tư duy phản biện, tìm hướng đi đúng đắn cho mình, nhập chính định. Rồi từ trong quả định đó, thiền sư đã ngược lại chuyển hóa những giáo điều của ba môn học đem vào đời giúp nước giúp dân. Sự chứng ngộ của thiền sư Vạn Hạnh thể hiện ở những lời sấm tiên tri cho thiên hạ. Quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ là một, thiền sư tự tại, thấu suốt. Ngài đã thực hiện được cái tâm vô niệm nhất quán là bản thể tâm linh với vũ trụ hóa, cho nên thiền sư mới có được “thần thức” để biết được điều xảy ra ở tương lai. Ngài ứng dụng cái thần thức ấy vào chính trị để phụng sự dân tộc. Phải chăng, chính tâm vô ngã, không còn có ngã, có nhân, đối với ai ngài cũng bình đẳng yêu thương, nên ngài đã có trí tuệ để nhìn thấu lòng dân, nói lên tiếng nói của nhân dân, của nhân nghĩa.

Như vậy, khuynh hướng tổng hợp của Vạn Hạnh rất sâu rộng mới hình thành tư tưởng độc lập của người Việt lúc bấy giờ.

Phật tại tâm

Thời đầu nhà Trần, vua Trần Thái Tông hành trình lên Yên Tử mong cầu làm Phật. Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông về kinh thành để làm vua, nhà Trần mới thành lập nên không thể một ngày không có vua. Quốc sư Viên Chứng đã đưa ra 2 lời khuyên: “Bệ hạ về Thăng Long vừa làm vua nhưng đồng thời cũng có thể làm Phật. Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm. Lòng lặng mà biết đó là Phật thật”. Phật tại tâm nên ở chốn đô thành giúp dân giúp nước, vẫn có thể tu giải thoát. Chắc hẳn, từ thời Lý, với gương sáng như thiền sư Vạn Hạnh tu hành nhập thế nên đến đời Trần tư tưởng thiền Phật tại tâm được hình thành rõ nét như vậy. Dù ngài không đề cập đến trực tiếp, nhưng hành trạng của thiền sư thể hiện rõ tư tưởng thiền Phật tại tâm. Ở chùa tham thiền học đạo, nhưng không có nghĩa quay lưng với đời, bỏ mặc thế sự. Thiền sư luôn cố vấn cho vua khi cần, luôn suy tư về vận mệnh đất nước và đã đào tạo nên một vị vua tài đức vẹn toàn không chỉ cho nhà Lý mà cả dân tộc, mở ra một trang sử rạng ngời. Thích Mãn Giác viết: “Con đường Vạn Hạnh đi không phải là con đường lên núi làm một nhà tu cô đơn khổ hạnh, cũng không phải con đường đưa Sư đến chỗ ngồi nhìn vách quay lưng lại cuộc đời mà tu. Con đường Sư đi là con đường hành động với con tim vô tư, vô cầu, với quyết ý dốc cả tâm can phò trợ những người khoan dung được lòng dân có hoài bão làm cho dân cho nước thịnh trị” (trang 28). (sách “Vạn Hạnh, Kẻ Đi Qua Cầu Lịch Sử” bản in năm 1997, California, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ xuất bản–viết tắt VH, KĐQCLS, Hòa Thượng Thích Mãn Giác). Giúp dân dựng nước hay hoằng pháp độ sinh, Thiền sư đều làm một cách bình dị, tự nhiên như uống trà, cuốc đất, thở ra, thở vào, nằm, ngồi, đi, đứng… Tất cả nói lên tư tưởng thiền của thiền sư Vạn Hạnh Phật tại tâm: tụng kinh, tham thiền hay làm chính sự chỉ là một không khác, dù ở chốn quan trường cũng không bị dính mắc, không bị đắm nhiễm. Tư tưởng nhập thế của thiền sư Vạn Hạnh cũng như các vị thiền sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam càng đánh dấu sức ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo trong lòng dân tộc.

Tư tưởng Phật tại tâm của thiền sư Vạn Hạnh được thể hiện qua việc diễn tả tâm vẵng lặng, bình thản, tâm từ bi vô hạn… Khi biết được tâm ý Đỗ Ngân định hại mình, thiền sư Vạn Hạnh đã gửi bài thơ, trong đó có nói:

Thổ mộc tương sinh, cấn bạn câm (kim)
Vi hà mưu ngã uẩn linh khâm
Đương thì ngũ khẩu thu tâm tuyệt
Trực chi vị lai bất hận tâm. [Sdd, tr.214]

Đỗ Ngân định mưu hại ngài vì cớ gì không rõ, nhưng quan trọng là thái độ, tâm thế của thiền sư Vạn Hạnh khi biết điều đó. Thoạt đầu, khi biết được ác ý của Đỗ Ngân, thiền sư buồn trong lòng, vì “Kim cấn liền đôi như thổ mộc”, cùng là những người được vua tin tưởng, tận tình giúp vua giữ nước mà Đỗ Ngân lỡ mưu toan hãm hại ngài. Nhưng sau đó, ngài đã “lẳng lẳng”, không bận tâm, lấy tâm bình thản, bao dung đối lại với kẻ mưu hại mình. Tâm Phật đã bao trùm, bật tan gốc rễ kiết sử sân nên “bất hận tâm”. Và cũng vì tâm từ bi rộng lớn mới thấu hiểu lòng dân xuất thành lời sấm vĩ, làm cuộc cách mạng bất bạo động đảo chính nhà Lê, lập nên nhà Lý. Chỉ có người có tâm của bậc Thánh mới hành xử xuất chúng như vậy.

Phật tại tâm trong tư tưởng của thiền sư Vạn Hạnh ở chiều sâu hơn nữa là kiến tính. Phật là giác, thấy được tính giác chính là Phật, không tìm cầu vị Phật bên ngoài. Trước khi viên tịch thiền sư nói với các đệ tử: “Các người cần trụ chỗ nào? Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ”. Ngài không nương tựa vào nơi có thể nương tựa và cũng không nương tựa vào chỗ không thể nương tựa. Tinh thần Bát Nhã thấm nhuần trong ngài, phá chấp quan điểm tìm cầu nơi nương tựa: tổ sư truyền thừa, pháp môn tu tập, hay câu thoại thiền … Rời bỏ tâm phàm phu để mong cầu thành Phật thì không thấy; nắm giữ tâm phàm phu thì vĩnh viễn không bao giờ đồng tâm Phật. Tâm phàm phu không thể nương tựa, nhưng khi giác ngộ thì nơi tâm Phật có cần nương tựa vào không? Như ngài Mã Tổ có nói: “Khi đạt ngộ thì cái gì cũng là Phật, khi chưa đạt ngộ cái gì cũng vĩnh viễn sai lầm” (VNPGSL, tr 157, Nguyễn Lang, Nxb Văn học, 2014).

Thiền sư Vạn Hạnh đắc đạo, giác ngộ thể tính của tâm, an nhiên tự tại trong mỗi việc làm từ sinh hoạt chốn thiền môn đến làm chính trị đối đãi bên ngoài và quan trọng ngài bình thản với sinh tử.

Quan niệm về vô thường

Qua cuộc đời và hành trạng của thiền sư Vạn Hạnh nhất là trong bài thị tịch của ngài ta thấy được tư tưởng triết học Phật giáo thiền tông. Tất cả mọi sự vật hiện tượng đều luôn theo quy luật vô thường của nó, và con người cũng thế không sao tránh khỏi được quy luật vô thường. Vì thế, con người có sinh, ắt phải có tử, có hợp ắt phải có tan, đó có là quy luật tự nhiên xưa nay và phàm phu không hiểu được quy luật vô thường nên vui, buồn, sợ hãi, trước cuộc thịnh suy của thời vận. Chính vì vậy, thiền sư muốn cho đồ đệ của ngài hiểu rõ, và nắm bắt được quy luật vô thường, để trở về chơn tâm Phật tính vốn sẵn có nơi chính mình, do đó trước khi viên tịch thiền sư Vạn Hạnh đã làm bài kệ thị tịch để dạy đồ chúng như sau:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.

Dịch:

“Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ hạt sương đông”. [Thích Hạnh Tuệ (2018), Văn học Phật giáo Việt Nam, tr 218]

Cụ thể là trong câu thơ đầu tiên “Thân như bóng chớp có rồi không”, câu thơ này nói về thân mạng của một con người, có đấy rồi là mất đấy, mạng người được tính trăm năm nhưng nhìn lại như một giấc mơ, thở ra mà không thở vào là đã qua một kiếp khác, cũng vậy bóng đèn chớp lóe lên rồi lại biến mất trong miền vô biên vắng lặng. Chính vì thế, tất cả các pháp hữu vi như huyễn, như ảo, như mộng, như ảnh, có hợp rồi phải có tan, không thật có, mà tất cả đều do nhân duyên hợp thành mà có, cũng giống thân này do năm uẩn hợp thành và chịu sự chi phối trong cõi “…sinh ra là khổ,già là khổ, cái gì ưa mà phải rời là khổ, cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ, nói tóm lại, triền miên trong ngũ trược giả hợp là khổ” [THVH, TR 112]. Vì thế, thiền sư Vạn Hạnh đã quan niệm rằng: Thân chỉ là bóng chớp mong manh, giả tạm, vô thường, không thật có, cho nên đừng nghĩ nó là mãi mãi thường còn, vĩnh cửu. Từ đó thiền sư khuyên chúng ta nên cố gắng nổ lực tu tập, để thấy được cái thật sự tồn tại, thường hằng, vĩnh cửu trong chính con người của chúng ta đó là chơn tâm, Phật tính vỗn sẵn có, mà xưa nay chúng ta thường bỏ quên không quan tâm, vì vậy đức Phật nói: “Thấy pháp là thấy Phật”.

一切有為法,如夢幻泡影.
如露亦如電,應作如 是觀.

“Hết thảy pháp hữu vi
Như mộng huyễn bèo bọt
Như sương cũng như chớp
Nên hãy nhìn như vậy” [Thích Hạnh Tuệ (2018)Văn học Phật giáo Việt Nam, tr 314]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2021 Van Hanh Thien su

Đến câu hai ý nghĩa thiền sư muốn nói là khi thân đã ngộ đạo, thì nhìn tất cả mọi hiện tượng thế giới xung quanh con người đang sống cũng vận hành theo quy luật của chuyển hóa, và vạn vật cũng phải biến đổi theo mùa của nó: “Cây cối xuân tươi, thu não nùng”, có nghĩa rằng vạn vật khi gặp đúng thời vận, thời tiết thuận lợi như mùa xuân thì có thể đâm chồi, nảy lộc cho ra những hoa quả ngọt ngào, còn mùa thu đến thì lá rụng trơ cành…đó là lẽ vô thường, là dĩ nhiên. Con người cũng vậy phải tuân theo quy luật “sinh lão bệnh tử”, “thành trụ hoại không”, như khi sinh ra thì bàn tay trắng chết đi cũng trắng tay, chứ có đem theo được nhà cửa, tiền tài, danh vọng gì đâu, thế mà con người cứ suốt ngày chạy theo danh vọng, địa vị, vật chất, mà quên đi “bản lai diện mục” nơi chính mình. Đó là chơn tâm Phật tính, thường hằng, mà xưa nay chúng ta vốn chôn lùi. Vì dòng thời gian vạn vật cũng biến đổi và cuối cùng cũng trở về vô thủy, vô chung, trở về vô ngã, theo trục sinh tử luân hồi tưởng chừng như không bao giờ có hồi kết.

Do đó trong kinh Kim cang bát nhã ba la mật đa, đức Thế Tôn dạy: 凡所有相皆是虛妄Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng (Phàm cái gì có hình tướng, tất cả đều là hư vọng), Nếu chúng ta nhận chân cái lẽ: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc; sắc bất dị không, không bất dị sắc, thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị thì sẽ thanh thản chấp nhận cái quy luật vô thường này của tất cả hiện thực trong thế giới khách quan, từ đó sẽ có thái độ ‘vô bố úy’ (không sợ hãi) trước hiện thực”. Khi người tu nhận chân được cuộc đời vô thường, vô ngã, thì không đau khổ. Thiền sư Vạn Hạnh lại nói tiếp: “Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi” với ý dặn người tu hành sau khi giác ngộ được vô thường rồi thì tâm ta sẽ được bình yên. Điều này giúp người tu hành không vướng bận, không thương tiếc, sầu bi hay sợ hãi, không tức giận tham si trước vô thường nữa.

“Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”, với nghệ thuật ẩn dụ, thiền sư Vạn Hạnh đã ví con người như giọt sương mai, không có gì phải sợ hãi trước sinh tử luân hồi. Đó là quy luật biến đổi vô thường của tự nhiên, quy luật ấy không loại trừ một ai cả. Lời chỉ dạy của thiền sư cho các vị đệ tử, đừng sợ hãi trước cái vô thường, đối mặt với vô thường ấy bởi là quy luật, mà là quy luật thì không thể thay đổi được. Trong câu thơ cuối cũng bằng biện pháp so sánh, tác giả đã ví sự vô thường cái được, cái mất, cái thịnh suy đó cũng chỉ như giọt sương trên đầu ngọn cỏ buổi sớm. Cái thịnh suy đó cũng chỉ là mộng ảo, rất mong manh, giả tạm.

Bài thơ thể hiện sự giác ngộ chân lý theo tinh thần Phật giáo của thiền sư, dùng để khai ngộ cho chúng đệ tử. Ngài đã trình bày những triết lý Phật giáo không phải trực tiếp mà gián tiếp thông qua những hình ảnh của sự vật, sự việc và hiện tượng trong đời sống muôn hình vạn trạng của kiếp người. Mọi sự vật, hiện tượng luôn biến đổi theo quy luật sinh, trụ, dị, diệt. Nhưng ở đây, bài thơ thể hiện sự phá chấp của nhà Phật là vượt lên mọi quy luật định sẵn và tìm về cái chân lý tuyệt đối. Đó chính là tinh thần và ý chí bất diệt của nhà Phật, dù trải qua bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đặc biệt và ý nghĩa hơn nữa, bài thơ đã được đưa vào chương trình giáo dục quốc dân của Việt Nam, trở thành một phần tri thức của đông đảo quốc dân, thể hiện sự trân trọng của xã hội và học giới đối với những thành tựu văn học của các bậc tiền nhân, mà ở đây tác giả là một thiền sư Phật giáo, quả là niềm tự hào và hoan hỉ lớn đối với chư tăng và Phật tử, mà cũng là niềm tự hào của những người mến mộ và có cảm tình đối với Phật giáo.

Triết lý hành động

Khi nói đến tư tưởng thiền học của thiền sư Vạn Hạnh thì không thể không nhắc đến đó là tư tưởng Phật học và triết lý thiền hành động, cả hai đều thể hiện tinh thần yêu nước, và yêu đạo của ngài. Nguyễn Đăng Thục đã khái quát tư tưởng thiền sư Vạn Hạnh như sau: “Tinh thần Vạn Hạnh không chỉ cầu giải thoát cho mình, cũng không phải lãnh đạm với xã hội để hướng ra thiên nhiên sống ưu du. Thiền của Vạn Hạnh là thiền của hành động thực tế phụng sự dân tộc. Đi vào tư tưởng thiền Vạn Hạnh là cưu mang sứ mệnh hồi phục và thể hiện tinh thần văn hóa Việt Nam” [Thiền Học Việt Nam, tr 110].

Đặc biệt thiền của thiền sư Vạn Hạnh là thiền hành động ngay trong việc làm hằng ngày như đi đứng nằm ngồi, ăn uống ngủ nghỉ, và cũng như lúc chống giặc nguyên mông sang xâm lược, chứ không phải thiền học như các thiền sư khác, chỉ ngồi một chỗ an trú, tập trung theo dõi vào hơi thở để không cho tâm tán loạn.

Dựa trên tinh thần đó chúng ta hiểu được rằng, triết lý thiền hành động của thiền sư Vạn Hạnh là yêu cầu con người phải nắm bắt được quy luật vận hành của vũ trụ, và sự phát triển của vạn vật, xã hội, để không phải bất ngờ trước những biến cố xảy ra, mà phải luôn hành động theo sự vận hành của quy luật thịnh suy đất nước, và đồng thời phải luôn nhìn về phía trước để kiến tạo một tương lai tương sáng cho bản thân và dân tộc. Triết lý thiền hành động này bắt nguồn từ những con người đã làm nên đã làm nên thời kỳ oanh liệt cho lịch sử đất nước. Điển hình như thiền sư Vạn Hạnh, ngài đã hi sinh tất cả, bất chấp bản thân, để lo phục sự cho đạo pháp và dân, giúp cho đất nước xã hội Đại Việt ngày càng được, phát triển và hưng thịnh hơn. Ngài đáng là tấm gương tốt để cho hàng hậu học noi theo. Trong sách “Văn học đời Lý” (bản in năm 1957, Sài Gòn, nhà xuất bản Hướng Dương), tác giả Lê Văn Siêu viết: “Cuộc đảo chính năm 1010 của Vạn Hạnh, sau cuộc đảo chính năm 980 của Lê Hoàn, không mất một giọt máu, không gây một oan cừu, dù muốn dù không cũng đã là một tác phẩm nghệ thuật”.

Tinh thần hộ quốc an dân

Thiền sư Vạn Hạnh là vị cao tăng thời Lý, thuộc dòng thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đời thứ 12. Đặc biệt thiền sư đã nghiên cứu hàng trăm bộ kinh luận của Phật giáo, thiền sư Vạn Hạnh được Lý Thái Tổ sắc phong làm Quốc Sư. Ngài đã đem tinh thần dung hợp giữa Nho, Đạo, Phật để giúp vua Lý Thánh Tổ trị quốc an dân theo đúng vị trị lãnh đạo, về mặt tinh thần và tâm linh. Với tinh thần nhập thế và triết lý hành động của ngài giúp cho người dân Đại Việt lúc bấy giờ được an cư lạc nghiệp. Bàn tay và khói óc của thiền sư Vạn Hạnh đã góp một phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển triều đại nhà Lý, có thể xem là thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử.

Nói đến thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi không thể không nhắc đến yếu tố Mật giáo. Với hình thức “sấm vĩ học” là môn học suy trắc về tương lai, căn cứ vào lý thuyết âm dương và lý thuyết ngũ hành, thiền sư Vạn Hạnh đã sử dụng khéo léo trong việc ứng dụng phong thủy và sấm vĩ vào trong cuộc sống một cách tài tình. Như trong những bài sấm của thiền sư Vạn Hạnh kể đến là lần sét đánh trên cây gạo do Lê Quí An ở trong chùa Minh Châu trên thân cây gạo hiện ra bài sấm:

“Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông A nhập địa
Dị mộc tái sinh
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình”.

Dịch:

“Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa đao rụng
Mười tám hạt thành
Cành Đông xuống đất
Cây khác lại sinh
Đông mặt trời mọc
Tây sao lặn mất
Sáu bảy năm nữa
Thiên hạ thái bình”.
[Thơ Văn Lý-Trần, tr 222-223].

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Nhà sư Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng: trong câu thụ căn diểu diểu, chữ căn là gốc, gốc tức là vua, chữ diểu đồng âm với yểu, thế là nhà vua chết yểu; trong câu mộc biểu thanh thanh, chữ biểu là ngọn, ngọn tức là bề tôi, chữ thanh đồng âm với chữ thịnh; hòa đao mộc là chữ Lê; thập bát tử là chữ Lý; Đông A là chữ Trần; nhập địa tức chỉ giặc phương Bắc vào cướp. Câu dị mộc tái sinh tức là họ Lê khác lại nổi lên. Câu Chấn cung kiến nhật thì Chấn là phương Đông, kiến là mọc ra, nhật chỉ Thiên tử; Câu Đoài cung ẩn tinh thì Đoài là phương Tây, ẩn cũng như lặn, tinh là thứ nhân. Mấy câu ấy ý nói vua thì mệnh yểu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất thì họ Lý nổi lên. Thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất. Trải qua sáu bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình”[2].

Về phương diện phong thủy học, Thiền sư Vạn Hạnh cũng là người tinh thông. Với “Chiếu dời đô” có thể thấy tư duy của những con người thực sự am hiểu về địa lí, mà người giúp sức cho Lý Thái Tổ trong công cuộc dời đô. Nghệ thuật sấm vĩ và phong thủy ấy đã được thiền sư sử dụng với tinh thần tùy duyên bất biến, ứng dụng một cách tài tình để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Mục đích cuối cùng của thiền sư Vạn Hạnh cũng chỉ là giúp đất nước tránh một cuộc can qua, đưa người hiền lên ngôi đế vương để xây dựng đất nước cường thịnh và phát triển, xiển dương Phật pháp để xây dựng một xã hội theo tinh thần Phật giáo.

Đầu kỷ nguyên độc lập, lớp người tinh thông học vấn thường là Tăng nhân. Tăng sĩ lúc bấy giờ, ngoài việc phải chăm lo giáo dục đạo đức còn phải đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân trong việc học chữ. Có thể nói trong thời kì ấy chùa là nơi che chở hồn dân tộc. Mái chùa lúc bấy giờ là nơi dạy cả Nho, Lão, Phật và là nơi nuôi lớn tài năng của bao danh nhân đất Việt. Đại diện tiêu biểu cho hàng lớp trẻ em học tập từ trong mái chùa hồn hậu dưới sự hướng dẫn chỉ dạy của các vị thiền sư mà bước ra cuộc đời là Lý Công Uẩn.

Trong buổi đầu giành được độc lập, các triều đại đầu tiên đều chưa dùng “đức trị” để cai trị thiên hạ. Thiền sư Vạn Hạnh với ý niệm chuyển hóa một xã hội sang “đức trị”, biến quốc gia Đại Cồ Việt thành một quốc gia phú cường, hưng thịnh, nhân dân ấm no hạnh phúc. Ngài đã hành động một cách kiên trì và âm thầm từ trong công việc giáo dục. Để có một cuộc cách mạng thay đổi triều đại mà không đổ máu năm 1009, Ngài đã bỏ rất nhiều tâm huyết trong hàng chục năm để trang bị cho Lý Công Uẩn một nền giáo dục vững chắc. Trở thành một người tài đức vẹn toàn, đồng thời cũng thấm nhuần giáo lý Phật đà để có thể trở thành một vị quân vương Bồ tát, trị quốc an dân theo chính pháp.

Sau khi giành lại độc lập chủ quyền dân tộc đến đầu thế kỷ XI đã có thể gọi là hoàn toàn. Nhà Tiền Lê với việc chống quân Tống xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc là một thiên sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà. Có thể nói sứ mệnh lịch sử của nhà Tiền Lê đến thời Lê Long Đĩnh đã hồi kết. Phú cường và an cư lạc nghiệp là nhu cầu thiết yếu của quốc gia dân tộc lúc bấy giờ. Dưới sự chuẩn bị của thiền sư Vạn Hạnh mọi việc đã diễn tiến thuận lợi. Năm 1009 khi Lê Long Đĩnh băng hà, Lý Công Uẩn đã lên ngôi. Thiền sư Vạn Hạnh từng nói với Lý Công Uẩn: “Mới rồi tôi trông thấy lời phù sấm kì lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp, nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân lại nắm binh quyền, đứng đầu muôn dân chẳng phải thân vệ thì còn ai đương nổi nữa, tôi đã hơn bảy mươi tuổi rồi, mong được thư thái hãy chết, để xem đức hóa công như thế nào, thực là cái hay nghìn năm có một.[3] Thiền sư Vạn Hạnh lại nói với tướng Đào Cam Mộc: “Thân vệ là người khoan thứ nhân từ, lòng người chịu theo, hiện nay trăm họ mỏi mệt kiệt quệ, dân không chịu nổi, thân vệ nên nhân đó lấy ân đức mà vỗ về thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được”. [4]

Có thể nói xã hội đời Lý thái bình thịnh trị là do nền tảng mà thiền sư Vạn Hạnh đã âm thầm xây dựng và giúp đỡ Lý Công Uẩn lên ngôi hoàn thành được chí nguyện xây dựng một triều đại có thể đáp ứng yêu cầu đất nước phú cường và dân chúng được an cư lạc nghiệp. Thiền sư Vạn Hạnh còn là người cố vấn cho vua trong mọi việc quốc gia đại sự, để định cuộc đất nước, đưa ra các biện pháp trị quốc thích hợp.

Chính vì hiểu được bản tính chân như vốn có của con người, từ đó có thể thấy được cái “vô ngã” trong giáo lý nhà Phật. Chính vì lẽ ấy mà sự hòa nhập giữa nội tâm và ngoại giới ở thiền sư Vạn Hạnh đã đạt đến cảnh giới đỉnh cao, vượt lên mọi sự phân biệt của thế giới nhị nguyên. Sự an nhiên trở về với tự tính, trở về với lẽ chân như mà diệu hữu của đạo Phật. Vì vậy, sự thịnh suy của cuộc đời cũng mong manh nhỏ nhoi như giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ. Theo giáo lý thiền tông thân xác chỉ là hóa thân có mất đi cũng chỉ là kết thúc một dạng tồn tại, chứ bản thể có mất đi bao giờ mà buồn thương tiếc nuối. Đó cũng là bài học mà thiền sư Vạn Hạnh để lại cho đời sau.

3. Tạm kết

Có thể nói rằng, thiền sư Vạn Hạnh là vị thiền sư lỗi lạc của Việt Nam thời nhà Lý. Cuộc đời và sự nghiệp của ông góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Ngài là người rũ bỏ danh lợi tìm đến chốn Phật môn, nhưng không phải là người lánh đời, tìm về chốn sơn lâm mà mai danh ẩn tính. Trái lại, thiền sư Vạn Hạnh đã dấn thân vào cuộc đời, đem tinh thần nhập thế của Phật giáo vào cuộc đời một cách chủ động và linh hoạt. Con đường mà thiền sư Vạn Hạnh đã bước đi là con đường hành động với trái tim vô cầu, với quyết chí đem tất cả tâm can phò trợ những người khoan dung, được lòng dân, có hoài bão làm cho dân giàu nước thịnh.

Tác giả: TT.TS.Thích Hạnh Tuệ & SC.Thích Nữ Giới Chân

***

Tài liệu tham khảo:
1. Thích Phước Đạt – Thích Hạnh Tuệ – Thích Nữ Thanh Quế (2022), Thiền Học Việt Nam, Nxb Phụ Nữ Việt Nam, Hà Nội.
2. HT. Thích Mãn Giác (1997), Vạn Hạnh, Kẻ Đi Qua Cầu Lịch Sử, Nxb Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ.
3. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
4. Ngô Sĩ Liên (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn hóa – thông tin, Hà Nội.
5. Lê Mạnh Thát (2005), Nghiên cứu Thiền uyển tập anh, Nxb Phương Đông.
6. Thích Hạnh Tuệ (2018), Văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
7. Nguyễn Đăng Thục (1967), Thiền học Việt Nam, Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2019, Nxb Lá Bối.
8. Thích Thanh Từ (2019), Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
9. Lê Văn Siêu (1975), Văn Học Đời Lý, Nxb Hướng Dương, Tp. HCM.
10. Viện Văn học (1997), Thơ Văn Lý – Trần, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Thiền sư Vạn Hạnh với triết lý “Dung tam tế”

Quốc sư Vạn Hạnh – Công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc

Thiền sư Vạn Hạnh vận dụng tư tưởng Phật giáo xây dựng Vương triều nhà Lý

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường