Tác giả: Thích Nữ Thuần Hiếu Học viên Cao học khóa II – Học viện PGVN tại Huế

Tóm tắt: Việt Nam đã trải qua lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước. Có thời kỳ rất hưng thịnh nhưng cũng có những giai đoạn suy vi. Trong các thời kỳ hưng thịnh thì không thể không kể đến triều đại nhà Lý - một triều đại đã để lại cho dân tộc Việt Nam rất nhiều vẻ vang không chỉ ở mặt chính trị, văn hóa, nghệ thuật mà còn vẻ vang về mặt Phật giáo. Công lao đầu tiên của nhà Lý đó là vị vua Lý Công Uẩn, một người mang phong thái nhà chùa nhưng tiềm ẩn cốt cách của một vị vua. Từ khóa: Lý Công Uẩn, phong thái nhà chùa, cốt cách vị vua.

MỞ ĐẦU

Trong lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam, thời đại Lý được coi là mốc son vàng, đánh dấu bước ngoặt cơ bản về tư tưởng yêu nước và tinh thần độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Nhà Lý (1009 - 1226) là một triều đại lớn trong lịch sử nước ta, thời Lý được coi là thời kỳ lịch sử vẻ vang nhất trong thời kỳ trung đại, thời kỳ dân tộc ta vươn lên mạnh mẽ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Thời nhà Lý, nhà nước phong kiến củng cố và phát triển hệ thống chế độ trung ương tập quyền, tiến hành nhiều cải cách chính trị, kinh tế, quân sự và đạt được những kết quả rực rỡ về nhiều mặt. Trên cơ sở của nền kinh tế - chính trị đó, văn hóa, tư tưởng của dân tộc cũng được xiển dương, phát triển mạnh mẽ. Thời kỳ này đã xuất hiện nhiều nhân tài về văn chương, nghệ thuật với nhiều tác phẩm bất hủ. Từ những áng văn thơ hào hùng, đến nghệ thuật chạm khắc tinh tế, uyển chuyển đầy tính sáng tạo và bay bổng như biểu tượng rồng thời Lý,… tất cả đã tạo nên bức tranh đa sắc về một đời sống văn hóa phong phú. Song, nhìn một cách tổng quát, chúng ta sẽ thấy nổi lên ý thức tự hào dân tộc, một hào khí Đông Á mà hậu thế mãi còn nhắc đến.

Tượng Vua Lý Công Uẩn. Ảnh: St

1. Sơ lược về tiểu sử Lý Công Uẩn

Lý Công Uẩn (李公蘊)(974 - 1028), ngài sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974) người châu Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh), mẹ họ Phạm. Năm lên 3 tuổi, mẹ ẵm đến thiền sư Lý Khánh Văn và được Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi. Lý Công Uẩn thông minh và có chí khí khác người ngay từ nhỏ. Khi đến tuổi đi học thì được theo học với Thiền sư Vạn Hạnh ở chùa Tiên Sơn. Sư Vạn Hạnh nhận ra được tố chất thông minh phi phàm của đứa trẻ này nên đã có nhận định: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”. Nhờ sự nuôi dạy của nhà sư Lý Khánh Văn và Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn trở thành người xuất chúng, văn võ kiêm toàn. Lúc lớn lên, Ngài đến Hoa Lư làm quan cho nhà Lê. Khi vua Đại Hành băng hà, Trung Tông bị giết, Lý Công Uẩn ôm xác vua mà khóc, Ngọa triều khen là người trung nghĩa, bèn phong cho chức Tứ sương quân phó, về sau lại thăng đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.

Trước khi Lý Công Uẩn được lên ngôi thì trong nhân gian đã xuất hiện một số câu chuyện về điềm báo:

Sách Thiền Uyển tập anh cho rằng, ngay từ thời điểm năm 785 - 804, tức hơn 200 năm trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi. Thiền sư Định Không họ Nguyễn, ở làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn- Bắc Ninh) đã dự cảm, triều nhà Lý xuất hiện. Câu chuyện huyền bí này, gắn với ngôi chùa Quỳnh Lâm (tức chùa Đài hay còn gọi là chùa Lục Tổ, ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng đất Kinh Bắc.

Tương truyền, khi xây chùa Quỳnh Lâm, lúc mới đào đất đắp nền đã phát hiện 1 cái ly hương và 10 cái khánh. Sư sai người đem xuống sông rửa sạch. Một cái khánh bị rơi xuống đáy sông. Thiền sư Định Không cho rằng đây là điềm báo tốt. Ông nói với mọi người: chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ. Chữ thuỷ, chữ khứ hợp thành chữ pháp. Chữ thổ chỉ làng ta ở. Định Không đặt tên làng mình từ Diên Uẩn thành Cổ Pháp. Sau đó, Thiền sư tụng:

“Hiện ra pháp khí Mười hai chuông đồng Họ Lý làm vua Ba phẩm thành công.”

Kế đến là câu chuyện về “Cây gạo làng Diên Uẩn” do thiền sư Đinh La Quý trồng vào năm 936. Theo sách Thiền Uyển Tập Anh, sau khi trồng cây gạo, sư Đinh La Quý làm bài sấm trên thân cây. Đến năm 1009, sau 73 năm tồn tại, cây gạo làng Diên Uẩn bị sét đánh nhưng không chết, ngay trên thân cây chỗ bị sét đánh hiện ra bài sấm:

“Đại sơn long đầu khỉ Cù vĩ ẩn châu minh Thập bát tử định thiền Miên thọ hiện long hình Thổ kê thử nguyệt nội Định kiên nhật xuất thanh”.

Dịch:

“Đại sơn đầu rồng ngửng Đuôi cù ẩn Châu minh Thập bát tử định thành Bông gạo hiện long hình Thỏ gà trong tháng chuột Nhất định thấy trời lên”.

Ở câu thứ 3 “thập bát tử” tức chữ thập (十), chữ bát (八), chữ tử (子) tạo thành chữ Lý (李) ý chỉ vị vua sau này mang họ Lý. Hai câu sau nói ra vị vua này lên ngôi vào tháng chuột (tháng 11) năm gà (tức năm dậu 1009). Vị vua mang họ Lý lên ngôi vua vào tháng 11 năm 1009 chính là vua Lý Công Uẩn.

Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có nói về việc: “Ở viện Cảm Tuyển, chùa Ứng Thiên Tâm (châu Cổ Pháp) có con chó con mới sinh, sắc trắng, lông có đốm đen, kết thành hình hai chữ thiên tử. Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất (năm con chó), đất ấy sẽ sinh ra thiên tử. Vua sinh năm Giáp Tuất, sau lên làm thiên tử, quả là ứng nghiệm”.

Thiều sư Vạn Hạnh thường xuyên sử dụng các sấm ngữ truyền khẩu để tuyên truyền trong dân chúng. Để nhân dân biết rõ tình hình của triều đình và giới thiệu cho mọi người biết đến Lý Công Uẩn.

Báo trước cho dân chúng nhà Lý lên ngôi thay nhà Lê. Có bài sấm như thế này:

“Thụ căn diểu diểu Mộc biểu thanh thanh Hòa đao mộc lạc Thập bát tử thành Chấn cung kiến nhật Đoài cung ẩn tinh Lục thất niên gian Thiên hạ thái bình.”

Câu 3: chữ Hòa (禾) + chữ đao (刀) + chữ mộc (木) ghép lại thành chữ lê 黎lạc (落) nghĩa là rụng, mất. Câu 3 tiên đoán nghĩa cây đổ, nhà Tiền Lê mất.

Câu 4: chữ thập (十) + chữ bát (八) + chữ tử (子) ghép lại thành chữ lý 李; thành (成) nghĩa là nên. Câu 4 tiên đoán nhà Lý thay nhà Lê.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có nói về việc: Có một lần, vua Lê Ngọa Triều ăn khế nhưng khi bổ ra lại thấy ở trong có hạt mận (mận - cây mận, quả mận - âm Hán Việt là lý, cho nên Lê Ngọa Triều suy chữ lý là mận ra chữ lý là họ Lý) thì tin ở lời sấm truyền ngoài nhân gian về việc nhà Lý sẽ lên ngôi thay nhà Lê, bèn ngầm sai bộ hạ tìm người họ Lý để giết đi, ấy thế mà Lý Công Uẩn ở ngay bên cạnh vẫn không biết.

Chính những câu chuyện này đã tạo tiền đề cho mọi người về mặt tâm lý, để cho mọi người có một niềm tin mong mỏi rằng sẽ có sự thay đổi về một chế độ khác. Bởi trong thời kỳ nhà Lê, người dân rất oán thán, một triều đại đang vào giai đoạn suy vong, đất nước hỗn loạn. Khi vua Lê Ngọa Triều băng (1009), dưới sự sắp đặt tài tình của Thiền sư Vạn Hạnh và quan Chi hậu Đào Cam Mộc đã thống nhất tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua.

Một sự chuyển ngôi không tốn một giọt máu, không động đậy đao binh và cũng không bị sự ngăn trở bởi những quan thần chủ trương “Phò Lê diệt Lý”. “Thuận Thiên” là niên hiệu được Lý Công Uẩn đặt sau khi lên ngôi với ý nghĩa “thuận theo ý trời”. Đó không chỉ là ý trời mà là sự mong mỏi của đại đa số người dân trong thời kỳ này.

Trải qua thời kỳ thơ ấu sống trong chùa, được sự bồi dưỡng dạy dỗ của các Thiền sư nổi tiếng như Lý Khánh Văn, Vạn Hạnh, Đa Bảo. Cho nên sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn đã có rất nhiều chính sách mang đậm tinh thần từ bi - trí tuệ của đạo Phật.

Sự lên ngôi của Lý Công Uẩn

Năm 1005, Lê Long Đĩnh giết anh ruột cướp đoạt ngôi vua, các bầy tôi đều bỏ chạy, duy chỉ có Điện tiền quân Lý Công Uẩn ôm xác Lê Long Việt mà khóc. Lê Long Đĩnh thấy vậy, sau khi lên ngôi phong cho Công Uẩn làm Tứ sương quân chỉ huy sứ, sau đó được thăng lên Thân vệ điện tiền đô chỉ huy sứ.

Đến năm 1009, Lê Long Đĩnh mất, vua nối còn nhỏ, Công Uẩn cùng với Hữu điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đê, mỗi người đem 500 binh Tuỳ Long (binh theo vua) canh giữ.

Sau đó, Lý Công Uẩn được Đào Cam Mộc cùng với các quan khanh sĩ trong triều ủng hộ, phò tá lên ngôi Hoàng đế, chính thức lập ra triều đại nhà Lý trị vì đất nước ta suốt 216 năm.

Có thể nói rằng, cuộc chuyển giao quyền lực chính trị từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý là một trong những cuộc cách mạng bất bạo động trong lịch sử dân tộc ta. Điều đó chính là nhờ những công lao cực kì to lớn của Vạn Hạnh Thiền sư nói riêng và của Phật giáo đương thời nói chung.

2. Vai trò của Phật giáo đối với xã hội

2.1. Phật giáo trong xã hội lúc bấy giờ

Kể từ khi đạo Phật du nhập vào đất nước ta vào những năm đầu công nguyên và bắt đầu phát triển thịnh vượng vào thế kỷ thứ II sau Tây lịch, với những giáo lý phù hợp với truyền thống của dân tộc, Phật giáo đã đi sâu vào trong lòng của mỗi người dân Việt, đồng hành cùng với những biến thiên thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Tính đến thời điểm nhà Lý lên ngôi, trong suốt 10 thế kỷ tồn tại và phát triển, Phật giáo đã có một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân, đóng góp nhiều vai trò quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội như văn hóa, giáo dục, đạo đức, chính trị,…

Vào triều đại nhà Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi định giai cấp văn võ, ông thỉnh mời các vị Sư lỗi lạc đương thời vào hàng Thái miếu và định phẩm trật cho các tăng sĩ. Ông ban hiệu Khuôn Việt thái sư cho Thiền sư Ngô Chân Lưu, pháp sư Trương Ma Ni là tăng lục đạo sĩ và Pháp sư Đặng Huyền Trang làm Sùng Chân uy nghi.

Tượng Thiền sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu, Bắc Ninh.

Sang đến triều Tiền Lê, vua Lê Đại Hành cũng rất mực tin theo Phật giáo, ông thường xuyên thỉnh mời các vị Sư vào triều để tham cứu việc nước, trong đó nổi bật là Khuôn Việt Thiền sư, Pháp Thuận Thiền sư và Vạn Hạnh Thiền sư.

Ngoài ra, các vị tăng sĩ cũng được nhà vua tin cậy, giao trọng trách đón tiếp các sứ thần Trung Hoa sang sứ nước ta.

Như vậy, có thể thấy rằng, Phật giáo trong thời kỳ này rất được triều đình xem trọng. Giai đoạn này, tuy Nho giáo và Lão giáo cũng đã truyền vào nước ta nhưng vẫn chưa thể phổ cập bằng Phật giáo. Vì thế, Phật giáo đóng vai trò quan trọng lúc bấy giờ, đặc biệt có ảnh hưởng đến giới trí thức, quan lại.

2.2. Phật giáo với sự nghiệp của Lý Công Uẩn

Điều đầu tiên, Phật giáo đã có công trong việc phát hiện ra tài năng của Lý Công Uẩn. Trong lần đầu gặp mặt, Thiền sư Vạn Hạnh đã nhận định rằng: “Đứa trẻ này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”.

Từ đó, với vai trò là môi trường giáo dục tài năng và nhân cách con người, môi trường phật giáo đã nuôi nấng, rèn luyện và xây dựng nên một Lý Công Uẩn có đầy đủ tài và đức, hai yếu tố quan trọng đối với một bậc minh quân, lãnh đạo đất nước.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đất nước đang chìm trong biển khổ bởi sự cai trị tàn độc của vua Lê Long Đĩnh, Phật giáo đã tính toán một cách vẹn toàn trong việc thay thế ngôi vua mà không gây nên chiến tranh đổ máu.

Khi nhận thấy Lý Công Uẩn đã đầy đủ nhân lành, Thiền sư Vạn Hạnh đã đưa ông vào triều làm quan, tạo điểm khởi đầu cho công việc kế vị sau này.

Trong bối cảnh lúc bấy giờ, người dân rất tin vào những lời sấm ký. Dựa vào điểm này, Thiền sư Vạn Hạnh - người rất giỏi trong lĩnh vực này - đã ban ra rất nhiều lời sấm, gây dựng niềm tin nơi nhân dân về sự lên ngôi của Lý Công Uẩn. Cụ thể có thể kể đến những lời sấm như:

Lúc Lê Ngoạ Triều thi hành chính sách bạo ngược, bị thiên hạ ghét bỏ, thì tại Cổ Pháp, có một con chó lông trắng xuất hiện, trên lưng có hai chữ “thiên tử” lấm tấm bằng lông đen. Từ đó, thiên hạ bèn đồn rằng con chó tượng trưng cho năm Tuất, và một bậc thiên tử sinh vào năm Tuất sẽ xuất hiện cũng vào năm Tuất. Và điều này hoàn toàn ứng nghiệm vào Lý Công Uẩn khi ông quê ở làng Cổ Pháp, sinh vào năm Tuất.

Một sự kiện nữa đó là ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, có cây gạo bị sét đánh như đã đề cập ở trên.

Trong Việt Nam Phật giáo sử luận: có ghi lại lời tiên đoán của Thiền sư Vạn Hạnh rằng: Trong câu “Thụ căn diểu diểu”, chữ căn có nghĩa là gốc, gốc tức là vua; chữ diểu đồng âm với chữ yểu.

Trong câu “Mộc biểu thanh thanh”, chữ biểu nghĩa là ngọn, ngọn tức là bề tôi, chữ thanh đồng âm với chữ thanh, tức là thịnh.

Trong câu thứ ba, “hoà đao mộc” là chiết tự của chữ lê, chỉ cho nhà Lê, “lạc” có nghĩa là rơi rụng.

Trong câu tiếp, “thập bát tử” là chiết tự của chữ lý, chỉ cho họ Lý, “thành” có nghĩa là thành công.[5, tr.142-143]

Như vậy, mấy câu trên đây ý nói vua thì non yếu, bề tôi thì cường thịnh, khi nhà Lê mất thì nhà Lý sẽ lên thay thế.

Nhìn lại bối cảnh đời sống xã hội nước ta lúc bấy giờ, người dân rất tin vào những lời sấm ký. Do đó, những lời sấm ngôn có tác động rất lớn đối với đời sống tâm linh của con người. Lời sấm được coi như những điều hiển nhiên, thuận với lẽ trời, hợp với lòng người. Nó tồn tại và lưu truyền như những lời tiên đoán có phần thần bí nhưng linh thiêng, và vì vậy, hầu như ai cũng nghĩ vậy rất nên tin. Hơn thế, trong không ít trường hợp cần phải tin. Thông qua những lời sấm ký như vậy, Thiền sư Vạn Hạnh đã sử dụng sấm như một hình thức tạo dư luận, gây lòng tin nơi dân chúng và quan lại triều đình về sự lên ngôi của Lý Công Uẩn. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc xây dựng đất nước.

Có thể nói lời sấm kia chính là sáng tác của sư Vạn Hạnh nhằm chủ động tạo ra dư luận xã hội để chuẩn bị cho việc lên ngôi của Lý Công Uẩn sau này. Sau đó Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn: "Gần đây tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ, là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa". Như vậy, chính Thiền Sư Vạn Hạnh là người thúc đẩy, hướng dẫn và mở đường cho Lý Công Uẩn lên kế vị một cách thuận tiện, không gây chiến tranh đổ máu.

Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã đặt ra Tăng ban, bên cạnh Văn ban, Võ ban, Thái giám ban. Đây là ban đặc biệt, là cơ quan giúp vua chuyên trông coi các hoạt động của đời sống tâm linh, là cơ quan chịu trách nhiệm truyền giảng kinh sách. Thiền sư Vạn Hạnh được Lý Thái Tổ phong làm Quốc sư, là vị cố vấn cho nhà vua.

Theo Nguyễn Lang Việt Nam Phật giáo sử luận thì chính Vạn Hạnh Thiền sư là người đã tư vấn cho nhà vua dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, và ông cũng cho rằng sư Vạn Hạnh là người thảo chiếu dời đô và thiết kế họa đồ cho kinh thành Thăng Long.

Như vậy, sau khi giúp cho nhà Lý lên ngôi, Phật giáo lại tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ nhà vua trong việc củng cố quyền lực, xây dựng niềm tin của nhân dân vào vị tân Quân của đất nước.

Bên cạnh đó, khi Lý Thái Tổ lên ngôi, ông đã tiến hành một loạt biện pháp nhằm truyền bá đạo Phật ở trong nước, tu bổ chùa chiền, tăng cường ảnh hưởng học thuyết Phật giáo trong nhân dân. Lý Thái Tổ là người đặt nền móng vững vàng cho sự hưng thịnh của Phật giáo thời Lý. Thậm chí có thể nói, với việc thành lập triều Lý, đã bắt đầu một thời kỳ thống trị của Phật giáo trong đời sống tôn giáo của xã hội Việt Nam thời phong kiến và Phật giáo đã trở thành quốc giáo của triều Lý.

3. Những đóng góp của Lý Công Uẩn đối với Phật giáo

Vốn xuất thân từ nhà chùa, được sự dạy bảo tận tình của các Thiền sư lỗi lạc như Vạn Hạnh, Lý Khánh Văn, Đa Bảo… Nên khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn đã ban nhiều sắc lệnh tu bổ những chùa chiền bị hư hoại, và xây dựng rất nhiều ngôi chùa mới trong khắp đất nước. Tháng 7 năm 1010, vua cho phát hai vạn quan tiền, dựng tám cảnh chùa, đều lập bia ghi công đức. Trong thành Thăng Long, dựng chùa Hưng Thiên ngự tự, cung Thái Thanh và chùa Vạn Tuế; ở ngoài thành dựng chùa Thắng Nghiêm, chùa Thiên Vương, chùa Cẩm Y, chùa Long Hưng, chùa Thái Thọ, chùa Thiên Quang và chùa Thiên Đức, những đền chùa ở các làng mạc, có ngôi nào đổ nát, đều sai sửa chữa lại cả.

Ở triều đình, Lý Thái Tổ đặt ra Tăng ban, đây là cơ quan giúp vua chuyên trông coi các hoạt động của đời sống tâm linh, là cơ quan chịu trách nhiệm truyền giảng kinh sách.

Tháng 5 năm 1014, vua cho mở đàn chay tại chùa Vạn Tuế, ngay ở trong Nội thành để độ chúng Tăng đồ thụ giới. Đến tháng 9, lại xuống chiếu phát 310 lạng vàng trong kho để đúc chuông treo ở chùa Hưng Thiên. Tháng 10, vua ban chiếu phát trăm lạng bạc trong kho để đúc 2 quả chuông treo ở chùa Thắng Nghiêm và tinh lâu Ngũ Phượng

Tháng 6 năm 1018, vua sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin thỉnh Tam Tạng kinh. Lý Công Uẩn được xem là vị vua thứ hai cho người đi thỉnh kinh, trước đó vua Lê Long Đĩnh đã cho sứ đi thỉnh Tam Tạng kinh tại nước Tống vào năm 1008.

Năm 1019, xuống chiếu độ dân trong nước làm Tăng, lập đàn giới ở chùa Vạn Thọ, sai các Tăng đồ đến thọ giới. Phát vàng đúc chuông lớn để ở các chùa Hưng Thiên, Đại Giáo và Thắng Nghiêm.

Năm 1020, Vua phái tăng sĩ đi giảng đạo khắp nơi trong nước. Năm 1024, cho xây chùa Chân Giáo ở trong thành để nhà vua tiện đọc kinh kệ và thuận tiện cho các pháp sư, Tăng sĩ đến giảng đạo. Năm 1027, cho sao chép Đại Tạng Kinh làm nhiều bản để phổ biến cho dân chúng nghiên cứu, tu học.

Tất cả những việc làm trên đã chứng minh rõ công lao của Lý Công Uẩn không chỉ trên lĩnh vực xây dựng một quốc gia độc lập, thịnh trị từ bên ngoài mà còn là công cuộc xây dựng con người giải thoát khổ đau từ bên trong tự thân đúng theo tinh thần nhà Phật. Chính nhờ những đường lối sáng suốt này đã dựng xây lên một vương triều nhà lý tồn tại vững mạnh hơn 200 năm, một thời kỳ được xem là thịnh vượng nhất trong mọi lĩnh vực. Lý Công Uẩn được xem là tấm gương sáng, là người con ưu tú của dân tộc khi đã biết cách vận dụng đạo pháp để đưa vào đời, đạo đời được viên dung, vì rằng muốn xây dựng một đất nước phát triển lâu dài thì cần phải xây dựng thế giới nội tâm, nếu nội tâm trong sáng thì thế giới bên ngoài cũng được yên bình. Cũng trong thời kỳ này, Phật giáo được xem là quốc giáo, công lao ấy cũng nhờ một con người xuất thân từ con nhà Phật. Người đó là Lý Công Uẩn, một người mang phong thái nhà chùa, nhưng cốt cách của một vị vua.

Kết luận

Với tinh thần nhập thế đưa Phật giáo hoà nhập vào cuộc sống, các vị thiền sư vào thời kỳ này đã tích cực tham gia đóng góp vào các lĩnh vực chính trị, giáo dục. Là tầng lớp trí thức, có học vấn uyên thâm trong xã hội, các vị thiền sư dễ dàng có được sự tín nhiệm của các bậc đế vương, được giao cho nhiều trách nhiệm quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Và vấn đề tất yếu có thể thấy rằng, trong dân gian, Phật giáo chính là nơi lưu giữ các giá trị văn hoá của dân tộc, là người lãnh đạo tinh thần của quần chúng nhân dân. Trong triều đình, Phật giáo là những vị quốc sư, cố vấn chính trị cho nhà vua, cho triều đình. Như vậy, trong giai đoạn này, Phật giáo chính là quốc giáo, phủ rộng khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Xét về những công lao to lớn của Lý Công Uẩn đối với Phật giáo sau khi ông lên ngôi, ngoài những lý do rõ ràng khiến Lý Công Uẩn mang ơn Phật giáo, ông là đứa con tinh thần của Phật giáo và dã trở thành một vị vua, trụ cột của đất nước và xã hội, nhờ sự ủng hộ của của ông. Những hành động sùng kính đức Phật có thể coi là hành động “báo đáp ân đức” của ông. Nhưng mặt khác, cũng có thể thấy rằng trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XI, hệ tư tưởng này chỉ có thể là Phật giáo. Hơn nữa, mặc dù là một người nắm quyền dưới ảnh hưởng của Phật giáo, nhưng ông không phục vụ Phật giáo một cách vị tha (chí công vô tư), mà về cơ bản đã sử dụng Phật giáo như một phương tiện để đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của Phật giáo. Một đất nước độc lập, một chế độ tập trung quyền lực, tách biệt hoàn toàn với chế độ phong kiến Nho giáo của Trung Hoa lúc bấy giờ.

Như vậy thì việc Lý Công Uẩn hoằng dương Phật giáo không chỉ đơn giản là hành động của một ông vua sùng đạo nữa, mà đó là động thái của một nhà chính trị có tầm nhìn chiến lược.

Tóm lại, Phật giáo và dân tộc ta đã cùng nhau trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Có lúc Phật giáo được các nhà cầm quyền mến mộ, tạo điều kiện phát triển, cũng có lúc Phật giáo bị đàn áp, ruồng bỏ. Tuy nhiên, với tinh thần vì hạnh phúc của muôn dân, Phật giáo vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc ta, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của đại đa số người dân Việt. Tinh thần đó vẫn luôn được Phật giáo xướng lên cho đến ngày nay với châm ngôn “đạo pháp trường tồn cùng dân tộc”.

Tác giả: Thích Nữ Thuần Hiếu Học viên Cao học khóa II – Học viện PGVN tại Huế ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoài Anh (2008), Thuận thiên Lý Công Uẩn, Nxb Văn học. 2. Thích Thiện Hoa (2005), Phật học phổ thông, Nxb Tôn giáo. 3. Trần Trọng Kim (2020), Việt Nam sử lược, Nxb Đông Á. 4. Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch (2017), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học. 5. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận I-II-III, Nxb Văn Học, Hà Nội. 6. Phật giáo đời Lý (2010), Tủ sách Phật giáo và dân tộc. 7. Nguyễn Khắc Thuần (2008), Việt sử giai thoại, Nxb Giáo dục. 8. https://giacngo.vn/nhan-cach-ly-cong-uan-post6675.html. Truy cập ngày: 25/10/2022.