Sau khi thành đạo dưới cội bồ-đề, và trong suốt 45 năm hoằng pháp độ sinh, đức Phật đã thuyết giảng nhiều giáo pháp nhằm mục đích chuyển mê khai ngộ cho các đệ tử. Những lời dạy ban đầu của Phật còn gọi là giáo pháp Nguyên thủy. Trên nền tảng giáo pháp Nguyên thủy ấy, về sau Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa đã xây dựng thành một hệ thống giáo lý cực kỳ đa dạng.
Ngày nay nhìn vào ba kho tàng Kinh, Luật, Luận của Phật giáo, chúng ta cảm thấy choáng ngợp bởi tính uyên thâm của tư tưởng và đồ sộ về số lượng. Sự phong phú đa dạng của giáo lý có thể rất hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu chuyên sâu, rất hữu ích cho kinh nghiệm tu tập, nhưng lại gây khó khăn cho những người mới tiếp xúc với tư tưởng Phật giáo.
Sở dĩ chúng ta cảm thấy khó khăn khi nghiên cứu tư tưởng Phật giáo là do không nắm được đầu mối hay giáo pháp nền tảng xây dựng nên tòa nhà phật pháp. Đầu mối này chính là giáo lý Duyên khởi.
Duyên khởi được xem như chiếc chìa khóa mở kho tàng Pháp bảo của Phật giáo. Vì thế, nó có giá trị rất quan trọng trong toàn bộ hệ thống giáo lý của đạo Phật. Những công trình nghiên cứu, bài viết của nhiều vị tôn túc và các học giả đều có đề cập đến vấn đề duyên khởi khi nói về Phật giáo. Tuy nhiên muốn hiểu rõ lý duyên khởi quả thật không dễ chút nào. Ngày xưa đức Phật còn cảm thấy phân vân khi muốn truyền trao giáo lý mầu nhiệm này cho đại đa số quần chúng:
"Này các tỳ-kheo, rồi ta suy nghĩ như sau: pháp này do ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Y Tánh Duyên Khởi Pháp”.[1,374 - 375]
Thật vậy, giáo pháp Duyên khởi rất thâm sâu, người ta phải dụng tâm nghiên cứu, tu tập một cách nghiêm túc mới có thể hiểu được. Công trình này không ngoài mục đích thông suốt giáo lý Duyên khởi, nắm được chiếc chìa khóa vạn năng ngõ hầu tiến sâu vào ngôi nhà phật pháp. Đồng thời cũng hỗ trợ cho những ai có quan tâm về vấn đề duyên khởi. Về phương pháp nghiên cứu, người viết chọn phương pháp phân tích là chính. Tác giả chủ yếu nương vào những lời dạy tiêu biểu trong Kinh và Luận để làm nổi bậc chủ đề cần quan tâm
Phần nội dung, tác giả tập trung khai thác giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên trong kinh tạng Nikaya. Bởi đây là phần giáo lý quan trọng nhất về duyên khởi của Thế Tôn. Đức Phật thuyết minh giáo lý này nhằm đưa con người hướng về tuệ giác, biết rõ đâu là nguyên nhân đưa đến sự hiện hữu khổ đau của nhân sinh, đâu là phương cách loại trừ những nguyên nhân hữu lậu và đạt đến Niết Bàn giải thoát. Điểm trọng tâm của bài viết muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên trong hệ thống giáo lý đồ sộ của Phật giáo.
Giáo lý Duyên khởi có giá trị như giềng mối thâu tóm các giáo lý căn bản khác của đức Phật. Nó tạo nên sự thống nhất giữa các giáo lý cơ bản của đức Phật với nhau, làm nền tảng cho mọi lý thuyết của Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa phát triển sau này. Từ đó đưa ra nhận định duyên khởi là giáo lý đặc thù, uyên thâm nhất của triết học Phật giáo. Ai hiểu được giáo lý Duyên khởi tức là nắm được cái cốt lõi nhất của triết lý Phật giáo, đồng thời đạt đến tuệ giác đưa đến chấm dứt tất cả khổ đau.
1.1. Đạo Phật bắt đầu từ giáo lý Duyên khởi
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng ngộ lý Duyên khởi tại cội bồ-đề sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định. Từ đó đạo Phật bắt đầu xuất hiện trên thế gian. Chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác sau khi thông suốt giáo lý Duyên khởi đã trở thành một truyền thống của chư Phật. Không chỉ đức Phật Thích Ca chứng quả Vô thượng Bồ-đề từ duyên khởi mà các đức Phật Tỳ Bà Thi, Thích Khí, Tỳ Xá, Ca La Tôn Đại, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp cũng thành Phật từ lý duyên khởi.[2,15-23]
Và chắc chắn các vị Thế Tôn trong tương lai cũng sẽ chứng ngộ từ giáo lý này trước khi thành chánh quả. Thật vậy giáo lý Duyên khởi đã trở thành nền tảng của đạo Phật. Giác ngộ lý duyên khởi là giác ngộ chân lý tối thượng. Vì duyên khởi nói lên thực tính của các pháp. Thực tính ấy là duyên sinh, vô ngã.
Trong vũ trụ, bất cứ pháp hữu vi nào dù tâm pháp hay sắc pháp, dù lớn hay nhỏ, gần hay xa, thô hay tế cũng đều sinh thành hoại diệt theo quy luật duyên sinh. Duyên sinh, vô ngã là chân lý của thế gian. Chân lý này không phải do đức Thế Tôn tự đề ra mà nó có sẵn tự bao đời. Đức Phật chỉ là người có công phát hiện và chỉ dạy lại cho chúng ta.
Trong khi nhân loại đang chấp ngã, ngã sở thì tiếng nói duyên sinh, vô ngã của đức Phật lại chuyên chở ánh sáng trí tuệ siêu việt và có công năng đoạn trừ mọi chấp thủ, mọi khổ đau. Do vậy, có thể nói giáo lý duyên sinh là giáo lý đặc thù của Phật giáo, và nó trở thành một sợi chỉ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống giáo lý của đạo Phật.
Các giáo lý căn bản như Tứ Đế, Nghiệp Báo, Luân Hồi, Nhân Quả, Tam Pháp Ấn đều căn cứ trên nền tảng duyên khởi. Giáo lý Duyên khởi được xem như giáo lý căn bản nhất của mọi trường phái Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền. [3, 204]
Ngoài ra, các bộ luận quan trọng, các hệ tư tưởng lớn, các bộ kinh Đại thừa đều phát triển trên nền tảng triết lý duyên khởi. Tất cả những điều đó đã cho chúng ta thấy rằng: giáo lý Duyên khởi là một khám phá vĩ đại của Phật giáo nói riêng, của trí tuệ nhân loại nói chung. Nơi nào tiếng nói duyên khởi được xiển dương là nơi đó có trí tuệ của Phật giáo, có sự chấm dứt khổ đau.
Giáo thuyết nào được xây dựng trên chân lý duyên khởi là giáo lý như thật không hư dối. Sức mạnh nhiệm mầu của giáo lý này sẽ phá tan bóng tối vô minh ngàn đời bao phủ, khiến cho mọi người đạt đến giác ngộ, chứng được hạnh phúc cao thượng ngay trong đời hiện tại và quả vị giải thoát trong tương lai.
1.2. Định nghĩa duyên khởi
Tất cả các pháp trong vũ trụ vạn hữu đều vận hành theo qui luật duyên sinh hay duyên khởi. Tức là các pháp sinh khởi theo duyên, theo các điều kiện và không có một pháp nào tồn tại độc lập. Chúng phải nương vào các yếu tố và điều kiện khác để phát sinh. Ví dụ như cây lúa phải có đủ các yếu tố như đất, nước, không khí, ánh sáng, hột giống, phân bón, nhân công v.v... mới hình thành.
Duyên khởi, tiếng Pali là “Paticcsamuppàda”, dịch là tùy thuộc phát sinh, nương theo các duyên mà sanh; tiếng Anh dịch là “Dependent origination”. Định thức tổng quát nhất của lý duyên khởi được đức Phật trình bày trong kinh Tương Ưng Bộ như sau:
“Do cái này có mặt, cái kia có mặt
Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt
Do cái này sinh, cái kia sinh
Do cái này diệt, cái kia diệt”. [2,129]
Duyên khởi đầy đủ có 12 chi, đức Phật định nghĩa:
Này các tỳ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ... hữu duyên sinh; sinh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt... Do hữu diệt nên sinh diệt. Do sinh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. [2,10 ]
Một lần khác đức Thế Tôn định nghĩa: “Và này các tỳ-kheo, thế nào là duyên sinh pháp? già chết... vô minh là vô thường, hữu vi, duyên sinh, biến hoại tính, biến diệt tính, ly tham tính, đoạn diệt tính. Những pháp này, này các tỳ-kheo, được gọi là duyên sinh pháp". [3, 53]
Qua những cách định nghĩa về duyên khởi của đức Thế Tôn, chúng ta có thể rút ra được những nhận định sau đây về giáo lý Duyên khởi. Thứ nhất, các pháp do duyên mà sinh và cũng do duyên mà diệt. Chúng không bao giờ tồn tại độc lập. Chúng ta không thể tìm thấy một linh hồn bất tử, một bản ngã nào chi phối các pháp. Điều này nói lên tính chất vô ngã của các pháp. Các pháp mang tính duyên sinh là các pháp hữu vi, có sinh có diệt.
Pháp vô vi không nằm trong phạm vi duyên khởi. Định nghĩa quan trọng nhất có lẽ là 12 chi phần nhân duyên. Đức Phật thuyết minh 12 chi phần duyên khởi chủ yếu nhắm vào con người. Khi 12 nhân duyên sinh khởi tức toàn bộ khổ đau tập khởi. Và khi 12 nhân duyên đoạn diệt đồng nghĩa với khổ đau đoạn diệt. Định nghĩa duyên khởi qua 12 chi phần nhân duyên có giá trị đặc biệt trong sự tu tập giải thoát khổ đau. Đồng thời nó rất có giá trị về mặt tìm hiểu về nhân sinh quan của chúng hữu tình.
Duyên khởi tuy là giáo lý quan trọng nhất của Phật giáo nhưng nó hoàn toàn không phải do đức Phật tự sáng tạo ra. Duyên khởi chính là thực tính của vạn pháp. Dầu có Phật ra đời hay không nó vẫn hiện hữu. Chân lý này đã được đức Phật khẳng định: “Pháp duyên khởi ấy, dù có Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp quyết định tính ấy, y duyên tính ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt định lý ấy.
Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, khai triển, khai thị, phân biệt, minh hiển, mình thị. ”[2,51-52] Như vậy giáo lý Duyên khởi đã cho chúng ta một cái nhìn về thực tánh của vũ trụ, nhân sinh hay toàn bộ thế gian. Thực tính ấy là duyên sinh, vô ngã. Con người cũng thuộc pháp duyên sinh cho nên, cũng vô ngã. Giáo lý 12 nhân duyên như một lời thuyết minh hùng hồn về tính vô ngã của con người và thế giới.
1.3. Sự sai biệt về các chi phần duyên khởi
Như trên đã nói, duyên khởi là thực tính của vạn hữu. Đức Phật là người có công phát hiện ra thực tính ấy và giảng giải lại cho các đệ tử tu tập. Nhưng trong quá trình thuyết giảng giáo lý Duyên khởi diễn tiến ngay trong bản thân con người, đức Phật đã trình bày theo một diễn trình duyên sinh cho hợp với suy luận của chúng ta. Đó là lý thuyết duyên khởi gồm có 12 chi phần.
Nhưng chúng ta đừng bao giờ cố chấp rằng lý duyên khởi nhất định phải 12 chi phần. Thật ra 12 chi phần chỉ là một định thức hợp lý nhất. Đức Phật có thể gia giảm các chi phần trong một số trường hợp. Kinh Đại Duyên trình bày 9 chi phần, thiếu vô minh, hành, lục nhập. Hay kinh Đại Bổn có 10 chi phần, thiếu vô minh, hành. Quả thật vô minh, hành, lục nhập đã bao hàm trong chi phần danh sắc. Danh sắc là yếu tố căn bản của chúng hữu tình gồm hai thành phần sinh lý và tâm lý.
Thế Tôn được tôn xưng là vị Pháp vương, Ngài có thể trình bày duyên khởi dưới nhiều dạng thức khác nhau tùy theo trình độ và căn cơ của người nghe. Cách trình bày như thế cũng không ngoài mục đích giúp cho mọi người giác ngộ được định lý duyên khởi. Do vậy giáo lý Duyên khởi có 12 chi phần, 10 chi phần, hoặc 9 chi phần v.v.. đều không quan trọng, mà quan trọng ở chỗ chúng ta có nhận ra và giác ngộ được giáo lý Duyên khởi hay không.
Các đệ tử khi giác ngộ đạo lý, đức Phật chỉ nói ngắn gọn rằng vị ấy có trí tuệ về các pháp sinh diệt. Thấy các pháp sinh diệt cũng đồng nghĩa với thấy được lý duyên khởi. Tôn giả Asaji, một trong năm vị đệ tử ban đầu của đức Phật, lúc trình bày lý duyên khởi cho tôn giả Xá Lợi Phất cũng ở dạng thức tổng quát, tức các pháp sinh thành và hoại diệt theo duyên:
“Bất luận pháp nào được sanh ra từ một nhân,
Nhân ấy, Như Lai đã giải thích,
Và Như Lai cũng đã giải thích sự chấm dứt nhân ấy,
Đó là giáo huấn của bậc Đại Sa-môn ”[4,232]
Theo tinh thần tùy duyên, luận Đại Tỳ Bà Sa quyển 24 có giới thiệu giáo lý Duyên khởi với số lượng các chi phần rất sai biệt:
Một duyên khởi: hết thảy các pháp hữu vi.
Hai duyên khởi: nhân và quả.
Ba duyên khởi: hoặc, nghiệp, sự.
Bốn duyên khởi: vô minh, hành, sinh, lão tử.
Năm duyên khởi: ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.
Sáu duyên khởi: nhân và quả của ba đời.
Bảy duyên khởi: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ.
Tám duyên khởi: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu.
Chín duyên khởi: thức, danh sắc, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.
Mười duyên khởi: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử.
Mười một duyên khởi: hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. [5, 698 ]
Tóm lại, dầu duyên khởi được trình bày dưới hình thức nào đi nữa cũng không ngoài mục đích khiến cho mọi người giác ngộ tính chất duyên sinh, vô thường, vô ngã của thế giới và bản thân. Từ đó xa lìa mọi sự chấp thủ, tham ái và chấm dứt mọi trạng thái khổ đau.
1.4. Giá trị đặc biệt của giáo lý Duyên khởi
Giáo lý Duyên khởi ngoài việc giúp cho chúng ta có một tầm nhìn rộng lớn bao quát về thế giới vạn vật vận động theo quy luật duyên sinh, vô thường, vô ngã; mà còn có giá trị rất trọng đại trong việc nhận thức tình trạng tồn tại của con người. Giáo lý Duyên khởi cho biết lý do vì sao chúng ta có thân năm uẩn với những hệ luỵ phiền não, phải cộng hành với sự vô thường, luân chuyển tái sinh đầy đau khổ. Đó là do 12 chi phần duyên khởi luân chuyển không ngừng từ đời này qua đời khác.
Động cơ của duyên khởi đưa đến khổ đau không ngoài hai hai món vô minh và tham ái. Ngày nào còn vô minh, tham ái thì 12 chi phần duyên khởi tiếp tục vận hành, con người còn tiếp tục khổ đau. Muốn chấm dứt tình trạng trên thì phải dừng ngay động cơ của nó. Nghĩa là phải tu tập chấm dứt vô minh và tham ái. Bởi thế giác ngộ giáo lý Duyên khởi cũng đồng nghĩa với việc biết cách ra khỏi vòng luân hồi, sinh tử, khổ đau.
Đức Phật đã khẳng định giá trị trọng đại của việc chứng ngộ giáo lý Duyên khởi làm nền tảng đưa đến chấm dứt vô minh, tham ái ngàn đời qua vần kệ cảm hứng sau khi thành Chính giác:
“Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp
Người xây dựng nhà này
Khổ thay phải tái sinh.
Ôi người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi
Ngươi không làm nhà nữa
Đòn tay ngươi bị gãy
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta được tịch diệt
Tham ái thảy tiêu vong. ”[6,45-46]
Lại nữa, trong kinh Đại Duyên đức Thế Tôn đã bảo tôn giả Ananda: “Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp duyên khởi này mà chúng sinh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaya, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử. ”[7, 512]
Thật vậy, giáo lý Duyên khởi có giá trị đặc biệt trong toàn bộ giáo lý của đức Phật. Một người tu sĩ mà chưa nhận ra giáo lý Duyên khởi thì chưa chính thức trở thành đệ tử chân chánh của đức Phật. Giáo lý Duyên khởi chưa thông suốt thì chưa biết cách để ra khỏi vòng luân hồi. Lý duyên khởi chưa hiểu thì không thể nắm vững được các giáo lý cơ bản khác của đạo Phật như Vô Thường, Vô Ngã, Nhân Quả, Nghiệp Báo, Tứ Đế, Luân Hồi v.v...
Và cũng khó có thể đi sâu vào các hệ thống tư tưởng của Phật giáo Đại thừa phát triển về sau như Bát Nhã, Pháp Tướng, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn v.v... Qua đó chúng ta có thể khẳng định rằng: giáo lý Duyên khởi chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hệ thống giáo lý của đạo Phật.
Không có giáo lý Duyên khởi thì không có đạo Phật, không thể chấm dứt vô minh ngàn đời và càng không thể ra khỏi khổ đau. Người nhận ra giáo lý Duyên khởi là người chính thức bước vào đạo lộ của chư Phật, là người đang đi trên con đường giải thoát mọi khổ đau như đức Thế Tôn từng dạy: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp người ấy thấy được lý duyên khởi.”[1,422]
(còn tiếp)
[1,374 - 375] Thích Minh Châu, kinh Trung Bộ I, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 1992.
[2,15-23] Thích Minh Châu, kinh Tương Ưng II, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 2003.
[3, 204] Thích Chơn Thiện, Từ Tưởng Đại Thừa & Nguyên Thủy, 1996.
[2,129] Thích Minh Châu, kinh Tương Ưng II, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 2003.
[2,10] Thích Minh Châu, kinh Tương Ưng II, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 2003.
[4,232]Phạm Kim Khánh dịch, Phật Giáo Nhìn Toàn Diện, 1996.
[5, 698 ] Thích Quảng Độ dịch, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, 2001.
[6,45-46] Thích Minh Châu, kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2000.
[7, 512] Thích Minh Châu, kinh Trường Bộ I, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 2001.
[1,422] Thích Minh Châu, kinh Trung Bộ I, VNCPHVN ấn hành, TP. Hồ Chí Minh, 1992.
Nguồn link: https://daophatkhatsi.vn/phat-hoc/nghien-cuu-kinh/tim-hieu-ve-giao-ly-duyen-khoi.html Để cập nhật những thông tin, kiến thức Phật giáo nhanh và chính xác nhất, theo dõi Tạp chí Nghiên cứu Phật học trên các nền tảng Facebook, Website, Youtobe
Bình luận (0)