Tác giả: ThS. Nguyễn Đắc Tùng
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tóm tắt

Phật giáo, với tư cách là một tôn giáo truyền thống và một triết lý gắn liền, ra đời vào thế kỷ VI TCN ở biên giới Nepal - Ấn Độ do Thích Ca Mâu Ni, tên thật là Tất Đạt Đa sáng lập. Sau đó Phật giáo đã được truyền bá từ Ấn Độ sang Việt Nam vào thế kỷ thứ III TCN bằng cả đường thủy và đường bộ.

Phật giáo đã nhanh chóng ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam, tư tưởng từ bi, vị tha của đạo Phật nhanh chóng được cư dân bản địa tiếp thu, bản địa hóa và trở thành tâm thức của người Việt, nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc Phật giáo được đúc bằng đồng đã ra đời, tiêu biểu là An Nam tứ đại khí.

Bài viết phân tích về An Nam tứ đại khí của người Việt.

Từ khóa: Phật giáo, An Nam tứ đại khí, Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, Vạc Phổ Minh.

Mở đầu

An Nam tứ đại khí (còn gọi là Nam Thiên tứ bảo khí hay Nam Thiên tứ đại thần khí) là bốn kỳ quan, bốn quốc bảo và là bốn công trình nghệ thuật được đúc bằng đồng của văn hóa thời Lý - Trần bao gồm: Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh); Tháp Báo Thiên ở Thăng Long (Hà Nội); Chuông Quy Điền ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), Hà Nội; Vạc Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, Thiên Trường (Nam Định). Người góp công lớn nhất cho bốn công trình trên một vị thiền sư từng là dược sư, pháp sư, đại sư rồi quốc sư tên hiệu là Nguyễn Minh Không.

Không chỉ là một danh y nổi tiếng mà Nguyễn Minh Không còn được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng. Ông chính là người góp phần tạo nên An Nam tứ đại khí nổi tiếng ở nước ta thời nhà Lý - Trần. Tương truyền rằng, ông một mình sang Trung Quốc để chữa bệnh cho thái tử con vua phương Bắc. Được vua thưởng cho nhiều vàng, bạc, châu báu nhưng sư Nguyễn Minh Không chỉ xin một ít đồng đựng đầy túi ba gang của mình. Nhà vua nhìn thấy chiếc túi của ông, liền đồng ý, cho phép ông vào kho lấy đồng. Kỳ lạ thay, ông đã thu hết cả mười kho đồng mà vẫn chưa đầy túi ba gang. Sau đó, ông mang túi đồng xuống thuyền để về nước, nhưng không chiếc thuyền nào chịu nổi sức nặng của lượng đồng ông mang theo. Nhận thấy tình thế không ổn nên ông bèn thi chuyển pháp thuật biến chiếc nón của mình thành một chiếc thuyền cưỡi sóng xuôi về phương Nam.

Về nước, sư Nguyễn Minh Không đã mang lượng đồng gom được từ Trung Quốc, đúc thành tứ đại khí bằng đồng báu quý giá của người Việt[1].

An Nam tứ đại khí
An Nam tứ đại khí

An Nam tứ đại khí

1. Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm

Dưới thời Lý - Trần, Phật giáo phát triển rực rỡ. Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng từ thời Lý, năm 1057 đời vua Lý Thánh Tông ở Đông Triều (Quảng Ninh) nằm ở vị trí cửa ngõ kết nối trung tâm Phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với các ngôi chùa khác trong vùng và các chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nên chùa Quỳnh Lâm được mở rộng và đầu tư xây dựng thành một trung tâm Phật giáo quan trọng[2].

Đứng đầu trong An Nam Tứ đại khí, là pho tượng Phật Di-lặc bằng đồng do nhà sư Nguyễn Minh Không cho đúc vào khoảng thế kỷ XI dưới thời Lý. Theo lịch sử thì nhà sư có công xây dựng chùa Quỳnh Lâm đầu tiên là sư Nguyễn Minh Không.

Truyền thuyết kể rằng, khi đúc pho tượng khổng lồ ở chùa Quỳnh Lâm, sư Minh Không đã dùng một cái túi lớn để thu gom đồng ở Trung Quốc đem về nước đúc nên các vật kim loại lớn.

Theo văn bia nay vẫn còn giữ được trong chùa thì tượng cao 6 trượng (xấp xỉ 24m), đặt trong một tòa Phật điện cao 7 trượng, bên trong lưu giữ 18 viên xá lợi của các vị bồ tát Đại Việt, lại thêm 360 viên đá linh khí từ các đền thờ chư thánh và anh hùng của Đại Việt[3].

Các tượng đồng cổ ở Việt Nam được coi là lớn nhất hiện nay: Tượng thánh Trấn Vũ đền Quán Thánh, Hà Nội đúc năm 1667 cao 3,7 m nặng 4 tấn; tượng phật A Di Ðà chùa Ngũ Xã, Hà Nội đúc năm 1949 - 1952 cao 3,95 m, nặng hơn 10 tấn; tượng A Di Ðà lớn nhất còn lại ở Quảng Ninh ở chùa Nhuệ Hổ, Ðông Triều cao 1,45 m, đúc thời Lê[4]. Chỉ có điều không còn cứ liệu để ước định tượng nặng bao nhiêu. Pho tượng lớn đến nỗi người ta phải xây dựng một tòa điện cao 7 trượng (khoảng 23,5 m) để đặt tượng. Chính vì chiều cao, độ lớn của tượng và điện chứa tượng nên tục truyền rằng, đứng phía nam huyện Ðông Triều, Quảng Ninh cách chùa Quỳnh Lâm ước chừng 10 dặm, vẫn còn thấy nóc điện che sát đầu pho tượng Phật chùa Quỳnh Lâm[5].

Trong dân gian còn lưu truyền câu ca:

"Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Ðông...
Tháp cao chín đợt màu mây ám
Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng
Trước điện thông reo cùng trúc hóa
Trong am khánh đá với chuông đồng...[6]"

Trong câu ca này hàm ý đến tòa điện đặt pho tượng khổng lồ trên. Sau đó thời giặc Minh xâm lược nước Đại Việt (1407-1427), chùa bị phá hủy, pho tượng Phật Di-lặc bằng đồng bị cướp mang đi.

Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh)
Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh)

2. Tháp Báo Thiên

Tháp Báo Thiên, tên đầy đủ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp gồm 12 tầng, cao 20 trượng. Vì tháp của chùa Sùng Khánh Báo Thiên nên về sau người ta thường gọi là tháp Báo Thiên. Tháp Báo Thiên do vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1057 trên khuôn viên chùa Sùng Khánh ở phía Tây hồ Lục Thủy (tức hồ Gươm, Hà Nội)[7], phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, ngoài cửa chính Đông của kinh thành Thăng Long (nay là phố Nhà Thờ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Thân tháp Báo Thiên xây bằng gạch hoa khắc chữ “Lý gia đệ tam đế, Long thụy Thái Bình tứ niên tạo”, tức là “Đúc năm thứ tư niên hiệu Long thụy Thái Bình đời vua thứ ba triều nhà Lý” (chế tạo năm Long Thuỵ Thái Bình thứ tư triều vua thứ ba nhà Lý). Tầng thứ ba của tháp Báo Thiên có ghi: “Thiên tử vạn thọ”. Các tầng trên và ngọn tháp được đúc bằng đồng. Đỉnh tháp Báo Thiên ở tầng thứ 12 đúc bằng đồng khắc ba chữ “Đao Ly Thiên” (ngọn giáo cao liền trời) tỏ ý tưởng của đấng tối cao xông lên tận trời thẳm, trên có tượng người tiên bưng mâm ngọc hứng móc ngọt làm thuốc cho vua[8].

Trong tháp Báo Thiên có trang trí nhiều tượng người và vật bằng đá rất tinh xảo. Tháp Báo Thiên là một công trình nghệ thuật kỳ vĩ, thuộc loại to lớn nhất kinh thành, biểu tượng cho nước Đại Việt hiên ngang tồn tại một góc trời[9]. Tháp Báo Thiên là đệ nhất danh thắng đế đô một thời. Vào thế kỷ XIV, tiến sĩ Phạm Sư Mạnh đời vua Trần Minh Tông (1314-1329), đã làm bài thơ như sau về Tháp Báo Thiên:

"Trấn áp đông tây giữ đế kỳ
Một mình cao ngất tháp uy nghi
Chống trời cột trụ non sông vững
Sừng sững ngàn năm một đỉnh chùy
Chuông khánh gió đưa vang đối đáp
Đèn sao đêm đến rực quang huy
Đến đây những muốn lưu danh tính
Mài mực sông xuân viết ngẫu thi[10]."

Thời giặc Minh xâm lược nước Đại Việt, năm 1414 tháp bị quân Vương Thông tàn phá tháp Báo Thiên để chế ra súng đồng giữ thành, nền tháp Báo Thiên còn lại to như một quả đồi, còn trơ một nền và một đống gạch vụn như núi, người ta vẫn còn nhìn thấy mấy chữ “Lý triều đệ tam đế”. Đến năm Bính Ngọ (1786) đất nước có chiến tranh, chùa tuy không bị đốt cháy, nhưng đã bị đổ nát. Đến năm Đồng Khánh nguyên niên (1886) chùa trở thành một cảnh hoang vu cô tịch[11]. Thời Pháp thuộc, những gì còn sót lại đã bị phá hủy hoàn toàn để xây nhà thờ lớn Hà Nội trên đất ấy[12].

Tháp Báo Thiên
Tháp Báo Thiên

3. Chuông Quy Điền 

Chuông Quy Điền được đặt tại chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở Hà Nội - ngôi chùa được xây theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ vào năm 1049. Đến năm năm 1101, vua Lý Nhân Tông cho xuất kho hàng vạn cân đồng để đúc quả chuông này và dự định treo tại chùa Diên Hựu, trong một tòa tháp bằng đá xanh cao 8 trượng. Nhưng chuông đúc xong to quá (tương truyền có đường kính 1,5 trượng (gần 6m), cao 3 trượng (gần 12m), nặng tới vài vạn cân), không treo lên nổi đánh không kêu nên đành bỏ xuống một thửa ruộng, ruộng này có nhiều rùa. Mùa nước ngập, rùa bò ra bò vào nên dân gian gọi là chuông Quy Điền (ruộng rùa)[13]. Năm 1426, khi bị quân Lê Lợi vây thành Đông Quan, tướng Minh là Vương Thông đã phá chuông Quy Điền lấy đồng đúc súng đồng, hỏa khí và làm kiếm[14].

Chuông Quy Điền
Chuông Quy Điền

4. Vạc Phổ Minh 

Vạc Phổ Minh được đúc vào năm 1262 đời Trần Thánh Tông, nhân dịp Trần Thái Tông (lúc đó là Thái Thượng hoàng) về chơi Tức Mặc (nay thuộc về tỉnh Nam Định). Tại đây, Trần Thái Tông đã ban yến cho dân làng. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên được ban tước hai tư, lão bà thì được hai tấm lụa. Nhân đấy, đổi Tức Mặc làm phủ Thiên Trường. Dựng cung Trùng Quang để các vua sau khi đã nhường ngôi về ở; lại dựng một cung riêng gọi là cung Trùng Hoa cho Tự quân (vua mới) khi đến chầu Thượng hoàng thì ngự ở đó. Đặt người chức dịch ở hai cung ấy để phòng khi sai khiến, hầu hạ và chức lưu thủ để trông coi. Phía Tây cung Trùng Quang dựng chùa Phổ Minh. Tại đây cho đúc một chiếc vạc lớn và khắc bài minh vào vạc. Vạc Phổ Minh sâu 4 thước, rộng 10 thước, nặng 6150 kg[15].

Tương truyền, miệng vạc Phổ Minh dày và rộng đến nỗi hai người có thể chạy nhảy và đi lại trên đó, bên ngoài có hình rồng uốn lượn và hình chim âu đang bay, trên thành có 100 lỗ hình quả trứng tượng trưng cho con Rồng cháu Tiên. Trong mỗi lỗ lại đặt một tượng rồng vàng để tích tụ linh khí của dòng dõi Bách Việt. Bệ vạc khắc tên tất cả các vị vua của dân tộc, từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, cho đến vua Lý Thánh Tông[16]. Cùng với chuông Quy Điền, tháng 10/1426 khi bị vây ở Đông Quan, Vương Thông đã cho phá vạc Phổ Minh để lấy đồng đúc vũ khí. Hiện nay tại chùa Phổ Minh chỉ còn lại bệ đá kê vạc Phổ Minh khi xưa.

Ảnh:

Chiếc vạc đen phía trước đại điện của chùa Tam Chúc mô phỏng lại vạc Phổ Minh.

Vạc được chế tác từ 22 tấn đồng, với đường kính 4m, tương đương chiều cao, kích cỡ, cân nặng so với bản gốc. Ảnh: Trung Nghĩa/VnExpress

5. Một số nhận xét

Có thể thấy, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh là bốn bảo vật quốc gia của người Việt, được đúc vào thời Lý - Trần. Chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Phật Quỳnh Lâm và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, cả về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật.

Về mặt văn hóa, chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Phật Quỳnh Lâm và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm là các biểu tượng của Phật giáo và văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần. Về mặt lịch sử, chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Phật Quỳnh Lâm và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm là minh chứng cho sự phát triển của nghề đúc đồng đạt đến đỉnh cao của người Việt thời Lý - Trần. Về mặt nghệ thuật, chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Phật Quỳnh Lâm và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện tài hoa của các nghệ nhân Đại Việt thời Lý.

Kết luận

Có thể thấy, An Nam tứ đại khí trong thời Lý - Trần đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật đúc đồng và kính thước to lớn có sự sắc sảo, tinh vi và chi tiết. Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm không những chứng tỏ trình độ đúc đồng đạt đến đỉnh cao mà còn nói lên những hoài bão to lớn của cha ông chúng ta trong việc xây dựng những công trình lớn, càng khẳng định thêm danh tiếng cho trình độ đúc đồng của người Việt,... góp phần tạo nên bản sắc văn hóa nghệ thuật của dân tộc ta khi đó. Mặc dù đều là những vật quốc bảo song khi nhà Minh sang xâm lược Đại Việt, tứ đại khí đều bị cướp hoặc phá huỷ để lấy đồng đúc vũ khí và nhằm làm mất đi một phần “nguyên khí” của người Việt.

Hiện nay, qua các thư tịch người xưa để lại, chúng ta có thể hình dung ra nghệ thuật kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần, một loạt các đại khí Phật giáo được đúc bằng đồng nổi bật trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.

Tác giả: Ths Nguyễn Đắc Tùng
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

***

Chú thích

[1] Truyền thuyết về An Nam tứ đại khí thời Lý - Trần (2024), https://galaxytourist.vn/bai-viet/370/an-nam-tu-dai-khi---huyen-thoai-ve-duc-thanh-nguyen-ly-quoc-su, truy cập ngày 10/11/2024.

[2] Trà Vân (2021), Chùa Quỳnh Lâm - Trung tâm Phật giáo thời Trần, https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/van-hoa/chua-quynh-lam-trung-tam-phat-giao-thoi-tran-190525.html, ngày truy cập 18/11/2024.

[3] Ban Nghiên cứu Văn hóa (2024), An Nam tứ đại khí, https://vanhoatinnguong.vn/bai-viet/an-nam-tu-dai-khi-16386.html, truy cập ngày 10/11/2024.

[4] Tượng chùa Quỳnh Lâm và “đệ nhất Thiên Nam tứ đại khí” (2011), https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tuong-chua-quynh-lam-va-de-nhat-thien-nam-tu-dai-khi-88597.html, truy cập ngày 17/11/2024.

[5] Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 182.

[6] Tượng chùa Quỳnh Lâm và “đệ nhất Thiên Nam tứ đại khí” (2011), https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tuong-chua-quynh-lam-va-de-nhat-thien-nam-tu-dai-khi-88597.html, truy cập ngày 17/11/2024.

[7] Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 182.

[8] Ban Nghiên cứu Văn hóa (2024), An Nam tứ đại khí, https://vanhoatinnguong.vn/bai-viet/an-nam-tu-dai-khi-16386.html, truy cập ngày 10/11/2024.

[9] Trịnh Dương (2012), Tháp Báo Thiên, https://giacngo.vn/thap-bao-thien-post17210.html, truy cập ngày 19/11/2024.

[10] Minh Mẫn (2008), Từ tháp Báo Thiên đến tòa Khâm Sứ và nhà thờ lớn Hà Nội,  https://sachhiem.net/MINHMAN/Tongiao/MinhManTG26.php, truy cập ngày 22/11/2024.

[11] Trịnh Dương (2012), Tháp Báo Thiên, https://giacngo.vn/thap-bao-thien-post17210.html, truy cập ngày 19/11/2024.

[12] Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 182-183.

[13] Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 182-183.

[14] Ban Nghiên cứu Văn hóa (2024), An Nam tứ đại khí, https://vanhoatinnguong.vn/bai-viet/an-nam-tu-dai-khi-16386.html, truy cập ngày 10/11/2024.

[15] Nguyễn Tiến Dũng (2018), Văn hoá Việt Nam thường thức, Nxb Văn hoá dân tộc, tr. 162

[16] Ban Nghiên cứu Văn hóa (2024), An Nam tứ đại khí, https://vanhoatinnguong.vn/bai-viet/an-nam-tu-dai-khi-16386.html, truy cập ngày 10/11/2024.

Tài liệu tham khảo
1. Ban Nghiên cứu Văn hóa (2024), An Nam tứ đại khí, https://vanhoatinnguong.vn/bai-viet/an-nam-tu-dai-khi-16386.html, truy cập ngày 10/11/2024.
2. Minh Mẫn (2008), Từ tháp Báo Thiên đến tòa Khâm Sứ và nhà thờ lớn Hà Nội, https://sachhiem.net/MINHMAN/Tongiao/MinhManTG26.php, truy cập ngày 22/11/2024.
3. Nguyễn Tiến Dũng (2018), Văn hoá Việt Nam thường thức, Nxb Văn hoá dân tộc, tr. 162
4. Trà Vân (2021), Chùa Quỳnh Lâm - Trung tâm Phật giáo thời Trần, https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/van-hoa/chua-quynh-lam-trung-tam-phat-giao-thoi-tran-190525.html, ngày truy cập 18/11/2024.
5. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 182-183.
6. Trịnh Dương (2012), Tháp Báo Thiên, https://giacngo.vn/thap-bao-thien-post17210.html, truy cập ngày 19/11/2024.
7. Truyền thuyết về An Nam tứ đại khí thời Lý - Trần (2024), https://galaxytourist.vn/bai-viet/370/an-nam-tu-dai-khi---huyen-thoai-ve-duc-thanh-nguyen-ly-quoc-su, truy cập ngày 10/11/2024.
8. Tượng chùa Quỳnh Lâm và “đệ nhất Thiên Nam tứ đại khí” (2011), https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tuong-chua-quynh-lam-va-de-nhat-thien-nam-tu-dai-khi-88597.html, truy cập ngày 17/11/2024.