DẪN LUẬN

Phật giáo có mặt trên đất nước Việt Nam từ những năm đầu Công Nguyên, từ đó hoà mình vào lòng dân tộc, trải qua bao thăng trầm cùng dân tộc Việt Nam như một lẽ đương nhiên vậy.

Một thời đất nước bình yên, ấm no, hạnh phúc dưới triều đại Lý-Trần, Phật giáo cũng trở thành một thành trì kiên cố, là suối nguồn, là chỗ dựa tinh thần, chỗ dựa tâm linh cho quần chúng nhân dân. Đến khi đất nước trải qua tình trạng lâm nguy dưới sự đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp, Phật giáo cũng theo đó suy yếu và mất đi chỗ đứng trong lòng dân chúng.

Là một tôn giáo có sự gắn kết, giao thoa gần và thích hợp với nền tảng văn hoá người Việt Nam, Phật giáo cần phải tìm cách gầy dựng lại những gì đang trên đà sụp đổ, để lấy lại vị trí của mình, để có thể thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đó là đồng hành cùng dân tộc, đấu tranh dành lại nền độc lập tự chủ của đất nước.

Phong trào chấn hưng Phật giáo đã diễn ra cùng với tình hình khó khăn của đất nước, nhưng không vì thế mà làm yếu đi cái tinh thần phục hưng mạnh mẽ của Phật giáo. Phật giáo đã nhận ra mấu chốt của vấn đề không chỉ ở bên ngoài mà còn ngay ở bên trong, chính vì vậy mà chủ trương trọng tâm của Phật giáo ban đầu chính là xây dựng lại đội ngũ tăng già. Những việc làm cụ thể của cuộc chấn hưng không chỉ nằm trong mảng về đào tạo Phật học nói chung, mà trong đào tạo Phật học đó chính là đạo tạo những con người, đào tạo cho họ trở thành những người có đầy đủ trí tuệ và đạo hạnh; đào tạo cho thế hệ người trẻ có được nhận thức quan trọng về thời cuộc và giá trị của một con người được sinh ra trên đất nước Việt Nam đang phải chịu sự đàn áp tàn bạo của chế độ thực dân, từ đó tìm được lý tưởng và con đường đi chân chính.

NỘI DUNG

1. Bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX

Xã hội Việt Nam nửa cuối của thế kỷ IX (1858) đã phải chịu cảnh lầm than dưới sự cai trị của thực dân Pháp (1858-1945), giai đoạn này dân tộc ta phải chứng kiến rất nhiều những biến động về tất cả các lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.

Dưới cái tên Liên Bang Đông Dương, thì dường như đã không còn có một đất nước Việt Nam thống nhất: “Sự thành lập Liên bang Đông Dương thực tế đã phá vỡ sự thống nhất đất nước, lãnh thổ Việt Nam bị chia thành 3 thực thể riêng biệt: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ với ba chế độ khác nhau; đồng thời phá vỡ cấu trúc văn hoá – xã hội truyền thống của chế độ quân chủ chuyên chế”[1].

Qua hai lần khai thác thuộc địa, Việt Nam đã chính thức trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Sự cai trị của thực dân Pháp đã tác động rất sâu rộng lên đời sống xã hội Việt Nam, ngoài phá vỡ sự thống nhất đất nước, phá vỡ truyền thống của cấu trúc văn hoá xã hội truyền thống thì nền kinh tế lúc này cũng rơi vào tình cảnh kiệt quệ, nhân dân vô cùng đói khổ, tình trạng ngu dân diễn ra vì thực dân Pháp muốn tăng cường truyền bá văn hoá thực dân, nên đã ra sức loại bỏ nền văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, khi nói đến mặt tiêu cực mà thực dân Pháp đã gây ra cho Việt Nam thì mặt khác cũng cần nói đến những mặt tích cực mà thực dân Pháp đã đem lại. Đó là những cơ sở hạ tầng như đường sắt, bến tàu… đã được xây dựng; một yếu tố mới trong đời sống văn hoá, tri thức của người Việt đã được thiết lập, đó là sự hình thành nên hệ thống chữ Quốc ngữ, báo chí, in ấn và xuất bản; giới tri thức được tiếp thu hai nền văn hoá là Nho học và Tây học. Đây được xem là những mặt tích cực mà thực dân Pháp đã đem lại cho đất nước Việt Nam.

Tình hình Phật giáo

Phật giáo Việt Nam đã trải qua những giai đoạn huy hoàng trong đời sống xã hội, nhưng đúng như quy luật của cuộc sống, mọi thứ đều vô thường, vòng quay của đất nước trong đó có Phật giáo cũng theo quy luật đó. Từ một tôn giáo đã từng được xem là Quốc giáo trong những giai đoạn của triều đại Lý-Trần, thì đến thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới thời trị vì của nhà Nguyễn và sự cai trị của thực dân Pháp, Phật giáo đã dần mất đi vị thế của mình, tuy vẫn còn tồn tại nhưng đã không còn có những ảnh hưởng tích cực và trực tiếp đến đời sống xã hội.

Dưới thời Pháp thuộc, Phật giáo rơi vào tình trạng suy vi về cả hai phương diện tu sĩ và tín đồ phật tử. Nguyên nhân khách quan đưa đến tình trạng này thứ nhất là do sự cạnh tranh của đạo Thiên chúa, thứ hai là bị sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền thuộc địa và thứ ba là nền văn hoá chữ Hán đã bị lụi tàn, thay vào đó là nền văn hoá của Pháp. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan lại nằm ngay trong hàng ngũ tăng già, đó là sự suy thoái về đạo đức, sự thất học và thiếu những tổ chức tu học; những vị tăng chân tu thì tìm nơi ẩn tu, các tín đồ phật tử vì thiếu đi sự dìu dắt của hàng tu sĩ nên dần rơi vào con đường mê tín: “Đến cuối thế kỷ XIX với sự đô hộ của Pháp, tình thế lại càng lụn bại thêm. Trong gần tám chục năm trời, Phật giáo vừa bị Thiên chúa giáo cạnh tranh ráo riết, vừa bị nhà cầm quyền nghiêm khắc hạn chế: nào là lập Tăng tịch để kiểm tra, nào bắt buộc cất chùa phải xin phép trước, nào hạn chế nhà chùa mua sắm đất đai hay thu nhận tài sản thập phương cúng hỷ,… Nản chí, các nhà tu hành chân chính tìm chốn ẩn tu, để mặc cho bọn “thầy đám” múa gậy vườn hoang”[2].

Chính từ đây, Phật giáo đã mất đi sức ảnh hưởng và vị thế của mình trong xã hội Việt Nam, và đã có những trăn trở được đặt ra là làm sao có thể bảo tồn, gìn giữ cho thế hệ sau này vẫn còn được ở và được thấy ngôi nhà chung Phật giáo trên đất nước Việt Nam, phong trào chấn hưng Phật giáo đã bắt đầu ra đời từ đây.

Những điểm tương đồng và dị biệt trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở ba miền

2. Sơ lược quá trình chấn hưng Phật giáo

Chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ

Tiền bán thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam kỳ nói riêng đều đang trên đà rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy đồi về đạo đức. Đạo Phật lúc này có thể ví như một con thuyền nhỏ lênh đênh trên biển lớn mà không có cơ hội được tấp vào bờ bởi những đợt sóng dồi của những con sóng ngoại lai. Đạo Phật vẫn tồn tại nhưng bị lãng quên và phải tự mình sinh tồn dẫn đến biết bao hệ luỵ xảy ra: “Phật pháp suy đồi, tăng đồ truỵ lạc, chốn tòng lâm ngày nay không có cổ phong trật tự, không nhất thống”[3]. Chùa còn tồn tại đó nhưng các tín đồ dường như đã không còn tìm về nương tựa, không còn là nơi tu tập của tăng chúng. Tăng đồ thì mượn đạo tạo đời, không học cũng không thọ trì giới luật, chỉ biết tìm đường sống cho mình, dần dần đưa tín đồ đi theo con đường tà kiến, mê tín…tất cả đang trở thành hồi chuông báo động cho tăng già Phật giáo miền Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, phải tìm cách phục hưng lại Phật giáo nước nhà.

Nói đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ là nói đến vai trò và sự nghiệp của Hoà thượng Khánh Hoà, với hoài bão phục hưng lại những gì đã và đang trên đà xụp đổ của Phật giáo, hoài bão về một thế hệ tu sĩ có tài có đức cho tương lai, để kế tục sự nghiệp hoằng dương đạo Pháp, Hoà thượng đã nhận ra rằng: “Phật pháp suy đồi do tăng già thất học”[4]. Ngài đã cùng sư Thiện Chiếu, một số vị Tăng và cư sĩ có tâm nguyện phục hưng Phật giáo bắt tay vào công cuộc xin thành lập một hội Phật giáo từ năm 1927, trải qua rất nhiều khó khăn, với sự kiên trì và hạnh nguyện cao thượng đến năm 1931 “Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội” đã chính thức được thành lập.

Chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ

Sau khi phong trào chấn hưng ở miền Nam diễn ra, miền Trung là nơi tiếp tục kế thừa và phát triển phong trào chấn hưng Phật giáo. Phật giáo miền Trung đã cho thấy rõ sự suy yếu của mình qua những nguyên nhân nội tại như: Hàng ngũ tăng sĩ không có trình độ Phật học, không am tường giáo lý nhà Phật nên không có ai có thể chỉ dạy Phật pháp cho hàng tín đồ, dẫn đến những ngộ nhận và mê tín. Vì có rất nhiều vị Tăng không am hiểu giới luật, không am hiểu Phật pháp nên kéo theo đó là cả đội ngũ tu sĩ mê mờ, thọ giới mà không hiểu, không rõ giới luật là gì, điều này lại càng đưa đến sự xuy thoái của Phật giáo: “Ngó lại những lối truyền giới ở xứ ta mà thương hại: ông thầy thò không rõ Phật-pháp, không rõ giới-luật, chỉ mượn trường-kỳ mà mua danh hảo là Hoà-thượng, Yết-ma, Giáo-thọ; học-trò thì phần nhiêu chưa giữ đủ năm giới, lại lắm người chưa biết Sa-Di phải giữ những giới gì, hoặc chưa hề phát tâm giữ một giới nào mà cũng cứ thọ tam-đàn, cụ-túc để mua cái danh-tướng ông thầy với đời”[5].

Theo đó là tình trạng không thọ trì giới luật, không học Phật pháp, không học Kinh điển nên việc tán tụng cũng chỉ biết qua loa nhưng vẫn hướng dẫn phật tử, rồi dần dần đi vào con đường tà kiến, mê tín, vi phạm giới luật nghiêm trọng: “Trong đạo Phật xứ ta, phần đông tăng già chỉ lo việc cúng cấp, gõ mõ tụng kinh, phần đông cư sĩ chỉ biết lên chùa lễ Phật, cầu tài, cầu phước nên khách bản quan lắm khi phải chán chê và than phiền rằng đạo Phật gieo vào tâm hồn tín đồ một sự mê tín”[6]. Đây chính là những lý do để chấn hưng Phật giáo, và điều hiển nhiên ngày 17/09/1932 “An Nam Phật học Hội” đã chính thức được thành lập, phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung đã chính thức bắt đầu, dưới sự chứng minh của Hoà thượng Giác Tiên và Hội trưởng là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám; cùng đó là sự ra đời của tạp chí Viên Âm (1933).

Chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ

Phong trào chấn hưng ở miền Bắc tuy là phong trào diễn ra sau cùng, nhưng do sức ảnh hưởng và những kinh nghiệm được đúc kết từ hai miền trước đó đã trở thành yếu tố thuận lợi khiến cho phong trào ở đây tuy phát triển muộn nhất nhưng lại phát triển rất nhanh.

Những kế hoạch cho việc thành lập Hội Phật giáo đã hoàn thành xong, sau khi đưa đến sự thống nhất: Ngày 28/8/1934 đơn xin thành lập Hội được ông Nguyễn Năng Quốc thay mặt cho Ban Quản trị tạm thời trình lên Thống sứ Bắc kỳ. Tuy nhiên, phải đến 3 tháng sau, vào ngày 6/11/1934 Hội Phật giáo mới được phép thành lập (đây là ngày thành lập trên giấy tờ), và đến ngày Hội tổ chức bầu ban “Chứng minh Đạo sư” tức ngày 23/12/1934 thì Hội Phật giáo Bắc kỳ mới chính thức ra mắt người dân.

3. Tư tưởng nhân văn của An Nam Phật Học Hội

Mở trường đào tạo, chỉnh đốn tăng già

Khi nói đến việc đào tạo và chỉnh đốn hệ thống tăng già chúng ta đã thấy tính nhân văn rất cao trong đó, đoàn thể tăng già có sức ảnh hưởng rất lớn trong đời sống quần chúng nhân dân, tuy nhiên đời sống của tăng đoàn sa sút kéo theo đó rất nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống tu tập cá nhân và cả phương thức hành đạo, dẫn đến những hậu quả đáng lo ngại, vậy nên trọng tâm lúc này của Phật giáo chính là phải chú trọng vào con người là việc đầu tiên, như Hoà thượng Tịnh Khiết đã nói: “Đào tạo tăng tài là trước hết các phật sự”[7]. Bởi lẽ con người và cụ thể hơn ở đây là đội ngũ tăng già chính là những người giữ vai trò thiết yếu trong việc truyền bá chính pháp, điều này có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn vong, thịnh suy của cả một nền Phật giáo nói chung: “Tăng bảo là hiện thân cụ thể cho tinh thần vô thượng của đạo Phật. Tăng bảo còn, Phật giáo còn; Tăng bảo bị suy thối thì Phật giáo bại vong! Đó là một sự hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng. Vì vậy nơi nào có những hàng Tăng bảo có thực tài, thực đức thì nơi ấy Phật giáo được tồn tại một cách xứng đáng với danh nghĩa của nó”[8].

Muốn gầy dựng lại một nền Phật giáo đang trên đà suy yếu thì việc đầu tiên là phải chú trọng vào con người, chính vì điều đó mà sau khi thành lập Hội An Nam Phật học năm 1932, Hoà thượng Giác Tiên đã cùng đệ tử là Ngài Mật Khế mở lớp sơ cấp đầu tiên tại chùa Trúc Lâm vào năm 1934 và sau đó trường được dời ra chùa Báo Quốc, chính tại đây đã trở thành Phật học đường; đây đã trở thành bước đệm đầu tiên để sau đó rất nhiều các lớp học với nhiều cấp học đã được tổ chức rộng khắp tất cả các tỉnh, thành miền Trung với chủ trương mà Ban Trị sự của Hội luôn nhấn mạnh: “Tất cả nghị lực của Hội đều dùng để đào tạo nhân tài, hầu mong tiếp dẫn hậu lai, cũng vì thế mà chúng tôi rất chú ý đến các Phật học đường, lo cho cơ quan trọng yếu này được sống hoàn toàn một cách viên mãn. Chúng tôi hết sức chăm lo tổ chức các trường cho có quy mô nhất định, cho được tiện lợi mọi bề, cho thành một tòng lâm có hệ thống, để cho sự ăn, ngủ, học, tu của các học sinh đều được dễ dàng và nhiều hiệu quả”[9].

Việc chú trọng nhiều nhất vào con người và những lợi ích của con người của An Nam Phật học Hội thể hiện tính nhân văn rất cao, Hội chú trọng vào việc đào tạo lại một nền Phật học nội điển, kết hợp và vận dụng nền văn hoá hiện đại, nhằm gầy dựng và trang bị cho con người, cụ thể là hệ thống tu sĩ một nền đạo hạnh và trí thức ngoại điển để có thể nhận thức đầy đủ về đời sống, từ đó áp dụng những thành quả đã học được vào trong đời sống, nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân nói riêng, cho Phật giáo và cho cả nhân sinh nói chung.

Trong giai đoạn nền kinh tế chung của đất nước còn khó khăn, nhưng để cổ vũ và khích lệ, động viên tinh thần cho tăng sĩ có động lực và chí hướng tu học hơn, Hội đã trao tặng những xuất học bổng cho những ai đạt được thành tích tốt nhất, đây là cách thức mà Hội An Nam Phật học quan tâm đến từng cá nhân trong đời sống tu tập và cả trong việc học tập.

Ngoài ra, tính nhân văn của hội còn được thể hiện qua việc bình đẳng giới, theo Dương Thanh Mừng trong “Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951)”, dưới sự khuyến khích và giúp đỡ của Hòa thượng Giác Tiên, một trường học dành cho Ni đã được mở tại chùa Từ Đàm (Huế) và được khai giảng chính thức năm 1932 tại chùa Diệu Đức. Đây là một trong những việc làm mang ý nghĩa nhân văn rất cao, thực hành theo đúng lời Phật dạy trong việc bình đẳng giới và cũng là một cách gián tiếp cho thấy những khả năng mà ni giới Phật giáo có thể đóng góp được trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà.

Nhằm hướng đến sự hiểu biết được rõ hơn về những giáo lý của Phật giáo, cũng là cách giúp cho người dân Việt Nam khi đó có thể đọc và hiểu những lời Phật dạy một cách thiết thực nhất, Hội đã xây dựng nền học thuật trên nền tảng chữ Quốc ngữ vì theo như lời nhận định của Ngài Mật Thể thì: “Người An Nam nói tiếng An Nam bao giờ cũng lão luyện hơn, đọc văn An Nam bao giờ cũng thông suốt hơn”[10]. Chính vì muốn cho người Việt Nam đọc tiếng Việt Nam, để hiểu thông suốt về những gì mà đức Phật đã truyền trao nên Hội đã cùng những Phật tử và những nhà trí thức, thực hành trước tác, dịch thuật rất nhiều những tác phẩm, Kinh điển từ những thứ tiếng như Pali, Phạn, Hán hoặc tiếng Pháp sang chữ Quốc ngữ, để áp dụng trong chương trình giảng dạy với mục đích: “Làm phương pháp giáo dục trong tăng già cho được phổ thông tri thức, hầu bớt nạn thất học và đặng để phần đào luyện nhân tài ra hoằng dương Phật pháp, sau lại cho thích hợp với trình độ, học thức văn hoá của nước nhà, để cho các nhà hữu tâm có tài liệu nghiên cứu”[11].

Ngoài việc chú trọng vào vấn đề đào tạo về học thức cho đội ngũ tu sĩ và cư sĩ, Hội còn chú trọng đến việc chỉnh đốn lại đời sống, phương pháp tu tập của tăng già. Đối với nhận định của Hội thì tăng già trong thời buổi giao thoa giữa hai nền văn hoá cũ và mới này (Phương Bắc và phương Tây), sẽ có rất nhiều những cám dỗ từ ngoại cảnh tác động đến đời sống tu tập, làm mất đi nhân phẩm đạo đức của chính mình, tuy nhiên không vì thế mà không tồn tại những vị tăng thực tu, thực học. Cũng theo tác giả Dương Thanh Mừng, Hội đã có những phương pháp chấn chỉnh lại đời sống sinh hoạt trong tăng già như: xác định vai trò, vị trí và trách nhiệm của tăng già; thiết lập phương pháp và cách thức tu tập mới; đối với cách thức tu tập và sinh hoạt thì ban hành ra những quy phạm cụ thể. Bởi vì, muốn giáo hoá người khác thì ngay chính mình phải là một người toàn thiện ngay ban đầu: “Bởi vì kết quả là một việc đã rồi, chứ muốn kết quả ấy thế nào thì là phải cải tạo từ nguyên nhân”[12]. Tất cả những việc làm trên của Hội đều với mục đích chấn chỉnh, thiết lập lại một đời sống phạm hạnh của tăng già, giúp cho tầng lớp cư sĩ tiếp cận và hiểu rõ hơn về giáo lý Phật đà để áp dụng đúng trong đời sống, tìm về lại với nguồn cội tâm linh của người Việt.

Thành lập cơ quan ngôn luận

Tạp chí Viên Âm là cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học, được chính thức xuất bản vào ngày 30/05/1933 dưới sự cho phép của Toàn quyền Pháp, ra mắt số đầu tiên vào ngày 1/12/1933. Viên Âm ra đời đúng như mục đích, tôn chỉ và tên gọi của nó: “Phật học Nguyệt san ở Huế xuất bản, nêu hai chữ Viên Âm làm tôn chỉ, còn ba tạng kinh điển làm tài liệu cho ngôn luận nội dung; nhất thiết bình luận, giảng giải thi văn trong Nguyệt san đều theo ý nghĩa chơn chánh hai chữ Viên Âm mà tuyên dương Phật pháp cho thích hợp với đời, bổ ích cho đời, thề không đem lời hung ác, nói việc hoang đàng, di hại về sau, mang lấy điều tội lỗi”[13].

Tất cả những gì có trong Viên Âm vì muốn lợi ích cho chúng sinh mà hoằng dương chính pháp, các bài đều được viết bằng chữ Quốc ngữ, những bản Kinh, luật, luận cũng đều được giảng giải bằng chữ Quốc ngữ, nhằm giúp cho nhân dân có thể đọc, hiểu một cách đúng nhất những gì đức Phật dạy, không còn sự nhầm lẫn khi cho rằng chữ Hán là chữ của người Việt.

Đây chính là nơi mà những tiếng nói chân chính, những bài lập luận dựa trên nguồn gốc của chính pháp được trình bày, giúp cho người đọc có thể nhận rõ đúng sai so với suy nghĩ cá nhân: “Quá trình ấn hành báo chí, các trước tác sách vở cũng như biên dịch kinh sách Phật giáo của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung trên đây đã góp phần vào sự nghiệp hoằng dương Phật pháp cũng như phổ quát chữ Quốc ngữ đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội”[14].

Viên Âm chính là nơi soi sáng cho những người hữu duyên và cả những người không hữu duyên, qua tạp chí này họ sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với Phật pháp. Bằng phương pháp phản biện theo chiều hướng tích cực, đưa ra những lập luận được dẫn chứng cụ thể và xác thực qua hệ thống kinh điển, Nguyệt san Viên Âm đã đem lại cho người đọc những khái niệm đúng nhất về bản chất thực của sự việc thông qua những biện luận của mình, như ông NVB đã gửi một bức thư nói lên nỗi lòng mình khi đọc tạp chí như sau: “Bấy lâu nay chúng tôi nhận lầm cái hồn là trong lúc chúng tôi khi ngủ, nằm chiêm-bao ngó thấy đi chỗ nầy, chỗ kia, vậy chúng tôi nhận cái đó kêu là hồn. Mà nay tôi coi Viêm-Âm quí ngài đính chánh là không phải; mà quí ngài cho rằng không có hồn”[15]. Nguyệt san Viên Âm đã có một bức thơ trả lời thắc mắc nầy của ông NVB và đưa dẫn chứng về Kinh Lăng Nghiêm để giải thích rõ ràng, dễ hiểu hơn.

Ngoài ra, Nguyệt san Viên Âm cũng đã có mục dành riêng cho những bài viết nhận định, ý kiến của phụ nữ trong Phật giáo đối với nền Phật học nước nhà, bên cạnh đó cũng rất chú trọng đến thế hệ thanh thiếu niên trẻ trong Phật giáo, được cụ thể hoá bằng việc thành lập một nội dung là “Ngôn luận thanh niên”, quy tụ rất nhiều người trẻ có tâm và có lực như Võ Đình Cường, Đinh Văn Nam…trong đoàn Thanh niên Phật học Đức dục.

Xây dựng Gia đình Phật tử

Đối với việc xây dựng xã hội hay bất cứ một đoàn thể nào, điều chúng ta cần làm đó là hướng dẫn, đào tạo và định hướng con người ngay từ khi còn nhỏ, cũng như việc uốn một cái cây, chúng ta cũng cần phải uốn ngay từ khi nó còn non vậy.

Tiền thân của Gia đình Phật tử là sự kết hợp của Ban Đồng Ấu, Đoàn thanh niên Phật học Đức dục và Gia đình Phật hoá phổ. Trước nhất, sự ra đời của Ban đồng ấu (1935) được Hội An Nam chủ trương giúp cho các em nhỏ: “trở thành những người Phật tử chân chánh, đúng theo ước vọng của các em, của cha mẹ các em và của tất cả mọi người”[16]. Tại đây, các em được hướng dẫn học và tu tập tất cả những nghi thức sinh hoạt hàng ngày trong chốn Thiền môn, được học những giáo lý căn bản nhất như nhân quả, hay ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo, có thể hiểu được thế nào là đời sống của một người xuất gia cũng như hiểu được những giá trị, lợi ích, trách nhiệm của người Phật tử chân chính.

Năm 1940, thực dân Pháp tăng cường việc đàn áp và tìm mọi phương thức tiếp cận những tầng lớp trẻ, vì đây là tầng lớp có yếu tố mạnh nhất, quyết định sự tồn vong của một đất nước. Chính trong giai đoạn này Đoàn thanh niên Phật học Đức dục đã được thành lập, với mục đích: “Tập hợp đội ngũ thanh niên trí trức nghiên cứu Phật giáo với tinh thần mới có tính chất tổng hợp và so sánh; nhận định tư tưởng Phật giáo dưới ảnh hưởng của nền khoa học và tư tưởng hiện đại; dùng các hình thức phổ biến như báo chí, sách truyện tiến đến thành lập các đoàn thể thanh niên Phật giáo”[17].

Sự ra đời của Đoàn thanh niên Phật học đức dục trong giai đoạn này đã trở thành một yếu tố rất quan trọng cho Phật giáo miền Trung, việc này cho thấy vẫn còn rất nhiều những người trẻ có tâm huyết với Phật giáo, vẫn muốn đóng góp sức trẻ của mình cho phong trào chấn hưng và đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung. Bởi đúng như hai chữ “Đức dục”, Đoàn có nhiệm vụ: “huấn luyện các thanh niên Phật tử và các thiếu niên Phật tử”[18]. Huấn luyện họ trở thành những người có đủ đức hạnh, trí tuệ nhằm giúp ích cho đạo pháp và dân tộc. Trên nền tảng cơ sở này, ngày 30/04/1943, Gia đình Phật hoá phổ đã ra đời dưới sự hợp nhất của hai thành phần trên với chủ trương trọng tâm vẫn là giáo dục con người qua hai mặt là đức và trí. Ngày 26/03/1951 Gia đình Phật hoá phổ được đổi tên thành Gia đình Phật tử Việt Nam.

Trong bài viết “Vì sao Gia đình Phật tử ra đời của cố Hoà thượng Thích Minh Châu, chúng ta thấy được giá trị nhân văn sâu sắc trong việc thành lập Gia đình Phật tử, cụ thể vì những nguyên nhân: “Một số lớn các em vì sự may mắn, sống trong một hoàn cảnh vật chất quá đầy đủ, do vậy không chịu lo học, lo tập sống tự lập, chỉ biết sống ỷ lại và vui chơi; Gia-đình Phật-tử sẽ cố gắng làm một trường luyện tập các em biết sống đoàn thể, biết tự lập, biết tháo vác để sau nầy gặp những hoàn cảnh khó khăn, các em có thể biết ứng dụng, sống ích lợi cho mình, cho mọi người.

Cuộc chiến tranh đã qua và hiện tại đã làm một số em mồ-côi cha mẹ lưu lạc gia-đình, sống cô quạnh, không lý tưởng. Gia-đình Phật-tử ra đời, thể theo lòng Từ-Bi của chư Phật, nguyện tiếp đón các em, sống trong Đại Gia-đình Phật-tử, mong đem những gì vui tươi, trong sạch của tuổi trẻ cho các em”[19].

Ngoài ra, trong phương pháp giáo dục của mình, Gia-đình Phật-tử luôn hướng cho các em học cách trở thành một con người tốt đẹp, sống có đạo đức trong xã hội, biết tương thân tương ái, không có sự phân biệt đối xử và tôn trọng sự sống của tất cả muôn loài, dựa trên tinh thần Từ-Bi của đạo Phật. Mặt khác còn chỉ dạy cho các em biết dùng ánh sáng trí tuệ soi đường tương lai, biết sống một đời sống giản dị, vừa đủ để có thể chia sẻ và giúp đỡ mọi người xung quanh, biết cảm nhận sự sống và biết cách đối diện với những đau khổ với một tinh thần vui vẻ, lạc quan.

Tất cả những việc làm trên đều với mục đích xây dựng, giáo dục cho tầng lớp trẻ, thế hệ tương lai của đất nước có một nhân phẩm đạo đức tốt đẹp, để các em luôn luôn làm tốt vai trò của mình, sống cuộc sống tốt đời đẹp đạo, có ích cho tự thân và cho cả tha nhân.

4. So sánh tư tưởng nhân văn với các Hội của Nam kỳ và Bắc kỳ

Hội An Nam Phật học và Hội Phật học Lưỡng Xuyên

Như chúng ta đã biết, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học tuy là Hội ra đời đầu tiên, nhưng khi nói về mặt tư tưởng nhân văn của Hội chúng ta lại không thấy có việc nào nổi bật. Hội đã thành lập nên được một Phật học đường, nhưng lại không có cơ hội khai giảng. Chính việc này đã đi ngược lại tâm nguyện của Hoà thượng Khánh Hoà, nên Ngài đã rời khỏi Hội trở về Trà Vinh và thành lập nên Hội Phật học Lưỡng Xuyên (1934) cùng tạp chí “Duy tâm Phật học”.

Trong quá trình hoạt động, Hội Phật học Lưỡng Xuyên dưới sự dìu dắt của Hoà thượng Khánh Hoà với chủ trương và mục đích hàng đầu mà Hoà thượng hướng tới chính là đào tạo tăng tài: “Một mặt lo đào tạo tăng tài để trùng hưng Phật pháp, về phương diện hoằng pháp lợi sinh một mặt đồng tu tập cho tinh tấn đoàn thể tăng già và nghiên cứu nghĩa lí màu nhiệm trong kinh tạng, phô diễn ra chứ Quốc âm để làm món tâm dược mà cống hiến cho nhân sinh”[20].

Vậy nên, ngoài việc mở lớp đào tạo cho các chư tăng, Phật học Lưỡng Xuyên cũng đã mở ra một lớp dành riêng cho chư ni, năm 1939 khi sức khoẻ yếu đi, Hoà thượng trở về Bến Tre tại chùa Vĩnh Bửu nghỉ dưỡng, cũng tại đây Ni trường Vĩnh Bửu đã được thành lập trên cơ sở di dời lớp ni ở Phật học đường Lưỡng Xuyên; Và theo nhận định của Nguyễn Lang: “Đây là trường học đầu tiên cho ni giới tại Nam Kỳ”[21].

Hội An Nam Phật học và Hội Bắc kỳ Nghiên cứu Phật học

Hội Phật học Bắc kỳ là Hội được thành lập sau cùng, có thể nói đây là Hội có nhiều mặt thuận lợi nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo, vì đây là Hội được chứng kiến và học hỏi tất cả những kinh nghiệm và hai Hội ở Nam kỳ và Trung kỳ đã để lại.

Tuy nhiên, mô hình đạo tạo của Hội Bắc Kỳ cũng được tham khảo từ mẫu hình đào tạo của Hội An Nam Phật học. Điểm riêng biệt của Hội là ở trong việc đào tạo chư tăng dưới với tư tưởng canh tân nên đã cho chư tăng được theo học các chương trình thế học tại trường Pháp-Việt trước, sau sẽ cho học chương trình Phật học trong các trường Phật học; ngoài ra Hội cũng rất khuyến khích các chư tăng có đủ điều kiện và đạo hạnh nên đi tham học ở nước ngoài để: “khảo cứu và thu lượm lấy tinh hoa của Phật giáo các nước, rồi đem so sánh với kinh sách mà ta đã chép của Trung Quốc, tiến hành tu chỉnh, hiệu đính, rồi làm thành các sách để truyền bá và giáo dục cho quốc dân”[22].

Những việc làm này sẽ đem lại những nhận thức mới , tri thức mới và tầm nhìn được mở rộng hơn, điều này cũng sẽ góp phần rất lớn trong giai đoạn mà Phật giáo Việt Nam đang rất cần mở rộng mối quan hệ với Phật giáo các nước trong phong trào chấn hưng.

Đánh giá và nhận định

Đứng trên phương diện về tư tưởng nhân văn trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, theo nhận định của cá nhân người viết, người viết đồng tình với nhận định của tác giả Dương Thanh Mừng: “Tinh đến trước năm 1930, tại Việt Nam đã xuất hiện 2 xu hướng cải cách Phật giáo cơ bản. Ở trong Nam và ngoài Bắc, xu hướng chủ yếu là đề xuất các chương trình xây dựng Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức thống nhất. Với miền Trung, các hoạt động của Phật giáo lúc này chủ yếu tập trung vào mục tiêu là giáo dục và đào tạo tăng tài”[23].

Theo cá nhân người viết, trong bất cứ một lĩnh vực nào thì con người là nhân tố quyết định nên sự thành-bại của lĩnh vực đó. Trong tình hình Phật giáo đang suy thoái trầm trọng về đạo đức trong nội bộ tăng già, thì điều đầu tiên cần phải làm chính là gầy dựng lại cái vốn đạo đức đã mất đi đó bằng chính những việc làm dựa trên nền tảng đạo đức.

Muốn tạo nên một con người tốt đẹp thì chúng ta cần phải trở thành những nhân tố tốt đẹp trước, tiếp theo đó cần phải quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như vật chất, định hướng và hướng dẫn cho người thấy những giá trị tốt đẹp, bảo vệ quyền lợi và quan trọng nhất là tinh thần bình đẳng trong đời sống, giúp người phát huy những cái tốt đẹp của mình…tất cả những điều này đã được Hội An Nam Phật học áp dụng trong chương trình đào tạo và chỉnh đốn tăng già. Nguyễn Lang đã nhận định: “Hội An Nam Phật học là hội đã tạo nên tiếng vang lớn nhất cho phong trào chấn hưng Phật học”[24].

Nếu như Hội Nam Kỳ được xem là ngọn cờ tiên phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo thì Hội An Nam được xem là lá cờ tiên phong tiêu biểu nhất cho việc thực hành những giá trị nhân văn trong phong trào chấn hưng, Hội đã nhận thức được giá trị và vai trò quan trọng của tri thức, của đạo hạnh, của niềm tin, của sự bình đẳng và tinh thần đoàn kết trong mỗi người, từ đó thiết lập nên một con người mang đầy đủ những yếu tố đó để phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.

Đây là những điều mà chỉ có ở Hội An Nam Phật học làm được cụ thể nhất và rõ nét nhất so với hai Hội ở miền Nam và miền Bắc. Chúng ta có thể thấy An Nam Phật học Hội chính là sự kế thừa và phát triển một cách xuất sắc nhất tư tưởng chấn hưng của Hòa thượng Khánh Hoà.

Người viết thiết nghĩ rằng, trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước nói chung và Phật giáo nói riêng đó, giá trị nhân văn đã được đề cao và đưa lại những thành tựu tốt đẹp, thì những giá trị về nhân văn cho đến ngày nay lại cần càng phải quan tâm hơn. Có như vậy thì Phật giáo mới trường tồn, đất nước mới được yên ổn và phát triển, vì con người chính là chủ nhân của mọi tổ chức, mọi quốc gia.

KẾT LUẬN

Trong bất cứ giai đoạn nào của Phật giáo, những giá trị nhân văn luôn là yếu tố hàng đầu mà Phật giáo đã lấy tinh thần Từ bi và bình đẳng để thực thi. Điều này đã được minh chứng ngay cả khi Phật giáo đang phải trải qua những giai đoạn khó khăn nhất. Phật giáo khi đến bất cứ đâu, bất cứ đất nước hay quốc gia nào thì đều lấy tinh thần bình đẳng và từ bi để dung hoà với nền văn hoá và con người nơi đó. Phật giáo trên đất nước Việt Nam cũng không nằm ngoài những điều như vậy, như một nhân duyên lớn chờ ngày được hội ngộ mà Phật giáo có mặt trên đất nước Việt Nam đã không mấy khó khăn, nhanh chóng hoà nhập vào nền văn hoá bản địa, vào nếp sống của con người Việt Nam. Những giá trị nhân văn cũng chính là một trong những nền tảng đạo đức của người dân đất Việt, Phật giáo có mặt đã làm tăng thêm giá trị đó, làm cho sức lan toả thêm nhanh và rộng khắp. Với tinh thần đó, Phật giáo đã tồn tại và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, trở thành một phần trong nếp sống con người nơi đây, điều đó lại càng được rõ nét hơn trong giai đoạn phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra trên khắp đất nước Việt Nam. An Nam Phật học Hội đã thể hiện tư tưởng này ở ngay trong những việc làm thiết thực của mình, nhằm đem lại cho phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung một nét đặc trưng riêng mà không nơi nào có thể thực hiện vẹn toàn như vậy. Sự đồng lòng của nhân dân đối với Phật giáo và đặc biệt ở miền Trung trong phong trào chấn hưng Phật giáo nói riêng đã nói lên tầm quan trọng của Phật giáo trong dân tộc lớn đến nhường nào. An Nam Phật học Hội đã vì Phật giáo nói chung, vì Phật giáo miền Trung nói riêng đã tạo nên một trang sử hào hùng cho Phật giáo, cho dân tộc, cũng qua đây An Nam Phật học Hội đã cho chúng ta thấy một điều bất di bất dịch là con người chính là yếu tố quan trọng nhất, trong bất cứ việc gì, bất cứ ở đâu thì yếu tố này cần phải chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Giá trị nhân văn mà An Nam Phật học Hội đã để lại đã trở thành một bài học sâu sắc không chỉ riêng cho Phật giáo giai đoạn đó mà sẽ là bài học cho tương lai và mãi mãi sau này.

Thích Nữ Tuệ Uyển - Học viên Thạc sĩ Khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM -------------------- CHÚ THÍCH: [1] Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.34. [2] Mai Thọ Truyền (2007), Phật giáo Việt Nam, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr.19-20. [3] Thiện Quả (1936), Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta, Duy tâm Phật học, số 5, tr.285. [4] Tạp chí Pháp Âm (1929), Tự trần, tr.18. [5] Viên Âm (1935), Phật-học-Hội sẽ lập giới-đàn chăng?, Nguyệt san Viên Âm, số 14, tr.31. [6] Hội An Nam Phật học (1940), Tinh thần hoạt động, Nguyệt san Viên Âm, số 38, tr.1. [7] Thích Tịnh Khiết (1956), Thành tích phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành, tr.5. [8] Thích Thiện Minh (1965), Lời giới thiệu thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành, tr.3. [9] Hội An Nam Phật học (1938), Bài chúc từ đọc trong lúc làm lễ đặt viên đá đầu tiên của Phật học đường Báo Quốc, Nguyệt san Viên Âm, số 34, tr.46. [10] Thích Mật Thể (1940), Đã đến thời kỳ kiến thiết nền Phật học Quốc văn chưa?, Nguyệt san Viên Âm, số 38, tr.27. [11] Ctsđd. [12] Hội Việt Nam Phật học (1951), Tăng bảo, Nguyệt san Viên Âm, số 107, tr.21. [13] Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB Văn Hoá Sài gòn, tr.402. [14] Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), NXB Đà Nẵng, tr.204. [15] Hội An Nam Phật học (1934), Tiêu tức, Nguyệt san Viên Âm, số 7, tr.48. [16] Hội An Nam Phật học (1943), Ban Đồng ấu, Nguyệt san Viên Âm, số 60-61, tr.68. [17] Lê Văn Đính (2004), Về lịch sử hình thành và hoạt động của Gia đình Phật tử trong Phật giáo Việt Nam, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3, tr.27. [18] Hội An Nam Phật học (1943), Ban Đồng ấu, Nguyệt san Viên Âm, số 60-61, tr.67. [19] Thích Minh Châu (1951), Vì sao Gia-đình Phật-tử ra đời, Nguyệt san Viên Âm, số109-110, tr.7 [20] Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), Đôi lời biểu lộ, Duy tâm Phật học, số 1, tr.14. [21] Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, NXB Văn Học, Hà Nội, tr.792. [22] Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.219. [23] Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), NXB Đà Nẵng, tr.85. [24] Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, NXB Văn Học, Hà Nội, tr.769.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), NXB Đà Nẵng. 2. Hội An Nam Phật học (1934), Tiêu tức, Nguyệt san Viên Âm, số 7. 3. Hội An Nam Phật học (1938), Bài chúc từ đọc trong lúc làm lễ đặt viên đá đầu tiên của Phật học đường Báo Quốc, Nguyệt san Viên Âm, số 34. 4. Hội An Nam Phật học (1940), Tinh thần hoạt động, Nguyệt san Viên Âm, số 38. 5. Hội An Nam Phật học (1943), Ban Đồng ấu, Nguyệt san Viên Âm, số 60-61. 6. Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1935), Đôi lời biểu lộ, Duy tâm Phật học, số 1. 7. Hội Việt Nam Phật học (1951), Tăng bảo, Nguyệt san Viên Âm, số 107. 8. Lê Văn Đính (2004), Về lịch sử hình thành và hoạt động của Gia đình Phật tử trong Phật giáo Việt Nam, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3. 9. Mai Thọ Truyền (2007), Phật giáo Việt Nam, NXB Tôn giáo, Hà Nội. 10. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, NXB Văn Học, Hà Nội. 11. Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. 12. Tạp chí Pháp Âm (1929), Tự trần. 13. Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB Văn Hoá Sài Gòn. 14. Thích Minh Châu (1951), Vì sao Gia-đình Phật-tử ra đời, Nguyệt san Viên Âm, số 109-110. 15. Thích Thiện Minh (1965), Lời giới thiệu thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành. 16. Thích Tịnh Khiết (1956), Thành tích phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành. 17. Thiện Quả (1936), Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta, Duy tâm Phật học, số 5. 18. Viên Âm (1935), Phật-học-Hội sẽ lập giới-đàn chăng?, Nguyệt san Viên Âm, số 14.