Trang chủ Giáo lý - Kinh sách Tích truyện Pháp cú (Phần 7)

Tích truyện Pháp cú (Phần 7)

Tập "Tích truyện Pháp cú" này được dịch theo bản Anh ngữ "Buddhist Legends" của học giả Eugène Watson Burlingame.

Đăng bởi: Phí Thanh Hoa
ISSN: 2734-9195

Tích truyện Pháp cú (Phần 7)

Tập “Tích truyện Pháp cú” này được dịch theo bản Anh ngữ “Buddhist Legends” của học giả Eugène Watson Burlingame. Nhà học giả này đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú Sớ Giải (Dhammapada Commentary) bằng tiếng Pàli.

Tích truyện Pháp cú

7. Ðề Bà Ðạt Ða Ðắp Y Không Tương Xứng

Tâm chưa rời uế trược…

Lời dạy này được thuyết khi Phật ngụ tại Kỳ Viên, dành cho buổi lễ thọ y vàng của Ðề-bà-đạt-đa tại Vương Xá.

Vào dịp hai đệ tử Phật, mỗi người dẫn đầu năm trăm Tỳ-kheo, từ biệt Phật đi từ Kỳ Viên đến Vương Xá, dân Vương Xá – nhóm từ hai, ba người hoặc đông hơn – cúng dường theo nghi thức dâng cúng cho khách tăng.

Một hôm, Tôn giả Xá-lợi-phất, trong phần hồi hướng công đức nói: “Này các cư sĩ, có người chính mình bố thí nhưng không dạy người khác bố thí, người ấy được phước báo giàu có nhiều đời liên tiếp nhưng không có phước báo về thân bằng quyến thuộc.

Một người khác dạy láng giềng mình bố thí nhưng chính mình thì không, người ấy có phước báo về thân bằng quyến thuộc trong nhiều đời nhưng không có phước báo về tài sản. Người khác tự mình không cho cũng không dạy người khác bố thí, trong nhiều đời liên tiếp người ấy không có cơm cháo no bụng mà còn bị cô quạnh và thiếu thốn.

Lại nữa, một người vừa tự mình bố thí và dạy người khác bố thí, người đó nhiều đời liên tiếp, trong trăm đời ngàn đời, trong trăm ngàn đời, vừa được phước báo về tài sản vừa có nhiều thân bằng quyến thuộc”. Tôn giả Xá-lợi-phất đã thuyết pháp như thế.

Một trí giả nghe xong tự nghĩ: “Thưa Ngài, bài thuyết pháp này thật kỳ diệu, giải thích ý nghĩa của hạnh phúc. Ta phải tạo công đức đối với hai giác giả này”.

Rồi ông ta mời Trưởng lão đến thọ thực, ông thưa:

– Bạch Tôn giả, xin Ngài cho tôi được phụng sự, cúng dường vào ngày mai.

– Cư sĩ, ông mời bao nhiêu Tỳ-kheo?

– Ðoàn tùy tùng của Ngài gồm bao nhiêu Tỳ-kheo, thưa Tôn giả?

– Một ngàn Tỳ-kheo, cư sĩ ạ!

– Xin dẫn theo toàn thể Tỳ-kheo của Ngài vào ngày mai và cho tôi được phụng sự, cúng dường vào ngày mai. Tôn giả nhận lời. Rồi cư sĩ đi khắp đường phố, khuyên những người khác cúng dường.

– Các ông, các bà! Tôi đã thỉnh một ngàn vị Tỳ-kheo. Quý vị có thể dâng vật thực cho bao nhiêu Tỳ-kheo? Quý vị có khả năng bao nhiêu?

Dân cư hứa dâng vật thực, mỗi người tùy phương tiện của mình, họ nói:

– Chúng tôi sẽ dâng cho mười vị.

– Chúng tôi sẽ dâng cho hai mươi vị.

– Chúng tôi sẽ dâng cho một trăm vị.

Cư sĩ hướng dẫn họ đem vật thực đến một nơi và bảo:

– Chúng ta hãy gom vật thực tại một chỗ và nấu nướng chung. Tất cả các ông bà hãy mang đến mè, gạo, bơ, sữa lỏng, mật và những loại khác.

Bấy giờ một gia chủ dâng một bộ y vàng ướp hương đáng giá một trăm ngàn đồng tiền, nói:

– Nếu những vật thực cúng dường góp lại mà không đủ, hãy bán bộ y này lấy tiền bù vào chỗ thiếu. Nếu vật thực đã đủ, các ông bà có thể cúng bộ y này cho bất cứ vị Tỳkheo nào mà quý vị đồng ý.

Vật thực góp lại đầy đủ theo ý của gia chủ, không còn thiếu gì nữa. Do đó, cư sĩ nói với những người đàn ông:

– Này quý ông! Lá y vàng này do một gia chủ cúng, vì mục đích như đã kể, nay dư thừa. Vậy chúng ta nên dâng cho ai?

Vài người nói:

– Chúng ta nên dâng cho Trưởng lão Xá-lợi-phất.

Người khác lại bảo:

– Trưởng lão Xá-lợi-phất chỉ tới lui khi mùa xong lúa chín. Còn Ðề-bà-đạt-đa đến với chúng ta thường xuyên, ngày mùa cũng như ngày thường, và lúc nào cũng sẵn sàng như cái bình đựng nước. Chúng ta hãy dâng cúng cho Ngài.

Sau một hồi lâu bàn cãi, phe đa số hơn được bốn người đã quyết định dâng y cho Ðề-bà-đạt-đa. Rồi họ dâng cho Ðề-bà-đạt-đa. Ðề-bà-đạt-đa cắt y ra làm hai, may, nhuộm, để một phần làm thượng y và phần kia làm hạ y; rồi mặc y vào khi đi ra. Dân chúng lại bàn tán khi thấy ông đắp y mới:

– Y này không tương xứng với Ðề-bà-đạt-đa, mà tương xứng với Tôn giả Xá-lợiphất. Ðề-bà-đạt-đa đã đắp với bộ thượng y và hạ y không tương xứng với ông ta.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo ở phương xa đi từ Vương Xá đến Xá-vệ, ông ta đến đảnh lễ đức Phật và bày tỏ niềm hoan hỉ được gặp Ngài. Ðức Phật hỏi ông về sự phúc lợi của hai Ðại đệ tử. Vị Tỳ-kheo liền kể cho Ngài nghe toàn bộ câu chuyện về bộ y từ đầu đến cuối.

Ðức Phật nói:

– Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải là lần đầu Ðề-bà-đạt-đa đã đắp bộ y mà ông không xứng đáng. Ở kiếp trước ông ta cũng đã đắp y không tương xứng.

Nói xong, Ngài bèn kể câu chuyện sau:

A. Thợ Săn và Voi Chúa

Thuở xưa một lần, khi vua Phạm-ma-đạt (Brahmadatta) cai trị Ba-la-nại, có một thợ săn voi sinh sống bằng nghề giết voi, đem ngà, móng, bộ đồ lòng và thịt chặt ra chợ bán. Bấy giờ trong một khu rừng có hằng ngàn con voi đang kiếm cỏ. Một hôm, vào rừng chúng gặp một vài vị Phật Ðộc giác. Kể từ hôm đó, cả lượt đi và về, chúng đều quỳ gối trước Phật Ðộc giác rồi mới tiến bước tiếp.

Người thợ săn thấy hành động của bầy voi, ông ta không khỏi thắc mắc: “Giết bầy thú này thật là khó khăn, lần nào đến và đi chúng đều đảnh lễ những vị Phật Ðộc giác. Chúng thấy cái gì mà đảnh lễ vậy kìa?”. Ði đến kết luận rằng đó là vì chiếc y vàng, hắn bèn quyết định: “Ta cũng phải đắp một y vàng lập tức”.

Rồi hắn đi đến cái ao nơi vị Phật Ðộc giác thường đến. Trong khi Ngài đang tắm, lá y để trên bờ, hắn trộm y của Ngài. Rồi hắn đi săn, ngồi chờ trên con đường có đàn voi thường qua lại, với cái giáo trong tay và lá y phủ trên đầu. Ðàn voi thấy hắn, tưởng là Phật Ðộc giác, dừng lại đảnh lễ hắn và bước đi. Con voi đến đảnh lễ cuối cùng tức voi đầu đàn bị giết với một nhát giáo. Lấy xong cặp ngà với những phần có giá trị khác, chôn xác còn lại xuống đất, hắn bỏ đi.

Ít lâu sau, Bồ-tát tái sanh làm voi, sau đó trở thành voi đầu đàn của đàn voi ấy.

Lúc đó, người săn vẫn tiếp tục mưu chước cũ. Voi chúa nhìn thấy số voi trong bầy sút giảm liền hỏi:

– Chúng voi đi đâu mất vậy kìa, bầy chúng ta còn quá ít?

– Chúng con không biết, thưa Ngài.

Voi chúa tự nghĩ: “Chúng không thể đi đâu khi không được phép của ta”. Rồi mối nghi hiện ra trong đầu voi: “Cái gã ngồi ở chỗ nọ với tấm y trùm đầu, hẳn là nguyên nhân gây ra lộn xộn, ta phải theo dõi hắn”.

Rồi voi đầu đàn để những con voi khác đi trước và chính nó đi cuối cùng, bước thật chậm. Khi những con voi cuối đảnh lễ xong và đi qua, gã thợ săn thấy voi chúa đến, lập tức hắn cuộn y lại và phóng ngọn giáo. Voi chúa đã đề phòng khi đến gần, nên bước lui tránh mũi giáo.

Biết ngay là người đã giết voi của mình, voi chúa lập tức phóng tới để tóm hắn. Nhưng gã thợ săn đã nhanh nhẹn nhảy qua và núp sau một cội cây. Voi chúa dự định sẽ lấy vòi quấn cả gã thợ săn với cội cây, tóm lấy gã và quật gã xuống đất. Ngay lúc đó, gã thợ săn nhanh trí chìa tấm y vàng ra cho voi trông thấy.

Thấy lá y, voi khựng lại có vẻ đắn đo: “Nếu ta tấn công người này, lòng quý trọng mà hàng ngàn chư Phật, Phật Ðộc giác và A-la-hán đã dành cho ta tất nhiên sẽ mất hết”, voi đành dằn lòng, hỏi thợ săn:

– Có phải anh đã giết hết những thân quyến kia của ta không?

Thợ săn trả lời:

– Vâng, thưa Ngài.

– Tại sao anh hành động xấu xa thế? Anh đã khoác tấm y dành cho những vị đã thoát khỏi tham dục, nhưng không xứng hợp với anh. Khi làm như thế, anh đã phạm tội nặng.

Nói xong, voi lại khiển trách hắn lần cuối:

 Ai mặc áo ca-sa,

 Tâm chưa rời uế trược,

 Không tự chế, không thực,

 Không xứng áo ca-sa.

 Ai rời bỏ uế trược,

 Giới luật khéo nghiêm trì,

 Tự chế, sống chân thật,

 Thật xứng áo ca-sa

– Anh đã hành động không xứng đáng.

Con voi nói như thế. Khi đấng đạo sư chấm dứt bài học này, Ngài đồng nhất những nhân vật trong truyện Bổn Sanh như sau:

– Người thợ săn lúc ấy là Ðề-bà-đạt-đa, voi chúa đã quở trách hắn chính là Ta. Này các Tỳ-kheo! Ðây không phải là lần đầu Ðề-bà-đạt-đa đã khoác tấm y mà hắn không xứng đáng, hắn đã làm như thế trong kiếp trước rồi.

Nói xong, Ngài đọc những Pháp Cú sau:

 (9) Ai mặc áo ca-sa,

 Tâm chưa rời uế trược,

 Không tự chế, không thực,

 Không xứng áo ca-sa.

 (10) Ai rời bỏ uế trược,

 Giới luật khéo nghiêm trì,

 Tự chế, sống chân thật,

 Thật xứng áo ca-sa.

*

(Còn tiếp)

✿✿✿

Nguồn: “Tích Truyện Pháp Cú” được Thiền viện Viên Chiếu dịch theo bản Anh ngữ “Buddhist Legends” của học giả Eugène Watson Burlingame.
GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường