Tác giả: Thượng Tọa Thích Thiện Hạnh

Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội

Tóm tắt nội dung

Trong kho tàng triết lý Đông phương nói chung và Phật giáo nói riêng, “chữ Hạnh” không chỉ là một phẩm chất đạo đức, mà còn là con đường tu tập toàn diện để đạt đến giải thoát và an lạc.

Chữ Hạnh bao hàm nhiều ý nghĩa: từ “hạnh kiểm” trong đạo làm người đến “tu hạnh” trong đạo giải thoát, từ đức hạnh cá nhân đến hạnh nguyện vị tha. Ở một xã hội đang thay đổi nhanh chóng, chữ Hạnh cần được nhận thức lại như một giá trị nền tảng để xây dựng đời sống chân thật, an lành và hữu ích.

Từ khoá: Hạnh, Tu hành, Phật giáo ứng dụng, Hạnh nguyện, Đạo đức Phật giáo, Nhẫn nhục, Bố thí, Từ bi, Trí tuệ, Giải thoát, Hạnh trong đời sống.

I. Mở đầu

Chữ “Hạnh”, từ lâu đã là một biểu tượng đạo đức sâu sắc trong truyền thống Phật giáo và văn hóa Việt Nam. “Hạnh” là biểu hiện của đạo đức nội tâm, thể hiện qua hành vi, lời nói và cách sống.

(Ảnh: Internet)

Giữa muôn vàn biến động của xã hội hiện đại, khi chúng ta đang mải miết chạy theo nhịp sống công nghiệp, vật chất và kỹ thuật số, thì chữ “Hạnh” như một giá trị tinh thần thiết yếu bị lãng quên hoặc hiểu sai. Ở một xã hội đang thay đổi nhanh chóng, chữ Hạnh cần được nhận thức lại như một giá trị nền tảng để xây dựng đời sống chân thật, an lành và hữu ích.

Trong đạo Phật, chữ Hạnh không chỉ là phẩm chất đạo đức mà còn là con đường tu hành, là phương tiện dẫn đến giải thoát. Trong văn hóa Việt, chữ Hạnh gắn liền với đức hạnh, nếp sống chuẩn mực, biết kính trên nhường dưới, sống đúng đạo làm người. “Hạnh” là cách sống, là phương pháp hành trì, là con đường dẫn đến giác ngộ và giải thoát. Đức Phật dạy rằng, một người tu hành, từ bậc sơ học cho đến bậc Bồ-tát, đều phải lấy “Hạnh” làm nền tảng.

Trong thời đại xã hội đang đối diện với nhiều biến động, khủng hoảng giá trị và lối sống, việc nhìn lại ý nghĩa và thực hành chữ Hạnh là cần thiết, để hướng con người đến đời sống chân thiện mỹ, nhân ái và bền vững.

II. “Chữ Hạnh” trong Phật giáo và văn hóa dân tộc

2.1 Chữ Hạnh theo nghĩa Phật học

(Ảnh: Internet)

Trong đạo Phật, “Hạnh” là một trong ba yếu tố cấu thành người tu hành: Giới-Định-Tuệ và cũng là điều kiện tất yếu của Bồ-tát đạo. Từ “Hạnh” (tiếng Phạn: carya hoặc carita) có nghĩa là hành xử, thực hành đúng theo Chính pháp. Hạnh ở đây không chỉ dừng lại ở hành vi bên ngoài, mà còn bao hàm động cơ tâm lý và phẩm chất nội tâm. Trong Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya), phẩm Chính Hạnh, đức Phật dạy: “Hạnh thanh tịnh là hạnh đưa đến an vui, đưa đến chấm dứt khổ đau”[1]. Vậy, “thanh tịnh” ở đây hàm nghĩa không ô nhiễm bởi tham, sân, si. Khi hành động, lời nói và suy nghĩ không bị điều ác chi phối, thì đời sống trở nên nhẹ nhàng, thư thái, không tạo thêm nghiệp bất thiện.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật dạy:“Người hành đạo cần lấy từ bi làm sự nghiệp, lấy nhẫn nhục làm áo giáp, lấy trí tuệ làm con đường, lấy hạnh nguyện làm thuyền qua biển khổ”[2]. Và, trong Kinh Pháp Hoa, Bồ-tát Thường Bất Khinh đã biểu hiện trọn vẹn chữ Hạnh thông qua hành vi tôn trọng và cung kính mọi người, bất kể sự phỉ báng:“Tôi không dám khinh quý vị, vì tất cả quý vị đều sẽ thành Phật”[3]. Như vậy, chữ Hạnh trong Phật giáo còn là biểu hiện của chí nguyện độ sinh và thực hành Bồ-tát đạo.

Trong giáo lý đạo Phật, chữ “Hạnh” không phải chỉ là phẩm chất luân lý mà còn là biểu hiện cụ thể của hành trình tu tập và chuyển hóa nội tâm.

2.2 Chữ Hạnh trong văn hóa truyền thống Việt

Trong văn hóa Việt Nam, “đức hạnh” luôn được đặt làm nền tảng cho sự tu thân, tề gia, trị quốc. Chữ “Hạnh” gắn liền với đạo lý làm người, thể hiện qua các phẩm chất như: hiếu thảo, trung thực, nhẫn nhịn, khiêm cung.

Truyền thống “giữ gìn khuôn phép” trong gia đình Việt chính là biểu hiện qua chữ Hạnh được gìn giữ từ ngàn đời. Cho nên, Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đức Phật: nhấn mạnh việc chuyển hóa thân, khẩu, ý, là nêu bật toàn bộ đạo lý thực hành Hạnh.

Từ góc độ thực hành, “Hạnh” có thể chia thành nhiều loại như: Bố thí hạnh, Trì giới hạnh, Nhẫn nhục hạnh, Tinh tấn hạnh, Thiền định hạnh và Trí tuệ hạnh, gọi chung là Lục Độ Ba-la-mật trong Đại thừa. Còn trong kinh tạng Nikāya, các loại hạnh cũng được nhấn mạnh qua từng phẩm chất đạo đức mà một vị Thánh phải có. Vậy, cốt lõi của “Hạnh” là hành động đúng pháp, là sống thuận theo chính đạo để chuyển hóa bản thân.

Từ những lời dạy trên, ta có thể hiểu rằng chữ “Hạnh” dựa trên cơ sở lý thuyết mà được thể hiện trong từng hành động cụ thể. Tu hành mà không hành trì thì không thể đạt đến giải thoát. Người có hạnh là người biết tiết chế, từ bi, tinh tấn và sống đúng với lý tưởng cao đẹp của Phật pháp.

2.3 Hạnh kiểm và đạo đức cá nhân

Trong xã hội hiện đại, chữ Hạnh thể hiện rõ qua sự kiểm soát hành vi, lòng trung thực và ý thức trách nhiệm. Đức Phật dạy:“Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, ấy là lời chư Phật dạy”[4]. Đây là phản ảnh đời sống cá nhân, “hạnh kiểm” phản ánh tư cách đạo đức, rèn luyện bản thân trong hành vi, lời nói và suy nghĩ. Chữ Hạnh trong Phật giáo không chỉ là khái niệm trừu tượng, mà được thể hiện rõ ràng qua những hành động cụ thể trong cuộc sống. Các loại hạnh như nhẫn nhục, bố thí, từ bi, trì giới, tinh tấn, thiền định và trí tuệ - thường được gọi chung là “Thất Ba-la-mật”, đây chính là nền tảng của đạo Bồ-tát cũng như đời sống của người tu học Phật.

Chữ Hạnh trong đạo Phật không chỉ để hành trì, mà còn là công cụ rèn luyện tâm thức, làm cho người hành giả chuyển hóa khổ đau thành an lạc, vô minh thành trí tuệ. Vì vậy, mỗi hạnh là một viên gạch xây dựng nhân cách đạo đức và tâm linh cho người tu học Phật.

III. Chữ Hạnh trong đời sống

(Ảnh: Internet)

3.1 Hạnh của người cư sĩ tại gia

Đối với hàng cư sĩ, Hạnh biểu hiện qua ngũ giới, thập thiện và đời sống chân chính. Trong Kinh Thiện Sinh, đức Phật dạy người con phải biết cung kính cha mẹ, phụng dưỡng khi đau ốm, giữ gìn gia phong[5]. Và trong Kinh Hiền Nhân, đức Phật thuyết: Người có hạnh là người đem lợi ích đến cho số đông, biết kính người trên, thương người dưới, hành xử đoan chính giữa thế gian”.[6] Đoạn kinh này, đã nêu rõ mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, giữa vợ chồng, bạn bè và xã hội.

Từ đó, Hạnh trở thành tiêu chuẩn đạo đức cộng đồng, giúp xây dựng xã hội hài hòa, nơi mỗi người biết chia sẻ và nâng đỡ người khác. Việc hiếu dưỡng cha mẹ, trong Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy:“Ai nuôi dưỡng cha mẹ, thường xuyên chăm sóc, cung kính và hiếu thuận, người ấy xứng đáng được gọi là bậc đại Hạnh”[7], câu này đã đặt trên nền tảng Hạnh, được xem là Hạnh cao quý. Một người vợ cũng được đánh giá cao khi có “tam tòng, tứ đức”, trong đó “Hạnh” là một trong bốn đức lớn: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

Kinh Tăng Chi Bộ, Tập IV, chương Bốn pháp, phẩm Hương vị ghi nhận lời đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, có bốn pháp này đưa đến sự thành tựu hạnh phúc ngay hiện tại và mai sau... Một là có hạnh nghiêm túc, hai là có đức tin, ba là có giới, bốn là có trí tuệ”[8]. Ở đây, chữ “hạnh” được xếp hàng đầu trong những điều kiện đưa đến hạnh phúc. Điều này cho thấy đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến việc “hành trì” như một yếu tố cốt lõi chuyển hóa nội tâm.

Chữ Hạnh trong đời sống không chỉ là một khái niệm đạo đức truyền thống, mà là định hướng hành vi, là phương pháp sống và là con đường dẫn tới hạnh phúc chân thật. Trong đạo Phật, Hạnh không chỉ để tu thân, mà còn để hóa độ người khác, để xây dựng xã hội tốt đẹp.

3.2 Hạnh của người xuất gia

Hạnh của người xuất gia không chỉ là trì giới thanh tịnh mà còn phải hành đạo lợi tha. Còn trong giới trí thức, chữ Hạnh thể hiện qua trách nhiệm xã hội, qua việc “biết sống tử tế”, góp phần cải hóa con người qua giáo dục, văn hóa, nghệ thuật… Người xuất gia, thể hiện qua giới đức và hạnh nguyện hoằng pháp lợi sinh. Trong sách “Trí và Hạnh” Hòa thượng Thích Thiện Siêu có viết: “Người tu không thể thiếu Hạnh, vì Hạnh chính là phương tiện để phát huy trí và từ bi”[9]. Cho nên, Hạnh không trí sẽ dễ thành hình thức, Hạnh có trí sẽ đưa đến giải thoát. Trí giúp hành giả biết chọn đúng phương tiện thiện xảo, hóa độ chúng sinh phù hợp căn cơ. Hình ảnh Bồ-tát Địa Tạng với lời nguyện: “Địa ngục chưa trống, thề không thành Phật” - là biểu tượng cao nhất của đại hạnh, đại nguyện và đại bi.

Chư tôn đức tăng, ni, đã đem đạo vào đời, để hoá giải nhân sinh, như tấm gương cao tăng Bồ Tát Thích Quảng Đức, vị pháp thiêu thân, cũng là biểu hiện cao cả của chữ Hạnh qua hành động vì đạo pháp và nhân sinh.

Điều đặc biệt là trong Kinh Đại Bổn Duyên, Trường Bộ Kinh, khi nói đến những tiền thân của đức Phật trong các kiếp quá khứ, đức Phật đã khẳng định: “Ta tu hạnh Ba-la-mật, trải qua nhiều đời nhiều kiếp, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ... cho đến khi thành tựu Vô thượng Bồ đề”[10]. Như vậy, Hạnh không chỉ là phương tiện, mà còn là hành trang để thành Phật.

Từ các đoạn kinh trên, có thể thấy: chữ Hạnh là cốt lõi trong toàn bộ lộ trình tu tập. Không có Hạnh thì không có Giới - Định - Tuệ và càng không thể có sự chuyển hóa tâm linh. Hạnh không phải điều cao xa, mà chính là từng hành vi nhỏ trong đời sống hằng ngày: nói lời ái ngữ, không tranh cãi, giúp đỡ người nghèo, giữ tâm từ bi trước những điều trái ý nghịch lòng. Đó chính là “tu Hạnh” trong đời sống thực tế.

Vậy, người xuất gia thực hành hạnh nhẫn nhục như Tỳ-kheo Phú-lâu-na, hoằng pháp tại vùng đất hiểm độc. Người hành hạnh bố thí như Tôn giả Xá Lợi Phất, sẵn sàng từ bỏ chỗ ngủ cho người nghèo. Những điều này cho thấy Hạnh không phải là khẩu hiệu, mà là văn hóa sống.

3.3 Từ bi là động lực của Hạnh

Từ bi là động lực của Hạnh, nếu không có từ bi, thì Hạnh trở nên khô cứng và dễ biến thành bản ngã tu hành. Chính vì vậy, trong Kinh Lăng Già, đức Phật dạy:“Từ bi là nền móng của Bồ-tát đạo. Không có từ bi thì mọi Ba-la-mật chỉ là ngã mạn vi tế”[11], và trong Kinh Bát Nhã dạy:“Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”[12]. Nghĩa là, chỉ khi có trí quán chiếu thì việc thực hành Hạnh mới không rơi vào chấp ngã, chấp pháp.

(Ảnh: Internet)

Biểu hiện sống động của chữ “Hạnh”, là tôn trọng, từ bi, vị tha và khiêm hạ. Ngoài ra, chữ “Hạnh” còn xuất hiện rõ ràng trong danh hiệu của các vị Bồ-tát như: Quán Thế Âm với “Từ Bi Hạnh”, Địa Tạng với “Hiếu Hạnh”, Văn Thù với “Trí Hạnh”. Theo Luận Đại Trí Độ, Bồ-tát khi phát tâm hành Bồ-tát đạo phải lấy chúng sinh làm thầy, lấy khổ đau của chúng sinh làm động lực tu tập: “Bồ-tát hành hạnh Bố thí không cầu quả báo, mà chỉ mong chúng sinh được giải thoát”[13]. Cho nên, biểu tượng kết hợp giữa Hạnh và Từ bi và hạnh nguyện độ hết chúng sinh mới thành Phật, cho thấy Hạnh lớn bắt nguồn từ lòng từ bi lớn. Vì vậy, chữ “Hạnh” không chỉ là khái niệm đạo đức mang tính lý tưởng mà là con đường sống có thật, thực hành được trong đời thường.

Người tu hành, dù trong thời đại nào, nếu giữ gìn hạnh nguyện rộng sâu, sẽ mang ánh sáng Phật pháp đến tận cùng ngõ hẹp của đời sống. Hạnh là ánh sáng soi rọi từ bi và trí tuệ trong từng hành vi, lời nói, suy nghĩ. Trong thế giới hiện đại nhiều bất ổn, “Hạnh” chính là nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau, giữa người với chính mình, giữa thế giới phàm và con đường giải thoát. Cho nên, người tu học, cần nhận diện, nuôi dưỡng và lan tỏa Hạnh như một sứ mệnh, để không chỉ chuyển hóa bản thân, mà còn góp phần xây dựng một thế giới an lạc, từ bi và tỉnh thức.

IV. Giá trị của chữ Hạnh trong đời sống hiện đại

4.1  Xây dựng đạo đức cá nhân và cộng đồng

Trong xã hội đầy rẫy cạnh tranh, sân si và lừa dối, chữ Hạnh trở thành la bàn đạo đức. Một người giữ giới, sống nhẫn nhịn, giúp đỡ tha nhân, chính là đang xây dựng một xã hội an lành. Thực tế, các mô hình Phật giáo ứng dụng như đạo tràng tu học, khóa tu mùa hè, các hoạt động từ thiện xã hội, cứu trợ thiên tai, hiến máu nhân đạo. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy bốn pháp làm cho lòng rộng mở:“Từ, Bi, Hỷ, Xả”bốn tâm này là hạnh của Bồ-tát, cũng là con đường sống an vui giữa cộng đồng[14], đều là biểu hiện sống động của Hạnh trong cộng đồng.  

Trong thế giới hiện nay, nơi mà chủ nghĩa cá nhân đang lan rộng, chữ Hạnh trở thành “lá chắn đạo đức” giúp con người biết sống vì nhau. Tục ngữ có câu: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay. Có hạnh thì hơn vạn bạc vàng”. Vậy, vị tha không phải là từ bỏ bản thân, mà là biết mở lòng, biết đồng cảm và biết giúp người đúng lúc. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, chương Bốn Pháp, đức Phật dạy: “Bốn pháp làm người hạnh phúc: sống chân thật, biết khiêm hạ, tâm có từ bi và thường bố thí”.[15] Điều này chỉ rõ rằng, “Hạnh” không chỉ là hành vi đạo đức mà còn là năng lượng chuyển hóa nội tâm, từ nóng giận sang nhẫn nhục, từ tham lam sang bố thí, từ sân hận sang từ bi.

(Ảnh: Internet)

Trong bối cảnh hiện đại, việc khôi phục, bảo tồn và phát huy chữ Hạnh là cách hữu hiệu để giáo dục đạo đức, xây dựng nhân cách, nuôi dưỡng tình thương và thiết lập hòa bình nội tâm cũng như xã hội.

Chữ Hạnh trong văn hóa Việt là sự kết tinh giữa Nho - Lão - Phật, là đức tính biết sống vì người khác, bao dung, khiêm hạ, giữ vững đạo lý truyền thống. Chữ Hạnh trong đời sống không chỉ là khái niệm đạo đức truyền thống, mà là định hướng hành vi, phương pháp sống và là con đường dẫn tới hạnh phúc chân thật. Trong đạo Phật, Hạnh không chỉ để tu thân, mà còn để hóa độ người khác, xây dựng xã hội tốt đẹp.

4.2 Giáo dục Hạnh cho thế hệ trẻ

Trẻ em ngày nay tiếp xúc nhiều với internet, dễ lệch chuẩn về góc nhìn, nhận thức và đạo đức. Việc giáo dục Hạnh, tức là rèn nhân cách qua thực hành lễ nghi, hiếu kính, yêu thương, chia sẻ… là rất cần thiết. Trong cuốn “Đạo đức và Giáo dục Phật giáo” có viết:“Muốn xây dựng xã hội đạo đức, phải bắt đầu từ giáo dục Hạnh cho thế hệ trẻ”[16]. Đây, là cách thiết thực để làm mới đời sống, giữ gìn nền tảng đạo đức và tiến đến giải thoát trong Phật pháp.

Vì vậy, giá dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa mang tính chiến lược, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, giáo dục đạo đức là nền tảng, được thể hiện qua phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”, là “dạy chữ, dạy người, dạy nghề”. Cho nên, các bậc phụ huynh và các người làm giáo dục, cần phải lưu ý, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là thế hệ trẻ, đang có nhiều sự thay đổi về cả thể chất lẫn tinh thần. Nếu không được chăm lo, giáo dưỡng thường xuyên, rất dễ phai nhạt lý tưởng, đạo đức lối sống. 

Cho nên, niềm tin và đức tin dẫn dắt sự lựa chọn, giá trị, lý tưởng sống. Hành động là thước đo sự biểu hiện giá trị, độ trưởng thành nhân cách của mỗi người. Vì vậy, phải làm cho mỗi đứa trẻ biết xúc động, biết quan tâm, biết bày tỏ lòng biết ơn trước những gì làm nên quê hương, lịch sử, tình nghĩa con người; không thờ ơ, dửng dưng, vô cảm.

Ngày nay, các chùa tổ chức khóa tu mùa hè, giảng giải ngũ giới, dạy thiền, làm việc thiện là cách gieo trồng Hạnh từ nhỏ. Bên cạnh đó, là cách giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, cần sự tham gia của toàn xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường. Và, chính thế hệ trẻ cũng phải ra sức học tập, lao động, rèn luyện để ngày càng tiến bộ, tự bồi đắp ước mơ, hoài bão, góp sức xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.

Vì vậy, “Chữ Hạnh” mang trong mình giá trị linh thiêng, vừa mang tính Phật học sâu sắc, vừa thấm đẫm nhân văn, tinh thần truyền thống dân tộc. Từ việc tu dưỡng bản thân, gìn giữ gia đình đến việc xây dựng xã hội, chữ Hạnh đóng vai trò như một “trục đạo đức” giúp con người sống đúng, sống đẹp và sống tử tế. Việc khơi dậy và thực hành chữ Hạnh trong đời sống hiện nay chính là cách thiết thực để xây dựng một xã hội văn minh và nhân ái hơn.

V. Kết luận

Chữ Hạnh không chỉ là phạm trù đạo đức trừu tượng, mà là con đường thực hành đầy sống động trong mọi tầng lớp xã hội. Dù là tại gia hay xuất gia, Hạnh là nền tảng tạo nên an lạc và giải thoát.

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội tiếp tục được khẳng định, đặc biệt là các giá trị về giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa.

Hạnh, gắn với trí tuệ và từ bi, giúp hành giả không rơi vào hình thức hay bản ngã. Trong xã hội hiện đại, Hạnh giúp xây dựng nhân cách, nuôi dưỡng lòng yêu thương và kiến tạo cộng đồng an lạc.

Tác giả: Thượng Tọa Thích Thiện Hạnh - Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

  1. Kinh Pháp Cú, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2005.
    2. Kinh Hoa Nghiêm, Thích Trí Tịnh dịch, NXB Tôn Giáo, 2022.
    3. Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Trí và Hạnh, NXB TP. HCM, 2018.
    4. Kinh Bát Nhã Tâm Kinh, Thích Trí Quang dịch, NXB Phương Đông, 2016.
    5. Kinh Lăng Già, HT. Thích Duy Lực dịch, NXB Tôn Giáo, 2015.
    6. PGS.TS. Trần Đức Cảnh, Đạo đức và Giáo dục Phật giáo, NXB Khoa học Xã hội, 2021.

Chú thích:

[1] Kinh Tăng Chi Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr. 153

[2] Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thích Trí Quang dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, tr. 28

[3] Kinh Pháp Hoa, phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát, Thích Trí Tịnh dịch, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 291

[4] Kinh Pháp Cú, câu 183, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 45

[5] Kinh Thiện Sinh, Trường Bộ Kinh, Thích Minh Châu dịch, Nxb TP.HCM, 2000, tr. 99

[6] Kinh Hiền Nhân, HT. Thích Huệ Dũng dịch, Nxb Hồng Đức, 2021, tr. 67

[7] Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr. 104

[8] Kinh Tăng Chi Bộ,Tập IV, chương Bốn pháp, phẩm Hương vị, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr. 344

[9] “Trí và Hạnh”, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Nxb TP. HCM, 2018, tr. 49

[10] Trong Kinh Đại Bổn Duyên, Trường Bộ Kinh, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2017, tr. 189

[11] Kinh Lăng Già, HT. Thích Duy Lực dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, tr. 237

[12] Kinh Bát Nhã Tâm Kinh, Thích Trí Quang dịch, Nxb Phương Đông, 2016, tr. 12

[13] Luận Đại Trí Độ, HT. Thích Thiện Hoa dịch, Nxb Tôn Giáo, 2022, tr. 153

[14] Kinh Tăng Chi Bộ Kinh, tập II, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr. 202

[15] Kinh Tăng Chi Bộ Kinh, tập II, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Phương Đông, 2020, tr. 421

[16] Đạo đức và Giáo dục Phật giáo, PGS. TS Trần Đức Cảnh, NXB Khoa học Xã hội, 2021, tr. 188