Tương ưng bộ kinh, Chương Tám: Tương ưng thôn trưởng, Bài XII. Ràsiya
Một thời thôn trường Ràsiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, thôn trướng Ràsiya bạch Thế Tôn:
Con có nghe rằng Sa-môn Gotama chỉ trích tất cả khổ hạnh, bài bác, chống báng hoàn toàn mọi người sống khổ hạnh, mọi lối sống khắc khổ. Những người nói như vậy, bạch Thế Tôn, không biết có nói đúng với lời Thế Tôn, không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thực, trả lời thuận pháp, đúng pháp, và không một ai nói lời tương ứng đúng pháp có lý do để chỉ trích?
- Này Thôn trưởng, những ai đã nói như sau: "Sa-môn Gotama chỉ trích tất cả khổ hạnh, bài bác, chống báng hoàn toàn mọi lối sống khắc khổ"; họ nói không đúng lời Ta nói, họ xuyên tạc Ta với điều không thật, với điều không chân chính.
Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành: Một là say đắm dục lạc đối với các dục vọng hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích. Hai là hành hạ tự thân, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Từ bỏ hai cực đoan này là con đường trung đạo, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Thế nào là con đường trung đạo ấy, này Thôn trưởng, đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chính tri kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định. Đây là con đường trung đạo, này Thôn trưởng, được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Này Thôn trường, có ba hạng người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, có mặt hiện sống ở đời. Này Thôn trường, có hạng người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, do lòng tin đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy nghĩ rằng: "Mong rằng ta chứng được thiện pháp; mong rằng ta chứng ngộ các Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh!". Vị ấy tự mình hành xác, hành khổ, nhưng không chứng được thiện pháp nào, không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh nào.
Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nghĩ rằng: "Mong rằng ta chứng được thiện pháp; mong rằng ta chứng ngộ các Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh!". Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, nhưng không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.
Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nghĩ rằng: "Mong rằng ta chứng được thiện pháp; mong rằng ta chứng ngộ các Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh!" Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.
Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, tự mình hành xác, hành khổ, không chứng được thiện pháp, không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về ba phương diện bị chỉ trích. Thế nào là về ba phương diện bị chỉ trích? Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không chứng đắc thiện pháp, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, về phương diện thứ ba này, người ấy bị chỉ trích. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về ba phương diện này bị chỉ trích.
Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, nhưng không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về hai phương diện bị chỉ trích, về một phương diện được tán thán. Thế nào là về hai phương diện người ấy bị chỉ trích? Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, về phương diện thứ nhất này, người ấy bị chỉ trích. Người ấy không chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, về phương diện thứ hai này, người ấy bị chỉ trích. Thế nào là về một phương diện người ấy được tán thán? Người ấy chứng được thiện pháp, về phương diện này, người ấy được tán thán. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về hai phương diện bị chỉ trích, về một phương diện được tán thán.
Ở đây, này Thôn trưởng, có người tu khổ hạnh, sống khắc khổ, tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, và chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này về một phương diện bị chỉ trích, về hai phương diện được tán thán. Về một phương diện nào bị chỉ trích? Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, về phương diện này, người ấy bị chỉ trích. Về hai phương diện nào người ấy được tán thán? Người ấy chứng được thiện pháp, về phương diện thứ nhất này, người ấy được tán thán. Người ấy chứng ngộ Thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, về phương diện thứ hai này, người ấy được tán thán. Người tu khổ hạnh, sống khắc khổ này, này Thôn trưởng, về một phương diện bị chi trích, về hai phương diện được tán thán.

Lời kết
Đoạn kinh này là một minh chứng đặc biệt cho trí tuệ thẩm thấu và lập trường trung đạo trong giáo pháp của đức Phật. Kinh bắt đầu bằng tình huống vấn nạn. Thôn trưởng Ràsiya đến hỏi đức Thế Tôn về lời đồn rằng Ngài chỉ trích, chống bác mọi hình thức, mọi con người thực hành khổ hạnh. Đáp lại, đức Phật không bác bỏ khổ hạnh một cách toàn diện, cũng không tán thán nó vô điều kiện, mà thiết lập một chuẩn mực phê phán dựa trên kết quả thực chứng và mục đích chân chính của đời sống phạm hạnh, theo từng con người thực hành chứ không đánh đồng theo ý nghĩa “tất cả”.
Trọng tâm của bài kinh nằm ở lời khẳng định dứt khoát: “Có hai cực đoan mà người xuất gia không nên thực hành”, tức là sự say đắm dục lạc và hành xác khổ hạnh. Cả hai đều là biểu hiện của sự cực đoan. Một bên là buông thả theo cảm giác, một bên là áp chế thân tâm miễn cưỡng. Cả hai lối sống ấy đều không dẫn đến trí tuệ, giải thoát, hay giác ngộ, mà chỉ khiến người tu lạc lối trong tưởng và tham ái. Từ việc phủ nhận hai cực đoan ấy, đức Phật trình bày con đường trung đạo, cụ thể chính là Bát chính đạo, như là lộ trình thực tiễn vừa hướng thượng vừa giải thoát, vừa từ bi vừa trí tuệ, vượt ngoài sự cực đoan của cảm xúc và khổ chế.
Sự sâu sắc của bài kinh không chỉ ở chỗ bác bỏ cực đoan, mà còn ở chỗ phân loại rõ ràng ba kiểu người tu khổ hạnh, với sự nhận định tinh tế về hiệu quả và giá trị nội tại của mỗi loại. Người thứ nhất là kẻ hành xác mà không đạt được gì, cả thiện pháp lẫn Thượng nhân pháp, do đó bị chỉ trích trên cả ba phương diện: hành xác vô ích gây tổn thương chính thân mình, không có kết quả thế gian lẫn xuất thế gian.
Người thứ hai là kẻ đạt được thiện pháp, có thể là giới, định, hay một số đức tính đạo đức nào đó, nhưng không đạt được Thượng nhân pháp, tức không đạt tuệ giác siêu việt. Người này bị chỉ trích vì hành xác vô ích và không đạt giải thoát, nhưng được tán thán ở phần đạt thiện pháp.
Người thứ ba là người vừa đạt được thiện pháp, vừa đạt được Thượng nhân pháp, đây là người được tán thán về kết quả nhưng vẫn bị chỉ trích vì phương pháp: hành xác. Đức Phật không hoàn toàn bác bỏ nỗ lực của họ, nhưng Ngài nhấn mạnh rằng dù có đạt đạo, thì phương tiện cực đoan vẫn không được khuyến khích. Điều này cho thấy một lập trường vừa từ bi vừa lý trí trong cách đối đãi trả lời của Ngài với người vấn nạn: không phủ nhận công sức và thành tựu, nhưng cũng không tán dương phương pháp không phù hợp.
Từ đó, bài kinh hướng tâm người nghe đến một nhận thức cốt lõi: Hành trì là sự thông tuệ chứ không phải ức chế nội tâm, sự chuyển hóa là chuyển hóa mọi sự động tâm thành cái buông xả, vắng lặng chứ không chạy theo thọ hưởng hay cực khổ. Cái bị chỉ trích không phải là sự tinh tấn hay từ bỏ đời sống gia đình, mà là sự dính mắc vào một hình thái tu hành mang tính hình thức, thiếu nền tảng trí tuệ. Cái được tán thán không phải là khổ hạnh tự thân, mà là sự chứng đắc thật sự, thiện pháp và Thượng nhân pháp, vốn là mục tiêu đích thực của đạo hành.
Đức Phật qua đó cũng đem tới ý niệm rằng người cực đoan không nhiều thì cũng có một mặt bị chỉ trích, chỉ có con đường trung đạo mới là lý tưởng. Bài kinh vì thế cho thấy sự bác bỏ chủ nghĩa cực đoan, chứ không phải từ chối nỗ lực thực hành hạnh tu, thiết lập một định hướng mới, hành trì cần có trí tuệ hướng dẫn, cần đạt đến kết quả thực chứng, cần đưa con người thoát khổ, chứ không tạo thêm khổ.
Như vậy, đoạn kinh là viên ngọc minh châu soi sáng cả phương pháp lẫn mục đích tu hành, là sự kết hợp giữa từ bi vô biên và trí tuệ vô hạn mà đức Phật đã thành tựu và truyền dạy.
Cư sĩ Phúc Quang
Tài liệu: Tương ưng bộ kinh, Chương Tám: Tương ưng thôn trưởng, Bài XII. Ràsiya, Dịch giả: HT. Thích Minh Châu
Bình luận (0)