Phần I. Tương ưng bộ kinh, Chương Tám: Tương ưng thôn trưởng, Bài XIII – Pàtali
Con có một ngôi nhà nghỉ mát, tại đấy có những giường, có những chỗ ngồi, có những đèn dầu. Có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đến trú ngụ tại đấy, tùy theo khả năng, tùy theo sức lực, con chia sẻ với các vị ấy. Thuở trước, bạch Thế Tôn, có bốn vị Đạo sư có quan điểm khác nhau, có (kham nhẫn) khác nhau, có sở thích khác nhau đến trú ngụ tại ngôi nhà nghỉ mát ấy.
Một vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có cha, không có mẹ, không có loại hóa sanh; ở đời, không có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chính hướng chính hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này đời khác, và truyền dạy lại".
Một vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Có bố thí, có lễ hy sinh, có tế tự, có quả dị thục các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có loại hóa sanh; ở đời, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chính hướng, chính hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này đời khác, và truyền dạy lại".
Một vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Tự làm, hay khiến người làm, chém giết, hay tự mình chém giết, đốt nấu, hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn, hay khiến người gây phiền muộn, gây ảo não, hay khiến người gây ảo não, tự mình gây sợ hãi, hay khiến người gây sợ hãi, sát sinh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giật, tư thông vợ người, nói láo. Do duyên như vậy, không có tội ác, không có đi đến tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén, giết hại tất cả chúng sinh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt; do duyên ấy, cũng không có tội ác, không đi đến tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu; do duyên ấy cũng không có tội ác, không đi đến tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ; do duyên ấy, không có công đức, không đi đến công đức".
Một vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Tự mình làm hay khiến người làm, chém giết, hay tự mình chém giết, đốt nấu, hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn, hay khiến người gây phiền muộn, gây ảo não, hay khiến người gây ảo não, tự mình gây sợ hãi, hay khiến người gây sợ hãi, sát sinh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giật, tư thông vợ người, nói láo. Hành động như vậy có tội ác, có đi đến tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén, giết hại tất cả chúng sinh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt; vì vậy có tội ác, có đi đến tội ác. Nếu có người đi đến bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, có tội ác; do duyên như vậy, có đi đến tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ; do duyên như vậy, có công đức, có đi đến công đức".
Về vấn đề này, bạch Thế Tôn, con có phân vân, con có nghi ngờ. Giữa những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này; ai là người nói sự thật, ai là người nói láo?
- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng, là sự phân vân của Ông. Thôi vừa rồi, là sự nghi ngờ của Ông. Chính do ở điểm phân vân mà nghi ngờ khởi lên.
Bạch Thế Tôn, nhưng con có lòng tín thành như vậy đối với Thế Tôn. Thế Tôn có thể thuyết pháp cho con để sự phân vân này có thể đoạn diệt.
- Này Thôn trưởng, có pháp Thiền định. Ở đây, nếu Ông chứng được tâm định, thời Ông có thể đoạn diệt sự phân vân này của Ông: Và này Thôn trưởng, thế nào là pháp Thiền định?
Ở đây, này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử sau khi đoạn tận sát sinh, sống từ bỏ sát sinh. Sau khi đoạn tận lấy của không cho, vị ấy sống từ bỏ lấy của không cho. Sau khi đoạn tận tà hạnh trong các dục, vị ấy sống từ bỏ tà hạnh trong các dục. Sau khi đoạn tận nói láo, vị ấy sống từ bỏ nói láo. Sau khi đoạn tận nói hai lưỡi, vị ấy sống từ bò nói hai lưỡi. Sau khi đoạn tận nói lời độc ác, vị ấy sống từ bò nói lời độc ác. Sau khi đoạn tận nói lời phù phiếm, vị ấy sống từ bỏ nói lời phù phiếm. Sau khi đoạn tận tham dục, vị ấy sống từ bỏ lòng tham. Sau khi đoạn tận lòng sân, vị ấy sống từ bỏ lòng sân. Sau khi từ bỏ tà kiến, vị ấy sống theo chính kiến.
Vị Thánh đệ tử ấy, này Thôn trưởng, với lòng tham từ bỏ như vậy, với lòng sân từ bỏ như vậy, không có lòng si, tỉnh giác, chính niệm, sống biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, phương thứ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư; như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.
Vị ấy suy tư như sau: "Vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có cha, không có mẹ, không có loại hóa sanh. Ở đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chính hướng, chính hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này, đời khác, và truyền dạy lại". Nếu vị Tôn giả Đạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì. Vì ta không có hại một ai, kẻ yếu hay kẻ mạnh, ở đây cả hai phương diện, ta là kẻ gieo quẻ gặp may. Thân ta được hộ trì, lời nói được hộ trì, ý được hộ trì. Và sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sinh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Với vị ấy, hân hoan sinh khởi; do hân hoan, hỷ sinh khởi; do hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ được cảm giác; với người cảm giác lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Thôn trưởng, đây là pháp Thiền định. Ở đây, nếu Ông được tâm định như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt.
Vị Thánh đệ tử ấy, này Thôn trưởng, với lòng tham được từ bỏ như vậy, với lòng sân được từ bỏ như vậy, không có lòng si, sống tỉnh giác, chính niệm, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, phương thứ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư; như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Có bố thí, có lễ hy sinh, có tế tự, có quả dị thục các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có cha, có mẹ, có các loại hóa sanh. Ở đời, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chính hướng, chính hạnh, đã tự mình chứng tri, chứng ngộ đời này, đời khác và truyền dạy lại". Nếu vị Tôn giả Đạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì, vì ta không hại một ai, kẻ yếu hay kẻ mạnh. Ở đây, cả hai phương diện, ta là kẻ gieo quẻ gặp may. Thân ta được hộ trì. Lời nói ta được hộ trì. Ý ta được hộ trì. Và sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sinh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Với vị ấy hân hoan sinh khởi... (như trên) ... như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt.
Vị Thánh đệ tử, này Thôn trưởng, với lòng tham được từ bỏ như vậy... biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ... không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Tự làm hay khiến người làm... (như trên vị đạo sư thứ 3) ... hành động như vậy không có tội ác gì". Nếu vị Tôn giả Đạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì..." (như trên) ... như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt. Vị Thánh đệ tử, này Thôn trưởng, với lòng tham được từ bỏ như vậy... biến mãn một phương tâm câu hữu với từ... không hận, không sân. Vị ấy suy tư như sau: "Vị Đạo sư nói như sau, thấy như sau: "Tự làm hay khiến người khác làm... (như trên vị đạo sư cuối) ... do duyên ấy, có tội ác, có đi đến tội ác, do nhân duyên ấy, có công đức, có đi đến công đức". Nếu Tôn giả Đạo sư này nói đúng sự thật, ta cũng không có tội lỗi gì..." (như trên) ... như vậy, sự phân vân của Ông được đoạn diệt, Vị Thánh đệ tử, này Thôn trưởng với lòng tham từ bỏ như vậy, với lòng sân từ bỏ như vậy, không có lòng si, tỉnh giác, chính niệm, sống biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi, hỷ; tâm câu hữu với xả, cũng vậy, phương thứ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư; như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú với tâm câu hữu với bi, hỷ, tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.

Phần II. Luận giải kinh
Đức Phật không trực tiếp phán quyết quan điểm nào đúng, sai. Thay vào đó, Ngài dạy tới nguyên nhân của nghi nan và cách chấm dứt sự nghi ngờ đó bởi định tâm. Đây là tinh thần tự tri, tự giác, tự chứng, không chạy vào vòng tranh cãi vô tận bởi những điều mình chưa thực sự có thể giải thích, đặc biệt là thứ mình không biết. Thay vì áp đặt tín điều, đức Phật dạy trải nghiệm nội tâm trực tiếp qua hành trì là con đường giải quyết hoài nghi và phát triển tư duy.
Cấu trúc thiền định được trình bày
Đức Phật mô tả từng tầng lớp của sự tu tập:
Bước 1. Từ bỏ các ác nghiệp về thân – khẩu – ý, cụ thể là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, ác ngữ, tham, sân, tà kiến.
Bước 2. Phát triển Tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả, trải rộng đến vô cùng tận.
Bước 3. Quán chiếu từng trường hợp luận thuyết.
Với người quán chiếu rằng mình đã xả ly ác pháp, đã nuôi dưỡng tứ vô lượng tâm, thì dù vị đạo sư nào nói đúng, vị nào nói sai, thì mình vẫn an trú trong thiện pháp, sống không có tội lỗi gì, không cần phải nghi ngờ hay lo lắng về chủ thuyết nào.
Phương pháp Double Hedge
Đây là lập luận hai chiều, trong lý luận logic hiện đại, được liệt kê vào phương pháp gọi là “Double hedge”.
Nếu quan điểm “không có tội phúc” là đúng, người hành thiện cũng không bị tổn hại gì. Nếu quan điểm “có tội phúc” là đúng, người hành thiện được an vui, thiện quả.
Nếu chạy theo 1 quan điểm nào đó, bám chấp cực đoan, điều đó tương đồng với việc nếu quan điểm mình chạy theo là sai, thì mình đang có tội lỗi với quan điểm đúng. Nhưng thay vì tập trung vào chủ thuyết quá xa vời với tuệ tri cá nhân, thì việc sống thiện, không thiệt vào đâu. Vì thế, sống thiện là điều chắc chắn an toàn, dù thực tại có thuộc về quan điểm nào.
Cốt lõi cho một người
Xả ly ác pháp, phát triển Tứ vô lượng tâm, quán chiếu định tĩnh thay vì chạy theo các chủ thuyết hoặc biện luận cho các chủ thuyết. Trong đoạn kinh này, chúng ta thấy rằng Phật không phủ nhận hay khẳng định vị nào, Phật không phê phán thẳng mặt ai, Phật chỉ hướng toàn bộ nội dung tới người hỏi đạo. Và nội dung đó chỉ xoay quanh cách thực hành cho cá nhân người hỏi, chứ không nhắc tới cụ thể 1 vị đạo sĩ nào.
Lời kết
Xét tại đời sống này, đoạn kinh Thôn trưởng Patali trở nên vô cùng thiết thực, khuyến khích mỗi cá nhân gạt bỏ những tin tức tiêu cực trên mạng xã hội, tránh tranh cãi không có ích, tập trung dành thời gian cho bản thân và gia đình, nuôi dưỡng thiện pháp và tứ vô lượng tâm.
Đức Phật không dạy ta chọn phe hay chạy theo lý thuyết nào cả, mà Ngài dẫn dắt chúng ta trở về với đời sống nội tại, nơi mà sự tu tập, từ bỏ ác hạnh, nuôi dưỡng tâm từ, tâm bi, tâm xả sẽ tự mình khai mở trí tuệ và sự an ổn. Khi đứng trước nhiều học thuyết trái ngược nhau, cách tốt nhất không phải là kết tội người khác, cũng không phải lo sợ mình sai, mà là quay lại kiểm nghiệm nội tâm: thân ta có gây tổn hại không, lời ta có gieo đau khổ không, ý ta có nuôi dưỡng tham, sân, si hay không. Nếu ba nghiệp được giữ gìn thanh tịnh, thì dù thế gian có đảo điên quan điểm, lòng ta vẫn vững chãi như đá tảng trước gió.
Cư sĩ Phúc Quang
Tài liệu: Kinh Tương ưng bộ, Chương Tám: Tương ưng thôn trưởng, bài XII, XIII, Dịch giả: HT. Thích Minh Châu
Bình luận (0)