Phần I. Kinh Tương ưng bộ, Chương Tám: Tương ưng thôn trưởng, bài XII, XIII

Đoạn kinh 1

Này Thôn trưởng, có ba pháp thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu. Thế nào là ba? 

Phàm người tham dục, do nhân tham dục, nghĩ đến tự hại, nghĩ đến hại người khác, nghĩ đến hại cả hai. Khi tham dục được đoạn tận, người ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người khác, không nghĩ đến hại cả hai. Như vậy, những (quả này) thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu.

Phàm người sân hận, do nhân sân hận, nghĩ đến tự hại, nghĩ đến hại người khác, nghĩ đến hại cả hai. Khi sân hận được đoạn tận, người ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người khác, không nghĩ đến hại cả hai. Như vậy, những (quả này) thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu.

Phàm người si mê, do nhân si mê, nghĩ đến tự hại, nghĩ đến hại người khác, nghĩ đến hại cả hai. Khi si mê được đoạn tận, vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người khác, không nghĩ đến hại cả hai. Như vậy, những (quả này) thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. 

Ba pháp này, này Thôn trưởng, thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. Khi được nghe nói vậy, thôn trưởng Ràsiya bạch Thế Tôn: - Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Đoạn kinh 2

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koliya, tại thị trấn của dân chúng Kolya tên là Uttara. Rồi thôn trưởng Pàtaliya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, thôn trưởng Pàtaliya bạch Thế Tôn: - Con được nghe rằng, bạch Thế Tôn, Sa-môn Gotama biết huyễn thuật. Bạch Thế Tôn, những ai nói rằng Sa-môn Gotama biết huyễn thuật; những người ấy, bạch Thế Tôn, có nói đúng với lời Thế Tôn hay không? Họ không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, họ trả lời đúng pháp, tùy pháp? Và những ai nói lời tương ứng đúng pháp không có lý do gì để chỉ trích. Bạch Thế Tôn, chúng con không muốn chống báng Thế Tôn.

- Những ai nói rằng, này Thôn trưởng, Sa-môn Gotama biết huyễn thuật, nhũng người ấy nói đúng lời nói của Ta. Họ không xuyên tạc Ta với điều không thật. Họ nói lời đúng pháp, tùy pháp. Và những ai nói lời tương ứng đúng pháp không có lý do để chỉ trích.

Như vậy là đúng sự thật, bạch Thế Tôn tuy rằng con không tin các vị Sa-môn, Bà-La-Môn ấy, nói rằng Sa-môn Gotama biết huyễn thuật. Như vậy, bạch Thế Tôn, cuối cùng Sa-môn Gotama là người sống theo huyễn thuật. 

- Ai nói rằng: "Như Lai biết huyến thuật" người ấy có nói rằng Như Lai là người sống theo huyễn thuật, nói rằng như vậy là Thế Tôn, như vậy là Thiện Thệ? Vậy này Thôn trưởng, về vấn đề này Ta sẽ hỏi Ông. Nếu có thế kham nhẫn, Ông có thể trả lời.

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có biết, này Thôn trưởng, các người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống? - Con có biết, bạch Thế Tôn, các người làm thuê của dân chúng Kosala có búi tóc thòng xuống.

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có biết những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người trì giới hay là những người ác giới? - Con được biết, bạch Thế Tôn, những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người ác giới, theo ác pháp. Nếu có những người theo ác giới, theo ác pháp ở đời, chính là những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala, không có ai khác.

Này Thôn trưởng, nếu có ai nói rằng: "Thôn trưởng Pàlaliya biết được các người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là người ác giới, theo ác pháp, thời thôn trưởng Pataliya cũng là người theo ác giới, theo ác pháp" người nói như vậy có nói một cách chân chính không? - Thưa không, bạch Thế Tôn. Những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của các dân chúng Kosala là khác. Còn con là khác. Tự tính của những người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là khác. Tự tính của con là khác.

Này Thôn trưởng, Ông sẽ được tiếng như sau: "Thôn trưởng Pataliya biết rằng, các người làm thuê có búi tóc thòng xuống của dân chúng Kosala là những người ác giới, theo ác pháp. Nhưng thôn trưởng Pataliya không phải là người có ác giới, theo ác pháp". Như vậy, tại sao Như Lai lại không được tiếng rằng Như Lai là người biết huyễn thuật, nhưng Như Lai không phải là người sống theo huyến thuật? Này Thôn trưởng, Ta rõ biết huyễn thuật và quả dị thục của huyễn thuật. Và thực hành như thế nào mà một người làm huyễn thuật, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ta rõ biết như vậy.

Đoạn kinh 3

Này Thôn trưởng, Ta rõ biết sát sinh và quả dị thục của sát sinh. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người sát sinh, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lấy của không cho và quả dị thục của lấy của không cho. Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người lấy của không cho, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này Thôn trưởng, Ta rõ biết sự sống tà hạnh trong các dục và quả dị thục của sự sống theo tà hạnh trong các dục. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người sống tà hạnh trong các dục, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói láo và quả dị thực của nói láo. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói láo, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dứ, ác thú, đọa xú, địa ngục. 

Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói hai lưỡi và quả dị thục của nói hai lưỡi. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói hai lưỡi sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. 

Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói lời độc ác và quả dị thục của nói lời độc ác. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói lời độc ác, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. 

Này Thôn trưởng, Ta rõ biết nói lời phù phiếm và quả dị thục của nói lời phù phiếm. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người nói lời phù phiếm, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lòng tham dục và quả dị thục của lòng tham dục. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người có lòng tham dục, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. 

Này Thôn trưởng, Ta rõ biết lòng sân hận và quả dị thục của lòng sân hận. Và Ta cũng rõ biết sự thực hành như thế nào mà một người có lòng sân hận, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, đọa ngục. 

Này Thôn trưởng, Ta rõ biết tà kiến và quả dị thục của tà kiến. Và Ta cũng rõ biết một người có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này Thôn trưởng, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói như sau, thấy như sau: "Ai sát hại sinh mạng; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai lấy của không cho; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai sống tà hạnh trong các dục; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu. Ai nói láo; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu"

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai, khéo tắm, khéo thoa dầu sáp, tóc râu chải chuốt, được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ hỏi: - "Này Bạn, người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai, được khéo tắm, tóc râu chải chuốt, được nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?

Các Ông trả lời về người ấy như sau: - "Này Bạn, người này đã đập tan kẻ thù nghịch của vua và đoạt mạng sống của kẻ đó. Nhà vua hoan hỷ đối với người ấy, nên đã thưởng cho người ấy. Do vậy, người này được đeo vòng hoa, được đeo bông tai, được khéo tắm, râu tóc chải chuốt, được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua".

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt ra đằng sau bởi một sợi dây thật chắc, đầu cạo trọc, với tiếng trống chát tai, được dẫn đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, rồi được dắt ra khỏi cửa thành phía Nam, và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi: "- Này Bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau bởi một sợi dây thật chắc, đầu cạo trọc, với tiếng trống chát tai, được dẫn đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, rồi được dắt ra khỏi của thành phía Nam, và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam?"

Các Ông trả lời về người ấy như sau: "- Này Bạn, người này là kẻ thù của vua. Người này đã đoạt mạng sống một người đàn bà hay một người đàn ông. Do vậy, người của vua bắt người này và đối xử như vậy với người này"

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng? - Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai.

Ở đây, này Thôn trưởng, những người Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Ai sát hại sinh mạng; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu". Họ nói đúng sự thật hay nói láo? - Bạch Thế Tôn, họ nói láo. - Và những người nói lời hư ngụy, nói láo, họ là người trì giới hay ác giới. - Là người ác giới, bạch Thế Tôn. 

Những người ác giới, theo ác pháp là tà hạnh hay chính hạnh? - Là tà hạnh, bạch Thế Tôn. Những người tà hạnh là những người có tà kiến hay có chính kiến? - Là những người có tà kiến, bạch Thế Tôn. Và những người có tà kiến, có hợp lý chăng khi đặt tin tưởng vào họ? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua. Về người này, họ hỏi:"- Người này đã làm gì mà được đeo vòng hoa, đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua?" Các Ông trả lời về người ấy như sau: "-Này Bạn, người này đã đập tan kẻ thù nghịch của vua và đem về châu báu. Nhà vua hoan hỷ với người ấy nên đã thường người ấy. Do vậy, người này được đeo vòng hoa, được đeo bông tai... được các nữ nhân phục vụ các dục chẳng khác vị vua"

Nhưng này Thôn trưởng, ở đây, chúng ta thấy có người hai tay bị trói chặt ra đằng sau... và bị chặt đầu tại cửa thành phía Nam. Về người này, họ hỏi: "- Này Bạn, người này đã làm gì mà hai tay bị trói chặt ra đằng sau... tại cửa thành phía Nam?" Các Ông trả lời về người ấy như sau: "- Này Bạn, người này đã từ làng hay từ ngôi rừng lấy những vật không cho, được gọi là ăn trộm. Do vậy, những người của nhà vua bắt người này và đối xử như vậy với người này". 

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ông có bao giờ thấy hay nghe một người như vậy chăng? - Bạch Thế Tôn, con từng thấy và nghe một người như vậy, và sẽ được nghe trong tương lai.

Ở đây, này Thôn trưởng, những người Sa-môn, hay Bà-la-môn nào nói như vậy, thấy như sau: "Ai lấy của không cho; tất cả, ngay trong hiện tại, cảm thọ khổ ưu". Họ nói đúng sự thật hay họ nói láo?... (như trên) ... Và những người có tà kiến, có hợp lý chăng khi đặt tin tường vào họ? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Phần II. Luận giải đoạn kinh

Đoạn 1

Ba pháp “thiết thực hiện tại” là đoạn tận tham dục, đoạn tận sân hận, đoạn tận si mê. Mỗi khi một trong ba độc được đoạn tận, người ấy không nghĩ đến việc tự hại, không nghĩ đến việc hại người khác, không nghĩ đến việc hại cả hai. Đức Phật nhấn mạnh tính “thiết thực hiện tại”, tức giáo pháp này không cần chờ đến lúc nào mới có thể biết, mà có thể kiểm chứng bằng chính kinh nghiệm cá nhân ngay khoảnh khắc đoạn tận tam độc đó.

“Không có già lão” là sự ám chỉ sự vượt khỏi tiến trình hư hoại, vượt ngoài thời gian, một cách diễn đạt tính vượt thoát lẽ vô thường, sự đoạn tận tham sân si là pháp không có tính già đi, không hư hoại.

Giáo pháp mang tính “đến để mà thấy”, kêu gọi trải nghiệm thực chứng hơn là mù quáng tin theo. Đức Phật dạy rằng đoạn tận tham thì có thể diệt trừ được suy nghĩ tự hại, hại người, hại cả hai, giáo môn này là để thực chứng, không phải để nghe. Chi tiết hay là được người có trí tự mình giác hiểu, cho thấy giá trị nội quán và tự chứng, nhấn mạnh yếu tố trí tuệ cá nhân trong đạo Phật.

Đoạn 2

Đoạn kinh này là bài học về trí tuệ nhận biết phân biệt, không bị lẫn lộn về sự đánh đồng, áp đặt quy chụp định kiến cá nhân. Người có quen biết với kẻ bất thiện, ác giới không đồng nghĩa là họ cũng bất thiện, ác giới. “Người làm thuê có búi tóc thòng xuống” được xem là biểu tượng của một nhóm người giới ác trong cộng đồng Kosala. Tuy thôn trưởng biết về họ, nhưng ông không phải là họ. Phật cũng vậy, bậc trí cũng vậy, dù biết về tà pháp, dù biết về những thứ cao siêu nhưng không vướng mắc hay bị ô nhiễm bởi nó, cũng không vì nó mà huyễn hoặc quần chúng, trục lợi cho mình.

Đoạn 3

Cùng một hành vi, nhưng kết quả lại khác nhau. Trong kinh, đức Phật nêu hai trường hợp đối lập, người giết được kẻ thù nghịch, vua trọng thưởng, sống xa hoa như vua, đối với người giết người, bị bắt trói, lôi đi giữa phố, cạo đầu, chặt đầu giữa chợ. Cùng là sát sinh, nhưng quả dị thục ngay trong đời lại khác. Hoặc người đem về châu báu của kẻ thù nghịch, cũng được thưởng, đối với người ăn trộm bình thường thì lại bị hành xử. Dù xét cho kỹ, thì cùng là trộm cướp.

Sự khác biệt cần xét là ở bối cảnh và yếu tố chi phối kết quả. Cái hành vi ấy xảy ra trong “ngữ cảnh xã hội” nào? Đây chính là sự chi phối của pháp tục đế, luật lệ thế gian, quy ước xã hội. Nhân quả ở đây không phải nhân quả rốt ráo, mà là quả báo xã hội tức thời, phát sinh từ cộng nghiệp, nhưng chưa hẳn là thể hiện được lý nhân quả trọn vẹn, nên chúng ta không thể chấp vào câu từ và hành tướng bên ngoài của hành vi được. 

Đây là điều Phật đặc biệt chỉ trích: “Những ai nói: ‘Ai sát sinh, tất cả, ngay trong hiện tại đều cảm thọ khổ ưu’, những người ấy nói sai, là người ác giới, tà hạnh.” Vì sao?

Vì họ thâu tóm nhân quả một cách chủ quan, không suy xét, vội vàng. “Kẻ làm ác sẽ khổ ngay”, thực ra là đang phán xét bằng cảm tính, chứ không phải từ trí tuệ thấy suốt dòng chảy nghiệp lực. 

Vậy thì đâu là cái “quả thực sự” của hành vi? 

“Ta rõ biết sát sinh và quả dị thục của sát sinh… Sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.” Tức là quả dị thục chân chính không nằm ở sự sung sướng hay khổ đau nhất thời, mà ở sự neo theo của nghiệp quả, để dẫn lối chúng sinh. Hay nói cách khác, khi một sự việc diễn ra, chúng sinh cần tránh quy chụp, tránh lấy hiện tượng mà áp vào bản chất của nhân nghiệp. 

Cái thấy của Phật vượt khỏi sự chụp mũ. Phật thấy nghiệp như một trường lực đạo đức, vận hành theo quy luật nhân, duyên, thời, quả. Phật không phủ nhận việc hành vi ác thì đem lại khổ đau, nhưng cách giảng thuyết của tu sĩ Bà la môn mang tính quy chụp “tất cả”, “ngay”, lại biến họ thành những người nói dối, thiếu suy xét.

Lời kết

Từ góc độ quy ước và cộng nghiệp xã hội, hành vi con người bị phán xét sẽ có sai lầm, bởi hiệu ứng xã hội của nó, bối cảnh thời cuộc ngay. Chính cộng nghiệp ấy định hình nên những tình huống mà cùng một hành vi, có người bị đau khổ, có kẻ lại được sung sướng. Phật không bác bỏ những hiện tượng đó, nhưng Ngài lên tiếng phản bác tà kiến, khi người ta dùng chính những hiện tượng ấy để xác định đúng sai, thiện ác. 

Đối lập với đó, là nhân quả trong cái thấy của Phật, một cái thấy không bị áp đặt, không vội vã quy chụp, toàn diện, bao trùm cả không gian và thời gian, vượt khỏi cảm tính và khỏi phán đoán của xã hội. Đức Phật tuyên bố Ngài “rõ biết hành vi và quả dị thục”, không chỉ biết hành vi là ác, mà còn thấy được toàn bộ tiến trình nghiệp từ khi hình thành đến khi chín muồi. Quả dị thục trong lời Phật không phải là thưởng, phạt xã hội, mà là sự tái sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Quả báo không đo bằng kết quả dị thục ngay lập tức, vì đó còn là cộng nghiệp của cả một môi trường sống to lớn, mà đo bằng tâm lực và điểm đến sau khi mạng chung. 

Một người sát sinh nhưng được vinh hoa, chỉ là nghiệp thiện quá khứ đang trổ, nghiệp ác chưa đến hạn. Một người sát sinh và bị xử tử, là nghiệp ác hiện tại gặp điều kiện để trổ ngay. Cả hai đều không thoát được quả dị thục sau cùng. Sự quy chụp vội vã hiện tượng vào bản chất này cũng tương đồng với việc cho rằng Phật biết huyễn thuật, tức là làm huyễn thuật.

Phật chỉ thuyết rằng có duy nhất pháp có thể thực chứng ngay trong hiện tại, chính là sự đoạn tận tam độc nội tâm, có thể cảm nhận được ngay, rằng mình sẽ không tự hại, không hại người và không hại cả hai. Đoạn kinh đề cao sự thực chứng, hướng thượng, vượt qua sự định kiến.

Cư sĩ Phúc Quang

Tài liệu: Kinh Tương ưng bộ, Chương Tám: Tương ưng thôn trưởng, bài XII, XIII, Dịch giả: HT. Thích Minh Châu