Phần I. Tương ưng bộ kinh, Chương Mười: Tương ưng không thuyết, Phẩm I - VIII 

Khi vua Pasenadi hỏi Thế Tôn những câu hỏi sau:

Câu 1. Như Lai có tồn tại sau khi chết không?

Câu 2. Như Lai không có tồn tại sau khi chết?

Câu 3. Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết?

Câu 4. Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Lời giảng đầu tiên

Đức Thế Tôn đều không trả lời. Vua Pasenadi hỏi nhân gì, duyên gì mà Ngài lại không trả lời những câu hỏi đó?

Đại vương nghĩ thế nào, thưa Đại vương, Đại vương có người kế toán nào, toán số nào có thể đếm được cát sông Hằng có số hạt cát như vậy, có số trăm hạt cát như vậy, có số ngàn hạt cát như vậy, có số trăm ngàn hạt cát như vậy? 

- Thưa không.

Đại vương có người kế toán nào, có người toán số nào có thể đong lường được nước của biển lớn có số đấu nước như vậy, có số trăm đấu nước như vậy, có số ngàn đấu nước như vậy, có số trăm ngàn đấu nước như vậy? 

- Thưa không

Vì sao?

- Vì rằng biến lớn thâm sâu, vô lường, khó dò đến đáy.

Cũng vậy, nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua sắc thân, nhưng sắc thân ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta la, làm cho không thể tái sinh, làm cho không thể sinh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của sắc thân. 

Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. 

Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua cảm thọ, nhung cảm thọ ấy, Thế Tôn đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thế tái sinh, làm cho không thể sinh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của cảm thọ. 

Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai qua các tưởng... qua các hành... qua các thức; nhưng thức ấy, Như Lai đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sinh, làm cho không thể sinh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của thức. 

Lời giảng thứ hai

Một vị đệ tử Phật trú trong một ngôi chòi trong rừng, nhiều du sĩ ngoại đạo tới. 

"Này Hiền giả, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy đã được trình bày dưới bốn trường hợp: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết". Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, con nói với các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Thưa chư Hiền, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thắng. Bậc Như Lai ấy được trình bày ngoài bốn trường hợp như sau: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Khi được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với con: "Tỷ-kheo này có lẽ là mới tu, xuất gia chưa bao lâu. Hay nếu là vị trưởng lão, thời vị này là ngu si, không có thông minh". Các du sĩ ngoại đạo ấy, sau khi chê trách con là người mới tu và ngu si, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Đức Phật giảng

Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường? 

- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

Cái gì vô thường là khổ hay lạc? 

- Là khổ, bạch Thế Tôn.

Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?

 - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Thọ là thường hay vô thường? ... Tưởng là thường hay vô thường?... Các hành là thường hay vô thường? ... Thức là thường hay vô thường? 

- Là vô thường, bạch Thế Tôn. 

Cái gì vô thường là khổ hay lạc? 

- Là khổ, bạch Thế Tôn. 

Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"? 

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

Do vậy, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chính trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi". Phàm có thọ gì, quá khứ, vị lai, hiện tại... Phàm có tưởng gì... Phàm có các hành gì... Phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chính trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi".

Thấy vậy, vị Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí biết rằng: "Ta đã được giài thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

Ông nghĩ thế nào, Ông có quán sắc là Như Lai không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán thọ là Như Lai không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán tưởng là Như Lai không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán các hành là Như Lai không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán thức là Như Lai không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông nghĩ thế nào, Ông có quán Như Lai ở trong sắc không? - Thưa không, bạch Thế Tôn. Ông có quán Như Lai ở ngoài sắc không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán Như Lai ở trong thọ không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán Như Lai ở ngoài thọ không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán Như Lai ở trong tưởng không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán Như Lai ở ngoài tưởng không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán Như Lai ở trong các hành không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán Như Lai ở ngoài các hành không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán Như Lai ở trong thức không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán Như Lai ở ngoài thức không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông nghĩ như thế nào, Ông có quán Như Lai là sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông có quán Như Lai là không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có các hành, không có thức hay không? - Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ở đây, Ông ngay trong hiện tại không có nắm được Như Lai một cách chân thật, một cách xác chứng, thời có hợp lý chăng khi Ông tuyên bố về Như Lai rằng: "Thưa chư Hiền, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng: Bậc Như Lai ấy được biết đến ngoài bốn trường hợp sau đây: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết". 

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

Lành thay, lành thay! Trước đây và hiện nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.

Lời giảng thứ 3

Nguyên do, nhân gì, Thế Tôn không trả lời 4 câu hỏi trên?

Câu hỏi “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, là chấp trước sắc. “Như Lai không có tồn tại sau khi chết” là chấp trước sắc. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là chấp trước sắc. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là chấp trước sắc. "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là chấp trước thọ. "Như Lai không có tồn tại sau khi chết" là chấp trước thọ. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thọ. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thọ. "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là chấp trước tưởng. "Như Lai không tồn tại sau khi chết" là chấp trước tưởng. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là chấp trước tưởng. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là chấp trước tưởng. "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là chấp trước các hành. "Như Lai không tồn tại sau khi chết" là chấp trước các hành. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là chấp trước các hành. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là chấp trước các hành. "Như Lai có tồn tại sau khi chết" là chấp trước thức. "Như Lai không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thức. "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thức. "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết" là chấp trước thức. 

Do không như thật biết, như thật thấy sắc; do không như thật biết, như thật thấy sắc tập khởi; do không như thật biết, như thật thấy sắc đoạn diệt; do không như thật biết, như thật thấy con đường đưa đến sắc đoạn diệt nên mới có quan điểm rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết..." 

Tương tự với... thọ... tưởng... các hành...thức...

Do như thật biết, như thật thấy sắc...thọ...tưởng...các hành...thức; như thật thấy sắc ...thọ ... tưởng...các hành...thức tập khởi; như thật thấy sắc...thọ...tưởng...các hành...thức đoạn diệt; do như thật biết, như thật thấy con đường đưa đến sắc...thọ...tưởng...các hành...thức đoạn diệt nên không có quan điểm rằng: "Như Lai có tồn tại sau chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".
Tương tự vậy, với ai chưa đoạn trừ hoan hỷ ái, tham ái, dục ái, ái lạc hữu, ưa thích thủ đối với sắc...thọ...tưởng...các hành...thức, người đó có 4 quan điểm nêu trên. Ai đã đoạn tận gốc rễ hoan hỷ ái, tham ái, dục ái, ái lạc hữu, ưa thích thủ đối với sắc...thọ...tưởng...các hành...thức thì không có 4 quan điểm nêu trên.

Phần II. Luận giải

Sự im lặng của Đức Phật trước bốn câu hỏi này thường được nhắc đến như một ví dụ điển hình của các vấn đề không được giải đáp trong kinh điển. Thay vì trả lời, đức Phật chọn cách chuyển hướng nhận thức của người hỏi.

Để hiểu điều này, cần xét đến các giáo lý cốt lõi mà đức Phật đã giảng dạy, đặc biệt là thuyết vô ngã, học thuyết duyên khởi, và quan niệm về ngũ uẩn cấu thành một con người. Những giáo lý này cho thấy vì sao cả bốn mệnh đề về sự tồn tại hay không tồn tại của Như Lai sau khi chết đều không phù hợp để áp dụng cho một bậc đã giải thoát hoàn toàn.

Vô ngã và ngũ uẩn: Không có “chủ thể” cố định để tồn tại hay không tồn tại.

Một trong những nền tảng triết lý của Phật giáo là vô ngã (anattā), tức không có một “cái tôi” hay thực thể trường tồn bất biến nào nằm sau các hiện tượng sống. Thay vào đó, một chúng sinh chỉ là tập hợp vận hành của năm uẩn (ngũ uẩn): sắc (thân thể vật chất), thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (các hành vi tâm lý, vật lý) và thức (nhận thức phân biệt). Đức Phật dạy rằng chúng ta thường lầm chấp năm uẩn này là “ta” hoặc “của ta”, nhưng kỳ thực chúng vô thường, sinh diệt trong từng sát na và không có cốt lõi bất biến. 

Trong cuộc đối thoại với Tôn giả Anurādha, Ngài đã truy hỏi để phá tan quan niệm về một tự ngã trường tồn: “Ông có xem sắc (thân xác) là Như Lai không? Ông có thấy Như Lai nằm trong sắc không? Ông có thấy Như Lai tách rời khỏi sắc không?” Anurādha đều trả lời “Không, bạch Thế Tôn”. Đức Phật hỏi tương tự về thọ, tưởng, hành, thức, và Anurādha cũng thừa nhận không thể tìm thấy “Như Lai” nào trong hay ngoài mỗi uẩn. 

Qua đó, đức Phật kết luận rằng ngay trong đời hiện tại cũng không thể nắm bắt Như Lai như một thực thể cố định nằm trong, hay nằm ngoài ngũ uẩn. Nói cách khác, “Như Lai” chỉ là một danh xưng thuận tiện để chỉ một cá nhân với năm uẩn hoạt động; ngoài ngũ uẩn ra, không có một “chủ thể” thường tồn nào gọi là Như Lai cả.

Từ lập trường vô ngã trên, ta thấy các câu hỏi mà vua Pasenadi nêu ra đã mặc nhiên giả định có một thực thể “Như Lai” độc lập với năm uẩn. Vì nếu không có 1 cái thực thể thì lấy đâu chủ thể làm thứ để tìm, rồi hỏi thực thể đó còn tồn tại hay không sau khi các uẩn diệt. Đức Phật không chấp nhận giả định sai lầm này, vì ngay khi đặt ra câu hỏi này tức là đã chấp ngã rồi, nên Ngài không trả lời trực tiếp. Nếu nhìn lại, khi một vị A-la-hán hay một vị Phật nhập Niết-bàn, năm uẩn sinh diệt của vị ấy đều chấm dứt, không còn tái sinh uẩn mới vì vô minh và ái dục đã diệt tận. Mà Như Lai chỉ là cách gọi tập hợp năm uẩn ấy, nên khi các uẩn đã đoạn diệt, không còn cơ sở để gọi là “Như Lai” nữa theo nghĩa thông thường. Không hề có “linh hồn” hay “ngã thể” nào siêu việt ngũ uẩn để mà tiếp tục tồn tại sau khi chết. Do vậy, cả mệnh đề “Như Lai có tồn tại sau khi chết” lẫn “Như Lai không tồn tại sau khi chết” đều không chuẩn xác: chúng giả định có một “Như Lai” độc lập ngũ uẩn, trong khi không có cái ngã nào như vậy hiện hữu ngay từ đầu.

Các nhà chú giải kinh điển sau này cũng khẳng định điều đó. Luận thư Thắng Pháp (Abhidhamma) giải thích rằng nếu cải biến các câu hỏi cho đúng với thực tại vô ngã, câu trả lời sẽ rõ ràng hơn. 

Cụ thể: “Các uẩn của Như Lai có sinh khởi trở lại sau khi chết không?”. Thì chúng ta sẽ có câu trả lời, đó là không. Vì vị ấy đã đoạn tận tái sinh. 

“Có gì ngoài năm uẩn có thể gọi là Như Lai không?”, chúng ta cũng sẽ có câu trả lời, cũng là không. 

Và “Có phần cốt lõi nào còn sót lại khi năm uẩn diệt không?”, đáp án vẫn là không. 

Như luận giải này nhấn mạnh, một vị A-la-hán sau khi chết không còn bất cứ yếu tố nào tái sinh hoặc tồn tại riêng ngoài các uẩn, và khi các uẩn đã diệt thì “không có gì còn lại” để có thể gọi tên. Hiểu cách khác, thì cách câu hỏi được đặt theo 4 phương diện trên là 4 câu hỏi sai, vì còn vô minh, chấp ngã, tư tưởng bất biến của ngoại đạo nên họ tò mò về sự giải đáp nghi nan của ngoại đạo.

Chính vì vậy, nếu đức Phật trả lời “Như Lai không tồn tại sau khi chết” thì người nghe rất dễ hiểu lầm rằng có một “tự ngã” nào đó của Như Lai bị tiêu diệt hoàn toàn, rơi vào đoạn kiến. Ngược lại, nếu trả lời “Như Lai vẫn tồn tại” thì lại ngầm khẳng định có một linh hồn vĩnh cửu, rơi vào thường kiến. Cả hai cách hiểu đều lệch lạc so với giáo lý vô ngã. Do đó, sự im lặng là cách mà đức Phật tránh cho người nghe rơi vào tà kiến về một “cái tôi” trường tồn hay bị hủy diệt.

Duyên khởi và trung đạo: Vượt lên hai cực đoan “có” và “không”.

Liên hệ mật thiết với giáo lý vô ngã là học thuyết duyên khởi. Theo duyên khởi, mọi pháp hữu vi, tức các hiện tượng do điều kiện tạo thành đều sinh khởi khi hội đủ nhân duyên và hoại diệt khi duyên tan rã. Không có thứ gì sinh lên một cách vô cớ hoặc tồn tại độc lập, cũng không có thứ gì diệt đi mà không do duyên diệt. Hiểu theo cách khác, thì không có cái gì đang từ không lại thành có và từ có tự dưng lại thành không.

Nguyên lý này phá vỡ nhị nguyên khái niệm thông thường về “hữu” và “vô”. Trong Tương Ưng Bộ, cũng có phân đoạn trích dẫn rằng đa phần thế gian nương tựa vào hai cực đoan: có (thường) và không (đoạn). Nhưng người nào thấy được sự khởi lên của thế gian (do duyên sinh) bằng trí tuệ như thật, thì sẽ không còn quan niệm ‘không có thế gian’; và người nào thấy được sự đoạn diệt của thế gian (do duyên diệt) bằng trí tuệ như thật, thì sẽ không còn quan niệm ‘có thế gian’”. 

Nói cách khác, khi hiểu rõ duyên khởi, ta sẽ thấy vạn vật chỉ là dòng biến chuyển, không thể đóng khung trong ý niệm “có một thực thể thường hằng” hay “hoàn toàn hư vô”. Đức Phật gọi “tất cả đều tồn tại” là một cực đoan, “không có gì tồn tại” là cực đoan thứ hai, và tránh xa cả hai cực đoan ấy chính là con đường trung đạo mà Ngài giảng dạy, cụ thể là giáo lý duyên khởi thay cho mọi bất khả luận về hữu hoặc vô.

Với nguyên tắc trung đạo này, ta có thể thấy tại sao Đức Phật không trả lời “có” hay “không” cho câu hỏi về Như Lai sau khi chết. Đức Phật chủ trương “ly hai đầu”, nên Ngài cũng không thể chọn hai cách trả lời còn lại, “vừa tồn tại vừa không” hoặc “không thuộc về cả hai”, vì cả bốn mệnh đề đều nằm trong khung logic thông thường mà Ngài muốn vượt qua. Im lặng ở đây chính là một cách thể hiện trung đạo, từ chối cả bốn cực biên luận lý, thể hiện lập trường rõ ràng: Thay vì mất thời gian biện luận vô ích, thì hãy thực hành nhận biết khổ và diệt khổ.

Đối với một vị giải thoát, các khái niệm “tái sinh” hay “không tái sinh” đều không thể áp dụng: Vị được gọi là Như Lai, đã thoát khỏi mọi quy ước về sắc (thân xác), sâu xa, vô lượng, không thể nghĩ bàn như đại dương. ‘Có tái sinh’ cũng không áp dụng, ‘không tái sinh’ cũng không áp dụng, ‘vừa tái sinh vừa không’ không áp dụng, ‘cũng không tái sinh cũng không không tái sinh’ cũng không áp dụng”. 

Ngôn ngữ chúng ta sử dụng được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm thế gian hữu hạn, quen phân chia mọi thứ theo các cặp đối đãi (có/không, sinh/diệt, đến/đi…). Nhưng Niết bàn là trạng thái giải thoát tối hậu của Như Lai, thì “siêu việt tư duy phân biệt, vi diệu, khó thấy, khó chứng, tĩnh lặng và thâm sâu”. Chính Đức Phật nói với du sĩ Vacchagotta rằng pháp mà Ngài chứng ngộ “sâu kín, vượt ngoài tầm suy luận, chỉ người trí mới tự mình thể nghiệm được”. Bởi vậy, dùng những khái niệm hạn hẹp như “tồn tại” hay “không tồn tại” để áp đặt lên trạng thái của Như Lai sau khi chết thì cũng giống như dùng mắt thường để tìm hướng bay của ngọn lửa đã tắt, điều đó hoàn toàn vô nghĩa.

Đức Phật đã đưa ra ví dụ ngọn lửa tắt để minh họa tính không thể diễn tả này. Ngài hỏi Vacchagotta: Nếu một đống lửa đang cháy mà tắt ngúm, có ai hỏi ông “ngọn lửa ấy đã đi về hướng nào – Đông, Tây, Nam hay Bắc?”, ông trả lời sao? Vacchagotta đáp rằng câu hỏi ấy “không thích hợp”, vì lửa cháy là do có nhiên liệu (cỏ, củi); khi nhiên liệu cạn thì lửa tắt chứ không “đi” đâu cả. Đức Phật dạy tiếp: Cũng vậy, Như Lai được giải thoát khỏi mọi thứ cấu thành nên một chúng sinh (như sắc, thọ, …), những thứ đó Ngài đã đoạn tận, nhổ tận gốc rễ, không còn điều kiện sinh khởi nữa. Một vị thánh đã giải thoát khỏi sắc (thân thể vật chất) thì “sâu thẳm, vô lượng, khó dò như đại dương”, tất cả mọi thuật ngữ như “tái sinh” hay “không tái sinh” đối với Ngài đều không thể áp dụng được. Ngài cũng lập lại tương tự với thọ, tưởng, hành, thức.

Không tốn thời gian cho tranh luận siêu thực

Cũng ví như vua có 1 vị kế toán giỏi. Vua cần vị đó cho công việc triều chính, lo kinh tế quốc gia ổn định, tính toán tốt, ... tất cả mọi thứ vì sự phát triển của quốc gia, chứ đâu ai cần 1 vị kế toán giỏi, để tính bằng được số lượng cát sông Hằng?

Điều quan trọng nhất trong giáo huấn của đức Phật là sự giải thoát khổ đau. Mọi pháp môn và lời dạy của Ngài đều nhằm dẫn dắt chúng sinh đoạn diệt tham sân si, đạt tới tri kiến giải thoát tức tuệ giác thấy biết thực tại như thật, giải thoát mọi ràng buộc. Đức Phật không khuyến khích những tranh biện siêu hình không đưa đến an ổn chấm dứt khổ. Ngài từng tuyên bố rõ với tôn giả Anurādha: “Này Anurādha, trước kia và ngay bây giờ Như Lai chỉ tuyên bố sự thật về khổ và sự thật về diệt khổ. Lời này nhắc lại trọng tâm Tứ Diệu Đế: khổ và sự chấm dứt khổ mới là điều đáng quan tâm, còn các câu hỏi ngoài lề đó không giúp ích gì cho việc chấm dứt khổ. Trong Kinh Malunkyaputta, đức Phật ví những câu hỏi siêu hình như vậy giống mũi tên tẩm độc bắn trúng người, việc ưu tiên là nhổ tên chữa thương, chứ không phải ngồi đoán xem mũi tên làm bằng gỗ gì, lông ai gắn, bắn từ đâu, kẻ nào bắn, vì sao bắn, … Nếu không kịp thời lo chữa trị mà lo hỏi những chuyện ấy, người trúng tên sẽ chết trước khi được biết câu trả lời. 

Lời kết

Bốn câu hỏi bản thể luận về sự tồn tại của Như Lai sau khi chết tưởng chừng rất quan trọng, nhưng dưới cái nhìn của triết học Phật giáo, chúng được xếp vào loại câu hỏi sai biệt và vô ích. 

Bản thể luận được hiểu là một nhánh của triết học chuyên nghiên cứu về bản chất của sự tồn tại, tức là những gì thực sự hiện hữu, và cách thức hiện hữu đó được hiểu, được phân loại hoặc được xác định.

Nói cách đơn giản, bản thể luận đặt ra những câu hỏi như: Cái gì thực sự tồn tại? Thế giới gồm những loại thực thể nào? (vật chất, tinh thần, ý niệm…) Sự vật tồn tại độc lập hay phụ thuộc vào ý thức? Có tồn tại một “bản thể” đứng sau các hiện tượng không? Một vật có thể vừa tồn tại vừa không tồn tại không? 
Trong triết học phương Tây, bản thể luận là trung tâm của những tranh luận về: Thượng đế có tồn tại không? Linh hồn có phải là một thực thể độc lập không? Vũ trụ có khởi đầu không? Có tận cùng không?

Các câu hỏi như “Như Lai có tồn tại sau khi chết không?” là điển hình cho mối quan tâm bản thể luận, nhưng đức Phật không trả lời và truy nguyên khởi nguồn sáng tạo hóa theo cách thường thấy trong triết học bản thể phương Tây, vì Ngài cho rằng những câu hỏi như vậy dựa trên giả định sai về ngã và trường tồn. Đức Phật đã lựa chọn im lặng thay vì trả lời, một phần để ngăn chặn người nghe rơi vào tà kiến cực đoan về một “ngã” của Như Lai, phần khác là để nhấn mạnh rằng thực tập diệt khổ thiết thực hơn là biết câu trả lời về Như Lai sau khi chết. 

Cư sĩ Phúc Quang

Tài liệu: Tương ưng bộ kinh, Chương Mười: Tương ưng không thuyết, Phẩm I - VIII, Dịch giả: HT. Thích Minh Châu.