Tích truyện Pháp cú (Phần 5)
5. Những Vị Tỳ Kheo Hay Cãi Cọ Ở Xứ Câu Thâm (Kosambi)Tập "Tích truyện Pháp cú" này được dịch theo bản Anh ngữ "Buddhist Legends" của học giả Eugène Watson Burlingame. Nhà học giả này đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú Sớ Giải (Dhammapada Commentary) bằng tiếng Pàli.
Và người khác không biết...
Ðức Phật thuyết bài pháp này cho các Tỳ-kheo ở Kosambi khi Ngài ngụ tại Kỳ Viên.
A. Các Tỳ Kheo Cãi NhauTại Kosambi, trong tinh xá Ghosita có hai Tỳ-kheo trú ngụ, một vị là luật sư, vị kia là pháp sư, mỗi vị dẫn đầu năm trăm tăng. Một hôm, vị pháp sư sau khi tắm xong đã chừa lại một ít nước trong bồn tắm và đi ra. Kế đó, vị luật sư đi vào thấy nước dư, lúc trở ra ngoài ông hỏi bạn:
- Này huynh, có phải huynh đã chừa nước lại không?
Vị pháp sư đáp:
- Vâng, huynh ạ!
- Nhưng huynh không biết là đã phạm lỗi sao?
- Thật ra tôi không biết.
-Này huynh, đó là một lỗi.
- Như thế, tôi sẽ sám hối về lỗi ấy.
- Dĩ nhiên, này huynh! Nếu huynh không cố ý làm, vô tâm thì không gọi là lỗi.
Nghe vị luật sư bảo thế, vị pháp sư yên trí xem như không có lỗi. Ấy thế mà vị luật sư lại nói với học chúng của mình:
- Vị pháp sư dù đã phạm lỗi vẫn không thấy lỗi.
Và nhóm học chúng này khi gặp nhóm học chúng của vị pháp sư liền kháo nhau:
- Thầy của các anh đã phạm lỗi mà không nhận lỗi.
Học chúng của vị pháp sư về kể lại với thầy mình. Vị pháp sư nghe qua liền đáp:
- Vị luật sư này trước đó đã nói là không lỗi, bây giờ nói có lỗi. Ông ta là người dối trá.
Học chúng của hai bên gặp nhau, rồi lời qua tiếng lại:
- Thầy của các huynh là người dối trá!
Họ tranh cãi nhau. Và vị luật sư thừa cơ hội tuyên án tẩn xuất vị pháp sư vì đã không nhận lỗi. Từ đó, ngay đến những thí chủ cúng dường cho họ cũng chia làm hai phe, ngay cả những cô ni được họ dạy, cả thiện thần hộ pháp, bạn bè và những người thân tín, chư thiên trên trời, lan đến Phạm thiên đều như thế. Mọi người, ngay cả những người chưa quy y cũng chia làm hai phe. Sự tranh cãi lan rộng từ trời Tứ thiên vương cho đến trời Ðế Thích.
Ðến mức độ thì có một Tỳ-Kheo tới gần thế Tôn thưa kể tự sự: "Những người tuyên án tẩn xuất thì giữ quan điểm rằng pháp sư bị tẩn xuất là đúng luật, ngược lại những người bênh vực thì cho rằng trái luật, và tụ họp lại để ủng hộ pháp sư mặc dù những người tuyên bố tẩn xuất cấm họ làm như vậy". Ðã hai lần Thế Tôn nhắn hai bên Tỳ-Kheo hãy đoàn kết, và đều nhận được câu trả lời:
- Bạch Thế Tôn! Họ không chịu đoàn kết.
Lần thứ ba, Thế Tôn bảo:
- Tăng đoàn đã bị chia rẽ!
Nói xong, Phật đến chỗ các Tỳ-kheo và chỉ cho nhóm vị Tỳ-kheo luật sư, người tuyên bố tẩn xuất, sự sai lầm trong quyết định ấy, và đối với nhóm vị Tỳ-kheo pháp sư, người không nhận lỗi, Ngài cũng chỉ sự sai lầm trong hành động ấy. Một lần nữa, Phật bắt các Tỳ-kheo kiết trai và khiến họ hành sám ngay tại chỗ, trong khu vực giới hạn. Ngài đặt luật cho các Tỳ-kheo, nếu gây gỗ trong phòng ăn hoặc các nơi khác, họ bắt buộc phải ngồi chỗ riêng biệt trong trai đường.
Nhưng các Tỳ-kheo vẫn không ngừng gây nhau, đức Phật lại đi đến nơi và khuyên răn:
- Ðủ rồi, các Tỳ-kheo! Ðừng gây gỗ nữa! Gây gỗ, đấu tranh, tranh chấp, tranh cãi, mọi thứ này đều nguy hại. Bởi lẽ vì tranh cãi một con chim bé bỏng cũng làm một con voi quý phải chết.
Và đức Phật kể chuyện Bổn Sanh "Con Chim Nhỏ". Ngài dạy tiếp:
- Các Tỳ-kheo, hãy đoàn kết! Hãy dừng tranh cãi, vì sự tranh cãi mà hàng ngàn con chim nhỏ đã mất mạng.
Và Ngài kể chuyện Bổn Sanh "Những Con Chim". Nhưng dù vậy họ vẫn không nghe lời Phật, và một ngoại đạo muốn Phật bớt phiền nhiễu, thưa rằng:
- Bạch Ngài, đấng Thế Tôn, đấng Pháp Vương! Hãy ở nhà! Ðấng Thế Tôn! Ngài hãy sống một đời vô sự và tự tại ở cõi này. Chúng con có gây gỗ, đấu tranh, tranh chấp, tranh cãi nhau mới làm sáng tỏ ai phải ai trái.
Liền đó, đức Phật kể chuyện Bổn Sanh như sau: "Có một lần, này các Tỳ-kheo, Phạm-ma-đạt trị vì Ba-la-nại, là vua xứ Kàsi. Phạm-ma-đạt gây chiến với vua Dìghati Kosala, đánh chiếm vương quốc và giết vua khi đang cãi trang. Con trai của Dìghati là hoàng tử Dìghàvu, mặc dù biết rằng Phạm-ma-đạt là kẻ giết cha mình, vẫn tha mạng kẻ thù. Do đó họ sống hòa bình với nhau".
Và Ngài huấn thị các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, lòng kiên nhẫn và tư cách phong nhã của những ông vua hay sử dụng dao gậy cao đẹp thế đó. Tỳ-kheo, các ông là những kẻ xuất gia được giáo huấn bằng Pháp và Luật chu đáo như thế, phải làm sao chiếu sáng thế gian hơn với lòng kiên nhẫn và tư cách cao nhã của các ông chứ.
Dù đã được khuyên nhủ như thế, các Tỳ-kheo vẫn không đoàn kết theo lời Phật. Không vui vì phải sống trong cảnh ồn náo, không thoải mái vì bị quấy rầy, hơn nữa các Tỳ-kheo này không đếm xỉa đến lời Phật dạy, nên Thế Tôn quyết định sống độc cư tránh xa đám người chộn rộn.
Sau khi đi khất thực ở Câu-thâm, không từ giã Tăng đoàn, đức Phật đắc y, ôm bát, một mình đi đến Bàlaka, chỗ bán muối, tại đây Ngài thuyết pháp cho Trưởng lão Bhagu về đời sống độc cư. Rồi Ngài đến Ðông Trúc Lộc Giã, và thuyết pháp cho ba chàng trai gia thế về hạnh phúc an lành của sự hòa hợp. Và từ đó, Ngài đến Pàrileyyaka. Ở đó, dưới gốc cây Sala đẹp đẽ, trong rừng Bảo Hộ, đức Thế Tôn đã trải qua một mùa hạ an vui, có voi Pàrileyyaka phục vụ.
Khi nhóm cư sĩ ở Câu-thâm đến tinh xá và không gặp đấng Ðạo sư, họ hỏi các Tỳkheo:
- Thưa chư Tôn giả, đấng Ðạo sư đi đâu?
Các Tỳ-kheo đáp:
- Vào rừng Pàrileyyaka.
- Tại sao thế?
- Ngài cố gắng hòa hợp chúng tôi, nhưng chúng tôi không hòa hợp được.
- Này chư Tôn giả, có phải các vị, sau khi được chấp nhận là Tỳ-kheo dưới sự lãnh đạo của Ðạo sư, lại cãi lời Ngài lúc Ngài yêu cầu các vị hòa hợp?
- Ðúng thế, đạo hữu.
Rồi có người nói tiếp:
- Những vị Tỳ-kheo này, sau khi được thu nhận làm Tỳ-kheo dưới sự lãnh đạo của Ðạo sư, lại không muốn hàn gắn những rạn nứt theo lời yêu cần của Ngài. Ðây hoàn toàn do lỗi của họ mà chúng ta không được gặp Phật. Ðối với những Tỳ-kheo này, chúng ta nhất quyết sẽ không mời ngồi và cũng không bao giờ kính lễ hoặc cúng dường nữa.
Và từ đó họ không thèm cúng kính các Tỳ-kheo nữa. Hậu quả là các Tỳ-kheo bị thiếu vật thực và gần chết đói, nên chỉ sau vài ngày các Tỳ-kheo đã biết phục thiện. Rồi họ sám hối nhau, xin được tha thứ. Họ bảo các cư sĩ:
- Ðạo hữu! Chúng tôi đã hòa hợp. Xin đối với chúng tôi như xưa.
- Thưa chư Tôn giả, các vị xin sám hối với đức Thế Tôn chưa?
- Chưa, đạo hữu.
- Vậy thì hãy xin sám hối Thế Tôn. Và ngay khi được Phật tha lỗi, chúng tôi sẽ trở lại với các vị như trước.
Nhưng vì đang giữa mùa an cư, các Tỳ-kheo không thể đến gặp Phật, và họ kiết hạ trong sự thiếu thốn, trong khi Phật thì an vui, được voi hầu hạ. Con voi này là voi đầu đàn đã rời bầy và vào rừng với lý do độc nhất là muốn được an vui. Nó nói:
B. Ðức Phật, Voi và Khỉ.- Tôi sống ở đây bị voi cái, voi con, voi trẻ làm phiền nhiễu. Ðầu ngọn cỏ tôi thường ăn bị chúng nhai nát, chúng ăn hết nhánh cây này đến nhánh nọ khi tôi vừa bẻ xuống, chúng quấy đục nước tôi uống. Khi tôi xuống nước và lên bờ, voi cái đến cọ xát vào thân tôi. Có lẽ tôi nên rời đàn và sống một mình.
Rồi con voi đầu đàn bỏ bầy, đến gần Pàerileyyaka, vào rừng Bảo Hộ, dưới gốc cây Sala đẹp đẽ, ngay nơi Thế Tôn ngụ, thân cận với Ngài. Ðến trước Thế Tôn, nó đảnh lễ Ngài, rồi nhìn quanh quất tìm chổi, không thấy chổi, nó bèn đạp cây Sala phía dưới và dùng vòi quật phía trên cho ngã xuống rồi lấy một nhánh cây quét đất. Sau đó, nó lấy vòi quấn bình nước mang đi lấy nước. Vài khi cần đến nước nóng, nó nấu nước nóng (Sao có thể được chứ?). Ðầu tiên nó dùng vòi kéo dùi lửa cho bật lửa ra và nhen củi chà vào. Nó nhóm lửa như thế và nung những hòn đá nhỏ rồi dùng một cây gậy lăn vào một lõm đá (có nước).
Xong nó hạ vòi xem nước đủ nóng chưa, rồi đến cúi đầu trước Phật. Thấy voi đến, đức Phật hỏi:
- Nước nóng chưa, Pàrileyyaka?
Và phật đến đó tắm. Sau đó voi dâng Phật những loại trái cây rừng. Ðến giờ Phật vào làng khất thực, voi lấy y bát của Phật đặt lên đỉnh đầu và đi theo Ngài. Ðến ven làng, Phật bảo voi đưa trả y bát:
- Pàrileyyaka! Chú không đi xa hơn được! Hãy giao y bát cho Ta.
Phật vào làng và voi đứng đó đợi Ngài trở lại, tiến tới đón Ngài, để y bát lên đầu như lúc trước và đem về chỗ Phật ngụ, hầu hạ Ngài như thường lệ rồi quạt hầu Phật với một nhánh cây. Ban đêm, để ngừa thú dữ, nó dùng vòi nắm một cây gậy lớn tự nhủ: "Ta sẽ bảo hộ Phật". Và đi tới lui trong khu rừng cho tới khi mặt trời mọc. (Từ đó khu rừng được gọi là rừng Bảo Hộ). Buổi sáng, mặt trời lên, voi lấy nước cho Phật rửa mặt, và theo cách như đã nói trên, nó làm tròn mọi bổn phận khác.
Bấy giờ, một con khỉ thấy cử chỉ và hành động mỗi ngày của voi, làm những bổn phận nhỏ nhặt hầu Phật, bèn phát tâm sẽ làm giống như vậy. Một hôm, trong lúc chạy nhảy tình cờ nó gặp một tổ mật trên cây không có ong. Nó bẻ cành cây xuống, cầm tổ mật còn nguyên trên cành cây, hái một lá chuối, đặt tổ ong trên lá và mang dâng Phật. Ðức Phật nhận lấy. Khỉ trố mắt xem Phật có dùng không và ngạc nhiên thấy Phật không ăn.
Khỉ thắc mắc không biết có chuyện gì đây, bèn lật qua lật lại tổ ong, vừa xem xét cẩn thận, và khám phá có vài trứng sâu. Nhẹ nhàng lấy trứng sâu ra, khỉ lại dâng tổ mật lên Phật và Ngài hoan hỷ độ. Khỉ vui sướng chuyền từ cành này sang cành khác và nhảy nhót hân hoan vô kể. Nhưng đâu ngờ những nhánh cây khỉ vừa nắm và đạp lên bỗng gẫy lìa.
Khỉ rơi xuống một cọc cây, bị đâm xuyên người và chết tức khắc. Vì đặt niềm tin trọn vẹn vào Phật, nó được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba, trong một cung điện bằng vàng cao ba mươi dặm với một đoàn gồm một ngàn thiên nữ hầu cận.
Cả vùng Diêm-phù-đề đều biết rằng đức Phật đang ngụ trong rừng Bảo Hộ, được voi đầu đàn phụng sự. Từ thành Xá-vệ, ông Cấp Cô Ðộc và bà Tỳ-xá-khư - một tín nữ lỗi lạc - cùng một số nhân vật tiếng tăm khác đã gởi lời thỉnh nguyện đến ngài A-nan xin được đặc ân gặp đức Thế Tôn. Năm trăm Tỳ-kheo ngụ ở ngoài thành mãn mùa an cư cũng thỉnh cầu được nghe pháp từ kim khẩu Thế Tôn lâu nay vắng tiếng.
Trưởng lão A-nan bèn hướng dẫn các Tỳ-kheo đến rừng Bảo Hộ. Với đức tính chu đáo của một thị giả, Ngài không dám đến gặp Phật với đám đông Tỳ-kheo vì biết Như Lai đã độc cư suốt ba tháng. Vì thế, Ngài để các Tỳ-kheo chờ ở bên ngoài và một mình đi đến gặp Phật. Khi voi Pàrileyyaka thấy Trưởng lão, nó quấn gậy xông tới. Ðức Phật quay nhìn và bảo voi:
- Trở lại! Pàrileyyaka! Ðừng rượt ông ta. Ðó là thị giả của Như Lai.
Voi lập tức ném gậy đi và thỉnh Trưởng lão đưa y bát, Trưởng lão từ chối. Voi thầm nghĩ nếu ông ta biết luật sẽ không đặt pháp cụ của mình trên tảng đá Phật thường ngồi. Voi đã quá lo xa vì Trưởng lão A-nan đã đặt y bát trên đất (những người biết luật không bao giờ đặt pháp cụ cá nhân lên chỗ ngồi hoặc giường của bậc tôn túc). Rồi Trưởng lão đảnh lễ Phật, ngồi xuống một bên. Phật hỏi:
- Ông đến một mình thôi sao?
- Bạch Thế Tôn, con đến với năm trăm Tỳ-kheo.
- Họ ở đâu?
- Con chưa hiểu ý Phật thế nào, nên để họ đứng ngoài và vào đây một mình.
- Bảo họ vào!
Trưởng lão y lời. Ðức Phật đáp lại lời chào hỏi của các Tỳ-kheo một cách thân tình. Các Tỳ-kheo thưa:
- Bạch Thế Tôn, Ngài là một vị Phật quý phái, một ông hoàng mảnh mai. Chắc Ngài đã chịu đựng nhiều gian khổ, đứng và ngồi ở đây một mình suốt ba tháng trời. Dĩ nhiên không có ai hầu Phật những việc chánh và phụ, không có ai dâng nước rửa mặt hay làm mọi việc khác cho Ngài.
Ðức Phật trả lời:
- Này các Tỳ-kheo! Voi Pàrileyyaka đã làm hết những việc ấy cho Ta. Nếu ai có được bạn đồng hành như nó thì cuộc sống độc cư tốt đẹp. Nếu như không có được, thì cuộc sống độc cư vẫn tốt đẹp hơn.
Nói xong, Thế Tôn đọc ba câu Pháp Cú sau trong phẩm Voi:
Nếu được bạn hiền trí
Ðáng sống chung, hạnh lành,
Nhiếp phục mọi hiểm nguy,
Hoan hỷ sống chánh niệm.
Không gặp bạn hiền trí,
Ðáng sống chung, hạnh lành,
Như vua bỏ nước bại,
Hãy sống riêng cô độc,
Như voi sống rừng voi.
Tốt hơn sống một mình,
Không người ngu kết bạn,
Ðộc thân, không ác hạnh,
Sống vô tư, vô lự,
Như voi sống rừng voi.
Ngay khi Thế Tôn kết thúc bài kệ, năm trăm Tỳ-kheo đắc quả A-la-hán. Trưởng lão A-nan bèn đưa lời thỉnh cầu của ông Cấp Cô Ðộc và những người khác.
- Bạch Phật, năm mươi triệu thánh đệ tử do Cấp Cô Ðộc dẫn đầu mong mỏi Phật trở về.
Phật chuẩn y:
- Tốt lắm! Hãy mang y bát.
Và Phật đi ra khỏi rừng. Voi thấy thế liền đến và đứng chéo chân giữa đường. Các Tỳ-kheo thấy lạ nên hỏi, và được Phật đáp:
- Này các Tỳ-kheo, nó muốn cúng dường các ông. Lâu nay nó đã phục vụ Ta, không nên làm tổn thương tình cảm của nó, hãy trở lại các Tỳ-kheo!
Phật và các Tỳ-kheo trở lại. Voi vào rừng hái lượm chuối và những trái cây khác gom lại, và ngày hôm sau dâng lên các Tỳ-kheo. Năm trăm Tỳ-kheo không thể nào dùng hết. Thọ thực xong đức Phật ôm y bát đi ra khỏi rừng. Voi lại xen vào giữa các Tỳ-kheo và đứng chéo chân trước Phật. Các Tỳ-kheo không thể đoán được ý nghĩa, liền hỏi Phật và được trả lời:
- Các Tỳ-kheo! Sau khi chào từ giã các ông nó muốn Ta trở lại.
Và hướng về voi, Phật bảo:
- Này Pàrileyyaka! Ta sẽ đi bây giờ, không trở lại nữa! Trong kiếp này, ngươi không có hy vọng vào được các tầng thiền, hay đạt đến trí tuệ, hay chứng Thánh quả.
Hãy dừng lại!
Voi nghe Thế Tôn nói rút vòi vào miệng, từ từ lùi ra sau, vừa đi vừa khóc (nếu nó thỉnh được Phật ở lại, nó sẽ săn sóc Phật như trước đây cho đến hết đời). Ðức Thế Tôn tiếp tục đi, đến ven làng Ngài dừng lại bảo voi:
- Pàrileyyaka! Ði xa hơn nữa ngươi sẽ không được an thân. Dân cư rất nguy hiểm cho ngươi. Hãy dừng lại!
Voi dừng lại nơi đó và khóc. Ðức Phật bước đi, và khi vừa khuất tầm mắt, voi vỡ tim và chết. Vì đặt hết niềm tin vào Như Lai, voi được tái sinh vào cõi trời ba mươi ba, trong một cung điện bằng vàng lớn ba mươi dặm, có ngàn thiên nữ hầu cận. Voi tên là trời Pàrileyyaka.
Dọc đường, Phật ghé vào Kỳ Viên. Các Tỳ-kheo xứ Câu-thâm nghe Phật về Xá-vệ liền đến sám hối. Vua Kosala nghe tin cũng đến chỗ Phật và thưa:
- Bạch Thế Tôn, con sẽ không cho các Tỳ-kheo này vào nước con.
Phật khuyên ngăn vua:
- Ðại vương, những Tỳ-kheo này là người tốt, chỉ vì họ tranh cãi lẫn nhau nên không vâng lời Ta. Giờ đây họ đến để sám hối. Hãy cho họ vào, đại vương!.
Ông Cấp Cô Ðộc cũng bạch với Phật là không cho các Tỳ-kheo xứ Câu-thâm vào tinh xá. Nhưng Phật không đồng ý và ông ta đành im lặng. Bấy giờ, các Tỳ-kheo ấy đến Xá-vệ. Thế Tôn ra lệnh chuẩn bị chỗ ở riêng biệt cho họ. Những Tỳ-kheo khác không đứng hay ngồi chung với họ, lần lượt từng người đến hỏi Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn! Những Tỳ-kheo xứ Câu-thâm hay tranh cãi đang ở đâu?
Thế Tôn chỉ họ và nói:
- Họ đó! Họ đó!
Những Tỳ-kheo từng người chỉ về phía họ và bàn tán với nhau đến nỗi họ xấu hổ không dám ngẩng đầu lên. Rồi họ gieo mình dưới chân Phật xin sám hối. Phật dạy:
- Này các Tỳ-kheo! Tội lỗi các ông đã phạm nặng nề biết bao! Sau khi được nhận làm Tỳ-kheo dưới sự lãnh đạo của một vị Phật, lại cãi lời mặc dù Ta đã cố khuyên giải đủ điều. Ngay cả bậc trí giả vẫn nghe kỹ lời dạy bảo của cha mẹ trước khi chết. Họ không dám cãi lời khi cha mẹ từ giã cuộc đời, và sau đó họ được giao quyền lãnh đạo cả hai vương quốc.
Rồi đức Phật lặp lại chuyện Bổn Sanh Kosambika một lần nữa, và kết luận:
- Này các Tỳ-kheo! Hoàng tử Dìghavu, ngay khi cha mẹ mất mạng, ông vẫn không dám cãi lời dạy bảo, sau đó ông cưới con gái của vua Phạm-ma-đạt rồi trị vì cả hai vương quốc Kàsi và Kosala. Còn các ông vì không vâng lời Ta nên đã phạm lỗi nặng.
Và đức Phật nói câu Pháp Cú:
(6) Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị bại.
Chỗ ấy ai hiểu được,
Tranh luận được lắng êm.
Bình luận (0)