Tác giả: Mia Amran
Việt dịch: Thích Vân Phong
Trong số hơn 5 triệu cuốn sách nằm trong khuôn viên Givat Ram của Đại học Do Thái Jerusalem (HUJI), tại sao Thư viện Quốc gia Israel (הספרייה הלאומית, Jerusalem, Israel, NLI ) lại có bộ sưu tập hơn 100 tác phẩm nghệ thuật Phật giáo?
Tại sao có nhiều tín đồ Do Thái giáo công dân Israel lại thu hút hấp dẫn bởi đạo Phật?
Tại sao đức Đạt Lai Lạt Ma lại tham dự Lễ Vượt Qua (Passover)?
Chúng ta cùng tìm câu trả lời cho tất cả những thắc mắc này bằng cách khám phá mối liên hệ hấp dẫn giữa hai tôn giáo.
Trong quá trình nghiên cứu một dự án về Âm lịch, tôi đã nhập từ “mặt trăng” vào thanh tìm kiếm danh mục trực tuyến của Thư viện Quốc gia Israel. Bên cạnh nhiều hình ảnh khác, thật bất ngờ, tôi thấy một bức ảnh tuyệt đẹp có tựa đề “Thần và Phật ở chùa Todaiji, Nhật Bản - The Kami and the Buddhas of Todaiji”. Tôi đánh dấu trang này trên máy tính của mình, nhưng nhanh chóng quên mất.
Vài tuần sau, khi đang xem qua một số áp phích của Thư viện Quốc gia Israel (NLI) cho một dự án truyền thông xã hội, một hình ảnh mà tôi tình cờ nhìn thấy đột nhiên nổi bật với tôi: Bộ tranh Thích Ca tam Thánh (the Buddhist Shaka Triad, 佛教釋迦三聖).
Tôi nhanh chóng gửi mail cho người phụ trách Bộ sưu tập Nhân văn của Thư viện Quốc gia Israel (NLI) để hỏi ông ấy làm thế nào mà chúng tôi có được hai tác phẩm nghệ thuật Phật giáo tuyệt đẹp này, và câu trả lời của ông ấy khiến tôi bị sốc!
Năm 1891, bà Elizabeth Anna Gordon (1851-1925), một phụ nữ Vương quốc Anh thuộc tầng lớp thượng lưu và có học vị tri thức, ở độ tuổi 40 lần đầu tiên đến thăm Nhật Bản, như một phần của chuyến du hành vòng quanh thế giới, bà thực hiện chuyến đi cùng người chồng của bà, ông John Edward Gordon (1850-1915). Chuyến viếng thăm đất nước Mặt Trời mọc, Nhật Bản đã để lại ấn tượng đặc biệt cho cặp đôi này, và bà Elizabeth Anna Gordon thực sự đã chuyển đến Kyoto, Nhật Bản, nơi bà sinh sống cho đến khi qua đời. Trong những năm ở Kyoto, bà đã dành thời gian nghiên cứu Phật giáo Nhật Bản và mở rộng bộ sưu tập nghệ thuật Phật giáo ấn tượng của mình.
Đặc biệt bà rất ấn tượng với đời sống tâm linh và nền giáo dục trẻ em Nhật Bản. Ngay trước khi họ trở về quê hương Vương Quốc Anh, Hội Nhật Bản London đã được thành lập; bà cùng chồng đã gia nhập hội này vào tháng 2 năm 1892, gần như ngay sau khi họ trở về. Tác phẩm ‘Clear Round!’ đã thành công, vì nó đã trải qua ba lần xuất bản. Thậm chí nó đã góp phần thúc đẩy ủng hộ Nhật Bản trong công chúng đọc sách trước khi Liên minh Anh-Nhật kết thúc vào năm 1902.
Mười sáu năm sau, bà Elizabeth Anna Gordon trở lại Nhật Bản với một lô hàng lớn sách tiếng Anh, như một phần của dự án ‘Sách cho Nhật Bản’ mà bà đã tổ chức với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa và tôn giáo Anh-Nhật. Từ giữa tuổi 50 trở đi, gần như liên tục bà sống ở Nhật Bản, ngoại trừ một vài năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bà qua đời tại Kyoto vào năm 1925.
Trong cuộc đời của bà, sách là một nét đặc trưng. Bà đã xuất bản ít nhất mười ba đầu sách, chủ yếu về chủ đề Thiên Chúa giáo và Phật giáo Đại thừa. Tám đầu sách được xuất bản tại London; năm đầu sách còn lại được xuất bản tại Tokyo. Rõ ràng cho thấy bà rất thông minh lanh lợi, đã viết năm cuốn sách trước khi kết hôn ở tuổi 28 niên xuân.
Bà cũng là một nhà sưu tập sách lớn, cuối cùng đã tích lũy được một thư viện khổng lồ. Ban đầu, bà sưu tập sách để nghiên cứu các tôn giáo trên thế giới, nhưng sau đó bà sưu tập sách với mục đích phân phối chúng cho công chúng Nhật Bản. Các bộ sưu tập về nghiên cứu tôn giáo của bà đã được lưu giữ tại các trường đại học Nhật Bản với tên gọi là Gorudon Bunko (bộ sưu tập Gordon hoặc Thư viện Gordon) tại cả Thư viện Đại học Waseda, phía bắc Shinjuku, Tokyo và Thư viện Đại học Koyasan, Nhật Bản.
Bộ sưu tập sách tiếng Anh của bà (khoảng 100.000 cuốn) mà bà và các đồng nghiệp đã sưu tập được gọi là Thư viện Dulce Cor. Nó được gọi là Nichi-Ei Bunko hoặc Nichi-Ei Toshokan trong tiếng Nhật, tức là Thư viện Anh-Nhật. Thư viện này là cốt lõi của thư viện công cộng đầu tiên của Nhật Bản, Thư viện Hibiya, khi nó được mở tại Tokyo vào năm 1908.
Không chắc chắn những mục sau có hợp lý hay không, ví dụ như tác phẩm “Sự thuần khiết và chùa Phật giáo phương Đông - Clear Rounds and Temples of the Orient” (mặc dù rất thú vị khi xem tóm tắt ngắn gọn về ý chính của những tác phẩm này). Cũng không biết chính xác là bà có bao nhiêu mối liên hệ với tác giả Brethren, mặc dù các biên soạn trước đó có bao gồm các trích đoạn từ các tác giả Brethren.
Những cuốn sách hay nhất của bà (theo nghĩa tâm linh) dường như được viết vào đầu và giữa độ tuổi đôi mươi. Bà tiếp tục viết những cuốn sách có độ phức tạp cao về so sánh tôn giáo và gợi nhớ lại những gì bà coi là hạt giống nguyên thủy. Bà biết chắc chắn rằng điều này sẽ hữu ích cho các nhà truyền giáo ở nước ngoài, ví dụ như Trung Quốc, Nhật Bản, v.v.
“Những tự viện Phật giáo phương Đông và thông điệp của chúng dưới kinh Thánh, tầm nhìn của sự giao thoa giữa đức tin, chính trị, thần thoại và sự sáng tạo (Dante's) và Câu chuyện ngụ ngôn của Nhà văn, nhà truyền giáo John Bunyan” (The Temples of the Orient and their message under the Holy Scripture, Dante's vision, and Bunyan's Allegory) có kích thước lớn và cồng kềnh, gợi nhớ đến Two Babylons của Hislop hoặc các tác phẩm của Frances Rolleston on the Zodiac.
Một trong những cuốn sách sau này có lời tựa của Giáo sư Max Mueller (1823-1900), một nhà ngôn ngữ học so sánh, nhà văn và nhà phương Đông học gốc Đức, một trong những người sáng lập ra các ngành học thuật phương Tây về Ấn Độ học và nghiên cứu tôn giáo, là một trí thức ngôi sao nhạc Pop thời bấy giờ. Liệu bà ấy có đi chệch hướng sang một thứ gì đó của thời đại mới không?
Mối quan tâm của bà không thể thoả mãn với nhiều tôn giáo trên thế giới, mặc dù bà nhiệt tình nghiên cứu Phật giáo ở Nhật Bản và sưu tầm nhiều sách và tác phẩm nghệ thuật Phật giáo.
Khi đến tuổi trưởng thành, bà đã tặng một phần bộ sưu tập nghệ thuật Phật giáo cho Thư viện Quốc gia Israel - khi đó vẫn được gọi là Thư viện Quốc gia và Đại học Do Thái.
Sau khi được tặng, hầu như những hình ảnh này cho đến năm 1938 vẫn chưa khám phá bộ sưu tập đồ sộ của Thư viện Quốc gia Israel. Khi một nhà nghiên cứu trẻ đầy triển vọng về nghệ thuật Nhật Bản từ Đại học Hebrew yêu cầu mượn một số bức tranh Phật giáo từ các bộ sưu tập, các nhân viên tại Thư viện Quốc gia Israel đã được thông báo về các tác phẩm nghệ thuật phong phú của bà Elizabeth Anna Gordon, cho đến nay đã gần như bị lãng quên hoàn toàn.
Vài năm sau khi khám phá lại bộ sưu tập này một cách thú vị, Thư viện Quốc gia Israel (NLI) đã quyết định tổ chức một triển lãm trực tuyến gồm 139 bức tranh Phật giáo, tất nhiên đó là những gì tôi đã tình cờ tìm thấy. Nhưng câu hỏi ban đầu của tôi vẫn là: Phật giáo có liên quan gì đến chúng ta, Thư viện của người Do Thái?. Hóa ra là có liên quan rất nhiều!
Vào ngày 26 tháng 9 năm 1893, tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, một nhà sư Phật giáo từ Sri Lanka, người góp công lớn trong việc phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ truyền bá Phật giáo từ châu Á sang Âu - Mỹ, Trưởng lão Hoà thượng Anagarika Dharmapāla (1864-1933), đã gặp một doanh nhân trẻ người Do Thái tên là Charles T. Strauss.
Đọc lời bằng tiếng Phạn phát nguyện quy y Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, Trưởng lão Hoà thượng Anagarika Dharmapāla đã trao truyền giới xuất gia cho Charles T. Strauss, đánh dấu người đầu tiên không phải gốc châu Á thụ giới xuất gia nhập vào Đoàn thể Phật giáo.
Rick Fields nhà thơ, nhà văn, một học giả về lịch sử tôn giáo Mỹ, người đã xuất bản một cuốn lịch sử quan trọng về sự phát triển của Phật giáo tại Hoa Kỳ vào năm 1981, đã mô tả lý lịch của doanh nhân người Do Thái, Charles T. Strauss như sau: “... sống tại 466 Broadway, một doanh nhân ở Thành phố New York, sinh ra trong gia đình Do Thái, chưa đầy 30 tuổi, là một sinh viên lâu năm về tôn giáo so sánh và triết học.”
Nhà văn Rick Fields là một phật tử xuất thân từ dòng dõi Do Thái. Cuốn sách của ông, “How the Swans Came to the Lake: A Narrative History of Buddhism in America - Thiên nga đến hồ như thế nào: Lịch sử tường thuật về Phật giáo ở Mỹ “, được xuất bản bởi Shambhala Publications, nhà xuất bản sách hàng đầu thế giới phương Tây về Phật giáo. Sam Bercholz và Michael Fagan - cũng là người Do Thái - đã thành lập Shambhala vào năm 1969 tại Berkeley, California.
Rõ ràng, có điều gì đó ở Phật giáo thu hút một số lượng lớn người Do Thái, một số ước tính chiếm tới một phần ba số người theo Phật giáo không phải người châu Á ở Bắc Mỹ.
Sau sự kiện trọng đại này, các nhà lãnh đạo Phật giáo bắt đầu nghiêm túc khám phá tiềm năng và quan tâm của người dân Do Thái tại Hoa Kỳ đối với đạo Phật.
Các vị Sứ giả Như Lai, tuyên dương Diệu pháp từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do, bình đẳng đến siêu cường quốc Hoa Kỳ, tuyên thuyết giáo lý quý báu của đức Phật cho một lượng lớn khán thính giả, chủ yếu là người nhập cư Do Thái, về sự đồng cảm với nhau giữa Do Thái giáo và Phật giáo, và bắt nguồn từ những năm đó, một số xu hướng đáng kể về các tác phẩm văn học mới nổi từ những người Do Thái, họ đã ứng dụng thực tiễn triết lý đạo Phật vào đời sống thường nhật.
Nhưng phải đến giữa thế kỷ 20, thập niên 1950, phong trào Phật giáo Do Thái mới thực sự đơm hoa Bát nhã, kết quả Bồ đề. Với sự trỗi dậy của tư tưởng ‘Hoà bình và Tình yêu - Peace and Love‘ của những người theo phong trào Hyppy, những người có liên hệ với văn hóa phản kháng của thập niên 60 - một bộ phận giới trẻ bất mãn với những định ước của xã hội đương thời, chủ nghĩa tiêu dùng và tư tưởng đàn áp.
Những người này phản đối chiến tranh, đề cao tự do, tình yêu, yêu hòa bình và sự khoan dung, bác ái, và nhiều người Do Thái muốn tìm đến hành trình tâm linh nhiều hơn. Rất nhiều thanh thiếu niên người Do Thái ở Mỹ đã chuyển sang Phật giáo, quy y Tam bảo trở thành những phật tử.
Những người bạn Do Thái Michael Fagan và Sam Bercholz đã thành lập lễ hội Phật giáo Shambhala; Joseph Goldstein, Jack Kornfield, Sharon Salzberg và Jacqueline Mandell-Schwartz đã thành lập trung tâm và phong trào Thiền Insight nổi tiếng; và thậm chí David Ben-Gurion cũng ủng hộ thiền Phật giáo!
Phật giáo không có một Đấng sáng thế hay các vị thần có quyền năng siêu nhiên như các tôn giáo hữu thần. Phật (Buddh trong tiếng Pali hay Buddha trong tiếng Anh) không phải là thần linh, không có quyền phép màu nhiệm mà là tôn xưng chỉ các bậc đã giác ngộ được con đường đúng đắn dẫn đến Niết bàn (Nirvana).
Người phật tử không tin vào một Đấng sáng thế hay các vị thần có quyền năng siêu nhiên như các tôn giáo hữu thần, tập hợp các giá trị, tinh hoa để sống. Tuy nhiên, Do Thái giáo là một trong những tôn giáo độc thần cổ xưa nhất thế giới.
Thiên Chúa trong Do Thái giáo là hoàn toàn độc thần. Thiên Chúa của Do Thái giáo là Đấng duy nhất, Đấng vô hình, không ai sánh bằng và là nguyên nhân tối thượng của mọi sự tồn tại. Họ khuyến khích niềm tin vào một vị Chúa siêu việt đã mặc khải cho Abraham, Moses và các nhà tiên tri Do Thái, cũng như tập hợp các quy tắc nghiêm ngặt, cả dưới hình thức thực hành và lệnh cấm.
Do đó, theo một số ý kiến, có thể cùng một lúc theo cả hai tôn giáo: Đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất là Đấng toàn năng, giữ ngày Sa-bát và luật kashrut, và cũng tuân theo chủ nghĩa thần bí, truyền thống và giá trị của Phật giáo.
Vào những thập niên 1960, đối với những người Do Thái, những người cảm thấy Do Thái giáo của họ thiếu sự hướng dẫn hoặc tâm linh mà họ khao khát, một lựa chọn là chuyển sang Kabbalah, Đạo đức của các linh mục Do Thái, hoặc triết lý của Kuzari. Ngoài ra, họ có thể nhìn xa hơn và áp dụng thiền định, 'Nghiệp chướng và các tín ngưỡng Thiền tông của Phật giáo'. Nhiều người Do Thái đã chọn cái sau.
Vào cuối thế kỷ 20, thuật ngữ “JUBU” xuất hiện, được dùng để chỉ những Phật tử Do Thái giáo, (tiếng Anh gọi là Jewish Buddhist, viết tắt là “JUBU”) đang phát triển. Nhà sư Phật giáo Tây Tạng, sáng lập Viện Naropa (nay là Viện Đại học Naropa), nơi này đã trở thành Viện đại học Phật giáo đầu tiên và duy nhất được công nhận tại Bắc Mỹ, Chögyam Trungpa Ringpoche thực sự đã nói rằng hầu hết môn đồ của Ngài là người Do Thái, và thậm chí đức Đạt Lai Lạt Ma còn tham dự một Lễ Vượt Qua Seder vào năm 1997!
Các khoá tu thiền Vipassana của Phật giáo Nguyên Thủy cực kỳ phổ biến với những người Israel du lịch đến Ấn Độ, nhiều du khách phương Tây đến thăm đức Đạt Lai Lạt Ma là người Do Thái, và tác giả của cuốn sách JUBU nổi tiếng, The Jew in the Lotus, đã ước tính rằng “Một phần ba trong số tất cả các nhà lãnh đạo Phật giáo phương Tây đều có nguồn gốc Do Thái”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma (Tensin Gyatso) đến Israel vào ngày 20 tháng 3 năm 1994 trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày với tư cách là khách của Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên tại Israel, Gideon Markowiz, 1994, Bộ sưu tập Dan Hadani, Bộ sưu tập Nhiếp ảnh Quốc gia Gia đình Pritzker, Thư viện Quốc gia Israel
Vậy tại sao nhiều người Do Thái lại cảm thấy thoải mái khi theo đạo Phật?
Theo những ghi chép trong quyển “American JewBu: Jews, Buddhists, and Religious Change - American JewBu - Người Do Thái, phật tử và thay đổi Tôn giáo” do Đại học Princeton (New Jersey) phát hành năm 2019. Tiến sĩ Xã hội học Emily Sigalow, Đại học Brandeis (Massachusetts), tác giả của quyển sách, đã ghi lại những phát hiện thú vị về sự có mặt và ứng dụng thực tiễn giáo lý quý báu của đức Phật trong cộng đồng người Do Thái tại Hoa Kỳ.
Với thiền định là một trong những giáo lý cốt lõi của đạo Phật, thật dễ hiểu tại sao một số người cảm thấy mạnh mẽ rằng những phương pháp thiền định này là thứ thu hút người Do Thái đến với Phật giáo. Thiền định được khuyến khích trong Do Thái giáo và đã được các nhà tiên tri và linh mục thực hành vào thời kinh Thánh.
Tính hai mặt của tâm-thân trong thiền định được phản ánh trong niềm tin của người Do Thái rằng các phương pháp thực hành cơ thể của chúng ta ảnh hưởng đến sự phát triển tâm linh của chúng ta và rằng thông qua việc nâng cao cơ thể, chúng ta có thể nâng cao tâm hồn.
Người Do Thái Hasidic là những người thừa kế của phong trào phục hưng tâm linh bắt đầu ở Đông Âu vào thế kỷ 18 dựa trên truyền thống thần bí của người Do Thái, họ thường thực hành thiền định Phật giáo và đối với nhiều người Do Thái, nghi lễ tụng kinh cầu nguyện ba lần một ngày là một bài tập thiền định mạnh mẽ.
Với suy nghĩ đó, thật rõ ràng tại sao người Do Thái tìm cách kết nối với một thế lực cao hơn có thể chọn con đường tập trung vào thiền định của Phật giáo. Trong cuốn sách “One God Clapping: The Spiritual Path of a Zen Rabbi" của Rabbi Alan Lew - "Một vị Thần vỗ tay": "Con đường Tâm linh của giáo sĩ Do Thái bảo thủ nổi tiếng nhất với việc thành lập trung tâm thiền Do Thái đầu tiên trên thế giới" - Rabbi Alan Lew (1943–2009).
Tuy nhiên, thiền định không phải là thực hành chung duy nhất của cả Do Thái giáo và Phật giáo. Nhiều trong số 253 lời thề tu hành của những phật tử tận tụy có điểm tương đồng với mitzvot của Do Thái giáo, chẳng hạn như tzniut (khiêm tốn) và yichud (ý tưởng rằng đàn ông và phụ nữ không nên sống độc thân). Hơn nữa, bốn trong số năm giới với giới thứ nhất: Bảo vệ sự sống
Người phật tử nguyện không giết hại, không để kẻ khác giết hại và không tán thành bất cứ một hành động giết hại nào trên thế giới, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày.
Giới thứ hai: Hạnh phúc chân thật khi người phật tử nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra.
Giới thứ ba: Tình thương đích thực, người phật tử nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực với những cam kết chính thức và lâu dài, làm mọi cách để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình, của đời sống đôi lứa.
Giới thứ tư: Ái ngữ và lắng nghe, người phật tử nguyện học nói những lời có khả năng tăng thêm niềm tự tin, an vui, hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải.
Nếu những điều này nghe quen thuộc với người Do Thái, thì có thể là vì chúng là một số trong Mười điều răn tượng trưng cho luật pháp của người Do Thái. Cả Phật giáo và Do Thái giáo đều khuyến khích dành nhiều giờ nghiên cứu về kết cấu và trình độ giáo dục cao về cả tinh thần và thế tục.
Cả hai tôn giáo đều phản đối chủ nghĩa duy vật, đặc biệt là dưới hình thức công nghệ hiện đại. Cả hai trường phái tư tưởng đều tin rằng con người không thực sự sở hữu thế giới và do đó được dạy (thông qua việc kiêng lòng tham trong Phật giáo và thông qua lòng bác ái trong Do Thái giáo) để từ bỏ một số thứ mà chúng ta coi là ‘của riêng mình’.
Không chỉ dừng lại ở đây! Cả đạo Phật và Do Thái giáo đều tuyên bố rằng ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, là phật tử nguyện thực tập theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và xã hội.
Cả hai tôn giáo đều khuyến khích sự phát triển bản thân như là trọng tâm hoàn toàn của đức tin của họ, với những người theo đạo Phật tin rằng trở thành một người hoàn hảo hơn sẽ dẫn họ đến con đường giác ngộ, và người Do Thái tin rằng thế giới được tạo ra để con người thánh hóa nó bằng những hành động thánh thiện.
Vì vậy, cả hai tôn giáo đều mong muốn thuần hóa và tinh chỉnh tính cách của một người. Cả hai nhóm cũng tập trung mạnh mẽ vào các hoạt động hàng ngày được thực hiện tỉ mỉ, được quy định để đảm bảo rằng mỗi khoảnh khắc trong ngày đều chứa đựng một thước đo về mặt tâm linh.
Nhưng sự đồng cảm với nhau giữa Do Thái giáo và Phật giáo này, là sự tập trung vào việc giải thoát những nỗi khổ niềm đau. Do Thái giáo là một tôn giáo đã phải chịu đựng nhiều hơn rất nhiều so với mức độ đau khổ công bằng của mình trong suốt chiều dài lịch sử Do Thái.
Phật giáo dạy rằng đau khổ là một nguyên lý cốt lõi của thế giới: Đó là nguyên nhân của cái ác, và chỉ thông qua việc giải thoát bản thân khỏi đau khổ thế gian thì mới có thể đạt được sự cứu rỗi. Ruth Sonam, một người Do Thái đã thực hành Phật giáo trong hơn 25 năm tại Dharamsala, Tây Tạng cho biết “Bạn thấy đấy, luôn nói về đau khổ, như những người theo đạo Phật vẫn làm, là rất Do Thái”.
Tuy nhiên, trong khi một số thực hành của Do Thái giáo và Phật giáo có vẻ giống nhau, có lẽ quan trọng hơn là những điểm tương đồng về mặt tâm linh giữa hai tôn giáo này.
Phật tử tìm kiếm sự hiểu biết cao hơn về thế giới và trải qua một quá trình tương tự như những gì trong Do Thái giáo gọi là ‘Trí tuệ’ (Chochma, חָכְמָה), ‘Hiểu biết’ (Binah, בִּינָה, Kabbalah) và 'Kiến thức' (da'at, דַּעַת), đều tồn tại trong trạng thái hoàn hảo của sự chia sẻ vô hạn, hoặc những gì phật tử gọi là đặc tính của Định, sự tự tập trung hoàn toàn (Samādhi).
Hiểu được sự thống nhất của thế giới là một mục tiêu chung của cả hai tôn giáo. Trong Do Thái giáo, chúng ta thực hiện điều này thông qua 'Cảm xúc chân thành, hướng đi của trái tim' (Kawwānā, כַּוָּנָה) được sử dụng để kết nối hành động của chúng ta với các đấng thiêng liêng. Trong Phật giáo, ý thức tâm linh cũng là một mục tiêu thường trực thấm nhuần trong mọi thực hành.
Người Do Thái và phật tử cũng chia sẻ niềm tin tâm linh về cái chết. Trong Phật giáo, truyền thống là một người sẽ được tái sinh nhiều lần cho đến khi họ đạt được Niết bàn, hình thức ý thức cao nhất. Một số tín đồ của thuyết thần bí Do Thái tin rằng một linh hồn sẽ được tái sinh tám lần cho đến khi nó phát triển đến mức độ tâm linh cao nhất mà nó có thể đạt được, và chỉ khi đó nó mới được an nghỉ vĩnh cửu trên thiên đường.
Nữ Tiến sĩ Brenda Shoshanna là một nhà tâm lý học, diễn giả, tác giả, hành giả tu tập thiền định thâm niên đã nói trong cuốn sách “Luật của tự nhiên Do Thái: Kim chỉ nam thực hành Do Thái giáo và Thiền định Phật giáo - Jewish Dharma: A Guide to the Practice of Judaism and Zen” rằng các hoạt động tâm linh của Do Thái giáo và Phật giáo giống như “hai cánh của một con chim… Phật giáo giúp người ta hiểu được hoạt động tâm linh đích thực của Do Thái giáo là gì”.
Tất cả những điều này, có một lý do chính khiến tôi nghĩ Phật giáo có sức hút mạnh mẽ đối với người Do Thái. Cho đến bây giờ, tôi vẫn gọi đạo Phật là một tôn giáo, nhưng nhiều phật tử thực sự không coi đạo Phật là một tôn giáo mà là một thực hành hoặc triết lý. “Về mặt bản thể học thì đạo Phật không phải là một tôn giáo. ‘Phật giáo’ không tồn tại: đó là một tên gọi phương Tây cho con đường và triết lý thực hành do đức Phật Thích Ca Mâu Ni ( Siddhartha Gautama Shakyamuni) đưa ra… để giải quyết vấn đề hiện sinh của đau khổ thông qua thiền định tự định hướng”
Mira Niculescu nói trong “Tôi là người Do Thái, tôi là phật tử": "Sự thuộc về nhiều tôn giáo như một cuộc đối thoại nội tâm”. Đức Phật không bao giờ đề cập đến đấng thiêng liêng trong lời dạy của mình và Phật giáo không có thần học trong niềm tin của mình. Do đó, có thể lập luận rằng, theo Phật giáo không bị Do Thái giáo cấm đoán hơn việc học triết học hoặc cống hiến cuộc đời mình cho một mục tiêu như trò đùa.
Mặc dù quá khứ và hiện tại người Do Thái có xung đột với hầu hết các tôn giáo khác, nhưng Phật giáo không như vậy, và quan trọng là người ta không cần phải ‘cải đạo’ sang Phật giáo để thiền định hoặc tuân theo lời dạy của đức Phật. Người ta có thể dành toàn bộ cuộc đời mình để thực hành Phật giáo mà không bao giờ tuyên thệ hoặc giao ước chính thức để trở thành phật tử.
Vì vậy, những người muốn tiếp tục là người Do Thái và không thích ý tưởng cải đạo sang một tôn giáo khác, không cần phải làm như vậy để thực hành Phật giáo. Hơn nữa, Phật giáo không có dòng dõi di truyền, vì vậy một người Do Thái có thể thực hành Phật giáo trong khi vẫn công nhận dân tộc Do Thái của họ và thậm chí tìm cách truyền lại dòng dõi Do Thái bản địa của họ cho con cái của họ.
Xét về mặt cân nhắc, vì thế thực sự là phù hợp khi Thư viện Quốc gia Israel, với tư cách là Thư viện của người Do Thái, có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật Phật giáo trong bộ sưu tập của mình. Xét cho cùng, có vẻ như Phật giáo là một tôn giáo Do Thái nhất mà các bạn có thể có!
Tác giả: Mia Amran
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: https://blog.nli.org (Tên bài: When Judaism and Buddhism Meet)
Bình luận (0)