Từ góc nhìn Phật giáo, điều quan trọng là phải thừa nhận tính nhân văn và nỗi khổ niềm đau của tất cả cá nhân có liên quan, không phân biệt màu da, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo hay đảng phái chính trị của họ...
Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Buddhistdoor Global – BDG
Trong những tuần gần đây, căng thẳng giữa Iran - Israel đã lên đến mức cao chưa từng có, căng thẳng Iran - Israel đang gây ra những quan ngại về tình trạng bất ổn trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là sự ổn định của thị trường tài chính và triển vọng kinh tế thế giới, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh tiềm tàng với những hậu quả tàn khốc cho cả hai quốc gia và khu vực rộng lớn hơn.
Khi căng thẳng leo thang và các hoạt động địa chính trị diễn ra, bắt buộc phải tiếp cận vấn đề phức tạp này, với quan điểm bắt nguồn từ sự đồng cảm, hiểu biết và cam kết hoà bình. Từ góc nhìn Phật giáo, điều cần thiết là phải nghiên cứu sâu hơn các vấn đề và cảm xúc tiềm ẩn, thúc đẩy các nhà lãnh đạo và nhân dân giữa hai quốc gia, nhận ra mối liên hệ qua lại của tất cả chúng sinh và sự vô ích của bạo lực như một giải pháp cho xung đột.
Như chúng ta có thể diễn giải những câu kệ của Đức Phật từ phẩm thứ 10 của Kinh Pháp Cú:
Tất cả đều sợ chết, Chẳng ai không sợ đau. Lấy mình làm thí dụ; Chớ đánh chớ giết hại.
Căng thẳng giữa Iran - Israel có nguồn gốc sâu xa từ các yếu tố lịch sử, chính trị và tôn giáo, càng trở nên trầm trọng hơn bởi các động cơ quyền lực trong khu vực và xung đột lợi ích. Những nỗ lực nhằm dồn xung đột hiện tại vào một sự kiện, chắc chắn sẽ dẫn đến sự thoái lui vô hạn.
Trong những năm gần đây, sự hỗ trợ của Iran đối với các nhóm chiến binh Palestine, bao gồm cả Hamas, nhóm lớn nhất trong số các nhóm Hồi giáo dân quân Palestine, và quốc gia Hồi giáo này theo đuổi năng lượng hạt nhân (năng lượng hữu ích từ hạt nhân nguyên tử thu được nhờ các lò phản ứng hạt nhân có kiểm soát), đã làm dấy lên mối lo ngại của Israel về an ninh và sự tồn tại của quốc gia này.
Năm 1994, các nhà điều tra phát hiện Iran chịu trách nhiệm về vụ đánh bom một trung tâm cộng đồng Do Thái ở Argentina, khiến 85 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Cuộc tấn công gần đây của khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái từ Iran về phía Israel - gần như tất cả đều bị hệ thống phòng thủ của Israel bắn hạ, cùng với sự trợ giúp từ quân đội Jordan, Anh và Mỹ - tuy nhiên vẫn thể hiện cuộc tấn công quân sự trực tiếp đầu tiên của Iran vào nhà nước Do Thái.
Ngược lại, Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) lưu ý: “Từ năm 2010, Israel bị cáo buộc đã tiến hành ít nhất 20 đơn vị hoạt động - bao gồm các vụ ám sát, tấn công bằng máy bay không người lái và tấn công mạng nhằm vào Iran”. (United States Institute of Peace)
Bản thân Israel tấn công tòa nhà lãnh sự quán trong khu phức hợp Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria hôm thứ Hai ngày 1 tháng 4 năm 2024 khiến 3 tướng Iran thiệt mạng, cuộc không kích đã khiến ít nhất 7 quan chức thiệt mạng, trong đó có Chuẩn tướng Mohammed Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao Lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Iran coi Israel là mối đe doạ đối với tham vọng của chính họ trong khu vực, cũng như chủ quyền của mình, đặc biệt là trong bối cảnh liên minh chặt chẽ giữa Israel với Mỹ.
Trọng tâm của những căng thẳng này là nỗi sợ hãi kinh hoàng, bất bình sâu sắc và nhận thức về mối đe doạ từ cả hai phía. Các nhà lãnh đạo Israel coi chương trình hạt nhân của Iran và sự hỗ trợ của các nhóm chiến binh, những người tham gia vào các cuộc xung đột bạo lực uỷ nhiệm, là mối đe doạ hiện hữu đối với an ninh quốc gia của họ, tạo ra sự tương đồng với những tổn thương lịch sử nạn diệt chủng Holocaust, một trong những thảm hoạ lớn nhất và đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nhân loại.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Iran coi ưu thế quân sự của Isrel, việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine và liên minh với các nước láng giềng thù địch, là sự xâm phạm chủ quyền và ảnh hưởng khu vực của họ.
Một yếu tố nữa xuất hiện khi chúng ta lùi lại và xem xét các lực lượng liên minh toàn cầu. Mỹ với Israel và Nga với Iran. Cuộc chiến ở Ukraine được nhiều người coi là cuộc chiến uỷ nhiệm của đại cường quốc Hoa Kỳ chống lại Liên bang Nga, vì một lượng lớn gói viện trợ gần 61 tỷ USD của Mỹ mở hy vọng đẩy lùi quân Nga và tạo đà chiến thắng.
Thông qua căng thẳng xung đột ở Trung Đông leo thang, ánh mắt và tâm hồn của người Mỹ có thể bị kéo ra khỏi cuộc xung đột ở Ukraine, mang lại cho quân đội Nga cơ hội cần thiết để chiếm thêm lãnh thổ.
Từ góc nhìn Phật giáo, điều quan trọng là phải thừa nhận tính nhân văn và nỗi khổ niềm đau của tất cả cá nhân có liên quan, không phân biệt màu da, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo hay đảng phái chính trị của họ...
Đúng như giữa người Ukraina và người Nga, người Israel và người Iran đều có chung nguyện vọng về an ninh, trạng thái bình yên của xã hội, của nhà nước, sự ổn định vững chắc của chế độ chính trị xã hội, phẩm giá và một tương lai tươi đẹp hơn cho con cái họ. Bằng cách thừa nhận tính nhân văn này, chúng ta có thể bắt đầu vượt qua những câu chuyện gây chia rẽ vốn gây ra mâu thuẫn xung đột và thúc đẩy sự đồng cảm và hiểu biết xuyên biên giới.
Những nỗi bất bình của cả hai bên đều dựa trên thực tế. Chưa hết, sự trừng phạt tiếp theo của mỗi bên chỉ tạo thêm những nỗi bất bình mới.
Khi xem xét khả năng xảy ra chiến tranh giữa Israel và Iran, rõ ràng là một cuộc xung đột như thế, sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho cả hai quốc gia và khu vực lớn hơn.
Chiến tranh chắc chắn gây ra bao tang tóc khổ đau to lớn cho con người, mất mát nhân mạng, di dời và phá huỷ cơ sở hạ tầng, để lại những vết thương đau lâu dài cho các thế hệ mai sau. Hơn nữa, bản chất của chiến tranh hiện đại, với vũ khí tiên tiến và nền kinh tế toàn cầu kết nối với nhau, có nghĩa là hậu quả của một cuộc xung đột khu vực sẽ vượt qua biên giới giữa Israel và Iran. Dù chúng ta có xa cách đến đâu, những nỗi khổ niềm đau này sẽ ập đến với chúng ta.
Từ góc nhìn đạo Phật, khái niệm ahimsa (sự tuân thủ trọng tâm của truyền thống Phật giáo và thuộc về việc Giới luật) hay bất bạo động có ý nghĩa sâu sắc. Bạo lực sinh bạo lực (violence begets violence) mang ý nghĩa hành động bạo lực sẽ thúc đẩy hành động bạo lực khác như một hệ quả tất yếu, kéo dài mãi một vòng đau khổ và nghiệp quả.
Câu nói nổi tiếng của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Hoà bình không có nghĩa là không có xung đột; sự khác biệt sẽ luôn ở đó. Hoà bình có nghĩa là khắc phục những khác biệt này bằng các biện pháp hoà bình; thông qua đối thoại, giáo dục, kiến thức; và thông qua những cách đạo đức nhân văn”. (Pillars of Peace Hawai‘i)
Khi tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng giữa Israel và Iran, điều cần thiết là phải ưu tiên các cơ chế đối thoại, ngoại giao và khắc phục xung đột, nhằm giải quyết những nỗi bất bình và quan ngại cơ bản của cả hai bên. Ít nhất, cần phải nhấn mạnh rằng các hành động thù địch tiếp theo sẽ có hại như thế nào - mỗi bên chỉ nhìn thấy khả năng gây tổn hại cho bên kia mà không thừa nhận khả năng trả thù.
Thay vì dùng đến leo thang quân sự, các nhà lãnh đạo phải thể hiện sự can đảm và khôn ngoan để tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa, nhằm giảm căng thẳng và xây dựng niềm tin yêu.
Điều cần thiết là người tu hành phải dấn thân, mang ánh sáng đạo nhiệm mầu và hạnh đức Như Lai toả sáng khắp nhân gian. Ngay cả khi họ không nắm giữ chức vụ hoặc vị trí quyền lực chính thức, những cá nhân này vẫn có khả năng lãnh đạo vượt qua thời điểm khó khăn này.
Như chúng ta thường nói: “Cầu mong những cái đầu lạnh sẽ thắng thế”. Như nhà bình luận và chú giải Kinh Phật vĩ đại nhất, luận sư, dịch giả và triết gia Ấn Độ, Thánh tăng Buddhaghosa đã viết vào thế kỷ thứ năm: “Ý nghĩa của “Giới hạnh đạo đức” (sīla) là là ý nghĩa của “cái đầu” (siras), ý nghĩa của đức hạnh là “Điềm tĩnh” ‘(cool) (sītala)’*
Căng thẳng giữa Israel và Iran đặt ra một thách thức phức tạp đòi hỏi một cách tiếp cận đa sắc thái và đầy cảm thông. Bằng cách tuân theo các nguyên tắc đồng cảm, hiểu biết và bất bạo động vốn có trong giáo ký đạo Phật, có thể vượt qua vòng xung đột, mở đường cho hoà bình lâu dài trong khu vực.
Thông qua ngoại giao, đối thoại và cam kết khắc phục những nỗi bất bình tiềm ẩn của cả hai bên, chúng ta có thể vạch ra con đường hướng tới hoà giải, tôn trọng lẫn nhau và cùng tồn tại. Như danh ngôn nổi tiếng của bậc vĩ nhân, bậc quốc phụ, anh hùng dân tộc Ấn Độ, Mahātmā Gāndhī (1869-1948): “Một mắt đền một mắt” sẽ khiến cả thế giới mù lòa”. (Quote Investigator)
Chúng ta hãy cố gắng mở rộng tầm nhìn về khả năng hoà bình và hoà giải ở Trung Đông, được hướng dẫn bởi trí tuệ và từ bi tâm, cũng như nhận thức rằng bạo lực thêm nữa, thực sự không thể giải quyết được vấn đề.
* Keown, Damien. 2001. The Nature of Buddhist Ethics. London: Palgrave, 49.
Việt dịch: Thích Vân Phong Nguồn: Buddhistdoor Global – BDG
Bình luận (0)