CHƯƠNG 6: PHẬT GIÁO THỜI NHÀ LÝ (1009-1225)

Bối cảnh lịch sử

Năm 1009, triều đình Tiền Lê suy yếu, Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra triều Lý, thay triều Tiền Lê, chuyển kinh đô về thành Đại La, đổi tên nước là Đại Việt (1054). Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: Tháng 7 (năm 1010) vua Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, đổi tên gọi là thành Thăng Long.

(Ảnh: Internet)

Nhà Lý tồn tại 215 năm (1009-1224), trải qua 9 triều vua (1). Nhà Lý chú trọng xây dựng quốc gia phong kiến dân tộc độc lập, tự chủ. Cùng với việc xây dựng Thăng Long trở thành trung tâm chính trị-tôn giáo mới, triều đình mở mang phát triển kinh tế, thi hành chính sách “ngụ binh ư nông”, củng cố quân đội, soạn bộ Hình thư nhằm củng cố vương quyền, cấm ăn trộm súc vật nuôi, cấm quan lại sách nhiễu nhân dân. Nhà Lý coi trọng phát triển tôn giáo, sử dụng tôn giáo làm nền tảng tinh thần để củng cố ý thức quốc gia dân tộc. Bên cạnh Phật giáo, Đạo giáo, nhà Lý còn dùng cả Nho giáo, như lập Văn Miếu (1070) thờ Khổng Tử, Chu Công và các vị tiên hiền nhà Nho, mở khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Đạo), năm 1075 để tuyển chọn quan lại.

I. LÝ CÔNG UẨN

Lý Công Uẩn là một võ quan của nhà Tiền Lê, giữ chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Ông là người có uy tín và có thế lực trong triều, đồng thời là người thân cận của Phật giáo.

Lý Công Uẩn hồi nhỏ là con nuôi vị sư chùa Cổ Pháp tên là Lý Khánh Văn, thụ giới với nhà sư Vạn Hạnh. Lớn lên với sự bảo hộ của nhà sư Vạn Hạnh, ông vào kinh đô Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê, thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ.

Phật giáo hồi này có uy tín và thế lực mạnh trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Các quan lại trong triều có nhiều người là tăng sĩ, trong đó có Vạn Hạnh được vua Lê Đại Hành rất tín nhiệm và phong cho những chức tước cao quý nhất.

Năm 1009, khi Lê Ngọa Triều mất, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, khi ông 35 tuổi.

1. Sự chuyển tiếp triều đại diễn ra hòa bình

Lúc bấy giờ, qua thời Lê Ngọa Triều tàn bạo, lòng dân oán hận nhà Tiền Lê đến cực độ, nên khi các quan trong triều, đa số thân cận với Phật giáo, và nhà sư Vạn Hạnh suy tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, thì dân chúng tán thành và nhiệt tình ủng hộ. Ở đây, cũng phải nói lên công lao to lớn của thiền sư Vạn Hạnh. Ngài là một nhà sư tổ chức tuyên truyền rất giỏi. Dân chúng thời bấy giờ truyền khẩu cho nhau những sự việc kỳ lạ, nào chuyện sét đánh vào cây gạo, làm vỏ cây nứt ra, bên trong có một bài sấm truyền, tiên đoán sự nổi lên của nhà Lý, nào chuyện lá cây đa chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ Quốc, nào chuyện con chó trắng ở Cổ Pháp có chữ Thiên ở trên lưng v.v… tất cả những truyền thuyết huyền thoại này, dù đó có cả sự “dàn dựng” hay sự sắp đặt thì nó cũng hợp với lẽ trời khi chuẩn bị cho Lý Công Uẩn lên ngôi vua.

Cuối năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, lấy tên hiệu là Lý Thái Tổ.

2. Phật giáo thời Lý Thái Tổ

Trong 18 năm cầm quyền, Lý Thái Tổ đã xây dựng nhà nước Đại Việt bằng những bước đi rất căn bản và có tầm nhìn xa. Đó là việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long tháng 7 năm Canh Tuất (1010), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, chăm lo đời sống nhân dân và đặc biệt là chăm lo xây dựng Phật giáo như hệ tư tưởng chủ đạo của dân tộc.

Ngay khi mới lên ngôi, Lý Thái Tổ đã thực hiện những chính sách rất trọng đại với Phật giáo như ban phẩm phục cho tăng sĩ, và giữ nguyên chức Tăng thống của các nhà sư.

Sau khi dời đô ra Thăng Long, cùng với việc xây dựng cung điện kinh thành mới, trong nội thành vua cho xây chùa Hưng Thiên, còn ngoài thành làm chùa Thắng Nghiêm.

Vua hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại.

Triều đình cấp độ điệp cho nhân dân làm sãi. Phát 1680 lạng bạc kho đúc chuông lớn để ở chùa Đại Giáo.

Năm 1011, dựng chùa Vạn Tuế, Tứ Đại Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng và Thánh Thọ.

Lý Thái Tổ còn sắc lập đạo tràng khắp các nơi trong nước để các tăng sĩ đến thuyết pháp, sắc đúc chuông để treo ở các chùa Hưng Thiên, Thắng Nghiêm.

Năm 1016, lại dựng chùa Thiên Quang và Thiên Đức.

Năm 1024, nhà vua lập chùa Chân Giáo ngay trong nội thành để các tăng sĩ đến tụng kinh và thuyết pháp cho vua nghe.

Như vậy, tại kinh thành Thăng Long có hai ngôi chùa dành riêng cho nhà vua là chùa Hưng Thiên, nơi nhà vua lễ Phật và chùa Chân Giáo là nơi vua đến xem kinh.

Tháng 5 năm Giáp Dần (1014), vua chuẩn y cho Hữu nhai Tăng thống Thẩm Văn Uyển lập giới đàn, cho tăng đồ thụ giới ở chùa Vạn Tuế.

Năm 1016, cấp độ điệp cho hơn 1000 người ở kinh sư làm tăng đạo.

Năm Kỷ Mùi (1019), xuống chiếu cấp độ điệp cho nhân dân trong nước làm tăng.

Tháng 6 năm Mậu Ngọ (1018), Lý Công Uẩn sai viên Ngoại lang Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam Tạng.

Tháng 9 năm Canh Thân (1020), Nguyễn Đạo Thanh đi sứ về, xin được kinh Tam Tạng. Vua xuống chiếu cho Tăng thống Phí Trí sang tận Quảng Châu để đón.

Năm Quý Hợi (1023), tháng 9, vua xuống chiếu viết kinh Tam Tạng, xong để ở kho Đại Hưng. Đến tháng 8 năm Đinh Mão (1028) vua lại xuống chiếu viết kinh Tam Tạng (2).

Những việc làm trên đều thành tựu viên mãn, đã tạo cơ sở vững chắc và đà phát triển mạnh mẽ cho Phật giáo của Đại Việt.

Bấy giờ Phật giáo là tôn giáo chủ lưu, hai dòng thiền Tì ni đa lưu chi và Vô Ngôn Thông truyền thừa không dứt.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nền chính trị Hán thời Bắc thuộc, khi giành được quyền độc lập, bộ máy các nhà nước phong kiến tập quyền từ Đinh, Tiền Lê đến Đại Việt nhà Lý tất yếu đều được xây dựng phỏng theo nhà nước phong kiến Trung Hoa, mà cơ sở lý luận của nó là thuyết Thiên mệnh, đề cao quân quyền, đạo Tam cương (vua tôi, cha con, vợ chồng) Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) của Nho giáo, coi trọng tôn tri, đề cao trung hiếu, là lợi khí tinh thần cho sự bền vững của vương triều.

Nhưng ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo vào các giai tầng xã hội lúc đó còn mờ nhạt. Tầng lớp các nhà Nho gắn bó phục vụ Lý Thái Tổ (và cả những vua tiếp sau nhà Lý) chưa nhiều. Lòng trung thành với vương triều chưa trông cậy vào đạo đức Nho gia mà phải hướng vào một vị thần Việt cổ. Sau loạn tam vương tranh ngôi của thái tử Phật Mã năm 1028, thần Đồng Cổ đã được tôn vinh để ràng buộc lòng trung thành của bách quan trong hội thề long trọng hằng năm. Hội thề này kéo dài đến đời Trần, chỉ mất đi ở vương triều Hậu Lê tôn sùng Nho giáo.

Mười năm sau ngày lên ngôi, Lý Thái Tổ mới cho dựng Thái miếu.

Dưới triều Lý Thái Tổ, có nhiều bậc cao tăng có uy tín với triều đình.

Vạn Hạnh thiền sư

Thiền sư là người làng Cổ Pháp (nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) họ Nguyễn, không rõ tên tục là gì. Gia đình nhiều đời theo đạo Phật. Ngay từ thuở còn nhỏ, đã tỏ ra thông minh xuất chúng. Ông thông hiểu cả tam giáo, nghiên cứu nhiều kinh điển nhà Phật. Năm 22 tuổi ông xuất gia, cùng với Định Huệ thiền sư theo học Lục Tổ thiền sư ở chùa Đình Bảng, phủ Thiên Đức (nay là phủ Từ Sơn). Thời vua Lê Đại Hành còn trị vì, Thiền sư thường được mời vào triều để bàn bạc việc nước, nhà vua rất tôn kính. Sang đến nhà Lý, Thiền sư vẫn được trọng đãi, các vua nhà Lý thường mời ngài đến bàn việc nước.

Năm 1018, Thiền sư tịch. Các đệ tử rước ngài lên hỏa giàn rồi thu hài cốt nhập tháp.

Trước khi tịch, Thiền sư có đọc bài kệ như sau, có ý minh họa thuyết vô thường:

Dịch:

Chân như bóng chớp chiều tà

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời

Sá chi suy thịnh việc đời

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

(Thượng tọa Thích Mật Thể)

Sau này Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài thơ truy tán Thiền sư như sau:

Dịch:

Thiền sư học rộng bao la,

Giữ mình hợp pháp sấm ra ngoài lời.

Quê hương Cổ Pháp danh ngời,

Tháp bia đứng vững muôn đời đế đô.

Đa Bảo thiền sư

Phật sử không ghi chép quê quán Thiền sư ở đâu, chỉ biết là Thiền sư trụ trì ở chùa Kiến Sơ (làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ngài là đệ tử của Khuông Việt đại sư (phái Vô Ngôn Thông), thường được Lý Thái Tổ mời vào triều hỏi đạo và bàn việc nước. Lý Thái Tổ sắc tu sửa chùa Kiến Sơ để Thiền sư trụ trì.

Sau không rõ Thiền sư tịch ở đâu và vào năm nào vì Ngài thường ngày đi khắp nơi thuyết pháp.

Đệ tử được truyền tâm pháp của ngài là Định Hương trưởng lão.

II. LÝ THÁI TÔNG (1028-1054)

Thái tử Phật Mã lên nối ngôi Lý Thái Tổ, lấy tên hiệu là Lý Thái Tông, niên hiệu là Thiên Thành.

Ông cũng là người có lòng nhân ái và rất tôn sùng đạo Phật.

Trong 27 năm làm vua, Lý Thái Tông đã kế thừa đường lối Đức trị của Lý Thái Tổ và đã đưa đất nước tiếp tục phát triển thịnh vượng.

Trong thời gian trị vì, Lý Thái Tông đã thành công trong việc dẹp loạn cát cứ (Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Thông, Nùng Trí Cao) và đánh tan quân Chiêm Thành xâm phạm bờ cõi. Cùng với những chiến công bảo vệ đất nước, Thái Tông còn hết lòng chăm lo phát triển kinh tế, khuyến khích nhân dân sản xuất bằng những chính sách nới sức dân.

Đối với Phật giáo, nhà vua đã cho soạn bộ Kinh thư làm nền tảng pháp luật của triều đình, đồng thời cho xây dựng nhiều chùa chiền trên khắp đất nước, cụ thể là:

Năm Thiên Thành thứ 4 (1031), sau khi dẹp xong giặc Chiêm Thành ở Hoan Châu (Nghệ An bây giờ) trở về, Thái Tông sắc xây dựng 95 ngôi chùa để tạ ân và miễn thuế cho dân một năm.

Năm Giáp Tuất (1034), tháng Tư, hai thiền sư là Nghiêm Báo Tính và Phạm Minh Tâm tự thiêu, cháy thành ra thất bảo. Thái Tông cho đem thất bảo ấy về thờ tại chùa Trường Thành. Vua cho là việc kỳ dị, đổi niên hiệu là Thông Thuỵ. Tháng Tám, vua ngự đến chùa Trùng Quang ở núi Tiên Du, Bắc Ninh, sai dựng kho Trùng Hưng để chứa kinh. Sai viên Ngoại lang là Hà Thụ và Đỗ Khoan đem biếu nhà Tống hai con voi nhà. Nhà Tống lấy kinh Đại Tạng để tạ.

Năm 1036, tháng Giêng, Thái Tông mở hội khánh thành pho tượng Phật Đại Nguyện tại Long Trì; đại xá cho thiên hạ. Sang tháng Hai, vua xuống chiếu sao chép Đại Tạng kinh cất ở kho Trùng Hưng. Tháng Mười năm Mậu Dần (1038) vua cho dựng bia ở chùa Trùng Quang.

Tháng Mười năm Tân Tỵ (1041), vua ngự đến núi Tiên Du xem làm viện Từ Thị Thiên Phúc. Khi về, xuống chiếu phát 7560 cân đồng để đúc tượng Phật Di Lặc và hai vị Bồ Tát Hải Thanh và Công Đức cùng chuông để ở viện.

Năm 1049, Thái Tông sắc xây dựng chùa Diên Hựu (chùa Nhất Trụ), chùa được thiết lập trên một trụ bằng đá, một điện liên hoa, hình một bông hoa sen trên mặt hồ nước để thờ Phật Quan Âm.

Theo truyền thuyết, thì năm 1048, Thái Tông nằm mơ thấy Đức Phật Quan Âm dẫn nhà vua vào Liên Hoa điện. Khi thức dậy, nhà vua kể lại giấc mơ cho chư tăng nghe, một vị tăng xin cho lập một cảnh chùa giống hệt như nhà vua thấy trong mộng để thờ Phật Quan Âm.

Vua cũng là người hết mình hộ trì Phật pháp. Ông thường họp đình thần, vương tôn công tử, bô lão, Thiền sư ở các chùa để luận đàm Phật pháp. Từ năm 1034 đến năm 1038, Thái Tông thường đến học đạo với thiền sư Thiền Lão và tự xưng là đệ tử. Về sau, vua được Thiền sư truyền tâm pháp, tức là tổ thứ bảy thiền phái Vô Ngôn Thông.

Vua cũng thường lui tới đàm đạo với các thiền sư có tiếng thời bấy giờ như Cứu Chỉ, Bảo Kính, Minh Tâm, Huệ Sinh, Định Hương v.v...

Vua là người thấu hiểu đạo Thiền. Một lần, khi đi vãng cảnh chùa Vạn Phúc, gặp các bô lão đang bàn về đạo Thiền, Thái Tông bảo mỗi vị làm một bài thơ nói lên cái dụng tâm của mình. Các bô lão còn đang lẩm nhẩm tìm từ, Thái Tông đã đọc 4 câu thơ như sau:

Dịch:

Đạo Phật vốn không dòng

Người không mình cũng không

Trước, rầy, sau, các Phật

Pháp tính vẫn cùng chung.

Dưới đời Lý Thái Tông, nhiều thiền sư có danh tiếng như Huệ Sinh thiền sư, trưởng lão Định Hương, Trưởng Lão thiền sư, Cứu Chỉ thiền sư.

Huệ Sinh thiền sư

Ngài tên thực là Lâm Khu, quê ở Đông Phù Liệt, huyện Thanh Trì, thiền sư học giỏi từ thuở nhỏ, tham báo cả Nho giáo và Phật giáo, văn hay chữ tốt. Năm gần 70 tuổi, theo Định Tuệ thiền sư, được sư phụ truyền tâm pháp, hành cước khắp các tùng lâm, sau lên núi Bồ Đề tham thiền nhập định. Vua Lý Thái Tông, nghe tiếng Thiền sư, cho mời vào cung. Thiền sư không tới, vua cố mời, Thiền sư vào yết kiến. Sau khi đàm đạo về Phật pháp, vua rất kính phục, bèn phong cho chức Nội cung phụng tăng và truyền tu sửa chùa Vạn Phúc ở thành Thăng Long để Thiền sư đến trụ trì.

Đến đời Lý Thánh Tông, Thiền sư được phong chức Tả nhai đô Tăng thống, tước hầu. Một hôm, trong đại nội tổ chức tiệc chay thết đãi các tăng sĩ, vua nói: “Trẫm mời các thượng đức đến đây, để các vị bày tỏ chỗ sở đắc của mình”. Pháp sư liền ứng khẩu đọc bài kệ nhan đề:

Dịch: Đáp lời Thái Tông hỏi ý nghĩa đạo Thiền:

Pháp vốn như không pháp,

Chẳng có cũng chẳng không.

Nếu hiểu được pháp ấy,

Chúng sinh, Phật vẫn đồng.

Trăng Lăng già phẳng lặng,

Thuyền Bát nhã chân không

Biết không rồi biết có,

Tam muội mặc dung thông.

(Thượng tọa Thích Mật Thể)

(Có sách nói trong lúc Thái Tông vãn cảnh chùa Vạn Phúc cùng các tăng sĩ, già lão bàn về ý nghĩa đạo Thiền, Huệ Minh thiền sư đã ứng khẩu đọc bài kệ nói trên).

Vua rất lấy làm mến phục. Các quan trong triều thường đến gặp Thiền sư hỏi đạo. Thiền sư có soạn cuốn Pháp sư trai nghi, Đạo tràng khánh tân văn v.v... đến nay đều thất lạc.

miền Lão thiền sư

Thiền sư là đệ tử của Đa Bảo thiền sư, trụ trì ở chùa Trùng Minh, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Khi đắc đạo, về tu ở một ngôi chùa vùng Từ Sơn, học trò đến học rất đông. Một hôm, vua Lý Thái Tông đến thăm chùa và hỏi: “Hòa thượng ở chùa này bao lâu rồi?”. Thiền sư liền đọc 2 câu thơ:

Dịch:

Sống ngày nay biết ngày nay

Còn xuân thu trước ai hay làm gì

Vua lại hỏi: “Ngày thường, Hòa thượng làm việc gì?” Thiền sư lại đáp:

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong, mây bạc hiện toàn chân.

Lý Thái Tông tỏ ra rất phục Thiền sư. Sau khi về cung, vua sai sứ đến rước ngài vào triều để cố vấn. Khi sứ giả đến nơi thì Thiền sư đã tịch rồi.

III. LÝ THÁNH TÔNG (1054-1072)

Năm 1054, Thái tử Nhật Tôn lên nối ngôi Lý Thái Tông, lấy tên hiệu là Lý Thánh Tông, đặt quốc hiệu là Đại Việt, niên hiệu Long Thụy Thái Bình.

Lý Thánh Tông là một người thông minh, nhân từ, làm vua 18 năm. Ông chủ trương khoan giảm một số hình luật quá khắt khe đối với những người không cố ý phạm tội. Thánh Tông rất coi trọng việc học hành, giáo dục để đào tạo nhân tài cho Đại Việt, nên tháng Tám năm 1070 cho xây dựng Văn Miếu để đào tạo và lưu danh, tôn vinh hiền tài của đất nước.

Hình minh họa (ảnh: Internet)
Hình minh họa (ảnh: Internet)

Vua cũng là người sùng bái đạo Phật vào bậc nhất: năm Bính Thân (1056), dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên, phát một vạn hai nghìn cân đồng để đúc chuông lớn. Vua than làm bài văn minh (văn khắc chuông). Năm 1057, tháng Giêng, xây bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên (tháp Báo Thiên), cao vài chục trượng, 12 tầng; tháng Chạp, làm 2 chùa Thiên Phúc và Thiên Thọ, đúc hai pho tượng Phạn Vương và Đế Thích bằng vàng để phụng thờ.

Năm 1066, sai Lang tướng là Quách Mãn xây tháp ở núi Tiên Du, Bắc Ninh. Tháng Giêng năm Tân Hợi (1971), vua viết bia chữ Phật dài 1 trượng 6 thước để ở chùa Tiên Du.

Lý Thánh Tông còn là một ông vua rất nhân từ. Sách sử ghi lại rằng những năm rét nhiều, Thánh Tông thường nghĩ đến những phạm nhân trong các nhà lao, những dân nghèo ở các thôn xóm và sắc tổ chức cứu tế. Một năm trời rét lắm, Thánh Tông bảo với các quan cận thần rằng: “Trẫm ở trong cung, ăn mặc ấm thế này còn thấy rét, trẫm nghĩ đến những tù phạm phải nằm giam cầm trong các ngục thất, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại còn những người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, lỡ bị rét quá mà chết thì thật đáng thương.” Nói rồi, nhà vua truyền lấy chăn chiếu thêm cho tù nhân nằm và đắp và mỗi ngày cho ăn hai bữa no đủ.

Một hôm Lý Thánh Tông ngự ra điện Thiên Khánh xét xử án, có công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, nhà vua chỉ công chúa và bảo các quan rằng: “Lòng trẫm yêu dân như yêu con trẫm, hiềm vì trăm họ ngu dại làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Vậy từ nay về sau, xử xét việc gì, cũng nên giảm nhẹ bớt tội đi.”

Thánh Tông có lòng từ bi bác ái như vậy cũng là do ngài sùng mộ đạo Phật và trong triều lại có nhiều vị thiền sư hầu cận làm ngự sử cho ngài.

THIỀN PHÁI THẢO ĐƯỜNG (1069-1210)

Phật sử ghi lại rằng, năm 1069 Lý Thánh Tông cất quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và rất nhiều tù binh. Những tù binh này được đưa về làm quân hầu cho các quan trong triều. Trong các quan triều có một vị Tăng lục. Một hôm, Tăng lục ấy đi vắng về, thấy bản Ngữ lục của mình bị một tù binh sửa chữa lại cả một cách đặc sắc, tỏ ra một sự chứng đạo rất thấu triệt. Vị tăng này lấy làm lạ, bèn mang việc đó tâu vua. Vua cho đòi tên tù binh đến hỏi, thì y đối đáp rất lưu loát, luận giải về đạo Phật rất xác đáng. Hỏi ra thì đó là một đại thiền sư người Trung Quốc, theo thầy qua Chiêm Thành, chẳng may bị bắt làm tù binh.

Vị thiền sư này tên là Thảo Đường, đệ tử của ngài Tuyết Đậu Minh Giác ở bên Trung Hoa.

Khi biết rõ lai lịch của Thảo Đường thiền sư, Lý Thánh Tông sắc phong làm quốc sư, cho khai giảng ở chùa Khai Quốc, trong thành Thăng Long. Thảo Đường thành lập một phái Thiền riêng biệt, người sau gọi là phái Thảo Đường. Đây là phái Thiền thứ ba ở nước ta.

Lý Thánh Tông thụ giáo với Thiền sư, sau đó đắc đạo được ngài truyền tâm pháp và trở thành đệ tử đầu tiên của phái Thảo Đường. Phái này truyền được 5 đời, đắc đạo được 19 người.

Không những Lý Thánh Tông chăm lo cho đạo Phật mỗi ngày thêm hưng thịnh, mà còn chăm lo cho Nho giáo phát triển. Năm 1070, Thánh Tông sắc xây dựng Văn Miếu đúc tượng Chu Công, Khổng Tử, và và tượng 72 vị tiên hiền để thờ. Nho sĩ lúc bấy giờ còn rất ít cho nên Phật giáo vẫn giữ địa vị độc tôn, là một thế lực mạnh cả về chính trị và kinh tế.

IV. LÝ NHÂN TÔNG (1072-1127)

Lên nối ngôi Lý Thánh Tông là Lý Nhân Tông, tức Thái tử Càn Đức con bà Ỷ Lan thái phi. Lúc lên ngôi, Nhân Tông còn ít tuổi, được các quan trong triều hết lòng giúp đỡ. Lớn lên, Lý Nhân Tông là một ông vua rất thông minh, một vị anh quân đệ nhất của nhà Lý, lập được nhiều sự nghiệp lớn lao.

Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám, kén chọn văn quan vào giảng dạy, lập tòa Hàn Lâm, mở khoa thi tam trường, khuyến khích Nho học.

Về mặt quân sự, nhà vua chỉnh đốn quân ngũ, xây dựng lên một đội quân hùng mạnh.

Lý Nhân Tông là một ông vua thích văn chương, ưa ngâm vịnh, sáng tác nhiều bài thơ còn lưu truyền đến ngày nay.

Nhà vua lại rất sùng bái Phật giáo và thành tựu nhiều Phật sự: Năm 1087, Nhân Tông ngự giá đi lễ Phật, nghe kinh ở chùa

Lãm Sơn, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, rồi thiết triều yến ở chùa, đề thơ “Lãm Sơn dạ yến”. Ông đặt ra một vị quan triều cao cấp để trông nom các chùa trong nước.

Năm 1088, Nhân Tông phong chức Đại sư cho Khô Đầu thiền sư, dùng ngài làm cố vấn trong quốc chính như Khuông Việt Đại sư thời Đinh, Tiền Lê.

Năm 1105, vua cho sửa chữa chùa Diên Hựu. Đến năm 1105, Nhân Tông sắc làm hai ngọn tháp trắng và 3 ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Bấy giờ vua chữa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, vét hồ Liên Hoa đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ở ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bích Trì; đều bắc cầu vồng để đi qua; trước sân chùa xây bảo tháp. Hằng tháng cứ ngày Rằm, mồng Một và mùa hạ ngày Phật đản sinh mồng 8 tháng Tư, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu sống lâu, bày nghi thức tắm Phật, hằng năm làm lệ thường.

Năm Mậu Tuất (1118), tháng Chín, nước Chiêm Thành sai sứ sang cống hiến lễ vật, vua cho mở đại hội Phật giáo gọi là Thiên Phật hội (ngày hội của một nghìn đức Phật) để khánh thành chùa Thắng Nghiêm Thánh Thọ, cho sứ Chiêm Thành đến xem.

Năm Kỷ Hợi (1119), mở hội khánh thành chùa Tĩnh Lự; năm 1121, mở hội khánh thành chùa Báo Thiên, dựng chùa Quảng Giáo; năm 1122, tháng Ba, mở hội khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tháp được sử sách ca ngợi không chỉ nổi tiếng với vẻ nguy nga đồ sộ, mà còn nổi tiếng cả về nghệ thuật kiến trúc, trang trí kiến trúc. Tháp có 13 tầng chọc trời, mở 40 cửa hứng gió. Hình bộ thượng thư Công Bật ca ngợi chùa và tháp Đọi như sau:

- Mặt chùa trông ra sông Kinh, gió lặng mặt sông như lụa biếc trải ra, lưng chùa quay về núi Điệp, mưa tan dáng núi như gấm xanh thêm sáng.

- Tác giả còn tả nghệ thuật trang trí và nghệ thuật kiến trúc của chùa và tháp Đọi như sau:

Nóc chùa uốn như chim công xòe cánh, đều trạm trổ như phượng múa, long chầu. Mái cong lấp lánh dưới ánh mặt trời, luôn lượn quanh co trước gió.

Đây là một công trình văn hóa bị các hoàng đế Trung Quốc tàn phá nặng nề.

Quân Nguyên cuối thế kỷ XIII đời Trần và đặc biệt quân Minh cuối đời Hồ với chính sách hủy diệt văn hóa đã làm hư hại quá nhiều chùa và tháp này.

Cùng với việc phá chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, hai trong 4 đại khí bằng đồng lớn nhất nước ta thời kỳ Lý - Trần, để đúc đạn, quân Minh đã đập phá hầu hết kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc của tháp Long Đọi.

Ở trong tháp có tấm bia ghi dòng chữ:

“… dồn dập ruổi quân sự dịch, ầm ầm sấm động ra uy. Thành Ủng Châu sức nghìn quân giặc, tan thành như trận gió cuốn mây. Sông Như Nguyệt, trăm vạn binh thù, vỡ tổ như mặt trời đốt giá. Từ đó về sau, ngôi cả thảnh thơi, nhân dân phú thọ…”

Văn hay, ý đẹp, lời bia ghi lại cho đời đời con cháu một trong những chiến công rực rỡ của cha ông ở buổi đầu của thời kỳ độc lập tự chủ.

Dưới đời Lý Nhân Tông, có nhiều thiền sư lỗi lạc, biên soạn nhiều sách luận giải về đạo Phật như:

Mãn Giác thiền sư

Ngài tên thật là Lý Trường, sinh ra và sống dưới hai triều vua nhà Lý: Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Đây là thời kỳ cực thịnh của nhà Lý, trong nước người dân sống no ấm, ngoài nước có những chiến công hiển hách. Phật giáo rất được sùng bái trong vua quan và trong dân chúng. Mãn Giác thiền sư được Lý Nhân Tông và hoàng hậu biệt đãi và kính nể. Pháp danh Mãn Giác là do Lý Nhân Tông đặt cho thiền sư.

Khi lâm bệnh, Thiền sư có để lại một bài thơ nhan đề là: Cáo tật thị chúng

Dịch:

Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mắt, việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.

Qua bài thơ trên, chúng ta thấy niềm lạc quan của Thiền tông đời Lý, tác giả nói lên quan niệm của mình về vũ trụ, về cuộc sống. Bài thơ minh họa ba pháp ấn của nhà Phật:

Chư hành vô thường; Chư Phật vô ngũ; Niết bàn tịch tĩnh.

Đồng thời nói lên tâm hồn lạc quan của Thiền sư đối với cuộc sống, và đây cũng là nét độc đáo của Thiền tông Việt Nam.

Viên Chiếu thiền sư

Thiền sư họ Mai, tên là Trực, quê huyện Long Đàm, cháu bà Linh Cảm thái hậu (vợ vua Lý Thái Tông), thông minh ngay từ khi còn nhỏ. Từ giã cha mẹ vào tu ở chùa Tiên Sơn, làm đệ tử Định Hương thiền sư, nghiên cứu về Thiền học. Thiền sư rất am hiểu pháp Tam quán trong kinh Viên Giác, tu đắc đạo, được sư phụ truyền tâm ấn.

Sau đó, Thiền sư về Thăng Long, dựng một ngôi chùa trong kinh thành, và trụ trì ở đó, gọi là chùa Cát Tường.

Thiền sư có soạn 12 bài văn cầu nguyện Dược sư: “Dược sư thập nhị nguyên văn”, vua Lý Nhân Tông đưa bản thảo đó cho sứ thần mang sang Trung Quốc dâng vua Triết Tông nhà Tống. Vua Tống giao sách đó cho các Thượng tọa ở chùa Tướng Quốc xem có gì phải sửa không? Các nhà sư chùa Tướng Quốc xem xong đều tâu với vua nhà Tống rằng: “Đây là đấng hóa thân Đại sĩ ra đời ở phương Nam, giảng giải nghĩa kinh rất tinh vi, phàm tăng chúng tôi không dám thêm bớt gì”.

Vua nhà Tống liền sắc cho sao lại một bản, còn bản chính thì trả lại vua ta, kèm lời tặng khen; Ngoài ra Thiền sư còn soạn: Tán viên giác kinh, Thập nhị Bồ Tát hạnh tu chúng đạo tràng, Tham đồ biểu quyết.

Đây là những cuốn có giá trị đầu tiên trong những sách luận giải về đạo Phật của nước ta.

Viên Chiếu là một thiền sư có tâm hồn một một thi sĩ. Trả lời một đệ tử hỏi về đạo Phật, Thiền sư đọc mấy câu thơ:

Dịch:

Theo gió tiếng tù buồn đúc đến

Cõng trăng, bóng núi vượt tường qua

Hay là:

Xuân dệt hoa như gấm

Chu thiên lá đốm vàng

Cũng như đa số thiền sư đời Lý, Trần, Viên Chiếu chịu ảnh hưởng của Nho giáo khá sâu sắc và cho rằng Phật và Nho phân công hợp tác thiên hạ để xã hội được thanh bình.

Trong hai câu thơ:

Dịch:

Mặt trời chiếu sáng ban ngày

Mặt trăng soi sáng khi đêm.

Ý Viên Chiếu thiền sư muốn ví Phật và Nho như mặt trời và mặt trăng chia nhau chiếu sáng cho người thế gian. Trước giờ lâm chung, ngài đọc một bài kệ như sau nhan đề:

Vô tật thị chúng Dịch:

Khi không có tật bảo với mọi người:

Thân như tường vách thuở lung lay

Ai chẳng thương tình cuộc đổi thay

Thấu lẽ Tâm không, không tướng sắc

Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay.

Thời gian này, Phật giáo pha lẫn với Đạo giáo, nên các thiền sư ngoài việc tu học Phật pháp, tham thiền nhập định, còn thông thạo các môn phù chú, độn số. Trong số thiền sư có danh tiếng người ta thường nhắc đến:

Từ Đạo Hạnh

Ngài họ Từ, tên húy là Lộ, người làng Yên Lãng (tức làng Láng, quận Đống Đa, Hà Nội, con viên Tăng quan đô án Từ Vinh).

Theo dã sử, thân phụ của Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh, bị nhà sư Đại Điên dùng tà thuật giết chết. Để trả thù cho cha, Từ Đạo Hạnh tìm thầy học Đạo, ngày ngày chuyên chú trì tụng Đại bi tâm Đà La Ni (3) khi thành tài ngài đi tìm Đại Điên vung gậy đánh. Đại Điên phát bệnh mà chết. Làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Cầu Giấy) thờ Đại Điên làm thành hoàng; làng Láng, huyện Từ Liêm thờ Từ Vinh và Từ Đạo Hạnh. Hàng năm có tục rước kiệu qua sông rồi dân hai làng đánh nhau, diễn lại tấn kịch báo thù thời trước.

Sau khi trả thù cho cha xong, Từ Đạo Hạnh đi khắp nơi trong chốn tùng lâm, đến yết kiến Trí Huyền thiền sư, hỏi nghĩa chữ Tâm của nhà Phật. Ngài đọc bài kệ để hỏi về chân tâm:

Dịch:

Phong trần chửa gặp tri âm

Vẩn vơ nào biết chân tâm chốn nào

Tiện đây xin một hai điều

Bảo cho biết rõ khỏi chiều khó khăn.

Trí Huyền thiền sư đáp lại bằng một bài kệ: Dịch:

Cơ màu túi ngọc diễn nên

Vầng trăng soi tỏ, lòng

Thiền lộ ra Bồ đề nguyệt ở hà sa

Tìm cho tới cũng cách xa muôn tầng.

Ý ngài muốn nói trong cái thân thể bằng ngọc của Phật vẫn có những tiếng huyền diệu diễn ra những âm thanh mầu nhiệm, ở đó lòng Thiền lộ ra rất rõ ràng. Khắp các thế giới nhiều như hạt cát sông, chỗ nào cũng là cõi chính giác. Tuy vậy, muốn tới được cõi chính giác cũng còn cách hàng muôn dặm.

Từ Đạo Hạnh nghe chưa hiểu, lại đi hỏi Pháp Vân Sùng Phạm, sư Pháp Vân trả lời:

Dịch:

Ai mà chẳng là chân tâm.

Từ Đạo Hạnh từ tạ, sau khi nghe sực tỉnh rồi ra về. Sau có người hỏi Pháp sư: Thế nào là không?, Thế nào là sắc?

Pháp sư trả lời bằng một bài kệ như sau:

Dịch:

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Vừng trăng vằng vặc in sông,

Chắc gì có có không không mơ màng.

(Tương truyền Huyền Quang dịch)

Không Lộ thiền sư

Thiền sư họ Dương, huý là Minh Nghiêm, pháp hiệu là Thông Huyền, quê làng Hải Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Làm nghề đánh cá ở cửa bể Thần Phù, bến sông Đàm Khánh. Hiện nay ở chân núi Đàm Khánh (Yên Mô) còn có chỗ gọi là Đó Không Lộ, tức là nơi di tích của Thiền sư khi còn làm nghề chài lưới.

Khi đi đánh cá, Thiền sư có ngâm một bài thơ: “Ngư nhàn” tả cảnh một ông nhà chài ngủ một giấc say sưa trên thuyền giữa cảnh trời nước bao la trong một vùng dân biển, mây bay khói tỏa.

Ngư nhàn

Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên

Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên

Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán

Quá ngọ tỉnh lai, tuyết mãn thuyền.

Dịch:

Sông dài muôn dặm trời xanh,

Một làng dâu giá, khói lành bay xa.

Ông chài ru mộng thuyền hoa,

Quá trưa tỉnh giấc, hằng hà tuyết rơi.

(Hòa thượng Thích Giác Toàn)

Mỗi khi đi qua các chùa cảnh, thường làm thơ. Đến năm 29 tuổi, bỏ nghề chài lưới, đi tu và khi:

Mùi thuyền đã bén muối dưa

Áo thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng

Năm 42 tuổi, ông theo học thiền phái Thảo Đường. Thảo Đường thiền sư từng nhận xét về học trò Không Lộ của mình: “Người này cốt cách không phải người thường, sau này tất làm pháp tự nối dõi được đạo Thiền”. Năm 44 tuổi, Không Lộ trụ trì chùa Hà Trạch (chưa rõ ở đâu), năm sau, ngài cùng hai bạn thân là Giác Hải và Đạo Hạnh sang Thiên Trúc tầm sư học đạo. Sách “An Nam chí nguyên” của Cao Hùng (thời nhà Thanh, Trung Quốc) chép: “20 vị cao tăng nước Nam, Không Lộ đứng hàng đầu”.

Năm 1061, sư dựng chùa Nghiêm Quang (sau đổi là Thần Quang, nay là chùa xã Dũng Nghĩa còn gọi là chùa Keo ở Thái Bình), từ đó thường đi khắp nơi hành hóa. Năm 1066, sư có công bắt được hai con tắc kè thường kêu nhức óc điếc tai ở điện Liên Mộng (Tử Cổn) làm vua Lý Thánh Tông sinh bệnh. Sư và Giác Hải vào kinh chữa bệnh cho vua, khỏi bệnh vua thưởng cho hai người 500 mẫu ruộng làm tự điền, 1000 lạng bạc và phong Không Lộ làm Phù Văn quốc sư, ban cho Giác Hải quốc tính (họ vua). Sư chủ trì xây dựng nhiều chùa, trong đó có chùa Diên Phúc ở xã Hải Thanh, sau đổi là chùa Viên Quang (nay là chùa Nghĩa Xã, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, Nam Định). Sư còn chủ đúc nhiều hồng chung, trong đó có chuông chùa Nghiêm Quang nặng 3300 cân...

Sư hóa năm 1094, thọ 79 tuổi, Giác Hải cùng môn đồ thu xá lợi, dựng tháp thờ tại chùa Nghiêm Quang nơi sư trụ trì.

Giác Hải thiền sư

Thiền sư họ Nguyễn, húy là Viên Y, cùng quê quán với Không Lộ thiền sư. Sinh năm 1028, làm nghề chài lưới, năm 25 tuổi xuất gia, tu ở chùa Hà Trạch, cùng với Không Lộ, sau về tu ở Hải Thanh, chùa làng nhà. Ông học thông thạo sách của Đạo giáo.

Đời vua Nhân Tông, ông cùng với Thông Huyền đạo nhân (tức Dương Không Lộ) được vua vời vào hầu. Nhân Tông có làm một bài thơ khen cả 2 người. Thơ rằng:

Giác Hải tâm như hải

Thông Huyền đạo cánh huyền

Thần thông năng biến hóa

Nhất Phật nhất thần tiên.

Dịch:

Ông Giác Hải đạo tâm như hải

Ông Thông Huyền đạo nghĩa càng huyền

Thần thông biến hóa tự nhiên

Hai ông là Phật là tiên ở đời.

Năm 1120, dưới đời Lý Thần Tông, ông đúc một quả chuông ở chùa Diên Phúc nặng tới 3000 cân. Vua phong cho ông chức Tinh chiếu thiền sư cai quản các Sa môn quận Cửu Châu. Quan thái uý Lý Thường Kiệt, bậc anh hùng thời bấy giờ, đã từng cầm quân chống nhà Tống, rất kính trọng ông, suy tôn ông là tôn sư, thường đến cùng ông bàn bạc việc quân.

Ba vị thiền sư nói trên: Từ Đạo Hạnh, Không Lộ, Giác Hải thường kết làm huynh đệ. Từ Đạo Hạnh là anh cả, Không Lộ là anh thứ, Giác Hải là em thứ ba. Ba thiền sư là bậc tiền bối của Nguyễn Minh Không. Nguyễn Minh Không là học trò của Từ Đạo Hạnh.

Dưới triều Lý Thần Tông, có nhiều thiền sư danh tiếng.

mông Biện thiền sư (?-1134)

Ngài họ Ngô, quê làng Đan Phượng, Hà Nội, trụ trì ở chùa Thổ Minh (huyện Từ Liêm). Từ thuở nhỏ, đã học thông tam giáo, sau thụ giới với Viên Chiếu thiền sư. Sau khi đắc đạo, Thiền sư ra ở chùa Quốc Tự (Thăng Long) lấy pháp danh là Tư Không. Một hôm, nhân hoàng thái hậu hội yến chủ tăng, giữa bữa tiệc, bà hỏi chư tăng về nguồn gốc tông phái trong đạo Phật. Thiền sư đã trả lời rõ ràng mạch lạc, được thái hậu rất mến phục, phong cho chức Tăng lục, sau lại phong làm Quốc sư.

Lúc tuổi cao, ngài về trụ trì chùa Phổ Ninh mở đàn thuyết pháp, thường lấy những dẫn dụ của kinh Pháp Hoa để giáo dục đệ tử, vì vậy người đương thời gọi sư là Ngô Pháp Hoa.

Sinh thời, ngài soạn tập sách “Chiếu đôi lục” ghi chép lại các thế hệ có công lao danh tiếng trong vườn thiền (tức tư liệu gốc của sách Thiền uyển tập anh).

Thông Biện thiền sư viên tịch năm 1134.

Nguyễn Minh Không (1076 - 1141)

Ngài mồ côi cha lúc lên 6 tuổi, mồ côi mẹ 10 tuổi. Năm 11 tuổi được Từ Đạo Hạnh đưa về chùa nuôi dưỡng. Từ Đạo Hạnh thấy Minh Không rất thông minh, nên hết lòng dạy dỗ để sau này có thể truyền y bát cho. Minh Không học Từ Đạo Hạnh gần 19 năm. Dã sử chép sự tích Minh Không sang Trung Hoa xin vua Tống đồng về đúc tượng khá ly kỳ.

Với số đồng khuyến hóa được, Minh Không dựng lên:

  1. Tháp Báo Thiên ở Hà Nội; 2. Vạc Thổ Minh ở Nam Định; 3. Phật Quỳnh Lâm ở tỉnh Đông (Hải Dương); 4. Chuông Thử lại ở tỉnh Bắc (Bắc Ninh)

Bốn bảo vật nói trên, trong Phật sử chép là: “An Nam tứ đại khí”. Ở đền thờ Minh Không, còn đôi câu đối:

“Nhất nang quát tận Bắc Kinh đồng, lục thông huyền trị.

Tứ khí dung thành Nam Việt bảo, thiên cổ kỳ quan”.

Dịch:

“Một túi gai thu sạch kho đồng của nước Trung Hoa Lầu không sáu pháp

Bốn thứ báu đúc thành của chung cho nước Việt truyền để nghìn năm”.

Nhờ có công chữa cho vua Lý Thần Tông khỏi ác bệnh, Minh Không được vua ban hiệu Quốc sư. Vua ban cho 1000 lạng vàng, 1000 khoảnh ruộng để làm hương hỏa cho chùa, ruộng này miễn thuế.

Minh Không tịch năm Tân Dậu (1141) dưới đời Lý Anh Tông. Ngày sư viên tịch không rõ, nhưng theo tục truyền các nơi thờ Minh Không đều tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng 9 âm lịch.

V. LÝ THẦN TÔNG (1128 - 1138)

Vua Lý Thần Tông, húy là Dương Hoán, cháu gọi Lý Thánh Tông bằng ông, cháu gọi Lý Nhân Tông bằng bác, con Sùng Hiền Hầu, phu nhân Đỗ Thị sinh ra. Khi mới hai tuổi, được nuôi trong cung lập làm hoàng Thái tử. Khi Nhân Tông băng, ngài lên ngôi báu, ở ngôi 11 năm.

Năm Mậu Thân (1128), tháng Hai, vua xuống chiếu tha cho các tăng đạo và nhân dân có tội phải đi đày. Tháng Năm, vua cấp độ điệp cho Đô tào lão binh là bọn Vũ Đại 4 người được làm tăng. Tháng Bảy, tiết Trung nguyên, vua ngự điện Thiên An, các quan dâng biểu mừng. Vì là ngày lễ Vu lan bồn của Lý Nhân Tông, nên không đặt lễ yến.

Kỷ Dậu, năm thứ 2 (1129), tháng Giêng, vua mở hội khánh thành 84.000 bảo tháp (tháp bằng đất nung) ở góc Thiên Phù. Tháng Mười hai năm Canh Tuất (1130) vua mở hội khánh thành chùa Quảng Nghiêm Tư Thánh, tha người có tội. Tháng Hai năm Giáp Dần (1134), cho dựng hai chùa Thiên Ninh và Thiên Thành, tô tượng Đế Thích, vua ngự đến xem.

Mùa thu, tháng Chín năm Đinh Tỵ (1137), mở hội khánh thành chùa Linh Cảm, xá người có tội trong nước.

Trong lúc trị vì, Lý Thần Tông mắc bệnh hoảng loạn kỳ lạ, sư Minh Không đã có công chữa cho vua khỏi bệnh và được phong chức Quốc sư.

VI. LÝ ANH TÔNG (1138-1175)

Lý Thần Tông mất, triều đình tôn Thái tử Thiên Lộ lên làm vua, lấy tên hiệu là Lý Anh Tông. Anh Tông là đệ tử của Không Lộ thiền sư, thuộc phái Thảo Đường, sau được truyền tâm pháp tức là tổ thứ tư của tông phái này.

Năm Giáp Tý (1144), tháng Tám, dựng hai chùa Vĩnh Long, Phúc Thánh.

Tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1149, mở hội Nhân vương ở Long Trì, đại xá người có tội.

Dưới triều đại Anh Tông, có nhiều thiền sư danh tiếng.

Bảo Giám thiền sư (?-1173)

Người họ Kiều, huý là Phù, người làng Trung Thụy, tính nết điềm đạm, giản dị, trung thực. Thuở nhỏ theo học Nho giáo, rất thông thạo các bộ kinh, thi thư, dịch lễ. Dưới đời Anh Tông ông làm quan giữ chức Cung hậu xá nhân.

Năm 30 tuổi, ông từ quan, vào chùa Vân Bảo thế phát tu hành. Ông thụ giới với Trưởng Lão thiền sư, sống một đời sống thanh đạm, mặc toàn áo gai, áo gió, trên mình không có một sợi tơ tằm.

Thiền sư có để lại 2 bài thơ ý nói về tu hành: Dịch:

Sắp tịch

Bài thứ nhất

Thành Phật khôn riêng sức giũa mài

Phải nhờ Trí tuệ tột xa vời

Nhận ra đạo Phật nơi mầu nhiệm

Chẳng khác trên không tỏ mặt trời

Bài thứ hai

Phật tựa vầng trăng ở giữa trời.

Ánh hồng bụi cát chiếu mọi nơi

Nếu ai muốn hiểu, nên phân biệt

Man mác non chiều bóng khói hơi.

Viên mông thiền sư (1080-1151)

Ngài họ Nguyễn, huý là Ức, người hương Cổ Hiền, sau dời lên phường Thái Bạch, kinh đô Thăng Long, lập nghiệp luôn tại đây. Gia đình Sư mấy đời giữ chức tăng quan, cha là Huệ Dục làm quan dưới triều Lý Nhân Tông đến chức Tả hữu nhai Tăng lục.

Sư đạo hiệu là Bảo Giác, tư chất thông minh, xuất gia từ thuở nhỏ, học đạo với Viên Học thiền sư ở chùa Quốc An, huyện Cổ Hiền. Sư được thầy truyền tâm ấn.

Năm Hội Phong thứ 6 (1097), sư đỗ đầu khoa thi Tam giáo, được bổ nhiệm giữ chức Đại văn (có nghĩa “nghe thay cho vua”).

Năm Long Phù thứ 8 (1108) lại đỗ đầu khoa Hoằng tài, chọn người bổ chức Tăng đạo. Vua Lý Thần Tông cho là bậc kỳ tài, định phong quan tước nhưng Sư cố từ.

Năm Đại Khánh thứ 3 (1112), sau khi trùng hưng ngôi chùa Diên Thọ, sư vâng mệnh vua soạn văn bia. Vua đánh giá cao tài năng của sư, thăng cho ngài chức Tả nhai Tăng lục. Năm 1130, sư được vua phong chức Hữu nhai Tăng thống. Năm 1137, khi vua mất, vâng theo di chiếu, sư được dự vào hàng Cổ mệnh đại thần, được uỷ thác các việc triều chính. Năm 1143, Sư được vua Lý Anh Tông vinh thăng Tả hữu nhai Tăng thống, nội cung phụng tri giáo môn công sự, truyền giảng văn chương, ứng chế hộ quốc quốc sư và ban hàm Tử y đại Sa môn (sư mặc áo tím).

Thiền sư có soạn một số sách còn lưu hành đến ngày nay.

  1. Thư Phật tích duyên sự
  2. Hồng chung văn bi ký
  3. Tăng già tạp lục
  4. Viên Thông tập, hơn một nghìn bài thơ.

Ngày 21-4 năm Tân Mùi (1151), sư họp chúng từ biệt, không bệnh mà tịch, thọ 72 tuổi.

VII. LÝ CAO TÔNG (1176-1210)

Lý Anh Tông mất, Lý Cao Tông lên nối ngôi nhưng còn nhỏ. Tô Hiến Thành được cử làm Phụ chính.

Năm Đinh Mùi (1187) tháng Tư, có nhà sư ở Tây Vực đến. Vua xuống chiếu hỏi sư ấy có tài năng gì, trả lời có tài sai bảo được hổ. Bảo thử tài, không hiệu nghiệm.

Năm Mậu Thân (1188), tháng Năm, vua thân ngự đến chùa Pháp Vân ở Duyềnh Bà (Liên Lâu), Bắc Ninh để đảo vũ, nhân rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên ở kinh thành Thăng Long.

Năm 1189, Cao Tông thực hiện chính sách cấm không cho đem mắm muối và đồ sắt lên bán đổi ở đầu nguồn, làm cho nền kinh tế đình đốn. Trong nước thường xảy ra hạn hán, động đất, giặc giã bốn phương... nhiều năm mất mùa, dân bị chết đói nhiều. Quốc khố thì cạn kiệt, lấy đâu ra tiền để dựng chùa như những đời vua trước.

Dưới triều Cao Tông, có những thiền sư danh tiếng như:

mường Chiếu thiền sư (?-1203)

Ngài họ Phạm, sinh tại xã Phù Minh (tục gọi là làng Nành). Dưới triều Lý Cao Tông, ông làm đến chức Đô tào, sau từ quan về xuất gia theo Quảng Nghiêm thiền sư tu học, đến trụ trì ở chùa làng Hương Mặc, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông mở trường dạy học, học trò đến thụ giáo rất đông. Ông có soạn cuốn: “Nam thiên tư tháp đồ”.

Ông còn để lại một bài kệ:

Dịch:

Đạo vốn không nhan sắc,

Ngày phô vẻ mới tươi;

Cả hà sa thế giới,

Đâu cũng nhà đó thôi.

(Đào Phương Bình, Nguyễn Đức Vân)

Trí miền thiền sư

Ông họ Lê, tên tục là Thước, dòng dõi nhà quan, theo học Nho giáo từ nhỏ. Được phong chức Cung hậu thư gia. Năm 27 tuổi được nhà sư Giới Không giảng kinh Kim Cương. Khi nghe đến câu: “Hết thẩy các pháp đều do người làm ra, hầu như giấc mơ cảnh huyễn, bọt nước, cái bóng, như hạt móc, như luồng chớp”. Ông liền giác ngộ, xuất gia và tu ở một chùa thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh.

Vua Anh Tông và Cao Tông nhiều lần vời ông ra làm quan ông đều khước từ. Thái uý Tô Hiến Thành và thái bảo Ngô Hòa Nghĩa rất mến phục ông.

Ông để lại một bài thơ có ý dạy bảo hai vị quan nói trên:

Dịch:

Như muốn lìa xa cõi bụi hồng,

Vẳng nghe lời diệu, hãy vui lòng;

Đuổi ngoài nghìn dặm niềm tham muốn,

Để lẽ huyền vi chứa ở trong.

(Ngô Tất Tố)

VIII.  LÝ HUỆ TÔNG (1211-1225)

Lý Cao Tông mất, Lý Huệ Tông lên nối ngôi. Dưới triều Huệ Tông, trong nước có loạn, nhân dân sống trong sự lo sợ bất yên. Phật giáo cũng bị ảnh hưởng.

Năm 1224, Huệ Tông thoái vị và truyền ngôi cho con gái là công chúa Phật Kim, tức Lý Chiêu Hoàng, rồi xuất gia tại chùa Thân Giáo, tự xưng là Huệ Quang đại sư.

Dưới thời nhà Lý, các dòng thiền Tì ni đa lưu chi và Vô Ngôn Thông tiếp tục truyền thừa, phát triển mạnh mẽ, đồng thời xuất hiện dòng thiền mới. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông lập thiền phái Thảo Đường, truyền thừa được 5 đời (4).

Cả ba dòng thiền này đều có sự thích ứng với tâm thức người Việt, đem lại cho Phật giáo Việt Nam thời Lý một diện mạo mới. Đó là sự kết hợp của Thiền tông, Mật tông và Tịnh Độ tông trong quá trình tu tập và phát triển. Tư tưởng từ bi, bố thí của Phật giáo luôn là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt và có ảnh hưởng lớn đến cách ứng xử của nhân dân, của vương triều đối với nhân dân.

Ngoài việc xây dựng chùa chiền, tô tượng, đúc chuông, nhà nước còn thường xuyên tổ chức các lễ hội liên quan đến Phật giáo. Các lễ hội lớn được tổ chức như lễ hội La Hán tổ chức vào các năm 1012, 1056, lễ hội Nhân vương tổ chức vào các năm 1012, 1077, 1126; hội khánh thành bảo tháp, lễ hội đèn Quảng Chiếu… Lễ hội đèn Quảng Chiếu có từ thời Đinh-Tiền Lê được nhà Lý tổ chức nhiều hơn. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng đền Quang Lộc, lợp ngói bằng bạc, lại dựng riêng điện Càn Nguyên để vua ra chơi xem đèn” (5).

Dưới triều Lý, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến phong tục của nhân dân, từ vương triều đến nhân dân đều ứng xử trên tinh thần đạo Phật. Các sách Toàn thư, Việt sử lược nhiều lần chép về hành động từ bi của các vị vua triều Lý như việc khoan hồng cho các người em của mình, thả kẻ phản loạn Nùng Trí Cao, xót thương người có tội… Hoàng thái hậu Linh Nhân dành những năm tháng còn lại của mình để chuộc những lỗi lầm mà mình gây ra bằng việc hưng công xây dựng hàng trăm ngôi chùa, cứu vớt kẻ nợ nần, gả chồng cho phụ nữ cô đơn… tất cả là nhờ vào đạo Phật.

Còn tiếp…

Tác giả: Nguyễn Đại Đồng trích sách: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nhà xuất bản Tôn Giáo.

***

Chú thích:

(1). 9 đời vua lý gồm: Lý Thái Tổ (1009-1028), niên hiệu Thuận Thiên; Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072- 1127); Lý Thần Tông (1128-1138); Lý Anh Tông (1138-1175); Lý Cao Tông (1176-1210); Lý Huệ Tông (1211-1224) và Lý Chiêu Hoàng (1224-1225).

(2). Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Văn hóa Thông tin, 2004.

Theo chúng tôi Cao Huy Giu dịch là viết kinh Tam Tạng có lẽ chưa đúng ngữ cảnh. Vì, sau khi Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang Trung Quốc xin được kinh Tam Tạng về, nhà vua xuống chiếu cho sao chép thành một bộ nữa.

(3). Đại bi tâm Đà La Ni: Bài thần chú Mật giáo.

(4). Theo Thiền uyển tập anhAn Nam chí lược thì thiền sư Thảo Đường là đệ tử của thiền sư Trùng Hiển (980-1052) thuộc thế hệ thứ ba của thiền phái Vân Môn, núi Tuyết Đậu, thuộc tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Sau ngài được vua nhà Tống ban hiệu là Minh Giác đại sư. Thiền sư Thảo Đường theo thầy sang đất Chiêm Thành và không may bị bắt làm tù binh trong lần vua Lý Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành. Một hôm, vị quan Tăng lục phát hiện quyển Ngữ lục bị sửa, dò hỏi mới biết sư Thảo Đường. Sau vua Thánh Tông gọi hỏi và cho trụ trì chùa Khai Quốc ở Thăng Long. Số đệ tử theo học Thiền sư Thảo Đường mỗi ngày mỗi đông và hình thành nên dòng thiền thứ ba ở Việt Nam. Đời thứ 1: Thảo Đường, Lý Thánh Tông; đời thứ 2: Ngộ Ích, Thiệu Minh, Không Lộ, Định Giác; đời thứ 3: Đô Vũ, Phạm Âm, Lý Anh Tông, Đỗ Đô; đời thứ 4: Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Đỗ Thường và đời thứ 5: Hải Tỉnh, Lý Cao Tông, Nguyễn Thức và Phạm Ngự.

(5). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, tr.305.