CHƯƠNG 5: PHẬT GIÁO THỜI ĐINH (968-980) VÀ TIỀN LÊ (980-1009)

Bối cảnh lịch sử

Thế kỷ thứ X đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử của nước ta. Họ Khúc với Khúc Thừa Dụ đã kết thúc về cơ bản ách thống trị của phong kiến phương Bắc.

Chiến thắng Bạch Đằng dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền năm 938 mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta, thời kỳ phát triển của quốc gia phong kiến độc lập Việt Nam.

Năm 944, Ngô Quyền mất, chính quyền Trung ương suy yếu, các lực lượng phong kiến nổi dậy, mỗi nhóm hùng cứ một phương, tranh giành nhau, chia cắt đất nước. Đến 965, chính quyền Trung ương tan rã và trong nước hình thành mười hai lực lượng chia cắt giang sơn.

Sự sống còn của dân tộc, nền độc lập của đất nước đòi hỏi phải chấm dứt loạn mười hai sứ quân, khôi phục và thống nhất quốc gia, khôi phục chế độ Trung ương tập quyền.

Đó là một yêu cầu cấp bách.

Người đứng ra nêu cao ngọn cờ thống nhất quốc gia và hoàn thành nhiệm vụ lịch sử đó là Đinh Bộ Lĩnh. Sau khi dẹp được loạn mười hai sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế lấy tên là Đinh Tiên Hoàng, lấy niên hiệu là Thái Bình nguyên niên (970) và bắt đầu kiến thiết lại đất nước.

  1. Phật giáo thời Đinh (968-980)

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) làm kinh đô.

(Ảnh: Internet)

Lúc bấy giờ, nhà Đinh nắm quyền cai quản Đại Cồ Việt trong điều kiện thế và lực chưa đủ mạnh, nạn cát cứ bị dẹp nhưng mầm mống vẫn còn. Nhà Tống ở phương Bắc luôn rình rập xâm lược, bởi vậy, hình phạt của nhà Đinh rất nặng và dã man mang tính răn đe khốc liệt.

Sử ghi, thời Đinh “Vua đặt vạc dầu lớn ở sân triều, nuôi hổ trong cũi, hạ lệnh rằng kẻ nào phạm pháp sẽ bị nấu trong vạc dầu, bị hổ ăn thịt” (1).

Phật giáo trong thời gian này đã được truyền bá rộng rãi trong nhân dân. Các tầng lớp quần chúng dân gian thì tìm thấy ở đạo Phật một niềm an ủi cho đời sống khổ cực của mình, sau hơn 1000 năm sống dưới ách thống trị hà khắc của phong kiến phương Bắc và sau những năm trong nước bị loạn lạc do các lực lượng phong kiến chia rẽ, gây bè phái đánh nhau tranh giành quyền thế.

Đạo giáo cũng được phong kiến Trung Hoa cho xâm nhập vào nước ta trong thời kỳ đô hộ, nhưng bấy giờ chỉ phổ cập trong các tầng lớp trên.

Lúc này, tăng sĩ giữ một vai trò quan trọng. Họ là một lực lượng chính trị và kinh tế vững vàng, nắm độc quyền về văn hóa nghệ thuật. Cùng với việc các vua Đinh, Tiền Lê sử dụng các thiền sư - trí thức của dân tộc lúc bấy giờ, vào việc trị vì đất nước tất sẽ chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Và, thực tế nhà Đinh và tiếp theo là nhà Tiền Lê đã lấy tư tưởng Phật giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo để trị nước, tức là Phật giáo giữ địa vị độc tôn dưới triều Đinh và Tiền Lê.

Khi Đinh Tiên Hoàng quy định thứ bậc cấp văn võ, thì cũng triệu tập tăng sĩ. Các tăng sĩ tài giỏi được vào hoàng thái miếu. Đinh Tiên Hoàng còn ấn định phẩm trật cho các tăng sĩ, ban chức Đại sư cho thiền sư Ngô Chân Lưu, chức Tăng lục đạo sĩ cho pháp sư Trương Ma Ni, chức Sùng Chân uy nghi cho pháp sư Đặng Huyền Quang. Phật giáo nước ta được triều đình công nhận từ đó và tăng sĩ có định giai phẩm khi ấy cũng là lần đầu tiên.

Trong nước nhiều chùa tháp được xây dựng. Đại sư Khuông Việt đã cho mở mang chùa Khai Quốc (tức chùa Trấn Quốc), biến nơi đây thành một trung tâm truyền thụ Phật giáo lớn dòng thiền Vô Ngôn Thông ở vùng Đại La.

Tại kinh đô Hoa Lư nhiều chùa được dựng lên phục vụ cho việc tu hành và hoằng dương Phật pháp:

- Chùa Tháp, nay chỉ còn thấy di tích trên nền cũ ở ven sông Hoàng Long. Trong số đá tảng chân cột, có viên hình vuông với cạnh đến 106cm và đế tròn kê cột có đường kính 68cm. Như vậy, kiến trúc chùa xưa hẳn rất lớn.

- Chùa Bà Ngô, mà tấm bia đá thời nhà Nguyễn ở chùa có ghi: “Chùa Bà Ngô trong ấp ta là một danh lam ở kinh đô cũ nước Cồ Việt”. Chùa thờ Bà Ngô, một nữ thần. Có lẽ Phật giáo ở Hoa Lư cũng gắn liền với sự sùng bái các nữ thần nông nghiệp như ở trung tâm Luy Lâu, Bắc Ninh.

- Chùa Nhất Trụ hiện nay không còn giữ được dấu vết gì của kiến trúc cổ. Những cây cột đá tám mặt cao 416 cm, khắc bài thần chú kinh Lăng Nghiêm và các bài kệ dựng năm 995, vẫn còn ở trước chùa, có lẽ đã được dựng cùng thời với ngôi chùa cổ.

Năm 1963, khi đào đất đắp đê sông Hoàng Long đoạn chảy qua Trường Yên, đã phát hiện thạch kinh (cột kinh bằng đá), phần lạc khoản có 43 chữ: “Ngộ hối nhất thiết tiên linh mộc trượng lương nhân siêu linh hạ thoát. Thời Quý Dậu tuế, đệ tử Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn kính tạo bảo tràng nhất bách tòa kinh... sát vong hạ”.

Dịch nghĩa: Nếu biết hối cải thì vong linh tiên tổ sẽ trông chờ được duyên lành mà thoát kiếp luân hồi. Bây giờ là năm Quý Dậu (973), đệ tử Tĩnh hải Tiết độ sứ Nam Việt vương Đinh Liễn kính tạo 100 tòa kinh tràng, cầu mong cho vong linh người chết được siêu thoát.

Đây là những kinh tràng khắc nội dung Phật đỉnh tôn thắng Đà La Ni và “cột kinh tràng Phật đỉnh tôn thắng Đà La Ni” năm 973 tìm thấy ở Hoa Lư chứng minh sự tồn tại của yếu tố Mật giáo ở Việt Nam vào thế kỷ X...

Giáo sư Hà Văn Tấn cho rằng: “Tuy ở Hoa Lư vào thế kỷ X có những kinh điển Mật giáo, chúng tôi vẫn nghĩ rằng bấy giờ không hẳn đã có những nhà sư Mật tông mà chính các thiền sư đã sử dụng những kinh điển đó. Theo chúng tôi, Thiền giáo chịu ảnh hưởng của Mật giáo, tiếp thu các yếu tố Mật giáo chính là một đặc điểm của Phật giáo Việt Nam” (2).

Từ năm 1963 đến nay, cả thảy có 40 cột kinh Phật được đưa lên khỏi lòng đất, đã chuyển quản tại Bảo tàng Ninh Bình, trong đó có 6 cột kinh nguyên vẹn nhất trưng bày cho khách xem.

  1. Phật giáo thời Tiền Lê (980-1009)

Năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị thái giám Đỗ Thích ám hại. Mùa thu năm Canh Thìn (980), nhân lúc nội bộ nhà Đinh lục đục, nhà Tống đem quân sang xâm lược nước ta. Vì lợi ích của dân tộc, thái hậu Dương Vân Nga (vợ Đinh Tiên Hoàng, mẹ đẻ của Đinh Toàn thể theo nguyện vọng của các tướng sĩ, đã trao áo “Long Cổn” (ngôi vua) cho Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn, tức là Lê Đại Hành.

Sau khi lên ngôi, Lê Đại Hành chỉ huy quân và dân cả nước đánh bại quân Tống xâm lược, lại tìm cách hòa hiếu với nhà Tống. Nhà vua sắc “cho em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký Hoàng Thanh Nhã đem con tê ngưu trắng sang biếu vua Tống dâng biểu xin cửu kinh và kinh Đại Tạng. Nhà Tống ưng thuận cho cả”. (3)

Đây là lần đầu tiên nước ta cho sứ giả đi thỉnh kinh ở Trung Quốc.

Nhà Tiền Lê vẫn tiếp tục trọng dụng các bậc cao tăng. Dưới thời vua Lê Đại Hành, việc nước, việc quân ở triều đình đều mời đại sư Khuông Việt tham gia. Bên cạnh Khuông Việt, thiền sư Pháp Thuận cũng là một cố vấn quan trọng của Lê Đại Hành: “Trong buổi đầu, khi nhà Tiền Lê mới sang nghiệp, sư có công dựng bàn hoạch định sách lược. Khi thiên hạ thái bình, sư không nhận chức tước của triều đình phong thưởng. Vua Lê Đại Hành lại càng thêm kính trọng, thường không gọi tên mà gọi là Đỗ Pháp sư, thường uỷ thác cho sư các công việc văn hàn”. (4)

Đáp lại sự trọng thị của nhà vua, các bậc danh tăng cũng ra sức khuông phò xã tắc:

“Năm Thiên Phúc thứ nhất (981), khi quân Tống sang xâm lược nước ta. Trước đó, vua đã biết chuyện này, bèn sai sư (đại sư Khuông Việt) đến đền cầu đảo xin thần phù hộ. Quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh. Đến đây, bọn chúng lại thấy sóng gió nổi lên ùn ùn, giao long nhảy tung trên mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy”.

Khuông Việt đại sư và Pháp Thuận còn đảm nhiệm công tác ngoại giao đón tiếp sứ thần nước Tống. Tài ngoại giao và văn thơ của hai vị làm sứ thần nhà Tống phải khâm phục và muốn kết hòa hiếu với nước ta.

Các thiền sư còn lập đạo tràng để thuyết pháp truyền bá đạo Phật. Ảnh hưởng của đạo Phật đi sâu rộng vào quần chúng nhân dân. Văn học nghệ thuật thời này cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo.

  1. Các danh tăng

Khuông Việt đại sư

Đại sư họ Ngô, pháp hiệu là Chân Lưu, trụ trì ở chùa Phật Đà. Lúc nhỏ theo Nho học, lớn lên xuất gia thụ giới với Văn Phong thiền sư ở chùa Khai Quốc. Ngài nghiên cứu sâu vào Thiền tông, năm 40 tuổi được vua Đinh Tiên Hoàng mời vào cung hỏi đạo, Khuông Việt ứng phó lưu loát, được nhà vua mến phục và phong chức Tăng thống (970). Năm sau (971) vua lại phong cho chức Đại sư (5).

Đến đời Lê Đại Hành, Đại sư càng được tôn trọng vua Lê thường mời Đại sư vào cung hỏi han việc nước.

Năm 986 nhà Tống cho sứ giả là Lý Giác sang thăm nước ta. Vua Lê Đại Hành sắc Khuông Việt đại sư ra tiếp đón.

Khi Lý Giác trở về nước, có làm một bài thơ tặng vua Lê. Thơ rằng (dịch):

May gặp minh quân giúp việc làm

Một mình hai lượt xứ miền Nam

Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ

Muôn dặm non sông mắt chửa nhàm

Ngựa đạp mây bay qua suối đá

Xe ròng núi chạy tới giòng lam

Ngoài trời lại có trời soi rạng

Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầm.

Vua Lê Đại Hành đưa bài thơ cho Khuông Việt đại sư xem và hỏi ý sứ giả muốn nói gì?

Khuông Việt tâu: Câu thứ bảy trong bài thơ có ý tôn trọng nhà vua như vua của nước họ vậy. Vua Lê bèn lệnh cho Khuông Việt làm một bài thơ tặng lại Lý Giác. Khuông Việt vâng lệnh và làm một bài thơ theo điệu Tống vương long quy tức là tiễn đưa Ngọc Lang về nước.

Khuông Việt ở triều vua Lê ít lâu, cáo lão xin về dựng một ngôi chùa ở núi Du Hý, mở trường thuyết pháp, học trò đến học rất đông, trong số đó có Đa Bảo thiền sư là đệ tử thân tín và sau được ngài truyền tâm pháp.

Năm Thuận Thiên thứ hai đời nhà Lý, ngày rằm tháng Hai, Khuông Việt gọi Đa Bảo đến và đọc bài kệ như sau:

Dịch:

Trong cây vốn có lửa

Tia lửa mới sáng lòa

Nếu bảo cây không lửa

Cọ xát sao lại ra?

Đa Bảo hiểu thâm ý của sư phụ, liền sụp xuống lạy Khuông Việt đại sư. Sau đó Khuông Việt chắp tay rồi tịch, thọ 81 tuổi và là tổ thứ tư của phái Vô Ngôn Thông.

Pháp muận thiền sư

Thiền sư họ Đỗ, xuất gia từ thuở nhỏ, thụ giới với Long Thọ Phù Trì thiền sư. Nhà Tiền Lê lên nắm chính quyền, Pháp sư thường được mời vào cung bàn việc nước. Lê Đại Hành gọi ông là Đỗ Pháp sư. Năm 966, nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang nước ta, vua Lê sắc ngài cải trang làm người chèo đò cho sứ giả.

Tình cờ lúc đó có hai con ngỗng bơi dưới nước. Lý Giác tức cảnh ngâm hai câu thơ:

Nga nga lưỡng nga nga/Ngưỡng diện hướng thiên nha.

Dịch:

Song song ngỗng một đôi/Ngửa mặt ngó ven trời

Pháp Thuận đang chèo thuyền, liền ngâm tiếp:

Bạch mao phô lục thủy/ Hồng trại bãi thanh ba.

Dịch:

Lông trắng phơi dòng biếc/Sóng xanh chân hồng bơi.

Lý Giác tỏ ra rất khâm phục tài ứng đối của Pháp Thuận.

Vua Lê thường hỏi Pháp sư về vận nước. Pháp sư đọc bài kệ như sau:

Quốc tộ như đằng lạc/Nam thiên lý thái bình/Vô vi cư điện các/Xứ xứ dứt đao binh.

Dịch:

Vận nước như dây quấn/ Trời Nam mở thái bình/Rảnh rang trên điện các/Chốn chôn dứt đao binh.

Năm 990 niên hiệu Hưng Thống nhà Tiền Lê năm thứ hai, Thiền sư không bệnh mà tịch, thọ 76 tuổi. Lúc đương thời, Thiền sư có soạn cuốn “Bồ tát hiệu sám hối văn”. Ngài là tổ thứ mười của thiền phái Tì ni đa lưu chi.

Năm 1004, Lê Long Đĩnh tức Lê Ngọa Triều lên ngôi. Những hành động bạo ngược của ông làm cho lòng người vô cùng oán hận. Ngọa Triều làm vua được bốn năm thì mất, chấm dứt nhà Tiền Lê.

Triều đình đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, lập nên nhà Lý.

* * *

(Ảnh: Internet)

Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê thuộc về hai thiền phái Tì ni đa lưu chi và Vô Ngôn Thông. Song, đời sống Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê còn là sự kết hợp với Tịnh Độ tông, Mật tông và tín ngưỡng dân gian. Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê là sự kế thừa tinh hoa Phật giáo thời kỳ Bắc thuộc mà một trong nét nổi bật là gắn bó với dân tộc, hun đúc tinh thần dân tộc, tạo nền tảng tư tưởng cho những cuộc khởi nghĩa đấu tranh giành độc lập dân tộc mà đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng lịch sử của Ngô Quyền vào năm 938, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Phật giáo Việt Nam hơn một nghìn năm Bắc thuộc dần dần tạo nên tinh thần nhập thế. Tinh thần nhập thế thể hiện rõ nhất trong tư tưởng của hai thiền phái Tì ni đa lưu chi và Vô Ngôn Thông. Với thiền phái Tì ni đa lưu chi là phá chấp, không chấp trước, còn là sự kết hợp với Mật tông, phù chú, sấm vĩ. Đến thời Đinh tính Mật tông nổi trội. Các thiền sư của hai thiền phái Tì ni đa lưu chi và Vô Ngôn Thông thấm nhuần, kế thừa tư tưởng vô trụ vào đời sống tu tập cũng như phục vụ dân tộc. Từ phương diện lý thuyết, các thiền sư mà tiêu biểu là Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh có những hoạt động nhập thế tích cực trên nhiều lĩnh vực: chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao.

Một số thiền sư còn là những nhà thiền học nổi tiếng với những bài kệ mang tính chính luận hoặc những bài kệ thấm đẫm thiền học về sinh tử luân hồi, về kiếp người. Bài thơ Quốc tộ (vận nước) của Pháp Thuận được xem là tác phẩm mở đầu cho nền văn học viết của nước Việt Nam thời kỳ tự chủ.

Với việc tham gia chính sự của các thiền sư mà tiêu biểu là Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê đã đặt nền móng vững chắc cho Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. (6)

Còn tiếp…

Tác giả: Nguyễn Đại Đồng trích sách: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nhà xuất bản Tôn Giáo. 

***

Chú thích:

(1). Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006.

(2). Hà Văn Tấn, Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 76, tháng 7 năm 1965.

(3). Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb Giáo Dục, 2007.

(4). Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga dịch, Thiền uyển tập anh, Phân viện NCPH Việt Nam tại Hà Nội và Nxb Văn học, 1990.

(5). Có sách (ngay cả Khâm định Việt sử thông giám cương mục) viết “Khuông Việt được phong chức Thái sư”. Tra trong Đại Việt sử ký toàn thư không có việc này. Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết tới thời vua Lê Đại Hành không đặt chức Thái sư.

(6). Nguyễn Đại Đồng-Nguyễn Hồng Dương-Nguyễn Phú Lợi (Đồng chủ biên), Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Nxb Tôn giáo, 2017, tr77-78.