I. ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

Việt Nam nằm trong bán đảo Đông Dương, thuộc vùng Đông Nam châu Á. Lãnh thổ Việt Nam chạy dọc bờ biển phía Đông của bán đảo này.

Phần đất liền của Việt Nam hẹp bề ngang, chạy dài theo chiều Bắc-Nam, hình cong như chữ S. Khoảng cách giữa cực Bắc (Lũng Cú, tỉnh Hà Giang) và cực Nam (mũi Cà Mau) theo đường chim bay là 1650 km. Chỗ chiều ngang hẹp nhất ở Quảng Bình chỉ chưa đầy 50 km. Việt Nam có đường biên giới đất liền dài 4.550 km: phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Campuchia và Lào, phía Đông giáp biển Đông; Nam giáp vịnh Thái Lan.

Diện tích Việt Nam là 331.698 km², bờ biển dài khoảng 3.260 km, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam. Phần Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam mở rộng về phía Đông và Đông Nam, có thềm lục địa, các đảo và quần đảo lớn nhỏ bao bọc. Chỉ riêng Vịnh Bắc Bộ đã tập chung một quần thể gần 3.000 hòn đảo trong khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, các đảo Cát Hải, Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ... Xa hơn là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phía Tây-Nam và Nam có các nhóm đảo Côn Sơn, Phú Quốc và Thổ Chu.

Địa hình Việt Nam rất đa dạng theo các vùng tự nhiên. Núi rừng chiếm độ 40%, đồi 40%, và độ che phủ khoảng 75%. Đồng bằng chiếm một phần tư diện tích, gồm các đồng bằng châu thổ như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và các vùng đồng bằng ven biển như Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Đồng bằng là nơi tập trung dân cư đông đúc. Nhìn tổng thể Việt Nam gồm ba miền với miền Bắc có cao nguyên và vùng châu thổ sông Hồng, miền Trung là phần đất thấp ven biển, những cao nguyên theo dãy Trường Sơn, và miền Nam là vùng châu thổ Cửu Long. Điểm cao nhất Việt Nam là 3.143 mét, tại đỉnh Phan Xi Păng, trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Diện tích đất canh tác chiếm 17% tổng diện tích đất Việt Nam.

Nước Việt Nam lại ở vào một khu vực ngã ba đường của Đông Nam Á, nên trở thành một nơi tiếp xúc giữa nhiều bộ lạc nhân chủng khác nhau, đồng thời là nơi giao lưu giữa nhiều luồng văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau.

II. DÂN TỘC VIỆT NAM

(Ảnh: Internet)

Dân tộc Việt Nam đã có ngót 4000 năm lịch sử, bắt đầu bằng họ Hồng Bàng (2879 - 258 trước Công nguyên) gồm 20 đời vua:

Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân và 18 đời Vua Hùng.

Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, thì các nhà nghiên cứu sử học đưa ra nhiều giả thuyết.

  1. Có nhà sử học cho rằng dân tộc Việt Nam, cội gốc từ Tây Tạng, theo lưu vực sông Hồng mà đi dần dần xuống miền châu thổ Bắc Việt Nam.
  2. Lại có nhà sử học cho rằng tổ tiên dân tộc Việt Nam là giống người Việt ở miền hạ lưu sông Dương Tử, bị nước Sở (đời Xuân Thu, Trung Quốc) đánh đuổi phải chạy xuống phương Nam Quảng Đông, Quảng Tây rồi đi lần xuống lưu vực sông Nhĩ Hà (Bắc Việt) cho đến Trung Việt (nước Việt Nam thời bấy giờ gồm có Quảng Đông, Quảng Tây cho đến Bắc và Trung Việt).
  3.  
  4. Có nhà sử học cho rằng ở đời tối thượng cổ, có giống người Indonesia bị giống người Aryans đuổi từ Ấn Độ xuống bán đảo Ấn Độ - China. Giống người Indonesia này đánh đuổi người thổ dân ở bán đảo này từ lâu là giống Milanesies, rồi một phần ở lại trên bán đảo Ấn Độ - China, còn một phần đi thẳng xuống quần đảo Indonesia. Phần ở lại phía Bắc bán đảo Ấn Độ-China hỗn hợp với giống người Mông Cổ và thành người Việt Nam, chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, phần ở lại phía Nam bán đảo Ấn Độ - China, thành người Cao Miên và Chiêm Thành, chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.

Dân tộc Việt Nam, mặc dầu từ một trong ba nguồn gốc nói trên, nhưng dù nguồn gốc nào đi nữa, thì cũng đã sinh sống trên bán đảo Ấn Độ-China ngót 4000 năm lịch sử, đã đổ mồ hôi hy sinh xương máu để cùng nhau dựng nước, giữ nước và xây dựng nên tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

Trong quá trình lao động sản xuất, khắc phục thiên nhiên và chiến đấu chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam thể hiện một phẩm chất cao quý: có lòng yêu nước nồng nàn, có ý chí kiên cường bất khuất, có tinh thần đoàn kết thương yêu nhau. Có trí thông minh, có tinh thần cần cù và sáng tạo trong lao động, khôn ngoan và dũng cảm trong đấu tranh chống thiên tai, nhẫn nại chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, sống giản dị và hồn nhiên.

III. PHẬT GIÁO DU NHẬP VIỆT NAM

Hình minh họa (ảnh: Internet)
Hình minh họa (ảnh: Internet)

Phật giáo du nhập Việt Nam vào thời điểm nào, thực khó để biết được chính xác, vì sử liệu không nói rõ.

  1. Chử Đồng Tử người Phật tử Việt Nam đầu tiên

Sách Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh (thế kỷ XIII), chép truyện Đầm Nhất Dạ: Hai vợ chồng Tiên Dung và Chử Đồng Tử bị vua cha đuổi khỏi nước bèn lập ra một cái chợ để buôn bán. Một ngày kia, Đồng Tử theo thuyền một khách buôn ngoại quốc ra khỏi xứ. Thuyền buôn ghé lại một hòn núi tên Quỳnh Viên tức núi Nam Giới, nơi cánh lái buôn thường ghé thuyền vào đó lấy nước ngọt. Nhân khi trời quang mây tạnh, lại thấy lòng thư thái, chàng lần theo lối mòn lên núi ngắm cảnh, chẳng mấy chốc Đồng Tử đã lên tới đỉnh núi, thấy có một thảo am bèn ghé vào thăm. Chàng được vị sư trụ trì tên là Phật Quang tiếp đón ân cần và thuyết pháp cho nghe nên giác ngộ. Sư lại truyền pháp khí là chiếc gậy và chiếc nón lá, cho Đồng Tử, và dặn: “Các việc linh thông đều ở đó rồi”. Khi về gặp lại nhau, Đồng Tử đem đạo Phật nói với Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ và hai vợ chồng cùng nhất trí bỏ nghề buôn, đi tìm thầy học đạo. Chử Đồng Tử trở thành người Phật tử Việt Nam đầu tiên, được suy tôn là Chử Đạo Tổ - ông Tổ của đạo Phật Việt Nam. Và, được thờ phụng tại đình, đền ở 72 làng xã thuộc các tỉnh vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình.

Theo Lê Mạnh Thát thì núi Quỳnh Viên, tại Nam Giới hay cửa Sót, giáp giới với Chiêm Thành và thời vua Hùng lúc đó “có khả năng là Hùng Nghị Vương thứ nhất hoặc thứ hai, tức khoảng thế kỷ thứ II-III trước dương lịch”.(1)

  1. Sự tích Tứ Pháp

Sự tích Tứ Pháp do dân gian truyền miệng từ đời này qua đời kia tới nay, ngót hai nghìn năm, tất nhiên có nhiều điều thêm thắt ly kỳ nên đượm mầu thần thoại, huyền hoặc như câu chuyện cổ tích.

Có những phả, lục, kinh, sách cổ ghi, chép, bàn soạn về Tứ Pháp như: Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XIII), An Nam chí lược (thế kỷ XVI), Pháp Vũ ngọc phả (thế kỷ XVII), Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục, Kiến văn tiểu lục (thế kỷ XVIII); Tứ Pháp liệt Thánh sự tích (?), Bắc Ninh phong thổ tạp ký, v.v...

Những tài liệu này có khác nhau chút ít về chi tiết nhưng sự kiện lịch sử hoàn toàn giống nhau, có thể đúc kết lại như sau:

Cuối đời Hán Hiến đế (từ 190-220), Trung Quốc đại loạn, các tập đoàn phong kiến địa phương cát cứ đánh nhau, cuối cùng phân chia thành ba nước (tam quốc): Nguỵ, Thục, Ngô.

Giao Châu và trị sở Luy Lâu thời ấy là nơi tụ hội của người bốn phương đến làm ăn, buôn bán, là nơi mà nhiều sĩ phu từ phương Bắc tìm sang lánh nạn, nơi trú vãng của các Tăng lữ Tây Trúc trên đường đi truyền đạo sang các nước phương Đông.

Theo truyền thuyết và theo cuốn “Cổ Châu Phật bản hành” soạn năm 1752 (năm Cảnh Hưng thứ 13) bằng chữ Nôm (2), thì bên kia sông Đuống, thuộc bờ Bắc có chùa Linh Quang thuộc xã Phật Tích, có một nhà sư Ấn Độ tên là Khâu Đà La (3) đến lập am tu hành và thuyết pháp. Và bên này sông Đuống, ở làng Mãn Xá (xã Hà Mãn) có gia đình Tu Định sinh một gái đầu lòng đặt tên là Man Nương.

Man Nương lớn lên, được cha mẹ (là những người rất phục pháp lực của Khâu Đà La) cho đến thụ giáo ông. Một ngày kia, Khâu Đà La thuyết pháp về, thấy Man Nương ngủ thiếp ở cửa phòng mình, mới vô ý bước qua, từ đó Man Nương thụ thai. Man Nương về thú thật với cha mẹ, ông bà Tu Định bèn sang chùa trách cứ Khâu Đà La. Nhà sư tìm lời an ủi vợ chồng Tu Định. Được ít lâu Man Nương sinh ra một gái. Sau khi sinh, Man Nương bèn ôm con đến chùa trả cho Khâu Đà La. Khâu Đà La đem nó bỏ vào hốc cây Dung Thụ (4) trong sân chùa. Mấy năm sau, mưa bão làm đổ Dung Thụ, cây trôi trên sông Dâu, giạt vào bờ không trôi được nữa, mặc dầu trai làng lấy sào đẩy đi, vừa lúc Man Nương ra sông, Dung Thụ rập rình dưới nước như con mừng đón mẹ.

Thái thú quận Giao Châu là Sĩ Nhiếp biết chuyện trên, bèn đem “Dung Thụ” giao cho tốp thợ họ Đào tạc thành bốn pho tượng. Sau khi thợ tạc xong bốn pho tượng, Sĩ Nhiếp làm lễ an vị và đặt tên hiệu. Pho thứ nhất là Pháp Vân, vì khi làm lễ có mây ngũ sắc đến che trên chùa, chùa cũng mang tên là Pháp Vân, còn gọi là chùa Thiền Định, chùa Diên Ứng, Cổ Chân tự, chùa Dâu. Pho thứ hai, khi làm lễ an vị thì trời đổ mưa, nên đặt là Pháp Vũ, nay thờ ở chùa Thành Đạo, còn gọi là chùa Pháp Vũ hay chùa Đậu. Pho thứ ba, khi làm lễ an vị thì trời nổi cơn dông, có sấm dậy, nên đặt tên hiệu là Pháp Lôi, thờ ở chùa Phi Tướng. Pho thứ tư, khi làm lễ an vị thì trời nổi sấm chớp, nên đặt tên hiệu là Pháp Điện, thờ ở chùa Thương Quan còn gọi là chùa Dàn.

Ở đây chúng ta thấy dùng danh từ chùa để chỉ nơi thờ Tứ Pháp, vì ở bốn nơi này đều có thờ Phật. Kiến trúc các chùa này có một điểm độc đáo là sau tòa thờ Phật, có điện thờ Tứ Pháp, theo thể thức “tiền Phật hậu Thánh”, nơi thờ Tứ Pháp còn gọi là cung cấm, người thường không được phép vào.

Kiểu chùa đặc biệt này là do ảnh hưởng của Bà la môn giáo thờ thiên thần và chính Khâu Đà La thuộc dòng Bà la môn.

Có thể nói, tín ngưỡng thời bấy giờ, chưa phải là Phật giáo thuần túy, mà là một tự nhiên giáo, thờ những hiện tượng thiên nhiên được nhân cách hóa thành các vị thần (thần mưa, thần sấm, thần chớp, v.v...) pha trộn với Phật giáo.

Đến nay, bốn ngôi chùa: chùa Pháp Vân, chùa Pháp Vũ, chùa Pháp Lôi và Pháp Điện còn di tích, người dân địa phương thường gọi là chùa bà Dâu, chùa bà Đậu, chùa bà Dàn và chùa Bà Tướng, và các tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện đều tạc dưới hình nữ nhân.

Điều này cũng dễ hiểu, vì ở thời đại ấy, những năm đầu Công nguyên dân tộc ta sống dưới chế độ Mẫu hệ.

Man Nương trở thành Phật mẫu, vì đã sinh ra bốn bà: Bà Dâu, bà Đậu, bà Dàn và bà Tướng (Tứ Pháp) Phật mẫu được ở chùa Tổ xây ở thôn Mãn Xá (xã Hà Mãn) ngay trên nền nhà cũ của ông bà Tu Định, tượng Phật mẫu Man Nương được đặt ở vị trí chính giữa trên Thượng điện.

Vùng Dâu với chùa tổ thờ Man Nương và các chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện trở thành trung tâm Phật giáo cổ xưa của nước ta. Sau này, nơi đây có nhiều vị danh tăng đến trụ trì và tu hành.

Trên đây là Giả thuyết về Phật giáo du nhập Việt Nam theo dã sử và truyền thuyết dân gian.

  1. Phật giáo du nhập nước ta vào cuối thế kỷ thứ II (vào khoảng năm 186).

Theo lịch sử Phật giáo, thời bấy giờ giữa Ấn Độ, Trung Quốc và các nước ở Đông Nam Á đã có 2 đường giao thông: Một đường bộ và một đường thủy. Đường bộ từ Ấn Độ qua Tây Tạng, Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản. Đường thủy từ Ấn Độ qua Sri Lanca, Indonesia, Đông Dương, Trung Quốc. Việt Nam ở vào giữa cả hai đường bộ và thủy nói trên.

Trên đường thủy, thuyền buồm Ấn Độ qua lại dọc bờ biển Đông, thường ghé qua Quảng Châu để bán hàng hóa và lại mua hàng mang đi. Trong các thuyền này, theo phong tục tập quán Ấn Độ thời bấy giờ, thường có những tăng sĩ đi theo, mà người Trung Hoa gọi là Hồ tăng - Tăng sĩ đi trên các thuyền buôn để cúng lễ, cầu nguyện gió yên biển lặng trên các chặng đường, đồng thời làm thầy thuốc chữa bệnh cho hành khách ốm đau trên các thuyền này. Thuyền cập bến nào thì các Hồ tăng này thường lên bờ đi chữa bệnh cho dân chúng và tổ chức lễ bái cầu nguyện, tuyên truyền Phật giáo.

Phật giáo du nhập nước ta trực tiếp từ Ấn Độ là do đường thủy nói trên. Trong thời gian này, Phật giáo chỉ mới được truyền bá trong một phạm vi nhất định, vào những tầng lớp dân chúng dưới hình thức một tôn giáo thần quyền pha trộn với các tạp giáo, thổ giáo, chuyên về cúng lễ có tính chất mê tín, chưa có tổ chức.

Sĩ Nhiếp là người đem Nho giáo truyền bá vào nước ta. Nhưng Nho giáo không đủ sức xoa dịu những nỗi thống khổ của nhân dân, do chính quyền cai trị gây nên, Sĩ Nhiếp đến Giao Châu vào lúc Phật giáo đang bắt rễ nhanh trong quần chúng, ông liền nắm bắt cơ hội, dùng Phật giáo như một lợi khí xoa dịu nỗi thống khổ của dân chúng. Biết lợi dụng cả Nho giáo lẫn Phật giáo, Sĩ Nhiếp đã làm cho Giao Châu trở thành một mảnh đất lành trong khi chính quốc bị loạn lạc khắp nơi.

Sách Ngô Chí đã ghi như sau: “Sĩ Nhiếp là một viên thái thú có uy quyền ở Giao Châu được dân chúng rất tôn kính. Khi đi ra ngoài, người ta thường nghe thấy tiếng kèn trống và có các hồ tăng đi theo thắp hương hai bên xe, họ đi từng đoàn mười người đầy đủ nghi trượng” (Hồ tăng đây là những tăng sĩ người Trung Á sang truyền bá đạo Phật ở nước ta) Sĩ Nhiếp đã sử dụng họ vì thấy họ có nhiều ảnh hưởng trong dân chúng.

Sách “Thiền uyển tập anh ngữ lục” do một số nhà sử học Việt Nam viết hồi thế kỷ XIII, trong đó có ghi chép câu chuyện giữa Đàm Thiên pháp sư và vua Cao Tổ nhà Tùy, Trung Quốc vào năm 590 – 618 như sau: Vua Cao Tổ nói: “Trẫm nghĩ đến đạo từ bi của Đức Điều Ngự (tức đức Phật Thích ca) không biết báo ân thế nào cho phải. Trẫm lạm giữ ngôi thiên tử, muốn truyền bá rộng rãi đạo Tam bảo, đã thu nhập xá lỵ (hài cốt của các vị tăng đắc đạo) lập được 49 ngọn bảo tháp ở trong nước, làm tiêu biểu cho đạo và dựng được được hơn 150 ngôi chùa. Bây giờ trẫm lại muốn lập chùa dựng tháp khắp Giao Châu để cho đạo Phật thâm nhập khắp nơi. Cõi Giao Châu tuy nội thuộc nước ta, nhưng ở xa xôi quá, vậy pháp sư nên tuyển lựa các thầy Sa môn có đức hạnh sang hoằng hóa cho dân chúng Giao Châu để chúng sinh biết đến đạo Bồ đề”.

Pháp sư Đàm Thiên liền tâu: Cõi Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc, đường đó còn gần hơn đường từ Thiên Trúc sang nước ta. Khi Phật giáo chưa du nhập vào đất Giang Đông của ta, mà thành Luy Lâu đã xây dựng được hơn 20 ngọn bảo tháp, được hơn 500 tăng sĩ, dịch được 15 bộ kinh. Thế là xứ ấy theo đạo Phật trước ta, bấy giờ đã có các vị sư Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương đến đó truyền đạo” (5).

Theo sử liệu, thì cuối thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ thứ III đã có những nhà sư ở phương Bắc - Thiên Trúc (Ấn Độ - Khang cư) (Sandiana) nay là xứ Bon Khara, Nguyệt Thị, ở Bắc Ấn Độ, người theo đường bộ người theo đường thủy truyền bá đạo Phật vào nước ta, như Ma Ha Kỳ Vực sang ta năm 294, Khương Tăng Hội sang ta vào năm 225, Chi Cương Lương sang ta vào năm 226, và Mâu Tử một cư sĩ người Trung Hoa đi lánh nạn mà đến nước ta và truyền bá Phật giáo.

Ma Ha Kỳ Vực (Mahajavaka)

Theo cuốn: “Cao tăng truyện” thì Ma Ha Kỳ Vực gốc người Tây Trúc đi từ Ấn Độ qua Phù Nam (Pounan) thuộc Trung Hoa; qua Quảng Châu thuộc Giao Châu, đến đâu cũng thi thố nhiều phép lạ. Truyền thuyết kể rằng khi đến Tương Dương phải qua sông, người lái đò thấy ông quần áo rách rưới, bẩn thỉu không cho xuống đò, nhưng khi đò cập bến bên kia thì mọi người đều ngạc nhiên thấy ông đã sang trước đò.

Sách Phật tử lịch đại thống tải chép: Ma ha Kỳ vực đến Lạc Dương năm 294, niên hiệu thứ tư đời Tấn Huệ đế. Trước khi đến Lạc Dương, ông đã qua Giao Châu và Quảng Châu, cuối đời Tấn Huệ đế (290-306) Trung Hoa có nội loạn, ông lại trở về Ấn Độ.

Khương Tăng Hội

Theo cuốn Lương cao tăng truyện của Huệ Hạo thì, Khương Tăng Hội, gốc người Khương Cư ở Thiên Trúc. Phụ thân ông có qua buôn bán ở Giao Châu. Năm 10 tuổi, ông mồ côi cả cha mẹ. Có khả năng ông sinh ra ở Giao Châu nhưng việc học tập trưởng thành theo văn hóa Hán thì chắc chắn ở Giao Châu.

Ông là người đề tựa cho sách An Ban Thủ Ý Kinh (An Thế Cao dịch) và biên soạn sách Lục Độ Tập Kinh gồm 91 đoạn, tập hợp theo 6 chủ đề (lục độ), là những Phật thoại, trong đó có 30 đoạn trích ghi rõ trích từ kinh nào.

Thời bấy giờ là triều đại Tôn Quyền (229-252) Phật giáo mới truyền bá vào Đông Ngô, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi trong dân gian, ông bèn ra sức truyền bá Phật pháp khắp miền Giang Tả.

Năm 247 ông đến thành Kiến Nghiệp (Nam Kinh bây giờ) dựng một túp lều tu trì và thuyết pháp.

Ngô vương Tôn Quyền rất kính phục, bèn dựng một ngôi chùa gọi là chùa Kiến Sơ để ông dùng làm nơi tu hành và giảng kinh. Từ đó Phật giáo bắt đầu thịnh hành trong miền Giang Tả, ông còn dịch nhiều kinh sách từ chữ Phạn sang chữ Hán.

Chi Cương Lương

Theo cuốn Lịch đại Tam bảo thì về đời Tấn Vũ đế (265-290) có một vị tăng tên là Chi Cương Lương Tiếp (Kalasivi-Chính Vô Úy) đã dịch kinh Pháp Hoa Tam Muội ở Giao Châu vào năm 255 hay 256.

Chi Cương Lương Tiếp có khi viết là Chi Cương Lương Lâu, là người nước Nhục Chi. Một vài bản mục lục có nói tới một người tên Chi Cương Lương Lâu Chi (Kalya Naruti) dịch là Chân Hỷ đã dịch nhiều kinh ở Giao Châu, vào khoảng năm 266, niên hiệu Thái Thụy.

Mâu Tử

Mâu Tử sinh tại Ngô Châu. Ông là một trong những sĩ phu người Hán tị nạn đến Giao Châu thời Sĩ Nhiếp. Ông vốn tinh thông Nho giáo, Đạo giáo nhưng sau khi đến Luy Lâu đã học đạo Phật và bênh vực đạo Phật bằng tác phẩm “Lý Hoặc Luận”.

Trong bốn nhà truyền bá đạo Phật vào Giao Châu thì ba người là người Thiên Trúc (Ma Ha Kỳ Vực, Chi Cương Lương và Khương Tăng Hội) và một người là Trung Hoa (Mâu Tử) và đạo Phật theo giả thuyết thứ hai, du nhập vào nước ta khoảng cuối thế kỷ thứ II, đầu thế kỷ thứ III.

Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ IV hiện chưa có tài liệu.

Thế kỷ thứ V, cuốn Tục Cao Tăng Truyện có nói đến hai vị thiền sư ở Giao Châu là Đạt ma Đề bà (Dharmadeva) và Huệ Thắng. Đạt ma Đề bà đến Giao Châu vào khoảng giữa thế kỷ thứ V, giảng dạy về phương pháp thực hành Thiền học. Huệ Thắng là học trò của ông.

Huệ Thắng chuyên về Kinh Pháp Hoa và thiền pháp của ông thuộc Đại thừa. Huệ Thắng còn là người có công phát triển Thiền học tại Trung Quốc.

Đồng thời với Huệ Thắng, “Giao Châu còn cống hiến cho Trung Quốc một thiền sư lỗi lạc khác là Đạo Thiền” (6).

Sách Lịch sử Phật giáo Ninh Bình cho biết: “Nhân dân vùng chung quanh xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh thường nhắc tới câu chuyện các cụ kể rằng: Xưa, có ông Phùng Dực người quê huyện Tứ Kỳ, đạo Hải Dương là một thầy thuốc Đông y giỏi chữa bệnh cứu người. Một lần, ông đến đất Tân An (sau đổi là Tiên Yên), xã Khánh Lợi, thấy phong cảnh hữu tình, người dân mến khách, ông tình nguyện ở lại ngôi chùa làng làm thuốc, rồi lấy vợ thôn nhà, năm 493 sinh con trai Phùng Kim tại chùa. Năm 15 tuổi, cha mẹ Phùng Kim lần lượt qua đời.

Ba năm sau, trong một lần vào đất Tân An tìm người tài để đánh quân nhà Lương, đến ngôi chùa làng, gặp chàng trai Phùng Kim tài trí khác người, Triệu Quang Phục đã đưa chàng về căn cứ của nghĩa quân ở đầm Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Phùng Kim xông pha trận mạc đánh đuổi quân Lương. Năm 549, Triệu Quang Phục lên ngôi vua xưng là Triệu Việt Vương, phong Phùng Kim làm Nguyên soái quân sư. Năm 560 Phùng Kim mất, thọ 67 tuổi, Triệu Việt Vương cho lập đền thờ Phùng Kim tại Tân Yên, gần ngôi chùa mà Phùng Kim đã sinh ra và lớn lên trước đây. Ngôi chùa được mang tên chữ Kim Rong Tự tức chùa tưởng nhớ tướng quân Phùng Kim”.

Như thế, chùa Tân Yên đã có từ trước năm 493 (thế kỷ thứ V), trước khi xuất hiện thiền phái Tì ni đa lưu chi ở nước ta (7).

Còn tiếp…

Tác giả: Nguyễn Đại Đồng, trích sách: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nhà xuất bản Tôn Giáo.

***

Chú thích:

(1). Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 2001.

(2). Theo các nhà nghiên cứu lịch sử như: Hoàng Xuân Hãn, C.Madrolle, Ngô Đăng Lợi thì xứ Đông là nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào nước ta. Các nhà sư Thiên Trúc theo thuyền buôn đi men theo đường biển, lợi dụng gió mùa định kỳ hằng năm, ngẫu nhiên thuyền vào dãy núi Đồ Sơn (Hải Phòng) có hang động, sẵn nước ngọt, động thực vật dồi dào, đông dân đánh cá, làm muối. Đảo Đồ Sơn lại không xa đất liền. Vì vậy Nê Lê Đồ Sơn là cái nôi đầu tiên tiếp thụ đạo Phật. Từ Nê Lê theo đường sông truyền lên Luy Lâu-trung tâm kinh tế, chính trị xã hội xứ Giao Châu dưới sự cai trị của thái thú Sĩ Nhiếp.

(3). Thích Đức Nghiệp, Đạo Phật Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.

(4). Dung Thụ tức cây Dâu cổ thụ, có tài liệu nói là gốc cây Đa.

(5). Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga dịch, Thiền uyển tập anh, Phân viện NCPH Việt Nam tại Hà Nội và Nxb Văn học, 1990.

(6). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.63.

(7). Nguyễn Đại Đồng-Nguyễn Hồng Dương-Nguyễn Phú Lợi, Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Nxb Tôn giáo, 2017.