CHƯƠNG 2: PHẬT GIÁO Ở TRUNG HOA

 

1. Phật giáo dưới triều Tiền Hán (206-240) và Hậu Hán (240 trước CN - 220)

Phật giáo truyền vào Trung Hoa từ năm nào, đến nay chưa có sử liệu ghi chép chính xác.

Sách Kinh Lục của Chu Sĩ Hành nói: Năm 217 trước Công nguyên, tức năm Tần Thủy Hoàng thứ 30, có một nhóm 18 vị Sa môn người Tây Vực bắt đầu đem kinh điển Phật vào đất Hàm Dương. Thời bấy giờ đã có đường thông thương từ Tây Vực sang Trung Hoa, các lái buôn chuyên chở hàng hóa trên đường này, thường trong đoàn có những vị Sa môn cùng đi. Đến khi nhà Hán nổi lên, cũng muốn nương vào Phật giáo để cho ngôi vua được bền vững, nên năm 60 trước Công nguyên (năm Vĩnh Bình thứ 3) Hán Minh đế một đêm nằm mộng thấy một người bằng vàng, có hào quang sáng tỏa trên đầu, bay vào sân cung điện nhà vua, người bấy giờ gọi là điềm “mộng Phật”. Minh đế cảm vì mộng triệu thấy Phật, bèn sắc cho 18 vị quan sang phương Tây rước Phật về. Đoàn sứ giả này đến gặp đức Ca Diếp (Kasyapa) và đức Chúc Pháp Lan ở nước Vũ Điền (Kho Tam) mời về Trung Quốc. Bấy giờ là vào năm 65 sau Công nguyên (năm Vĩnh Bình thứ 8 đời Hán Minh đế).

Hai vị sư này là người Trung Thiên Trúc, năm 67 tuổi mới đến Lạc Dương, đất danh đô thời Đông Hán, một trung tâm văn hóa chính trị. Hai vị sư này bắt đầu dịch cuốn kinh Tứ Thập Nhị Chương, thích hợp với trình độ người Trung Hoa thời bấy giờ. Hán Minh đế sắc dựng chùa Bạch Mã để thờ Phật và để làm nơi hai vị sư thuyết pháp và dịch kinh. Lúc này nhà Hán đang sùng chuộng đạo Nho, nên đạo Phật cũng bị ngăn trở đôi chút. Sau đó Mâu Từ, một Nho gia theo sang Phật, viết cuốn “Lý Hoặc Luận” đem cái tinh túy của tam giáo ra dùng để đề cao đạo Phật. Ông nói: “Đạo gia cầu được tràng sinh mơ hồ không bằng nghĩa vô nịnh trong đạo Phật. Đạo lý Nho chỉ tu về hiện thế, thì không đủ để giải thoát. Chỉ có Phật pháp là vừa ứng hóa thế gian và vừa cái nghĩa giải thoát ra ngoài thế gian, như vậy mới làm thỏa mãn nghĩa đời.”.

(Ảnh: Internet)

Phật giáo được nhà vua chính thức thừa nhận, nhiều chùa được xây dựng, kinh sách được phiên dịch sang chữ Hán càng ngày càng nhiều. Phật giáo càng ngày càng phát triển, khiến đạo Lão mất dần ảnh hưởng.

Tiếp theo hai nhà sư nói trên, một số nhà sư khác tiếp tục vào Trung Quốc như An Thế Cao, Chí Diệm, Trúc Phật Sóc là những nhà sư nổi tiếng đã có công dịch được 300 bộ kinh từ chữ Phạn sang chữ Hán.

Một điểm đáng lưu ý là Phật giáo vào đến Trung Quốc là bị ảnh hưởng của các học thuyết đương thời Khổng giáo, Lão giáo, nhất là Khổng giáo có thế lực rất lớn ở Trung Quốc, vì Khổng giáo là hệ tư tưởng chính thống của giai cấp phong kiến, Khổng giáo giữ địa vị thống trị. Chính quyền phong kiến lấy Khổng giáo làm khuôn vàng thước ngọc cho việc dựng nước, trị dân; cho việc xây dựng các thiết chế chính trị, xã hội, Khổng giáo biện hộ cho chế độ quân chủ chuyên chế, củng cố sự phân chia xã hội ra nhiều đẳng cấp, và trật tự phong kiến.

Phật giáo Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng của học thuyết Lão Trang, một triết học tự nhiên, làm cho Phật giáo thêm ý nghĩa thâm huyền, mầu nhiệm và lập ra những phương pháp tu hành xa lánh xã hội, vào những nơi rừng núi, sống đạm bạc, vô vi.

Phật giáo Trung Hoa còn chịu ảnh hưởng của những phong tục tập quán lâu đời của Trung Quốc: Trọng sự sống, thương sự chết, sợ quỷ thần, thờ cúng tổ tiên, tạo thêm cơ sở cho Mật tông, Tịnh độ tông phát triển nhanh trong quần chúng.

Dưới triều Tây Hán (206 trước Công nguyên - 24 sau Công nguyên cuốn Liệt Tiên truyện của Lưu Hướng, có ghi chép “Từ đời Hoàng đế đến nay đã có 700 người tu đắc đạo, nhưng con số người tu đạo tiên chỉ có 146 người, còn bao nhiêu đều theo đạo Phật.”

2. Phật giáo thời Tam Quốc (220-280)

Đến thời Tam Quốc (Ngụy, Thục, Ngô) có thêm nhiều nhà sư dịch kinh Phật từ chữ Phạn sang chữ Hán. Khương Tăng Hội (200-280) là người gốc Khương Cư, song xuất gia học tập đạo Phật, đạo Nho đều ở Giao Chỉ, năm 247 ông qua Trung Hoa truyền đạo thuyết pháp cho dân chúng. Vua Ngô Tôn Quyền rất sùng bái đạo Phật, đã quy y Phật. Dưới triều Ngụy (220-265) về đời Ngụy Minh đế, một nhà sư Ấn Độ sang Trung Hoa và thuyết về Tứ Phận luật và thi hành phép Thập thụ, là 10 người để truyền giới gồm tam sư (Hòa thượng, Yết ma, Giáo thụ) và thất chứng.

Với Tứ Phận luật, Phật giáo Trung Hoa thực hiện giới luật từ đây. Năm 258, nhà sư Châu Tử Hùng đăng đàn giảng kinh Bát Nhã cho dân chúng. Những kinh dịch thời bấy giờ chưa được rõ nghĩa, nên Châu Tử Hùng phải sang Ấn Độ học tiếng Phạn và tìm nguyên bản bộ kinh Bát Nhã để dịch lại.

3. Phật giáo thời Tây Tấn, thời Nam Bắc triều (265-574)

Đến triều Tây Tấn (265-316) Phật giáo được truyền bá sâu rộng trong dân chúng, việc dịch kinh sách từ chữ Phạn sang chữ Hán rất thịnh hành. Một số tăng sĩ danh tiếng thời này đã từ Ấn Độ sang Trung Quốc: sư Phật Đồ Trừng đã đăng đàn thuyết pháp cho hàng vạn người, các sư Pháp Hòa, Pháp Hải v.v... là những vị nổi tiếng nhất. Tam luận tông và Thành hội tông được truyền bá trong thời này.

Đến triều nhà Tần và nhà Lương (317- 417) hình thành hai trung tâm Phật học: Trường An ở nước Tần và Nam Sơn ở nước Lương. Đường giao thông đã thiết lập giữa Trung Hoa và Ấn Độ qua miền Ta Rim và Kho Tam. Một số nhà sư Trung Hoa bắt đầu sang Thiên Trúc học đạo như Pháp Hiển khởi hành từ Trường An năm 399 đến 414 mới trở về.

Đến thời Nam Bắc triều (420-588) Phật giáo Trung Hoa vẫn trên đà phát triển, có tăng sĩ như Huệ Lâm được tham gia triều chính. Trong thời gian này, có Bồ Đề Đạt Ma (Boddhidarma) người Thiên Trúc sang Trung Hoa truyền pháp Thiền tông, sang năm 520 truyền y bát đến tổ thứ 6 thì hết, phái Thiền tông này gồm:

Bồ đề Đạt Ma là sơ tổ; Huệ Khả-tổ thứ hai; Tăng Xán- tổ thứ ba; Đạo Tín- tổ thứ tư; Hoàng Nhẫn-tổ thứ năm; Huệ Năng-tổ thứ sáu.

Trong thế kỷ thứ VI có 3 phái lớn của Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung Hoa là: Thiền tông (528), Câu Xá tông (563) và Thiên Thai tông (597).

Sang đến thế kỷ thứ VII, lại có hai phái lớn của Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung Hoa là Hoa Nghiêm tông (642) và Pháp Tướng tông (645).

Trong các thời đại nói trên Phật giáo Trung Hoa rất hưng thịnh, dân chúng sùng bái đạo Phật rất đông.

Tiếp đến thời Hậu Ngụy (280-534) vua Ngụy Thái Vũ đế (406) tỏ ra ác cảm với đạo Phật, khủng bố chém, giết tăng ni, phá hủy chùa tháp, tượng Phật, kinh điển. Lịch sử Phật giáo gọi những thời kỳ đạo Phật bị tàn phá khủng bố là Tam Vũ, nhất Tông chi ách. Có nghĩa là đạo Phật bị ách vận dưới ba triều đại vua Vũ (Tam Vũ) và một lần dưới triều nhà Tống, nhất Tông cụ thể là:

1) Dưới thời Thái Vũ đế nhà Hậu Ngụy (280-534)

2) Dưới thời Chu Vũ đế nhà Bắc Chu (557-581)

3) Dưới thời Đường Vũ Tông nhà Đường (618-907)

nhất Tông chi ách là:

Dưới thời Chu Thế Tông nhà Hậu Chu (915-960)

Ách vận thứ nhất đối với Phật giáo Trung Hoa xảy ra dưới triều Hậu Ngụy (Thái Vũ đế 446). Thái Vũ đế ra lệnh phá hủy chùa tháp, tượng Phật, đốt kinh sách, chém, giết tăng sĩ.

Nhưng chỉ 4 năm sau, Vũ Đế mất, Văn Thành vương nối ngôi lại sắc phục hưng Phật giáo. Các đời vua sau, Phật giáo được tiếp tục phục hưng. Đến đời vua Tuyên Vũ (508) Phật giáo trở lại thịnh vượng, các nhà sư Ấn Độ sang truyền giáo rất đông, có đến 3000 người, hàng vạn chùa chiền được xây dựng lên khắp nơi, số tăng lữ tăng lên đến hàng triệu người.

Tiếp đến đời Chu Vũ đế nhà Bắc Chu (574) Phật giáo bị ách vận lần thứ hai. Triều đình phế bỏ Phật giáo, dùng chùa chiền làm tư thất cho các vương hầu, bắt tăng lữ phải hoàn tục, hoặc sung vào làm lính.

Nhưng qua đời Chu Vũ đế đến triều Tuyên Đế lại sắc phục hưng Phật giáo. Chùa chiền bị phá hủy được xây dựng lại, kinh sách được in rất nhiều.

4. Phật giáo thời nhà Tùy (590-618) và nhà Đường (618-907)

Dưới triều nhà Tùy (590-618) Phật giáo tiếp tục được phục hưng, chùa chiền được xây dựng thêm khắp nơi, vua quan quy y Phật khá nhiều. Tăng sĩ phiên dịch và biên soạn nhiều kinh luật, luận.

Đến đời nhà Đường (618-907) vua Đường Cao Tổ rất sùng bái đạo Phật, nhưng trong hàng ngũ Đường quan, có một số bài bác đạo Phật, do đó vua Cao Tổ cũng hạn chế phần nào việc xây dựng chùa và truyền bá đạo Phật.

Trong thời gian này, không những đạo Phật bị hạn chế, mà đạo Lão cũng bị chung một số phận, nguyên nhân là do đạo Nho đang có một thế lực rất mạnh. Việc này cũng dễ hiểu vì đạo Nho bảo vệ duy trì trật tự cho xã hội phong kiến.

Đến đời Đường Thái Tông (690), nhân dân được hưởng một đời sống thái bình, thịnh trị. Phật giáo đã trở lại hưng thịnh, chính trong thời gian này, Huyền Trang tiến hành Tây du một số nước theo đạo Phật, tìm những nguyên bản kinh điển mang về dịch sang chữ Hán. Người đời sau gọi các bản dịch của Huyền Trang là “tân dịch”, đối với các bản dịch trước có phần sai khác, nhất là những kinh bị các vua chúa trước thiêu hủy, khi sao chép lại có sai nhiều.

Đường Thái Tông rất tôn trọng Huyền Trang, dành hai ngôi chùa lớn là chùa Đại Từ Ân và Hoàng Phúc để nhà sư tu hành và dịch kinh sách. Huyền Trang có nhiều đệ tử, sau này trước tác được một số kinh luận có giá trị.

Sau vua Cao Tổ, đến Võ Tắc Thiên hoàng đế, đạo Phật tiếp tục được dân chúng sùng bái. Nhà vua cho sứ đến nước Vũ Điền (Kho tam) thỉnh kinh Hoa Nghiêm mang về Trung Hoa dịch thành một bộ 80 quyển, gọi là Bát Thập Hoa Nghiêm, Võ Tắc Thiên thân đề tựa. Cũng trong thời này có ngài Nghĩa Tịnh Tam tạng, đến Ấn Độ thỉnh kinh mang về dịch được 60 bộ, tổng cộng 230 quyển.

Thời này là thời cực thịnh của Phật giáo Trung Hoa, tiếp đến các đời vua sau, vua nào cũng sùng bái ủng hộ Phật giáo, rất nhiều tăng sĩ được cử sang Ấn Độ thỉnh kinh về dịch. Phật giáo phát triển sâu rộng trong dân chúng.

Một trong những nguyên nhân chính của sự hưng thịnh của Phật giáo trong thời gian này là vì Nho giáo tuy vẫn được suy tôn trong xã hội phong kiến Trung Hoa, nhưng mới chỉ có một số ít học giả thuộc các tầng lớp trên thông thạo Nho giáo mà thôi, còn đại đa số các tầng lớp dưới, trình độ kiến thức có hạn, thậm chí còn rất nhiều người chưa biết chữ thì lại theo Phật giáo. Những ông vua muốn thu phục lòng dân, chiều theo ý dân, cho nên tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển.

Tiếp đến, đời Vũ Tần nhà Đường, Phật giáo lại bị ách nạn, lịch sử Phật giáo gọi là Vũ ách thứ ba (845), Vũ ách này xảy ra là do vua Vũ Tông sùng tín Lão giáo, nên bài trừ Phật giáo, khủng bố Phật giáo một cách tàn nhẫn; sắc hủy hơn 4 vạn chùa cảnh, bắt hoàn tục 265.000 tăng ni, thu chuông, khánh bằng đồng ở các chùa mang về đúc tiền. Vũ Tông giải tán cả những đạo giáo khác.

Nhưng chỉ hai năm sau (847), dưới triều vua Tuyên Tông, Phật giáo lại được phục hưng, vua xuống sắc tu bổ lại chùa chiền, nhưng lúc này thế lực nhà Đường đã đến lúc suy tàn, nên Phật giáo tuy gọi là được phục hưng, nhưng cũng kém thịnh đạt nhiều so với các triều trước.

Dưới thời Đường, Phật giáo Trung Hoa có thêm các tông: Tịnh Độ tông, Pháp Tướng tông, Câu Xá tông, Luật tông, Hoa Nghiêm tông và Chân Ngôn tông.

5. Phật giáo dưới đời Ngũ Đại hay Ngũ Quý (907- 960)

Tiếp sau nhà Đường, là đời Ngũ Quý hay Ngũ Đại gồm có: Nhà Hậu Lương 907-929; Nhà Hậu Đường 923-926; Nhà Hậu Tần 936-946; Nhà Hậu Hán 945-950; Nhà Hậu Chu 950-960.

Dưới đời Ngũ Đại, trong nước Trung Hoa luôn luôn có những vụ tranh chấp quyền hành, chiến tranh triền miên, tình thế rối ren: Phật giáo cũng bị ảnh hưởng, bị suy đồi.

Đến đời Thế Tôn nhà Hậu Chu (950-960) Phật giáo bị ách nạn lần thứ tư. Nhà vua đã sắc phá hủy hơn 30 vạn ngôi chùa, đem các tượng Phật, chuông khánh bằng đồng phá đi lấy đồng đúc tiền, thiêu hủy các kinh điển. Lịch sử gọi ách vận này là Nhất Tông chi ách.

6. Phật giáo thời nhà Tống (960-1275)

Đời Ngũ Đại chấm dứt, tiếp đến nhà Tống lên nắm chính quyền và chia ra Bắc Tống (960-1127) và Nam Tống (1127-1279)

Phật giáo lại bước vào thời kỳ được phục hưng, các chùa chiền bị phá hủy vào cuối đời Ngũ Quý, được xây dựng lại, kinh điển được khắc và in lại. Các vua Tống cho sứ đi thỉnh kinh, thỉnh pháp sư ở Tây vực về để thuyết pháp cho dân chúng và dịch kinh.

7. Phật giáo thời nhà Kim (1125-1234), nhà Nguyên (1280-1368), nhà Minh (1368-1644), nhà Thanh (1644-1912)

Nhà Tống bị suy yếu, nhà Kim gốc ở Mãn Châu sang xâm lăng. Phật giáo do trong nước bị rối loạn vì binh đao nên bị đình đốn.

Sau đó Mông Cổ diệt nhà Kim. Đội quân Mông Cổ do tướng Hốt Tất Liệt cầm đầu đánh đổ nhà Kim, thống nhất giang sơn, lập nên nhà Nguyên.

Phật giáo thời này bị pha trộn với Lạt Ma giáo ở Tây Tạng truyền bá vào Trung Quốc. Lạt Ma giáo lại được vua chúa sùng thượng, Phật giáo vốn có ở Trung Hoa bị suy kém.

Nhà Nguyên suy, tiếp đến nhà Minh lên nắm chính quyền. Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) là một ông vua rất sùng bái đạo Phật vì lúc nhỏ đã từng làm Sa di ở chùa. Lên ngôi vua, Minh Thái Tổ chú ý ngay đến việc chấn hưng Phật giáo, nhà vua quy định quy chế cho tăng ni lập ra Ty Tăng cang, Tăng chính, Tăng hội v.v... Đồng thời, nhiều tăng sĩ được phân công phiên dịch kinh điển, trước thuật kinh luận.

Có thể nói thời kỳ này là thời kỳ hưng thịnh cuối cùng của Phật giáo Trung Quốc. Kế theo nhà Minh là nhà Thanh nổi lên nắm chính quyền (1648-1912). Dưới triều Thanh, Phật giáo đi dần vào thế suy yếu, chùa cảnh tuy vẫn còn nhưng tăng lữ như thiếu học, thiếu tu, không am hiểu gì về giáo lý, chỉ chuyên việc cúng lễ, lấy đó làm nguồn sinh sống, độ thân, giới luật không còn được chấp hành nghiêm túc.

Nguyên nhân chính sự suy yếu của Phật giáo là do nhà Thanh nhờ vào thế lực Nho giáo để xây dựng cơ đồ, nên ưu đãi Nho giáo hơn các đạo khác. Và khi Nho giáo chiếm được ưu thế là nghĩ ngay đến việc chèn ép Phật giáo.

Tuy thế, các vua nhà Thanh cũng không để cho Nho giáo lấn át quá đáng Phật giáo, vì Phật giáo vẫn còn có nhiều ảnh hưởng trong dân chúng. Đại đa số quần chúng đều theo đạo Phật. Cũng vì lý do này, nên từ năm 1725-1737 nhà Thanh cho in lại bộ Tam Tạng. Bộ Tam Tạng Trung Quốc này là bộ kinh hoàn bị nhất. Những kinh sách tiếng Phạn của Ấn Độ gần như hầu hết được dịch sang chữ Hán. Có nhiều cuốn nguyên bản tiếng Phạn đã thất lạc, chỉ còn bản dịch Trung Quốc. Hiện nay bộ Tam Tạng Trung Hoa chia làm hai tạng: Nam tạng in ở Nam Kinh, Bắc tạng in ở Bắc Kinh.

8. Phật giáo thời Trung Hoa Dân quốc (1912-1949)

Cuối đời nhà Thanh, làn sóng văn minh, vật chất châu Âu tràn vào Trung Quốc, phong trào bài trừ mê tín dị đoan nổi lên trong nước: chùa chiền biến thành trường học hay thành các cơ quan lợi ích công cộng.

Thực chất Phật giáo bấy giờ chỉ còn hư danh. Phật giáo bị xóa bỏ cùng với Lạt Ma giáo, Phật giáo lúc này đã biến chất, đã trở thành một tôn giáo thần quyền đầy dẫy cúng cấp, mê tín dị đoan. Bên cạnh một Phật giáo bị giai cấp phong kiến lợi dụng, xuyên tạc thành một tà đạo, có một số học giả chuyên nghiên cứu giáo lý chân chính của đạo Phật.

Khi Tôn Văn (tức Tôn Trung Sơn hay Tôn Dật Tiên) nổi lên làm cách mạng Tân dân chủ (1912), thành lập Trung Hoa Dân quốc và đề xướng chủ nghĩa Tam dân, Phật giáo chuyển vào con đường nghiên cứu giáo lý.

Năm 1912, tăng ni và cư sĩ thành lập Tổng hội Phật giáo, Phật giáo Cư sĩ lâm, Phật giáo Tịnh nghiệp xã. Các năm sau, ở Chiết Giang, một giảng đường Phật học được xây dựng ở Vũ Xương, tại Hồ Bắc, thành lập Phật học viện do Thái Hư pháp sư đứng đầu, ở Giang Tô thành lập Hoa Nghiêm học viện.

Các cơ quan nghiên cứu Phật học xuất bản một số các tạp chí hoằng dương đạo Phật như Phật học trùng báo, tạp chí Hải triều âm, tạp chí Nguyệt san tịnh nghiệp, v.v...

Còn tiếp…

Tác giả: Nguyễn Đại Đồng, trích sách: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nhà xuất bản Tôn Giáo.