“Cứ có lễ là có con!”, lời phán từ một “cậu đồng” vang lên giữa gian phòng hương khói không chỉ đánh trúng khát vọng làm cha mẹ của bao người hiếm muộn, mà còn mở ra một hành trình đánh đổi cả niềm tin lẫn tiền bạc trong vô thức và hoang tưởng?

Bài điều tra đăng ngày 03/07/2025 trên Báo Hà Tĩnh đã phơi bày sự thật đáng báo động về những chiêu trò trục lợi nhân danh tâm linh, điều mà dưới ánh sáng phật pháp, cần được nhận diện, phản tỉnh và cảnh tỉnh sâu sắc.

Phơi bày sự thật: Từ vong nhi đến “gói lễ trọn gói”

"Cậu Báu" có thể soi được vận mệnh, tương lai, quá khứ nhưng lại chẳng thể nào nhận ra 2 người ngồi trước mặt không phải là vợ chồng. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
"Cậu Báu" cẩn thận ghi rõ lễ cúng cần chuẩn bị cho khách đến xem bói. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Trong bài “Soi chiêu trò thầy bói trục lợi người hiếm muộn: Cứ có lễ là có con!?”, nhóm phóng viên hóa thân thành “vợ chồng hiếm muộn” để ghi nhận chi tiết ba trường hợp điển hình ở Hà Tĩnh: “cậu Báu”, “cậu Cương” và “cô Lương”. Những người này tự xưng là có khả năng “nối linh thông thần”, đồng thời vẽ ra đủ loại “nghiệp vong, oán khí, linh hồn trẻ chưa siêu thoát”, rồi dẫn dụ khách phải làm lễ, với mức phí dao động từ 5 đến 10 triệu đồng, để “giải nghiệp”, “hóa giải vong nhi”, từ đó “sớm có con” (baohatinh.vn, 03/07/2025).

Dư luận không chỉ bàng hoàng trước mức độ mê tín được tổ chức khéo léo, mà còn xót xa khi thấy niềm tin của những người khốn khó bị lợi dụng một cách tinh vi, bằng chính nỗi đau và mong mỏi thiêng liêng nhất: được làm cha mẹ.

Tâm linh hay mê tín - đâu là ranh giới?

Dưới góc nhìn Phật giáo, tâm linh chân chính không bao giờ là công cụ trục lợi. Phật pháp dạy rằng, nghiệp (kamma) là kết quả tự nhiên của thân - khẩu - ý, không thể cầu khẩn hay “làm lễ” để sửa đổi như mua bán.

Ông Cương khẳng định làm lễ xong là sẽ có con.
Ông Cương khẳng định làm lễ xong là sẽ có con. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Cầu con bằng tâm thành là điều chính đáng. Nhưng nếu niềm tin bị bóp méo thành sự lệ thuộc, rằng chỉ cần “có lễ là có con”, thì đó là tà tín, không còn là đạo nữa.

Bà Lương cũng khẳng định
Bà Lương cũng khẳng định "cứ phải làm lễ mới yên được"... Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Điều đó cũng đi ngược lại lời Phật dạy về tự lực và chính kiến, hai nền tảng của người hành đạo.

Phật giáo luôn đề cao lòng từ bi, nhưng lòng từ nếu thiếu trí sẽ trở thành đồng lõa với khổ đau. Những người hiếm muộn vốn đã tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần, khi nghe đến “vong nhi đeo bám” lại càng rơi vào hoang mang và sợ hãi.

Chính tín không phải là tin bất cứ điều gì có vẻ linh thiêng, mà là niềm tin có trí tuệ soi đường. Niềm tin đúng không khiến con người phó mặc số mệnh, mà giúp họ tự lực vượt qua, qua hành thiện, giữ gìn đạo đức, phẩm cách, sống tỉnh thức và nếu cần, kết hợp với y học hiện đại.

Cảnh tỉnh trước cạm bẫy nhân danh “nghiệp quả”

Hình minh họa tạo bởi AI.
Hình minh họa tạo bởi AI.

Phật giáo không bao giờ dạy rằng “vong linh” là nguyên nhân của hiếm muộn. Đó là sự giải thích méo mó nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi, rồi bán ra “liệu pháp tinh thần” bằng giá vật chất. Cũng không ai có thể “mở cửa sinh tử” chỉ qua một nghi lễ cúng bái.

Những lễ nghi mông lung không thể thay thế điều trị y học, ăn chay hay tụng kinh không thể thay thế việc chữa trị vô sinh. Hành động đúng, từ thân đến tâm, mới là nền móng để chuyển hóa nghiệp và thiết lập đời sống hài hòa.

Mong cầu có con không sai, nhưng nếu biến đó thành một vụ mua bán với thần linh, thì đã vô tình đẩy lòng hiếu vào mê lộ. Chính tín dạy chúng ta rằng: mọi hạnh phúc đều bắt nguồn từ nhân duyên và nỗ lực chân chính, không từ lễ nghi trá hình hay lời hứa mập mờ.

Tỉnh thức không phải là từ bỏ tâm linh, mà là trở về với chính tín, trí tuệ và từ bi. Trong xã hội ngày nay, khi khoa học y học ngày càng tiến bộ, thì việc để những “ông đồng bà cốt” tiếp tục trục lợi trên nỗi đau của người khác là một hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm túc cho cộng đồng, cả về mặt đạo đức, pháp lý và tâm linh.

Phật giáo không bao giờ hứa hẹn “làm lễ là sẽ có con”. Phật pháp chỉ dạy ta tạo ra nhân lành và sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc hiện tại, rồi kết quả sẽ đến như hoa nở đúng mùa.

Tác giả: Thường Nguyên

* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng tác giả.

* Bài viết tham khảo nội dung từ bài báo: https://baohatinh.vn/soi-chieu-tro-thay-boi-truc-loi-nguoi-hiem-muon-cu-co-le-la-co-con-post290980.html