Nằm trong quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, Chùa Bích Động với địa thế tuyệt đẹp, cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục và kiến trúc cổ Á Đông đã để lại trong lòng du khách, Phật tử tới Ninh Bình ấn tượng khó phai về một cảnh đẹp trời Nam.

Chùa Bích Động được gọi là “Nam thiên đệ nhị động”, tức là ngôi chùa có vẻ đẹp thứ nhì, chỉ xếp sau chùa Hương. Bích Động nghĩa là động xanh, nơi đây núi, động và chùa kết hợp hài hòa, ẩn hiện giữa những tán cây đại thụ khiến cho khung cảnh càng thêm tĩnh mịch, trang nghiêm.

Toàn cảnh chùa Bích Động - Ninh Bình. Ảnh: st
Toàn cảnh chùa Bích Động - Ninh Bình. Ảnh: st

Chùa được hình thành từ năm 1428, đầu thời Hậu Lê với quy mô là một ngôi chùa nhỏ ở trên đỉnh núi. Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” đã ghi: Năm Chính Hòa thứ 15 (1695) có hai vị sư là Chí Kiên và Chí Thể đến khu vực Đam Khê, thấy phong cảnh kỳ thú, núi non trùng điệp, lại phát hiện ra nhiều hang động đẹp và đã có chùa, nên hai vị sư bèn vận động nhân dân trong vùng tôn tạo, mở mang thêm cảnh chùa...xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng để tu hành.

Chùa Bích Động được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2014. 

Năm Đinh Hợi (1707), hai nhà sư Chí Kiên và Chí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở động Tối. Hai năm sau, năm Kỷ Sửu (1709) vào tháng 8 âm lịch, hai nhà sư Chí Kiên và Chí Thể lại làm bia khắc minh văn chùa Bích Động viết bằng chữ Hán, trong đó có đoạn trích được dịch nghĩa:

"Từng lên núi ấy
Có phúc, có duyên
Mở núi, đục đá
Tịnh khí lưu truyền".

Chùa Bích Động: Chùa Hạ - Trung- Thượng ẩn mình tron núi. Ảnh: st
Chùa Bích Động: Chùa Hạ - Trung- Thượng ẩn mình tron núi. Ảnh: st

Không gian kiến trúc của chùa Bích Động: Chùa Hạ, chùa Trung, Động Tối, chùa Thượng

Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ “Tam” Hán tự, ba tòa không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung, Thượng. Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện những cây đại thụ xanh biếc. Toàn cảnh như một bức tranh núi rừng hùng tráng, dát lên một phù điêu gồm 3 ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa đã gọi là Bích sơn bát cảnh. Ba chùa lại được xây dựng trên sườn núi cao, dưới lại có động Xuyên Thủy. 

Ảnh: st
Tượng rồng nơi chùa Hạ (thuộc chùa Bích Động). Ảnh: st

Chùa Hạ

Cầu đá dẫn vào cổng Tam quan chùa Bích Động, được ghép bằng những phiến đá xanh. Ở đây có con đường bên chân núi dài khoảng 55m lát gạch là con đường “Nhất chính đạo” để đi vào chùa Hạ. 

Khu vực chùa Hạ quay hướng Tây Bắc, toạ lạc dưới chân núi Bích Động trên nền cao hơn 2m so với sân gạch, được kè bằng đá phiến. Cũng giống như các ngôi chùa khác ở làng quê Việt Nam, kiến trúc chùa Hạ cũng theo kiểu chữ Đinh (Hán tự). Ở Thượng điện dựng toàn bằng cột đá liền một khối, mái chùa cong hình lưỡi đao lợp ngói âm dương. 

Phần mặt tiền của chùa Hạ được chia thành 5 gian, trong đó phần thượng điện đã chiếm trọn hai gian, được chống bằng những cột gỗ, cột đá lớn được đẽo từ đá liền khối, không chắp nối và cao hơn 4m. Đặc biệt hơn, những chiếc kèo, xà ngang và xà dọc của chùa cũng hoàn toàn được làm từ gỗ lim, cốt để tạo sự chắc chắn. 

Bước vào khu vực chính điện, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy ở trên cao của gian giữa Tiền Đường được treo một bức đại tự viết bằng chữ Hán: “Mạo cổ thần thanh”. Đây là câu cốt để nói dáng dấp ngôi chùa xưa này thật sự linh thiêng quá đỗi. Phía trong thượng điện chính là khu vực thờ phụng đức Phật, sau đó là những bệ theo thứ tự từ trên cao xuống thấp, đặt lần lượt những bức tượng Phật khác nhau cùng các đồ thờ như đèn, đỉnh hương,…

Ảnh: st
Chiếc chuông đồng do hai vị hòa thượng Trí Kiên, Trí Thể cho đúc vào năm 1707 vẫn còn được treo nơi cửa Động Tối. Ảnh: st

Chùa Trung và Động Tối

Từ chùa Hạ leo thêm 120 bậc đá ở bên trái lên lưng chừng dãy núi Ngũ Nhạc là chùa Trung. Đây là ngôi chùa rất độc đáo ít nơi có được, vách núi ở đây hõm vào như miệng rồng chứa hẳn một phần ngôi chùa bên trong, chỉ còn lại một phần mái trước chùa là lộ thiên. Từ chùa Trung lên cao khoảng 6m là đến Động Tối, tính từ Thượng điện, bước lên 21 bậc đá là đến Động Tối.

Động Tối có nhiều nhũ đá được thiên nhiên mài tạc qua hàng triệu năm tạo thành những ông tiên, rồng lượn, voi chầu, hổ phục chim đại bàng, kho tiền, kho thóc,...Tất cả như một thế giới cổ tích bị hoá đá khiến quý khách phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần tiên của tạo hoá. Nhìn ra phía ngoài là cầu Giải Oan, hầu hết khách qua đây thường “thỉnh” lên ba tiếng chuông ngân nga như để “giải oan” cho tâm hồn mình nơi cửa Phật được thanh thản. 

Động Tối là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, dài, hơi chếch về phía đông. Nếu động chứa chùa Trung là tầng một của ngôi nhà cao 6 mét thì Động Tối là tầng 2 cao đến 8 mét. Đường lên Động Tối gần thẳng đứng, đi dưới cầu giải oan, vì cửa động có hình như cầu vồng. Bên trên cửa động có treo chiếc chuông đồng lớn được hai vị sư Trí Kiên và Trí Thể đúc vào năm 1707.

Động Tối là một không gian dài, rộng có điện thắp sáng. Tất cả như một thế giới cổ tích bị hoá đá của tạo hoá. Ra gần cửa Động Tối trước mặt du khách là tượng Đức Phật Di Đà, tượng Văn Thù Bồ Tát. Bên trái là tượng Quán Thế Âm Bồ tát. Phía bên trái ngoài cửa động là một hang nhỏ, trên cao thờ Quán Thế Âm Bồ tát. Dưới nền hang nhỏ này có nhũ đá giống như hình con rùa và đặc biệt có hai khối đá kỳ lạ, gõ vào kêu như tiếng mõ, một hòn nghe tiếng trầm, một hòn nghe tiếng thanh. Bên trong Động Tối cũng có ban thờ Phật.

Ảnh: st
Cổng vào chùa Bích Động. Ảnh: st

Chùa Thượng

Từ cửa Động Tối, leo thêm gần 40 bậc đá theo sườn núi dẫn tới chùa Thượng, từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn bộ cảnh đẹp của vùng núi non hùng vĩ của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Từ chùa Thượng nhìn ra xa là 5 ngọn núi đứng độc lập hướng về núi Bích Động, trông giống như 5 cánh hoa Sen, gọi là Ngũ Nhạc Sơn, gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa.

Ảnh: st
Chùa Thượng được xây dựng trên một dải đất cao hơn nền tầm 60 mét. Ảnh: st

Chùa Thượng có hai miếu hai bên: bên phải thờ Thổ Địa, bên trái thờ Đức Sơn Thần. Cạnh chùa có một bể nước gọi là "bể nước Cam Lộ" của Quán Thế Âm Bồ Tát. Phía trước là cánh đồng Ngũ Môn. Đứng trên chùa Thượng có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn bộ cảnh đẹp của chùa Bích Động, không những đẹp về phong cảnh duyên dáng hữu tình, về nghệ thuật văn hóa - kiến trúc, mà nơi đây còn mang ý nghĩa là một di tích lịch sử của tỉnh Ninh Bình.

Sưu tầm t/h: Linh Anh

Tham khảo

https://laodong.vn/van-hoa/chua-bich-dong-noi-gan-ket-giua-thien-nhien-va-tam-linh-1219300.ldo

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%C3%ADch_%C4%90%E1%BB%99ng