Cư sĩ Phúc Quang lược giải
1.Bốn lời dạy bảo
Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ dạy bốn lời dạy quyết định ảnh hưởng tới sự giải thoát, gồm có:
(1)Quyết định đoạn lòng dâm
Chúng sinh do lòng dâm, mà xoay vần mãi trong lục đạo, dù làm kiếp thân gì, cũng lại xoay vần mãi trong khổ đau của “dâm”.
(2)Quyết định đoạn lòng sát
Lòng sát bị thôi thúc bởi các tâm sở sân hận, gây tổn thương tới cả người khác, lẫn tấm lòng từ bi của mình. Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy rằng giữ hoàn toàn trọn vẹn giới sát sinh thì rất khó, vì đôi khi có những loài mình chẳng thấy, có những hoàn cảnh bất khả kháng chẳng thể nào né tránh được việc “sát”, nên cốt yếu của nghĩa đoạn lòng sát, là không thản nhiên lấy đi sinh mạng người khác, không coi sinh mạng người khác là thứ được phép lấy đi, phát lòng đại từ bi với sinh mạng của những giống loài khác, không vì lòng ác, vì thú vui, vì lòng tham mà sát sinh, không “cố ý” sát sinh, biết thương xót mọi loài.
(3)Quyết định lòng thu đạo
Lòng thu đạo có nghĩa là lòng không còn dính mắc vào vòng danh, lợi. Tu vì sự giải thoát, chứ không phải tu vì địa vị, vì được tôn kính, vì được hưởng vật phẩm cúng dường. Tu vẫn còn bị dính mắc vào danh, vào lợi, thì vẫn chỉ là chúng sinh lặn lộn trong vòng khổ đau, chẳng qua khác hình thức, khác đối tượng bị dính mắc mà thôi.
(4)Quyết định lòng “vọng”
Kinh Thủ Lăng Nghiêm ẩn dụ, dạy về tu cái “không tu”, chứng cái “không chứng”. Trong xuyên suốt cả bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm này, kinh đều cố phá chấp từ thân, cho tới cảnh, nếu thật có cái để tu, thật có địa vị, cảnh giới để chứng thì tức vẫn là dính mắc, tức chúng ta vẫn có cái “nghĩ tưởng” để sinh diệt.
Ý của phân đoạn này chỉ để cho chúng sinh không chấp vào “vọng tưởng” mà thôi.
2.Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng về "Mật giáo"
Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật giáo được phân thành 2 loại:
(1)Hiển giáo: Tức giáo lý hiển lộ được dạy bởi ngữ nghĩa.
(2)Mật giáo: Tức giáo lý thậm thâm, “bí mật”, được dạy bằng những câu tụng, câu “thần chú”.
Nhìn chung, hiển giáo dành cho các học giả muốn đi tìm hiểu ngọn nguồn của một lời dạy, của một chủ đề giáo lý nào đó, mật giáo dành cho những ai chưa có nhiều cơ hội đào sâu tìm tòi tổng thể của cả một bức tranh, chưa có đủ trải nghiệm để hiểu một lời dạy nào đó nhưng lại có niềm tin tuyệt đối vào lời dạy đấy, vào Phật pháp nói chung vì thế mà họ sử dụng những câu tụng, câu thần chú như một “lối tắt” cho bản thân mình. Hoặc, chúng ta cũng có thể hiểu rằng mật giáo tóm gọn cả một tư tưởng bằng một câu tụng, hiển giáo giải nghĩa câu tụng đó, và ngược lại, hiển giáo trình bày một vấn đề, mật giáo tóm gọn lại thành một câu ngắn.
Đối với mật giáo, những câu chú tụng thường được để nguyên văn tiếng Phạn, cách phát âm gốc, chứ không dịch sang tiếng của từng lãnh thổ. Giải thích cho điều này có 3 lý do:
(1)Đối với ngữ nghĩa, tiếng Phạn có một vài từ mang tính ý nghĩa đặc thù, to lớn và không có sự giải nghĩa tương đồng, ví dụ như “ba la mật đa”, “om”,… và còn nhiều từ khác, do không có sự tương đồng về mặt thể hiện ý nghĩa biểu tượng, cho nên nếu dịch sang từng lãnh thổ thành câu tụng mới với chữ của lãnh thổ đó, sẽ gây hiểu nhầm ý nghĩa hoặc không thể sát nghĩa.
(2)Đối với âm tiết, giả dụ từ “ba la mật đa” khi dịch sang tiếng Việt vẫn được dùng tạm là “công hạnh”, hoặc “bờ bên kia”. Số lượng âm tiết khác nhau, cách phát âm khác nhau, nếu ghép vào câu tụng, sẽ khiến ngữ điệu lệch đi, không còn đúng với cách luyến láy của câu tụng.
(3)Tôn trọng giá trị và ý nghĩa câu tụng.
Vì thế, trong mật giáo, các câu chú tụng giữ nguyên văn tiếng Phạn, chỉ dịch nghĩa để chỉ dạy cho người học hiểu ý nghĩa, còn với câu tụng thì không chuyển đổi ngôn ngữ. Trách nhiệm của những vị thầy mật giáo là truyền dạy cho đệ tử của mình cách đọc tụng đúng, và giải thích ngọn ngành ý nghĩa câu tụng để đệ tử tụng đúng câu từ và hiểu đúng ý nghĩa.
Kinh dạy chúng sinh nếu đọc tụng chú thì phát ra hiệu quả lớn để giúp trực nhận tâm, nhưng nếu muốn phát ra hiệu quả lớn thì phải giữ giới luật cho thanh tịnh, thì khi đọc tụng kinh hoặc thần chú mới có công dụng. Nếu giới bị ô nhiễm, nếu thân tâm bị vẩn đục thì đọc thần chú cũng vô ích.
3.Thứ lớp tu tập
Do nhận thức mê lầm của chúng sinh mà để phát khởi các niệm điên đảo, vô minh. Nhưng dạy là một lẽ, không phải cứ nghe là có thể thoát khỏi sinh tử, hiểu rõ ngọn nguồn khổ đau ngay lập tức, kinh giải thích rằng tâm tính của chúng sinh bị huân tập lâu đời, nhiều đời, nhiều kiếp các vọng tưởng, các nhân xấu, nên cũng cần thời gian để huân tập nhân lành, huân tập chính pháp, có như thế mới lần lượt diệt trừ cỗi gốc mê lầm được.
(1)Giai đoạn 1: Tu tập diệt trừ những nhân giúp đỡ vọng tưởng sinh ra, nhân trổ ra quả xấu: Tức giữ giới luật cho thanh tịnh, nghe giới, nghe luật, tụng chú nhưng phải thực hành.
(2)Giai đoạn 2: Thuận theo chân chính mà tu hành: Giữ giới luật đã thanh tịnh, thì phải học cách phá chấp, học cách buông xả.
(3)Giai đoạn 3: Tinh tấn, tăng tiến sự tu hành, để chuyển hoá mọi nghiệp chướng xuất hiện: Không từ bỏ, không để tổn hại giới đức, tâm ý.
Bốn loại thức ăn hàng ngày của con người
(1)Đoàn thực: Là thực phẩm ăn bằng đường miệng, tiêu thụ để nuôi dưỡng thân xác
(2)Xúc thực: Loại thực phẩm này tiêu thụ qua: Mắt, tai, mũi, thân và ý.
Bao gồm những gì mà mình thấy, nghe, ngửi, xúc chạm, kể cả tiếng xe cộ, tiếng ồn âm thanh ngoài đường, biển quảng cáo, hoặc 1 hình ảnh ngẫu nhiên trên đường phố,... Loại thực phẩm này, tuy không đi qua đường miệng nhưng vẫn đi vào tâm thức 1 cách tự nhiên thông qua sự tiếp xúc của chúng ta với đời sống.
(3)Tư niệm thực: Tư niệm là tư tưởng, ý định có tính chủ quan, là mong muốn, là suy tư của ta. Chúng được gọi là thức ăn vì "nuôi" những quyết định, những mong muốn, hoài bão, dẫn tới sự thúc đẩy tạo ra hành động của chúng ta trong cuộc sống.
(4)Thức thực: Loại thực phẩm này, bao gồm tâm thức cá nhân lẫn tâm thức tập thể. Tâm thức là cả một hệ thống đã tiếp nhận từ nhiều thứ, trong thời gian dài, ảnh hưởng tới tư niệm cá nhân, tới thói quen, hành vi đời sống. Bên cạnh "thức" cá nhân, thì chúng ta còn bị ảnh hưởng thêm bởi tâm thức tập thể.
Tất cả các loại thức ăn, đều có thể lành mạnh hoặc không. Tạm thời bỏ qua đoàn và xúc thực, chúng ta hãy bàn luận tới tư niệm và thức thực. Nguyên liệu trong tâm bao gồm có thương yêu, từ bi, tha thứ,... và cả tuyệt vọng, dục vọng, hận thù,.. Công cụ nấu ăn từ bên ngoài bao gồm tiền tài, danh sắc, những tranh cãi hơn thua,... và cả những người bạn tốt, những người biết san sẻ, không ích kỷ,..., hoặc cũng có thể là những người trục lợi, lừa dối, hơn thua,… Lựa chọn công cụ, và nguyên liệu phù hợp giúp ta tạo nên những món ăn nuôi dưỡng tâm thức, tâm thức được dẫn tới sự tham, sân, si hay thanh tịnh đều là do cách chúng ta hấp thụ món ăn.
4.Khai thị về nghiệp chung, nghiệp riêng
Chúng sinh gây nhân sinh, diệt, nên sẽ chịu quả trong lục đạo luân hồi, có chúng sinh có nghiệp báo riêng, gây nhân nào thì chịu riêng quả báo đó, những cũng có những chúng sinh thì gây nhân chung nên có chịu nghiệp chung.
Ví như trên thế gian, cùng là quả địa cầu này, chúng ta là người, và cũng có nhiều người khác nữa là người, như vậy là chung thân thể, chung loài, đó là quả chung, thậm chí có những người hợp chung thành một gia đình, hoặc học cùng nhau, hoặc là đồng nghiệp của nhau,… đó là quả chung. Nhưng trong cái chung đó thì có những cái riêng, như là đồng nghiệp của nhau nhưng có người gia cảnh giàu đó, có người gia cảnh nghèo khổ, có người còn bố mẹ, có người thì không,… hoặc có những cái còn riêng hơn nữa, như cảm nhận đời sống, góc nhìn vấn đề, nhận thức, trí tuệ, đức hạnh,…
Cũng cùng trên cõi đời này, thì lại có đất liền, có đại dương, con người có bộ óc phân tích, biết nghiên cứu là có đại dương, còn có những sinh vật cấp thấp sống ký sinh ở dưới sâu đại dương thì chỉ biết có đời sống của chúng thôi, chưa chắc gì đã biết tới ngoài đại dương ra có cái đất liền, có trời, có mây,… Nói vậy để biết, địa ngục, hay Niết bàn, là do cái nhận thức phù hợp nghiệp lực, do thân xác thọ quả nào mà dẫn lối cái ý thức tới thân xác tương ứng mà thôi. Nếu tâm tính đã không phân chia, không phân biệt, thì cũng phải từ lẽ đó mà biết địa ngục, Niết bàn cũng là danh từ giả tạm, tạm đặt để gọi cho những cảnh giới mà thân xác, ý thức tương ưng sẽ thấy, sẽ chịu. Nếu ngộ được bản lai tâm tính thì tất cả cũng chỉ là bọt nước, giả dối giả tạm.
5.Phận trong, phận ngoài
Kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi chúng sinh vẫn còn tham đắm trong dục lạc, hành động, nhận thức sai lầm bởi ham muốn, ái nhiễm là phận trong.
Còn những ai hành động ngoài vòng tham ái, nhàm chán cái kiếp trôi lặn khổ đau, tìm cầu sự giải thoát, phát ra ý niệm thanh cao, thoát ly khỏi những nhiễm ô, sống trên cõi đời ô nhiễm mà tâm chẳng hề vẩn đục, đó là phận ngoài.
6.Ái, tưởng nhẹ, nặng khác nhau dẫn đến những cảnh giới khác nhau
Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, chúng sinh mê lầm chấp ngã, lấy phân biệt làm tâm, lấy xác thịt làm thân, nên phải theo với cái thân, cái tâm ấy, mà xoay vần trong đường sinh tử. Chúng sinh trong mỗi nghiệp, lúc đang sống, thì hàng ngày hành động theo nghiệp thức hiện tiền của mình, nhưng đến khi chết, thì lại phải tùy theo sự huân tập, mà đổi sang nghiệp thân, cảnh giới khác. Trong lúc lâm chung, thân thể rã rời, không còn thấy nghe gì nữa, thì ý thức hoang mang, hiện ra nhiều cảnh, theo sự ghi nhớ trong một đời, đặc biệt là hiện ra những việc thiện ác đã từng làm.
Việc ác, việc thiện đua nhau lôi kéo tâm thức đi lên hoặc đi xuống. Nếu thuần là tư tưởng thanh cao, thì nhất định đi lên, sinh vào các cõi trời; nếu vọng tình tham dục ít, ái dục và tưởng như nhau, thì không đi lên, không sa xuống, trở lại sinh vào cõi người. Ái dục nhiều, tưởng ít, thì đọa vào các loài súc sinh, loài ngạ quỷ, địa ngục,…
Như thế, tất cả lục đạo đều do chúng sinh tự mình gây ra nghiệp nhân, rồi tự mình chịu lấy quả báo; quả báo giống nhau thì thọ dụng cảnh giới giống nhau; cảnh giới nghiệp chung ấy, vẫn có chỗ nhất định.
Tại sao nghiệp lực lại đưa ta đi lên hoặc đi xuống. Chúng sinh không hề phụ thuộc việc tái sinh cảnh giới xấu, hay đẹp nhờ vào 1 vị thần hay oai lực của Phật, nếu Phật có thể ban cái giác ngộ thì ai cũng sẽ giác ngộ, nếu Phật có thể đưa chúng sinh tái sinh thì ai cũng tới Niết bàn. Mọi sự tái sinh, đều do chính bản thân mình gây nghiệp lực.
Ví như nước, khi ở thể lỏng, thì tự nó trôi về chỗ trũng, dù chẳng ai làm, nhưng cứ chỗ sâu nhất nó sẽ chảy tới. Dòng thác chưa bao giờ chảy ngược từ dưới lên trên. Còn khi nước ở dạng hơi, thì nó sẽ bốc lên cao, dù có cố ngăn lại thì cứ chỗ cao nhất, hơi nước sẽ bốc lên.
Sự huân tập của nhân mình gây ra trong đời sống hàng ngày được đưa vào thức thứ 8, thức thứ 8 như một cái kho, nhân gì cũng nhận, không chê điều gì, chỉ đợi tới khi đủ nhân duyên, nhân nào trổ được quả thì sẽ hiện tiền. Ví như chúng ta xây một cái kho để đồ, cái kho không phân biệt, không từ chối gì mình cả, ta cho vào cái bàn, nó cũng nhận, ta cho vào cái ghế, nó cũng nhận. Cho tới khi, ta cần dùng cái gì, chúng ta tìm và lấy ra, việc chúng ta cần và đi tìm tượng trưng cho sự hội tụ nhân duyên vậy. Với thức thứ 8, mời bạn đọc tìm hiểu tới Duy Thức học để hiểu hơn về "thức".
Như một cái kho, vốn dĩ ta xây xong, thì chỉ gọi là cái kho, nhưng nếu cho lương thực vào, thì sẽ thành kho lương thực, còn nếu cho vàng vào, thì lại gọi là kho vàng. Thức thứ 8 cũng thuần khiết như vậy, ta cho nhân xấu vào sẽ thành kho xấu, ta cho nhân tốt sẽ thành cái kho tốt.
7.Cốt lõi tu hành
Khái niệm là thế, lý thuyết là thế, nhưng cốt lõi của những người tu hành, muốn được giác ngộ viên mãn, cốt yếu phải diệt trừ tham, sân, si. Nếu còn tham, sân, si thì dù có đắc bất kì điều gì: thần thông, sự tôn sùng, định các tầng trời,… thì cũng chỉ là sự thoả mãn cho cái bản ngã nằm trong thân xác tu hành đó mà thôi.
Trong Phật giáo hay nói tới khái niệm ấm ma. Ấm là sự kết lại, là sự ngăn che, ấm ma ý nói tới sự quấy nhiễu người tu hành. Ma phá sự tu hành có thể ở bên ngoài, cũng có thể từ bên trong. Chúng ta có thể hiểu rằng ma bên ngoài chính là người đời, người ngoài, sự chê bai,…, còn ma từ bên trong là vọng tưởng của mình, nỗi sợ hãi, sự nản lòng,… Nguy hại hơn nữa, tu hành chưa tới đâu nhưng chỉ chăm chăm vào quả vị, chưa tu chứng nhưng luôn nhận mình chứng, thì con đường tu hành còn rất xa và gian nan.
Trên đời này, chúng ta thường so sánh sự bố thí là người này cho người kia, cho cái gì, nhiều hay ít. Nhưng dù cho bao nhiêu vật chất đi chăng nữa, ví như bố thí vàng khắp mọi bốn bề, cũng chẳng nhiều phước bằng một người khuyên răn người đời giữ giới, ngăn chặn việc ác, giúp người giữ giới, cho đi dù một thứ rất bé, nhưng không mong mỏi đền ơn.
8.Lời kết
Đạo Phật không xa rời một ai, hay một loài nào. Chỉ cần gìn giữ đạo đức, kiên trì giữ giới, kiến lập đạo trường, hành thiện không mỏi mệt, như vậy, chúng ta sẽ thấy Phật. Ở đây, tôi kiến giải những ý cốt yếu, giản dị và “chân thật” nhất với đời sống, mong rằng độc giả có thể hiểu được mọi lý lẽ từ kinh Thủ Lăng Nghiêm đều có dụng ý chỉ rõ tâm tính, sự trực nhận tâm tính, tất cả đều phụ thuộc chính mỗi con người, trên hành trình sống thiện, sống đạo đức.
Cư sĩ Phúc Quang lược giải
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, biên dịch: Cư sỹ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897 – 1969), NXB Tôn Giáo, 2021
2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Hoà Thượng Tuyên Hoá giảng thuật, NXB Tôn Giáo, 2006
Bình luận (0)