Đối với nền tảng Duy Thức, luôn tồn tại song song 2 bên đối đãi để sinh khởi Thức. Vì vậy nếu có tướng trạng của chủ thể biến hiện (năng biến) thì tất yếu phải có đối tượng biến hiện (sở biến)

Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang

Phần I. Duy Thức học luận bàn Thức

1. Duy Thức luận về "bản thể" của "Thức"

Thức gồm có 2 phần, 1 phần bản thể kêu là chân như, tức là yên lặng từ bao giờ, từ vô thuỷ (gọi là vô bản chất tính cảnh), 1 phần là vọng động (hữu bản chất tính cảnh). Vô bản chất tính cảnh dịch là cảnh mà không có bản chất, hữu bản chất tính cảnh dịch là cảnh mà có bản chân, thực ý nói về cảnh không phân biệt và cảnh có phân biệt.

Vô bản chất tính cảnh không có hình tướng gì hết, hữu bản chất tính cảnh thì có hình tướng, nhưng hai thứ này lại chẳng dời nhau.

Ví dụ như biển, vô bản chất tính cảnh là nước biển, còn hữu bản chất tính cảnh là sóng. Sóng với nước trong biển đều chung 1 bản thể, nước biển là ví dụ cho chân như, khi nước biển hiện ra hình tướng sóng, thì sóng chính là hữu bản chất tính cảnh.

Gọi nước, và sóng là 1 thì sai, nhưng nói là 2 thì cũng lại không chính xác, vì sóng và nước vốn chung 1 bản thể. Khi phân biệt ra nước và sóng rồi thì ta nhận thấy nước thì vẫn là nước, còn đã là sóng thì sinh diệt từng sát na, từng chu kỳ, sóng này diệt thì sóng khác sinh, chẳng thể tìm thấy cơn sóng đầu tiên là cơn sóng nào và có từ bao giờ. Nước là cái thể của sóng, còn sóng là cái tướng của nước.

Hiểu như vậy thì rõ, sự phân chia là để phân tích cái hành tướng, chứ không phải nước và sóng tách thành 2 thứ khác nhau. Tương tự như vậy, chân như và vọng tưởng, gọi là 1 thì sai, nhưng là 2 thì không đúng, vốn chỉ là 1 thể Thức, chân như là thể, vọng là tướng. Chúng sinh dùng ý thức theo loài, phân biệt vọng động và chân như, đi theo vọng động, từ vọng động như cơn sóng bị cuốn trôi đi, từ vô thuỷ thời gian, rồi có tướng này, lại sinh tướng kia,…

Sự cuốn theo vọng động tạo ra đới chất cảnh, tức là những cảnh có sự liên đới tới bản chất. Thực chất ý nói tới cảnh ý thức làm chủ thể duyên với cảnh bị duyên. Cảnh bị duyên gá nương nơi bản chất vốn chung là thể Chân như, nhưng ý thức theo loài thì chỉ nhận tướng phần để dung nạp vào A-lại-da thức.

Hình tướng đã có thì Thức cũng sinh ra những diệu dụng khác nhau để làm chủ thể, tuy cùng 1 bản thể, nhưng có những dụng khác nhau để đối đãi với hình tướng.

2. Duy Thức học luận về 3 lượng, 3 cảnh

2.1. Lượng

  • Lượng: Có nghĩa là “đo lường”, “tiêu chuẩn”, hoặc tạm hiểu là cái “nhận xét” tuỳ từng hoàn cảnh.

Khi Thức khởi hiện hành, thì sẽ đều gồm có 2 bên đối đãi: Phần thấy (gọi là “Kiến phần”) và đối tượng bị thấy (gọi là “Tướng phần"). Chữ “lượng” ở đây muốn diễn tả về kiến phần sai khác, đo lường sự sai khác đó.

(1)Hiện lượng: Cái nhìn đơn thuần. Ví dụ khi mắt duyên sắc trần, khởi ra nhãn thức, thì đây chỉ duyên một cách đơn thuần.(2)Tỷ lượng: Cái nhìn không còn đơn thuần mà can thiệp so sánh, phân biệt, định kiến,… (3)Phi lượng: Cái nhìn phân biệt sai lầm

2.2.  Cảnh

(1)Tính cảnh: Thật cảnh. Thật cảnh có thật thể và thật dụng, gồm 2 loại:

  • Loại 1: Vô bản chất tính cảnh: Chân như
  • Loại 2: Hữu bản chất tính cảnh: Vọng động

(2)Độc ảnh cảnh: Cảnh đơn độc. Cảnh này không có thật thể, thật dụng, mà chỉ có ảnh tượng nên gọi là “độc ảnh”. Độc ảnh cảnh cũng gồm có 2 loại:

  • Loại 1: Hữu bản chất độc ảnh cảnh: Ảnh tượng đơn độc, có bản chất.

Cảnh này được định nghĩa là Ý thức nương nhờ tâm vương, tâm sở của người khác, cái khác, rồi tự biến tưởng để duyên. Ví như nghe người khác kể chuyện và mình tưởng tượng lại, hoặc cùng một sự kiện, mình nhìn vào đó tưởng tượng ưa thích, người khác nhìn vào đó thì tưởng tượng chán ghét.

  • Loại 2: Vô bản chất độc ảnh cảnh: Ảnh tượng đơn độc, không bản chất.

Cảnh này được định nghĩa là sự tưởng những thứ không có thật ngay hiện tại như lông con rùa, hoặc hồi tưởng quá khứ, nghĩ viễn cảnh tương lai.

(3)Đới chất cảnh: Cảnh liên đới với bản chất. Cảnh này là cảnh tâm năng duyên duyên với cảnh sở duyên, gồm có 2 loại:

  • Loại 1: Chân đới chất: Cảnh thật có liên đới bản chất.
  • Loại 2: Tự đới chất: Cảnh tự in, có liên đới bản chất.

Đối với phần lượng, cảnh khi giải nghĩa phiên âm có thể sẽ gây khó hiểu, càng cố giải nghĩa theo từ, chúng ta càng dễ đi lòng vòng trong ngữ nghĩa khô khan. Chúng ta sẽ làm rõ tại những phần dưới đây.

3. Lý Duy Thức theo lượng và cảnh

Mạt – na thức là cái nhìn hiện lượng, tức chỉ duyên với kiến phần một cách đơn thuần, và có hành tướng là đới chất cảnh.

Tức có nghĩa là Mạt – na thức duyên kiến phần với cảnh liên đới bản chất thật, tuy nhiên Mạt – na thức lại không có khả năng lọc bỏ, sửa đổi, giống như nói rằng không có “Tuệ”, nhìn sóng cuộn lên trên mặt biển, thì liền chấp luôn sóng đó là bản chất nước biển, rồi cho rằng sóng biển sinh diệt nên nước biển sinh diệt.

Mạt -  na thức cứ in chồng kiến phần này lên kiến phần khác, sự chấp ngã vi tế ngày càng nhiều, sâu dày, khó gỡ.

A – lại – da vốn chẳng hình tướng, mà Mạt – na thức quy chụp, chồng kiến phần tạo nên hình tướng, và chấp đó là “ta”.

Mạt – na thức chỉ là cái vọng chấp mà thôi, là sự vô ký, còn thiện ác được tạo thực chất là dựa vào Ý thức. Ý thức có khả năng phân biệt, đánh giá, chỉ đạo 5 căn tạo ra hành động, lời nói. Nếu Ý thức có tâm sở bất thiện lấn át sẽ ra quyết định bất thiện, tạo sự chấp ngã của Mạt – na vào sự bất thiện, huân tập nhiều nhân duyên bất thiện vào A – lại – da.

Bởi Mạt – na nương kiến phần của A – lại – da làm bản chất, rồi trên kiến phần của Mạt – na biến ra cái "cảnh giới tướng phần", trở lại chấp cho đó là "thật ngã, thật pháp"; nên nhà Duy Thức gọi là "Cảnh chân đới chất".

Nghĩa là Mạt – na nương kiến phần của A – lại – da làm bản chất, rồi biến lại cái "tướng phần ảnh tượng" ở nơi đó. Cái "tướng phần" này, một đầu là do kiến phần của A – lại – da một đầu là do kiến phần của Mạt – na, hai bên đều khởi một phần tác dụng, biến ra cái "tướng phần" giữa hai Thức.

Cũng như hai cây đèn đốt để gần nhau, hai đầu chiếu sáng, chính giữa có cái bóng hơi tối, đó là dụ cho "tướng phần chân đới chất".

Duy Thức học - "Lượng" và "Cảnh"

Vì thế nên ngài Huyền Trang Pháp sư làm bài tụng có hai câu rằng:

"Dĩ tâm duyên tâm chân đới chất, Trung gian tướng phần lưỡng đầu sinh".

Nghĩa là: Đệ thất Thức dùng kiến phần duyên qua kiến phần của Đệ bát Thức, rồi nó biến ra cái tướng phần, gọi đó là chân đới chất. Cái tướng phần chân đới chất ở trung gian đây là do hai đầu (Thức thứ bảy và Thức thứ tám) mà sinh.

Kiến phần của Thức A – lại – da và kiến phần của Thức Mạt – na đều là "Tâm pháp"; hai bên kết hợp lại, sinh ra tướng phần là "Sắc pháp". Song cái "Tướng phần" này không phải thuộc về A – lại – da và cũng không phải thuộc về Mạt – na, chẳng qua do hai Thức cùng nhau biến hiện ra cái ảnh tượng (Tướng phần) rồi vọng chấp cho đó là thật ngã, thật pháp mà thôi.

Bởi chấp là "thật ngã", nên lúc nào cũng quý trọng cái ngã của mình, mà bài xích khinh miệt những cái không phải của mình (phi ngã). Bởi thế, nên sinh ra các "phiền não chướng". Vì chấp là "thật pháp", nên lúc nào cũng quý trọng cho là hơn hết, mặc dù pháp ấy hư vọng. Trái lại, chê bai các pháp khác, mặc dù pháp ấy chân thật. Bởi thế, nên sinh ra các "sở tri chướng".

Phiền não và sở tri chướng, bắt đầu từ ngã chấp và pháp chấp mà sinh ra vậy.

Phần II. Duy Thức học luận về tướng trạng “năng biến”

Thức có dụng là sự biến hiện, chúng ta tạm hiểu tướng trạng năng biến là sự bàn luận về chủ thể biến hiện hoạt động cơ bản ra sao. Thức năng biến phân làm 3 loại như sau:

(1)Thức năng biến A – lại – da (2)Thức năng biến Mạt – na (3)Thức năng biến 6 thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức

1. Luận về A – lại – da

1.1. Tên gọi giả tạm

Thức A – lại – da vi tế, thâm sâu, được sử dụng với nhiều tên gọi khác nhau để diễn tả những công năng khác nhau:

(1)Tiếng Phạn gọi là A – đà – na: Trung hoa dịch là “Trì”, tức là giữ gìn; ý muốn nói tới sự giữ gìn các pháp.

(2)Tâm: Tên gọi phổ biến, chi phối hành vi, suy nghĩ chúng sinh.

(3)Sở tri y: Vì Thức này làm chỗ nương tựa của các pháp bị biết, nhiễm tịnh không phân biệt.

(4)Chủng tử thức: Vì Thức này lưu trữ chủng tử.

(5)A – lại – da: Công năng đã được nêu từ đầu.

(6)Dị thục thức: Dị thục dịch tương đương với quả báo, ý nói Thức này thọ lãnh quả báo.

(7)Vô cấu thức: Thức này dùng cho các vị chứng ngộ, tức Thức chỉ còn chứa các chủng tử thanh tịnh, không cấu nhiễm.

(8)Căn bản thức: Bảy thức trước, các pháp hiện hành đều nương vào đây mà sinh khởi.

(9)Như Lai tàng: Tàng thức của Như Lai, diễn tả trạng thái Chân như.

1.2. Tự tướng của A – lại – da

Tự tướng hay hiểu là “bản chất tướng trạng”, “hành tướng” của A – lại – da, đó là mang theo ba nghĩa:

(1)Năng tàng: Chủ động chứa - Kho chứa đựng hạt giống, các chủng tử nhân duyên (2)Sở duyên: Bị chứa – Là nơi các hạt giống ứ đọng, được nuôi dưỡng (3)Ngã ái chấp tàng: Bị coi là bản ngã hình tướng cho thức thứ 7 chấp ngã, luyến ái

1.3. Quả tướng của A – lại – da

Quả tướng là viết tắt cho khái niệm “tướng quả báo”. Thức A – lại – da ở đời trước dung nạp những hạt giống, chủng tử, nhân nghiệp như nào sẽ dẫn lối đi tới sự nương gá vào xác thân phù hợp với những quả báo tương ưng để thọ nhận.

Tuy nhiên, thiện, ác chỉ là nói ở mặt nhân, không xét ở mặt quả. Nhân thì có thể có thiện hoặc ác, vì bản chất nhân là tạo tác có chủ đích, có kế hoạch, có mục tiêu,… và dựa vào tâm sở tác động tới để quyết tính thiện, tính ác. Nhưng quả chỉ là vô ký tính, tức tính không thiện không ác, vì khi quả báo hiện thời thì đó là kết quả tất yếu của hành động, chứ không do ai tạo ra nhằm mục đích trả lại cho mình nên được xét là tính vô ký.

1.4. Nhân tướng của A – lại – da

Nhân tướng là cái tướng về nhân, tạm hiểu đơn giản rằng A – lại – da này làm nhân mà trổ ra quả của các chủng tử nhân duyên. Tuy A – lại – da chẳng hình tướng gì, chẳng biết ở đâu nhưng lại có công năng gìn giữ các pháp và đẩy các pháp ra hiện hành.

Cũng giống như hạt giống của cây khi đã gieo xuống đất, đã lên mầm và được chăm sóc kỹ lưỡng. Sau này khi cây mầm đó trở thành cây lớn, sẽ ra lá, dù biết là thế nhưng khi cây còn là cây mầm nhỏ, chúng ta lại chẳng thể nào chỉ được ra xem lá sẽ mọc ở những vị trí nào, tạo ra hình hài cái cây to ra làm sao.

Nhân tướng của A – lại – da có 2 hình thức:

(1)Từ chủng tử khởi ra hiện hành: Ví như hạt giống, nảy ra mầm thành cây lớn, có lá, có quả. Cũng như hạt giống chủng tử nhân nghiệp, khởi ra hiện hành tướng trạng các pháp hữu hình, dẫn lối hành động, tạo tác,…

(2)Từ hiện hành lại huân tập chủng tử trở lại: Ví như cây kia đã ra lá, quả. Quả rụng xuống đất, lại trở thành mầm cây cho cái cây mới tương lai. Các pháp hữu hình, hành động, tạo tác sẽ dẫn tới sự thu nạp thêm các hạt giống chủng tử mới.

2. Luận về Mạt – na thức chấp “tướng ngã”

Theo Duy Thức Tam Thập tụng có chép câu như sau: “Y bỉ chuyển duyên bỉ” Tạm dịch là: Nương nơi sanh, rồi trở lại duyên với nơi sanh

Tuy chỉ là một câu ngắn gọn, nhưng gần như diễn tả được hết tướng trạng chức năng biến hành của Mạt – na. Mạt – na nương nhờ A – lại – da mà hiện hữu, lấy kiến phần của mình duyên lại kiến phần của A – lại – da, chấp kiến phần A – lại – da làm thật ngã và thật pháp.

Nếu A-lại-da được coi như cái thể, thì thức Mạt – na là cái dụng, 2 phần này gọi là 1 thì sai, nhưng nói 2 thì chưa chính xác, Mạt – na từ A-lại-da mà thành. Mạt – na dùng kiến phần của mình duyên qua kiến phần của A – lại – da và Ý thức phân biệt, chấp làm thật ngã, và thật pháp. Nguyên nhân sinh tử luân hồi là do thức thứ 7 (Mạt – na thức) này bám chấp và thúc đẩy.

Cái này Duy Thức học gọi là “Đới chất cảnh”, đới là liên đới, chất là tính chất. Cảnh này là sự liên đới của Mạt – na thức khi duyên với kiến phần của A – lại – da, cái kiến phần thì không có hình tướng, nhưng Mạt – na thức chụp mũ sự phân biệt hình tướng lên kiến phần đó để chấp ngã.

Sự chấp ngã của Mạt – na thì vô ký, không có thiện mà cũng không có ác, mà là sự chấp ngã vi tế, luân chuyển chấp tướng, chấp ngã, chấp tưởng,… vào A – lại – da thức. Vì thế, nếu nhận thức sáng suốt, suy nghĩ lương thiện, thì cái kiến phần mà Mạt-na thức dung nạp vào A-lại-da thức cũng là những chủng tử nhân duyên tốt đẹp, nếu nhận thức vô minh, u tối sẽ luân chuyển nhân duyên tương đương

A-lại-da chứa đựng toàn những nhân xấu khi đủ duyên hợp thời, sẽ trổ quả xấu, cảnh giới xấu phù hợp, ngược lại, nếu chứa đựng nhân tốt thì cho ra quả, và cảnh giới tương ứng. Nói theo tục đế, thì nhận thức như thế nào, sẽ gặp cảnh đời như thế, nhận thức biến đổi thì mọi sự biến đổi theo.

Nhận thức thay đổi, thì đối tượng của nhận thức cũng thay đổi theo. Ví như chất thải, là thứ ô uế con người bỏ đi, sợ mùi hôi thối, bẩn thỉu, nếu vô tình ăn phải đồ ôi thiu thì bị ngộ độc, nhưng với ruồi, nhặng thì lại là đồ ăn. Tướng vẫn là 1, nhưng chủ thể khác nhau lại thấy khác nhau, công dụng khác nhau, ý thức như nào sẽ quyết định đối tượng của nhận thức tương đồng như thế.

Kiến phần của A – lại – da và kiến phần của Mạt – na đều là “Tâm pháp”; hai bên đối đãi mà sanh ra “sắc pháp”. Cái tướng phần của sắc pháp này vốn chẳng phải của A – lại – da, cũng chẳng thuộc về Mạt – na, chẳng qua do sự đối đãi của 2 thức mà biến sanh ra cái ảnh tượng rồi vọng chấp là thật ngã, thật pháp mà thôi.

Nếu ví A – lại – da như mặt biển, Mạt – na như sóng biển, thì cái tướng phần biến hiện ra là bọt nước. Mặt biển và sóng biển đối đãi với nhau mà tạo ra bọt nước, bọt nước chẳng phải của mặt biển, cũng không do sự sinh ra bởi sóng biển, chỉ là sự đối đãi 2 bên mà hiện rồi sau đó diệt.

3. Luận về thức năng 6 thức

Phần này, tôi đã chia sẻ tại các phần trước, tôi sẽ chỉ tóm gọn lại dưới 2 ý cơ bản:

  • Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức được sinh khởi khi 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tiếp xúc 5 đối tượng của chúng (sắc, âm thanh, hương, vị, xúc chạm).
  • Ý thức (thức thứ 6) nương nhờ căn là Mạt – na (thức thứ 7) xúc chạm với bóng dáng pháp trần mà khởi sinh.

Phần III. Duy Thức học luận về tướng trạng “sở biến”

Đối với nền tảng Duy Thức, luôn tồn tại song song 2 bên đối đãi để sinh khởi Thức. Vì vậy nếu có tướng trạng của chủ thể biến hiện (năng biến) thì tất yếu phải có đối tượng biến hiện (sở biến)

Sở biến của A – lại – da gồm có 3 loại: (1)Chủng tử (2)Căn thân (3)Khí thế gian

1. Chủng tử

Xét còn là chủng tử, khi chưa hiện hành thì Tiền ngũ thức, Ý thức và Mạt – na thức không thể duyên được.

Đặt vấn đề: Lấy gì chứng minh điều đó ?

  • A – lại – da, chủng tử, đều vô hình vô tướng, chẳng thể lý luận miêu tả mà chứng minh được, nay ta đi tới ví dụ thế gian làm tượng trưng mà trình bày.

Ví như cái cây to lớn, nhiều lá, khi còn là cây mầm, chúng ta chẳng thể biết lá sẽ mọc ra ở đoạn nào, chỗ nào, tạo ra hình hài tán lá um tùm như nào, khi cây còn là cây mầm, thì mắt sao thấy màu lá, Ý thức sao phân biệt yêu thích, như vật thì Mạt – na lấy cơ sở đâu mà chấp ngã vào nó.

2. Căn thân, khí thế gian

Dựa vào lý luận về chủng tử, về năng biến A – lại – da mà xét, như vậy chúng ta hiện tiền thấy những thân xác, giống loài, chúng sinh hữu tình, vô tình, cảnh núi, sông, mây, trời,… thật ra chẳng phải bản chất của A – lại – da, vì bản chất Thức này là chứa chủng tử, mà chủng tử thì chẳng thấy, chẳng suy luận được.

Những cảnh hiện tiền chúng ta thấy, chỉ là tướng phần của A – lại – da đã đẩy ra hiện hành lấy làm bản chất, các căn thu nạp tướng phần đó, dùng kiến phần duyên đó mà sinh khởi nhận thức, chấp ngã.

Theo lý Duy Thức mà nói, thì các cảnh hiện tiền là tướng phần của A – lại – da, như vậy là có, chứ không phải không có cảnh, chỉ là đó không phải bản chất, nhưng Thức chấp ngã coi đó là bản chất thật, chấp ngã thì sẽ bị vọng tưởng mê lầm. Duy Thức coi căn thân, khí thế gian như những cái bóng trong gương, thể hiện 1 phần bản chất, mượn tạm cái bản chất mà hiện tướng, nhưng lại bị chấp là thật ngã, thật pháp.

Phần IV. Duy Thức luận về 2 “đế”, 3 “tính”

1. Đế

Đế là phiên âm ra tiếng Việt, tạm dịch là “lời nói đúng”, là “sự phù hợp”. Đế gồm có 2 loại:

(1)Tục đế: Sự thật theo đời thế tục (Thế gian) (2)Chân đế: Sự thật tuyệt đối (Chân như)

1.1. Tục đế

Tục đế gồm có 4 tầng ý nghĩa:

(1)Thế gian thế tục đế: Cũng gọi là “Giả danh vô thật đế”

Tức là chỉ có giả danh, chứ không thật bản chất. Ví gọi là cái bát, tên gọi “cái bát” chỉ là giả danh do con người tự đặt tên, chứ không thể hiện bản chất thật sự cái bát là cái gì, cũng những nơi còn gọi khác đi là “cái chén”, hay những người không cùng ngôn ngữ cũng gọi khác nhau. Vì vậy cái danh chỉ là sự giả tạm cho phân biệt mà thôi.

(2)Đạo lý thế tục đế: Cũng gọi là “Tuỳ sự sai biệt đế”

Phụ thuộc theo các loại, các chức năng, nhóm khác nhau mà thành lập đạo lý, ngữ nghĩa. Ví như: 12 xứ, 18 giới,…

(3)Chứng đắc thế tục đế: Tức là sự chứng ngộ đạo lý thế tục, như biết trộm cướp là khổ.

(4)Thắng nghĩa thế tục đế: Hiểu biết rõ ràng, sáng suốt về đời thế tục, quán pháp “Không” – “Chân như”.

1.2. Chân đế

Chân đế cũng có 4 tầng ý nghĩa:

(1)Thế gian thắng nghĩa: Hiểu rõ ngữ nghĩa của đạo lý thế tục đế, ví như hiểu rõ 12 xứ,…

(2)Đạo lý thắng nghĩa: Tức là biết hành theo chứng đắc thế tục đế, biết tu tập,…

(3)Chứng đắc thắng nghĩa: Chứng ngộ hiểu rõ ràng về “Không” – “Chân như”.

(4)Thắng nghĩa – thắng nghĩa: Sự hiểu biết không thể luận bàn.

2. Tính

Duy Thức học luận về 3 tự tính:

(1)Biến kế sở chấp tự tính: Tính mê muội, vọng chấp sai lầm

(2)Y tha khởi tự tính: Pháp hữu vi duyên khởi

(3)Viên thành thật tự tính: Chân như – Cái hiểu biết rõ ràng

Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Duy Thức học, dịch giả: HT. Thích Thiện Hoa, Nxb Tôn Giáo, 2020
  2. https://thuvienhoasen.org/a7317/duy-thuc-hoc
  3. https://thuvienphatviet.com/ht-thich-tue-sy-dan-vao-duy-thuc-hoc/
  4. Kinh MILINDA PANHA (Milinda vấn đạo), NXB Tôn Giáo, 2015