Phần I. Xét chỗ phát Tâm tu

  1. 1. Xét về chỗ phát Tâm trong lúc tu nhân

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dùng hư không làm biểu tượng để xét. Cần phải xét kỹ trong lúc tu nhân và chỗ giác ngộ trong lúc chứng quả, là cùng nhau hay là khác nhau. Nhân nào thì quả ấy, nếu đem cái tâm sinh diệt mà làm cái nhân tu hành, thì quyết định không thể chứng được cái quả bất sinh bất diệt của Phật, nếu dùng cái nhân là ý thức đối đãi mà chứng ngộ, thì cái ngộ đó là ngộ của tưởng, của đối đãi chứ không phải cái ngộ của Chân Như.

Quả vị trong đạo Phật đều là vô ngã, là vị tha, là thực chứng toàn thể toàn dụng pháp giới tính như như bình đẳng, vốn đã vô ngã, đã lìa mọi không, kể cả cái không cũng lìa thì thực tướng Chân Như làm gì có quả nào, để mà chúng ta đắc. Quả vị chỉ là theo ngôn ngữ thế gian vẽ ra để phân cấp bậc mà thôi. Nếu không thận trọng trong lúc tu nhân, đem cái tâm nhân ngã, vì danh, vì lợi, vì hạnh phúc riêng, vì địa vị, vì bất kì một mưu đồ cá nhân nào đó mà tu hành, thì rốt cuộc, cũng không khác gì nấu cát muốn cho thành cơm, quyết không thể nấu được. Vì nếu còn một niệm dù là nhỏ nhoi trong ý muốn, thì cũng đã sử dụng cái ý thức đối đãi mà khởi dục rồi.

Ảnh: St
Ảnh: St

Phật bảo Tôn giả A – nan xét kỹ các sự vật trong thế gian, thì sự gì vật gì đã có sinh là đều phải có diệt; duy có cái hư không không có tướng, không do cái gì sinh ra, thì trước sau không bị tan mất. Thế thì biết, nếu còn chấp có thật ngã, chấp có thật pháp, còn thấy thật có sinh diệt, thì không thể chứng quả Bồ đề.

Chúng sinh mê lầm, đi ngược với bản tính diệu minh, nhận tứ đại làm thân của mình, rồi nương theo thân đó mà đối đãi với hoàn cảnh, phát sinh ra cảm giác; do cảm giác khác nhau, làm cho tính bản minh chia thành những điều thấy, nghe, phân biệt, che lấp tâm tính, tạo ra năm lớp ô trọc, gọi là ngũ trọc.

Trọc hay còn được biết tới là từ trược (Ngũ trọc/ ngũ trược), là đục vẩn. Như nước trong, lẫn đất bùn vào, thì nước mất trong sạch, đất mất ngăn ngại, hai bên lẫn lộn với nhau, thành ra nước đục. Ngũ trọc/ ngũ trược nơi tự tâm cũng vậy. Bản tính vốn là thanh tịnh, thường trụ không thay đổi; vọng tưởng vốn là giả đối, sinh diệt tiếp tục. Chúng sinh không giác ngộ bản tính, theo các vọng tưởng, để cho vọng tưởng lấp mất tâm tính, nên mới sinh ra ngũ trược.

Ngũ trọc/ngũ trược gồm có:

1 – Kiếp trọc/ kiếp trược: Ý nói tới kiếp sống này, là kiếp sống nhiễm ô, không thanh tịnh

2 – Kiến trọc/ kiến trược: Ý nói tới cái thấy không thanh tịnh, bị phân biệt giả dối

3 – Phiền não trọc/ phiền não trược: Sự vẩn đục bởi nhiễm ô, phiền não

4 – Chúng sinh trọc/ chúng sinh trược: Chúng sinh cùng kiếp sống, cùng giống loài

5 – Mạng trọc/ mạng trược: Cái thân xác mà chúng ta đang mang, không thanh tịnh

  1. 2. Xét rõ cỗi gốc phiền não

Người phát tâm tu hành phải nhận rõ tại sao tâm đối đãi với cảnh vật mà chúng ta lại sinh ra đắm chấp, sinh ra luyến ái, nếu không nhận rõ điều này ở ngay những thứ đời thường của cõi đời thì còn không biết mê lầm là thế nào, huống chi là muốn diệt mê lầm cho hết sạch? Cũng giống như người thắt nút dây, muốn cởi cái nút, thì phải ngay cái nút mà lựa, nhìn vào cái nút mà phân tích xem điểm thắt ở đâu, chứ nơi 2 đầu dây, càng kéo thì càng chặt hơn mà thôi, chứ không thể cởi được nút.

Nguyên do của mê lầm là vô minh, phát nghiệp vô minh vọng động, phân biệt đối đãi, đem cái ý thức cho là của mình gắn với trần cảnh, song cái mê lầm cũng như cái tưởng của bạn trẻ đi trong đêm tối. Đi trong đêm tối không người, thì hoang tưởng, lo sợ có ma, như người hiểu nhầm mặt trời mọc lên đằng Tây, lặn xuống đằng Đông, những cái cỗi gốc phiền não đó là vô trụ, do nhận thức mê lầm, không có căn cứ, chúng ta phải xét kỹ nơi 6 căn, 6 trần đối đãi với nhau, sinh khởi ý thức gì, đắm chấp ra sao, thế nào là vọng động phân biệt, thế nào là bám chấp, bám chấp rồi thì khổ não ra sao,… có căn nguyên như vậy thì mới có cơ sở để đi tìm cái nút thắt gỡ rối vòng sinh tử.

Chúng sinh trong vô lượng kiếp, đem cái thân mình mang mỗi kiếp, mà sống bản năng, đối đãi cảnh trần, chấp thân là mình, phân biệt sinh ra mê lầm, bị ràng buộc mãi. Chúng ta phải tự hỏi, vì sao cùng là thân người, nhưng có những người sống một đời an nhiên, nhẹ nhàng, nhưng cũng là người ngày đêm nổi cáu, say ăn, thèm rượu, không thoát được dục thân xác. Nếu con người là giống nhau, tại sao lại có sự khác nhau như kể trên.

  1. 3. Chỉ rõ chỗ hư vọng nơi sáu căn

Sáu căn đối với sáu trần có công năng riêng, có phạm vi khả năng hoạt động rộng hẹp khác nhau, không đồng đều, kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy chỉ cần lựa lấy cho mình một căn mà đi sâu vào để phát trừ mê chấp, tới khi căn được thanh tịnh rồi thì cả sáu căn đồng thời đều được thanh tịnh.

Tôn giả A – nan nghe lời dạy như vậy, thì nghi rằng sáu căn khác nhau, làm sau chỉ tu nơi một căn mà có thể chứng thanh tịnh cả 6 căn.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm giải thích rằng đó là vì chúng sinh chưa rõ tâm tính nương gá nơi xác thân, đối đãi phân biệt ra từng loại cảnh vật và có căn đối đãi khác nhau, đến khi tâm tính tuyệt đối hiện tiền có thể chứng được rồi thì cái 1, hay cái 6 làm gì còn tồn tại nữa, vì cái 1, hay cái 6 là cái phân biệt giả dối đỗi đãi, còn nơi tâm tính tuyệt đối thì chẳng còn bất kì một đối đãi nào khởi lên.

Cũng giống như chúng sinh nhận lầm Niết bàn là một nơi để đến, tồn tại cái ý niệm Niết bàn cũng chỉ là đối đãi với cái gọi là sinh tử mà thôi, nếu chấp thật có Niết bàn thì cũng sẽ có sinh tử, đã dính vào chấp thì càng đi tìm, càng luẩn quẩn trong vòng đối đãi sinh tử không hồi kết.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy cho biết cả cái một căn, hay sáu căn đều là giả dối giả tạm không thật (như đã viết ở phần trước), nếu nói chúng là một, thì tại sao con mắt không thấy âm thanh, cái tai thì không nghe được mùi, cái mũi chẳng ngửi được sắc,…? Nhưng lại nếu nói sáu căn không phải một, thì tại sao khi chỉ nghe người thân gọi mình, ý đã biết là ai, mắt nhìn thấy mơ chua thì miệng tiết nước bọt,…, cũng giống như hư không, khi cho hư không vào các hộp, các hình vuông, hình tròn thì thấy hình như hư không có phân ra vuông, tròn, to, nhỏ khác nhau không đồng. Nhưng nếu bỏ hết những thứ chứa đựng đó đi, thì hình như hư không lại đồng là một thể, không phân chia ra gì cả.

Tâm phan duyên nhân cái nơi sáu căn, giống hư không nương theo hình dáng chứa đựng mà thành hình, chứ không có gì là 1 hay là 6, khi đã biết hư không vốn đồng một thể rồi thì khi thấy những thứ chứa đựng khác chúng ta cũng không chấp vào nữa. Tâm tính tuyệt đối diệu minh viên mãn vốn cùng khắp, chỉ do nhận thức sai lầm, nhận cái minh làm giác (tức tạm hiểu là nhận sự nhận biết sự vật là giác ngộ thông suốt, là mình), đối đãi cái này cái kia mà trần cảnh hiện tiền, cái giác lại thành đối tượng bị phân biệt và cứ thể đối đãi không dừng, tự tướng yên lặng lại sinh ra có tướng hình giả dối phát sinh, có cái tướng rồi thì lại đặt cho nó cái tên giả danh. Danh sắc có, thì phải sinh ra lục nhập, lục nhập đã thành lập thì phải có xúc,… Tính sáng suốt yên lặng bị gán vào với lục trần, nên nương với sáu căn mà phát ra có thấy, có nghe, có hay, có biết,…

Tâm và cảnh đều là pháp giới tính, tính sáng suốt không bị buộc vào nơi các căn và trần cảnh.

  1. 4. Chỉ ra tính nghe cũng là thường trụ như tính thấy (Hết quyển 4)

Phật bảo Tôn giả La – hầu – la đánh chuông, rồi hỏi Tôn giả A – nan có nghe thấy không, Tôn giả A – nan và đại chúng đều đáp là có nghe, đến khi hồi chuông dứt, Phật lại hỏi là con nghe thấy không thì Tôn giả A – nan và đại chúng đều đáp là không. Phật lại làm thế lần nữa, bảo Tôn giả La – hầu – la đánh chuông, rồi hỏi có nghe không, đại chúng vẫn nghe, khi chuông dứt, thì đại chúng không nghe.

Không nghe, sao biết là không nghe? Lấy cái gì mà đối để biết là mình không nghe thấy? Đồng nơi một sự việc, nhận lầm giữa cái nghe, và tiếng chuông, rõ ràng đã mắc cái sai lầm hiện tiền của chúng sinh, lầm cái tiếng chuông thành cái tính nghe, tức lầm cái trần cảnh mà cho thành là căn tính. Đây chỉ là một việc rất rõ, hiển lộ dễ dàng để chỉ ra, thì từ đó chúng ta có thể liên hệ tới vô vàn sự việc trong đời sống, chúng ta cũng hành xử như vậy, đem cái trần cảnh, nhận lầm là căn tính.

Ở ví dụ này, sao lại bảo là không nghe, mà phải là không còn nghe thấy cái tiếng chuông nữa, chứ cái nghe đâu có mất đi đằng nào. Tính nghe vẫn ở đó, nếu diệt thì không lẽ diệt theo tiếng chuông, sinh theo tiếng chuông mà diệt theo tiếng chuông thì sao nghe được tiếng Phật hỏi, mà nếu tính nghe sinh theo tiếng Phật hỏi thì sao lại còn nghe được tiếng chuông? Vậy thì biết, nghe có tiếng, nghe không tiếng là do căn trần khi có khi không, do ý thức phân biệt lựa chọn cái tiếng mà nó muốn đối đãi để nhận thức, chứ tính nghe thì cũng như tính thấy, đâu vì trần cảnh mà hoá không, hoá có.

Ở đời, còn có những hiện tượng như khi ngủ chưa sâu, chúng ta nghe thấy âm thanh nào đó, thì trong lúc mê man sẽ khởi những tưởng không cụ thể theo âm thanh chúng ta nghe. Cái tính nghe trong lúc ngủ chẳng hề mất đi, chỉ có ý thức là cố gắng phân biệt đối đãi mà thôi.

Phần II. Nương chỗ chỉ dạy để gạn bỏ vọng thức sai lầm

  1. 1. Chỉ rõ căn trần, cởi bỏ vọng thức

Pháp giới tính như như bình đẳng, vốn không có cột, không có cởi; nhưng đã trót vì mê lầm, hóa ra có ràng buộc, thì cũng phải dùng phương tiện cởi mở để cho được giải thoát. Giải thoát và ràng buộc là do nhận thức đúng đắn hay nhận thức sai lầm nơi căn trần đối hiện. Căn và trần đồng một nguồn, cột và cởi không phải hai, cái thức phân biệt là một tập hợp giả dối như hoa đốm giữa hư không. Căn là cái nhận biết thu nạp, là chủ quan hay biết, trần là đối tượng bị biết, bị phân biệt, là khách quan bị hay biết; theo phân biệt của thế gian thì hình như khác nhau lắm, nhưng xét cho kỹ, thì chủ và khách, năng và sở đều đối đãi với nhau mà thành; ví như nơi con mắt nhìn sắc trần của con người, nếu chẳng có cảnh vật thì lấy gì mà thành lập công năng cho cái mắt, lấy gì mà làm cơ sở nương tựa cho ý thức phân biệt cái này đẹp, cái này xấu.

Nếu không có sở, thì lấy gì mà gọi là năng, nếu không có năng, thì do đâu mà lập thành sở; năng và sở đối hiện ra nhau, nương với nhau mà có; ngoài năng không có sở, ngoài sở không có năng, năng và sở đã không thể tách rời nhau, nên phải đồng một nguồn, không thể có bản tính khác nhau được; vì vậy, theo pháp tướng, “Kiến phần năng tri” (Phần thấy của chủ thể nhận biết) và “Tướng phần sở tri” (Tướng bị thấy bị biết) đều do một thức thể biến hiện, như hai cái tay của một thân người, thật không có gì đáng phân biệt, đều là tay, đều cùng một thân, một thể, chỉ do đối đãi, do tính chất,… mà phân ra là bên trái, bên phải. Bên trái, bên phải thì chẳng có đúng sai, thuận trái, phải chỉ do tuỳ từng cá nhân mà thôi. Không có bên trái để đối, thì lấy cái gì mà biết thành lập bên phải. 

Căn và trần đồng một thể tính, đồng một nguồn gốc, không thể tách rời nhau, nhưng chúng sinh mê lầm không rõ điều ấy, nơi căn trần đối hiện, lại giả dối phân biệt, tâm và cảnh đối lập với nhau, thành lập ái luyến, thành lập bám chấp, sinh ra những điều ràng buộc. Như thế, thì cột cũng chính nơi căn trần đối hiện mà bị ràng buộc, cởi cũng chính nơi căn trần đối hiện mà được giải thoát, chứ không phải có thay đổi gì nơi căn trần cả.

2. Căn và trần đã không có lỗi, thì cái lỗi do đâu?

Tất cả những điều mê lầm đều do cái thức phân biệt, chia ra sự này, vật khác, trong sự thật không hai, không khác; cái thức phân biệt như thế, chỉ do mê lầm mà thành, không có thực thể, nên ví dụ như vệt đen, vết loá sáng giữa hư không; nếu nhận rõ nhân cái trần mới thành cái căn, nhân cái căn mới thành cái trần, thì trần và căn đều không có tính riêng, đều nương nhau mà phát hiện như bọt nước và cái thức phân biệt thật có căn riêng, có trần riêng, lại càng giả dối. Cái thức theo duyên mà phát khởi, không có gì là nhất định.

Ảnh: St
Ảnh: St

Xét như trên thì rõ, cột và cởi đều do nhận thức sai lầm hay đúng đắn, nếu nơi tri kiến, phân biệt lập thành những tướng năng tri và sở tri thì tức là cỗi gốc ràng buộc, còn ở nơi tri kiến, mà không thấy có cái tướng cụ thể của năng tri, sở tri, tức là giác ngộ, là Như Lai tạng, là tâm tính tuyệt đối, là Tự tính thanh tịnh, là Niết bàn. Đó chỉ là khái niệm đặt ra mà thôi, còn Niết bàn, không phải một nơi địa điểm để đi tới và cũng không phải một ẩn chốn nào đó để đi tìm.

  1. 3. Tóm gọn những khái niệm được nêu ra trong bài “Kệ” Thủ Lăng Nghiêm

  • (1) Các pháp hữu vi không có tự tính, các pháp hữu vi là có, chứ không thật sự có.
  •  
  • (2) Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng về thật tính, chứ không nói về cái tướng theo đối đãi thông thường của thế gian.
  •  
  • (3) Các pháp hữu vi không thật sự có, vì do duyên hợp lại mà sinh ra.
  •  
  • (4) Gọi duyên sinh là không thật có, vì nó như bọt nước, có sinh thì có diệt do duyên tan.
  •  
  • (5) Duyên sinh là thế nào? Là do những ảnh hưởng đối đãi, kết hợp, nương tựa, liên hệ của các sự vật khác mà hoá ra có, như do các chữ “c”, “o” và dấu sắc mà tạo nên chữ “có”. Câu văn này là sự hợp lại bởi các chữ, và sự đọc hiểu bởi người theo lãnh thổ sử dụng dạng ngôn ngữ này, ngoài các chữ thì thật đáng không có cái gì là câu văn. Nếu thêm, bớt từ ngữ, thì câu văn lại thay đổi ý nghĩa.
  •  
  • (6) Vô vi gồm có 6 thứ: Hư không vô vi, trạch diệt vô vi, phi trạch diệt vô vi, tưởng thọ diệt vô vi, bất động vô vi, chân như vô vi. Vô vi là đối với hữu vi theo ngôn ngữ thế gian mà thành lập; hữu vi đã không thật có, thì lấy gì làm đối cho vô vi, vô vi mà còn đối lại được thì tức lại chẳng là vô vi, còn đối được thì tức là còn sinh diệt, là còn có cái tướng nghĩ tưởng tới thì không gọi là vô vi. Chẳng qua phân loại 6 thứ vô vi là vì theo từng trường phái, từng loại phá chấp khác nhau mà đặt tạm giả danh để dễ giải nói mà thôi.
  •  
  • (7) Vô vi, hay sự thật tuyệt đối là “tuyệt đối”, không thể dùng từ ngữ, tư tưởng để nói, để hình dung. Vì thế khi dùng hữu vi để nói về vô vi, khi phân loại vô vi chỉ là phương tiện mà thôi.
  •  
  • (8) Khi nhận rõ hữu vi, vô vi đều không thật có thì biết cái chân, cái vọng cũng đều không phải sự thật tuyệt đối. Vì khi người tu hành trực nhận được sự thật tuyệt đối, các pháp hữu vi là giả dối không thật, thì đã nhận đúng sự thật rồi, nếu trong khi ấy, ý niệm còn lập ra cái “không thật có” để đối đãi với cái “thật có” thì tức là lại quay về vòng luẩn quẩn đối đãi của tưởng.
  •  
  • (9) Căn, trần đối đãi nhau mà thành, thức thêm phân biệt thì vòng giả dối càng phức tạp hơn.
  •  
  • (10) Ở nơi ràng buộc, và cởi nút thắt ràng buộc, khi nhận rõ tất cả đều duyên khởi như bọt nước, thì nhận ra không gì đáng gọi là buộc, không gì đáng gọi là cởi, chỉ nơi nhận thức sai lầm, hay đúng đắn. Buộc và cởi vốn đồng một nơi căn, trần hiện tiền mà có, người phàm và bậc Thánh nhân khác nhau ở chỗ nhận thức sai lầm và nhận thức đúng đắn mà thôi.
  •  
  • (11) Khi sáu nút ràng buộc nơi sáu căn được cởi, tính sáng suốt hiển lộ, thì chúng ta nhận ra không cụ thể cái gì là 1, cái gì là 6, không còn phân ra 6 nút nữa, chẳng có cái nút nào để phân loại.
  •  
  • (12) Viên thông: là khái niệm nói về bản tính trong sáng của vạn vật, không bị buộc vào một cái thân nào, không bị buộc vào một pháp nào, thông suốt cùng khắp, không có gì ngăn ngại.
  •  
  • (13) Tu tập tức là huân tập vào thức thứ tám (A – lại – da) những tâm niệm tự giác. Chúng sinh mãi theo vọng tưởng, chấp có thật ngã, thật pháp, huân tập cái vọng tưởng đó vào A – lại – da, nên phiền não ngày càng nhiều.
  •  
  • (14) Tu tập là đổi những thói quen mê lầm, phiền não thành những thói quen từ bi, giác ngộ, cho nên cần tinh tấn lâu ngày, cần kiên trì, cố gắng mới có kết quả, chỉ khi nào tập khí (tạm hiểu là thói quen) giác ngộ đủ mạnh mới có thể lấn át được tập khí mê lầm, thì mới chứng được sự chứng ngộ.
  •  
  • (15) Pháp giới tính là duy nhất là không có sự đối đãi, không có chủ thể và đối tượng bị phân biệt của chủ thể.
  1. 4. Buộc khăn để chỉ đầu nút

Phật lấy một cái khăn dài, thắt lấy một nút thắt, rồi đưa cho tôn giả A – nan xem, sau đó Phật lại thắt thêm cho thành 6 cái nút thắt, mỗi lần thắt thêm một nút, Phật đều đưa Tôn giả A – nan và đại chúng xem, mỗi lần như vậy đại chúng đều đáp đó là một nút.

Từ đây, Phật mới dạy rằng cái khăn này vốn là một thể, lẽ ra lúc nào cũng chỉ là một thể cái khăn đó thôi, nhưng cứ mỗi lần thắt lại, thì đại chúng lại gọi thành 1 nút thắt. Cái khăn vốn là một thể, cũng như tâm tính vốn là một thể, không có phân biệt. Nơi một cái khăn, chia ra làm hai đầu, cũng như nơi tâm tính phân ra thành 2 đầu, 1 bên là chủ thể phân biệt, 1 bên là đối tượng bị phân biệt. Hai đầu khăn buộc lại với nhau, thì thành ra có cái nút thắt, cũng như chủ thể phân biệt duyên với cảnh trần bị phân biệt mà sinh ra có cái ràng buộc, hai đầu khăn buộc ở đoạn nào thì có cái nút ở đó, như hai bên đối đãi ở cảnh nào thì dính mắc ở cảnh đó.

Đến khi đã hình thành cái nút thắt buộc lại rồi, thì mỗi nút thắt mỗi khác nhau, không thể đánh đồng nút này, là nút kia được; cũng như khi căn, trần duyên với nhau, thì mỗi căn thu nạp một cảnh khác nhau, không thể gọi căn này là cái căn kia được. Thế thì biết, nơi đồng cùng một thể tuyệt đối, khi đã biến hiện ra cảnh này vật khác, thì cái khác ấy vẫn là khác, chứ chẳng thể đồng, nhưng lại chẳng thể nói những cái khác đó là khác hoàn toàn về tự tính, vì chúng không có tự tính, mà chỉ biến hiện ra từ một thể tính mà thôi.

Căn và trần hiện ra, thì là có, không phải là không, có nguyên nhân, nhưng tới khi nhận rõ được cái nguyên nhân rồi thì căn hay trần cũng chỉ là giả tướng giả dối, chúng ta nhận thấy cái thân này là thật, cảnh kia là thật, cho tới luân hồi, địa ngục, hay thật có cái gọi là Niết bàn, thì tất cả các quan niệm đó đều là sai lầm, đều là ý thức đối đãi mà thành lập. Khi đã cởi hết các nút trên cái khăn rồi, thì cái khăn chỉ là cái khăn, tương tự vậy, khi đã tháo mọi ràng buộc, mọi tưởng, mọi ý niệm thì sự sự tâm tính không còn gì để phân biệt, không có gì đáng gọi là chân, không gì đáng gọi là vọng.

  1. 5. Chỉ rõ đầu nút thắt

Phật hỏi Tôn giả A – nan rằng ở nơi cái khăn, nếu một tay cầm đầu này, một tay cầm đầu còn lại, kéo mạnh thì có gỡ được cái nút thắt không? Tôn giả A – nan đáp rằng nếu làm như vậy thì có cố gắng tới đâu cũng không gỡ được.

Phật dạy phải ngay cái nơi nút thắt mới cởi được nút thắt, như chúng sinh ngay sự mê lầm, không nhận rõ tâm tính thường diệu, phải ở ngay chỗ đó mà tháo sự ràng buộc. Cái khăn tuy là 1, nhưng khi đã thành 6 cái nút thắt, muốn tháo thì phải tháo theo thứ tự, chứ không thể giật một cái là tháo được ngay. Muốn dứt bỏ những phiền não ở đời cũng vậy, phải tu tập diệt trừ dần dần, xét về mặt nghĩa lý, thì có thể đốn ngộ ngay lập tức, có thể giác ngộ rất nhanh, nhưng về sự, thì phải dần dần, phải diệt từ những ham muốn thô sơ, dễ nhận, đi sâu dần vào những ham muốn nhỏ nhiệm. Ví như một người nghiện rượu nặng, uống rượu quá nhiều, khi trải qua một cơn thập tử nhất sinh vì đổ bệnh do rượu, người đó tỉnh ngộ về tác hại của rượu. Đó cũng là một sự giác ngộ ở một khía cạnh đời sống, nhưng về thực tế, chẳng một ai nghiện rượu mà bỏ được ngay lập tức, chúng ta cần thời gian, để giảm liều lượng, cường độ uống dần, làm quen dần, rồi ít dần tới khi bỏ hẳn. Tu tập giác ngộ tuyệt đối cũng là như vậy, dứt trừ tham, sân, si phải có thời gian, phải luyện tập hàng ngày, hàng giờ, cho tới khi dứt hẳn.

  1. 6. Chứng ngộ tính viên thông sáng suốt nhờ “Quán” (Hết quyển 5)

Kinh Lăng Nghiêm nói về một số phương tiện quán chiếu để lãnh hội tính viên thông sáng suốt như sau:

  • (1) Quán âm thanh khởi lên do duyên sinh như bọt nước, nên tỉnh ngộ.
  •  
  • (2) Quán thân thể bất tịnh nhơ nhớp, không thật, nhờ tứ đại, nhờ nhân duyên cha mẹ để hiện hữu, chứ không phải của mình mà tỉnh ngộ.
  •  
  • (3) Quán mùi hương duyên khởi không thật, nên tỉnh ngộ.
  •  
  • (4) Quán vị duyên khởi không thật, nên tỉnh ngộ.
  •  
  • (5) Quán sự xúc chạm thân thể không thật, là giả dối vọng tưởng nên tỉnh ngộ.
  •  
  • (6) Quán danh tướng không thật, do con người tham luyến đắm chấp nên mới khổ đau. Ví như chúng sinh tranh đấu, hại nhau vì danh, lợi, nhưng với một em bé thì danh, lợi chẳng có nghĩa lý gì, vì thế nên biết danh, lợi là do ý niệm, tưởng vọng động, dục làm mê mờ chúng sinh, nhờ quán vậy mà tỉnh ngộ.
  •  
  • (7) Quán 5 căn thuộc thân thể, và ý thức bên trong nhờ đối đãi thu nạp cảnh trần, nhờ nương theo thân xác chi phối mà nhận thức khác nhau, nên tỉnh ngộ.
  •  
  • (8) Quán 6 thức, 12 xứ, 18 giới nương theo cái không thật của căn, của trần mà hiện hữu, nếu căn, trần không thật thì lấy gì làm nền móng mà 6 thức, 12 xứ, 18 giới là thật, nhờ quán vậy mà tỉnh ngộ.
  •  
  • (9) Quán về 7 đại cũng duyên khởi, nương nhau hiện hữu như bọt nước, nên tỉnh ngộ. 9 điều quán tưởng này là sự đúc kết để chúng sinh học cách tu tập và diệt trừ mê lầm. Sự giải thích chi tiết đã được giải thích kỹ tại các phần trước (Kinh Thủ Lăng Nghiêm phần 1 – Phần 5)

Cư sĩ Phúc Quang lược giải


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1. Bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, biên dịch: Cư sỹ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897 – 1969), NXB Tôn Giáo, 2021
  2. 2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Hoà Thượng Tuyên Hoá giảng thuật, NXB Tôn Giáo, 2006