Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ muốn giảng giải rằng tính thấy vốn đã thanh tịnh sáng suốt, không có cái gì gọi là bên trong, hay ra ngoài tính thấy, chỉ có cái thấy nơi mắt và ý thức phân biệt cảnh vật mới có ý niệm bên trong, hay bên ngoài.

Cư sĩ Phúc Quang lược giải

"Đức Phật hỏi ngài Văn Thù rằng, toàn thân ngài Văn Thù là “Văn Thù”, vậy trong ấy có con mắt, cái mũi, ngón tay, cái chân,… có cái gì, tức là Văn Thù ? Hay không có vật gì là Văn Thù ? Ngài Văn Thù trả lời toàn thân ngài là Văn Thù, nhưng nơi thân thì thật chẳng thể chỉ ra cái gì là Văn Thù, vì nếu có vật ấy, thì thành ra có hai Văn Thù, nhưng trong toàn thân ngài Văn Thù, thì lại chẳng có cái gì ra ngoài Văn Thù.

Đoạn này, kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ muốn giảng giải rằng tính thấy vốn đã thanh tịnh sáng suốt, không có cái gì gọi là bên trong, hay ra ngoài tính thấy, chỉ có cái thấy nơi mắt và ý thức phân biệt cảnh vật mới có ý niệm bên trong, hay bên ngoài. Tâm tính biến hiện vạn vật cũng vậy, đồng là Pháp giới tính, chỉ do nhận thức sai lầm nên mới có bên năng, bên sở (tức bên chủ thể và bên đối tượng bị phân biệt) mà thôi.

Năng sở vốn không thật có, tâm tính tuyệt đối vốn không thể chỉ, kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ phương tiện, ví dụ, tượng trưng, hỏi đáp để trực nhận, học giả nên suy xét chỗ kinh muốn chỉ, chứ không nên áp đặt câu từ, lệ thuộc vào danh từ mà lại lầm đường lạc lối." 

Để nối mạch làm sáng tỏ tính thấy không sinh, không diệt, giúp Tôn giả A - nan và đại chúng trực nhận tâm tính, kinh Thủ Lăng Nghiêm tiếp tục đi sâu hơn qua những góc độ dưới đây

1. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá sự nghi: “Chân tâm tự nhiên mà có”

Trước khi Thái tử Tất – Đạt – Đa thành đạo, giảng dạy giáo lý, các đạo giáo tồn tại ở Ấn Độ lúc bấy giờ tồn tại nhiều học thuyết trong đó có học thuyết cho rằng tự nhiên tạo nên vạn hữu, "tự nhiên" mà có. Vì lẽ này, nay Tôn giả A – nan nghe Phật giảng về chân tâm biến hiện vạn vật, cho rằng hình như chân tâm tự nhiên mà có, mang ý nghĩa tương đồng với lý lẽ của các đạo khác.

Tuy nhiên, tự nhiên mà có, là một cách nói mù mờ, không rõ ràng, ngay lập tức bị kinh Thủ Lăng Nghiêm bác bỏ.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm khuyên học giả không nên lạc lối cho rằng chân tâm tự nhiên mà có. Kinh giải thích nếu là tự nhiên thì sẽ chỉ rõ được cái bản thể tự nhiên của tâm tính.

Ví như, chúng sinh vẫn hay cho rằng biển tự nhiên mà có, nhưng rõ ràng vẫn có thể chỉ rõ biển là gì, bản thể của biển rõ ràng là có, chúng sinh vẫn cho rằng núi tự nhiên mà có, vậy thì cũng chỉ được cái thể tính của núi. Nhưng còn Phật pháp, còn chân tâm, thì lấy cái bản thể nào mà gán vào ? Tìm đâu cái bản thể cùa chân tâm để chỉ ?

Kinh Thủ Lăng Nghiêm lấy tính thấy ra để xét, chúng ta hãy thử ngẫm nghĩ xem tính thấy sáng suốt nhiệm màu lấy cái gì làm tự thể, nếu tự nhiên mà có thì sẽ có thể tính. Vậy bản thể của tính thấy là gì ? Nếu tính thấy lấy cái sáng làm tự thể, thì lẽ ra không thấy được tối. Nếu lấy tối tạo nên tự thể của tính thấy, thì khi ánh sáng đến, cái tối mất đi thì tính thấy cũng mất đi theo, tương tự như vậy với hư không và cái sắc tướng.

Ví như núi, có bản thể của núi, dù cho có ban ngày, hay ban đêm, thì ta vẫn biết là núi, dù đem cái núi đó đặt đi đâu, mang xuống biển, đặt vào đồng bằng thì ta vẫn biết là núi, nhắc tới là hình dung ra, nhưng còn tính thấy, thì làm gì có cái gì mà xét là bản thể tự tính ?

2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá sự nghi: “Chân tâm là nhân duyên”

Ông A – nan nghe Phật phủ nhận chân tâm là tự nhiên, nên cho rằng chân tâm do nhân duyên mà sinh, vì Phật cũng hay dạy về thuyết nhân duyên

Kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng phủ nhận ý niệm này. Xét tại tính thấy, nếu tính thấy nhân cái sáng mà có, thì lẽ ra không bao giờ có khái niệm biết về cái tối, nếu tính thấy nhân hư không mà sinh, thì chẳng lẽ khi gặp các vật cản trở tính thấy bị chặn lại, hay bị mất đi, bị ngắt quãng ? Nếu mà bị ngắt quãng, chặn lại thì sao còn thấy vật cản trở. Ngược lại, nếu tính thấy nhân vào vật mà sinh thì tại hư không, tính thấy đi đâu, những khoảng không chúng ta thấy là cái gì, còn cái gì thành hư không nữa ?

Kinh Thủ Lăng Nghiêm khẳng định bằng đoạn như sau:

Tâm tính không phải nhân duyên, không phải không nhân duyên, không phải tự nhiên, cũng không phải không tự nhiên, không phải thị hay phi thị, không phải phi hay phi phi; tâm tính là tuyệt đối, không có năng tri sở tri, không có năng kiến sở kiến, xa rời tất cả danh tướng, nhưng lại tức là tất cả sự vật.

Nếu đem những danh tướng, những lý luận không đâu vào đâu của thế gian mà phân biệt tâm tính, nghĩa là đem những nhận thức đối đãi mà phân biệt thể tính tuyệt đối, thì nào khác gì lấy bàn tay nắm bắt hư không, chỉ thêm nhọc sức, chứ bàn tay làm sao mà nắm bắt hư không được.

Tôn giả A – nan xin được giải nghĩa thêm vì đã được nghe Phật dạy rằng: “Tính thấy có bốn nhân duyên bao gồm: nhân hư không, nhân ánh sáng, nhân cái tâm và nhân con mắt”.

Phật bảo tôn giả A – nan rằng Phật dạy như thế là phân tích các nhân duyên theo nhận thức thông thường của thế gian, chứ không phải dạy về Đệ nhất nghĩa. Kinh Thủ Lăng Nghiêm muốn làm rõ cho học giả thấy rằng những lời dạy cần phải được đi theo kèm là sự hiểu rõ về bối cảnh, mục đích bài kinh để hiểu cho thấu đáo ý nghĩa chứ không bị bám chấp vào câu từ mà áp dụng cho mọi thứ.

Lời Phật dạy tính thấy mà tôn giả A – nan đang bám vào, là dạy về cái thấy ở đời, cái thấy dựa vào sắc cảnh, tiền trần nên cần những nhân duyên đó. Còn đạo lý dạy về tâm tính là đạo lý tối cao tuyệt đối, nên gọi là "Đệ nhất nghĩa". Phật hỏi tôn giả A-nan rằng người thế gian gọi thế nào là thấy, còn thế nào là không thấy. Tôn giả A-nan trả lời nhờ có nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn, thấy các hình tướng thì gọi là thấy, đến khi không có ba thứ ánh sáng đó thì gọi là không thấy.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy rằng người thế gian gọi như vậy là không đúng, vì nếu khi không sáng mà thật không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối, lấy cái gì để đối lại mà biết đó là tối ? Còn nếu thấy được sáng và cũng thấy được tối, thì hai cái sáng tối tự lấn át lẫn nhau, tự thay thế đổi chỗ cho nhau, chứ đâu phải tính thấy tạm thời không có.

Ở kinh Thủ Lăng Nghiêm chúng ta phải hiểu rõ rằng kinh bác bỏ nghĩa nhân duyên, không phải nhân duyên với tính thấy thanh tịnh nhiệm màu, với tâm tính tuyệt đối, chứ không phải kinh bác bỏ đạo lý duyên khởi của thế gian. Không thể đem đạo lý phân tích chuyện thế gian vào để kiến giải chân lý tuyệt đối, vì cái đó là đem ý thức phân biệt mà bàn luận pháp rời xa ngôn ngữ, như bàn tay đại diện cho ý thức phân biệt cố gắng để chỉ vào hư không đại diện cho chân tính tuyệt đối.

3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ rõ “tính thấy” không phải hoà hợp, cũng không phải không hoà hợp

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy rằng tính thấy không phải hoà hợp mà sinh, cũng không phải không hoà hợp, và sử dụng tính thấy làm biểu tượng để Tôn giả A – nan nhận rõ tâm giác ngộ, không phải do hoà hợp, hay không hoà hợp mà phát khởi.

  • Tính thấy không phải hoà hợp mà sinh

Phật hỏi Tôn giả A – nan, vậy tính thấy nếu hoà hợp mà sinh, thì hợp với cái gì ?

Hoà là sự hoà tan, lẫn vào với nhau, hợp là sự hợp nhất lại thành một, như cái nắp nào đi với cái chai đó, có thể hợp lại thành 1 thể, vậy cái tính thấy này hoà và hợp với cái gì ? Nếu tính thấy hoà hợp với cái sáng, hoặc với cái tối, thì khi cái sáng và cái tối lấn át nhau tức là ban ngày và ban đêm thay thế nhau thì tính thấy cũng theo đó sinh, diệt, diệt rồi lại sinh

Nếu tính thấy hoà hợp với cảnh vật, tức tính thấy có cái tướng ? Vậy cái tướng nào mới là tướng của tính thấy, tướng núi, tướng sông hay tướng cây ? Hay là cái tướng nào ? Nếu tính thấy mà có cái tướng, thì hoà làm sao với các tướng khác ?

Cũng không thể cho rằng tính thấy hoà hợp với tất cả các thể tính cảnh vật, mỗi thứ đều mang một thể tính riêng biệt, sáng ra sáng, tối ra đằng tối, nếu tất cả cùng hợp được với nhau, đều hoà lẫn được với nhau thì tức là cùng chung thể tính, nếu thế thì còn phân biệt làm sao đâu là cái sáng mà đâu là cái tối.

Tính thấy thì cùng khắp, như vậy khi nhìn vào khoảng không cao trên trời, thì tính thấy chỗ nào hoà với ánh sáng, chỗ nào của tính thấy hoà vào mây, nếu có đàn chim bay qua thì tính thấy hoà vào lúc nào để kịp thời sinh ?

Nếu cho rằng tính thấy hoà hợp được với sáng, tối, hư không  hay cảnh vật để sinh, thì tức tính chất sáng, tối, hư không và cản trở của cảnh vật đều mất đi, để tính thấy và những đối tượng đó hoà hợp với nhau, như vậy lẽ ra bản thể sáng, tối, hư không, cảnh vật phải biến mất.

Ví như cho đường vào nước, thì đường, nước hoà hợp với nhau, như vậy bản thể đường không còn, bản thể nước không còn, khi đó gọi là nước không phải, mà gọi là đường thì càng sai.

  • Tính thấy không phải không hòa hợp mà sinh

Tôn giả A – nan được giảng như vậy, thì chấp thành tính thấy sinh ra là do không hoà hợp mà sinh, nhưng cũng bị Phật bác bỏ.

Tính thấy là tính thấy, khác với tính chất của cái sáng, cái tối. Cái sáng thì sáng, cái tối thì tối. Nếu tính thấy không hoà hợp mà sinh thì hiển nhiên phải có cái ranh giới. Cũng ví như đất liền và nước biển không hoà hợp với nhau, nên chúng ta có thể thấy rõ đường ranh giới giữa đất liền và nước biển.

Chưa kể đến như cái sáng, cái tối chẳng có cái sắc tướng, tính thấy cũng chẳng chỉ nổi hình thù, thì lấy gì mà căn cứ để vạch ra cái điểm ranh giới giữa đôi bên ?

Kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng đi sâu vào chữ “hợp” để mà xét. Nếu tính thấy không hợp với cái sáng, thì tức là tính thấy và cái sáng đó trái nghịch nhau, ví như dù trời sáng hay trời tối thì cái tính nghe cũng vô cảm, tính nghe không tiếp xúc được với cái sáng, cái tối, đối với tính nghe, chúng không có quan hệ gì với nhau cả.

Vậy nếu tính thấy không hợp cái sáng, thì làm sao biết khi nào cái sáng tới, khi nào cái sáng vắng mặt. Đối với cái tối, hư không, và sắc cảnh cũng tương tự vậy.

4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ thẳng sự nhận tính thấy

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rằng khi thấy cái sáng, thì tính thấy không phải là cái sáng, khi thấy cái tối, thì tính thấy không phải là cái tối, khi thấy hư không, thì tính thấy không phải là hư không, và khi thấy sắc tướng, thì tính thấy không phải là sắc tướng.

Tính thấy không phải là cái thấy.

Cái thấy, là sự thấy theo nghĩa tục đế của người đời, cái thấy là có bên chủ thể, bên đối tượng, còn tính thấy thì khác. Tính thấy tuyệt đối không có năng, không có sở, tức không có bên chủ thể, không có đối tượng bị phân biệt. Vì lẽ này, mà tính thấy rời cả cái thấy và cái bị thấy trong vòng đối đãi.

Khi thấy cái sáng, hay cái tối, hư không hay vật thể, thì tính thấy không thay đổi, cho dù chúng sinh có thấy cái gì đi chăng nữa, dù mở mắt hay nhắm mắt, rõ ràng tính thấy vẫn chỉ đơn giản là thấy chứ không hề mất đi đâu, không diệt đi đâu, chỉ có nhận thức chúng sinh gán ghép theo cảnh sắc trần thay đổi cho nhau mà thôi.

Sự thật thanh tịnh tuyệt đối là như vậy, thì làm sao đem những danh tướng, nhân duyên, tự nhiên, lời nói vào mà phân biệt và miêu tả cho được.

Tính thấy được ví như hư không

Hình ảnh biểu tượng tiêu biểu chính là việc kinh Thủ Lăng Nghiêm sử dụng hư không để đại diện ẩn dụ cho tính thấy.

Hư không, đa phần con người đều biết, nhắc tới là biết, nghĩ tới là nhận ra ngay lập tức. Nhưng làm thế nào để chỉ bây giờ, chỉ vào đâu để nói “Đây là hư không” bây giờ ? Làm sao bắt, hoặc giữ hư không, dùng lời để tả về hư không bây giờ ? Nếu nắm bắt được hư không thì đó lại chẳng phải là hư không nữa rồi.

Tương tự, tính thấy trong sáng nhiệm màu, cũng không khác gì. Lấy gì để chỉ, lấy gì để tả, lấy gì để nắm bắt bây giờ, càng cố càng nhọc công.

5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ ra hai thứ nhận thức sai lầm

Muốn chỉ rõ tâm tính tuyệt đối, thì phải ra ngoài hẳn vòng đối đãi, kinh Thủ Lăng Nghiêm nói cho học giả về nguồn gốc của luân hồi là do hai thứ nhận thức sai lầm phân biệt trái ngược:

(1) Nhận thức sai lầm nghiệp riêng (2) Nhận thức sai lầm nghiệp chung

Nghiệp là nghiệp báo, là quả báo của các hành động nơi việc làm, nơi lời nói, nơi ý nghĩ, do tác động của nghiệp mà làm cho mỗi người có thân riêng, có cảnh ngộ đời sống riêng, có động lực, mối quan tâm, sở thích đời sống riêng, đó là nghiệp riêng.

Và xung quanh mình có những người có hệ tư tưởng tương đồng mình, những người là người thân, những người hợp chơi với mình, những người có sự phù hợp đời sống với mình, hoặc những người chung một sự cố, gặp chung một biến cố với nhau… đó là nghiệp chung.

Một chúng sinh, luôn đi kèm 2 thứ, đó là nghiệp riêng, và nghiệp chung.

Chúng sinh sống trong đời do các vọng tưởng mà chấp kiến vào đó, mê lầm trong các tham – sân – si, tạo nên nhân xấu, không chỉ cá nhân mình mà còn cộng hưởng với những nhân xấu của những cá nhân khác. Tới khi thọ quả, do vô minh không biết đó là quả mình đáng phải nhận do nhân từng gây, nên lại tiếp túc gây nhân để khiến cho vòng đối đãi nhân và quả không có hồi dứt.

6. Kinh Thủ Lăng Nghiêm so sánh cái thấy hiện tiền để chỉ rõ ý nghĩa tính thấy không phải cái thấy

Loài người, nương có cái thân người mà thấy có các sắc tướng, đem cái nhận thức của thân người đối đãi mà coi cái này là lợi, cái này là danh, cái này là đẹp, cái này là xấu, cái này là hợp với mình, tướng này là sông, là núi, là vật này, vật kia,…, tất cả đều do bệnh vọng tưởng của tâm biến hiện, rồi ý thức chấp vào đó mà bám víu.

Loài vật khác không phải con người, thì dùng cái ý thức nơi xác thân của loài đó đối đãi, khác hẳn loài người, ví con người có 2 mắt thì thấy đủ màu sắc, đủ sắc tướng, nhưng loài bọ cạp có tới 2 mắt phía trước, và khoảng 5 cặp mắt phụ bên cạnh nhưng thị giác của bọ cạp lại chỉ có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa bóng tối, ánh sáng, đôi khi chỉ có thể nhận biết được chuyển động.

Rõ ràng, chúng ta thấy rằng, cái thấy loài người của chúng ta không phải là cái thấy tuyệt đối, không có định nghĩa đúng sai, và không phải chân lý, đó chỉ đơn thuần là cái thấy đối đãi theo ý thức thân xác. Nghiệp dẫn chúng sinh đi tới thân xác phù hợp với nhân, với tư tưởng, vọng tượng tương ứng, từ đó chúng sinh tiếp tục dùng cái xác thân để gây nhân tiếp theo.

Ngay cả cùng một loài, đó là con người. Cũng có người thấy cái này đẹp, cái này xấu, có người thấy trang phục đen là đẹp, nhưng có người thấy màu đỏ mới đẹp. Vì thế, trực nhận được tính thấy tuyệt đối thì biết, cái thấy trong vòng đối đãi bên thấy và bên bị thấy chỉ là cái thấy giả tạm, tương ứng theo loài, tương ứng theo vọng tưởng cá nhân.

Cùng đồng một loài người, đem cái thân người đó mà đối đãi với sự vật hiện tiền, đồng sinh những nhận thức tương đồng nhau, còn loài cá thì có những nhận thức tương đồng của loài cá, chứ không giống loài người, con người thấy nước thì biết mình không sống dưới nước được, còn con cá thấy nước là môi trường sống, nếu con cá lên bờ như con người thì lại không sống nổi.

Lấy tất cả từ ví dụ trên để biết, các sự sự vật vật, hay những tính chất trên đời chỉ là do bệnh vọng tưởng mà sinh, vòng đối đãi mà thành lập, các tướng hoà hợp giả dối có sinh có diệt, không gì trong vòng đối đãi, cảnh hiện tiền, đối với ý thức phân biệt là chân tính tuyệt đối cả.

Khi dứt hẳn khỏi vọng tượng, ra khỏi vòng đối đãi nhận thức và đối tượng, các tướng hoà hợp thì biết không có gì đáng để gọi là sinh, không có gì đáng để gọi là diệt.

Cư sĩ Phúc Quang lược giải


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, biên dịch: Cư sỹ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897 – 1969), NXB Tôn Giáo, 2021
  2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Hoà Thượng Tuyên Hoá giảng thuật, NXB Tôn Giáo, 2006