Cư sĩ Phúc Quang lược giải

Trong phần này, kinh Thủ Lăng Nghiêm muốn giúp đại chúng phá chấp, không chấp pháp, chấp cái tướng, cái ngã của các căn, của pháp trần, của những yếu tố phủ khắp thế gian như không khí, lửa, nước, gió,... chứng thực tất cả đều là pháp giới tính duyên khởi theo nghiệp thức của mỗi loài. Nhận biết được tất cả sự vật đều do pháp giới tính duyên khởi như bọt nước, không có tự tính, thì thân cũng là pháp giới tính, tâm cũng là pháp giới tính, mọi sự mọi vật đều là pháp giới tính; đứng về phương diện pháp giới tính mà nói, thì toàn thể đều như như bình đẳng, không có sai khác, cho đến các nghiệp cũng như như bình đẳng, không có sai khác. Đối với phần này chúng ta có thể tham khảo thêm về Duy Thức học để có thể bổ trợ ý nghĩa tốt hơn. 

Phần I. Một số định nghĩa, giải thích

Tâm tính thanh tịnh bình đẳng, không có sai khác nên tạm dịch là “Chân như”, tuy không sai khác, nhưng từ đó mà biến hiện ra các tướng giả tạm, các tướng giả tạm thì có hình thù khác nhau, nên gọi là “nhiệm màu”. Chân như, và tác dụng nhiệm màu không ngăn ngại nhau, vốn không rời nhau, gọi 1 là sai, mà gọi 2 thì chưa hoàn toàn chính xác, vì lẽ đó mà kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là “Chân như nhiệm màu”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy tất cả các danh tướng, đều không thật, như bọt nước, do sự phân biệt mà phát hiện, nên cũng theo cái ý thức đối đãi đó mà khi sinh, khi diệt. Còn thật tính của vạn pháp thì bình đẳng, kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng cho biết 5 ấm, 12 xứ, 18 giới, 7 đại cũng do nhân duyên giả dối hợp lại mà sinh ra, rồi nhân duyên chia lìa thì gọi là diệt mất. Dứt hẳn được cái tướng vọng tưởng, thì sẽ biết sự sự vật vật đều là tâm tính thường trụ, nhiệm màu thanh tịnh, đồng một Chân như, không sai không khác.

  • (1) Ngũ ấm (5 ấm)

“Ngũ” là 5, “ấm” tạm dịch là sự ngăn che, hoặc gọi là “Ngũ uẩn”; từ “uẩn” tạm dịch là sự kết lại, sự liên kết. Ngũ ấm ý nói tới 5 sự ngăn che, làm mờ đi tính sáng suốt của chân tính.

5 sự ngăn che đó bao gồm:

Một, là sắc ấm, tức sự ngăn che bởi hình sắc, tướng ngã.

Hai, là thọ ấm, tức sự ngăn che bởi cảm giác, cảm nhận.

Ba, là tưởng ấm, tức sự ngăn che bởi cái tưởng, tưởng tượng.

Bốn, là hành ấm, tức sự ngăn che bởi những hành động, do ý niệm thay đổi theo sự vật.

Năm, là thức ấm, tức sự ngăn che bởi những tập quán, hiểu biết sai lầm.

(2) Lục nhập (6 nhập)

Lục nhập được kinh Thủ Lăng Nghiêm giải thích là cách 6 thu nạp tiền cảnh gồm có: nhãn căn (mắt) thu nạp sắc trần, nhĩ căn (tai) thu nạp thanh trần, tỷ căn (mũi) thu nạp hương trần, thiệt căn (lưỡi) thu nạp vị trần, thân căn (thân) thu nạp xúc trần, ý căn (ý) thu nạp pháp trần.

  • (3) 12 xứ

“Xứ” tạm dịch là nơi, chốn, địa điểm. Kinh Thủ Lăng Nghiêm giải thích 12 xứ là 12 nơi sinh ra cái hay biết, hay chúng ta có thể tạm hiểu 12 xứ chính là nói tới 6 căn và 6 trần.

  • (4) 18 giới

“Giới” tạm dịch cũng có thể hiểu như một trạng ngữ để tách biệt những khái niệm khác nhau. Ví dụ giới không sát sinh là một, giới không uống rượu là hai, thì chữ “giới” như sự phân chia những thứ khác nhau.

18 giới ở đây là nói tới 6 căn, gặp 6 trần tạo thành 6 thức nên ở đây ta có 18 giới:

Nhãn căn tiếp xúc sắc trần tạo ra nhãn thức

Nhĩ căn tiếp xúc thanh trần tạo ra nhĩ thức

Tỷ căn tiếp xúc hương trần tạo ra tỷ thức

Thiệt căn tiếp xúc vị trần tạo ra thiệt thức

Thân căn tiếp xúc xúc trần tạo ra thân thức

Ý căn tiếp xúc sắc trần tạo ra ý thức

(5) 7 đại

Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng 7 đại, gọi là đại vì 7 thứ này cùng khắp thế gian, bao trùm lấy thế gian nên gọi là “lớn”, bao gồm:

  • Địa đại: đất
  • Thuỷ đại: nước
  • Hoả đại: lửa
  • Phong đại: gió
  • Không đại: hư không
  • Kiến đại: thấy
  • Thức đại: biết

Phần II. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp ngũ ấm (hết quyển 2)

  1. 1. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp sắc ấm

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ví dụ sắc ấm như những đốm đen, vệt sáng. Một người bị mỏi mắt, hoặc dụi mắt thì nhìn thấy hình như có những đốm đen, vệt sáng xuất hiện. Những đốm đen, vệt sáng đó không phải từ con mắt đi ra, mà càng không phải từ hư không mà tới.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi những đốm đen, vệt sáng từ đâu tới, và đi về đâu?

Nếu những đốm đen, vệt sáng đó từ con mắt đi ra, thì lại phải quay trở vào bên trong con mắt, khi quay trở về con mắt thì phải che mờ con mắt, còn nếu nó không quay trở về thì khi nó không còn nữa, là nó biến đi đâu ? Tương tự, nếu nó từ hư không đi ra ngoài thì khi quay trở vào, nó ẩn ở đâu, nếu tự nó biến mất thì tức là từ có mà trở thành không, mà nếu nhờ hư không che mất thì hư không lại chẳng phải hư không. Giờ đây, chúng ta có thể tự kiểm chứng bằng cách nhìn lên trời vô định, lấy tay dụi mắt rồi nhìn, các đốm đen xuất hiện không hề đi vào hay đi ra con mắt. Và con người khi nhìn thấy các đốm đen do mỏi mắt, đều biết đốm đen này không thật. Các đốm đen, vệt sáng đó là hư ảo, là sự giả dối không thật, nếu suy xét kĩ, chúng ta biết rằng chúng không tự nhiên mà có, cũng không phải nhân duyên mà có.

Nhiều người cho rằng các đốm đen nhân con mắt, nhân cái tay mà sinh ra, nói như vậy chẳng khác nào bảo rằng 2 thứ hữu hình, tiếp xúc với nhau mà lại sinh ra một thứ vô hình rồi tự biến mất đi hay sao ?

Còn nếu cho rằng đốm đen sinh ra nhờ nhân tính thấy ? Nếu sinh ra bởi tính thấy, hiển nhiên đốm đen phải có khả năng thấy được, tính thấy chỉ có khả năng thấy, thế thì làm sao lại sinh ra một thứ không có khả năng thấy ? Còn nếu đốm đen mà còn biết thấy thì chúng ta có thể chỉ được cái đốm đen đó thấy gì không ? Nhân gì mà sinh ra được các đốm đen, các đốm đen chẳng thể nhân cái mắt mà tới, chẳng thể nhân cái tay, hay cái mỏi để khởi sinh, nói theo cách của thế gian thì nó nương vào trạng thái mỏi của mắt nên hiện hữu, trên đời không ai chấp vào cái đốm đen đó là thật khi nó hiện hữu cả, chúng ta luôn biết là nó có, nhưng không thật sự có.

Nhưng các sắc tướng trên đời, thì chúng sinh lại không coi việc đó như vậy, mà lại bám víu, đau khổ mà không biết rằng nó cũng hư ảo. Kinh Thủ Lăng Nghiêm từ ví dụ đốm đen, vệt sáng cũng muốn chúng sinh hiểu rõ, thể tính các sắc tướng cũng vậy mà thôi, chúng là giả dối đỗi đãi mà hiện hữu, do con người chấp ngã cái tướng mà tưởng là có, rồi đối đãi cái tướng này chồng vào cái tướng kia, mà tạo thành sắc ấm – sự che mờ bởi hình tướng.

Khi so sánh như vậy, nhiều người cho rằng 2 vế không cân, một bên là đốm đen hư ảo, một bên là vật làm sao mà cân. Chẳng qua do chúng sinh vẫn còn mê lầm, còn tham đắm vào tiền trần nên chấp vật chất, danh vọng,… tiền trần thật có nên mới vậy, chúng sinh trên đời luôn chấp vào việc phải thấy rõ ràng như tờ giấy, cuốn sách, cầm nắm được thì mới tin, còn so sánh với đốm đen là không có, thì làm sao mà tin.

Nhưng tôi nói, ngay cả tờ giấy cũng không thật mà có, chỉ là cái tướng, rồi cái danh do con người áp vào nó rồi chấp mà thôi. Lật lại sâu hơn, nếu tờ giấy mà không có người làm ra tờ giấy, thì sao có tờ giấy, rồi người làm ra tờ giấy mà không có cây thì lấy đâu nguyên liệu để làm ra giấy, cái cây mà không lớn nổi nhờ nước, nhờ ánh sáng,… thì lại chẳng có cái cây.

Nhưng cái tờ giấy mà chúng ta có, đem thả xuống nước thì cũng tan, mà đem đi đốt thì cũng thành bụi, nếu “thật có” thì làm gì tan với cái khác, nếu thật có thì làm gì cần tới cái khác để mà có, chỉ có cái tướng giả tạm mà thôi, cho nên cái tướng giả tạm không còn thì lại sang một cái tướng giả tạm khác. Phân tích ra thì thấy nó là vô tận.

Như vậy, chúng ta nên biết rằng các cái tướng, dù là tướng gì đi chăng nữa, đã có tướng, đã có cái để mà cầm, nắm, nhìn thấy hay nghĩ tưởng tới được thì đều là “không thật”, nó có, nhưng là có cái giả tướng, cái tạm thời mà thôi, đều sẽ hư hoại, đều có thể bị thay thế. Còn làm gì thật có cái thể tính, chúng sinh nên coi mọi sắc tướng chỉ như cái đốm đen trong mắt, nó sẽ không hiện hữu vào một lúc nào đó, có như vậy mới thoát khỏi bám chấp là nó có, là nó là của mình, có như vậy sắc ấm mới không che mờ tính thấy sáng suốt của mình.

  1. 2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp thọ ấm

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ví như có người lấy hai bàn tay xoa vào nhau, xoa một hồi thì thấy các cảm giác thô, mềm mại, ấm,… Cảm nhận cũng vậy, cảm nhận không từ đâu tới, cũng không đi về đâu, cảm nhận hiện hữu giả tạm do sự đối đãi.

Nếu các cảm nhận đến từ bàn tay, thì chẳng cần đợi tới khi hai bàn tay chạm nhau mới có cảm giác ấy, và nếu từ bàn tay mà ra, thì khi buông tay ra phải cảm nhận được cảm giác đó trở ngược lại vào trong tay, nếu vậy thì cảm giác đó trú ở đâu ? Cảm giác lại càng không thể đến từ hư không được, nếu tới từ hư không sao biết chọn chỗ hai bàn tay chạm nhau để đến, mà không phải chỗ khác trên thân thể ?

Xét theo thế gian, thì cảm giác đó nương nơi bàn tay chạm vào nhau, hoặc bất kể một cái gì khác, một vật gì khác mà giả lập hiện hữu, do đối đãi, do phân biệt mà thành. Ví như cảm giác mềm mịn, nếu như không có sự đối đãi của 2 bên, và không có sự phân biệt mềm mịn thì làm sao biết đó là mềm mịn, lấy gì làm đối để mà đặt giả danh mềm mịn?

  1. 3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp tưởng ấm

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ví dụ khi nhắc tới me chua (hoặc chúng ta có thể liên tưởng tới một món ăn gì đó rất chua mà chúng ta hay ăn), trong miệng sẽ tiết nước bọt. Tưởng ấm được ví von như vậy. Cảm giác ấy, hành động ấy sinh ra chỉ nhờ việc tưởng, nghĩ tới.

Sự “chua”, hành động tiết nước bọt, chẳng tự nhiên mà có, và suy xét kỹ thì biết, cũng không phải nhân duyên mà có. Vị chua đâu có cái gì mà sinh ra, không thể tự nhiên xuất hiện trong lưỡi chúng ta được, càng không thể từ hư không mà vào trong miệng chúng ta. Nước bọt do tuyến nước bọt tiết ra, nhưng cái hành động tác động tiết nước bọt đó lại chẳng thể sinh ra từ tuyến nước bọt.

Đó là tác dụng của tưởng ấm mà thôi, tưởng ấm thì cũng như sắc ấm và thọ ấm. Kinh Thủ Lăng Nghiêm khẳng định tưởng ấm cũng không tự nhiên mà có, cũng không nhân duyên mà có, mà chỉ là sự hư ảo, không thật, giả tạm, đối đãi sinh rồi diệt.

  1. 4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp hành ấm

Kinh Thủ Lăng Nghiêm giải thích hành ấm hiểu cách dễ dàng nhất đó là nhìn vào dòng thác chảy. Dòng thác chảy không ngừng, lớp nước này nối lớp nước khác, không thấy có sự đứt đoạn.

Luồng tâm niệm của chúng sinh thật như một dòng chảy dữ dội, các lớp nối nhau không hở. Đối với dòng thác nước, chúng ta nhìn thấy như có một thể, nhưng sự thật thì các lớp nối nhau liên tục, vì sự liền mạch này mà tạo ra cái tướng tưởng như là một thể. Tâm niệm trong lúc đối đãi giả dối sinh ra, thật không có cái gì đáng để gọi là sinh, trong lúc đối đãi giả dối mà không hiện hữu, thật không có cái gì đáng để gọi là diệt. Các niệm chảy trong suy nghĩ vốn chẳng có tự thể, không thể chỉ được cái bản thể của nó là gì.

  1. 5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá thức ấm

Thức ở đây được đề cập là cái thức phân biệt, cái thức nhận biết so sánh, chấp ngã. Nếu vốn sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm đã không thật, không có thể tính thật sự, thì cái thức đó chấp ngã, phân biệt, so sánh, nhận là của ta,… thì có thật sự có hay không ? Nếu đã không thật có, lấy cái gì làm tự thể để mà bám víu chấp ngã ?

Phần III. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp 6 nhập, 12 xứ, 18 giới (Quyển 3)

Xuyên suốt cả một phần dài, Kinh Thủ Lăng Nghiêm muốn giúp đại chúng ngộ ra mọi thứ không đáng để bám chấp, dù là bất kì cái gì, tại phân đoạn này, mục đích kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ muốn phá chấp ngã của chúng sinh, không phải phủ nhận những thứ hiện hữu trong đời sống.

  1. 1. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp nhãn căn, sắc trần, nhãn nhập, nhãn thức

  • (1) Nói về nhãn căn

Nhãn căn chỉ là cái giả danh mà chúng ta nói về bộ phận dung nạp sắc trần cho thân xác. Nhãn căn không có bản thể cố định, thường hằng, không chỉ được bản tính thật sự.

Không phải cứ nhãn căn là “hai con mắt”. Chúng ta cần biết rằng có những loài vật không phải có hai con mắt, ví như bọ cạp có thể có dao động từ 6 tới 12 con mắt, có một số loài nhện có 4 mắt, hoặc 6 mắt, 8 mắt. Mỗi loài có số lượng nhãn căn có thể khác nhau, hình dáng nhãn căn thì chắc chắn khác nhau. Từ đây để chúng ta làm rõ vấn đề, nhãn căn chỉ là giả danh nói về một bộ phận thu nạp danh sắc, còn không có cái gì là tự thể để chỉ ra, nương nơi thân xác từng loài, nương nơi ý thức gá vào xác thân, nương nơi nghiệp đã gieo mà hiện hữu nhãn căn tương ứng.

  • (2) Nói về sắc trần

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ví dụ rằng đưa cho em bé cái khăn đỏ chơi, thì em bé chỉ biết đó là một vật đỏ, chứ không biết là khăn đỏ, dùng làm gì, nhưng theo thời gian, nhờ học tập và kinh nghiệm thì biết đó là cái khăn đỏ, biết dùng cho mục đích gì. Vốn dĩ cái tên “khăn đỏ” chỉ là cái giả danh để ghép vào giả tướng mà thôi.

Ở đây, tôi xin dẫn một ví dụ khác để đọc giả dễ hiểu hơn về giả danh, giả tướng. Chúng ta sử dụng cái bát để đựng cơm, nhưng chúng ta hãy tự đặt câu hỏi rằng thật sự cái vật đó có cái ngã tướng nào là cái bát hay không ?

Cái bát chỉ là giả danh mà chúng ta tạm đặt để gọi, để phân biệt với dụng cụ khác, và để khi nhắc tới thì chúng ta biết rằng vật đó có công năng là đựng cơm, đựng đồ ăn. Cùng một đất nước, dụng cụ đó cũng không nhất thiết gọi là cái bát, mà vẫn có tên gọi khác như cái chén, cái tô,… Và cái dụng cụ đó cũng chỉ là giả tướng tạm có, trước khi có cái bát, thì nó là đất, là men, là do người nặn hình,… trước khi nó là “cái bát” thì chúng ta gọi với rất nhiều cái tên cho thành phần giúp nó hiện hữu (đất, men, lửa, người,…). Nhưng nếu vô tình làm vỡ, thì chúng ta lại gọi nó là mảnh vỡ, mảnh sành,…

Phân tích vậy để biết, cái giả tướng đó chỉ là cái tạm hiện hữu nương nhờ nhiều nhân duyên, chứ không thật có, chỉ duyên khởi như bọt nước, chứ không có cái tự thể nào cả, không thật có tự tính, do đối đãi như bọt nước mà thấy có cái này, cái kia, do duyên khởi mà chấp vào cái giả tướng rằng nó là “thật”.

  • (3) Nói về nhãn nhập, nhãn thức

Nhãn nhập là sự thu nạp của nhãn căn với sắc trần. Nếu căn là giả tạm, ứng theo từng loài, sắc trần là giả tạm, không thực tướng, biến đổi liên tục, vậy nhãn nhập và khởi sinh ra nhãn thức liệu có tự thể hay không ?

Mọi thứ đã không có tự thể, không có thật tướng để chỉ, không thật sự có thì lấy gì làm tự thể để chỉ cái nhập và cái thức của nhãn là thật có tự thể ? Nhãn thức không tự nhiên mà có, không thể do nhãn căn sinh, càng không thể do sắc cảnh khởi sinh nhận biết, tại phần 3, kinh Thủ Lăng Nghiêm đã chỉ rõ rằng nhãn thức chẳng thể có tự thể nào, chỉ nương nhờ mà hiện hữu.

Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm thì nhãn thức không thể do một mình nhãn căn hay một mình sắc trần mà sinh ra được. Nhãn căn và sắc trần đối đãi với nhau mà phát hiện, do có nhãn căn mới thấy có sắc trần, do có sắc trần mới biết có nhãn căn, ngoài sắc trần ra, nhãn căn không có tự tính, ngoài nhãn căn ra, thì không còn biết thế nào là sắc trần nữa; do đó, nên một mình nhãn căn hay một mình sắc trần không thể tự sinh ra nhãn thức.

Nếu cả hai thứ nhãn căn và sắc trần chung nhau lại mà sinh ra nhãn thức, thì nhãn căn có biết, sắc trần không biết, cái nhãn thức sinh ra ở giữa sẽ như thế nào ?

Còn nếu nhãn căn và sắc trần rời nhau mà sinh ra nhãn thức, thì căn và trần đối đãi với nhau mà có, luôn luôn phải kết hợp với nhau; nếu căn và trần rời nhau, thì bản thân căn, trần đã không có rồi, làm sao sinh ra được thức.

Đứng về cái thức chặng giữa mà nói, thì khi nhãn căn và sắc trần hợp lại, sinh ra nhãn thức, cái nhãn thức ấy phải chia làm hai phần, một phần biết một phần không biết, mà đã chia làm hai phần, thì phần biết theo với căn, phần không biết theo với trần, còn biết lấy gì làm cái nhãn thức.

Đứng về phương diện thể tính mà nói, thì cái biết và cái không biết trái ngược lẫn nhau: Hễ không phải không biết, tức là có biết, hễ không phải có biết, tức là không biết. Nếu cái nhãn thức không phải không biết và cũng không phải có biết, thì không có thể tính gì cả; còn nếu như cái nhãn thức cũng có biết, cũng không biết, thì thể tính xen lộn, tâm không thành tâm, cảnh không thành cảnh, làm sao mà lập được thành giới.

  1. 2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp nhĩ căn, thanh trần, nhĩ nhập, nhĩ thức

  • (1) Nói về nhĩ căn

Không khác với nhãn căn, nhĩ căn cũng chỉ là giả danh, một cái tên giả tạm con người đặt để gọi giác quan tiếp nhận âm thanh. Nhưng cái giả danh này cũng chẳng phải là sự thật tuyệt đối, không có tự thể, chỉ nương theo loài, theo nghiệp mà phát sinh hiện hữu.

Ví dụ khả năng thính giác của nhĩ căn loài người là 16 – 20.000 Hz, loài mèo thì có nhĩ căn có thể nghe thấy tần số tới 60.000 Hz, loài dơi có thể nghe thấy tần số lên tới 60.000 Hz hoặc 100.000 Hz. Đó là xét ở công năng, xét về hình sắc, cái tướng nhĩ căn, thì từng loài có sắc nhĩ căn khác nhau, thậm chí, cùng là loài người, tướng sắc nhĩ căn cũng chẳng giống nhau.

Nói vậy để rõ, nhĩ căn thực sự chẳng có cái tự thể, không thật sự có, chỉ hiện hữu giả tướng giả tạm nhờ nhân duyên.

  • (2) Nói về âm thanh

Đối với các tiếng âm thanh cũng phải biết rằng chúng không thật có, cũng là sự đối đãi giả tạm.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng rằng các tiếng âm thanh được gọi là động, cái động có là do sự đỗi đãi với cái tĩnh. Nếu không có cái tĩnh, cái yên lặng thì lấy cái gì mà đối lại để biết đó là cái động ? Ngay cả một người ngồi yên tại một nơi hoang vu, cũng nghe thấy âm thanh ù ù, những âm thanh tạm gọi là sự chuyển động của thiên nhiên xung quanh. Ngoài sự đối đãi giữa tĩnh và động ra, thì âm thanh không có tự tính, không có bản thể nào chỉ ra được. Âm thanh có hiện hữu, nhưng là sự nương nhờ những nhân duyên, sự đối đãi, rồi lại diệt đi như bọt nước, không nên chấp vào âm thanh là thật có.

  • (3) Nói về nhĩ nhập và nhĩ thức

Nếu nhĩ căn không phải sự thật tuyệt đối, âm thanh là đối đãi hiện hữu giả tạm, không thật có, vậy nhĩ nhập khởi sinh ra nhĩ thức thì lấy cái gì mà làm tự thể ? Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ ra rằng nhĩ nhập, nhĩ thức cũng không thật có, không nên chấp ngã, bám vào một cái tự thể nào đó rồi gán đó là tự thể của nhĩ nhập, nhĩ thức.

Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhĩ thức không thể do nhĩ căn sinh ra, không thể do thanh trần sinh ra và cũng không thể do cả nhĩ căn và thanh trần hợp lại mà sinh ra. Nhĩ căn, ngoài thanh trần, không có tự tính; thanh trần, ngoài nhĩ căn, cũng không thành cái gì. Nhĩ căn và thanh trần chỉ đối đãi với nhau mà có, chứ không thật có, thì do đâu mà lập được cái nhĩ thức ở giữa, nhận biết tiếng này, tiếng khác.

Xét như vậy thì biết, nhĩ căn, thanh trần và nhĩ thức đều là duyên khởi như bọt nước, nương nhau mà hiện hữu giả tạm, không có tự tính

  1. 3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp các căn còn lại

Đối với

(3.1) Tỷ căn, mùi hương, tỷ nhập, tỷ thức

(3.2) Thiệt căn, vị, thiệt nhập, thiệt thức

(3.3) Thân căn, xúc chạm, thân nhập, thân thức

(3.4) Ý căn, pháp trần, ý nhập, ý thức

Tương tự như những phân tích ở 2 căn đầu, các căn còn lại đều được kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ rõ cái không thật có, không có tự thể, chỉ nhờ nhân duyên tạm hiện hữu, giả tạm, đối đãi với nhau mà thôi. Loài nào, thân xác nào, nghiệp nào sẽ mang theo những trạng thái thu nạp mùi, vị, xúc chạm, ý thức tương ứng như vậy, không thể hiện được bản thể tuyệt đối.

Phần IV. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp 7 đại

Kinh Thủ Lăng Nghiêm tại phần này chỉ rõ các đại đều là duyên khởi, không có tự tính, chỉ theo nghiệp mà phát hiện. Như chúng ta là nghiệp người, đối với cái thân người như vậy, chúng ta thấy thế này là vật chất, thế kia là dao động, thế này là màu sắc, v.v... Tùy theo nhận thức của chúng ta đến chừng nào, thì chúng ta biết chừng ấy, do đó, loài người chỉ thấy những tia sáng, chỉ nghe những cái rung động đến một chừng mực cố định, ngoài ra, thì không thấy, không nghe. Ngược lại, có những động vật khác, lại nhận định một cách khác, đâu phải nhất thiết như loài người. Xét như vậy thì biết, các đại đều do nhận thức của mỗi nghiệp mà phát hiện, không có tự tính.

Lại như nói bốn đại hòa hợp mà thành các sự vật trong thế gian, thì bản tính bốn đại phải là hòa hợp; mà đã là hoà hợp, thì cũng không khác gì các sự vật ở giữa thế gian, khi hợp lại thì có, khi tan rã thì không, không có thực thể. Vì gọi rằng hòa hợp, thì cũng như các tờ giấy hợp lại thành một tập giấy, xét từng tờ một, thì không tờ nào là tập giấy cả và khi lấy hết các tờ giấy rồi, thì tập giấy cũng không còn; thế là, khi các tờ giấy hợp lại, thì tập giấy có vẻ như là sinh ra, đến khi các tờ giấy xa rời nhau, thì tập giấy diệt mất. Nhưng một khi tập giấy cũ diệt, các tờ giấy có thể hòa hợp với các tờ giấy khác thành một tập giấy lớn hơn, hoặc chia nhau ra, hòa hợp thành các tập giấy nhỏ hơn.

Cái sinh của tập giấy mới, nối tiếp cái diệt của tập giấy cũ, cái cuối cùng của tập giấy cũ, lại là cái bắt đầu của tập giấy mới; cái này sinh là cái khác diệt, cái này diệt là cái khác sinh, sinh diệt nối nhau, không hề dừng nghỉ. Nếu không nhận được pháp giới tính bất sinh bất diệt, thì mãi mãi thấy có sinh diệt mà không thấy biết dù sự vật thay đổi thế nào, pháp giới tính vẫn không thêm, không bớt.

  1. 1. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp địa đại

Phá chấp là mục đích kinh Thủ Lăng Nghiêm muốn giúp chúng sinh nhận rõ địa không có tự tính, chỉ duyên khởi như bọt nước, có hiện hữu nhưng không thật có cái bản thể tự ngã. Chúng ta sẽ xét trên phương diện mà kinh Thủ Lăng Nghiêm trình bày, đó là kinh ví dụ việc chẻ những hạt vi trần của đất (tức những hạt rất nhỏ như những hạt bụi mịn) cho tới khi tan ra. Từ đó, thì chúng ta biết rằng sắc có thể nghiền thành hư không, mà chính không lại góp phần tạo nên sắc. Mà sắc thì có tướng, hư không thì vô tướng, nếu hư không mà lại thành sắc thì làm gì còn gọi là hư không ? Xét vậy để biết, địa đại cũng không có tự thể, tự tính.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm khai phá cái ý niệm về sự phá chấp, không chấp tướng vào cái giả danh gọi là “địa” (đất), tuy nhiên cách giải thích mỗi thời mỗi khác, chúng ta có thể hiểu cách giải thích trên ở thời đại này với phương diện khoa học như sau:

Đất được tạo thành từ sự kết hợp của sáu yếu tố là đá mẹ, sinh vật (gồm động vật và thực vật), khí hậu, địa hình, nước và thời gian. Các loại đá cấu tạo nên vỏ trái đất, dưới tác dụng của khí hậu, địa hình, nước, sinh vật, trải qua một thời gian dài, dần dần bị phá vỡ, vụn ra thành đất. Đất là một hỗn hợp gồm các chất khoáng, chất hữu cơ, không khí, nước và các sinh vật có khả năng duy trì sự sống cho thực vật trên bề mặt trái đất. Trong đất chứa lượng đá phong hóa đã bị vỡ dần theo thời gian dưới tác động của gió, mưa, băng giá và các quá trình hóa, sinh học khác.

Chất hữu cơ là hỗn hợp xác bã sinh vật, động, thực vật trong đất đã được phân hủy một phần gồm địa y, rêu, cỏ và lá, cây và tất cả các loại chất sinh dưỡng khác. Một loại đất tốt cũng có thể chứa khoảng tới 25% không khí, 25% nước. Không khí, nước được giữ trong các lỗ rỗng giữa các hạt đất.

Như vậy, đất đâu phải tự nhiên mà có, đâu phải một mình có cái tự thể nào chỉ ra đó là “đất” ? Mà chỉ là sự duyên khởi, hợp lại hiện hữu như bọt nước, như làn sóng.

Chúng sinh là loài người phát hiện “địa” theo nghiệp loài người, thì sống trên bề mặt, xây nhà trên đó,… còn loài giun sống theo nghiệp loài giun, thì đào sâu xuống dưới đất để sống, thậm chí một số loài khỉ, còn ăn cả đất. Xét vậy chỉ để hướng chúng ta phá chấp tướng “địa” (đất), địa đại cũng không có tự tính, chỉ vì theo loài mà phát sinh nghiệp tương ưng.

  1. 2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp hoả đại

Hoả đại, hay ngôn từ ngày nay gọi là lửa, để lửa được hình thành cần đảm bảo có 3 yếu tố: nguồn nhiệt, chất cháy và oxi, thiếu 1 trong 3 yếu tố này thì lửa không được hình thành.

Chúng ta có thể quán sát như sau, lửa không thể tự nhiên xuất hiện tại vật, cụ thể là một vật chẳng thể tự dưng bốc cháy, nếu vậy thì vạn vật trên đời đều trở thành tro bụi, lửa cũng chẳng thể tự nhiên có giữa hư không. Xét vậy để biết, lửa có thể ở cùng khắp mọi nơi nhưng cũng chỉ là duyên khởi hợp lại mà hiện hữu.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm khẳng định hoả đại cũng không có tự tính, không có tự thể, chỉ do pháp giới tính duyên khởi như bọt nước mà hiện hữu.

  1. 3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp thuỷ đại

Nước là một hợp chất hoá học được cấu thành bởi oxy và hidro. Khi hai thành phần này (Oxi, Hidro) hợp lại với nhau ở điều kiện phù hợp thì tạo thành hỗn hợp mà chúng ta gọi là “nước” có tính chất lỏng, không có hình dáng cụ thể, gặp những điều kiện thay đổi tương ứng, nước có thể bốc hơi nhanh, hoặc đóng băng thành dạng rắn.

Xét vậy để biết, nước cũng không có tự thể, không có tự tính. Kinh Thủ Lăng Nghiêm khẳng định nước cùng khắp mọi chỗ, nhưng cũng chỉ là pháp giới tính duyên khởi không thật có.

  1. 4. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp phong đại

Kinh Thủ Lăng Nghiêm giải thích phong đại là sự dao động.

Xét ở góc độ khoa học, gió được giải thích là hiện tượng chuyển động của không khí, hai nguyên nhân chính tạo nên gió là sự lưu thông không khí và sự chênh lệch áp suất, nhiệt độ giữa đường xích đạo, các cực và hiệu ứng Trái Đất quay,… ngoài ra còn có rất nhiều nguyên nhân khác nữa.

Đó là xét ở mức độ rộng lớn, xét ở những khía cạnh đời thường nhỏ hơn, như khi chúng ta phẩy cái áo cũng có thể tạo ra gió. Gió không thể tự nhiên mà có, như chúng ta ngồi yên trong 1 căn phòng đóng kín, nếu gió tự nhiên sinh ra thì lẽ ra chúng ta phải thấy mát, gió cũng không thể sinh ra từ cái áo, hay cái quạt, hay từ một vật gì,… hay sinh ra từ không khí được. Gió cần nương vào sự chuyển động, và vật, mới hiện hữu.

Xét vậy để biết, gió cũng chỉ là pháp giới tính duyên khởi như bọt nước mà tạm hiện hữu.

  1. 5. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp không đại

Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ ra rằng không đại có cùng khắp mọi chỗ, không chỉ được chỗ cụ thể, chỗ nào không thấy có tướng thì gọi là không đại, không có tướng thì không đại tạm hiện hữu. Không đại đáp ứng theo lượng hay biết của mỗi loài chúng sinh mà phát hiện.

Pháp giới tính của không đại là pháp giới tính của địa đại, thuỷ đại, hoả đại, phong đại, và cũng là pháp giới tính duyên khởi vạn vật, bản nhiên cùng khắp, theo nghiệp mà phát hiện.

  1. 6. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp kiến đại

Kinh Thủ Lăng Nghiệm gọi cái kiến đại còn là căn đại, nghĩa là cái căn năng đối với các trần cảnh. Căn đại ở nơi nhãn căn, thì gọi là kiến đại. Kiến đại ở đây chỉ có giác quan, thấy các thứ sắc, không, nhưng không phân biệt sắc xanh, sắc vàng, hình vuông, hình tròn,…

Kiến đại đối đãi với các thứ sắc, không mà có. Như chúng ta mở mắt ra, ban đêm thấy tối, ban ngày thấy sáng, rồi nương theo cái sáng mà thấy có sắc tướng và thấy có hư không. Cái thấy năng kiến và các tướng sở kiến không thể tách rời nhau. Nay chúng ta thử xét năng kiến đối với sở kiến là đồng một thể hay không đồng một thế, hoặc cũng đồng và cũng không đồng, hoặc cũng khác và cũng không khác.

Nếu cái thấy đồng một thể với cái sáng, thì khi tối, không có sáng, lẽ ra không thấy được tối. Sự thật thì sáng với tối tiêu diệt lẫn nhau, khi tối thì không sáng, khi sáng thì không tối, còn cái thấy thì thường có, thấy cả sáng, thấy cả tối, thấy cả sắc, thấy cả không, làm sao lại đồng một thể với các món sở kiến được. Nhưng, nếu cái năng kiến tách hẳn các món sở kiến, thì cái năng kiến lại không còn tính gì cả.

Sáng và tối trái ngược lẫn nhau, làm sao lại có thể khi đồng với cái sáng, khi đồng với cái tối được. Rời các món sở kiến, năng kiến không thể tồn tại, làm sao lại khi khác với cái này, khi khác với cái kia được. Giữa các món sở kiến và cái thấy năng kiến, không thể chia được ranh giới, làm sao lại không phải đồng, cái thấy thấy cả sáng, thấy cả tối, làm sao lại không phải khác. Nhưng năng kiến thì có biết, sở kiến thì vô tri, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ cái năng kiến, không do đâu mà tự có.

Nhãn căn như vậy, các căn khác cũng đều như vậy, bản tính là duyên khởi như bọt nước, không có tự tính, tức là tính Chân như nhiệm màu của Như Lai tạng. Tính Như Lai tạng là pháp giới tính, nghĩa là tính trùng trùng duyên khởi của tất cả sự vật. Pháp giới tính duyên khởi ra tự tâm, có tính nhiệm màu duyên hiện các pháp, có tính sáng suốt duyên biết các pháp.

Căn đại là tính sáng suốt của tâm tính. Tâm tính ấy bản lai là pháp giới tính, nên cũng gọi là tính giác. Chúng sinh trong lúc mê lầm, chưa rõ tâm tính, khi bắt đầu tu học đạo Phật, nhận biết có tâm tính bản nhiên như thế thì gọi tâm tính ấy là bản giác. Chính cái tính sáng suốt của bản giác biểu hiện ra thành căn đại, bản nhiên thanh tịnh cùng khắp pháp giới, theo nghiệp thức của mỗi loài chúng sinh, mà đáp ứng với lượng hay biết.

Như chúng ta hiện nay thuộc về nghiệp người, nghĩa là có cái thân người, thì căn đại theo thân người mà phát hiện, thấy theo con mắt người, nghe theo lỗ tai người,....

Tất cả các cảm giác của chúng ta đều do sự đối đãi giữa thân người với hoàn cảnh mà có.

Thế gian không biết căn đại theo nghiệp mà phát hiện, dùng ý thức mà so đo phân biệt là nhân duyên hay là tự nhiên, đó chỉ là những danh từ suông, toàn không có nghĩa chân thật.

  1. 7. Kinh Thủ Lăng Nghiêm phá chấp thức đại

Thức đại nhận biết trần cảnh riêng khác; thức đại nương theo nhãn căn, thì gọi là nhãn thức, nương theo ý căn, thì gọi là ý thức, lúc nào cũng nhân nơi sự đối đãi giữa căn và trần mà phát khởi.

Nếu riêng một mình năng kiến sinh ra, thì ngoài các món sở kiển, năng kiến còn không có hình tướng gì, làm sao phát sinh ra được cái thức nhận biết sự này, vật khác. Nếu cái thức do một mình các tướng sở kiến sinh ra, thì ngoài năng kiến, không còn biết gì là sở kiến, làm sao sở kiến lại còn sinh ra được cái thức ?

Nếu do một mình hư không sinh ra, thì đã không có năng kiến, sở kiến, còn đem cái nhận biết mà dùng cho việc gì. Ngoài căn trần ra, tất cả sự vật, nếu không có tướng, thì cũng như là không có, còn nếu có tướng, thì cái tướng ấy không giống như các trần cảnh, dù cho có cái thức, lại phân biệt được gì. Còn nếu cái thức không nhân gì, tự nhiên mà có, thì làm sao, trong lúc mặt trời đứng bóng, lại không nhận biết được mặt trăng ở chỗ nào ?

Cái thức thì dao động, vì có phân biệt, cái thấy thì đứng lặng, vì không phân biệt, hai bên tính chất khác nhau, không phải hòa, không phải hợp, không lẽ thức đại, không do đâu mà tự phát. Xét như vậy thì biết, thức đại là duyên khởi như bọt nước, không có tự tính, bản lai là pháp giới tính, cùng khắp mười phương, theo lượng hay biết của mỗi loài chúng sinh mà phát hiện.

Thức đại nương theo nhĩ căn, thì gọi là nhĩ thức, nương theo thiệt căn, thì gọi là thiệt thức, đâu đâu cũng là pháp giới tính trùng trùng duyên khởi. Nay ta hãy xét 6 thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, là đồng nhau hay là khác nhau. Nếu là đồng nhau, thì vì sao nhĩ thức lại không phân biệt được xanh đỏ; còn nếu là khác nhau, thì vì sao khi ý thức vừa nghĩ tới me chua, thì miệng lưỡi đã tiết nước bọt.

Sự thật thì thức đại là cái tác dụng nhận biết của tính sáng suốt bản giác và duy tính sáng suốt của bản giác mới thật là chân tính của thức đại. Tính bản giác nhiệm màu sáng suốt là pháp giới tính cùng khắp mười phương; pháp giới duyên khởi ra bản giác, bản giác duyên khởi ra pháp giới, theo nghiệp mỗi loài mà phát hiện. Thế gian không biết như thế, dùng ý thức so đo phân biệt là nhân duyên hay là tự nhiên, đó chỉ là những danh từ suông, toàn không có nghĩa chân thật.

Tóm lại, tất cả sự sự vật vật đều là pháp giới tính trùng trùng duyên khởi. Trong pháp giới tính trùng trùng duyên khởi, một sự vật đối đãi hiện ra các sự vật, các sự vật đối đãi hiện ra một sự vật. Khi chúng ta đem thân người mà đối đãi với hoàn cảnh, thì hoàn cảnh đều hiện ra những tướng đối đãi với thân người; cả thân và cảnh đều theo nghiệp người mà phát hiện, cho đến các cảm giác, các nhận thức cũng theo thân người, cảnh người mà phát hiện.

Nhưng cả 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ, 18 giới và 7 đại, cũng đều là pháp giới tính duyên khởi theo nghiệp thức của mỗi loài. Nhận biết được tất cả sự vật đều do pháp giới tính duyên khởi như bọt nước, không có tự tính, thì thân cũng là pháp giới tính, tâm cũng là pháp giới tính, mọi sự mọi vật đều là pháp giới tính; đứng về phương diện pháp giới tính mà nói, thì toàn thể đều như như bình đẳng, không có sai khác, cho đến các nghiệp cũng như như bình đẳng, không có sai khác.

Do tất cả sự vật đều không có sai khác, nên gọi là Chân như. Chứng được Chân như, thì ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm, tùy ý vận dụng pháp giới tính, nhận biết theo mỗi nghiệp chúng sinh mà không bị nghiệp nào ràng buộc cả. Đồng thời, cũng vì chứng được Chân như nên phá được ranh giới giữa tâm và cảnh, giữa người và mình, phát lòng từ bi rộng lớn, phục vụ chúng sinh không hề mệt mỏi.

Trong phần này, kinh Thủ Lăng Nghiêm dùng các danh từ theo “Pháp tính tông”; nếu theo pháp tướng của “Duy thức tông”, thì năm căn trước trong đoạn này là kiến phần của năm thức trước, các trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, là tướng phần; ý căn là một phần tác dụng của Mạt-na-thức, pháp trần là tướng phần của ý thức; năm thức trước là kiến phần của Ngũ câu ý thức; ý thức là kiến phần của Độc đầu ý thức; còn kiến đại là năm thức trước, thức đại là ý thức.

Cư sĩ Phúc Quang lược giải


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1. Bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, biên dịch: Cư sỹ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897 – 1969), NXB Tôn Giáo, 2021
  2. 2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Hoà Thượng Tuyên Hoá giảng thuật, NXB Tôn Giáo, 2006