1. Các danh hiệu khác của Phật A Di Đà
Oai thần và quang minh của Phật A Di Đà chiếu khắp hằng sa cõi Phật ở phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên dưới và bốn phương phụ cũng lại như vậy. Chỉ có hào quang đức Phật A Di Đà chiếu được khắp vô lượng vô số vô biên cõi Phật, thù thắng hơn cả. Hào quang chư Phật chiếu ra có xa có gần vì bổn nguyện công đức đời trước cầu đạo có lớn nhỏ không đồng, nên khi thành Phật tự có hạn lượng, riêng đức A Di Đà được coi là sáng chói nhất, rực rỡ nhất và rộng lớn nhất.
Quang minh đức Phật A Di Đà có tuổi thọ không tính nổi và hào quang tôn quý nhất trong các ánh sáng, nên Ngài cũng có hiệu là:
Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Quang, Phật Vô Biên Quang, Phật Vô Ngại Quang, Phật Vô Đẳng Quang, Phật Trí Huệ Quang, Phật Thường Chiếu Quang, Phật Thanh Tịnh Quang, Phật Hoan Hỷ Quang, Phật Giải Thoát Quang, Phật An Ổn Quang, Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang, Phật Bất Tư Nghì Quang. (Các danh hiệu đều muốn nói về sự vô lượng vô biên của ánh sáng trí tuệ, tuổi thọ của ngài).
Quang minh ấy chiếu khắp mười phương thế giới, chúng sinh nào gặp được quang minh ấy thì cấu uế tiêu diệt, điều lành phát sinh, thân ý hòa dịu. Chúng sinh nào nghe được oai thần công đức quang minh này, ngày đêm tụng nói, chí tâm không nghỉ, tùy theo ý nguyện sẽ được sinh về Cực Lạc.
2. Cõi Cực Lạc Tây phương
Cõi Cực Lạc có vô lượng công đức, đầy đủ trang nghiêm, tuyệt không có danh từ khổ nạn; không có ác thú ma não; cũng không có bốn mùa nóng, lạnh, sáng, tối; không có sông, biển lớn, nhỏ, hầm hố gai góc đá sỏi, núi non; chỉ là tự nhiên làm bằng bảy báu, đất rộng bằng phẳng không có hạn lượng, không có hiểm nguy. (Cõi của sự thanh tịnh, an ổn cho mọi chúng sinh, không phiền não).
Cõi nước Cực Lạc có nhiều cây báu, hàng hàng thẳng nhau, hoa quả màu sắc rực rỡ tươi đẹp, khi gió lay động phát ra âm thanh vi diệu, cây Bồ đề rộng lớn, do các báu hợp lại mà thành, xung quanh có nhiều các ngọc ma ni trừ vẩn đục. (Cõi mọi thứ đều đẹp, không nhiễm ô bởi phân biệt).
Giảng đường, tịnh xá, lầu quán, chỗ giảng kinh, tụng kinh, nghe kinh, đi kinh hành đều được hoá hiện bởi bảy báu sáng chói. (Điều kiện thuận lợi để tu tập, hành đạo).
Chúng sinh ở cõi nước Cực Lạc đồng một hình thể không có tướng sai biệt, không như cõi đời này, có kẻ ăn xin bần tiện, lại có vua quan giàu sang. Chúng sinh ở đây, hoặc đã sinh, hoặc đang sinh, hoặc sẽ sinh đều có sắc thân xinh đẹp, đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí tuệ sáng suốt, thần thông tự tại, các sự cần dùng đều theo ý muốn. Khi cần ăn, đồ ăn, dụng cụ tự hoá hiện, y phục, chỗ nghỉ cũng vậy, chúng sinh thân tâm nhẹ nhàng, không tham đắm chỉ thọ dụng đủ cho thân mạng. (Đời sống no đủ, không bị phân biệt đối xử, không còn nỗi lo cơm ăn áo mặc, được bình đẳng, được sung túc).
Cõi nước đức Phật A Di Đà không có cảnh tối tăm, ánh sáng thường chiếu mọi lúc, không có sự chấp trước vào tài của, vào bất cứ điều gì, chỉ có sự hưởng thọ thanh tịnh an lạc tối thượng. Chúng sinh thác sinh về đây đều an trụ chính định, quyết phải chứng được A nậu đa la Tam miệu Tam Bồ đề, có nghĩa là bậc Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Bởi chúng sinh nào còn tà kiến, bất định, không tín Phật pháp, không tin nhân quả thì không thể thác sinh về cõi Cực Lạc được.
3. Chính nhân sinh về cõi Tây phương Cực Lạc
Chúng sinh mong muốn vãng sinh về cõi Tây phương có thể không siêng năng thiền định, nhưng phải hết lòng trì kinh giữ giới, chuyên làm điều lành, nghĩa là không giết hại sinh vật, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không thêu dệt, không nói lời hung dữ, không nói đâm thọc, không tham lam, không giận hờn, không si mê, ngày đêm nhớ nghĩ đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc có nhiều công đức, nhiều sự trang nghiêm, chí tâm quy y đảnh lễ cúng dường.
Người ấy khi mạng chung không kinh sợ, tâm không rối loạn, liền được vãng sinh về cõi Cực Lạc.
Nếu người quá nhiều việc không thể xuất gia, thì phải tu nhất tâm thanh tịnh, lúc rảnh rồi yên tịnh thân tâm, tuyệt dục, bỏ lo lắng, từ tâm tinh tấn, không hờn giận, ganh ghét, không tham tiếc keo kiệt, không ân hận hồ nghi, hiếu thuận, trung tín, tin sâu lời Phật dạy, tin làm lành được phước, phụng trì các pháp như vậy không được thiếu mất, suy nghĩ chính chắn, muốn được độ thoát, ngày đêm luôn cầu nguyện được vãng sinh về cõi thanh tịnh của Phật A Di Đà.
Phải đem tâm thanh tịnh, hồi hướng cho chúng sinh khác, khi mạng chung, chúng sinh này sẽ được Phật A Di Đà tiếp dẫn, thác sinh tới Cực Lạc với dung mạo, sắc tướng trang nghiêm.
Chính nhân được chia làm 3 bậc
Bậc thượng phẩm: Người xuất gia, lìa tham dục, phát tâm cầu Vô thượng đạo, chuyên tâm tu hành và niệm Phật A Di Đà, thường hay cứu khổ đời người, làm các công đức.
Hạng trung: Là những người tuy không xuất gia thành sa môn, nhưng phát tâm Bồ đề, tích luỹ nhiều công đức, gìn giữ trai giới, xây dựng tháp tượng, cúng dường, chuyên tâm niệm A Di Đà Phật.
Hạng hạ phẩm: Là những người không làm nhiều việc công đức, nhưng tâm vẫn một lòng hướng về từ bi, thiện lương, tin niệm Phật A Di Đà không chút nghi ngờ.
Còn tiếp...
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu tham khảo: Phật thuyết Đại thừa Vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác kinh, Nguyên Hán: Hạ Liên Cư (Hội tập), Việt dịch: HT. Thích Đức Niệm, NXB Tôn giáo, 2019.
Bình luận (0)