1. Trì danh hiệu Phật A Di Đà
Mục đích của bộ kinh này là chỉ rõ sự nhiệm màu của pháp môn “trì danh” (niệm Phật). Danh hiệu Phật A Di Đà có muôn vàn công đức lớn lao chẳng thể bàn tới, không thể nghi ngờ, được nói nhanh vào trong 2 ý chính, đó là “Vô lượng Quang” và “Vô lượng Thọ”.
(1) - Vô lượng Quang là “Trí sáng suốt vô cùng” (Quang minh).
(2) - Vô lượng Thọ là “Tuổi thọ vô cùng” (Thọ mạng).
Chữ A Di Đà nguyên tiếng Ấn Độ, đọc là “Amita”, dịch ra tiếng Hán có nghĩa là “vô lượng”. Ánh sáng thì sáng vô cùng, chiếu cả 10 phương, không nơi nào là không tới; thọ mạng thì dài vô lượng, trải cả 3 đời, đời nào cũng vẫn sống.
Hai thể của “Quang” và “Thọ” hợp lại với nhau thì tạo ra toàn thể của cả Pháp giới. Vì vậy trì danh hiệu Phật A Di Đà ấy, thực chất là nói tới cái lý tính Bản giác vốn có của chúng sinh. Bản giác được hiểu là “bản” thể “giác” ngộ, chúng sinh vốn dĩ có Phật tính, chỉ do vọng niệm phát khởi, không thu nhiếp được tâm mà đi theo vọng động, do đó quên đi bản giác.
Kinh khuyên chúng sinh tu tịnh nghiệp, tức nghiệp thanh tịnh. Ở đây là đang nói tới “nghiệp niệm Phật”. Niệm Phật là nghiệp Vô lậu. “Lậu” là rỉ, là xót lại, vô lậu là không còn xót lại một chút gì của phiền não.
Nghiệp Vô lậu là nói tới sự đoạn tận hoàn toàn của tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, là nghiệp có nhiều thiện căn làm nhân, có nhiều phúc đức làm duyên. Có hiểu thông suốt được như vậy mới tin sâu được sức mạnh lời nguyện Phật A Di Đà, tin việc trì danh hiệu, tin Phật nơi tâm tính mình.
2. Nhất tâm bất loạn
“Thâm tín” đi đôi với “phát nguyện” tạo thành tâm Bồ đề, là kim chỉ nam đưa mình tới vãng sinh tại mảnh đất Tịnh Độ.
Trì danh hiệu A Di Đà là một pháp hành đem tâm vọng động trở về tĩnh lặng, là con đường “thuỷ giác”, biến thuỷ giác về với bản giác. Thuỷ giác được hiểu là cách con người tu tập để trở về với bản giác tĩnh lặng nguyên thuỷ của mình.
A Di Đà Phật là một danh hiệu uy lực, trì niệm danh hiệu ấy được coi là việc tu hành rất chính đáng, tất nhiên phải xen lẫn cùng với những pháp tu quán tưởng, thiền định và học giới. Tuy nhiên, xét trên hình thức thì pháp tu ấy rất giản dị, dễ thực hành. Có hai lối chấp trì, đó là “Sự trì” và “Lý trì”.
Người Sự trì là người tin có Phật A Di Đà ở Tây phương Cực Lạc thật sự, nhưng mà chưa hiểu thông suốt được thế nào gọi là “Tâm mình tạo tác ra Phật, tâm mình chính là Phật”, chỉ có cái tâm quyết chí phát nguyện cầu sinh sang Tịnh độ, hoặc hiểu đơn giản là được sinh về cõi đời chẳng còn ô uế.
Người Lý trì là người tin rằng có Phật A Di Đà ở Tây phương Cực Lạc là Phật sẵn có ở trong tâm mình, là Phật do tâm mình tạo, thì lấy ngay danh hiệu Phật ấy, cõi đời ấy từ sâu trong tâm ra để buộc chặt tư tưởng mình vào đó, không cho vọng động tạp niệm nữa.
Câu “Phật do tâm mình tạo” được ví von là nghĩa sáng như ban ngày, không có ẩn dụ điều gì. “Tây phương A Di Đà Phật thị ngã tâm tạo”, tương đương với câu “Nhất thiết duy tâm tạo”, chữ tạo chính là “tạo tác”. Cái tâm tạo đó là tâm Bồ đề thường trụ, sáng suốt, chứ không phải tâm vọng tưởng sinh diệt của trí óc.
Kinh dạy về người thực hành pháp môn trì danh hiệu Phật A Di Đà, phải làm cho tới khi đạt được “nhất tâm bất loạn”, dù là 1 ngày, 2 ngày hay cho tới tận 7 ngày. Thậm chí, có những người tạp niệm quá nhiều, không biết trải qua bao nhiêu lần 7 ngày mà vẫn “tán loạn”, nhưng vẫn phải niệm đến khi nhất tâm mới thôi.
Tu được “nhất tâm” cũng có 2 lối: "Sự" nhất tâm và "Lý" nhất tâm.
Bất luận là người Sự trì hay người Lý trì, kiên định trì đến ngày thu phục được mọi tâm, đoạn trừ được mọi phiền não: Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến,… thì tức đạt được "Sự" nhất tâm.
Bất luận là người Sự trì hay người Lý trì, kiên định trì đến ngày tâm rộng mở vô biên, thấy được Phật trụ trong cõi tâm tính của mình thì tức đạt được "Lý" nhất tâm.
Nhất tâm có rồi thì không còn bị kiến hoặc, tư hoặc (các tà kiến, tham, sân, si; chữ “hoặc” là phiền não), hay tà thuyết Nhị biên làm rối loạn nữa. Không còn bị như vậy nữa thì đạt được trí tuệ tu hành.
Nhị biên còn gọi là “biên kiến”, là cái kiến có hai bên, chấp lấy 1 bên, giữ khư khư cho làm bản ngã, chấp bên nào cũng thành sai lầm. Hai bên gồm có (1) là chấp cái thường hằng của vạn hữu, chấp vào ngã, vào vĩnh cửu gọi là thường kiến, và (2) là chấp cái sự chết là hết, không có đời sau, không quả báo, gọi là đoạn kiến.
Tâm mà không bị Kiến hoặc, Tư hoặc chi phối, thì Phật tính và các thiện tín trong tâm được hiển lộ, khi ấy tâm không còn biến ra dục cảnh điên đảo. Tâm mà không bị Nhị biên làm rối loạn, chấp thủ, thì nhiễu sự của lo âu sinh – già – bệnh – chết không còn tác động được tâm mình, không khởi vọng động “đi tìm Niết – bàn” nữa, pháp giới tính bao trùm sẽ tự hiển hiện.
3. Lợi ích trì danh hiệu Phật A Di Đà
Lúc lâm chung thấy Phật hiện ra, có chắc là không phải ma?
Người không tu tâm, chẳng tu thân, không biết quán tưởng đến Phật bao giờ, mà Phật bỗng hiện ra, không phải hình ảnh mà bản tâm mình mong đợi, thì đó là ma.
Nhưng người tu tâm, giữ thân, quán tưởng, niệm Phật, cốt mong được Phật tiếp độ mà Phật hiện ra, thế là tâm mình đã ứng hợp tâm Phật, đó là nhờ lợi ích của sự kiên trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà.
Người tâm đã bất loạn rồi, có còn khởi mê hoặc, tạo nghiệp xấu?
Người tu hành được nhất tâm rồi thì chẳng còn lo sợ tạp niệm, nói gì tới mê hoặc hay hành động bất thiện. Gương đã lau sáng rồi không thể không soi rõ mặt người.
Mười vạn cõi Phật cũng ở trong tâm tính của ta mà hiện ra ngay trong 1 niệm. Sự vãng sinh cũng chỉ trong 1 niệm mà thôi. Giả dụ như này, nếu đo khoảng cách tại nơi chúng ta đang ngồi tới Ấn Độ, và so sánh với khoảng cách tại nơi ta ngồi tới mặt trăng, khoảng cách sẽ rất rõ rệt. Thế nhưng, khi nghĩ về Ấn Độ hoặc nghĩ về mặt trăng, thì chỉ cần 1 niệm nghĩ là tới rồi.
Sự vãng sinh cũng vậy, tất cả đều từ tâm tính mà ra thôi, chỉ mất 1 niệm để tới. Thế nhưng 1 niệm đó được dung nạp từ rất nhiều duyên nghiệp, với người niệm Phật phải tu hành công phu vất vả, thì mới xây được nhân duyên lành cho tới lúc lâm chung.
Người được sinh vào cõi Tịnh độ như bóng lọt vào gương, chứ không đo khoảng cách xa gần, không tính cõi nào trước, cõi nào sau.
Tín - Nguyện - Hạnh
Dựa theo tâm mà nói, thì đủ cả "Tín", "Nguyện", "Hạnh", 3 thứ ấy song hành với nhau chứ chẳng có cái nào trước, cái nào sau được cả. Chỉ cần thiếu 1 trong 3, là cả 3 đều mất. Lòng "Tín" không có, thì sao phát được "Nguyện"; "Nguyện" không có, thì hành việc gì; mà "Hạnh" không có thì tín vào đâu.
Tâm phải tròn đầy cả 3 thứ đó mới có thể trì danh hiệu A Di Đà Phật, tiếng niệm Phật nào cũng phải có Tín – Nguyện – Hạnh.
Tại sao lại nói một tiếng niệm Phật vang lên, là diệt trừ được vạn ác nghiệp?
Một tiếng niệm Phật đúng nghĩa phải gồm đủ cả Tín – Nguyện – Hạnh. Khi tâm đủ những thứ này tức việc ác mình đã làm, mình đang diệt, mình đang xám hối; việc ác chưa làm, mình không cho sinh; thiện căn được lợi dưỡng cho lớn mạnh, việc thiện được bồi đắp cho sinh và tăng trưởng; như vậy không phải là diệt trừ ác nghiệp hay sao.
Người niệm Phật mà không đủ Tín – Nguyện – Hạnh, tâm vẫn tán loạn thì chưa chắc có thể vãng sinh Tịnh độ. Tội ác từ vô thuỷ không thể bị tiêu trừ nếu không thể nhất tâm. Chỉ có thể niệm cho tới khi nhất tâm bất loạn mới có sức mạnh phá tan vòng tội ác.
Người tu hành kiên định, khi giờ phút lâm chung tới mà tâm chẳng điên đảo. Trong giờ phút ấy, người gây nhiều ác nghiệp chỉ cần 1 tà niệm nhỏ bé từ tập khí cũng có thể lôi mình tới ác đạo. Tập khí là tập quán, là thói quen, hoặc hiểu đơn giản là “tập” hợp của “khí lực” do đời sống huân tập.
Ý nghĩa bốn chữ “Bất khả tư nghì” trong kinh Phật thuyết A Di Đà
(1) - Người niệm Phật có thể vượt ra khỏi Tam giới, ý nghĩa này chẳng thể nghĩ bàn.
(2) - Người vãng sinh Tây phương Cực Lạc sẽ tu được thành Bồ tát.
(3) - Cứ chuyên trì niệm danh hiệu Phật cũng đủ sức lực hơn cả các phương tiện thiền định và quán tưởng.
(4) - Chuyên trì niệm Phật A Di Đà 7 ngày là có thể đạt tới nhất tâm, vãng sinh Tịnh độ mà không cần phải mất cả đời, hay nhiều kiếp.
(5) - Trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tức được chư Phật khắp các phương hộ niệm, trợ duyên, không khác gì niệm danh hiệu của tất cả chư Phật.
Kinh Phật thuyết A Di Đà nói tới chư Phật khắp các phương, nhiều không kể hết, thế nhưng trì danh hiệu vãng sinh về Tây phương Tịnh Độ bởi lời phát nguyện của Phật A Di Đà là lớn hơn tất cả, cõi Tịnh độ của ngài thu nhận mọi chúng sinh. Bản nguyện của Phật A Di Đà đem tới 4 sự bố thí lớn cho chúng sinh.
(1) - Khiến chúng sinh vui mừng tin sâu đạo Phật (Lợi ích hoan hỷ).
(2) - Khiến chúng sinh động được tới mầm thiện từ kiếp trước (Lợi ích sinh thiện).
(3) - Khiến cho ma chướng không thể cản được chúng sinh nữa (Lợi ích phá ác).
(4) - Khiến chúng sinh mở rộng được thể tính Bồ đề (Lợi ích lý tính).
Lời kết
Bộ kinh A Di Đà nói về tâm Vô thượng, danh hiệu Phật A Di Đà chứa muôn ngàn công đức. Vì vậy người trì niệm sẽ được chư Phật hộ trì. Thế nhưng, người nào còn tạp niệm dơ bẩn thì tuy có niệm danh hiệu Phật A Di Đà vẫn chẳng hiểu gì về tu, không thể đạt tới chỗ nhất tâm tam muội, không đạt được vô sinh pháp nhẫn.
Tam muội được dịch là chính định, định tâm. Nhất tâm tam muội được hiểu là định tâm niệm Phật, không còn loạn tưởng. Vô sinh pháp nhẫn là không còn phải tái sinh, không còn phiền đau, không còn luân hồi nữa.
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kinh A Di Đà yếu giải, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Hán, Tuệ Nhuận dịch tiếng Hán sang tiếng Việt, NXB Tôn giáo, 2018.
2. Phật thuyết A Di Đà kinh yếu giải giảng ký, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Hán, Sa - môn Tây Hữu Ngẫu Ích Trí Húc chú giải vào đời Thanh, Pháp sư Tịnh Không giảng thuật, Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép, Chuyển ngữ bởi Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội năm 2006.
Bình luận (0)