Kinh Phật thuyết A Di Đà nhắc tới 37 phẩm trợ đạo như những phương pháp hành tại Tây phương Cực Lạc.

Ảnh vẽ minh hoạ
Ảnh vẽ minh hoạ "Tây phương Tam thánh", sưu tầm

Phần I. Thất khoa

Thất khoa hay còn gọi là "7 nhóm” pháp tu, gồm có tổng cộng 37 phẩm trợ đạo. Phẩm trợ đạo có nghĩa là các phần hỗ trợ con đường tu hành ("Phẩm" mang nghĩa tương đương với chữ "phần", và "đạo" là "con đường tu hành").

1. Tứ niệm xứ (4 chỗ quán niệm)

“Tứ” là 4, “niệm” là quán niệm, “xứ” là từ chỉ nơi chốn, vị trí. Cụm từ này tạm hiểu là “4 chỗ quán niệm”.

Thân niệm xứ: Quán niệm thân mình bẩn.

Thọ niệm xứ: Quán niệm sự hưởng thụ là khổ.

Tâm niệm xứ: Quán niệm tâm mình vô thường, luôn biến đổi.

Pháp niệm xứ: Quán niệm các pháp vô ngã, không thật có.

2. Tứ chính cần (4 việc đúng đắn cần làm)

Dĩ sinh ác pháp, linh đoạn: Những ác pháp đã sinh, phải đoạn trừ.

Vị sinh ác pháp, linh bất sinh: Những ác pháp chưa sinh, không cho sinh.

Vị sinh thiện pháp, linh sinh: Những thiện pháp chưa sinh, phải làm cho sinh.

Dĩ sinh thiện pháp, linh tăng trưởng: Những thiện pháp đã sinh, phải làm cho lớn mạnh.

3. Tứ như ý túc (4 pháp đạt như ý nguyện)

Dục như ý túc: Từ “dục” trong thuật ngữ này biểu thị lòng “mong muốn”. Sự mong muốn được trọn vẹn, đầy đủ như ý nguyện. Với một người tu hành, sự mong muốn được như ý nguyện chính là ý muốn thành tựu tu tập, trọn vẹn duyên lành. 

Tinh tấn như ý túc: Sự chăm chỉ được thành tựu như ý nguyện.

Tâm như ý túc: Định, Tuệ tâm được như ý nguyện, trọn vẹn.

Tư duy như ý túc: Suy nghĩ, trí như ý nguyện.

4. Ngũ căn

Chữ “căn” được dịch ra có nhiều nghĩa, tuy nhiên trong trường hợp này có thể hiểu chữ “căn” có nghĩa là “nền tảng, cốt lõi”.

Tín căn: Lòng tin thiện pháp, lòng tin Phật pháp, lòng tin chính đạo. Lòng tin này không phải là sự tín mê mù quáng, mà lòng tín được khởi phát từ sự chứng nghiệm có nhân quả, sự quán sát suy tư có trí tuệ việc thiện, việc ác. 

Tinh tấn căn: Chăm chỉ thực hành thiện pháp ở thân – khẩu, suy nghĩ thiện lương không ngừng. Nếu đã có lòng tín, mà không phát tâm thực hiện thì không đem lại lợi ích gì.

Niệm căn: Không để thất niệm, giữ vững niệm trong từng khoảnh khắc.

Định căn: Thu phục tâm mình vào thiện pháp, không cho vọng tưởng, không cho ý tán loạn.

Tuệ căn: Sự phát khởi sáng suốt của trí, biết suy xét nhân quả, biết sợ những lỗi nhỏ nhặt của thân – khẩu – ý.

5. Ngũ lực

5 sức lực, sức mạnh hỗ trợ ngũ căn được bền chắc.

Tín lực: Năng lực của tín, làm cho tín căn lớn lên, phá tan tà tín, nghi ngờ.

Tinh tấn lực: Làm cho tinh tấn căn mạnh mẽ, không thoái chuyển, không sợ hãi, không từ bỏ.

Niệm lực: Làm cho niệm căn được duy trì, phá hết tà niệm, thành tựu chính niệm.

Định lực: Làm cho định căn lớn lên, phá hết mọi tư tưởng lăng xăng rối loạn.

Tuệ lực: Làm cho tuệ căn lớn lên, phá tan được hết mê mờ, phiền não.

6. Thất Bồ đề phần

Hay còn gọi là Thất giác chi - 7 phần giác ngộ.

Niệm giác phần: Sự giác ngộ về việc ghi nhận kịp thời tất cả những hiện khởi của thân tâm trong từng phút giây, không vọng tưởng, không chạy theo khoảnh khắc đã trôi qua, không nắm giữ bất kỳ 1 niệm nào. 

Trạch pháp giác phần: Trạch pháp là sự “lựa chọn”. Sử dụng trí tuệ soi xét mọi pháp môn, khéo phân biệt được đâu là chân pháp, đâu là tà pháp, khéo hướng thân tâm tu hành cho đúng chính pháp. 

Trạch pháp giác phần còn gọi là phần giác ngộ biết chọn pháp, công năng thêm nữa là sự lựa chọn pháp môn phù hợp đời sống, căn cơ của chính mình. 

Tinh tấn giác phần: Sự chăm chỉ tu hành theo đúng chính pháp. Không phải cứ chăm chỉ là được, nếu chăm chỉ mà thực hành tà pháp thì khổ đau nhiều hơn an lạc. 

Hỷ giác phần: Sự tu hành trong niềm hoan hỷ đón nhận, không gượng ép, không đau đớn, tu tập thành tựu sự khinh an (khinh an được hiểu là sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng, thảnh thơi, có thể hiểu là sự tu hành trong trạng thái nhẹ nhàng, thoải mái, đạt sự tĩnh lặng của nội tâm).

Trừ giác phần: Thành tựu sự đoạn trừ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, không còn tổn hại tới thiện căn của mình nữa.

Định giác phần: Sự giác ngộ về an định, tập trung tư tưởng, chuyên chú vào thiện pháp mà không đi theo vọng niệm.

Xả giác phần: Sự thành tựu về trạng thái buông xả, không còn nắm giữ bất kỳ một hiện khởi nào, kể cả là niềm vui, không chạy theo niềm vui mà buông xả hết mọi cảm nhận.

Khi đã lìa bỏ được cả cảnh vật, cảm xúc, tư tưởng,… mọi thứ đều hư ảo, không thật có, thì xả giác phần được nói đến như hình thái của việc xa lìa vạn vật. Xả giác phần được ẩn dụ qua hình ảnh sống động như một ngọn núi cao, mưa rơi, nắng chiếu, tuyết phủ, cây cối, loài vật sinh sống,… bất kể điều gì đi qua, ngọn núi vẫn im lặng và không giữ cho riêng mình điều gì. Nắng tắt thì đêm tới, mưa rơi rồi nước lại bốc hơi khô đi, loài vật chết, rồi lại sinh, xác tan rã biến mất,… ngọn núi không bám vào điều gì. 

Không vì những thứ tới rồi đi, mà ngọn núi kêu than đau khổ. 

7. Bát Chính đạo phần

Chính kiến: Tu pháp quán, dùng trí tuệ soi rõ mọi hạnh, thấy rõ ràng Tứ Diệu đế.

Chính tư duy: Tư duy đúng đắn trên cái thấy của Tứ Diệu đế, của vô thường, khổ, vô ngã, tư duy không hại mình, không hại người, không hại chúng sinh. 

Chính ngữ: Nói những lời chân chính, không nói sai thời, không nói dối, không nói 2 lưỡi, không nói chọc ngoáy. 

Chính nghiệp: Không gây nghiệp nơi thân, hành động đúng (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm).

Chính mạng: Nuôi thân đúng đắn, chân chính.

Chính tinh tấn: Cần mẫn chăm chỉ vào pháp thiện.

Chính niệm: Quán sát và ghi nhớ thiện pháp một cách chân chính.

Chính định: Tập trung tư tưởng đúng.

Phần II. Bốn giáo môn

37 phẩm trợ đạo đều nằm trong “Bốn giáo môn”, gồm có: (1) Tạng giáo, (2) Thông giáo, (3) Biệt giáo, (4) Viên giáo.

1. Tạng giáo

Chữ “tạng” ý nói về tam tạng kinh điển, “Tạng giáo” là giáo lý tam tạng, mục đích nói về Phật giáo Nam truyền, nương theo sinh diệt Tứ Diệu đế để tu hành quán chiếu.

2. Thông giáo

Là giáo lý khởi đầu của Phật giáo Bắc truyền, được giải thích nghĩa từ là “giáo” lý “thông” thương, tức vừa có sự liên thông với giáo lý Nguyên thuỷ, vừa rẽ nhánh khởi phát Bắc truyền. Thông giáo là sự nương theo Tứ đế, và quán “vạn vật KHÔNG thật có” để tu hành, kể cả Tứ đế cũng “không”. 

Tứ đế xét trên mặt tướng, “lý lẽ thế gian”, mới có sinh – trụ – hoại – diệt. Đi sâu hơn nữa, vạn vật không thật có, không có tự tính, đều KHÔNG, vậy lấy gì để sinh, sinh đã không có, thì lấy gì để hoại và diệt. 

3. Biệt giáo

Biệt giáo là "giáo" lý riêng "biệt" của Bồ tát Bắc truyền, thường được nói tới là vô lượng vô biên pháp môn, vô lượng vô biên các vị Bồ tát phát hạnh nguyện cứu độ chúng sinh để thành tựu viên mãn. 

4. Viên giáo

Viên giáo là "giáo""viên" mãn, là sự thành tựu hoàn toàn của Bồ tát, “Viên giáo” bao gồm hết cả “Tạng giáo”, “Thông giáo”“Biệt giáo”. 

Viên giáo bao trùm lấy tất cả pháp, giảng về Tam Đế viên dung, viên tu, viên chứng. "Chân" và "Vọng" như một, "Tính""Tướng" chẳng hai, tâm địa thật sự thanh tịnh, tự tính Bát Nhã trí huệ hiện tiền, thấy được cái gọi là “Thật Tướng của các pháp” - là sự lìa tướng, vô tướng, vô tác.

Phần III. Phần kết

Cơ duyên tu hành của mỗi người chẳng giống nhau, vì vậy các phẩm trợ đạo, hay các loại giáo lý được diễn giảng tuỳ người, tuỳ thời điểm, cốt yếu khiến cho người nhớ niệm đến Tam bảo, phát khởi tâm Bồ đề, diệt trừ mọi phiền não. 

A Di Đà Phật do đại nguyện từ bi, giúp đỡ con người vãng sinh về Cực Lạc, nơi đây có hoàn cảnh tu học tốt đẹp và thiện duyên thù thắng, chẳng thể nảy sinh nổi một vọng niệm hay tà niệm nào. Do vậy mà mười phương chư Phật hoan hỷ hướng chúng sinh vãng về Cực Lạc Tây phương.

Mọi vật báu tại Tây phương Cực Lạc đều được tạo thành nhờ chí nguyện Phật A Di Đà, những chúng sinh được vãng sinh về đây cảm nhận sự an lạc từ nội tâm bởi ba nghiệp thân – khẩu – ý đã thanh tịnh, cảm ứng giao thoa giữa tâm Phật và tâm chúng sinh.

Cũng giống như ánh sáng của nhiều ngọn nến giao thoa với nhau thành một ánh sáng chung, tổng thể không ngăn ngại. 

Trong Di Đà Yếu giải, pháp môn niệm Phật được thể hiện rằng chỉ cần chúng sinh chịu tin, chịu niệm, nhất nhất xưng danh thì vạn người tu, vạn người đến Tây phương Cực Lạc. 

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kinh A Di Đà yếu giải, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Hán, Tuệ Nhuận dịch tiếng Hán sang tiếng Việt, NXB Tôn giáo, 2018.

2. Phật thuyết A Di Đà kinh yếu giải giảng ký, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Hán, Sa - môn Tây Hữu Ngẫu Ích Trí Húc chú giải vào đời Thanh, Pháp sư Tịnh Không giảng thuật, Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép, Chuyển ngữ bởi Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội năm 2006.