1. Kinh giới thiệu chư Phật khắp các phương
Phương Đông: Phương Đông có A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật,…
Phương Nam: Phật Nhật Nguyên Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tiến,…
Phương Tây: Phật Vô Lượng Thọ (tức Phật A Di Đà), Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang,…
Phướng Bắc: Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhật Sinh, Phật Võng Minh,…
Hạ phương: Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt Ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp,…
Thượng phương: Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Phật Như Tu Di Sơn,…
Khoảng hư không đi về khắp phía là vô cùng, chẳng thể nói đi tới đâu mới là điểm cuối được. Tương tự vậy, chư Phật khắp các phương nhiều như số cát sông Hằng, chẳng thể đếm được. Mỗi vị Phật đều có vô lượng công đức, kinh lấy nghĩa về nhân, về quả, hoặc có thể là tính, là hạnh, là nguyện,… mà lập nên được vô số vị Phật.
Lối tu niệm Phật là pháp môn nương tựa vào uy lực của chư vị Phật khắp các phương, nhờ đó mà thanh lọc tâm ý được nhanh chóng hơn, dễ dàng đạt tới Vô sinh pháp nhẫn (Không còn tái sinh, luân hồi trong khổ đau nữa).
Kinh Phật thuyết A Di Đà khuyên chúng sinh ngắn gọn trong 2 chữ: Phát nguyện. Chỉ một chữ “nguyện”, không những hàm chứa tín và hạnh trong đó, mà còn gồm cả “Hân” và “Yếm”.
Hân là hân hoan, vui thích, là tâm hoan hỷ cầu Cực Lạc, Yếm là yếm ly, yểm ly, là sự xa lìa, chán bỏ đời sống luân hồi khổ đau, nhiều tạp uế.
2. Ngũ trược ác thế
"Ngũ" là 5, "trược" là những vẩn đục (như nước trong, lẫn đất bùn vào, thì nước mất trong sạch, đất mất ngăn ngại, hai bên lẫn lộn với nhau, thành ra nước đục. Ngũ trược nơi tự tâm cũng vậy, vẩn đục lọt vào làm mất sự thanh tịnh), "ác" là độc ác, "thế" là thế gian.
Ngũ trược ác thế là nói tới cõi đời trần gian có 5 vẩn đục độc ác. Ngũ trược còn được gọi là ngũ trọc.
(1). Kiếp trược
Là kiếp sống mê mờ, nhiều tội lỗi của chúng sinh, đặc biệt là tam độc tham, sân, si.
(2). Kiến trược
Cái thấy ô uế, nhiều định kiến, ác kiến, không thanh tịnh. Đời người có 5 ác kiến khiến con người khổ đau.
2.1. Thân kiến
Cái thấy si mê thân này là ta, là của ta, là thứ cao quý hơn thân người khác, tốt đẹp hơn, xứng đáng được coi trọng hơn, mà không biết rằng thân này do cha sinh, mẹ đẻ, do tứ đại hoà hợp (lửa, nước, gió, đất), do được nuôi dưỡng bởi thức ăn muôn loài, nước uống,… mới thành hình được.
Thân chỉ nên quý trọng, không nên chấp thủ.
2.2. Biên kiến
Là cái thấy chấp cực đoan vào 1 bên. Bên vĩnh hằng, thường hằng, có ngã (thường kiến); còn một bên thì đoạn diệt, chết là hết, không có quả báo, không có đời sau (đoạn kiến).
2.3. Kiến thủ
Là cái thấy bảo thủ. Không chịu lắng nghe, không chịu tiếp thu, cho cái thấy, cái biết của mình là đúng, ngay cả khi đó là tà thuyết.
2.4. Giới cấm thủ
Là học theo giới luật một cách “thiếu hiểu biết”. Học giới, nhưng chỉ học ở mặt chữ, không hiểu lý do có giới, không hiểu bối cảnh, không hiểu cốt lõi, dẫn tới chấp thủ vào giới ở hình thức một cách mù quáng.
Ví dụ một nhà sư, nhìn thấy một cô gái ngất xỉu bên đường, nhà sư đó cõng cô gái tới nơi cứu chữa, như vậy là đúng hay là sai? Và nếu giữ giới nam, nữ, nhà sư bỏ mặc cô gái nằm đó, thì có còn là từ bi hay không?
Giới nam nữ để tránh khởi tâm dục, chứ không phải bỏ mặc người nữ gặp nguy nan, giữ giới để rèn tâm, thu phục tâm, không phải là bảo thủ chữ “giới”.
2.5. Tà kiến (Hay định kiến)
Là cái thấy cá nhân chủ quan, cái thấy không thanh tịnh.
(3). Phiền não trược
Là sự vẩn đục bởi phiền não.
Cụ thể phiền não đó chính là tam độc (tham, sân, si) và mạn (kiêu mạn), nghi (nghi ngờ). 5 thứ phiền não này là tâm sở bất thiện, chúng thường xuyên xuất hiện để làm rối loạn tâm chúng sinh.
(4). Chúng sinh trược
Là những chúng sinh cùng kiếp sống này với mình, cùng giống loài, vì nếu không cùng duyên nghiệp chung, sẽ không thể cùng sống với nhau trong 1 kiếp.
Do 5 kiến trược và 5 phiền não trược cảm ứng với nhau, tương ưng về nhân, nghiệp mà tạo nên thân của từng loài, từng cá thể. Thân ngũ ấm có 1 hình hài nhìn được bên ngoài là sắc, còn lại nội tâm bên trong đều nhiễm vẩn đục của tà niệm.
(5). Mạng trược
Là cái thân mạng, cái xác mà ta đang mang là vẩn đục, không sạch sẽ. Thân mạng này còn ngắn ngủi, vô thường, không thể tự định đoạt cái chết, thường xuyên đau ốm (tứ đại không hài hoà).
3. Thành tựu nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật
Thành tựu nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật đem lại phước đức vô lượng:
(1). Chuyển Kiếp trược thành Thanh tịnh Hải hội (Hội tu của các vị Bồ tát – Sang kiếp sống thanh cao).
(2). Chuyển Kiến trược thành Vô lượng Quang (Cái thấy có trí sáng suốt vô cùng).
(3). Chuyển Phiền não trược thành Thường Tịch Quang (Tâm thanh tịnh thường trụ).
(4). Chuyển Chúng sinh trược thành Liên hoa hoá sinh (Thân hoá ra từ hoa sen thơm ngát).
(5). Chuyển Mạng trược thành Vô lượng Thọ (Mạng sống dài vô lượng).
Kiếp chúng sinh, ví như ở trong một căn nhà cháy, căn nhà cháy mà chúng sinh vẫn ung dung ở bên trong đó không sợ, không tìm đường ra.
Khuyên tất cả nên tu trì niệm Phật
Người niệm A Di Đà nhận được hoan hỷ như cỏ cây trong mùa khô cằn gặp được trận mưa lớn mát mẻ.
Người niệm A Di Đà trong tâm không còn một chút hoài nghi nào, lòng tín ngày một lớn mạnh, vì tín mà làm thiện, vì tín mà chịu bỏ ác.
Người niệm A Di Đà dẫn tâm về với cõi Phật, tương ứng với tâm Phật, nhập toàn thể giới tính.
Người nghe kinh, tự mình tu học, tự mình thực hành, đem lời giảng lưu thông truyền bá khắp nơi sẽ được phước đức vô cùng tận.
Pháp thực hành tu Tịnh độ
Pháp niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh Tịnh độ được gọi là Đốn pháp. Đốn như trong đốn cây, một cái cây bị đốn tức đổ ngay lập tức, Đốn pháp là pháp giúp người tỉnh ngộ ngay, như vậy người đó là Đốn ngộ.
Tất cả chúng sinh đều có tính Bồ đề, tâm Phật ngự trị bên trong, bình đẳng không sai khác, ai muốn thực hành đạo Bồ đề, hãy quy y Tam bảo, thực hành niệm Phật A Di Đà. Như một cái gương, bỏ mặc nó thì sẽ bị phủ bụi, mờ đi tính sáng suốt, khi đã mờ rồi thì chẳng thể soi rõ mặt người. Như tâm thanh tịnh, bỏ mặc mà không thực hành, không niệm Phật, thì vẩn đục lại phủ lên.
Lời kết
Sống trong cõi đời đầy uế trược này, chúng ta phải tự biết xấu hổ với những thứ không thanh tịnh, hãy nên thành tựu chính mình, đừng bị mê hoặc, trói buộc bởi tà trí, tà sư.
Hãy nên biết rằng: Trong đời này, không ai chẳng tham, tham là hầm bẫy. Tham tiếng tăm, lợi dưỡng thế gian, ngũ dục, lục trần chính là hầm bẫy tam ác đạo. Ngay cả tham pháp xuất thế gian thì vẫn là cạm bẫy tam ác đạo.
Kinh Phật dạy chúng ta trừ khử tâm tham, chứ không bảo chúng ta thay đổi đối tượng tham lam. Sân cũng là hầm bẫy, si cũng là hầm bẫy, nhất tâm nhất ý hãy niệm A Di Đà Phật, diệt trừ tạp niệm để cầu sinh Tịnh độ.
Một hạnh tín nguyện trì danh, chẳng xen lẫn những tạp niệm nào khác, chuyển biến trọn vẹn ngũ trược, chỉ có tin mới chứng nhập, là cảnh giới chẳng thể do luận bàn những lời suông mà thấu hiểu được.
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kinh A Di Đà yếu giải, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Hán, Tuệ Nhuận dịch tiếng Hán sang tiếng Việt, NXB Tôn giáo, 2018.
2. Phật thuyết A Di Đà kinh yếu giải giảng ký, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Hán, Sa - môn Tây Hữu Ngẫu Ích Trí Húc chú giải vào đời Thanh, Pháp sư Tịnh Không giảng thuật, Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép, Chuyển ngữ bởi Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội năm 2006.
Bình luận (0)