1. Giải thích tựa kinh: Phật thuyết A Di Đà

Chữ “Phật” ấy là ai?

Chữ “Phật” là nói tới đức Thích ca Mâu ni. Chữ “thuyết” có nghĩa là lời được đức Thế Tôn giảng, nói, phát ra cho chúng sinh cùng nghe, cùng biết.

Chữ “A Di Đà” là tên của đức Đạo sư nơi mảnh đất Tịnh độ - Cực Lạc phương Tây, là người được giới thiệu tới trong bộ kinh này cùng với quốc độ của ngài.

Tranh vẽ minh hoạ đức Phật A Di Đà, sưu tầm
Tranh vẽ minh hoạ đức Phật A Di Đà, sưu tầm

Chữ "A Di Đà" là phiên âm tiếng Phạn, nguyên âm đọc là Amita, dịch nghĩa ra chữ Hán là Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang, được hiểu là "tuổi thọ vô cùng, trí tuệ vô cùng". Tuy nhiên, đức A Di Đà không chỉ có tuổi thọ hay trí tuệ, Ngài được mô tả với sự vô lượng của công đức, thần thông, nguyện lực, trang nghiêm, thuyết pháp, giáo hóa, v.v...

2. Tôn chỉ kinh A Di Đà

Tất cả kinh Đại thừa đều luận về giải nghĩa 1 thứ, đó là chỉ rõ tâm, giúp chúng sinh trực nhận “tâm tính tuyệt đối”, nhìn thấy thật tướng. Nói cách khác, tôn chỉ của kinh Đại thừa là lấy “thật tướng” làm bản chất chính của tâm.

“Thật tướng” là gì?

Thật tướng là vô tướng, thật tướng là chân tâm.

Chân tâm đối với không gian mà nói, thì chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa.

Chân tâm đối với thời gian mà xét, thì chẳng ở quá khứ, chẳng ở hiện tại, chẳng ở tương lai.

Chân tâm trên phương diện hình thức, chẳng có màu vàng, chẳng có màu đỏ, chẳng có màu gì, chẳng dài, chẳng ngắn, chẳng vuông,…

Chân tâm ở phẩm chất, chẳng có vị, chẳng thể xúc, chẳng phải hương, chẳng phải pháp,…

Chân tâm, tìm chẳng được, càng cố tìm, càng sai hướng. Chân tâm không phải cái hình tướng của những cái mình thấy, biết, suy nghĩ, không phải thứ để đem phân biệt ra so sánh, không thể nhận diện bằng lời nói, chữ viết,… vượt thoát mọi suy nghĩ, liên tưởng của ý thức thông thường,.. cho đến cái tên “thật tướng”, “vô tướng”, “chân tâm” cũng chỉ là khái niệm mượn tạm để gọi mà thôi. 

Tôn chỉ kinh A Di Đà

Đường lối cốt lõi của bộ kinh là dùng tâm “tín, và “nguyện” cùng việc “trì danh hiệu Phật” làm nương tựa mà tu hành. Chẳng có tâm tín, chẳng thể phát nguyện, nguyện không có, không đủ lực để trì danh hiệu Phật.

2.1. Thế nào là “Tín”

Tín, là lòng tin tuyệt đối, tin ở mình, tin ở người, tin ở nhân quả, tin ở lý.

Tin mình

Người phát nguyện tu hành nếu cho rằng mình chẳng thể tu được, chẳng thể vượt qua cám dỗ tức là đã thất bại ngay từ giây phút đầu tiên. Tin mình là tin mình có tâm Phật, tin mình là người thiện lương, cố gắng diệt mọi sự nghĩ ngợi tán loạn, tham luyến, bất thiện.

Tin ở người

Là sự tín tâm tuyệt đối với “Người” đã giảng giải kinh, lời dạy tốt đẹp, khuyên mình thiện lương.

Tin ở nhân – Tin ở quả

Người tin nhân, tin quả thì tránh xa điều ác, dù chỉ 1 niệm ác cũng không dám nghĩ.

Tin nhân niệm Phật mà được vãng sinh về cõi Tịnh độ (quả)

Tin ở lý

Như một căn phòng tối, được đốt rất nhiều cây nến lên. Các cây nến thì có tách biệt, cái tướng hiện hữu với hư không thì có thể phân biệt được nhưng ánh sáng cây nến này hoà vào ánh sáng cây nến kia, lại chẳng tách biệt, chẳng xa rời hư không, hoà vào làm một.

Cũng vậy, thật tướng khi đã hiển lộ thì chẳng phân biệt, chẳng chia tách, đó là cái tin về lý. Tin về lý để mà can đảm tu tập.

2.2. Thế nào là “Nguyện”

Nguyện, là hạnh nguyện, ý nguyện, tức là chỗ ý hướng đến, tâm nghĩ điều gì đó rồi phát ra lời phát tâm: Nguyện làm điều lành, nguyện từ bỏ tham, sân, si, nguyện yêu thương vạn loài,…

Người đã có lòng tín mãnh liệt rồi, thì muốn được phát nguyện về với cõi đời tươi đẹp, vãng sinh tới Cực Lạc phương Tây.

2.3. Thế nào là “Hành trì danh hiệu Phật”

Trì danh hiệu Phật, là trì cho tới khi nhất tâm bất loạn (tâm không còn loạn tưởng), giữ cho tâm yên lặng, không còn bám víu, không còn chấp, không còn tạp niệm tà kiến.

Pháp hành trì niệm danh hiệu Phật này ai cũng có thể làm được, đối tượng nào cũng có thể tu được, chẳng phân biệt điều gì, không phân chia căn cơ cao hay thấp.

Pháp tu này nhanh chóng đưa chúng sinh đến nơi đốn ngộ, lập tức tỉnh thức, được coi là phương tiện liễu nghĩa đệ nhất.

Trì danh niệm Phật là chuyên niệm Phật A Di Ðà, mở miệng, ngậm miệng, đi, đứng đều niệm A Di Ðà. Niệm cần phải niệm cho rõ ràng, tâm phải nhớ cho rõ ràng.

Ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh niệm Phật, tâm không vọng tưởng. Miệng không có bốn nghiệp ác: Mắng chửi, nói xấu, nói láo, nói đâm chọc. Thân không có ba nghiệp ác: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Ý không tham, sân, si. Ðó là dùng ba nghiệp thanh tịnh để niệm Phật.

2.4. Lực dụng của kinh A Di Đà

Dùng sức lực tu hành mà sinh sang Tịnh độ (Cõi phương Tây Cực Lạc). Người niệm Phật đến khi nhất tâm bất loạn thì “kiến hoặc” và “tư hoặc” sẽ được đoạn trừ.

Kiến hoặc

“Kiến hoặc” là nhiều tà kiến, vì tin theo ngoại đạo, các chủ thuyết sai lầm. Kiến là đối với cảnh khởi tâm tham ái, không thấy rõ thật tướng đều là nhân duyên, không có tự tính.

Tư hoặc

“Tư hoặc” là những phiền não tham, sân, si, mạn, nghi,… làm cho tâm mê mờ. Chính là sự khởi tâm phân biệt.

Người chuyên nhất trì danh hiệu niệm A Di Đà sẽ thành tựu sự “bất thoái”. Niệm không thoái chuyển, hạnh nguyện không thoái chuyển, thành tựu viên mãn công đức mà vãng sinh Tịnh độ.

3. Thế nào là cõi Cực Lạc?

Kinh giảng cõi Ta bà, nơi chúng ta đang sống này toàn đi đến chỗ khổ. Với con người phàm phu mà nói, thì buồn vui, sướng khổ xen lẫn, nhưng cái vui ấy hết thì cũng lại dẫn tới cảm giác tham luyến, vẫn tức là khổ.

Mảnh đất Cực Lạc phương Tây thoát hẳn mọi cái khổ, viễn ly hẳn đau thương, sự an tịnh không bị hoại dần như niềm vui trần cảnh tại cõi Ta bà.

Cõi Tịnh độ phương Tây không còn 8 khổ đời người:

(1) Sinh – (2) Lão – (3) Bệnh – (4) Tử - (5) Cầu chẳng được – (6) Thương yêu phải xa lìa – (7) Ghét phải gặp gỡ - (8) Ngũ uẩn không điều hoà (Tức thân thể không dễ chịu, hoặc đau ốm, mệt mỏi).

Cõi Cực Lạc không còn bị phiền nhiễu bởi cảnh trần

Kinh giải thích “chính báo” là chúng sinh hữu tình, “y báo” là thế gian, là những thứ thuộc thế gian, vật chất cho chúng sinh hữu tình nương tựa vào.

Con người tại cõi Ta bà dùng 6 căn gồm nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn để hưởng thụ cái vui cõi đời (sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và ý trần).

Mỗi căn với một trần tạo ra một thức, nhãn căn gặp sắc trần duyên thành cái biết của mắt, nhĩ căn gặp thanh trần duyên thành cái biết của tai, tỷ căn gặp hương trần duyên thành cái biết của mũi, thiệt căn gặp vị trần duyên thành cái biết của lưỡi, thân căn gặp xúc trần duyên thành cái biết của thân, và ý căn lưu ý trần duyên thành cái biết của ý.

6 căn, 6 trần, 6 thức, cộng lại thành 18 giới, vận hành bao trùm khắp các "thời" trên thế gian. Chúng sinh ngày đêm tham ái các trần.

Chúng sinh miền Cực Lạc thì khác. Miền Cực Lạc được mô tả như không có ban đêm, mọi thứ đều có hào quang, nên cái sáng tỏ tường khắp mọi lúc, mọi nơi, vì thế mà chẳng có ban đêm.

Thực chất, ngụ ý của cái sáng đó, chính là cái trí luôn sáng tỏ, rực rỡ mất cả sự đen tối của "vô minh". Trí tuệ sáng như vậy rồi thì không còn u mê lầm lối, không còn tham ái xoay vần cùng trần cảnh nữa.

Sinh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây thì không có nỗi khổ, chỉ thọ các điều vui. Không có một chút khổ nào là vì người ở đó đều thanh tịnh, không có tâm tranh đua, tham dục, si mê và ba ác đạo. Vì không có ba độc tham sân si cho nên không có ba thứ ác đạo. Ba ác đạo là do ba độc biến hiện ra.

Lời kết

Phật tính như hư không, thường hằng bao trùm khắp cả thế gian, chẳng thể chỉ đâu là hư không, không thể chỉ hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, trên hay dưới mới là hư không. Phật tính cũng không có lớn, nhỏ, hay của ai, không bị buộc vào cái thân nhỏ bé nào.

Chúng sinh phải nương tựa pháp, nhờ đó mà chứng ngộ Phật tính, như nương tựa mặt hồ đã yên, cho bóng trăng được hiện.

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kinh A Di Đà yếu giải, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Hán, Tuệ Nhuận dịch tiếng Hán sang tiếng Việt, NXB Tôn giáo, 2018.

2. Giảng giải kinh A Di Đà, Hoà thượng Tuyên Hoá, NXB Tôn giáo, 2008.