Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang

Tóm tắt

Trong suốt chiều dài lịch sử của đạo Phật, “Thiền” đã trở thành nền tảng cốt lõi không thể thiếu đối với những người đang hướng về mục tiêu của sự giác ngộ.

Trong quá trình phát triển của đạo Thiền, thiền không dừng lại ở những phương pháp tu tập mang tính truyền thống, mà nó đã bộc lộ hết năng lực nội tại và phát triển đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật Thiền. Đó là thứ nghệ thuật “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” vượt ngoài ngôn ngữ, văn tự, hình thức bằng một lối tiếp cận “dĩ tâm ấn tâm” hết sức sâu sắc trong dòng chảy của đạo Thiền.

Hay nói khác hơn sự truyền tinh yếu giác ngộ giữa thầy và trò được thực hiện thông qua tâm với tâm, không có bất kỳ sự môi giới của bên thứ ba, đó gọi là “tâm ấn”. Một trong những thiền sư tiêu biểu truyền bá thiền học ở nước ta đó là thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, lấy “tâm ấn” làm tông chỉ cho sự truyền thừa và phát triển của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Các thế hệ thiền sư còn thể hiện tinh thần nhập thế đem đạo vào đời để giúp dân và góp phần vào công cuộc xây dựng xã tắc Đại Việt. Bài viết tập trung trình bày: Tâm ấn là tư tưởng chủ lưu của thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi; tinh thần nhập thế của các thiền sư thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.


Từ khoá: Tâm ấn, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tư tưởng chủ lưu, thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tinh thần nhập thế, giúp nước, an dân.

Ảnh: St
Ảnh: St

Trong suốt chiều dài lịch sử của đạo Phật, kể từ khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định dưới cội Bồ đề và thành bậc Chính đẳng Chính giác, “Thiền” đã trở thành nền tảng cốt lõi không thể thiếu đối với những người đang hướng về mục tiêu của sự giác ngộ.

Trong quá trình phát triển của đạo Thiền, thiền không dừng lại ở những phương pháp tu tập mang tính truyền thống, mà nó đã bộc lộ hết năng lực nội tại và phát triển đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật Thiền. Đó là thứ nghệ thuật “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” vượt ngoài ngôn ngữ, văn tự, hình thức bằng một lối tiếp cận “dĩ tâm ấn tâm” hết sức sâu sắc trong dòng chảy của đạo Thiền.

Khởi nguồn cho tư tưởng đó là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma từ Tây Trúc qua Đông Độ đã mang đến cho Phật giáo Trung Hoa một làn gió mới mát mẻ, một sức sống mãnh liệt của tinh thần thiền học Trung Hoa lúc bấy giờ. Lối sống thiền đưa hành giả vượt ngoài ngôn ngữ, suy luận “giáo ngoại biệt truyền” chỉ thẳng tâm của con người và uống “ngụm nước đầu nguồn” của thực tại nội tâm.

Nói khác hơn sự truyền tinh yếu của sự giác ngộ giữa chủ thể và đối tượng được thực hiện thông qua tâm với tâm, không có bất kỳ sự môi giới của bên thứ ba, đó gọi là “tâm ấn”. Một trong những thiền sư tiêu biểu nổi tiếng trong hệ tư tưởng của thiền Đông Độ sang phương Nam truyền bá và phát huy thiền học ở nước ta đó là thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, lấy “tâm ấn” làm tông chỉ cho sự truyền thừa và phát triển của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

1. Tâm ấn là tư tưởng chủ lưu của thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi

Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (tiếng Trung: 毘尼多流支, tiếng Phạn: Vinītaruci: ? – 594), người nước Nam Thiên Trúc, dòng Bà La Môn, thuở nhỏ đã mang chí xuất tục, đi khắp Tây Trúc cầu tâm ấn Phật. Đời Trần Đại Kiến thứ 6 (574), năm Giáp Ngọ, Sư đến Trường An, nhưng vì gặp lúc Chu Võ Đế phá diệt Phật pháp nên Sư muốn sang đất Nghiệp. Sư đến gặp đệ tam tổ Tăng Xán đang ẩn tu ở núi Tư Không và được Tổ khai thị, bèn có sở đắc, liền sụp lạy Tổ ba lạy. Sau khi đắc pháp, tổ Tăng Xán khuyên nên qua phương Nam giáo hoá. Trong lúc còn ở lại chùa Chế Chỉ Quảng Châu, Sư đã dịch kinh Tượng Đầu Tinh Xá và Báo Nghiệp Sai Biệt, một quyển kinh hết sức quan trọng mang tính chất thiền học và tư tưởng văn hệ Bát Nhã. Đến tháng 3 năm Canh Tý đời Chu Đại Tường thứ 2 (580), Sư đến nước ta cư trú tại chùa Pháp Vân hương Cổ Châu, Long Biên và dịch kinh Tổng Trì – một quyển kinh mang tính chất Mật giáo.

Ảnh: St
Ảnh: St

Câu chuyện ở đây là điểm nhấn về lối thiền mà thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi xem là dòng chủ lưu trong tư tưởng, đó là quan điểm về “tâm ấn”. Tâm ấn là một thuật ngữ trong Phật giáo, được sử dụng phổ biến trong nhà thiền. Các thiền gia thường dùng thuật ngữ “tâm ấn” để kiểm nghiệm, ấn chứng cho các đệ tử, các thiền sinh trong quá trình công phu, tu tập về thiền, nhằm xác nhận trình độ “giác ngộ thiền”. Đó là phương pháp chứng nhận thông qua “tâm truyền tâm” mà không cần dùng đến văn tự.

Tuy nhiên, “tâm ấn” còn là một thuật ngữ dùng để chỉ cho chân tâm của tất cả chúng sinh, là thể tính vốn trường tồn bất biến không thay đổi, cũng có nghĩa là Phật tâm ấn hay Phật tâm. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Thích Minh Cảnh (chủ biên) khái niệm về “tâm ấn” có ba nghĩa: “1. Chân tâm vốn có ở nơi tất cả chúng sinh, là diệu thể Đại giác, nhất định không bao giờ biến đổi, như dấu ấn ở thế gian; 2. Tinh yếu (tâm) quyết định không đổi (ấn), là từ ngữ biểu thị cho pháp nói trong kinh Đại Nhật. Tức ngay nơi tự thân thực hiện được tất cả tác dụng của Phật tâm; 3. Chỉ cho tâm ấn của Thánh Quán Âm” . 

Song, theo Từ điển Phật học Hán – Việt, thuật ngữ “tâm ấn” được khái niệm như sau: “Bản ý của Thiền chẳng lập văn tự, chẳng dựa vào ngôn ngữ, trực tiếp lấy Tâm làm Ấn, nên gọi là Tâm Ấn. Tâm là Phật tâm. Ấn có nghĩa là ấn khả, ấn định. Ấn này có thể ấn khả, ấn định thực nghĩa của Phật pháp. Hoàng Bá truyền tâm pháp yếu, q. Thượng: “Từ thời ngài Ca Diếp cho tới nay, lấy tâm ấn tâm, tâm tâm chẳng khác. Ấn vào Không thì Ấn chẳng thành văn, Ấn vào vật thì Ấn chẳng thành Pháp. Nên lấy tâm ấn tâm, tâm tâm chẳng khác”. Tổ đình sự uyển, q.8 viết: “Tâm an có nghĩa là tổ Đạt Ma từ phương Tây sang, chẳng lập văn tự, chỉ truyền tâm ấn, chỉ thẳng lòng người, thấy tính thành Phật”.

Cho nên “tâm ấn” có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với những người tu hành theo Phật giáo, đặc biệt là những người tu theo Thiền tông. Nó gắn liền với lịch sử truyền thừa của thiền tông từ Ấn Độ sang nước Trung Hoa, Việt Nam.

Thời vua Lương Võ Đế, Đại sư Đạt-Ma đi đường biển đến Trung Hoa rồi sang nước Ngụy, ở tại chùa Thiếu Lâm chín năm ngồi xoay mặt vào vách. Câu chuyện về truyền pháp cho ngài Huệ Khả làm Tổ thứ 2 tại xứ Trung Hoa và nói rằng “xứ này chỉ có bốn quyển kinh Lăng - già có thể dùng ấn tâm, trọn trao cho ngươi” đã mở ra một lối tu thiền của Phật giáo Trung Hoa đó là cách thức tu thiền và dùng “tâm” để ấn chứng; sau này nó không những trở thành lịch sử truyền thừa của Thiền tông Trung Hoa; mà còn có sức ảnh hưởng sâu sắc đến thiền học ở Việt Nam. Kinh Lăng - già cũng từ đó, trở thành quyển kinh bí mật trong Tông môn (Thiền tông) và được xem là một bản kinh dùng để ấn chứng cho những người đã giác ngộ chân tâm.

Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi là người đề cao “tâm ấn” ngay từ khi ông bước chân vào đạo và đi tìm “tâm ấn Phật” khắp nơi cho đến khi gặp được tổ Tăng Xán “ấn tâm”, chứng nhận là người học trò đắc pháp, có sở ngộ, có năng lực phát triển Thiền tông sau này.

Sư chủ trương tinh thần “tâm ấn của chư Phật”  là nền tảng cốt lõi để người tu thiền hướng đến mục tiêu của sự giác ngộ. Trong bài kệ truyền pháp cho ngài Pháp Hiền làm người kế thừa thế hệ thứ 2 trong dòng phái, Sư khẳng định một cách rõ ràng về cương lĩnh thiền của ông, cũng như xác định đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp hoạt động mà các thế hệ kế thừa phải thực hiện: 

“Tâm ấn chư Phật
Tất không lừa dối
Tròn đồng thái hư
Không thiếu không dư
Không đi không đến
Không được không mất
Chẳng một chẳng khác
Chẳng thường chẳng đoạn
Vốn không chỗ sinh
Cũng không chỗ diệt
Cũng chẳng lìa xa
Chẳng không lìa xa… ”

Điều đó cho thấy, Sư đã nêu bật những tính chất siêu việt của sự giác ngộ vượt ngoài không gian, thời gian, vượt ngoài ngôn ngữ, văn tự, vượt lên các khái niệm có, không, đến, đi… lấy “tâm ấn” làm nòng cốt cho sự tu tập. Nếu người tu hành đạt đến đỉnh cao này sẽ được chứng nhận hay “ấn tâm” tương đồng với “tâm của chư Phật”. Nó phản ánh tư tưởng không thể thay đổi của Tỳ Ni Đa Lưu Chi, cũng như thiền phái của ông về vai trò chủ đạo của “tâm ấn” trong dòng thiền mà Sư đã thiết lập. Đây là điểm đặc thù của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi so với tư tưởng của thiền phái khác như thiền phái Vô Ngôn Thông chủ trương “tâm địa”, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chủ trương “tâm tĩnh lặng”.

Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng, Tỳ Ni Đa Lưu Chi còn chịu ảnh hưởng quan điểm của Mật giáo, nó xuất phát từ yếu tố thiền sư dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì tại chùa Pháp Vân – một bộ kinh đề cao về sự sử dụng thế lực của thần linh, sử dụng các thần chú, ấn quyết và các hình ảnh mạn đà la để hỗ trợ đắc lực cho việc tu tập giác ngộ. Nó dường như có mối liên hệ mật thiết về chủ trương“tâm ấn” của Sư. Tâm ấn là từ ngữ biểu thị cho pháp nói trong kinh Đại Nhật, nếu có thể nắm giữ được tâm ấn một cách bền vững thì sẽ nhân rộng các pháp môn, thông đạt được Tam thừa giáo. Cho nên người ta đã nhìn thấy tính hỗ tương của Mật giáo về sự nhấn mạnh của thiền toạ, của trực giác bồ đề và sử dụng những hình ảnh cụ thể, những mật ngữ để khai mở trí tuệ giác ngộ. Trong kinh Đại Nhật, phẩm thứ nhất – phần trụ tâm, khi ngài Kim Cương Thủ hỏi đức Phật rằng: “Thế Tôn! Ai tìm cầu Nhất Thiết Trí? Ai dùng Bồ đề để thành bậc Chính Giác? Ai phát khởi được Nhất Thiết Trí Trí ấy?”. Đức Phật bảo: “Bí Mật chủ! Tự tâm tìm cầu Bồ đề với Nhất Thiết Trí. Vì sao thế? Vì Bản tính (Svabhāva) vốn thanh tịnh (Pariśuddha) cho nên tâm chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa của hai bên và tâm chẳng thể đắc được”.

Điều này, có tính tương đồng trong bài kệ của Sư truyền cho Pháp Hiền khi trình bày về tâm vốn là “không đi, không đến, không được không mất, chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn…”. Mặt khác, các nhà sư Ấn Độ là Subhãkarasimha (637 – 735), Vajrabohi (670 – 741), Amoghavajra (705 -774) đã đem Mật giáo truyền vào nước Trung Hoa và thành lập nên tông Mật giáo vào thế kỷ thứ tám. Mật giáo không những có sức ảnh hưởng lớn đối với triều đình nhà Đường, mà nhà Lý ở Việt Nam cũng rất tôn trọng, nhờ vào sự che chở của năng lực thần chú.

Các thiền sư như Sùng Phạm thuộc thế hệ 11, Thiền sư Đạo Hạnh thế hệ 12…đều sử dụng Mật chú; bên cạnh đó, ta thấy Thiền sư Không Lộ (? -1119) dùng pháp thuật chữa lành bịnh cho vua Lý Thần Tông; Thiền sư Giác Hải thi triển thuật “ứng chân thần túc” được Lý Nhân Tông ca ngợi; Thiền sư Nguyện Học trì chú Hương Hải Đại Bi trị bệnh và cầu mưa…, Mặc dù các thiền sư xuất phát từ tư tưởng thiền học nhưng lại chịu ảnh hưởng không nhỏ từ Mật giáo. Phải chăng đó là nghề “tay trái” như là một phương tiện để độ sinh trong thời đại mà nhu cầu cuộc sống cần đến sự che chở của năng lực thần chú?

Mặc dù vậy, Mật giáo không đại diện cho tư tưởng chủ đạo của Tỳ Ni Đa Lưu Chi, mà thiền mới là nền tảng cốt lõi, là yếu tố làm nên giá trị, đặc điểm của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Những giai thoại về thiền giữa Sư và Pháp Hiền và các thế hệ tiếp theo như Huệ Nghiêm, Thanh Biện… đã minh chứng một cách rõ ràng nhất về đường lối của thiền phái. Đặc biệt là bài kệ truyền “tâm ấn” cho Pháp Hiền nối dòng pháp thứ hai trước khi Sư viên tịch, phản ánh rõ nét về tính chất thiền trong tư tưởng của Sư cũng như thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

2. Tinh thần nhập thế của các thiền sư thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi

Nhìn về dòng chảy của lịch sử dân tộc, từ thời Hán, Đường, nhân dân ta luôn luôn bị cai trị bởi bộ máy thực dân với chính sách hà khắc và ngu dân đã làm hạn chế sự học của quần chúng. Tất cả dân chúng đều muốn thoát khỏi ách cai trị hà khắc đó, không kể là tầng lớp thứ dân cho đến các tầng lớp cao quý trong xã hội, các sĩ phu, trong đó có tu sĩ Phật giáo đều muốn quốc gia độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là, các thiền sư tham gia chính sự lúc bấy giờ có đi ngược lại với tông chỉ của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi hay không?

Nhưng, là con dân của đất nước, mọi người đều hiểu rằng khi bị kẻ thù xâm lăng thì giữ nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân, trong đó tu sĩ Phật giáo không phải là trường hợp ngoại lệ, tất cả đều coi việc bảo vệ độc lập, chủ quyền là công việc của bản thân mình. Như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”.

Thật vậy, các cuộc khởi nghĩa của Khúc thừa Dụ, Ngô Quyền…và tiếp theo đó là các triều đại Đinh, Tiền Lê, nhà Lý đã nỗ lực xây dựng một nền độc lập quốc gia về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự. Trong đó, các thiền sư, các chùa chiền lúc bấy giờ đóng một vai trò hết sức to lớn ngoài việc hướng dẫn sinh hoạt đạo đức, còn phải lo về nhu cầu thực tế của dân như chẩn mạch hốt thuốc, dạy học, chia xẻ, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, cảm thông những nỗi khổ của người dân gặp thiên tai, lũ lụt, hạn hán và cùng với quốc gia, dân tộc chống giặc ngoại xâm.

Các thiền sư nhập thế lúc bấy giờ đã góp phần xây dựng ý thức hệ dân tộc về một quốc gia độc lập, đặc biệt là các thiền sư thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã tham gia vào chính sự để tham vấn cùng với vua quan nhằm ổn định tình hình đất nước và chống lại giặc xâm lược. Do nhu cầu điều kiện lịch sử của xã hội trong giai đoạn lúc bấy giờ mà các thiền sư như Thiền sư Định Không, Thiền sư La Quý An, Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh… đã nhen nhóm đức tin về nền độc lập, thống nhất dân tộc bằng sức lực và tài năng của mình góp phần làm nên lịch sử dân tộc.

Thiền sư Pháp Thuận thế hệ thứ 10 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, là người tài năng, giỏi nghệ thuật, thi ca, phù sấm, đã giúp sức cho vua Lê Đại Hành nắm giữ quyền bính, khống chế thời cuộc đang xáo trộn trong triều đình và ổn định xã hội. Ông tham gia chính sự giúp vua hoạch định các chính sách trong nước cũng như kế hoạch đối phó với sứ giả nhà Tống là Lý Giác sang thăm nước ta bằng những vần thơ đối đáp hết sâu sắc, nhằm thể hiện tài năng của Đại Việt không thua kém người nước Tống.

Trong một lần đi sứ ở nước ta, Lý Giác gặp đôi bạch nga đang bơi liền ngâm thơ: “Song song ngỗng một đôi, ngửa mặt ngó ven trời”, Đỗ Pháp Thuận liền đáp: “Lông trắng phơi dòng biếc, song xanh chân hồng bơi”. Hơn nữa, ông còn tham vấn cho vua Lê Đại Hành về sự bền vững của đất nước thì người đứng đầu thần dân, thiên hạ, cần phải nắm vững đường lối trị nước, đó là tinh thần đoàn kết lẫn nhau, sống với tấm lòng Từ bi thương yêu nhau vì sự bình yên của muôn dân, ông viết:

“Ngôi nước như dây quấn,
Trời Nam mở thái bình,
Trên điện không sinh sự,
Đâu đó dứt đao binh”.

Cùng với đó, Thiền sư Vạn Hạnh thế hệ thứ 12 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, một người rất thông hiểu về Nho, Lão, Phật giáo và tài giỏi về cả chính trị được vua Lý Thái Tổ tôn xưng quốc sư. Ông tham vấn chính sự cùng với vua Lê Đại Hành khi nhà Tống là Hầu Nhân Bảo mang quân sang đánh chiếm nước ta vào năm 980; đồng thời tham vấn về việc giải cứu sứ giả bị Chiêm Thành bắt giữ…

Tượng Thiền sư Vạn Hạnh, sưu tầm
Tượng Thiền sư Vạn Hạnh, sưu tầm

Tuy nhiên, các thiền sư nói chung, thiền sư Vạn Hạnh nói riêng, các ngài tham gia chính sự là vì lợi ích của muôn dân, vì ổn định của xã hội, hoà bình của dân tộc hơn là vì lợi ích danh vọng, địa vị cá nhân. Sự trung thành với triều đình, vua quan đều đặt trên lợi ích dân tộc, không trung thành với những gì không mang tính vì dân vì nước.

Có lẽ, chữ “trung hiếu” của người Việt có những đặc thù khác biệt với “trung hiếu” của Nho giáo. Khi đất nước bị binh biến, kẻ thù xâm lược, thì bầy tôi, muôn dân sẵn sàng trung thành với vua, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ xã tắc.

Nhưng, khi vua không thể hiện là một “minh quân”, triều đình không đại diện cho sự chính nghĩa vì lợi ích của muôn dân, người Việt có thể làm điều ngược lại và không chấp nhận sự suy thối về tư tưởng đạo đức của một vị vua.

Đó cũng là lý do, vì sao Vạn Hạnh đã từng tham vấn cùng với vua Lê Đại Hành, nhưng khi vua Lê Long Đĩnh lên ngôi, ông ra sức vận động quần chúng nhân dân lật đổ, đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra một triều đại mới của dân tộc. Bởi vì, nó phù hợp với hàng ngàn trái tim của người dân muốn nhìn thấy một tương lai xán lạn của dân tộc đủ sức mạnh đương đầu với kẻ thù xâm lược, xây dựng nên một nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Việt. Điều đó, phù hợp với quy luật của sự vận động và phát triển xã hội, cái cũ không còn phù hợp, vô dụng tất yếu sẽ thay thế cái mới tốt hơn, phù hợp hơn với một xã hội mới để đáp ứng nhu cầu cần thiết của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh sứ mệnh nhập thế giúp nước, an dân các ngài vẫn không quên nhiệm vụ quan trọng của một thiền sư, một tu sĩ Phật giáo khoác trên mình những trọng trách độ sinh. Các ngài trở về đời sống tâm linh và khám phá nguồn năng lượng Bát nhã tiềm ẩn trong nội tâm. Thiền sư Vạn Hạnh đã giác ngộ được “bản lai diện mục”, thấu rõ được vấn đề của sinh diệt, thịnh suy của cuộc đời. Ông là người kế thừa thiền phái thứ 12 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Trước khi thị tịch, ông đã để lại bài kệ thị chúng với triết lý hết sức sâu sắc và thể hiện chỗ sở đắc của ông:

“Thân như bóng chớp chiều tà,
Cỏ cây tươi tốt, thu qua rụng rời.
Xá chi suy thạnh việc đời,
Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành”.

Do đó, đối với các thiền sư vấn đề thiền môn và tinh thần nhập thế luôn luôn nằm trên “bàn cân”, được cân nhắc kỹ lưỡng, để không đi ngược lại với tinh thần “phụng sự chúng sinh” và “tham gia chính sự” của các tu sĩ Phật giáo Việt Nam. Đó cũng chính là triết lý sống của các thiền sư với tinh thần “hộ quốc an dân” được kế thừa tiếp nối từ xưa cho đến nay của các thế hệ Phật giáo.

Tóm lại, thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi từ Tây Trúc đến phương Nam đã đạt được mục tiêu phát triển thiền học và hình thành nên thiền phái đầu tiên ở nước ta là thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tiếp nối trải qua 19 thế hệ với nhiều thiền sư nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Dòng thiền với quan điểm lấy “tâm ấn” làm nòng cốt cho hướng đến mục tiêu của sự giác ngộ, nó đã phát triển đạt đến đỉnh cao của thiền học vào thời nhà Lý.

Mặc dù, Mật giáo vẫn còn pha trộn trong tư tưởng, như yếu tố thiền học, lấy “tâm ấn” làm nòng cốt đã góp phần tạo nên tính đặc thù của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi so với các thiền phái khác ở Việt Nam. Mặt khác, các thế hệ thiền sư về sau, còn thể hiện tính nhập thế, nhằm đem đạo vào đời với tinh thần giúp nước, an dân, góp phần công sức vào xây dựng nền độc lập của dân tộc.

Tính Đại thừa luôn luôn xem trọng quan điểm “Phật pháp bất ly thế gian giác” đã phần nào chuyển hướng nhận thức của các thiền sư về sứ mệnh hoằng pháp, độ sinh và phục vụ lợi ích cộng đồng. Ngọn lửa nhập thế đó, là động lực cho sự tiếp nối của các thế hệ đi sau tiếp bước, tạo nên cao trào của tư tưởng nhập thế tích cực vào đời sống xã hội.

Trong đó, có thể nói thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là đỉnh cao của tinh thần nhập thế Phật giáo Việt Nam thế kỷ XII.

Vấn đề là chúng ta không nên biến nó trở thành “motif” mang tính “hình thức”, “giáo điều” trong nhận thức và hành động, để không làm phai mờ bản chất cốt lõi của đạo Phật trong xu hướng phát triển đa văn hoá mang tính phức tạp của thời đại, nó có thể làm suy yếu bản chất của Phật giáo bởi nhận thức “hướng ngoại không định hướng” của tu sĩ Phật giáo ngày nay.


Thượng tọa Thích Lệ Quang
***
CHÚ THÍCH

1. TS, Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

2. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, NXB. Tp. Hồ Chí Minh, tr. 250.

3. Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2005), Từ điển Phật học Huệ Quang, NXB. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr. 4317.

4. Phân viện Nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán – Việt, NXB. Khoa học xã hội, tr.1158.

5. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, NXB. TP. HCM, tr. 251.

6. Cư sĩ Huyền Thanh (dịch), Kinh Đại Nhật, https://phatgiao.org.vn/kinh-dai-nhat-tong-phai-mat-tong-d74324.html.

7. Hồ Chí Minh. (2011). Toàn tập, tập 7. NXB. Chính trị Quốc gia, HN, tr. 38.

8. Thích Mật Thể (1996), Việt Nam Phật giáo sử lược, NXB. Thuận Hoá, tr. 100.

9. Sđd, tr. 100.

10. Thích Mật Thể (1996), Việt Nam Phật giáo sử lược, NXB. Thuận Hoá, tr. 106.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, NXB. Chính trị quốc gia, HN, 2011.

2. Https://phatgiao.org.vn/kinh-dai-nhat-tong-phai-mat-tong-d74324.html.

3. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, NXB. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.

4. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, NXB. Văn học, Hà Nội, 2000.

5. Phân viện Nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán – Việt, NXB. Khoa học xã hội, 2012.

6. Thích Mật Thể (1996), Việt Nam Phật giáo sử lược, NXB. Thuận Hoá, 1996.

7. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, NXB. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2005.