VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC ĐỐI VỚI SỰ RA ĐỜI CỦA CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chịu tác động bởi chính sách cai trị và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, Phật giáo Việt Nam đã rơi vào vòng suy vi, trầm lắng. Với nhận thức rằng: “Từ khi nước Pháp sang bảo hộ nước ta, đem tân văn hóa, tân học thuật v.v… ban bố cho ta, quốc dân ta đều khuynh hướng về tân học, thì tự nhiên Hán học phải hồi hưu, ấy là thời kỳ Phật giáo nước ta suy đồi vậy”1 các Tăng, Ni, Phật tử đã phát động phong trào chấn hưng nhằm “vãn hồi lấy tinh thần và trừ khử những điều mê tín” và “đào tạo những bậc có tư cách đứng đầu để truyền giáo về sau”.
Họ cũng nhận ra rằng, muốn truyền bá kinh Phật ra ngoài đời sống xã hội một cách rộng rãi thì phải dịch kinh văn nhà Phật ra chữ quốc ngữ, và hơn hết là cần một đội ngũ những nhà nho uyên thâm, biết chữ quốc ngữ và biết cả Pháp ngữ để có thể chuyển dịch kinh Phật. Do đó, họ đã liên hệ, kêu gọi trí thức tham gia chấn hưng Phật giáo.
Thực tiễn cũng cho thấy, các trí thức Việt Nam cũng đã tham gia vào nhiều hoạt động chấn hưng Phật giáo ở cả ba miền Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ, dẫn đến sự hình thành của các tổ chức Phật giáo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Có thể nói, họ đã góp phần làm nên thành công của việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Bài viết ngắn này của chúng tôi không có tham vọng là trình bày lại toàn bộ những đóng góp của giới trí thức cho công cuộc chấn hưng Phật giáo mà chỉ tập trung vào mấy vấn đề: nhu cầu cộng tác giữa trí thức với phong trào chấn hưng Phật giáo và vai trò của họ đối với sự ra đời của các tổ chức Phật giáo trong quá trình chấn hưng là như thế nào?
1. Nhu cầu về sự cộng tác của trí thức với phong trào chấn hưng Phật giáo
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cả Nho giáo và Phật giáo Việt Nam đều rơi vào tình trạng suy vi, bị xã hội quay lưng, phê phán một cách gay gắt. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do các học thuyết Nho giáo và Phật giáo đã tỏ ra bất lực, không thể giúp cho nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trong cuộc đối đầu với thực dân Pháp. Các nhà Nho cho rằng:
“Chữ Nho quả là một cái hàng rào hiểm chắn ngang đường văn minh, làm cho kẻ đi học mỏi lưng, tốn cơm gạo mới dùng được chữ. Khi dùng được chữ thì trán đã nhăn, lưng đã còng: vì nỗi dùi mài một đời học các điều cao xa quá. Chữ thẩm, chữ hại, làm cho ai mó đến thì phải quên cả việc thường đời nay, để học việc đời xưa, đời xưa thực chết rồi! Thực xa rồi!”2. Họ cho rằng: “Nước Nam ta bấy lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức”3.
Và rồi họ phê phán Nho giáo một cách gay gắt rằng:
“Mắng chửi sao đáng kể.
Tộc loại nhờ nó mất,
Cừu địch nhờ nó vinh.
Tam cương thảy đổ nát,
Đạo nghĩa nhổ sạch không.
....................
Trời đất có tà khí,
Phú thành vật nhiêu hình.
Dưới thì là cứt đái,
Trên thì là cẩu tinh.
Với người là nô tính,
Mờ mịt lấp biển xanh”4
Phan Bội Châu trong tác phẩm Sùng bái giai nhân cũng cho rằng: “... Từ khi đạo học của Thánh hiền không sáng, nhân tài không như xưa, khí lực đã hèn, óc não lại mỏng. Vua không biết nuôi dưỡng, thầy không biết dạy bảo. Vì thế mà người đời như một hình gỗ, một tượng đất,... Thi thư trở thành cái làm cho người ta ngu dốt? Trung hiếu là vật gây nên mọi tai quái?”5. Rồi ông tỏ ra hối hận khi đã theo học đạo Nho, cho đó là: “Đáng tiếc là hồi đó mình chỉ vùi đầu vào lối hư văn khoa cử”6.
Trong con mắt của các sĩ phu Nho giáo cấp tiến lúc đó, nền giáo dục Nho học là “thứ gây ác nghiệp để buộc trói thiên hạ trong vòng chuyên chế”7, chính vì thế, họ - những trí thức Nho học đã tiến hành phê phán học thuyết Nho giáo và dòng tư tưởng dân chủ tư sản đã trang bị cho họ những cơ sở lý luận để họ tiến hành phê phán học thuyết Nho giáo đến tận gốc rễ của nó.
Ngoài việc gánh chịu sự phê phán nặng nề từ chính những trí thức Nho học cấp tiến thì Nho giáo và nên giáo dục Nho học còn phải gánh chịu cả áp lực từ chính sách giải Nho học của thực dân Pháp. Thực dân Pháp cho rằng: “Kinh nghiệm của các dân tộc Châu Âu khác đã chỉ rõ rằng việc truyền bá một nền học vấn đầy đủ cho người bản xứ là hết sức dại dột”8. Để phục vụ cho guồng máy cai trị, người Pháp đặt mục tiêu hủy diệt nền Nho học, chữ Hán, chữ Nôm phải triệt bỏ và thay thế bằng chữ Pháp, chữ Quốc ngữ cùng một họ mẫu tự La tinh.
Hệ thống thi cử thời phong kiến bị hủy bỏ, trước hết là ở Nam Kỳ và sau đó là Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Năm 1867, thực dân Pháp bãi bỏ thi Hương ở Nam Kỳ. Tiếp đó, năm 1915 tổ chức kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Định và năm 1918 tổ chức kỳ thi Hương cuối cùng ở Thanh Hóa. Kỳ thi Hội cũng đã chấm dứt vào năm 1919 ở Huế, kết thúc nền khoa cử phong kiến ở nước ta.
Ngày 14-6-1919, Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các trường chữ Hán9, đánh dấu cho sự cáo chung của nền giáo dục khoa cử Nho học ở Việt Nam. Như vậy, có thể thấy, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Nho giáo đã thực sự rơi vào sự suy tàn và chịu áp lực lớn từ cả nhân dân trong nước và hệ thống chính trị thuộc địa.
Đứng trước thực tiễn phũ phàng ấy, một bộ phận sĩ phu Nho giáo tâm huyết đã tham gia vào các phong trào yêu nước để chống giặc ngoại xâm, đồng thời cũng là để giữ lấy mối rường của Nho giáo. Có thể thấy hình bóng của họ ở trong nhiều các phong trào yêu nước mang màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng như Hội kín Nam Kỳ, phong trào Thiện đàn Bắc Kỳ.
Đào Duy Anh cho rằng: “Từ khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, lại có các vị nhà nho bất đắc chí, hoặc về quê mở trường dạy học, hoặc lập thiện đàn để mong mượn thiện đàn mà bảo vệ cương thường”10. Và rằng, việc lập thiện đàn “trong phần tư đầu thế kỷ 20 đã thành một phong trào rộng rãi do các nhà văn thân ái quốc lợi dụng đàn tiên thành để tuyên truyền chính trị”11.
Và trong cái hiện thực ấy, cửa thiền của Phật môn cũng là nơi được các sĩ phu Nho giáo lựa chọn vừa để náu thân, vừa để duy trì nền nếp giáo hóa của Nho giáo. Đây có thể coi là một mối nhân duyên của Nho giáo với Phật giáo ở Việt Nam, bởi đầu thế kỷ XX, Phật giáo cũng lâm vào tình trạng suy thoái và bị/được chính các nhà sư cấp tiến phê phán để rồi từ đó kêu gọi, phát động chấn hưng Phật giáo.
Trong khi ấy, luồng tư tưởng dân chủ tư sản đã ngày càng được truyền bá mạnh mẽ vào xã hội Việt Nam, được một số trí thức sĩ phu Nho học tiếp thu, lấy làm nền tảng tư tưởng và lý luận để vận động cứu nước, đồng thời làm chỗ dựa để phê phán học thuyết Nho giáo và cả Phật giáo nữa. Nhưng oái oăm thay, ngay cả luồng tư tưởng dân chủ tư sản cũng chưa thu hút được nhiều lắm sự quan tâm của xã hội, vì nó vướng phải cái rào cản đối trọng của hiện trạng “dân tộc và phản dân tộc” ở Việt Nam lúc ấy.
Vả chăng, sự tiếp thu một cách không toàn vẹn và có hệ thống hệ tư tưởng dân chủ tư sản của các trí thức, sĩ phu yêu nước cũng đã làm cho các đường hướng, phương pháp tổ chức cuộc cứu nước của họ có những sai lầm, hạn chế nhất định và không thành công. Điều này làm cho việc truyền bá, cổ súy việc tiếp nhận hệ tư tưởng này gặp phải những khó khăn.
Trong tình trạng ấy, thì cả những sĩ phu Nho học và lớp trí thức mới “tân học” đều rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, và đều phải tìm lấy con đường tồn tại mà sự tham gia vào trong các phong trào yêu nước mang màu sắc tôn giáo là một trong những cách mà họ lựa chọn.
Trường hợp của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm có thể coi là một điển hình, bởi ông đã từng sang Pháp du học, nhưng khi về nước và tiến hành các hoạt động yêu nước chống Pháp, ông cũng vẫn phải mượn hình thức Thiện đàn - một hình thức đấu tranh yêu nước mang màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng ở Bắc Kỳ - để hoạt động chống Pháp cùng với Mạc Đình Phúc. Hàng loạt các Thiện đàn dưới danh nghĩa của Kỳ Đồng đã được thiết lập ở các tỉnh Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định,…12.
Trong bối cảnh ấy, Phong trào chấn hưng Phật giáo - một phong trào tôn giáo nhưng mang tính dân tộc và yêu nước - cũng là một “địa chỉ” tìm đến của các trí thức, sĩ phu yêu nước. Phan Chu Trinh là một trong những người hô hào chấn hưng Phật giáo để hỗ trợ cho cách mạng, trong một lần diễn thuyết từng nói: “Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho ta đức hy sinh, coi nhẹ tính mạng, phá sản vì đạo. Không có tinh thần tôn giáo chúng ta không biết cương thường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình.
Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì lại bại tẩu; nào bị cướp giáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở thời đó rất hưng thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?”13. Huỳnh Thúc Kháng trong bài báo đăng trên Viên Âm (số 3 ra ngày 1.2.1934) cũng cho rằng chấn hưng Phật giáo là một việc làm có lợi ích cho quốc dân và cổ súy cho việc kêu gọi chấn hưng Phật giáo của tờ Viên Âm.
Ông nói: “Viên Âm hãy gắng lên. Người ta nói khoa học với tôn giáo không cùng đi với nhau, là nói ở xứ văn minh nào kia, chớ ở xứ khai thông chậm trễ dân trí mơ mù như xứ ta, tôn giáo còn là phương thuốc chữa bệnh chung cho người mình có hiệu nghiệm. Huống là cái thuyết từ bi cứu khổ, độ tha, giác tha và nhân quả luân hồi của Phật giáo thông cả các giai cấp trong xã hội, mà ai thực hành theo có bổ ích cho chúng sanh không phải là ít, chưa nói đến “Niết Bàn” là chỗ thượng thừa cao xa kia”14.
Phan Khôi một trí thức tiêu biểu thông thạo cả Hán học và tân học lúc ấy cũng nhiều lần lên tiếng ủng hộ cho Phật giáo và việc chấn hưng Phật giáo. Ông nói:
“Chúng tôi không chuyên một tôn giáo nào hết. Có người lo nếu Phật giáo thịnh thì Việt Nam sẽ trở nên lười, cho nên Pierre Pasquier, toàn quyền là nhà chính trị nham hiểm ký tên cho phép mấy cái hội Phật ở Đông Dương, làm mê họ bằng Phật giáo. Chúng tôi không phải quan cố toàn quyền P.Pasquier, chúng tôi đâu biết được dụng ý của ngài. Chúng tôi tưởng khi Phật giáo thịnh hành, cũng chẳng có cái hiệu quả như thế. Vì chúng tôi lấy lịch sử để làm chứng..."
Phật giáo sang Tàu từ thời Đông Hán mà suốt trong đời ấy quốc gia của nhà Hán rất là cường thịnh. Đến nỗi Hung Nô ngày trước cứ xâm lăng mãi mà bây giờ phải vào chầu. Rồi đến đời Đường Thái Tôn, đời mà đạo Phật thịnh nhất ở Trung Quốc, thì thế nước lại lừng lẫy vững vàng, tứ di đều thần phục. Xưa nay bên Tàu, quốc thế có hai lần hèn yếu nhất, bị lũ mọi rợ ở phương bắc đè đầu: lần trước vào thời kỳ Tấn Lục Triều, thì là cái kết quả của sự sùng thượng Lão Trang; lần sau vào thời kỳ Tống Minh thì là cái kết quả của cuộc vận động Lý Học.
Còn Phật giáo theo lịch sử chẳng có khi nào gây ra sự hèn yếu cả. Ở nước ta cũng vậy: vào thuở nhà Lý, nhà Trần, đạo Phật tràn ngập cả nước, chùa chiền khắp nơi, thầy tu làm dân tráng, nhưng nước nhà chưa hề có cái vẻ tích nhược như hồi Lê trung hưng hay Nguyễn thống nhất là cái thời đại Nho học thịnh hành.
Trái lại, nhà Lý, nhà Trần mạnh lắm, dân khí còn hăng lắm: mấy phen giặc Tàu sang chúng ta đuổi đi như đuổi vịt. Lịch sử là cái chứng mạnh lắm. Không ai cãi được. Nó đã làm bằng chứng cho Phật giáo; không phải là một thứ như thuốc phiện làm mòn yếu con người”15. Như vậy, rõ ràng là Phật giáo và công cuộc chấn hưng Phật giáo đã nhận được sự ủng hộ của các trí thức, sĩ phu yêu nước có tên tuổi, có sự ảnh hưởng lớn đến xã hội lúc ấy.
Còn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, ngay từ những ngày đầu manh nha khởi xướng phong trào này các Tăng, Ni, Phật tử đã nhận thức được phải có sự cộng tác của các trí thức, sĩ phu yêu nước làm chỗ dựa cho sự phát triển của phong trào. Bởi họ cho rằng, sự thất học, thiếu hiểu biết là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy vi, lụi tàn của Phật giáo.
Nhà sư Thiện Chiếu cho rằng: “Tăng giới hiện thời ở nước ta mà nhất là ở Nam Kỳ phần nhiều không chịu chuyên tâm về đường học vấn, kẻ hảo tâm thời lo độc thiện có khi lạc vào cái chủ nghĩa yếm thế nên không biết nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; mình đã chẳng biết thời làm sao truyền bá ra cho người khác biết được?
Phật lý đã không rõ rệt, nên những kẻ tại gia tín ngưỡng phần nhiều là mê tín, chỉ biết đốt hương cầu khấn Phật, thần phù hộ, cho cuộc đời của mình được sung sướng thảnh thơi mà thôi, chớ ít ai có tiêm nhiễm được chút từ bi bác ái, thành ra cái chùa Phật hình như là cái Bảo hiểm công ty, thời tránh sao cho khỏi những kẻ gian tà họ lợi dụng để mưu kế sinh nhai, khiến cho trong Tăng giới hằng diễn tấn bi kịch”16.
Thích Trí Hải cũng đã chỉ ra rằng: “Trừ một số rất ít các vị cao Tăng trí thức, còn phần đông tự mình không hiểu thấu nghĩa lý chân chính để tu hành tự lợi và giáo hóa cho người giác ngộ. Như thế thì làm gì mà không đưa nhau vào con đường mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng xấu cho toàn thể Phật giáo?
Cứ xem ngay hình thức của Phật giáo hiện nay. Tuy mỗi làng có một ngôi chùa, có làng tới hai, ba, bốn, năm ngôi; trừ những nơi danh lam cổ tự ra, còn hầu hết đã biến tướng rất nhiều, không còn thuần túy là Phật giáo nữa. Từ nơi thờ phụng cho đến nghi thức lễ bái, không đâu giống đâu. Không những thờ Phật, Bồ tát mà còn thờ tất cả Thánh Thần; thậm chí có nơi còn thờ cả hổ, rắn, chó đá, bình vôi v.v...; trong nhà không thờ hết đem ra cả ngoài sân, gốc cây.
Nếu có các bậc trí thức hay người ngoại quốc nào tới tham quan, khảo cứu và hỏi vị trụ trì ở những nơi đấy thì không biết vị trụ trì ấy sẽ trả lời ra sao? Có những cảnh tượng đáng tiếc này chẳng qua cũng chỉ vì đa số Tăng, Ni thất học”17. Ông đã đau xót gọi cái tình trạng bi đát đó của Phật giáo là “thời kỳ mạt pháp: Phật cao một thước, ma cao nghìn trượng, người làm thì ít, kẻ phá thì nhiều”18.
Ông cho rằng, tinh thần Phật giáo trong các bộ kinh tạng rất thiết thực, lợi ích cho chúng sinh nhưng “rất tiếc là đọc tụng toàn bằng phiên âm chữ Hán nên có nhiều người đọc tụng hằng ngày cho đến thuộc lòng mà không hiểu nghĩa lý ra sao, không biết tụng để làm gì”19.
Xuất phát từ những nhận thức đó, những nhà sư có nhiệt tâm đã kêu gọi, phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, nhằm đưa Phật giáo quay trở lại với giáo lý nguyên ủy của nó và thành lập một giáo hội Phật giáo thống nhất ở Việt Nam. Song cái khó là ở chỗ, “Từ khi nước ta có Phật giáo cho đến cuối thế kỷ XIX chẳng luận nước ta nội thuộc hay được độc lập tự chủ, Phật giáo cũng cứ ở yên trong cảnh giới chân như, chẳng hề giả sắc chút nào.
Ấy cũng bởi một là nước ta đồng văn đồng giao với Tàu, hai là lịch triều ta đều sùng thượng Phật giáo cả. Cho nên kinh Phật tuy là không dịch ra tiếng ta mặc lòng, song Hán học được thịnh hành chừng nào, thời Phật giáo càng vững bền, càng bành trướng mãi ra chừng ấy. Vậy thời Hán học há chẳng phải đại công thần của Phật giáo nước ta trong suốt mười lăm mười sáu thế kỷ nay đó sao?
Từ khi nước Pháp sang bảo hộ nước ta, đem tân văn hóa, tân học thuật… ban bố cho ta, quốc dân ta đều khuynh hướng về tân học, thì tự nhiên Hán học phải hồi hưu, ấy là thời kỳ Phật giáo nước ta suy đồi vậy”20. Như vậy, theo nhận thức của chính giới Tăng Ni thì sự suy tàn của Phật giáo đầu thế kỷ XX cũng một phần bắt nguồn từ sự suy vi của Nho giáo.
Và do đó, để chấn hưng Phật giáo thì cần phải có sự giúp đỡ từ bản thân giới trí thức Nho học, điều này được thể hiện trong các chương trình chấn hưng Phật giáo của giới Tăng Ni.
Thiện Chiếu cho rằng, để chấn hưng Phật giáo thì có 3 cách:
“1. Lập Phật học báo quán cho dễ truyền bá Phật lý ra, được vãn hồi lấy tinh thần và trừ khử những điều mê tín;
2. Lập Phật gia công học để đào tạo những bậc có tư cách đứng đầu để truyền giáo về sau;
3. Dịch kinh Phật ra tiếng ta, để cho Phật giáo ở nước ta sau này khỏi sợ đến thất nguyên”21.
Nhà sư Quảng Hưng ở Trung Kỳ cũng cho rằng chấn hưng Phật giáo nên tập trung vào 3 việc:
“1/Làm trường học tại chùa, rước thầy giáo đến dạy các đạo nhỏ.
2/Nuôi kẻ nghèo khổ ăn học cho biết hai thứ chữ Tàu và chữ Quốc ngữ.
3/ Dịch kinh Phật ra Quốc ngữ”22.
Cùng quan điểm đó, chương trình chấn hưng Phật giáo của nhà sư Thích Tâm Lai ở Bắc Kỳ cũng cho rằng, cần phải:
Một là, lập đàn giảng thiện trong các chùa vào các buổi tối và mời các bậc thông nho biết chữ Quốc ngữ hiệp với nhà chùa cùng dịch kinh Phật chữ Nho ra chữ Quốc ngữ, lại cũng mời các nhà thông tiếng Pháp dịch các sách Phật bằng chữ Pháp ra quốc ngữ để phổ tống cho đồng nhân;
Hai là, mở Trường Sơ học yếu lược và Trường Sơ đẳng tiểu học bên cạnh các chùa; Ba là, lập nhà nuôi kẻ khó và nhà bảo cô bên cạnh các chùa23. Nhà sư Thích Trí Hải trong quá trình vận động chấn hưng Phật giáo cũng đã nhận ra được sự cần thiết phải có sự cộng tác của các trí thức nên ông đã liên hệ với hàng loạt các nhân sĩ, trí thức thông thạo Hán học và cả Tây học để vận động họ cùng tham gia chấn hưng Phật giáo24.
Có thể nói, đây chính là mối nhân duyên giữa phong trào chấn hưng Phật giáo với các trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX, cả trí thức Nho học và Tân học. Nhân duyên ấy được bắt nguồn một cách tự thân bởi các trí thức Việt Nam lúc ấy có nhu cầu vươn lên xây dựng một nền quốc văn mới, văn hóa mới làm nền tảng cho sự hưng khởi của quốc gia dân tộc, trên cơ tầng đó mà tiến hành các hoạt động giải thực dân.
Và trước sự ngăn trở của chính quyền thuộc địa, cũng như là trình độ dân trí của quảng đại quần chúng còn thấp, để đạt được mục đích đó, để tiếp cận được với đông đảo quần chúng thì không đâu tốt bằng cửa thiền – nơi thường có đông đảo quần chúng tìm đến. Còn giới Tăng, Ni, Phật tử thì cũng có nhu cầu ấy để có thể trùng chính đạo Phật.
Theo Nguyễn Lang thì: “Sự phục hưng Phật học cũng như ý hướng xây dựng “quốc học” đã được sự hỗ trợ nồng nhiệt của quần chúng. Phục hưng Phật học và xây dựng quốc học là những công việc làm chính đáng, hợp pháp, không phải là những việc quốc cấm, cho nên không sợ bị đàn áp. Nơi đây hai giới tân học và cựu học có thể gặp nhau để cùng hoạt động: cả trong hai lĩnh vực tôn giáo và văn hóa, chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Tây đều được sử dụng. Chữ “Quốc ngữ” trở thành một phương tiện mầu nhiệm nối liền hai thế hệ cựu và tân học”25.
2. Vai trò của giới trí thức đối với sự ra đời của các tổ chức Phật giáo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám
Sự tham gia, góp mặt của các trí thức vào hoạt động chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là tương đối đa dạng. Có thể thấy, sự có mặt của giới trí thức trong hầu khắp các hoạt động cơ bản của phong trào này như: Tham gia viết bài cổ vũ chấn hưng Phật giáo trên các tờ báo; vận động thành lập các tổ chức Phật giáo; quyên tiền, ủng hộ tài chính, đất đai để xây dựng các cơ sở Phật giáo; và đặc biệt là tham gia dịch thuật, giảng dạy kinh Phật và viết sách về Phật học…
Về mặt đội ngũ, có thể nhận thấy các trí thức tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo bao gồm cả các sĩ phu Nho học và trí thức tân học. Họ giữ nhiều địa vị khác nhau trong xã hội, có người là doanh nhân, có người là bác sĩ, có người là nhà giáo, lại có những người là công chức và quan lại trong hệ thống chính trị thuộc địa,… Trong số các trí thức tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo thời kỳ này, có nhiều người có trình độ cả Nho học và Tây học uyên thâm và có vị thế, ảnh hưởng lớn trong xã hội cũng như quốc tế.
Ở Nam Kỳ có thể kể đến các nhân vật tiêu biểu như: Phạm Ngọc Vinh, Huỳnh Văn Quyền, Trần Nguyên Chấn, Trần Văn Khuê, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Phổ, Nguyễn Văn Cần (Cẩn), Ðoàn Trung Còn, Nguyễn Văn Vật, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Văn Thiện, Lê Văn Hậu, Trần Quỳnh, Huỳnh Thái Cửu, Phạm Văn Liêu, Nguyễn Văn Khỏe, Ngô Trung Tín, Phạm Văn Luông, Trần Văn Giác, Dương Văn Thắng, Mai Thọ Truyền, Nguyễn Văn Hiểu,…
Trong số này Trần Nguyên Chấn là người có công trong việc vận động thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học năm 1931 và cũng là người có đóng góp về mặt tài chính cho việc xây dựng các cơ sở của Phật giáo Nam Kỳ. Theo Nguyễn Lang thì: “Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật Học được thành lập năm 1931, điều lệ của hội được phê y ngày 26 tháng Tám năm ấy. Thiền sư Từ Phong chùa Giác Hải ở Chợ Lớn được bầu làm Chánh Hội trưởng. Khánh Hòa giữ trách vụ Phó nhất Hội trưởng và chủ nhiệm tạp chí Từ Bi Âm.
Tạp chí này chào đời ngày 1.3.1932. Hai vị cố vấn là thiền sư Huệ Định (71 tuổi) và thiền sư Trí Thiền (50 tuổi). Ông Trần Nguyên Chấn làm Phó nhì Hội trưởng. Chùa Linh Sơn ở số 149 đường Douaumont được lấy làm trụ sở, ngay cạnh khu đất riêng của ông Trần Nguyên Chấn. Ngay sau khi hội được thành lập, sáu căn nhà ngói được khởi công xây dựng gần chùa Linh Sơn, trên khu đất của ông Trần Nguyên Chấn với sự đồng ý của ông này, khuôn viên chùa chật hẹp nên thư viện cũng được xây cất trên đất ông Chấn”.
Tuy nhiên, do những bất đồng giữa Trần Nguyên Chấn và một số Tăng, Ni cũng như là cư sĩ khác mà thích học đường của Hội đã không khai giảng được. Trần Nguyên Chấn cũng là người am hiểu cả Tây học và Hán học, ông đã biên soạn, dịch - chú giải nhiều kinh Phật và viết các bài đạo Phật. Các bài viết của ông được tập hợp cuốn Gương nhân quả, Nxb. Tôn giáo ấn hành năm 2006. Đây có thể coi là tác phẩm để đời của Trần Nguyên Chấn về đạo Phật.
Người thứ hai tiêu biểu trong nhóm này là Đoàn Trung Còn. Ông sinh 1908, quê tại xã Thắng Nhì, thị xã Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa, nay thuộc phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lúc nhỏ ông theo học trường Pháp Việt tại Vũng Tàu, sau lên học ở Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp với bằng Thành chung (Diplomat), ông ra làm tư chức và lập nghiệp tại Sài Gòn. Bản thân căn bản học vấn của trường Pháp Việt, do đó ông rất thông thạo tiếng Pháp.
Bên cạnh đó, vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học và tín ngưỡng Phật giáo, ông còn chuyên tâm tự học chữ Hán, trở thành một người có căn bản Hán học. Ngoài ra, ông còn thường xuyên tiếp xúc với các sư sãi người Khmer và Phật giáo Nam Tông, có điều kiện nghiên cứu và học tập từ các kinh sách Phật giáo chép bằng chữ Bắc Phạn (Sanscrit) hoặc chữ Nam Phạn (Pàli). Chính nhờ đó mà ông có một căn bản khá vững chắc về Hán học và Phạn học, đủ giúp ông đi sâu vào nghiên cứu kinh điển nhà Phật, dành cả đời chuyên tâm nghiên cứu, dịch kinh sách Phật giáo.
Năm 1931, ông xuất bản các sách Chuyện Phật đời xưa, Văn minh nhà Phật qua Tàu, Triết lý nhà Phật. Năm 1932, ông sáng lập Phật Học Tùng Thư để xuất bản các sách ông biên khảo về Phật giáo và các bộ kinh căn bản do ông phiên âm và dịch nghĩa. Song song đó, ông sáng lập thêm Trí Đức Tùng Thư để xuất bản các bộ sách quan trọng của Nho giáo do ông phiên âm và dịch nghĩa, với mục đích là duy trì nền đạo học chân chính, hầu giúp cho lớp hậu tiến biết cách tu thân, tề gia và trị quốc.
Những năm sau đó, ông cho xuất bản tiếp các sách như: Truyện Phật Thích Ca (1932) Tăng đồ nhà Phật (1934), Các tông phái đạo Phật ở Viễn Đông (1935). Ngoài ra, ông còn xuất bản một số kinh sách do các Tăng sĩ, cư sĩ khác biên soạn dưới danh nghĩa Phật Học Thư Xã. Sau ông dùng nhà riêng tọa lạc tại 143 đường Đề Thám (Dixmude cũ), quận Nhứt, Sài Gòn làm nhà xuất bản Phật Học Tùng Thư để xuất bản những Kinh, sách Phật giáo do ông soạn, dịch. Ông cũng xuất bản những sách Khổng giáo hay Hán văn dưới tên nhà xuất bản Trí Đức Tùng Thư. Trong cả cuộc đời, ông đã biên soạn và dịch trên 30 tác phẩm có liên quan đến Phật học.
Một nhân vật khác nữa cũng có thể kể đến trong giới cư sĩ trí thức Nam Kỳ đó là Mai Thọ Truyền. Ông sinh năm 1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ ông được theo học tại trường Sơ học Pháp - Việt Bến Tre, rồi Trung học Mỹ Tho, và Chasseloup Laubat Saigon.
Năm 1924, ông thi đậu Thư ký Hành chánh và được bổ đi làm việc tại Sài Gòn, Hà Tiên, Chợ Lớn. Năm 1931, ông thi đậu Tri huyện và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Trong những năm làm việc đó đây khắp lục tỉnh miền Tây, ông để tâm nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo, Nho giáo, và các tư tưởng tôn giáo triết lý khác. Đến đâu ông cũng tham vấn các vị danh Nho nổi tiếng để thử tài học vấn và biện bác, nhưng chưa vị nào giúp ông thỏa nguyện. Đến khi làm việc ở Sa Đéc, ông đến tham vấn Hòa Thượng Thích Hành Trụ thế danh Lê Phước Bình, là giảng sư tại chùa Long An, chính nơi đây ông thực sự qui ngưỡng cảm phục trước đức độ và trí tuệ của vị danh Tăng nên cầu làm đệ tử của ngài.
Hòa thượng Thích Hành Trụ đặt pháp danh cho ông là Chánh Trí. Từ đây, ông bắt đầu dốc lòng đem khả năng và trình độ học thức của mình ra hộ trì chánh pháp. Đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, ông là một kiện tướng trong hàng cư sĩ đã đóng góp công sức rất lớn. Là một Phật tử thuần thành, ông ăn chay trường từ ngày thọ Tam quy Ngũ giới, làm Phật sự không biết mệt mỏi.
Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu. Ông sinh năm 1896 tại làng Tân An, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ. Từ nhỏ ông học chữ Nho, sau chuyển sang học chương trình Pháp - Việt trong năm năm tại Cần Thơ. Năm 1911, ông thi đậu học bổng Trường Trung học Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat, thi đậu bằng Thành Chung năm 1915, rồi ông học Trường Công chánh Hà Nội và thi đậu bằng Cao học Kỹ thuật Công chánh Hà Nội năm 1918. Năm 1919 ông sang làm việc tại Campuchia, năm 1925 về làm Sở Hỏa Xa Sài Gòn, năm 1944 làm Giám Đốc Hỏa Xa miền Nam
Lúc nhỏ, ông quy y theo phái Cao Đài Tiên Thiên. Sau đó ông chuyển qua nghiên cứu Tin Lành - Gia Tô giáo, cuối năm 1930, nhân đọc quyển La Sagesse du Bouddha (Tuệ giác của Phật) và hiểu được giá trị đích thực của đạo Phật, từ đó ông ôm ấp ý nguyện truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy, lúc đầu ông tập họp được các bạn đồng học gồm cư sĩ Cầm, Núi, Nhật, Hương cùng nhau thực hành thiền định.
Năm 1935, khi gặp lại người bạn là Bác sĩ thú y Lê Văn Giảng, ông đem quyển kinh Phật bằng chữ Pháp giới thiệu và khuyên về Campuchia tầm sư học đạo. Sau đó người bạn xuất gia là Hòa thượng Hộ Tông, người sáng lập Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Năm 1938, khi đi tìm đất cất chùa ở vùng ngoại ô Sài gòn-Chợ Lớn, ông gặp được ông Bùi Ngươn Hứa hiến phần đất ở Gò Dưa-Thủ Đức để lập nên chùa Bửu Quang, ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam Tông Việt Nam.
Năm 1939, ông đã thỉnh ngài Hộ Tông, ngài Thiện Luật, ngài Huệ Nghiêm và một nhà sư người Campuchia về Việt Nam hoằng dương giáo pháp. Cũng trong năm 1939 này, ông đã thỉnh Đức vua Sãi Campuchia Chuôn Nath và 30 vị Tỳ kheo Campuchia về làm Lễ Kiết giới Sìmà tại chùa Bửu Quang. Năm 1940, ông bán nhà lấy nửa số tiền cất lại chùa Bửu Quang bằng ngói gạch và một cốc lầu gồm ba căn cũng bằng gạch ngói, phân nửa tiền còn lại ông mua ruộng để lo chi phí ẩm thực cho chùa.
Ở Trung Kỳ có thể kể đến các nhân vật như: Lê Ðình Thám, Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bàng, Bửu Bác, Viễn Ðệ, Trần Ðăng Khoa, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Phúc Tráng Đinh (Đăng), Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Lê Thanh Cảnh, Trương Xướng, Huỳnh Thúc Kháng,…
Trong số này thì Bác sĩ Lê Đình Thám (1897 - 1969) là người có nhiều công lao đối với việc chấn hưng Phật giáo. Ông là người tham gia vận động chấn hưng Phật giáo, là bác sĩ, pháp sư, cư sĩ Phật giáo, là nhà hoạt động hoà bình và là người sáng lập Gia đình Phật tử Việt Nam. Ông quê ở làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý nhiều đời làm quan. Thân sinh là Binh bộ Thượng thư Lê Đỉnh ở triều Tự Đức. Ông cùng với anh trai là Y sĩ Lê Đình Dương trực tiếp học chữ Nho với cha.
Cả hai anh em đều tỏ ra thông minh xuất chúng ngay từ thuở niên thiếu. Riêng ông từ nhỏ, đã tỏ ra là người có năng khiếu văn chương thi phú. Ông tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương ở Hà Nội năm 1916, sau đó về làm việc tại các bệnh viện Hội An, Bình Thuận, Sông Cầu, Qui Nhơn, Tuy Hòa. Chính trong thời gian này, ông nghiên cứu thêm về triết lý Đông phương như Khổng, Lão và Phật giáo...
Năm 1926, trong một buổi viếng cảnh tại chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn, ông đọc được bài kệ của Tổ Huệ Năng ghi trên vách chùa. Đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc với triết lý Phật giáo, bài kệ trên đã gieo vào tâm thức ông một ấn tượng sâu sắc về đạo Phật, mặc dầu thời điểm lúc ấy chưa cho phép ông đến gần với cửa thiền. Phải đến năm 1928, khi ông lên chùa Trúc Lâm (Huế) để thỉnh tôn ý về bài kệ trên với Hòa thượng trụ trì là ngài Giác Tiên.
Sau khi hiểu thấu đáo bài kệ, ông đã thực sự chuyển hướng đời mình: Phát nguyện quy y Tam Bảo, ăn trường chay từ đó và nghiên cứu học hỏi kinh điển Phật giáo để hoằng hóa giúp đời. Với chí nguyện như trên, ông được thọ Tam quy Ngũ giới với Hòa thượng Giác Tiên, pháp danh là Tâm Minh, pháp tự là Chiêu Hải.
Năm 1929, ông thọ học thêm với Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, Bình Định. Hòa thượng chỉ đạo ông nghiên cứu các bài giảng của ngài Thái Hư ở Trung Hoa về cách thức tổ chức Phật giáo, và suy nghĩ cải cách thế nào cho phù hợp với tình hình Phật giáo nước nhà. Ông đã đề đạt ý kiến của mình lên chư Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết... và đã được các ngài chấp thuận.
Năm 1930, ông trở ra Hà Nội thi bằng Y khoa Bác sĩ ngạch Pháp. Khi trở về, ông vừa học Phật vừa làm ngành y mà vẫn vượt xa các bạn đồng học trong thời gian ấy. Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, do các vị Hòa thượng và ông đứng ra chịu trách nhiệm gánh vác công cuộc hoằng dương chánh pháp.
Trụ sở Hội đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm, sau đó là chùa Từ Đàm. Ông làm Hội trưởng và các Hòa thượng trong Ban Chứng minh là cố vấn cho Hội. Từ năm 1930, bắt đầu xuất hiện những bài viết của ông trên tờ nguyệt san Viên Âm. Ông tự tay viết cả truyện ngắn (ký tên T.M), truyện dài (ký tên Châu Hải) và truyện hài hước (ký tên Ba Rảm).
Khoảng thời gian từ năm 1934 đến năm 1945 là những năm hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáo và hệ thống đào tạo Tăng tài, các lớp Phật học cho thanh niên. Kết quả mà ông đã đóng góp được trong những năm tháng ấy, vẫn mãi mãi được ghi nhớ: Một thế hệ Tăng sĩ tài ba đã nở rộ, làm nền tảng tuyên truyền phát huy chánh pháp, đoàn kết Tăng Ni và Phật tử, bảo vệ Phật giáo trước những khó khăn lúc bấy giờ.
Chùa Từ Quang, nơi làm giảng đường bước đầu để tuyên dương chánh pháp cũng đã thấy bóng dáng của ông trong chiếc áo dài màu đen và chiếc khăn đóng tươm tất, thành kính đảnh lễ chư Tăng trước khi bước lên pháp tòa để giảng kinh cho họ. Ông là người đã dịch, chú giải và biên soạn nhiều bộ kinh Phật từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ để phục vụ cho công cuộc chấn hưng Phật giáo.
Kết quả của những năm tháng dày công quả vì đạo pháp và dân tộc ấy còn được thể hiện qua các kinh sách uyên thâm như: Kinh Thủ Lăng Nghiêm; Luận Nhơn Minh; Đại Thừa Khởi Tín Luận; Bát Thúc Qui Củ Tụng; Phật học thường thức; Bát Nhã Tâm Kinh; Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật Tổ Thích Ca; Tâm Minh - Lê Đình Thám tuyển tập (gồm 5 tập).
Nguyễn Phước Ưng Bàng, pháp danh Thanh Cát, tự Mông Phong cũng là một trí thức Nho giáo có nhiều đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Ông sinh năm 1881 tại Huế, là Hiệp tá Đại học sĩ Tổng đốc tri sĩ, cựu Tôn nhơn lệnh. Ông là Tôn Thất của nhà Nguyễn, cháu nuôi của Hoàng tử Hoằng Hóa quận vương Miên Triện và là cháu ruột của hoàng tử Thọ Xuân Vương Miên Định. Ông từng giữ nhiều chức vụ trong triều đình nhà Nguyễn như: Thị Lang bộ Lễ, Tham Tri bộ Binh, Binh Mã sứ hộ thành, Tả Tôn chánh ở Tôn nhân Phủ, Tuấn Vũ Bình Định và Tổng Đốc Bình Thuận.
Năm 1932, cư sĩ đã tham gia hoạt động trong An Nam Phật Học Hội, và đã cùng với các cư sĩ khác như cụ Ưng Dinh, Ưng Binh và Ni trưởng Diệu Không lập một ban vận động để mua lại sở đất của cụ Nguyễn Đình Hiến tọa lạc tại thôn Bình An, xã Dương Xuân Hạ, huyện Hương Thủy để lập ngôi Ni tự Diệu Đức và thỉnh Ni trưởng Thích Nữ Diệu Hương về làm Tọa chủ khai sơn chùa này, rồi sau đó khi Hội lấy chùa Từ Đàm làm trụ sở thì Ni viện được chuyển vào đây và chùa này trở thành Ni viện để đào tạo Ni chúng. Năm 1936 cụ về trí sĩ và từ đó đến năm 1940 làm Hội trưởng Hội đồng Tôn Tương tế. Năm 1941, làm Trị sự trưởng Tổng Trị sư của Hội An Nam Phật Học.
Cư sĩ Nguyễn Phúc Bửu (1898-1984), pháp danh Trừng Bạc. Cả gia đình ông đều là Phật tử thuần thành, nên cư sĩ đã sinh hoạt trong chốn thiền môn từ khi còn nhỏ. Lớn lên ông sinh hoạt trong các hội đoàn Phật giáo ở Huế. Năm 1934, cư sĩ Bửu Bác, Hội viên Hội An Nam Phật Học thành lập Ban Đồng Ấu Phật tử đầu tiên gồm 52 em, sinh hoạt tại chùa Phước Điền - Huế. Ban này được chia từng đội, chúng, có chương trình tu học cụ thể.
Cư sĩ Bửu Bác là một nhạc sĩ cổ nhạc có tiếng ở Huế, đã soạn một bài nhạc để cúng dường chư Phật Trầm Hương Đốt theo điệu Hải Triều Âm tập cho Ban Đồng Ấu hát trong các buổi lễ Phật trước khi sinh hoạt. Đây là bài nhạc lễ Phật giáo đầu tiên viết bằng ký âm phương pháp Tây. Bài hát Trầm Hương Đốt này năm 1944 đã được Hội Gia đình Phật Hóa Phổ chọn làm bài chính thức.
Ở Bắc Kỳ có thể kể đến các nhân vật trí thức có kiến thức Nho học uyên thâm đã tham gia vào phong trào chấn hưng Phật giáo như: Hoàng Trọng Phu, Lê Dư, Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Năng Quốc, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Cung Ðình Bính, Trần Văn Giáp, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Ðỗ Mục, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Trọng Thuật, Trần Văn Đại, Lê Toại…26.
Trong số này, có thể nói Lê Dư, Nguyễn Năng Quốc, Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Trọng Thuật, Trần Văn Đại, Nguyễn Văn Ngọc là những người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo, cũng như là sự ra đời và hoạt động của Hội Phật giáo Bắc Kỳ.
Lê Dư - tên thật là Lê Đăng Dư, tên hiệu là Sở Cuồng, quê ở Nông Sơn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông học tại quê nhà. Từ năm 1900 - 1907, ông tham gia phong trào Duy Tân. Cũng trong thời gian này, ông cùng Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi ra Hà Nội học tiếng Pháp và tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can làm Hội trưởng.
Ông từng tham gia phong trào Đông Du, hoạt động ở Trung Quốc, Nhật Bản. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Lê Dư về nước, làm việc ở Phủ Toàn quyền Đông Dương, và ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội. Từ đó, ông chuyên tâm cho sự nghiệp văn hóa. Năm 1933, thông qua Lê Toại bấy giờ đang làm việc tại Sở Đốc Lý Hà Nội, Lê Dư tham gia Phật Học Tùng Thư ở chùa Mai Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam do Sa môn Trí Hải đứng đầu đang tìm cách lập Hội để chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ.
Năm 1934, ông cùng với Văn Quang Thùy, Nguyễn Văn Cảnh đã đứng ra lo thủ tục tiếp nhận lại chùa Quán Sứ làm trụ sở cho Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Nhờ có sự giúp đỡ của Lê Dư, lúc đó đang làm việc ở Phòng Chính trị Phủ Toàn quyền và của cư sĩ Lê Toại, nên công việc được tiến hành nhanh chóng và kết quả. Tháng 8 năm 1934, Lê Dư tham gia hội nghị trù bị thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ tại chùa Quán Sứ. Tháng 11 năm 1934, Hội chính thức được thành lập, ông được bầu làm Quản lý của Hội tới tháng 2 năm 1945, tại Đại hội đồng thường niên Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã bầu Lê Dư vào Ban Cố vấn.
Hơn 10 năm làm quản lý và cố vấn Hội Phật giáo Bắc Kỳ, Lê Dư đã có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Ông là người thay mặt Ban Trị sự đón tiếp các khách nước ngoài đến thăm Hội. Lê Dư cũng là đại diện Hội Phật giáo Bắc Kỳ giao dịch với sở Đốc lý Hà Nội thông qua bản vẽ xây dựng chùa Quán Sứ; tham gia soạn thảo Điều lệ bầu Hậu quyên tiền làm chùa... Ông thường thay mặt Hội đi dự lễ khánh thành các chi hội Phật giáo địa phương27.
Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954) cũng là một người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trùng chấn đạo Phật. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học nhiều đời, ở làng Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội. Thân phụ ông là cụ Cử Cầu, một nhà hoạt động cách mạng lão thành trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Từ thuở bé, ông đã được sống với bà Nội, vốn là một cô Tú văn hay chữ giỏi ở đất Hà Nội và lại là người Phật tử mộ đạo thuần thành.
Do đó, ông đã tiếp cận được nếp sống đạo hạnh, tập ăn chay từ năm lên 8 tuổi, và cũng nhờ bà Nội chỉ dạy cặn kẽ về Nho học, nên ông đã sớm tinh thông Tứ Thư, Ngũ Kinh. Được thừa hưởng vốn liếng căn bản quan trọng ấy, khi vào độ tuổi thiếu niên ông được học chữ Quốc ngữ, đồng thời tự nghiên cứu thông thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa và Nhật. Nhờ thiên tư sẵn có, ông dễ dàng bước vào lãnh vực nghiên cứu giáo lý Phật Đà, và thấm nhuần sâu sắc, nhanh chóng.
Năm Tân Dậu (1921), lúc ông 20 tuổi, đã bắt đầu dạy Nho học giúp cho Tăng đồ quanh vùng, nên có điều kiện trao đổi, tìm hiểu thêm trong việc nghiên cứu giáo lý. Từ đó, nhận thấy mình có túc duyên với Phật pháp, và với khả năng tri thức của mình, ông sẵn sàng hộ pháp. Bằng tâm nguyện và tư thế một người cư sĩ, ông đảm nhận phụ giảng cho Tăng Ni và công tác từ thiện xã hội. Tâm nguyện cao đẹp đó, được ông thể hiện qua nếp sống giản dị, đạm bạc.
Ông bắt đầu trường chay và mỗi ngày chỉ ăn một bữa; y phục đơn giản như những người chân quê. Ông rất quí thời giờ nên công việc được phân chia thời khóa rành mạch, phần lớn là dịch kinh, viết sách, tu học và dành rất nhiều thời giờ để gần gũi và chăm sóc các trẻ em mồ côi. Để tạo thêm điều kiện thuận lợi trong việc góp phần tuyên dương Phật pháp. Ban đầu, ông lập nhà bán sách lấy hiệu là Hòa Ký ở phố Khâm Thiên, Hà Nội.
Khi phong trào chấn hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ được khởi xướng, Ông cùng các đạo hữu cư sĩ cùng thời như Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Bá Trạc v.v... là những nhà trí thức tiên tiến, được chư vị Tăng giới mời cùng đứng ra thành lập Hội Bắc Kỳ Phật giáo vào năm Giáp Tuất (1934). Năm Ất Hợi (1935), Hội Phật giáo Bắc Kỳ cho ra đời tạp chí Đuốc Tuệ.
Trong đó ông là một cây bút đắc lực và bền bỉ nhất, phát huy được vai trò Phật học trên từng trang báo, góp phần cổ súy cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Báo Đuốc Tuệ do ông quản lý trực tiếp, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Có thể nói, thời gian Đuốc Tuệ tồn tại trên văn đàn là do ông điều hành, đã nêu bật tính tích cực và tầm vóc của một tạp chí Phật giáo lớn thời bấy giờ nơi đất Bắc.
Song song với công việc báo chí, ông còn là tác giả của bộ Hán - Việt Tự điển, đương thời đã được sử dụng rộng rãi trong cả nước. Năm 1936, Hội lập nhà in Đuốc Tuệ, bản thân ông cho nhà in mượn một máy in và dụng cụ phụ tùng đủ dùng trong 2 năm. Dưới sự điều hành của Thiều Chửu, nhà in làm ăn luôn có lãi, đã chi viện cho báo Đuốc Tuệ đứng vững trong những năm tháng khó khăn (1943 - 1945).
Năm 1941, nhằm phát triển công tác giáo dục và từ thiện xã hội, Hòa thượng Trí Hải đã ủy thác cho ông lập Trường Phổ Quang và Nghĩa trang Tế Độ, cả hai cơ sở này đặt tại ngoại thành Hà Nội. Ông tận tình trông nom và ra sức dạy học. Lớp học có các Tăng Ni theo học, ngoài việc dạy chương trình thế học, Nho học, ông còn kiêm giảng dạy Phật học cho Tăng Ni.
Từ những lớp Phật học đầu tiên, có những vị đã trở thành danh Tăng sau này như Hòa thượng Tâm Tịch, Hòa thượng Thanh Kiểm..., bên Ni như Ni sư Đàm Tuệ, Ni sư Đàm Ánh... Năm 1945, nạn đói xảy ra ở miền Bắc. Thể hiện lòng từ bi, ông cùng với các Hòa thượng Tố Liên, Trí Hải đứng ra thành lập Tổng Hội Cứu Tế, đặt tại chùa Quán Sứ để giúp những người đói khổ, và dựng nên một cô nhi viện, nuôi dạy hơn 200 trẻ mồ côi. Cuối năm 1946, chiến tranh lại bùng nổ, các Phật sự phải đình chỉ và số phận các cô nhi bấp bênh. Một nửa các em được đưa về chùa Mai Xá tự túc sinh sống, một nửa còn lại, ông mang theo lên Phúc Yên làm thủ công và trồng khoai sắn vừa sinh sống vừa học tập28.
Cũng giống như Nguyễn Hữu Kha, Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật cũng là người có nhiều công lao đối với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, đặc biệt là trong việc soạn dịch, chú giải kinh Phật. Ông sinh năm 1883, là người làng Mạn Nhuế, Nam Sách, Hải Dương. Sinh ra trong một gia đình nho học nên ông là người được đào tạo Hán học bài bản29. Song ông cũng là người tinh thông cả tiếng Phạn, Anh và Pháp.
Ông bắt đầu nghiên cứu Phật giáo từ những năm 1932-1933 với các bài viết như Bình luận về sách khóa hư (1933), Phật giáo tân luận (1934). Năm 1934, ông đã cộng tác với nhóm Phật Học Tùng Thư và tham gia vào việc thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Ông là thành viên của Ban Khảo cứu và Giảng diễn Phật học của Hội do Trần Trọng Kim đứng đầu. Trong thời gian 5 năm (1935-1940), ông đã viết gần 60 bài trên mọi lĩnh vực chính luận, lịch sử Phật giáo đến những truyện dài như: Dũng mạnh tinh tiến, Tôn giáo luận, Luận về sách Khóa hư, Tinh thần Phật giáo đới với thanh niên ngày nay, Phá ba điều nhận lầm giáo lý đạo Phật, Nhân gian Phật giáo, Luận bàn Lễ kết hôn trước cửa Phật,… để góp phần hoằng hóa Phật pháp và kêu gọi chấn hưng Phật giáo. Ông chính là một trong những người đầu tiên khởi xướng tư tưởng Nhân gian Phật giáo ở Việt Nam30.
Cùng một chí hướng trùng chính lại đạo Phật, quá đó góp phần khôi phục lại tinh thần dân tộc, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc cũng là người có nhiều công lao đối với sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) sinh ra tại ấp Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Song nguyên quán của ông là làng Hoạch Trạch (làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, Hải Dương. Lúc nhỏ ông học Hán văn, rồi sau đó ông theo học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông tốt nghiệp Trường Thông ngôn ở Hà Nội năm 1904 và làm giáo viên Trường Bưởi31. Ông là người có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam như Tục ngữ phong dao, Truyện cổ nước Nam, Cổ học tinh hoa…
Năm 1934, khi đang là Đốc học Hà Đông, ông đã cùng Trần Trọng Kim, Lê Dư, Bùi Kỷ, Nguyễn Hữu Kha,… tham gia nhóm Phật Học Tùng Thư và đồng thời tham gia vận động thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Khi Hội chính thức được thành lập tháng 11 năm 1934, ông được cử giữ chức Phó Hội trưởng thứ nhất của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Ông đã có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng Phật giáo như viết bài dẫn kèm theo sổ quyền tiền làm chùa, hội quán, cùng bản đồ chùa Quán Sư gửi đi các nơi.
Ngoài việc tạm ứng tiền cho Hội làm chùa và nhà in, ông và gia đình còn cúng nhiều tiền cho việc làm chùa Quán Sứ. Ông cũng là người đề nghị đổi tên Đại biểu chi hội Phật giáo địa phương thành Đại lý. Trong thời gian từ năm 1939 đến năm 1942, ông được cử thay Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng Hội Phật giáo Bắc Kỳ32.
Một nhân vật nữa là Bùi Kỷ (1887-1960) cũng là một trí thức nho học uyên thâm có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Bùi Kỷ sinh ra và lớn lên trong một gia đình khoa bảng, ở làng Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Năm 1908, Bùi Kỷ thi đậu Cử nhân rồi năm sau đậu Phó bảng.
Từ năm 1910 đến năm 1912, ông sang Pháp học và đỗ bằng Thành Chung tại Trường Thuộc địa ở Paris. Tốt nghiệp về nước, ông không ra làm quan, chủ trương kinh doanh thực nghiệp, buôn hàng của ta đem ra nước ngoài bán nhưng thất bại, ông chuyển sang dạy Việt văn và Hán văn tại Trường Cao đẳng Sư phạm và Cao đẳng Pháp chính, Tư thục Thăng Long. Năm 1932, ông viết báo và làm sách, nghiên cứu về văn học và tiếng Việt. Năm 1934, ông cùng các học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Ngọc... tham gia Phật Học Tùng Thư rồi dự hội nghị thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ tháng 8 năm 1934.
Là một Phó bảng Hán học lại có Tây học nên Bùi Kỷ tiếp xúc giáo lý đạo Phật khá nhanh và trở thành một nhà nghiên cứu Phật học. Tuy viết không nhiều và chỉ viết vào những năm 1935 - 1937, nhưng những bài viết của Bùi Kỷ chứng tỏ ông là một người có một căn bản vững chắc về đạo Phật. Trong các bài đăng nhiều kỳ trên Đuốc Tuệ: Tôn chỉ đạo Phật (số 6-12), Học Tiểu thặng và Đại thặng (số 16-31) ...
Trong bài Nghĩa chữ “Không” trong đạo Phật (số 47-52), Bùi Kỷ cho rằng Đức Phật Tổ lập ra thuyết “Không” chính là để phá tan Tam giới tức Tam hữu (âm giới, sắc giới, vô sắc giới). Ông trình bày những lý luận thuộc về nghĩa chữ Không ở trong học Phật đó là nhị không gồm ngã không và pháp không. Bùi Kỷ cho rằng có nhiều người chưa hiểu nghĩa chữ không mà ngờ là quái đản, lại vì hiểu nhầm mà chê là yếm thế, cho nên ông mới đem nghĩa nhị không mà lược giải ra đây.
Theo ông thì “đạo Không là một triết lý rất quan thiết với cuộc sống, thấu suốt hẳn được đạo Không là bậc thánh, bậc Phật, hiểu được phần to trong đạo Không là hiền nhân quân tử, thể nhận được phần nhỏ trong đạo Không cũng đủ gỡ dần được mọi đường phiền não, làm cho tâm thần vui vẻ và nhẹ nhàng... chúng ta muốn tin đạo Không cần phải tự lĩnh hội lấy, mà hiểu nhận ra dần dần lại cần phải tinh tiến mà thực hành, rồi sẽ chứng đến cõi không”.
Lời bàn của Bùi Kỷ đến nay vẫn đúng. Bài báo của ông gây một tiếng vang lớn trong giới học Phật lúc bấy giờ. Bùi Kỷ tham gia Ban Biên tập báo Đuốc Tuệ tới cuối năm 1944. Tháng 2 năm 1945 tại Đại Hội đồng thường niên Hội Phật giáo Bắc Kỳ, ông được bầu vào Ban Cố vấn. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc và cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bùi Kỷ mất năm 196033.
Như vậy có thể thấy, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trên địa bàn cả nước giới đều đã có một bộ phận trí thức tương đối đông đảo tham gia vào công cuộc chấn hưng Phật giáo. Họ bao gồm cả hai nhóm trí thức Nho học và Tây học, trong đó đa phần là giới trí thức Nho học cấp tiến và Tây học, trong đó không ít trong số họ là những người có địa vị xã hội (quan lại, hoàng thân quốc thích, doanh nhân tư sản…), có sự ảnh hưởng lớn đối với quảng đại quần chúng.
Do đó, khi họ tham gia vào phong trào chấn hưng Phật giáo đã làm cho phong trào này chẳng những nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều hơn của quần chúng nhân dân, của giới Tăng, Ni mà còn kéo theo cả sự đồng tình của bộ máy chính quyền thuộc địa nữa. Có thể nói, chính sự góp mặt của giới trí thức (cả Nho học và Tây học) đã góp phần làm nên những thành công của phong trào chấn hưng Phật giáo và sự thành lập của các tổ chức Phật giáo trên khắp cả nước trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Rõ ràng, nếu không có sự tham gia của giới trí thức thì sẽ không có sự thành công của phong trào chấn hưng Phật giáo. Đồng thời, chính sự cộng tác của giới trí thức với các Tăng, Ni, Phật tử để trùng chấn đạo Phật cũng là một cơ duyên để giúp cho nền tảng, căn cơ của Nho giáo được lưu giữ, lắng đọng.
Mặt khác, sự tham gia của nhiều trí thức tân học vào phong trào chấn hưng Phật giáo cũng là mối nhân duyên để những yếu tố tiến bộ của hệ tư tưởng dân chủ tư sản có cơ hội được lan truyền, phổ biến trong cộng đồng. Song quan trọng hơn là vai trò và giá trị của chữ Quốc ngữ và nền Quốc văn mới thông qua phong trào chấn hưng Phật giáo cũng được nhận thức rõ nét hơn, được xây dựng, truyền bá trong quảng đại quần chúng. Bởi muốn dịch thuật và phổ biến kinh Phật thì không có cách nào khác, chính giới Tăng, Ni, Phật tử cũng phải thông thạo Hán học, Tây học và Quốc ngữ.
Do đó, họ cần các trí thức để đào tạo Tăng tài và dịch thuật, chú giải kinh Phật. Sự tham gia của các trí thức vào trong phong trào chấn hưng Phật giáo chính là mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ lẫn nhau trước những hoàn cảnh biến chuyển khó khăn lúc đó đối với cả trí thức và Phật giáo. Đây chính là mối nhân duyên tốt đẹp mang nhiều ý nghĩa giữa Phật giáo và tầng lớp trí thức Việt Nam cận đại.
TS. Phạm Minh Thế - Giảng viên Khoa Lịch sử Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG Hà Nội
1. Nguyễn Đại Đồng và Ph.D Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn, 2008, Phong trào chấn hưng Phật giáo - Tư liệu báo chí Việt Nam từ năm 1927 - 1938, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 15.
2. Đăng cổ tùng báo, số ra ngày 28-3-1907, tr. 2.
3. Chương Thâu, Triều Dương, Nguyễn Đình Chú biên soạn, 1976, Hợp tuyển thơ văn yêu nước - Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1930), Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 194.
4. Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương, Philippe Papin biên soạn, Đinh Xuân Lâm giới thiệu, (1997), Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr. 164-166.
5. Chương Thâu, Triều Dương, Nguyễn Đình Chú biên soạn, 1976, Hợp tuyển thơ văn yêu nước - Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1930), Sđd, tr.86, 87.
6 . Chương Thâu, Triều Dương, Nguyễn Đình Chú biên soạn, 1976, Hợp tuyển thơ văn yêu nước - Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1930), Sđd, tr. 159.
7. Trúc Hà (1928), “Nhà Nho có lẽ chịu sầu?”, Nam Phong tạp chí, số 130, tháng 6 năm 1928, tr. 561.
8.Đinh Xuân Lâm, chủ biên, 2012, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tập III, tr. 147.
9. Đinh Xuân Lâm, chủ biên, 2012, Lịch sử Việt Nam, Sđd, tập III, tr. 150.
10. Đào Duy Anh, 2003, Nhớ nghĩ chiều hôm, Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 303-304.
11. Đào Duy Anh, 2003, Nhớ nghĩ chiều hôm, Sđd, tr. 290.
12. Xem Phạm Minh Đức - Bùi Duy Lan, 2010, Đất và người Thái Bình, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 701-7
11. Xem thêm Mai Hồng, 2007, Đôi nét về văn Thiện đàn, Thông báo Hán - Nôm, bài trên http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=320&Catid=362.
13. Nguyễn Lang, 2000, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tập III, tr. 552.
14. Nguyễn Lang, 2000, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tập III, tr. 563.
15. Nguyễn Lang, 2000, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tập III, tr. 562-563.
16. Nguyễn Đại Đồng và Ph.D Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn, 2008, Phong trào chấn hưng Phật giáo - Tư liệu báo chí Việt Nam từ năm 1927 - 1938, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 16.
17. Thích Trí Hải, 2019, Tuyển tập Sa môn Trí Hải, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tập 1, tr. 237.
18. Thích Trí Hải, 2019, Tuyển tập Sa môn Trí Hải, Sđd, tập 1, tr. 239.
19. Thích Trí Hải, 2019, Tuyển tập Sa môn Trí Hải, Sđd, tập 1, tr. 237.
20. Nguyễn Đại Đồng và Ph.D Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn, 2008, Phong trào chấn hưng Phật giáo - Tư liệu báo chí Việt Nam từ năm 1927 - 1938, Sđd, tr. 15.
21. Nguyễn Đại Đồng và Ph.D Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn, 2008, Phong trào chấn hưng Phật giáo - Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, Sđd, tr. 16-17.
22. Thích Như Tịnh, 2008, Hành trang chư thiền đức xứ Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 284.
23. Nguyễn Đại Đồng và Ph.D Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn, 2008, Phong trào chấn hưng Phật giáo - Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, Sđd, tr. 22-23.
24. Thích Trí Hải, 2019, Tuyển tập Sa môn Trí Hải, Sđd, tập 1, tr. 243-244.
25. Nguyễn Lang, 2000, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tập III, tr. 556.
26. Võ Đình Cường, 1996, Sự đóng góp của người cư sĩ Phật tử trong công cuộc phát triển Phật giáo, Bài tham luận Hội thảo “Hướng Phát Triển Phật Giáo Việt Nam” - Trúc Lâm Thiền Viện, Pháp (http://cusi.free.fr/pgtd/chp0052.htm). Truy cập tháng 12 năm 2019. Xem thêm Nguyễn Lang, 2000, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tập III và Thích Trí Hải (2019), Tuyển tập Sa môn Trí Hải, Sđd, tập 1; Hòa thượng Thiện Hoa, 1970, Ghi ơn tiền bối - 50 năm (1920-1970) chấn hưng Phật giáo Việt Nam, bản pdf, tr. 14. Nguồn Thư viện Hoa Sen (http://thuvienhoasen.org).
27. Nguyễn Đại Đồng, 2011, Các cư sĩ trí thức Bắc kỳ với chấn hưng Phật giáo, Thư viện Hoa Sen (https://thuvienhoasen.org/a11394/cac-cu-si-tri-thuc-bac-ky-voi-chan-hung-phat-giao-nguyen-dai-dong). Truy cập tháng 12 năm 2019. Xem thêm Thích Trí Hải, 2019, Tuyển tập Sa môn Trí Hải, Sđd, tập 1, tr. 251-252.
28. Thích Đồng Bổn, 2011, Tiểu sử cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Thư viện Hoa Sen (https://thuvienhoasen.org/a11399/tieu-su-cu-si-thieu-chuu-nguyen-huu-kha-tt-thich-dong-bon). Truy cập tháng 12 năm 2019. Xem thêm bài của Nguyễn Đại Đồng, 2011, Các cư sĩ trí thức Bắc Kỳ với chấn hưng Phật giáo, Thư viện Hoa Sen (https://thuvienhoasen.org/a11394/cac-cu-si--tri-thuc-bac-ky-voi-chan-hung-phat-giao-nguyen-dai-dong).
29. Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, 2008, Địa chí Hải Dương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập II, tr. 572.
30. Nguyễn Đại Đồng, Thích Quảng Tiếp, 2017, Phật giáo Hải Dương những chặng đường, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 75-77.
31. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, 2008, Địa chí Hải Dương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập II, tr. 565.
32. Nguyễn Đại Đồng, Thích Quảng Tiếp, 2017, Phật giáo Hải Dương những chặng đường, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 79-81.
33. Theo Nguyễn Đại Đồng, 2011, Các cư sĩ trí thức Bắc Kỳ với chấn hưng Phật giáo, Thư viện Hoa Sen (https://thuvienhoasen.org/a11394/cac-cu-si-tri-thuc-bac-ky-voi-chan-hung-phat-giao-nguyen-dai-dong). Truy cập tháng 12 năm 2019.
Bình luận (0)