LTS: NHÂN DỊP KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP PHÂN VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM TẠI HÀ NỘI VÀ TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC. ĐỂ TỎ LÒNG TRI ÂN CÁC BẬC TIỀN BỐI ĐÃ CÓ CÔNG XÂY DỰNG VÀ DẪN DẮT PHÂN VIỆN VÀ TẠP CHÍ QUA CÁC THỜI KỲ, BAN BIÊN TẬP TRÂN TRỌNG GIỚI THIÊỤ VÀ TRÍCH ĐĂNG LẠI BÀI VIẾT: + "PHẬT GIÁO VỚI CÁCH MẠNG" CỦA GIÁO SƯ HÀ VĂN TẤN, VIỆN PHÓ PHÂN VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM TẠI HÀ NỘI (1990-2001), IN TRÊN NỘI SAN SỐ 1 NĂM 1991. + "PHẬT HỌC LÀ TUỆ HỌC" CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ TUỆ, VIỆN TRƯỞNG PHÂN VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM TẠI HÀ NỘI (2001-2005), IN TRÊN NỘI SAN SỐ 2 NĂM 1995.

NHÂN DỊP KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, VỊ ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, NHÀ VĂN HÓA LỚN, GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐÃ TỔ CHỨC HỘI THẢO “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐẠO PHẬT”. TÔI XIN ĐƯỢC THAM DỰ HỘI THẢO NÀY VỚI BẢN THAM LUẬN CÓ CHỦ ĐỀ “PHẬT GIÁO VỚI CÁCH MẠNG”.

Để mở đầu, tôi xin dẫn hai câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đạo Phật:

Câu thứ nhất: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”.

Câu thứ hai: “Đức Phật là đại từ bi cứu khổ cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma”.

Nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh đã viết như vậy về đạo Phật, cho chúng ta thấy rằng Phật giáo có khả năng đi với cách mạng và ngược lại, cách mạng có khả năng đi cùng Phật giáo.

Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến chúng ta nhớ đến lời của đức Phật trong Tương Ưng bộ kinh (Samyutta Nikãya): “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”.

Lý tưởng của đức Thế Tôn là xây dựng một xã hội hạnh phúc và an lạc. Đó là điều bất khả tư nghị. Mục tiêu của Phật giáo, như Hồ Chủ tịch đã nhắc lại, thật gần gũi với lý tưởng của người cộng sản chân chính, của chủ nghĩa xã hội.

Nếu ai đó cho rằng thế giới an lạc mà đức Thế Tôn đã chỉ ra là giấc mơ vời vợi của chúng sinh đau khổ thì xin cũng nhớ cho trong những tháng năm này dễ nhận ra rằng còn phải qua nhiều nỗi truân chuyên, lý tưởng cộng sản mới có thể thành hiện thực.

Nếu cách mạng - cách mạng dân tộc dân chủ ngày hôm qua và cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay - và Phật giáo đều có một cái đích là xây dựng một thế giới hạnh phúc, thì việc có thể cùng nhau đi tới các đích đó là điều hiển nhiên. Để đi tới cái đích đó, mỗi phía có thể có những phương pháp khác nhau, những cách suy nghĩ nhìn nhận không giống nhau, nhưng điều đó thì có hề chi?!

Khi viết những dòng này, tôi bỗng nhiên nhớ đến Mâu Tử, tín đồ Phật giáo ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Trong Lý hoặc Luận, Mâu Tử đã viết: “Xe và thuyền không đi cùng một lối, nhưng đều đưa người tới chốn”… “Vàng và ngọc không gây tỳ vết cho nhau, bích ngọc và mã não để chung nhau cũng không sao cả”. Đã gần 1800 năm trôi qua, nhưng ngày nay, khi bàn đến Phật giáo và cách mạng, chúng ta không thể không nhớ tới lời của Mâu Tử ở buổi đầu của Phật giáo Việt Nam.

Nhưng có lẽ không phải giữa cách mạng và Phật giáo chỉ gần nhau ở mục tiêu hay lý tưởng. Hẳn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói được điều chủ yếu của Phật giáo khi Người nhấn mạnh rằng đức Phật là bậc đại từ bi cứu khổ cứu nạn.

Cứu khổ cứu nạn cùng là - hay cũng phải là - công việc của cách mạng, nếu nó muốn tự biểu hiện là chân chính.

Trong một bài viết về tư tưởng Phật giáo, Giáo sư Trần Văn Giàu có kể rằng: “kinh nghiệm ở đời của tôi làm việc với anh em Phật giáo, tôn giáo mà gia đình tôi hầu hết tin theo, tôi thấy rằng mười vạn quyển kinh còn 2 hay 4 chữ, chứ không phải còn một chữ “không” hay không còn chữ nào”. Và bốn chữ này là cốt lõi của Phật giáo: "cứu khổ cứu nạn”. Và trước những người cố chứng minh lý thuyết Phật giáo là giống với lý thuyết Mác xít, người cộng sản bộc trực đó đã nói rất thẳng thắn “Đừng có lôi kéo Phật giáo về phía mình để cho to lên. Và tôi cũng không cần Phật giáo đứng về phe chúng tôi, mà cứ đứng về phe ông, miễn là các ông làm việc với chúng tôi: cùng cứu khổ cứu của lịch sử dân tộc Việt Nam”, và có những giai đoạn “hoạt động cách mạng cũng xuất phát từ nhà chùa”. Những lúc như vậy, theo tôi nghĩ, không còn vấn đề “phe”nữa, mà người Phật giáo đã đồng thời là người cách mạng.

Đức Thế Tôn đã từng đưa ra một hình ảnh đẹp trong kinh Pháp Cú (Dhammapada).

“Như chim thiên nga bay,

Thần thông liệng giữa trời

Chiến thắng Ma, ma quân,

Bậc trí thoát đời này”.

Tất nhiên, khi đức Phật và lý thuyết Phật giáo nói đến “ác ma”, là bao hàm cả những kẻ thù bên trong, những “ác ma” đã xuất hiện ngay trong tâm tưởng con người. Tôi nghĩ rằng những người cộng sản, những người cách mạng đều phải cảnh giác với loại “ác ma” đó, nhất là trong những giờ phút này, khi có một bộ phận những người cách mạng thoái hóa, đã để cho “ác ma” xâm nhập dần dần bản thân họ đã trở thành “ác ma” của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời nêu cao đạo đức cách mạng cũng là để ngăn chặn loại “ác ma” này.

Nhưng như chúng ta biết, khi giáo pháp bị xúc phạm, sự an lạc của chúng sinh bị đe dọa, Phật giáo cũng kêu gọi đứng lên chống lại các thế lực xâm hại từ bên ngoài. Điều này đã được trình bày khá rõ trong kinh Phạm Võng (Brahmajala), tôi thấy không cần nhắc lại. Tôi chỉ muốn nói đôi điều mà chắc là mọi người đã biết, về lịch sử Phật giáo Việt Nam, vì chỉ qua tấm gương của lịch sử, chúng ta dễ nhìn thấy sự gắn bó giữa Phật giáo và Dân tộc.

Từ buổi đầu du nhập, trong thời Bắc thuộc, Phật giáo đã được quần chúng đau khổ, mang khát vọng giải thoát, đón nhận một cách tự nhiên, hòa hợp với tín ngưỡng cổ truyền. Từ đây, ngoài tổ tiên, ông Trời và các thần linh của mình, người Việt có thêm một ông Bụt từ bi, hiền hòa, giúp người nghèo khó, bênh người oan ức. Cũng từ đây, lực lượng Phật giáo luôn tham gia tích cực vào việc giành lại nền độc lập cho đất nước. Ta hiểu vì sao Lý Bí, khi lên ngôi năm 544, lập nước Vạn Xuân đã dựng chùa Khai Quốc (tức mở nước), nay là chùa Trấn Quốc (Hà Nội). Ta hiểu được vì sao Lý Phật Tử, như tên gọi, là đệ tử của Phật, trở thành một thủ lĩnh chống ách đô hộ và xâm lược. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc thuở đó, còn có những tên tuổi như thiền sư Định Không, thiền sư La Quý An... Do đó, ta hiểu được vì sao Phật giáo có địa vị to lớn sau khi đất nước giành lại quyền độc lập từ thế kỷ X. Nhiều nhà sư thời Đinh, Lê, Lý đã có công lao giúp nhà vua trong công việc đối nội, đối ngoại. Nhiều nhà sư và cư sĩ thời Trần đã từng lên yên ngựa dẹp giặc Nguyên hung hãn. Họ đã là những anh hùng dân tộc.

Trong thời kỳ cận đại và hiện đại, khi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, lực lượng Phật giáo chân chính bao giờ cũng đứng vào hàng ngũ những người yêu nước. Tên tuổi các nhà sư yêu nước này thật không kể xiết. Chúng ta đã biết nhà sư Võ Trí, quê Bình Định, đã tổ chức cuộc nổi dậy chống thực dân phong kiến ở Phú Yên năm 1898, đã bị bắt và bị xử tử. Chúng ta cũng đã biết nhà sư Vương Quốc Chính, quê Cổ Am, Hải Dương, trụ trì tại chùa Ngọc Long Động ở Chương Mỹ, đã tổ chức cuộc nổi dậy đánh vào Hà Nội năm 1898. Nhà sư Cao Văn Long quê Bến Tre, trụ trì chùa Núi Cấm vùng Thất Sơn, đã là linh hồn của cuộc khởi nghĩa đánh vào Sài Gòn năm 1916.

Sư Trí Thiền Hoàng Văn Đồng, trụ trì chùa Tam Bảo ở Rạch Giá đã bị đày ra Côn Đảo rồi hy sinh tại đó. Sư Thông Hòa ở chùa Đồng Kỵ đã hết sức giúp đỡ các đồng chí Trung ương Đảng Cộng sản thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám.

Không kể xiết và cũng chưa biết hết. Có lẽ đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tổ chức cho các địa phương ghi chép lại lịch sử các nhà tu hành và các đệ tử đã hết lòng vì dân, vì nước, vì đạo, để làm rực sáng thêm những trang đẹp đẽ của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Chúng ta cũng biết đến những nhà sư yêu nước và phong trào Phật giáo thời kỳ chống Mỹ. Như đồng chí Trần Bạch Đằng đã có lần đề cập:

“cái tinh túy của đạo Phật được phát huy, được luân lý dân tộc chấp nhận. Đó là hình ảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, một kỳ công không dễ gì có được, là hun đúc của lịch sử, là tinh hoa của Phật giáo, tới tầm cỡ thế giới không dễ gì có được, nhất là nhìn hình ảnh Ngài đến lúc trái tim không còn hoạt động nữa”(1)

Như vậy, từ nguyên lý cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo, từ tinh thần yêu nước của Phật giáo Việt Nam hun đúc qua dặm dài của lịch sử chống xâm lược, Phật giáo đã luôn luôn gắn bó với lợi ích dân tộc, Phật giáo đã tham gia cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trước đây và giờ đây, tham gia cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong phong trào bảo vệ hòa bình, đấu tranh cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân hiện nay, Phật giáo có vai trò tích cực nhờ phát huy có hiệu quả những tư tưởng chống chiến tranh, yêu hòa bình vốn có của Phật giáo.

Theo tôi nghĩ, người cách mạng, người cộng sản, cần nhìn vào lịch sử dân tộc, lịch sử Phật giáo Việt Nam mà nhận thức rõ ràng những cống hiến của Phật giáo.

Tôi muốn nói điều này, vì hiện nay, trong mối quan hệ Phật giáo và cách mạng, không phải không còn những điều ngộ nhận.

Có những người hẹp hòi, chỉ nhìn vào những hiện tượng, những nhân vật phản dân, phản đạo, mà đánh giá thấp vị trí của Phật giáo đối với cách mạng. Xin thưa rằng sự phân hóa người tốt, người xấu là một sự thường tình, thời nào chẳng có. Xưa kia, vào buổi cuối Lê, ta biết đến một nhà sư Nguyễn Dương Hưng nổi dậy cùng với dân nghèo, lại biết đến một nhà sư Bùi Đăng Tương thống lĩnh quân đội dàn áp nông dân. Còn gần đây, như lời kể của Trần Bạch Đằng, "nhớ tết năm nào, một xe cam nhông chở đầy hoa đào từ Đà Lạt về trang trí nhà Thích Tâm Châu, thì thầy Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa Đạo mang tay nải ra bến xe để về Trà Ôn(2). Không nên vì những sự phân hóa đó mà ta có một cái nhìn khác về Phật giáo. Cũng như hiện nay, trong những người cách mạng, những cộng sản, xuất hiện những kẻ cơ hội hay bạo chúa mới. Nhưng điều đó không ngăn cản niềm tin vào một lý tưởng cộng sản chân chính, một chủ nghĩa xã hội nhân bản.

Mặt khác, ngược lại, không ít sự hiểu lầm về quan điểm Mác xít đối với tôn giáo, về đường lối của Đảng Cộng sản đối với tôn giáo. Hôm nay, không phải là lúc để trình bày các vấn đề này. Nhưng theo chỗ hiểu biết của tôi thì lý thuyết Mác xít chưa bao giờ đặt vấn đề loại bỏ tôn giáo trong đời sống hiện thực. Ngay từ những tác phẩm sớm, như Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Heghel, Mác đã yêu cầu chấm dứt sự phê phán tôn giáo như phái Heghel trẻ đã làm mà hướng tới “sự phê phán cái biển khổ”, tức đời sống thực của xã hội tư bản. Cũng từ tác phẩm này, ta biết đến mệnh đề của Mác: “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Đây là một mệnh đề bị ngộ nhận nhiều nhất. Người ra cho rằng Mác đã bài xích tôn giáo, coi tôn giáo là thuốc độc, hoàn toàn không phải thế. Nếu đặt mệnh đề của Mác vào văn cảnh của nó, ta sẽ thấy suy nghĩ trên là không phù hợp. Thuốc phiện nói tới ở đây chỉ là thứ thuốc giảm đau. Tôi nghĩ rằng Michele Bertrand hoàn toàn có lý, khi lưu ý chúng ta rằng ở thế kỷ XIX, thuốc phiện dùng phổ biến trong các hiệu thuốc để làm thuốc giảm đau (analgésique)(3), chứ không phải như ma túy sau này. M. Bertrand còn cho biết rằng trước Mác, nhà triết học Kant đã ví tôn giáo với thuốc phiện, với ý nghĩa là tôn giáo xoa dịu sự đau khổ.

Không nên hiểu lầm Mác cũng như lý thuyết Mác xít về tôn giáo. Tuy nhiên, ngay cả người sáng lập Chủ nghĩa Mác - Lê nin cũng nghĩ rằng lý thuyết phải được hoàn thiện qua thực tiễn và được áp dụng sáng tạo vào thực tế. Tôi không nghĩ rằng mọi chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo là không còn vấn đề gì phải bàn, mà hẳn là giờ đây, cần phải hoàn thiện chúng trong tình hình đổi mới của đất nước.

Nhưng chúng ta có thể tin tưởng vào sự áp dụng lý thuyết Mác xít về tôn giáo vào Việt Nam qua mẫu mực thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết được các lực lượng tôn giáo, trong đó có Phật giáo, trong công cuộc bảo vệ đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người làm được điều đó vì Người là nhà cách mạng chân chính, người anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn. Trong Người, có cả dân tộc và nhân loại.

Chúng ta bỗng nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên trong bài “Bể và Người”.

“Xưa Phật ra đi bốn ô cuộc đời nghe vị đắng cay,

Hải triều âm xé lòng người cứu thế,

Nay trăm tiếng nói màu da nhìn kiếp đọa đày,

Bác đã gặp giữa thủy triều người, nhân loại bể”

Ngày nay, Phật giáo Việt Nam tin tưởng vào đường lối cách mạng và cách mạng đánh giá cao cống hiến của Phật giáo, vì chúng ta nhớ lời dạy và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Giải Phóng, cũng có nghĩa là Người Cứu Khổ.

Tháng Năm, 1990

Tác giả: Giáo sư sử học [Hà Văn Tấn] Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2020

CHÚ THÍCH: (1) Trần Bạch Đằng, mấy vấn đề về nghiên cứu Phật giáo và lịch sử tư tưởng dân tộc. Trong Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Hà Nội, 1986, tr 22 - 23 (2) Xem (1) tr 4. (3) Michele Bertrand, Le statut de la religon chez Marx et Engels, Esditions Sociales, Paris 1979, p.48 – 49.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Trần Bạch Đằng, Mấy vấn đề về nghiên cứu Phật giáo và lịch sử tư tưởng dân tộc. Trong Mẫu vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Hà Nội, 1986 , tr.22 - 23. 2. Michele Bertrand, le statut de la religion chez Marx et Engels, Éditions Sociales, Paris 1979. p.48 - 49.