Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Chính sách đối với Phật giáo của Vương triều Nhà Nguyễn

Chính sách đối với Phật giáo của Vương triều Nhà Nguyễn

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Năm 1845, tháng 7 đặt đàn chay trọng thể tại chùa Diệu Đế, Huế. Sai thống chế Tôn Thất Nghi, Tham tri Lý Văn Phức đôn đốc công việc. Vua nói: ta lập nên chùa này, vì dân cầu phúc, nay thợ xây dựng xong gặp ngày tiết Vu Lan nên mở một đám chay to cầu cho Thánh Tổ mẫu, nhân Tuyên từ khánh hoàng thái hậu sống lâu thêm tuổi, hưởng mãi phúc lành…

NNC Nguyễn Lâm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

(tiếp theo số tháng 3 – 2023 (179)

Thời Thiệu Trị (1841-1847)

Hai mươi năm trị vì vua Minh Mạng đã ban hành những chính sách cơ bản đối với Phật giáo, tạo điều kiện cho Thiệu Trị tiếp tục thi hành những chính sách trên với độ thông thoáng cởi mở hơn.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Chinh Sach Doi Voi Phat Giao Cua Vuong Trieu Nha Nguyen 1

Chùa Quốc Ân, Huế – Ảnh: St

1. Việc lập đàn chay

Tân Sửu (1841) Thiệu Trị nguyên niên, xuống dụ: các chùa Tam Thai, Từ Tâm, Ứng Châu ở Ngũ Hành Sơn tỉnh Quảng Nam, và các động Hoa Nghiêm, Vân Tang cùng sơn thần ấy, từ trước tới nay vẫn có tiếng linh ứng, chuẩn phái viên Tư vụ ở Thị vệ trưởng và Thanh cẩn tư đều 1 người, do đường trạm đến ngay quan tỉnh ấy chi tiền kho ra 300 quan và mua sắm cỗ chay, chọn ngày tốt, lấy ngày 15 tháng 3 tụng kinh 3 ngày đêm ở chùa ấy động ấy, lại mua sắm xôi lợn đèn hương, tế các Thần kỳ ở núi ấy đều 1 tuần, lại dụ: nay gặp tang hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế ta(1), nhớ đến chùa Khải Tường ở tỉnh Gia Định là đất quý phát điềm hay, chuẩn đến tháng 10, chọn ngày tốt, trước hoặc sau ngày Hạ nguyên, tụng kinh 1 tuần 7 ngày ở chùa ấy…chuẩn Bộ Lễ tư xuống tuân chiểu, hết lòng biện lý, sao cho được chu đáo, ngày khai đàn cho đến khi xong việc làm chay, chuẩn cho Tổng đốc tỉnh ấy và các viên Bố chính, Án sát đổi nhau lần lượt lễ bái, để tỏ ra thận trọng, khi xong việc chi các hạng hết bao nhiêu, cứ thực kê thanh toán.

Nhâm Dần (1842), năm thứ 2, dụ: Năm nay có việc với nước láng giềng, đại giá Bắc tuần… chuẩn đặt đàn chay thủy lục lớn ở chùa Thiên Mụ, lấy tháng sau, chọn ngày tốt, khai đàn tụng kinh chúc phúc đủ 1 tuần 7 ngày, để tỏ rằng thu phúc lại mà ban ra, nhưng chuẩn phái Thự Thống chế Tôn Thất Đường, Lễ bộ Tả thị lang Trương Quốc Dung đổng lý việc ấy, đều phải nhận rõ chức trách làm việc cho được chu đáo.

Lại xuống dụ: tiết Trung nguyên năm nay (15-7) 1842, đặt đàn chay thủy lục ba bảy 21 ngày ở chùa Thiên Mụ, ó chỉ sai các quan Tả đô thống phủ Vũ khê tử Tôn Thất Bật, Vũ lâm dinh Tả dực Nguyễn Trọng Tính, Lễ bộ Tả tham tri Lý Văn Phức đổng lý việc này, …phàm ác người Tôn thất quá cố đi, và trận vong tướng sĩ từ phương Nam có việc đến nay, lại lần này những nhân viên theo đi hộ giá gián hoặc có người không may mà chết phải nên phả độ tất cả, để yên linh hồn, gia ân trong đàn cùng đón ba bảy 21 ngày đầy đủ rồi, chuẩn các nhân viên đổng lý lại đặt đàn tụng kinh cầu siêu độ 1 tuần 7 ngày nữa, đến ngày

tan đàn chay, chuẩn chi lại sẽ đặt 2 đàn, những Tôn thất quá cố đi riêng ra 1 đàn, tướng sĩ trận vong ở Nam Bộ và nhân viên theo đi hộ giá mà chết hợp làm 1 đàn, đều ban tế 1 lần.

Tháng 9 năm 1842, lại dụ rằng, nay phụng Thánh tổ Mẫu nhân tuyên từ khánh Thái hoàng thái hậu khánh thể thêm khỏe mạnh, đi lại yên lành, thực là phúc trạch rộng sâu, lòng ta khôn xiết vui mừng. Chuẩn lấy ngày tốt là mồng 3 tháng 10 mở đặt đàn chay chúc phúc ở chùa Giác Hoàng, tụng kinh 1 tuần 7 ngày, để cầu cho Thánh thọ thêm mạnh lâu hưởng phúc lành. (tức mừng thọ cung Từ Thọ).

Lại dụ: tháng 12 năm nay gặp lễ tường hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế(2). Đến kỳ, thấy ngày nay tiết sương lộ(3) đã xuống, cảm động hết mực. Chuẩn lấy ngày 14 trước tiết Hạ nguyên là ngày tốt, mở đàn chay ở chùa/quán Linh Hựu, tụng kinh 1 tuần 7 ngày, để giãi ở đạo hiếu dâng cầu.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Chinh Sach Doi Voi Phat Giao Cua Vuong Trieu Nha Nguyen 2

Chùa Thuyền Tôn, Huế – Ảnh: St

BÀI LIÊN QUAN:

Chính sách của vua Thiệu Trị đối với Phật giáo

Quan điểm và chính sách Phật giáo của vương triều Nguyễn

Quan điểm và chính sách Phật giáo của chúa Nguyễn và vương triều Tây Sơn

Chính sách của chúa Trịnh đối với Phật giáo

Giáp Thìn 1843, mùa Thu, xuống dụ: Những danh lam thắng tích ở núi Thúy Vân. Khâm phụng hoàng khảo ta trung tô xây dựng lại để ghi nhớ là chùa Thánh Duyên, đến ngày sau gặp tiết Vu Lan, càng thiết động lòng hiếu, chuẩn lấy ngày mồng 9 tháng ấy, tụng kinh 1 tuần 7 ngày, hải hội trang nghiêm, để giải tỏ lòng hiếu cầu.

Năm thứ 4 (1844), xuống dụ: ta nhớ 2 năm lại đây, các địa phương từ tỉnh Nghệ An trở vào Nam, nhân dân gián hoặc có cảm nhiễm chứng vào lệ khí, và những người nhiều lần sai phái đi đường bể gặp không may, rất là thương xót, phải nên cầu cho siêu độ để rộng duyên lành. Chuẩn sau tiết Vu Lan, mở đạo tràng 1 tuần 7 ngày ở chùa Diệu Đế, tụng kinh, cầu cho siêu độ, để yên ủi linh hồn mà tỏ rõ đạo nhân hậu.

Lại dụ: ấp Xuân Lộc ở phía Đông kinh thành (Phú Xuân), nguyên là vườn nhà của Phúc Quốc Công (tức Thiệu Trị khi chưa làm vua). Vốn là đất phát phúc, đã chuẩn y lời bàn của Bộ (Lễ), lập nên ngôi chùa, vì dân cầu phúc, mới đặt tên chùa là Diệu Đế. Hiện nay công việc đã xong, tháng sau gặp tiết Vu Lan, phụng Thánh tổ Mẫu nhân tuyên từ khánh Thài hoàng thái hậu ta phúc lớn, thêm nhiều tuổi tiên cao mãi, thực là phúc đức to rộng, lòng ta không xiết vui mừng. Chuẩn lấy ngày mồng 9 tháng 7 là ngày tốt, mở đàn chay lớn chúc phúc 1 tuần 7 ngày đêm ở chùa Diệu Đế, để cầu tăng thêm thánh thọ, lâu hưởng phúc lành, trời đất đoái thương thọ khảo hợp điền, phổ nguyện cho năm được mùa, sông thuận dòng, nước thịnh dân yên, cùng hưởng hạnh phúc thái bình.

Năm thứ 5 (1845), dụ: lần này bảo tháp Phúc Duyên ở chùa Thiên Mụ xây dựng lên đã xong. Tháng sau gặp tiết Vu Lan, đã có chỉ chọn ngày mồng 9 là ngày tốt, mở đàn chay lớn thủy lục chúc phúc ở chùa ấy, tụng kinh đều 1 tuần 7 ngày, mưa phép rộng khắp, cùng xa gần để ra ơn thuyền TỪ thênh thang, hợp âm dương mà cùng độ. Nhân nghĩ đến các nhân viên Tôn thất đã quá cố đi, phải nên phổ độ tất cả để cho yên ủi linh hồn, chuẩn cho sau khi đàn chay lớn đã đầy đủ rồi, lại mở đạo tràng 1 tuần 7 ngày nữa tụng kinh cầu siêu độ, để rộng duyên lành, mà tỏ hậu đạt.

Năm 1845, tháng 7 đặt đàn chay trọng thể tại chùa Diệu Đế, Huế. Sai thống chế Tôn Thất Nghi, Tham tri Lý Văn Phức đôn đốc công việc. Vua nói: ta lập nên chùa này, vì dân cầu phúc, nay thợ xây dựng xong gặp ngày tiết Vu Lan nên mở một đám chay to cầu cho Thánh Tổ mẫu, nhân Tuyên từ khánh hoàng thái hậu sống lâu thêm tuổi, hưởng mãi phúc lành… tụng kinh một tuần 7 ngày. Lại đặt đàn phổ độ cho vong nhân. Có nhà sư họ Hứa hiệu là Liễu Tính vào cửa thiền từ 5 tuổi, hiểu đạo Phật được sâu cầm gậy tích trượng sang phương Nam, trụ trì chùa này, vua khen ngợi, cho hiệu là Tịch Cốc tăng.

Tháng 5 năm 1846 lập đàn chay chúc phúc các chùa trong kinh (chùa Giác Hoàng, Diệu Đế, Thiên An) đều đến tụng kinh chúc mừng 7 ngày đêm. Vua cấp tiền cho các sư chùa đó, như: sư các chùa tỉnh Quảng Trị 199 quan; Tăng cương Nguyễn Văn Thường 500 quan) (Đại Nam thực lục chính biên).

Năm thứ 6 (1846), xuống dụ: nay phụng Dao Cung (bà nội Thiệu Trị), ngũ đại đồng đường, tuổi tiên tới tuần tám chục: Năm nay lại gặp thọ tiết tứ tuần của ta, phúc thêm khắp gầm trời mừng vang cả bốn biển, trẫm trên chúc từ thọ dưới vì muôn dân cầu phúc. Nhân nhớ đến 2 chùa Giác Hoàng và Diệu Đế là 2 cơ sở phát phúc, chùa Thiên Mụ cũng là nơi thắng tích chung linh từ khi mới mở nước, Kỳ viên(4) như mặt trời sáng bảo tháp như đám mây đen, đó là cảnh Đâu Xuất(5) đất Như Lai, nay lấy tiết mồng 8 tháng 4 là ngày Phật đản, mở đàn chay lớn ở chùa Giác Hoàng; tiết tốt giữa trời trong tháng khánh tiết là ngày mồng 1 tháng 5, mở đàn chay lớn ở chùa Diệu Đế; Hội Vu Lan sau khánh tiết là ngày mồng 9 tháng 7, mở đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ, đều tụng kinh đủ 1 tuần 7 ngày, để mở rộng NHÂN trước, nên tỏ ÂN TỪ, cho phúc khắp cả con cháu, ban ơn đến cả cõi xa, cho được cùng vui cảnh thái hòa đều lên cõi nhân thọ.

Lại xuống dụ: năm nay ta hưởng thọ tứ tuần, doanh hoàng hợp khánh(6), mặt đất mừng vui, đã chuẩn chi các nơi chùa công, mở đàn chay lớn mừng chúc từ minh, vì thiên hạ muôn dân cầu phúc, nay cứ Bộ tấu chuyển, cứ tỉnh Quảng Trị tâu nói: tỉnh hạt ấy có chùa Tịnh Quang và chùa 3 xã Cổ Trai, Trung An, Trung Kiên bọn tăng chúng trụ trì tình nguyện tụng kinh chúc phúc, như thế do ở tấm lòng chân thành, cũng đáng khen thưởng gia ân, chuẩn cấp 100 quan tiền, do quan tỉnh ấy chi tiền công ra chước lượng chia cấp, để cung vào việc chi phí về hương nến trong đàn chay các chùa ấy.

Lại tỉnh Quảng Bình tập tâu lên nói: phường Thuận An tỉnh ấy tình nguyện xin đặt đàn chúc phúc ở chùa, sắc cho 2 chữ Hoằng Phúc, phụng chỉ; cứ tấu, phường ấy tình nguyện đặt đàn chúc phúc, tấm lòng tôn thân như thế thực đáng gia ân, thưởng cho 200 quan tiền, nhưng do lĩnh ở kho tỉnh ấy, để cung vào sự hương nến cần dùng trong đàn chay.

Lại tỉnh Quảng Bình tập tâu: dân ấp Tráng Tiệp trong hạt ấy, tình nguyện đặt đàn chay chúc phúc (sắc cho 2 chữ Cảnh Tiên) để phụ tấm lòng Tôn thân, các lời lẽ ấy, phụng chỉ: cứ tấu, chùa ấy tình nguyện tụng kinh chúc phúc do tự tấm lòng chân thành như thế, cũng đáng gia ân, chuẩn cấp cho 100 quan tiền, do lĩnh ở kho tỉnh ấy để cung vào sự hương nến cần dùng trong đàn chay.

Năm thứ 6 (1846), xuống dụ: lần này chuông lớn ở chùa Diệu Đế đúc xong. Tiếng chuông kêu to vang đến 108 nơi chốn, siêu độ tuyên bố từ bi thế giới 3000, bao hàm rộng sung công đức, chuẩn lấy tháng sau, mở đàn chay lớn ở chùa ấy, tụng kinh 1 tuần 7 ngày, cầu bạt độ cho các bậc tôn nhân xa gần đã quá cố đi, chuẩn phái Công Bộ hữu thị lang kiêm nhiếp Tôn nhân phủ hữu tôn khanh Tôn Thất Cáp phụng sung Đổng lý công việc, đến ngày khai sinh, chuẩn cho viên Đổng lý ấy, chọn sắn ngày tốt trước tấu biện, tất cả các việc phải làm chuẩn hội đồng với Bộ Lễ, tra xét điển lệ, án theo khoản mà làm.

Năm thứ 7 (1847), gặp lễ tiết Trung nguyên ở Dao Cung, phụng chỉ dụ: chuẩn đặt đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ, tụng kinh ba bảy 21 ngày, trước kỳ ấy vào ngày 25 tháng 6 gặp ngày tốt khai kinh; đến ngày Trung nguyên tháng 7 thì đầy đủ, sự thể rất là long trọng, chuẩn cho 6 bộ và Đô sát viện, đều phái 1 người theo các viên Đổng lý sai phái làm việc sao cho được chu đáo.

Lại xuống dụ: chuẩn sau khi đầy đủ ba bảy 21 ngày đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ, sẽ đặt đàn chay cầu siêu độ 1 tuần 7 ngày, phàm từ năm Thiệu Trị thứ 1 đến nay có những tướng sĩ lần lượt theo đi đánh giặc ở phương Tây bị chết trận hoặc chết bệnh, gia ân đều liệt vào hàng thờ tự, và các biền binh mùa xuân năm nay đi thuyền ở các cửa bể Đà Nẵng bị lỡ việc, chuẩn gia ân cũng dự hàng thờ tự để yên ổn linh hồn mà tỏ hậu đạo.(7)

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Chinh Sach Doi Voi Phat Giao Cua Vuong Trieu Nha Nguyen 3

Chùa Quảng Tế, Huế – Ảnh: St

Đối với các Tăng đạo chùa công

Thiệu Trị nguyên niên (1841), dụ: Lần này gọi tập hợp đến có nhà sư ở chùa tỉnh Quảng Bình là Đoàn Văn Thu, nhà sư ở chùa tỉnh Bình Định là Bùi Văn Linh nay hiện đã đến kinh sư, chuẩn gia ân, mỗi tháng cấp mỗi người 2 quan tiền, 1 phương gạo, còn đồ đệ mỗi người đều 1 phương gạo, để giúp cho sự chi dùng.

Lại chỉ dụ: Lần này những người ứng hạch tuy không có ai xuất sắc cho lắm, nhưng tựu trung cũng có người kia hơn người này, không nên nhất khái khắt khe. Những nhà sư dự vào hàng Xảo thông là Mai Thanh Hải, Đoàn Trọng Túc, Nguyễn Duy Đinh 3 người; hơi quen pháp lục là Nguyễn Đức Vân, Lê Văn Ngọ, Lê Văn Thân và Nguyễn Hữu Kiến 4 người, cộng là 7 người chuẩn cho chiểu theo nghề nghiệp của mình phái đến chùa Giác Hoàng, đền Linh Hựu làm việc, đều chiểu cấp hàng tháng 1 quan tiền 1 phương gạo, để giúp cho sự chi dùng, còn thì đều cho về.

Năm thứ 2 (1842), chuẩn lời tâu: Tăng cương chùa Giác Hoàng là Nguyễn Tâm Đoan chuẩn chiểu như lệ sư Nguyễn Nhất Định, tháng cấp 3 quan tiền, 1 phương gạo.

Năm thứ 4 (1844), chuẩn lời tâu: chọn lấy 20 người Tăng chúng trong các chùa công ở kinh và ở chùa các núi, sung bổ vào chùa Diệu Đế, chiểu lệ cấp giới đao độ điệp, để sung vào thừa biện.

Lại chuẩn lời tâu: các đền chùa Giác Hoàng, Thánh Duyên, Linh Hựu, Tăng chúng hiện còn thiếu 14 người, cho bọn Tăng cương trụ trì chọn những người xuất gia từ thuở nhỏ, hơi thông khoa sư phậm, sung bổ vào chỗ tăng chúng khiếm khuyết trong các đền chùa ấy. Sau đây nếu có khuyết do bọn Tăng cương trụ trì ấy lựa chọn ra, cam kết bẩm lên Bộ Lại gia phúc trạch phê lấy đủ số, làm lệ vĩnh viễn.

Đối với chùa tháp các tỉnh

Thiệu Trị năm đầu (1841), chuẩn lời tâu: chùa Sùng Ân ở tỉnh Hà Nội đổi làm chùa Hoằng Ân, lập văn bia.

Năm thứ 2 (1842), xuống dụ: Tỉnh Quảng Trị là Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta bắt đầu dựng đô ở đấy (chúa Tiên Nguyễn Hoàng), dân trong hạt có 3 phường An Định Nha, An Hương và Phương Xuân nhớ đến công đức dựng lên ngôi chùa Long Phúc, thuế thời bái vọng. Khoảng thời Minh Mạng phụng thánh giá tuần hạnh địa phương tỉnh Quảng Bình, có sai làm lễ ở chùa ấy, lần này ta nhân Bắc tuần, đường đi qua hạt ấy, thần linh cảm cách lòng thiết xem trông, chuẩn phái Thự Lại bộ lang trung Tôn Thất Cáp cùng với Tuần phủ tỉnh ấy hoặc 1 viên Án sát, kính mang hương, lụa là của trong kho và sắm sửa của phẩm, chọn ngày tốt, lấy ngày 27 tháng này, kính đến chùa làm lễ, để tỏ ý tốt, nhớ mến công đức đời trước.

Lại dụ: Hoằng Phúc ở tỉnh Quảng Bình, là do các tiên đế dựng lên, công trình rực rỡ, để mãi ở chùa cảnh. Khoảng năm Minh Mạng vàng được hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế ban thưởng cấp, lại được ban cho tên hay, thực là thắng tích chỗ cảnh Phật, lần này xa giá Bắc tuần đi qua đất ấy, trông thấy chùa cảnh, nhớ đến công đức đời trước, chuẩn cấp 300 quan tiền gạo, quan địa phương chuyển phát cho dân xã và các vị Lạt ma, trong chùa ấy, chuẩn cho chiểu các việc trong chùa, tùy mà chi biện, để được thấm nhuần ân mới.

Hành trình Bắc tuần của vua Thiệu Trị

Ngày Tân Dậu, tháng giêng năm Nhâm Dần (1842), vua tới yết Hiếu lăng và Hiếu Đông lăng kính cáo về việc Bắc tuần.

Ngày Tân Mùi, xa giá từ Kinh ra đi. Đến tế lễ tại chùa Long Phúc tỉnh Quảng Trị. Vua nói vua Minh Mệnh từng tuần hành qua đó, sai quan vào tế, bèn sai quan Lang Trung Tôn Thất Cấp và quan tỉnh Quảng Trị đến làm lễ. Tới trạm Tự Lập lên đường bộ đi tới bến Thuận Trạch. Qua chùa Hoằng Phúc, tỉnh Quảng Bình do vua Gia Long dựng đặt tên là Kính Thiên, vua Minh Mệnh Bắc tuần đổi tên là Hoằng Phúc.

Từ Hà Tĩnh đi thuyền ra Nghệ An.

Ngày Canh Dần tới hành cung Thanh Hóa vua về thăm Gia Miêu ngoại trang ở huyện Tống Sơn là quê hương nhà vua. Thấy ngôi đình làng còn lợp bằng cỏ tranh, bèn cho 500 quan tiền sửa lợp lại.

Ngày Giáp Ngọ xa giá tới tỉnh thành Ninh Bình, lên núi Dục Thúy xem thơ, đổi tên núi là Hộ Thành. Sai đặt súng thần công trên núi.

Ngày Ất Mùi đến hành cung Lý Nhân – hành cung Hưng Yên. Ngày Đinh Dậu, xa giá đến hành cung Bến sông Hà Nội.

Vua ngự chơi ở chùa Trấn Quốc đổi tên thành Trấn Bắc, cấp cho 200 quan tiền; 2 chùa Hoằng Ân (Ngũ Xã, Hà Nội) và Phật Tích (tức chùa Thầy huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây) cũng được cấp bằng ấy tiền.

Trên đường về Kinh sư

Vua đến chơi núi Địch Lộng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thăm chùa Cổ Am (trước đây vua Minh Mệnh năm thứ 2 (1822) đã tới thăm, năm thứ 3 ban thưởng tượng Phật, chia cấp bạc lạng cho việc thờ. Vua Thiệu Trị nói: “Chỗ này là chỗ phúc địa của nhà Phật”

Ngày Nhâm Ngọ, tới hành cung Đông An, quan tỉnh Thanh Hóa xin vua ngự giá thăm các động Lục Vân, Bích Đào (Từ Thức gặp tiên) vua nói: “không phải là cái thích, hà tất lên xem”!, bèn sai đi tiếp đến sông Hà Trường (Lạch Trường).

Ngày Giáp Thân ngự giá tới hành cung bến sông Lam Nghệ An. Ngày Ất Dậu đến hành cung tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày Kỷ Sửu đến Quảng Trị; ngày Canh Dần đến kinh sư,

Ngày Nhâm Thìn, thân đến điện Hiếu Tư, làm lễ kính tế, kính cáo về việc Lễ Bang giao (với sứ Thanh) đã làm xong.

Đợt ngự giá ra Bắc năm 1842 nhà vua làm 173 bài thơ trong đó có bài về chùa Hoằng Phúc tỉnh Quảng Bình; Lầu Tĩnh Bắc và quán Thân Vũ ở Hà Nội đều cho khắc vào hoành biển treo lên trên cửa.

Năm 1843, vua đổi tên tỉnh Thanh Hoa là tỉnh Thanh Hóa. Trang 586 viết: về Lệ các lễ dâng cúng ở chùa Thánh Duyên, quán (chùa Linh Hoa) do Thị vệ sứ chiếu phát; ở các chùa Thiên Mụ, Giác Hoàng do Bộ Hộ chiếu phát; dâng cúng trong ngày khánh đản chư Phật, ngày tiết tam nguyên.(8)

(còn tiếp)

NNC Nguyễn Lâm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

***

CHÚ THÍCH:
(1) Chỉ đám tang vua Minh Mạng.
(2) Tức via Minh Mạng 1791-1841, lên ngôi từ năm 1820.
(3) Còn gọi là Tiết Sương giáng, là tiết thứ 18 trong 24 tiết khí, là tiết khí cuối cùng của mùa Thu cho thấy không khí bắt đầu trở lạnh với những làn sương giá buốt xuất hiện ngày càng dày đặc.
(4) Kỳ Đà thái tử cúng cho Phật một khu vườn để làm tịnh xá, nên sau phàm cảnh đất Phật thường gọi là Kỳ viên
(5) Một tầng trời ở trong sắc giới.
(6) Tháp là nơi chứa nhục thân của các vị cao tăng, trụ trì. Thường thì các vị trụ trì, tăng chúng sinh hoạt tại chùa nào, khi qua đời tùy theo chức vụ phận sự sẽ được xây tháp tại chùa đó. Có một trường hợp đặc biệt là tháp mộ của Hòa thượng Thích Đôn Hậu ở chùa Thiên Mụ. Hòa thượng trụ trì chùa này sau khi chế độ phong kiến sụp đổ năm 1945. Thiên Mụ khi ấy không còn chức năng của một quốc tự, mà chỉ là một ngôi chùa bình thường. Vì vậy, Hòa thượng được phép chọn nơi an nghỉ ngay tại quốc tự vốn trước kia là mảnh đất không ai được phép sử dụng vào việc riêng. Tháp mộ của Hòa thượng được xây vào năm 1992. Xem Đặng Vinh Dự (2011), “Chuyện quốc tự ở Huế”, Huế Xưa &Nay, số 1, tr 105.
(7) Ý nói bị đắm thuyền chết.
(8) Lý Kim Hoa, Châu bản triều Nguyễn, Nxb Văn hóa Thông tin, năm 2003.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, năm 1988.
2. Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu , Hoàng Việt luật lệ, tập 3, năm 1994.
3. Thích Hải Ân và Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001.
4. Lý Kim Hoa, Châu bản triều Nguyễn, Nxb Văn hóa Thông tin, năm 2003.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Đại Nam thực lục chính biên, tập 1-8, Nxb Giáo dục, năm 2007.
6. Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Khâm định Đại Nam hội điển tục biên, tập 1- 6, Nxb Thuận Hóa Huế, năm 2009.
7. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chính sách tôn giáo thời Tự Đức (1848-1883), Nxb Chính trị quốc gia, năm 2010.
8. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn giáo, 2018.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường