Trang chủ Chuyên đề Chính sách của chúa Trịnh đối với Phật giáo

Chính sách của chúa Trịnh đối với Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TS.Đinh Văn Viễn
Đại học Hoa Lư, Ninh Bình
ThS.Huỳnh Văn Tín
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh

1. Khái quát về chúa Trịnh

Lợi dụng những lục đục, suy yếu của triều đình nhà Lê, năm 1527, Mạc Đăng Dung đã lập nên nhà Mạc. Nguyễn Kim là một cựu thần của nhà Lê không chịu khuất phục nhà Mạc đã tìm đường sang Ai Lao (Lào) nhờ vua Sạ Đẩu che chở, cho mượn đất ở Sầm Châu (Sầm Nưa) để nuôi dưỡng binh sỹ, tìm con cháu nhà Lê để khôi phục lại vương triều. Tháng giêng năm Quý Tỵ (1533), Nguyễn Kim tìm được Lê Duy Ninh và tôn lập làm vua trên đất Ai Lao, lấy niên hiệu là Nguyên Hòa (tức Lê Trang Tông), gọi là Lê Trung hưng (1533 – 1788). Họ Nguyễn, họ Trịnh có vai trò lớn trong việc phục hồi nhà Lê. Năm 1545 Nguyễn Kim qua đời, binh quyền được trao cho Trịnh Kiểm là con rể của Nguyễn Kim. Từ Trịnh Kiểm về sau, chúa Trịnh ngày càng lấn át vua Lê. Từ thời Trịnh Tùng về sau, các chúa Trịnh còn được vua Lê phong vương.

Sự nghiệp làm chúa cầm quyền họ Trịnh kéo dài từ năm 1545 đến năm 1787, tổng cộng 243 năm, gồm 12 đời chúa, được các tài liệu lịch sử và gia phả dòng chúa Trịnh liệt kê. Cụ thể thời gian nhiếp chính của các chúa Trịnh như Thế Tổ Minh Khang Đại Vương Trịnh Kiểm (1539-1569), Bình An Vương Trịnh Tùng (1570-1623), Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623-1652), Tây Định Vương Trịnh Tạc (1653-1682), Định Nam Vương Trịnh Căn (1682-1709), An Đô Vương Trịnh Cương (1709-1729), Uy Nam vương Trịnh Giang (1729-1740), Minh Đô vương Trịnh Doanh (1740-1767), Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm (1767-1782), Đoan Nam vương Trịnh Khải (1782-1786), Yến Đô vương Trịnh Bồng (1786-1787).

Trong suốt thời phong kiến Việt Nam, thời kỳ Lê Trung hưng (còn được gọi là thời Lê – Trịnh) là thời kỳ duy nhất: vừa có vua lại vừa có chúa. Chúa Trịnh nắm thực quyền, vua Lê chỉ là bù nhìn. Phủ Chúa là nơi giải quyết mọi việc lớn nhỏ trong nước, triều đình vua Lê chỉ có danh mà không có thực. Bên triều đình, vua Lê luôn bị yếu thế quyền lực mất dần về tay chúa Trịnh. Bên phủ Chúa, chúa Trịnh uy thế ngày một cao, thâu tóm mọi quyền hành của vua Lê. Nhà vua chỉ còn làm một vài nghi thức về tế tự, tôn giáo… Còn mọi việc điều hành cũng như tổ chức chính quyền Nhà nước đều do chúa Trịnh núp dưới danh hiệu vua Lê định đoạt.

Về đối nội, chính quyền Lê – Trịnh đã giữ được kỷ cương, phép nước để xã hội phong kiến Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển. Chúa Trịnh đã có nhiều cố gắng trong phát triển đất nước, điển hình là chúa Trịnh Cương đã tiến hành cuộc cải cách trên nhiều phương diện, về kinh tế, chính trị, xã hội. Chúa Trịnh có cải tiến bộ máy quản lý hành chính, cải tiến chế độ giáo dục thi cử, nâng cao chất lượng tuyển chọn nhân tài. Đất nước dưới thời Lê – Trịnh có sự phát triển. Phố Hiến – Kinh Kỳ thời kỳ này được mở mang và phát triển sầm uất.

Về đối ngoại, các chúa Trịnh đã thực hiện đường lối ngoại giao khôn khéo, không những không bị Trung Quốc xâm lược mà còn bảo vệ được lãnh thổ quốc gia (như việc đòi lại được khu mỏ đồng Tụ Long mà Trung Quốc đã chiếm dụng).

Như vậy, dưới sự trị vì của chính quyền vua Lê, chúa Trịnh mà thực chất là chính quyền của chúa Trịnh, Đàng Ngoài có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là về kinh tế, văn hóa. Phật giáo thời kỳ này có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của văn hóa dân tộc. Góp phần quyết định tạo nên sự phát triển ấy chính là những chính sách, ứng xử của chính quyền chúa Trịnh đối với văn hóa, tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng.

2. Chính sách của chúa Trịnh đối với Phật giáo

2.1. Xem trọng, ban sắc cho tu sĩ Phật giáo

Trong bối cảnh, đất nước đã trải qua thời gian dài coi trọng Nho giáo dưới thời Lê sơ, chính quyền vua Lê, chúa Trịnh tiến hành chiến tranh với các lực lượng khác (nhà Mạc, họ Nguyễn),… việc các chúa Trịnh coi trọng Nho giáo là điều dễ hiểu. Song, các chúa Trịnh vẫn có những chính sách, ứng xử rất hài hòa, khôn khéo, tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển.

Các chúa Trịnh đều rất coi trọng tu sĩ Phật giáo, trong đó nhiều chúa đã ban sắc, phong chức cho các tu sĩ Phật giáo.

Thiền sư Đạo Chân (1579-1638), làm chức Tăng lục ty Tăng thống. Tăng lục ty là ty sở, nơi quản lý chư tăng, nơi để các chư tăng đăng ký tên tuổi, quê quán[1].

Từ sau sự kiện năm 1678, ngoài thiền sư Tông Diễn và giai thoại về thiền sư Chân Nguyên cầu pháp với thiền sư Minh Lương, một vị sư khác nữa cũng được chúa rất kính phục, ban chức quan là thiền sư Minh Châu Hương Hải.

Năm 1682, chúa Trịnh Tạc rất mến mộ thiền sư Minh Châu Hương Hải. Chúa đã không e ngại thiền sư từ Đàng Trong ra, cho quan tiếp đãi ân cần. Chúa tin tưởng phong chức Vu Áng cùng hai đệ tử giữ chức Ty sứ và Khố sứ; thưởng ba trăm quan tiền; mỗi năm được: hai mươi bốn lâu thóc, ba mươi sáu quan tiền, một phân phiến lịch, một tấm vải trắng. Các đệ tử cũng được ban áo mão, mười hai lâu thóc, mười hai quan tiền, vải… trên một năm. Sau đó, lệnh thiền sư vẽ bản đồ, rồi thưởng hai mươi quan tiền, rồi tạo điều kiện an ổn cho thiền sư tu hành[2].

Năm 1722, thiền sư Chân Nguyên (1647 – 1726) được triệu vào cung lập đàn chay Tiến Phúc và được sắc phong làm Tăng thống Chánh Giác Hòa thượng[3].

Năm 1748, thiền sư Như Hiện được ban chức Tăng cương, năm 1757, sắc phong làm Tăng thống Thuần Giác Hòa thượng[4].

2.2. Ưu ái tăng sĩ, ban cấp, cho phép xây dựng, trùng tu nhiều chùa, ban cấp ruộng đất cho chùa.

Chúa Trịnh Kiểm, nắm quyền khi đang tiến hành cuộc chiến tranh với nhà Mạc, họ Trịnh cần củng cố quyền lực, nên chưa thấy trực tiếp ban hành chính sách cụ thể đối với Phật giáo. Ở khía cạnh khác, một số ngôi chùa trong giai đoạn này được xây dựng, trùng tu như xây dựng chùa Báo Ân[5], chùa Hồng Phúc – xã Xuân Ổ, huyện Võ Giàng, nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (1554)[6], chùa Cối Sơn – trấn Hải Dương (1558)[7] và sự kiện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ dẫn chúa vào năm 1556 có bảo rằng “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản” [3, tr.597-98]. Bên cạnh đó, thiền sư Chân Nghiêm[8] viết bài tựa và cho khắc, in bản Thánh Đăng ngữ lục[9] vào năm 1550[10] và sự xuất hiện của Hòa thượng Đạo Long[11] ở thời Trịnh Kiểm.

Chúa Trịnh Tùng đã cho phép xây dựng, tôn tạo nhiều chùa. Thời chúa Trịnh Tùng nắm quyền, nhiều chùa chiền được tu sửa xây dựng khang trang. Hiện nay trong kho tư liệu Hán Nôm lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được hàng trăm thác bản văn bia ghi lại điều đó.

Thanh Hóa là đất lập nghiệp của dòng họ Trịnh. Vì vậy, thời kỳ này trên đất Thanh Hóa, hàng loạt các ngôi chùa được tu sửa, dựng mới như:

Chùa Bảo Sơn tại thôn Nhuệ xã An Hoạch huyện Đông Sơn (Thanh Hoá) tôn tạo năm 1605. Văn bia Trùng tu Bảo Sơn tự bi ký (kí hiệu 16672) năm 1605 cho biết, chùa được trùng tu vào năm 1605 bao gồm sửa một tòa nhà, thay 8 cột đá, đắp 17 pho tượng, xây ba bậc đá, một thềm đá, một giếng đá và hành lang quanh chùa. Năm 1623, chùa lại được trùng tu. Văn bia Tu tạo Bảo Sơn tự bi (kí hiệu 16666) cho biết vào năm này, chùa được tu tạo và khắc bia ghi lại, …

Chùa Tiên Sơn ở Giáp Nhuệ xã Đông Hưng huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa được trùng tu năm 1617. Văn bia Tân tạo Tiên Sơn tự bi (kí hiệu 16696) cho biết công việc trùng tu kéo dài 3 năm, đến năm 1619 công việc trùng tu hoàn thành và khắc bia ghi lại sự kiện này.

Chùa Báo Ân ở xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa do chúa Trịnh Kiểm xây dựng để thờ Phật. Đến đời Trịnh Tùng ở ngôi chúa, ông cho mở rộng thêm năm 1585. Văn bia Trùng tu Báo Ân tự bi ký (kí hiệu 17545) do Quốc tử giám quốc tử chủ cho biết một số người đóng góp vào việc trùng tu chùa là Nguyễn Tử Cao, Nguyễn Hoằng Hiến.

Chùa Phúc Hạ ở xã Hà Thanh, Thọ Xuân Thanh Hóa được trùng tu năm 1587. Văn bia chùa Phúc Hạ (kí hiệu N0 1917, Viện Nghiên cứu Hán Nôm) ghi lại việc trùng tu, tôn tạo tượng Phật, khắc bia chùa, …

Chùa Du Anh ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa được xây từ thời Trần. Quảng Quận công Trịnh Vĩnh Lộc bỏ tiên công đức xây dựng lại chùa vào năm (1601) đến năm Ất Tỵ (1605) công việc trùng tu chùa hoàn thành. Bia chùa Du Anh (kí hiệu VHn 1793) do Quốc Tử giám Tế tửu Mai lĩnh hầu Phùng Khắc Khoan soạn cho biết vào năm 1606 chùa được trùng tu từ năm Tân Sửu, năm Ất Tỵ hoàn thành. Sau khi hoàn thành, chùa có quy mô lớn, nguy nga, tượng Phật được đắp, nhà cửa trang hoàng tựa như nơi Phật xuất thế ở nước Thiên Trúc. Trên chùa có động Hồ Công, có tiên ở. Tiên là Phật, Phật cũng là Tiên.

Ngoài ra còn có các chùa như: chùa Khánh Quang xã Trạch Lâm; chùa Đỏ Mát tổng La Miệt, huyện Hoằng Hóa (nay là Hoằng Đạt – Hoằng Hóa) tạo dựng năm 1604, trùng tu năm 1626; chùa Đại Bi ở núi Mật Sơn (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa); chùa Đại Khánh (Thiệu Khánh), chùa Hồi Long (Hoằng Đông); chùa Du Anh (xã Vĩnh Ninh) trùng tu từ năm Tân Sửu (1601) đến năm Ất Tỵ (1605); chùa Càn Đà tu tạo vào năm 1611; chùa Tiên Sơn được xây dựng từ tháng 2 năm Bính Thìn (1616) đến tháng 2 năm Kỷ Mùi, khắc bia công đức vào năm Hoằng Định thứ 20 (1619), …

Ở nhiều địa phương khác, hoạt động xây dựng, trùng tu chùa, đúc chuông diễn ra mạnh mẽ. Chùa Xuân Vi ở xã Xuân Vũ huyện Gia Khánh (Ninh Bình) tôn tạo năm 1604; Chùa Thiên Tư Phúc ở Côn Sơn, Chí Linh (Hải Dương) được tu bổ năm 1606; Chùa Thần Quang ở xã Hành Thiện huyện Giao Thuỷ (Nam Định) tôn tạo năm 1612; Chùa Linh Quang xã Mộ Trạch huyện Bình Giang (Hải Dương) tôn tạo năm 1619, …

Chúa Trịnh Tráng cũng rất coi trọng, ưu ái trong việc xây dựng, trùng tu chùa. Năm 1643, chúa Trịnh Tráng cho trùng tu lại chùa Ninh Phúc (chùa Bút Tháp) xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh ngay sau khi hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Tú và quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên xuất gia tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Cùng năm đó, Chuyết Chuyết Hòa thượng được mời sang trụ trì chùa Ninh Phúc. Năm 1644, Chuyết Công viên tịch, thiền sư Minh Hành sang kế đăng và tiếp tục trùng tu chùa, đến năm 1647 thì hoàn thành. Năm 1648, Chúa cho xây dựng chùa Phúc Long ở làng Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, Bắc Ninh.

Ngoài ra, theo khảo của của Nguyễn Hiền Đức[12], dưới thời chúa Trịnh Tráng, nhiều chùa lớn được xây dựng: chùa Lâm Tuyền – Sơn Tây; bà Trịnh Thị Ngọc Hoa vào năm 1626 trùng tu chùa Sùng Đức – Quảng Yên (Quảng Ninh, chùa có tháp thờ xá lợi của quận chúa Trần Thị Ngọc Cẩm, 1674 trụ trì là Mộ Đạo soạn lại tấm bia cũ ở chùa do thiền sư Huệ Nhẫn soạn); chùa Diên Phúc – Nam Định (1628); chùa Keo – huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (1630-1632); chùa Tĩnh Lự – Kinh Bắc (Bắc Ninh, theo bia 1648, Trịnh Tráng giao tiền, giao quan xây và cá quan khác cùng Trịnh Tạc góp thêm); thiền sư trụ trì Nguyễn Tuấn Đức được cung tần, cung phi, quan tướng, tăng ni giúp trùng tu chùa Pháp Quang – Sơn Nam (Nam Định, Tăng thống Tuệ Uyên – tục là Bùi Bách Niên soạn bia năm 1640); xây dựng chùa Phúc Long – làng Lãng Ngâm, huyện Gia Định (Bắc Ninh, 1648); chùa Cảm Ứng – Bắc Ninh (1619-1628, thiền sư Huệ Long cùng tăng ni); tỳ kheo ni Dương Thị Ngọc Kính, trụ trì chùa Thầy hay là chùa Thiên Phúc và chúa Trịnh (hộ pháp) trùng tu chùa Long Đẩu – trấn Sơn Tây (1620-1630); sư Pháp Nguyên và Ni Từ Duyên được cung tần phủ chúa giúp trùng tu chùa Cự Đà – Gia Lâm (1632-1634); Tăng thống Nguyễn Như Ý cùng Phật tử góp tiền trùng tu chùa Đại Bi – Sơn Nam (ngoại thành Hà Nội, Tăng lục Ty Tăng thống Trần Kim Thành soạn bia năm 1635); hòa thượng Pháp Tín và phu nhân quan viên cúng tiền trùng tu chùa Đại Bi – Hà Tây (theo bia 1640, đến năm 1641 phu nhân quan viên khác cúng dường thêm đất) và cung tần trùng tu chùa Bản Tịch – Hưng Yên (1640, thiền sư Phổ Tuệ soạn bia); năm 1643-1644, theo lời xin lần lượt của hai ni, chúa Trịnh trùng tu chùa Phật Tích – Bắc Ninh (1643; ni cô Pháp Giới[13]), chùa Ninh Phúc (hay là Bút Tháp, hoặc Nhạn Tháp; ni cô Pháp Tánh[14]) và xây tháp Báo Nghiêm thờ thiền sư Chuyết Chuyết (1644, ni cô Pháp Tánh) là một công trình rất lớn;  sư Pháp Chính – thế danh Ngô Quang Phụ trùng tu chùa Sùng Phúc – Phù Cừ (Hưng Yên, 1644); thiền sư Đạo Hải, Nguyễn Khắc Minh và Thượng sĩ Nguyễn Như Khuê trùng tu chùa Quốc Ân – Bắc Ninh (1651). Thiền sư Đạo Tâm, tục Vũ Khắc Trường được chúa Trịnh, hoàng thân Trịnh Căn, Trịnh Thụ, Trịnh Quế cung tiến tiền trùng tu chùa Pháp Vũ hay là chùa Đậu – xã Gia Phúc vào năm 1636 và năm 1639[15].

Đến thời chúa Trịnh Tạc, việc trùng tu, xây dựng chùa vẫn nở rộ, vẫn theo khảo cứu của Nguyễn Hiền Đức bao gồm: Chùa Trấn Quốc trùng tu khoảng 1676-1705. Chùa Keo – Thái Bình (1671); chùa Diên Phúc hay là Viên Quang – Nam Định (1671); tỳ kheo ni Từ Bảo – Vũ Thị Ngọc Viên và con gái cung tần trùng tu chùa Hồng Phúc – xã Lương Tài, trấn Kinh Bắc, nay là tỉnh Bắc Ninh (1654-1655); ni cô Diệu Tuệ[16] là cháu ngoại Trịnh Tráng, trùng tu thêm lần nữa chùa Bút Tháp và cúng tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ngàn mắt ngàn tay nổi tiếng và hiện nay vẫn còn vào năm 1656; các đệ tử của thiền sư Chân Pháp trùng tu lại chùa Tịnh Quang – Kinh Bắc (nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, theo bia năm 1661); hòa thượng Đạo Đức hay là thiền sư Bảo Lâm Hoa cùng hai cung tần trùng tu chùa Thái Tử – Nam Định (1667-1669); thiền sư Chân Phúc cùng cung tần trùng tu chùa Sùng Báo Tứ Ân – Sơn Nam năm 1653 (bia soạn 1670); thiền sư Như Liên được cung tần trong phủ Chúa cấp tiền trùng tu chùa Ban Linh (Thăng Long) vào năm 1702 và đúc đại hồng chung năm 1704; hòa thượng Viên Thông trùng tu chùa Đại Thống – Hải Dương (Hải Phòng, 1671), trụ trì là Mộ Đạo soạn lại tấm bia cũ ở chùa Sùng Đức – Quảng Yên (Quảng Ninh, 1674) do thiền sư Huệ Nhẫn soạn; thiền sư Chân Huyền trùng tu chùa Phúc Lâm hay Dư Hàng – Hải Phòng (1672);. Chúa cho Phạm Viên tu tiên, xây dựng chùa Hương Tích vào năm 1680, trùng tu chùa Tây Phương[17]. Lại thêm, chính sách ưu đãi của Chúa đối với chùa Bút Tháp kéo dài đến 1714 và thiền sư Minh Hành ở chùa Bút Tháp đến tịch năm 1659, cho nên, ngài hưởng được chính sách ưu đãi đó của chúa Trịnh[18].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chua Keo Thai Binh 1

Chùa Keo, Thái Bình. Ảnh: St

Thời chúa Trịnh Căn, việc trùng tu, xây dựng chùa điển hình như: chùa Keo – Thái Bình (1707, đúc đại hồng chung năm 1698), chùa Long Đẩu – Sơn Tây (1694-1700), chùa Diên Phúc hay là Viên Quang – Nam Định (1685); thiền sư Chân Nguyên lần lượt dựng đài Cửu phẩm Liên hoa tại chùa Quỳnh Lâm và Hoa Yên vào năm 1684, 1687[19]. Năm 1683, Chúa cấp đất ở Sơn Nam và giao Lê Đình Kiên đo hơn ba mẫu đất ban cho thiền sư Hương Hải và cất ngôi am năm gian hai chái. Đến năm 1700, hoàng thân thỉnh thiền sư về chùa Nguyệt Đường, trùng tu lại vào năm 1701, phát triển thành trung tâm Phật giáo ngang hàng với các đạo tràng nổi tiếng khác lúc bấy giờ ở Đàng Ngoài[20].

Chúa Trịnh Cương coi trọng Phật giáo, ủng hộ việc xây dựng chùa. Điển hình như năm 1724, Chúa đã cấp tiền cho thiền sư Như Nguyệt trùng tu chùa đồng thời cấp cho chùa này thêm 50 mẫu đất. Năm 1727, Chúa cho lập chùa Tây Thiên ở làng Sơn Bình, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên và chùa Độc Tôn ở làng Cát Nê, huyện Phổ An, tỉnh Thái Nguyên để khi chính sự rảnh rỗi Chúa lên nghỉ tại đó[21]. Năm 1714 và năm 1735 chúa Trịnh Cương và Thái phi xuất tiền cho trùng tu, đúc đại hồng chung, đúc khánh, tô tượng cho chùa Hàm Long (Thăng Long) và cấp cho chùa thêm 30 mẫu ruộng phường Hồ Khẩu. Năm 1719, Chúa dùng sức dân ba huyện Gia Định, Lương Tài và Quế Dương để trùng tu lại chùa Phúc Long (Bắc Ninh) và miễn thuế một năm cho dân ba huyện này

Thời kỳ chúa Trịnh Giang, việc trùng tu chùa cũng diễn ra sôi nổi: Năm 1730, chúa Trịnh Giang quy động sức dân ba huyện Đông Triều, Thủy Đường, và Chí Linh ở xứ Đông trùng tu chùa Quỳnh Lâm và chùa Sùng nghiêm (dân phu 6.000 người làm luôn ngày đêm đến một năm mới xong). Năm 1736, thiền sư Tánh Tuyền trở về nước, thỉnh được nhiều kinh điển đem về tàng trữ ở chùa Càn An. Năm 1736, cho làm lại ba chùa Quỳnh Lâm, Hương Hải, Hồ Thiên và bắt dân ở đó phục dịch. Sang năm 1737, Chúa viếng chùa Phúc Long, đến tháng 5 góp đồng của các quan đúc tượng Phật lớn ở chùa Quỳnh Lâm và sắc các quan thay phiên đến làm lễ.

Chúa Trịnh Doanh cũng rất tạo điều kiện cho việc xây dựng, trùng tu chùa: Năm 1742, chúa Trịnh Doanh giao cung tần, pháp danh Diệu Vinh trùng tu chùa Đậu hay Pháp Vũ – Sơn Nam (Hà Tây). Năm 1743, chùa Mía – Sơn Tây đúc đại hồng chung. Ngoài ra, Chúa ra lệnh bãi bỏ các công trình xây dựng hành cung, trả lại ruộng đất đã chiếm của dân, trùng tu các chùa Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Tử Trầm, Tây Phương, Long Hoa,… .

Thời kỳ chúa Trịnh Sâm: Khoảng năm 1767-1782, phát hiện tượng đá hình người phụ nữ gần chùa Linh Quang hay là Bà Đá – Thăng Long khi đang xây đắp thành, chúa cho phép thờ trước chùa để dân chiêm bái. Vào năm 1771, Chúa cho xây dựng chùa Tiên Tích ở ngoài cửa Đại Hưng (thuộc làng Nam Ngự, huyện Thọ Xương, Hà Nội, nay là phố Hàng Lọng) [3, tr.626]. Năm 1774, cúng 60 cân đồng đỏ để thiền sư Như Dụ đúc khánh đồng mới cho chùa Đậu hay Pháp Vũ – Sơn Nam. Năm 1774, khi chiếm được phủ chúa Nguyễn ở Phú Xuân, phát hiện có hai con trâu đá của Tây phương làm y như thật, Chúa cho đem về đặt ở chùa Tiên Tích.

Trịnh Khải làm chúa chưa được 4 nǎm thì chết và trong giai đoạn ông làm chúa thì tình hình Đàng Ngoài rất rối ren nhưng Chúa vẫn quan tâm đến Phật giáo. “Năm Bính Ngọ (1786), năm cuối cùng của vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Khải, chùa Keo – Thái Bình lại được trùng tu”.

2.3. Tạo thuận lợi cho các thiền sư nước ngoài được truyền bá Phật giáo vào trong nước

Các chúa Trịnh không chỉ dành sự ưu ái cho các sư tăng trong nước, mở mang chùa chiền mà còn rất ưu ái, tạo thuận lợi cho các thiền sư người nước ngoài được truyền bá Phật giáo ở nước ta. Trường hợp thiền sư Chuyết Chuyết là điển hình cho sự ưu ái đó.

Thiền sư Chuyết Chuyết (1590-1644), Ngài họ Lý tên Tân Liên, pháp danh Hải Trừng, pháp hiệu Viên Văn, quê Tiệm Sơn, Hải Trừng, quận Thanh Chương, Mân Điện (tức tỉnh Phúc Kiến) Trung Quốc. Ngài thuở nhỏ thông minh dĩnh ngộ, lớn lên thông bác kinh sử, chăm chỉ học hành rồi tĩnh tập trong chùa Tiệm Sơn. Sau đó, ngài bỏ Nho, học Phật đến chùa Nam Sơn cầu pháp với Trạng nguyên tăng Đà Đà pháp sư, người được vua Minh Thái Tông phong hiệu là Khuông Quốc đại sư.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Son Mon Lien Phai To Nhu Trung Lan Giac Thien Su Chuyet Chuyet 1

Tượng Tổ sư Chuyết Chuyết tại khám thờ trong tháp Báo Nghiêm, chùa Bút Tháp. Ảnh: St

Năm 1625, sau 16 năm du hóa, Chuyết Chuyết rời nước Cổ Miên đáp thuyền về quê. Ở quê không được bao lâu ngài lại vượt biển sang đất Quảng Nam, Thuận Hóa Đàng Trong nước Đại Việt. Năm 1633, ngài cùng các đệ tử (trong đó có thiền sư Minh Hành cũng là người Trung Quốc) ra Đàng Ngoài, dừng chân tại chùa Thiên Tượng ở Nghệ An và chùa Trạch Lâm ở Thanh Hóa rồi ra Thăng Long hoằng pháp một thời gian tại chùa Khán Sơn. Vua Lê Thần Tông, chúa Trịnh Tráng nghe tiếng rất hâm mộ. Năm 1634, vua Lê chúa Trịnh đã sai Ngài và đệ tử về nước tìm cuốn Thủy lục chư khoa cùng hệ thống kinh sách khác như Kinh Niết Bàn, Kinh Kim Cương, Phật Tổ Tam Kinh… Kinh sách thỉnh về tàng tại chùa Phật Tích, được chúa Trịnh cho san khắc, phổ biến khắp nơi. Ngài được nhà vua tôn xưng làm “Đông Đô Thủy Tổ”, vua Lê, chúa Trịnh cùng các bậc công thần tôn kính ngài như bậc thầy. Sau, ngài dời về chùa Phật Tích ở núi Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nơi hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên xuất gia. Năm 1643, triều đình cho trùng tu xây mới chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự) rồi mời ngài về trụ trì cho đến khi viên tịch.

Chính từ sự ưu ái của chúa Trịnh với thiền sư Chuyết Chuyết đã dẫn đến ngài có điều kiện hoằng pháp trên đất Đàng Ngoài và từ đó thiền phái Lâm Tế phát triển mạnh mẽ ở nước ta.

2.4. Quản lý xây dựng chùa và các tăng ni

Bên cạnh việc ưu ái, trọng dụng, ưu ái, tạo thuận lợi cho sư tăng hành đạo, Phật giáo phát triển thì các chúa Trịnh vẫn có những biện pháp quản lý nhà chùa, quản lý sư tăng.

Năm 1625, chính quyền quy định thuế nhân đinh cho các đối tượng trong nhân dân. Theo đó, chính quyền phân chia theo 6 đối tượng, trong đó, nhà sư thuộc đối tượng thứ tư, đóng 1 quan. Chúa Trịnh lúc này giảm thuế so với thời Lê Thánh Tông là mười phần, giảm còn 7 phần. Đến năm 1645, giảm thuế xuống một nửa. Chúa Trịnh cũng quy định: những phí tồn và công dịch về việc xây đắp, tu bổ đê đường, cầu cống, kho tàng, trường thi, các công trình xây dựng cung điện, chùa chiền cũng đều đổ lên đầu người nông dân, bắt các xã đóng góp. Nhân dân gần những nơi xây dựng ấy phải lao dịch không công, nhân dân những vùng xa phải đóng tiền cung ứng phí tồn.

Năm Quý Mão (1663), Trịnh Tạc nhắc lại 44 điều giáo hóa dân chúng, lược lại trong đó nói như sau: Không được giả cách làm tăng ni để tránh việc quan…; không được xâm phạm phá hủy lăng miếu từ mộ[22].

Tháng 12 năm 1709, Trịnh Cương nhắc lại lệnh cấm đạo Thiên Chúa và định rõ 6 điều răn, trong đó có việc sai quan lo sửa chùa.

Tháng 8 năm 1720, Trịnh Cương ban hành 10 điều giáo hóa dân trong đó, điều thứ sáu có nói: các chùa chiền không được tự ý sáng tạo, tô tượng đúc chuông; trụ trì chùa là các tăng ni xuất gia từ nhỏ nguyện tu hành, trên 50 tuổi. Mỗi chùa chỉ một hoặc hai sư, dư đuổi về; tăng sĩ ăn chay trường được giữ lại; đặc biệt tiêu chuẩn trụ trì chùa danh lam cổ tích phải có độ điệp[23].

Năm 1722, Trịnh Cương có lệnh, thuế nhân đinh đổi thành tiền dung trong phép tô – dung – điệu và nhà nước chia nhân đinh làm 4 hạng đóng tiền như nhau, đặc biệt sinh đồ, lão hạng, hoàng định, dân ngoại trấn được giảm một nửa, dân Thanh Nghệ vẫn được miễn[24]. Sau đó, phép tô dung điệu thay bằng một thứ thuế duy nhất là tiền điệu, tuy rằng miễn tiền điệu nhưng phải nộp tiền cung ứng nhiều hơn như các xã tạo lệ, thủ lệ làm việc giữ gìn, trông nom các đền, chùa, cung miếu,… [25].

Năm 1726, chúa Trịnh Cương ra lệnh phải là người xuất gia, ăn chay trường mới được gọi là sư, miễn lao dịch, trụ trì các chùa, dâng hương tụng niệm; trừ trường hợp người thường am hiểu khoa cúng lễ chỉ cho phép phụ việc đàn chay sám hối. Việc lập đàn sám hối thì nhân dân lập, rồi thỉnh các sư tới, không được lập tại chùa. Tăng Thống được hưởng 1% tiền công đức cúng dường và khi khuyết trụ trì thì nhân dân nơi đó tìm một người không có vợ, độ tuổi từ 50 đến 60 để cúng Phật. Lại thêm, quy định pháp phục tăng ni theo thứ bậc khi cúng lễ và lúc ở thường[26].

Năm 1728, thay đổi ngạch tô thuế ruộng đất công một lần nữa theo hướng mở rộng nguồn thuế khóa một cách triệt để hơn. Ngay cả ruộng tam bảo của nhà chùa chỉ miễn trừ một số nhất định như chùa nhỏ ở xã trừ 1 mẫu, đại danh lam trừ 24 mẫu, tiểu danh lam trừ 12 mẫu[27]. Ngày 25 tháng 4 năm 1728, lệnh cho dân làm tượng Phật bằng gỗ hay đá, không được làm tượng bằng đất và đúc tượng đồng phải xin phép chính quyền[28].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Thap Tich Quang O Chua Long Dong Tho Thien Su Chan Nguyen 1

Tháp Tịch Quang ở chùa Lân, thờ thiền sư Chân Nguyên

3. Kết luận

Như vậy, dưới thời Lê-Trịnh, Nho giáo vẫn được coi là nền tảng tư tưởng chính của giai cấp thống trị. Tuy nhiên không vì thế mà Phật giáo mất đi chỗ đứng trong xã hội. Chính quyền vua Lê, chúa Trịnh vẫn rất coi trọng Phật giáo. Các chúa Trịnh đã có nhiều chính sách ưu ái đối với Phật giáo trong việc ban cấp sắc cho các thiền sư, ủng hộ, ban cấp tiền bạc để xây dựng, trùng tu chùa, tạc tượng, đúc chuông, ban cấp ruộng đất cho chùa…. Không ít hoàng thân, quốc thích của vua Lê, chúa Trịnh đã xuất gia, đi tu. Trịnh Thập (1698 – 1733) là một điển hình như vậy. Ngài vốn là con của Tấn Quang Vương Trịnh Bính (1670-1702) và là em của chúa Trịnh Cương, là con rể của vua Lê Hy Tôn. Ngài từ bỏ mọi vinh hoa, quyền lực của một thân tộc của chúa Trịnh để trở thành nhà sư. Ngài theo học Hòa thượng Chân Nguyên, ở chùa Long Động (trên núi Yên Tử). Sau khi được truyền tâm ấn, sư trở về trụ trì chùa Liên Phái, mở lớp dạy học, học trò đến rất đông. Ngài lập ra một tông phái riêng, gọi là Liên Tông.

Điều này cho thấy, trong bối cảnh xã hội loạn lạc, chiến tranh nội chiến liên miên của các thế kỷ XVI-XVIII, những giáo điều mang màu sắc Nho giáo đã không còn giữ được địa vị độc tôn trong đời sống đương đại: cương thường bị đảo lộn; do vậy, tư tưởng từ bi, bác ái của Phật giáo đã hấp dẫn đời sống tinh thần của không chỉ nhân dân lao động mà ngay cả giai cấp thống trị thời bấy giờ. Sự hưng thịnh của Phật giáo dưới thời Lê trung hưng một phần do những chính sách ưu ái của chúa Trịnh.

Bên cạnh việc ưu ái, ủng hộ xiển dương Phật giáo thì các chúa Trịnh, nhất là Trịnh Cương đã có nhiều chính sách trong việc quản lý chặt chẽ việc xây chùa, tạc tượng, tiêu chuẩn đạo đức,… của tăng ni. Điều này không phải do chúa Trịnh Cương ghét bỏ Phật giáo mà chính là Chúa muốn loại trừ những nhiễu loạn, sai trái của những kẻ đội lốt Phật giáo. Phật giáo dưới thời Trịnh Cương vẫn được vua chúa và nhân dân coi trọng. Phật giáo vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống nhân dân và chính quyền đương thời. Những chính sách tiến bộ ưu ái trọng dụng tăng sĩ nói riêng, Phật giáo nói chung của các chúa Trịnh đã góp phần không nhỏ vào cục diện ổn định xã hội thời Lê Trung hưng trong lịch sử trung đại Việt Nam.

TS.Đinh Văn Viễn
Đại học Hoa Lư, Ninh Bình
ThS.Huỳnh Văn Tín
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh

***

Chú thích:
[1] Thích Đồng Bổn (chủ biên, 2014), Phật giáo thời Hậu Lê, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr382
[2] Thích Trí Phước (2022), Nghiên cứu công nghiệp hoằng pháp của thiền sư Minh Châu Hương Hải, Luận văn Thạc sĩ Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. HCM, tr30,31
[3] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng tập 1, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr12
[4] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế và Đinh Văn Viễn (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, tr198
[5] Đinh Văn Viễn, “Buổi đầu thời kỳ Lê Trung hưng và Phật giáo trường hợp Bình An vương Trịnh Tùng”, Văn hóa Phật giáo, số 399 (2022), tr 55.
[6] Nguyễn Hiền Đức (1999), Lịch sử Phật giáo đàng ngoài, Nxb. Tổng hợp, Tp. HCM, tr642
[7] Nguyễn Hiền Đức (1999), Lịch sử Phật giáo đàng ngoài, Sđd,  tr654
[8] Thiền sư Chân Nghiêm là trụ trì chùa Sùng Quang, xã Xuân Lan, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.
[9] Đây là tập sách thuật lại hành trạng tu tập của năm vị đại thiền sư đời Trần (Thái Tông, Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang và Minh Tông).
[10] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế và Đinh Văn Viễn (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Sđd, tr190
[11] Theo Thiền sư Việt Nam có ghi, Thiền sư Đạo Chân, tục là Vũ Khắc Minh, người huyện Phúc Khê, sanh 1579, theo học với hòa thượng Đạo Long, người huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, nay là Thanh Hóa [9, tr. 393]. Có thể hiểu, hòa thượng Đạo Long, lúc trẻ có thể thuộc thời Trịnh Kiểm.
[12] Nguyễn Hiền Đức (1999), Lịch sử Phật giáo đàng ngoài, Sđd
[13] Đệ nhất cung tần Trần Thị Ngọc Am – người sau này xuất gia theo thiền sư Minh Hành Tại Tại.
[14] Bà là Trịnh Thị Ngọc Trúc (con chúa Trịnh, vợ vua Lê Thần Tông).
[15] Thích Đồng Bổn (chủ biên, 2014), Phật giáo thời Hậu Lê, Sđd, tr384.
[16] Bà là công nữ Lê Thị Ngọc Duyên, con bà Trịnh Thị Ngọc Trúc.
[17] Trịnh Quang Vũ (1995), “Nghệ thuật tạo hình thời Trịnh (Thế kỷ XVI-XVIII)” trong Chúa Trịnh: Vị trí và vai trò lịch sử, Nxb. Xí nghiệp in Ba Đình, Thanh Hóa, tr377.
[18] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế và Đinh Văn Viễn (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Sđd, tr.270
[19] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 1, Sđd, tr12
[20] Thích Trí Phước (2022), Nghiên cứu công nghiệp hoằng pháp của thiền sư Minh Châu Hương Hải, Luận văn Thạc sĩ Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. HCM, tr62
[21] Thích Mật Thể (1960), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Nhà sách Minh Đức, Đà Nẵng, tr177
[22] Nguyễn Hiền Đức (1999), Lịch sử Phật giáo đàng ngoài, Sđd, tr611.
[23] Nguyễn Hiền Đức (1999), Lịch sử Phật giáo đàng ngoài, Sđd, tr6114-615.
[24] Phan Huy Lê (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr89
[25] Phan Huy Lê (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 3, Sđd, tr91
[26] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế và Đinh Văn Viễn (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Sđd, tr193-194
[27] Phan Huy Lê (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 3, Sđd, tr87
[28] Nguyễn Hiền Đức (1999), Lịch sử Phật giáo đàng ngoài, Sđd, tr616

Tài liệu tham khảo:
1. Thích Đồng Bổn (chủ biên, 2014), Phật giáo thời Hậu Lê, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
2. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế và Đinh Văn Viễn (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. ĐHQG, Hà Nội.
3. Nguyễn Hiền Đức (1999), Lịch sử Phật giáo đàng ngoài, Nxb. Tổng hợp, Tp. HCM, 2006.
4. Phan Huy Lê (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
5. Thích Trí Phước (2022), Nghiên cứu công nghiệp hoằng pháp của thiền sư Minh Châu Hương Hải, Luận văn Thạc sĩ Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. HCM.
6. Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng tập 1, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
7. Thích Mật Thể (1960), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Nhà sách Minh Đức, Đà Nẵng.
8. Nguyễn Quang Trung, Cung Khắc Lược và Chu Quang Trứ (1995), “Từ góc độ di sản văn hóa thử bàn về thuật ngữ ‘thời Lê Trung hưng’” trong Chúa Trịnh: Vị trí và vai trò lịch sử, Nxb. Xí nghiệp in Ba Đình, Thanh Hóa
9. Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tp HCM.
10. Đinh Văn Viễn, “Buổi đầu thời kỳ Lê Trung hưng và Phật giáo trường hợp Bình An vương Trịnh Tùng”, Văn hóa Phật giáo, (Thành phố Hồ Chí Minh), số 399 (15.10.2022)
11. Trịnh Quang Vũ (1995), “Nghệ thuật tạo hình thời Trịnh (Thế kỷ XVI-XVIII)” trong Chúa Trịnh: Vị trí và vai trò lịch sử, Nxb. Xí nghiệp in Ba Đình, Thanh Hóa

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường