Tóm tắt: Thiệu Trị là vị vua thứ ba của Triều Nguyễn. Ông lên nắm quyền khi các lĩnh vực xã hội đi vào hoạt động ổn định. Mỗi một lĩnh vực đều có đường lối, chính sách để thực hiện, đối với tôn giáo cũng vậy. Phật giáo giai đoạn này tuy không phải là quốc giáo, tôn giáo chính thống của giai cấp cầm quyền, song nhà nước vẫn luôn sát sao và đưa ra những chính sách cụ thể.
Từ khóa: Vua Thiệu Trị, Chính sách đối với Phật giáo, Nghi lễ Phật giáo, tôn giáo, triều Nguyễn...
1. Thân thế và sự nghiệp của vua Thiệu Trị (1841 - 1847)
Thiệu Trị là con trưởng của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu, tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, có các tên khác là Nguyễn Phúc Dung, Nguyễn Phúc Tuyền, sinh ngày 11 tháng 5 năm Đinh Mão (tức 16/6/1807). Sinh được 13 ngày tuổi thì mẹ mất, Miên Tông được Thuận Thiên Cao hoàng hậu đưa về nuôi. Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra chăm chỉ và hòa nhã, sớm tiếp thu được những kinh nghiệm quản lý quốc gia của vua Gia Long và người cha tài hoa của mình là vua Minh Mạng. Đại Nam thực lục chép: Vua là người thông minh nhân hiếu, được vua cha yêu quý đặc biệt… Khi Thiệu Trị chưa lên ngôi nhưng trong câu đối của ông báo trước về địa vị của người đứng đầu thiên hạ nay mai. Theo Quốc sử di biên chép, một hôm Thánh tổ ra câu đối: “Long vi vạn vật chi linh, biến hóa phi đằng mặc trắc”. Nghĩa là: Rồng thiêng hơn vạn vật, biến hóa bay nhảy khôn lường. Nghe xong, Miên Tông đối lại: “Thiên nãi nhất nguyên chi khí, khôi hiệu phú đảo vô ngân. Nghĩa là: Trời là khí nhất nguyên, rộng lớn che trùm tất cả.” Thánh tổ nghe xong lấy làm lạ và hết mực quý trọng. Năm 23 tuổi, Miên Tông được phong là Trường Khánh Công, đảm nhận nhiều trọng trách ở Tôn Nhân Phủ (là cơ quan trong coi mọi việc trong hoàng tộc). Ngày 20 tháng 12 năm 1841, Miên Tông đăng quang ở điện Thái Hòa, lấy niên hiệu Thiệu Trị. Nối ngôi vua cha, với phương châm trị nước bằng bốn bài châm ngôn: Kính Thiên (kính trời), Pháp tổ (học theo cha ông), Cần chính (chăm lo việc chính sự), Ái dân (yêu thương dân). Nhà vua ban dụ cho các quan văn võ đại thần: Đó là bốn đầu mối lớn của của đạo làm vua, Trẫm ngày đêm chăm chỉ, sớm chiều lo sợ, cũng chỉ là bốn việc ấy. Vua cũng y cứ theo quy chế được sắp đặt từ thời Minh Mạng, mà làm theo di huấn của cha. Những người từng giúp vua Minh Mạng nay vẫn giữ vây cánh, chân tay của Thiệu Trị như Trương Đăng Quế, Lê Văn Đức, Doãn Uẩn, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Tiếp…
Việc đầu tiên khi lên ngôi là nhà vua cần khắc phục những hậu quả của vua cha để lại, như khắc phục hậu quả của giải pháp bỏ đê ở Bắc bộ. Giải quyết vấn đề Chân Lạp cuối đời Minh Mạng, thành Trấn Tây là mối lo cần giải quyết. Vua Thiệu Trị kế thừa và học tập khuôn mẫu xây dựng và nâng cao lực lượng thủy quân của hai triều Gia Long và Minh Mang. Tăng cường các lực lượng thủy quân tại các địa phương ven biển, cảng biển trọng yếu. Bên cạnh chăm lo việc triều chính vua còn làm thơ. Đặc biệt, nhà vua cho lập một hội thơ gần giống như “Hội Tao Đàn” dưới triều nhà Lê, gồm 18 vị là Hoàng thân và quan viên triều đình. Nhiều bài thơ viết về cảnh chùa chiền... về văn cũng đa dạng như Thiệu Trị ngự chế văn tập gồm 200 bài chiếu, chế, dụ, biểu, châm, ký, minh, tựa, bạt, bi ký, câu đối của vua. Ngự chế lịch đại sử tổng luận do vua biên soạn; nội dung bàn về các sự kiện lịch sử, các triều đại, các nhân vật của Trung Quốc từ đời Bàn Cổ đến đời Thanh và các thể loại khác. Thiệu Trị cũng là người mở khoa thi võ đầu tiên trong triều Nguyễn bên cạnh thi văn để chọn nhân tài cho nước nhà. Khoa thi diễn ra vào tháng 6 năm 1846, khoa thi đầu tiên chọn ra 51 người đỗ đạt, là tiến sĩ võ đầu tiên của vương triều nhà Nguyễn như: Phạm Đức Sáng, Lê Uỷ, Trương Tín, Nguyễn Đào. Ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi, tức ngày 4 tháng 10 năm 1847 vua băng hà, hưởng thọ 41 tuổi, miếu hiệu là Hiến Tổ. Thời gian trị nước quá ngắn nhưng vua cũng để lại những cống hiến quý báu cho sự nghiệp dựng xây vương triều Nguyễn.
2. Chính sách của vua Thiệu Trị đối với Phật giáo
Không tỏ thái độ hạn chế và khắt khe như Hoàng tổ phụ của mình là vua Gia Long và cũng không chấn hưng Phật giáo mạnh mẽ như vua cha Minh Mạng nhưng Thiệu Trị là vị vua có cái nhìn thiện cảm, đánh giá rất khách quan về Phật giáo. Vua từng nói: Nhà Phật nói: “Không, sắc ba duyên cũng gióng như đạo Nho ta nói: “tinh, nhất”. Tiên cho rằng học thuyết của nhà Phật rất tinh vi, cảm động được người ta, đại loại là thế đó” [11: 602] Chính vì vậy, nên trong những năm trị nước vua đã đưa ra chính sách cụ thể đối với Phật giáo trong các mặt như Phát triển cơ sở thờ tự, thực hiện các chế độ ưu ái đối với các ngôi quốc tự và có sự quản lý đối với hàng tăng sĩ...
2.1. Phát triển cơ sở thờ tự
Thời Thiệu trị, Phật giáo được vua ủng hộ trong công tác xây dựng phát triển cơ sở thờ tự.. Chùa được Thiệu Trị cho xây dựng là Diệu Đế. Chùa Diệu Đế trước đây thuộc ấp Xuân Lộ, làng Du Ninh; nay thuộc phường Phú Cát. Năm 1844, các quan cùng Thị vệ Đại Thần Vũ Văn Giai dâng sớ tâu xin sửa vườn cây cảnh xanh tươi ở phía đông kinh thành - tức là nơi ở (tiềm để) của vua ngày trước để dựng một ngôi chùa nhằm lưu lại thắng tích. Thống quản thị vệ Vũ Văn Giải tâu nói: “Ấp đông Xuân Lộc ở trong kinh thành, nguyên là viên trạch của Phúc Quốc Công, nay xin lập thêm ngôi chùa ở nơi đất quý phát phúc để cầu phúc cho dân” [11:581]. Vua cho hợp lý và nghĩ rằng đây cũng là sự kế thừa chí hướng của vua cha đi trước, nên truyền cho bộ Binh điều động 600 biền binh, khởi công làm. Công việc thợ thuyền xong, vua sai đặt tên chùa là Diệu Đế: “Đó là nơi un đúc và thể hiện nét văn hóa vô cùng tuyệt diệu, tận nguồn cội thâm uyên đều được hiển bày qua chơn như mật đế, cũng vì vậy nên gọi là chùa Diệu Đế”[5: 65]. Trong văn bia của chùa, tự tay vua đề bút như sau: “Chùa nay xây dựng bên bờ sông, xoay hướng nhìn về thành đô đế chúa. Vua quan ngày ngày chiêm ngưỡng, càng tăng thêm màu sắc tươi thắm của chốn phồn hoa; xe qua thuyền ghé tấp nập, chen nhau như gấm dệt; mục đích vẫn thức tỉnh những tâm hồn hiếu lợi mê hoặc, vẫn lấy điều thiện làm căn bản”[5: 67]. Nguyễn Đình Hòe trong tác phẩm Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H ) bài viết về chùa Diệu Đế cũng có nhận xét: Chùa Diệu Đế là chùa của những mặc tưởng, kỳ diệu, hay còn có nghĩa chùa của bốn chân lý cơ bản của đạo Phật.
Mỗi cái tên vua đặt đều mang ý nghĩa thâm sâu vi diệu. Chùa được xây dựng với các hạng mục như điện Đại giác, các [gác] là các Đạo Nguyên, nhà trai bên tả là Cát Tường từ thất, nhà trai bên hữu là Trí Tuệ tinh xá, trước mặt dựng lầu Hộ Pháp, bên tả bên hữu đều dựng cửu Linh Tinh.
Đền ở giữa tên Đại Giác chính là sự hiểu biết rộng lớn, có mục đích dẫn dắt con người đi vào cái huyền vi của đạo. Đền ở trước là Đạo Nguyên có nghĩa là (gốc của Đạo) là cái cội nguồn phát sinh đạo pháp để dắt dẫn nhân loại tránh những tội lỗi và đam mê cõi trần. Để đạo Phật mãi tồn tại, bền vững và gióng như nước của dòng sông Bát Công luôn luôn tinh túy và trong sạch. Đền bên trái là đình Cát Tường (điều tốt). Đền bên phải tên Trí Tuệ (thông minh) và sau cùng thì toàn bộ ngôi chùa mang tên Diệu Đế, hàm ý đạo Phật là một tôn giáo hiện hữu khắp cõi trần.[6: 404]
Thời Thiệu Trị chỉ xây duy nhất ngôi chùa Diệu Đế, còn lại chỉ là nhân duyên ủng hộ Phật sự trong các dịp đặc biệt của vua đối với tam bảo. Năm 1842, nhân chuyến tuần du ra bắc, trước cảnh đẹp của đất Thăng long vua đã ngự chơi ở các đền thờ, văn miếu trong đó có các chùa. Khi dạo chơi ở chùa Trấn Quốc, ngôi chùa được nhà tiền Lý với cái tên là Khai Quốc. Chùa là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua nhà Lý, Trần thường vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết. Đời vua Lê Hy Tông (1681-1705) chùa được đổi tên là Trấn Quốc với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Nhưng khi vua Thiệu Trị ngự giá đến đây đã cho đổi tên là chùa Trấn Bắc, đồng thời ban một đồng tiền vàng lớn và cấp cho 200 quan tiền. Hai ngôi chùa lớn là Hoàng Ân (Hà Nội), Phật Tích (Sơn Tây) cũng cấp cho 200 quan tiền. Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), nhân dịp làm đàn chay để chúc phúc, các chùa ở trong Kinh, các sư ở chùa thuộc khu vực đó tụng kinh chúc mừng, triều đình đều cấp cho tiền, các sư thuộc phường Thuận Trạch ở Quảng Bình được cấp 200 quan tiền; ấp Tráng Tiệp 100 quan; Sư các chùa ở Quảng Trị được 100 quan; Tăng cang Nguyễn Văn Thường 500 quan.
Thiệu Trị nguyên niên (13-12-1841/10-01-1842), với chức danh tăng cang chùa Thiên Mụ, ngài Tế Chánh-Bổn giác cùng với Huệ giác Thiền sư, trú trì chùa Quốc Ân, tâu xin vua một ngân khoản trợ cấp để tiếp tục trùng tu chùa. Vua Thiệu Trị đã ban cho hai ngài 500 quan tiền để sửa chửa. Đây là một ngôi chùa do tổ sư Nguyên Thiều dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần, và được trùng tu rất nhiều lần qua các đời vua triều Nguyễn. Đối với các ngôi Quốc tự mỗi lần hư hại do thiên tai đều được nhà nước quan tâm xem xét tình hình để kịp thời tâu lên vua cho kịp khắc phục. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Bộ Công tâu với vua về việc chùa Thiên Mụ bị hư hại do bão lụt. Đền Hương Nguyện, trên đòn dong một tấm Pháp luân thường chuyển làm bằng đồng thau có một hai chỗ bị bay mất và có thấm dột ở mái ngói, 38 bức sáo cuốn có viền vải bị rách, sáo tre bị gãy đứt, 60 tấm phên có khung gỗ mục nát bay mất lá dừa, 16 tấm phên tre cũng bị rách. Điện Đại Hùng gồm một mái rui và 3 tấm cửa nguyệt môn bên trái bên phái và phía sau đều mục, điện Di Lặc, điện Quan Âm, lầu Hộ Pháp nhiều mái ngói đều bị dột và các vật hạng gãy vỡ kê khai xin chuẩn cho phát vật liệu và công thợ tu bổ [4: 208]. Cùng năm này, Bộ Công cũng tâu về việc xin khám lại các tòa sở chùa Long Quang bị hư hại:
Trong chính đường cột và rầm gỗ mỗi thứ 2 cây, 6 miếng ván lót, 3 đoạn văn bề, nhà sau có 3 đoạn văn bề, hành lang có 3 miếng ván bằng tọa, nhà bếp có 2 cây cột nhỏ, 5 cây rầm gỗ, cửa tam quan có 2 cây rầm gỗ, 4 cánh cửa, 2 mái rui đều hư mục. Tường gạch vách gạch có chỗ lỡ lói đổ nát. Mái ngói các tòa sở này cũng có chỗ bị bay mất thấm dột cần phải tu bổ [4: 211].
Triều đình cho phát vật liệu cũng như mướn 30 dân phu sở tại chiếu lệ cấp phát tiền gạo để chi dụng, phối hợp với 5 dân phu bảo vệ ở đó xét các khoản sửa chửa cho xong trong một tháng. Một việc làm hết sức ý nghĩa của vua Thiệu Trị đối với Tam bảo xứ thần kinh đó là xây bảo tháp Phước Duyên cao 7 tầng, tạo nên một mặt bằng hoàn chỉnh tại chùa Thiên Mụ với sự tự hào riêng của người con Phật xứ Huế về chùa tháp và vẻ đẹp thắng tích nổi tiếng khắp cả nước. Sau khi tháp làm xong vua cho đổi tên “Từ Nhân” thành “Phúc Duyên bảo tháp”. Trong thời gian làm tháp, vua thường ngự giá đến chơi, làm thơ. Vị trí của tháp nằm trước Vọng Cảnh Hương Nguyện, tháp này được vua Thiệu Trị cho xây năm 1844, toàn bằng gạch. Tháp có hình bát giác, mỗi mặt có 3,50 m chiều dài cạnh đáy. Vòng kính của tháp ở đáy là 12 m và chiều cao tổng thể là 21 m. tháp gồm có 7 tầng và càng lên cao càng nhỏ lại. Theo trong Phật giáo con số 7 tượng trưng cho Saptabounddha (Bảy Phật của đời trước: Vispasyi, Sikkhi, Visuabhou, Krakout Chanda, Kanakamouni, Kacyapa, và Cakyamouni). Mỗi tầng để thờ một đức Phật. Tháp đặt trên một nền bằng đá dạng bát giác chiều cao 1,1 m. Mặt phía Nam của tháp có nhiều ô cửa ở từng tầng. Trên mỗi ô cửa có ghi nhiều câu đối chép hai bên các ô cửa ấy.
Mọi người có thể đến viếng tháp bằng cửa tầng trệt có cửa sắt. Tuy nhiên muốn vào tháp phải có giấy phép của chính phủ An Nam vì chùa Thiên Mụ thuộc cả Bộ Lễ lẫn Bộ Công quản lý. Vào cửa tháp ta như đang ở trong một cái ổ bằng gạch và tùy một tầng đều có một ổ và thờ một tượng Phật. Tầng đầu thờ “Quá khứ Tỳ Bà Thi Phật” (Vispassyi), đến tầng hai thờ Thi Khí Phật (Sikkhi). Tầng thứ ba thờ Tỳ Xá Phù Phật (Isvabhou). Tầng thứ bốn, tượng Câu Lưu Tôn Phật (Kza Kout Chanda). Tầng năm, tượng Cẩn Na Xá Mâu Ni Phật (Kanakamouni). Tầng sáu tượng của Ca Diếp Phật (Kacyapa). Tầng cấp bằng gạch chấm dứt ở tầng sáu. Muốn lên tầng cuối cùng phải mở một cái nắp bằng sắt có khóa và niêm phong móc vào một cái nắp một cái thang, vì tầng bảy có đặt nhiều tượng vàng của nhiều Phật và bồ tát Cakyamouni (Trung Thiên Điều Ngự Bổn sư Thích ca Mâu ni Văn Phật, hai bên có Amitahba (A Di Đà Phật), Ananda (Anan) và Kacyapa (Ca Diếp).
Không hạn chế xây dựng và trùng tu chùa chiền nhưng vua cũng theo tình hình nước nhà để xem xét việc này. Không phải có sớ tâu về việc xây dựng tam bảo là vua đều phê duyệt. Khi Tổng Đốc Nguyễn Đăng Giai tâu: “Kính sư là điều căn bản trong thiên hạ...những chùa chiền, chuông, tượng, xin sắc sai dân gian, tùy lực mà tu tạo; những chùa chiền cổ mà nguyên trước có đã bị ngụy Tây đốt phá, xin phát của kho giao cho các địa phương sửa chữa”[11:666]. Vua lại nói việc xin sửa sang chùa chiền của Nguyễn Đăng Giai là sự không thành thật có mâu thuẫn vì chính ông tâu lên là xin bãi bỏ tất cả mọi việc như các hạt Thừa Thiên, Quảng Trị bị lũ lụt, quan trốn, thiếu thuế thì lại xin triển hạn lâu đến 6 năm, 3 năm... Nhưng chỗ chùa chiền thì xin mỗi tỉnh đều phải làm. Vua còn phân tích sự cố chấp trong công việc:
Thậm chí điều xin sửa sang chùa thờ Phật càng là lầm lẫn! Ôi, chính đạo với dị đoan, các thánh hiền đời cổ biện thuyết đã rõ rồi. Nước nhà ta, các bậc thánh đời đời nổi lên, ban phúc cho dân, chính đạo thịnh hành, giáo hóa rộng khắp. Cái đường vì dân cầu phúc, khuyên dân làm lành vẫn đã có rồi. Đôi khi dựng chùa quán, hoặc di tích thần thánh để lại hoặc chung đúc phát ra điềm lành, nơi sở tại nhân đó tùy đất mà dựng lên, để ghi nhớ lấy phúc tốt chứ không phải là sùng thượng tả đạo [11: 667].
Chính vì việc làm chùa của Đăng Giai là không đúng lẽ phải, việc xin làm chùa bị các đại thần vạch rõ, Nguyễn Đăng Giai bị nghiêm trị.
2.2. Xem trọng nghi lễ Phật giáo
Triều Nguyễn dù sử dụng Nho giáo làm phương thức quản lý quốc gia, nhưng vẫn sử dụng các tôn giáo khác để trấn an tinh thần nhân dân đó là Phật giáo. Trai đàn chính là phương thức thiện xảo để “âm dương lưỡng lợi”. Ngoài những lễ thường nhật thì triều đình rất xem trọng và trực tiếp đứng ra tổ chức đại lễ trai đàn ở các chùa công như Diệu Đế, Thiên Mụ, giác Hoàng. Nhiều lễ trai đàn vua còn cho chuẩn bị hết sức chu đáo, công phu, diễn tập trước khi trai đàn để mọi việc diễn ra thuận lợi. Công việc diễn tập trước khi trai đàn tương đối hiếm, chỉ thấy xuất hiện một lần sau lễ đăng quang vua Thiệu Trị. Cụ thể, vua xuống chiếu lập một đàn chẩn tế cho tất cả thần kỳ trong danh sách thờ tự cùng với các danh sơn, đại xuyên ở địa phương như chùa Tam Thai, Từ Tâm, Ứng Chơn ở núi Ngũ Hành, các động Hoa Nghiêm, Vân Tàng cùng các thần kỳ ở núi thuộc hạt Quảng Nam. Chư tăng mở trai đàn ở chùa Thiên Mụ, cùng với thuộc phủ hạt Thừa Thiên gồm 83 người cùng đến diễn tập trước. Trai đàn có lúc còn được đích thân vua ban thơ ngự chế, dùng son chép một trang, dùng mực chép năm trang, bảng chữ son dán vào cổng (sau đổi cổng thành đặt ở Trung điện) còn năm bản chữ mực thì đem chia đến các nơi thủy lục bến bãi có thiết bàn thờ tướng sĩ để hóa. Trong những năm trị vì của vua Thiệu Trị, triều đình đã có hơn10 lần đứng ra tổ chức trai đàn ở chùa. Với nghi lễ này vua mong muốn cầu cho đất nước an bình, cầu an cho mẹ vua cũng như các người thân trong hoàng tộc và đặc biệt mong muốn siêu độ cho vong hồn các binh sĩ vì nước quên thân ở chiến trường. Lần đầu tiên triều Thiệu Trị lập đàn là năm 1841, vua sắc cho bộ Lại, bộ Binh liệu phái:
Lập đàn chay trọng thể ở chùa Thiên Mụ. Sai Đại học sĩ là Lê Đăng Doanh, Thống chế ở Vũ lâm dinh Tả dực là Nguyễn Trọng Tính trông coi việc làm chay, tụng kinh 3 tuần 7ngày. Vua thường đến điện Kim Linh làm lễ... Xong rồi, lại tụng kinh ở chùa Giác Hoàng ở Kinh thành và chùa Khải Tường ở Gia Định, mỗi nơi tụng 1 tuần 7 ngày. Thưởng cho từ đổng lý trở xuống đến binh linh thợ làm, tăng cương, tăng đồ có thứ bậc [11:193].
Những năm sau đó vua cho tổ chức rất nhiều lần trai đàn. Thiệu Trị nguyên niên, triều đình tổ chức trai đàn một thất truy tiến Thánh Tổ Nhân Hoàng đế vào tháng 10 tại chùa Giác Hoàng. Trong đợt trai đàn này chùa tổ chức tụng kinh 1 thất, hải hội trang nghiêm, giao cho Thống chế Vũ Khê và tả tham tri Bộ Lễ là Phan Bá Đạt lo liệu công việc. Ngày khai đàn truyền cho Tôn Nhân phủ chọn phái các hoàng thân, hoàng đệ, luân lưu đảnh lễ cho được thận trọng. Diệu Đế, ngôi phạm vũ vốn là vườn nhà của Phước Quốc Công được thành lập để vì dân cầu phước cũng là nơi được triều đình chọn tổ chức lễ trai đàn nhân dịp mừng Thánh tổ mẫu của vua là Nhân Tuyên Từ Khánh Thái hoàng hậu hưởng thọ tuổi tiên và mừng chùa Diệu Đế xây dựng hoàn thành, Phật sự châu viên, vua truyền lấy giờ tốt ngày tốt là mùng 9 tháng 7 năm 1844 mở đại trai đàn. Trai đàn lần này rất quan trọng nên được chuẩn bị chu đáo và tổ chức rất trọng thể, truyền phái cho sáu bộ, Đô Sát Viện, thị vệ xứ phái thuộc viên mỗi nơi một người, tất cả phân bố công việc được nhịp nhàng và chu tất. Các hoàng thân đã trưởng thành cùng các quan chức trong Tôn Thất phải thay phiên đến đàn tràng đảnh lễ. Đây là đại lễ trai đàn với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, dân chúng yên ổn cùng hưởng phước thái bình nên ai nấy đều nhất niệm lo liệu.
Cùng năm này, xét thấy nhiều người dân ở các địa phương từ Nghệ An vào Nam bị chết do dịch bệnh và do đi đường biển, nhà vua cho lập đàn bạt độ để rộng duyên lành: “Truyền sau lễ Vu Lan, mở đạo tràng tụng kinh bạt độ ở chùa Diệu Đế một thất để úy lạo các hương hồn và làm rõ đường nhân hậu”. Sau khi Tháp Phúc Duyên làm xong, vua cũng cho làm đàn chay trọng thể ở chùa Thiên Mụ, cho quyền Chưởng vệ Tôn Thất Cung, Thị Lang Tôn Thất Hợp trông coi đàn chay. Bên cạnh đó, vua cho đặt thêm 1 đàn 7 ngày để cầu siêu cho các tướng sĩ trận vong ở thành Trấn Tây trong đợt trai đàn lớn tại chùa Thiên Mụ. Vua dụ:
Từ khi miền Tây có việc, tướng sĩ khó nhọc ở ngoài, đến nay 6 - 7 năm, nay võ công đã cáo thành, tâu thắng trận những người sống ở trong đất nước, đã đều được nhờ ơn trạch. Chỉ những người ở nơi quan ải lâu năm, khi đi khi về, hoặc chết vì phong sương, hoặc chết vì giáo mác, làm ma trơi ở nơi chiến trường, vùi nắm xương ở nơi bãi cát. Người chết im tiếng , không được ngậm một giọt rượu nào, thương đến trung hồn, rất là đau xót [11:1046].
Năm Thiệu Trị thứ sáu, đại hồng chung chùa Diệu Đế đúc xong, vua cũng cho mở trai đàn một thất tại chùa này “nhằm bạt độ tôn thân xa gần quá vãng”. Ngày khai kinh, nhà vua tự thân xa giá đến.
2.3. Quản lý chặt chẽ đối với tăng sĩ
Tăng sĩ là hàng ngũ xuất gia thay Phật hoằng dương chính pháp trong thế gian, là lực lượng quan trọng đối với sự phát triển của Phật giáo. Vì vậy, bên cạnh được hậu đãi của triều đình, thì vua cũng chú ý quản lý những hoạt động của đội ngũ này thông qua các việc như quy định về sát hạch, lối sống, đạo đức của tăng sĩ...
Nhà nước luôn đề cao việc thông hiểu Phật pháp của chư tăng nên đề ra các kì sát hạch để tìm ra những bậc chân tu thông hiểu giáo lý đồng thời thanh lọc những người chỉ lợi dụng phật giáo với mục đích mưu sinh. Triều Thiệu Trị cũng như thời vua Minh Mạng đều tổ chức sát hạch để cấp giới đao độ điệp. Lễ cấp giới đao độ điệp (cấp cho giới đao để cắt đứt hết mọi dục vọng, yên tâm trì giáo) được lập ra từ thời Gia Long và duy trì đến các thời sau của triều Nguyễn. Triều Gia Long, vua đã đưa vào trong Hoàng Việt Luật Lệ với qui định: “Nếu tăng đạo không được cấp độ điệp, tự ý cạo tóc thì phạt 80 trượng, nếu do gia trưởng thì gia trưởng gia trưởng phải chịu tội, nếu do trụ trì ở tự quan và thầy dạy riêng độ thì đồng tội, buộc hồi tục, vào sổ đương sai” [9: 276].
Tuy nhiên, lúc này triều đình chưa tổ chức sát hạch tăng sĩ đến thời Minh Mạng mới tổ chức. Thời Thiệu Trị, vua cho kiểm tra giới luật, cấp văn bằng và chọn ra nhà sư giỏi phái đến các chùa của nhà nước trông coi. Thiệu Trị thứ nhất (1841) có dụ:
Lần này những người ứng hạch tuy không có ai xuất sắc cho lắm nhưng tựu trung cũng có người kia hơn người này, không nên nhất khái khắt khe, (...) cộng là 7 người chuẩn cho chiểu theo nghề nghiệp của mình phái đến chùa giác Hoàng, đền Linh Hựu làm việc, đều chiểu cấp hàng tháng 1 quan tiền 1 phương gạo, để giúp cho sự chi dùng, còn thì đều cho về [8]
Những chùa sắc tứ nhà nước luôn qui định số lượng sư tăng cụ thể, các chùa như Thiên Mụ, Diệu Đế, Giác Hoàng, Thánh Duyên, Long Quang gồm có số lượng như sau: Trụ trì 1 người, Tăng cang 1 người, Tăng chúng từ 9 người đến 48 người (đông nhất là chùa Thiên Mụ: 18 người, ít nhất là chùa Thánh Duyên: 9 người), đạo đồng từ 2 đến 3 người (chùa Thánh Duyên và chùa Long Quang) tùy theo yêu cầu của triều đình. Các sái phu (số người coi giữ, phục vụ trong chùa cũng được quy định số lượng. Quy định của nhà nước đối với lối sống của tăng sĩ cũng khá chặt chẽ nghiêm ngặt được thực thi từ thời Gia Long và đến thời Thiệu Trị vẫn thực hiện theo những qui định được chép trong bộ Hoàng Việt Luật Lệ: “Phàm các tăng, ni, đạo sĩ, nữ quan đều bắt phải lạy cha mẹ, cúng tế tổ tiên, thứ bậc để tang (...), đều gióng như người thường”.
Về y phục của các sư tăng cũng có qui định rõ ràng chỉ được dùng vải, không được dùng lĩnh, là, lụa, đoạn. Nếu là tăng sĩ vi phạm pháp luật thì bị xử nặng hơn người thường 2 bậc, đặc biệt là tội thông gian lại xử nặng hơn. Đối với các hoạt động mê tín và lợi dụng Phật giáo như thầy cúng, đồng cốt, vẽ bùa, đọc chú vào bát nước, xưng là Đoan công, Thái bảo, Sư bà, Phật Di Lặc... giả cách làm việc thiện, mê hoặc nhân dân đều bị xử phạt. Vì triều đình đã qui định: “Dân gian có bệnh chỉ được mời thầy chữa thuốc không được nghe nhảm những việc yêu tà, cầu cúng càn rỡ, thầy phù thủy, kẻ đồng cốt, không được thờ phụng đèn hương để trừ tà, chữa bệnh, nếu quen thói cũ sẽ trị tội nặng”. [8] Một khi các tăng sĩ phạm pháp đều bị xử phạt theo đúng pháp luật để răn đe những người trong giới. Ngày mồng 9 tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Nguyễn Văn Thường đệ đơn xin số ruộng đất chùa còn lại. Chuyện là vào tháng 12 năm Minh Mạng thứ 12 (1831) ngài đầu đơn xin lại 47 mẫu ruộng Tam bảo tự điền và đúng một năm sau đó xã Thần Phù đã giao lại 24 mẫu 9 sào 8 thước 7 tấc cho chùa canh tác. Và đến năm Thiệu Trị thứ 7 ngài đệ đơn xin tiếp số ruộng chùa còn lại. Quan ngự sử đã tra xét và thấy không có căn cứ, không đúng sự thật. Ruộng này đã phụng chuyển cấp xã An Mỹ lập bộ đề là quan điền y lệ nạp thuế, đã được chỉ chuẩn cho y và hồ sơ vẫn còn tại án nên theo tiền án để xử. Trong khi chùa Pháp Vân đã được xã Thần Phù giao trả hơn 24 mẫu ruộng để hương khói vẫn còn dư giả. Triều đình cho rằng Nguyễn Văn Thường đã tham lam, vi phạm giới nhà Phật. Vì vậy, Ngài bị xét phạt 100 trượng. Song, nhận thấy vì Hòa thượng tuổi đã 79, sức khỏe không tốt để chịu đựng đòn roi vì thế theo lệ cho chuộc tội là nộp 7 phân 5 ly bạc hộp vào kho. Nhưng cuối cùng xét vì tuổi già nên miễn phạt trượng và cũng không thâu tiền. Tăng sĩ là hàng chí kính, thay Thế Tôn truyền bá đạo mầu vì vậy mọi hành động lời nói cần phải chú ý giữ gìn lời nói, hành động và đời sống của chư tăng để đúng với luật lệ của nhà nước và đời sống Tăng già.
Năm 1846, Bộ Hộ trình việc sư Nguyễn Nhứt Phẩm trụ trì chùa Thiên Hòa tố đơn đòi ruộng chùa bị bác, chiếu khinh luật xử phạt 40 roi. Theo Nguyễn Nhứt Phẩm khai nói y và sư Năng nguyên là môn đồ có lập một thảo am tại địa phận xã Dương Xuân. Chùa này nguyên là tên Đồng Lâm nhưng sau lại đổi tên Trường Minh. Sau này sư Năng bị bệnh nên đã soạn đơn và cựu khế giao lại cho Nguyễn Nhất Phẩm để nhẩn ruộng lại và tu bổ chùa. Khi triều đình xem xét mọi việc nhận thấy Nguyễn Nhất Phẩm nguyên là chùa Thiên Hòa chứ không phải môn đồ chùa Đông Lâm nhưng y đã dám thêu dệt chuyện sư Năng di chúc cho mình lại còn còn viện dẫn nhiều lời nói vô căn cứ, mạo xưng chùa Trường Minh là chùa Đông Lâm với mưu đồ vọng chiếm. Vì vậy, Nguyễn Nhứt Phẩm chiếu khinh luật “bất ưng vi” xử phạt 40 roi, còn những vị làm việc công không đúng cũng theo đó bị xử phạt.
Bên cạnh những chính sách trên, triều đình cũng hạn chế sự tham gia của đội ngũ tăng sĩ vào công việc triều chính. Các triều đại như Đinh, tiền Lê, Lý hay triều Trần các tăng sĩ được triều đình trọng vọng, ban cho nhiều chức tước. Đội ngũ quan lại thời Lý- Trần được chia làm bốn ban đó là Ban Văn, Ban Võ, Thái giám Ban và Tăng Ban, mỗi ban được giao một quyền hạn và trách nhiệm khác nhau. Trong đó Tăng Ban có vai trò giáo chủ về tinh thần , góp phần giáo dục, định hướng tư tưởng cho giai cấp thống trị. Dưới triều Đinh, Lê Lý, các vị sư đạo cao chức trọng như Thiền sư Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Viên Thông... luôn là cố vấn đặc biệt cho triều đình, đóng góp những ý kiến thiết thực cho nhà vua, sang thời Trần cũng có thiền sư Trúc Lâm, Đại Đăng, Pháp Loa, Huyền Quang. Còn triều Gia Long, Minh Mạng, và Thiệu Trị không như thế, vua Thiệu Trị vẫn ban chức Tăng Cang cùng nhiều hậu đãi cho đội ngũ tăng sĩ nhưng các bậc cao tăng đó vẫn không được triều đình mời tham dự triều chính cho dù có tài giỏi. Các vị chỉ có trách nhiệm trong chốn thiền môn, hướng dẫn chúng cư sĩ về đời sống tâm linh... Vì vậy, vị thế của Tăng sĩ Phật giáo dưới thời Thiệu Trị không có chỗ đứng như Nho giáo.
Đồng thời, triều đình cũng phong làm Tang cang và sung chức Trú Trì cho các Tăng sĩ. Dưới thời Thiệu Trị, mọi hoạt động của các chùa đều dưới sự quản lý của nhà nước vì vậy việc phong chức, bổ nhiệm hay cắt cử các vị tăng cang, trụ trì ở các chùa cũng do triều đình thực hiện. Nhiều tăng sĩ đã trụ trì chùa này nhưng vẫn phân bổ đi làm trụ trì chùa khác, hay tăng cang vùng này triều đình triệu mời tăng cang chùa ở vùng khác… trên trú trì có tăng cang. Tăng Cang là chức sắc cao nhất dưới triều Nguyễn, đây là hình thức tôn vinh của triều đình đối với một số danh tăng có đạo hạnh và uy tín. Tăng cang được xem như một chức quan và được triều đình cấp lương bổng hàng tháng. Thời Thiệu Trị Tăng cang không nhiều như thời vua Minh Mạng và có một số vị làm Tăng Cang từ triều Minh Mạng đến triều Thiệu Trị như Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định. Tăng Cang Tiên Giác - Hải Tịnh.
Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), Hòa thượng Tánh Hoạt - Huệ Cảnh (1798 - 1869) được vua Thiệu Trị cử làm trụ trì quốc tự Thánh Duyên. Hòa thượng Tế Viên - Bổn Thường thế danh Nguyễn Văn Thường, sinh năm Kỷ Sửu (1769), nguyên quán phường Tân Lộc tỉnh Gia Định, trú trì chùa Long Quang và chùa Pháp Vân. Tháng 3 Thiệu Trị nguyên niên (1841), Ngài được sắc phong chức Tang Cang chùa Thiên Mụ. Hòa thượng Nhất Chơn vốn dòng Nguyễn, chánh quán Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Ngài xuất gia học đạo tại chùa Báo Quốc, đầu sư với Hòa thượng Diệu Giác. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) Ngài được sung chức trú trì Linh Hựu quán, sau được được bổ nhiệm chức Tăng Cang Quốc tự Diệu Đế rồi đến chức Tăng cang chùa Linh Mụ. Hòa thượng Tiên Giác - Hải Tịnh (1788 - 1875) tên thật Nguyễn Tâm Đoan, năm 1841-1842, Ngài được bổ trụ trì chùa Long Quang. Ngày 16 tháng 9 năm 1842, Ngài được triều đình cử đến trú trì chùa Giác Hoàng ở trong kinh thành Huế, thay thế cho Tăng Cang Nguyễn Nhất Định tức hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định, về sau Ngài cũng được cử làm Tăng Cang chùa Giác Hoàng. Hòa thượng Quang Huy -Nhất Niệm, húy Tánh Chiếu, tự Nhất Niệm, hiệu Quang Huy. Ngài đắc pháp với Hòa thượng Phổ Tịnh năm Gia Long 13, được sung làm trú trì chùa Diệu Đế vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Sau đó, được bổ nhiệm trú trì chùa Báo Quốc. Hòa thượng Tế Viên - Bổn Thường thế danh Nguyễn Văn Thường, sinh năm Kỷ Sửu (1769), nguyên quán phường Tân Lộc tỉnh Gia Định, trú trì chùa Long Quang và chùa Pháp Vân. Tháng 3 Thiệu Trị nguyên niên (1841), Ngài được sắc phong chức Tang Cang chùa Thiên Mụ.
Năm 1848, Hòa thượng an nhiên thị tịch thọ 80 tuổi, Long vị đặt tại tổ đình ghi: “Sắc tứ Thiên Mụ Tăng Cang Tế thượng gia phổ trùng kiến Thiên Phước tam thập lục thế húy Tế Bổn thượng Viên hạ Thường Hòa thượng Giác linh chi vị”. Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784 - 1847). Hòa thượng người họ Nguyễn, sinh năm giáp Thìn (1784) vào triều Cảnh Hưng năm thứ 45 nhà Lê. Nguyên quán làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Ngày 12 tháng 8 năm Canh Dần (1830), Minh Mạng thứ 11, Ngài được cấp giới đao và độ điệp, 3 năm sau được vua châu phê cử làm trú trì Linh Hựu Quán ở phường Ân Thịnh, thuộc địa vực Tây Linh hiện nay. Sau đó được sung chức Tăng Cang Linh Hựu Quán, đạo hạnh Ngài mỗi ngày mỗi vang xa vì vậy đến năm 1839 triều đình Huế sung chức Tăng Cang chùa Giác Hoàng. Nhưng Ngài nhàm chán chùa vua nên rất nhiều lần xin từ dịch nhưng mãi vẫn không được. Đến năm 1843, vua Thiệu Trị cho Ngài hồi hưu. Ngài đã làm hai câu thơ để tỏ sự đắc ý:
Phiên âm:
Hạnh phùng tấu đắc nhưng hồi lão Nhất bát cô thân vạn lý du.
Tạm dịch:
May được vua cho về nghỉ lão Một thân một bát ruổi phương xa. [1:187]
2.4. Thực hiện chế độ bao cấp đối với nhà chùa
Thể theo tinh thần từ triều Minh Mạng, dưới thời Thiệu Trị các ngôi Quốc tự được ưu ái hơn cả, vì đây là những ngôi chùa do các tiên đế xây dựng, là nơi truyền bá Phật giáo mang tính quốc gia. Vì vậy, những ngôi chùa này được triều đình quan tâm và hậu đãi. Tăng sĩ ở quốc tự được miễn thuế khóa, sưu dịch, được cấp lương bổng hàng tháng để chi cấp pháp phục, gạo, muối… Theo từng cấp bậc tăng sĩ mà chế độ phân chia sẽ khác nhau. Chùa Diệu Đế mỗi tháng cấp cho sư trưởng 2 quan tiền, 1 phương gạo trắng, các sư mỗi người mỗi tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo, hành động này chính là sự thừa nhận và ủng hộ Phật giáo phát triển trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc.
Đối với các chùa làng: Năm 1843, chuẩn lời tâu của phủ Thừa Thiên thu mua ruộng tư ở xã Đức Bưu, huyện Hương Trà 7 mẫu 4 sào, đặt làm ruộng chùa, tháp Thúy Vân, Linh Thái, giao cho người trụ trì ở chùa ấy nhận lĩnh cày cấy để cung chi phí hương đèn ở chùa tháp ấy [3]
Đối với các sái phu: Vua Thiệu Trị có quy định số lượng sái phu cụ thể cho một số chùa. Các sái phu này chuyên đảm trách việc bảo vệ, quét dọn, và các công việc khác trong chùa. Những người này được miễn việc binh, miễn sai dịch, nhưng vẫn nộp thuế thân đầy đủ. Năm 1844, chuẩn lời tâu xin sái phu ở chùa Diệu Đế. Lệnh cho quan Kinh doãn lấy dân xã Phú Xuân 5 suất, dân xã Dương Xuân 5 suất, dân xã An Bảo 10 suất sung làm phu ở chùa, cho miễn binh và sai dịch.
Nhà nước còn chi cấp các lễ vật cho mốt số ngôi chùa được bảo hộ: Triều đình luôn quan tâm đến việc ban cấp các phẩm vật cần thiết cho các chùa sắc tứ đặc biệt vào các dịp như lễ Trung nguyên, Hạ nguyên, Vu lan, Phật đản, đại tang Hoàng đế, Thái hậu, lễ cầu an, cầu siêu cho binh sĩ tử trận, chúc thọ, xây sửa chùa, tiết thánh thọ, tiết vạn thọ,... Trong các lễ này triều đình ban cấp đầy đủ kinh phí, lễ phẩm và nhu yếu phẩm các loại phục vụ cho việc tổ chức. Vật phẩm triều đình cấp cho các chùa thường tiền bạc, nến sáp, hương vòng, vàng mã, giấy các loại, trà tàu, trầm hương, than gỗ, than đá, sợi vải, dầu đèn, đĩa bấc đèn, gạo trắng, muối hột, nải quả, trầu cau, rượu, mâm cỗ các loại (các hạng nhất, nhì, trung, nhỏ ), bài vị, đàn lễ, đèn hương, áo mũ vàng tiền giấy, lễ cúng, đồ tế khí... Các lễ vật dùng trong cúng tế được kiểm tra về hình thức, số lượng, thể lệ rất cẩn thận. Cơ quan đứng ra phụ trách giám sát việc chuẩn bị các phẩm vật gồm Phủ Tôn Nhân, Đô Sát Viện, thời gian tổ chức tùy theo các lễ có khi 1 ngày, 3 ngày, 7 ngày thậm chí có lễ đến 21 ngày. Qui định về số mâm cỗ vào các lễ ở các chùa và lễ cúng vào các dịp như ngày sinh Quán Thế Âm, ngày sinh Văn Thù Bồ tát, ngày sinh Phổ Hiền Bồ Tát ở Quán Linh Hựu. Cụ thể ngày sinh quan Thế Âm cỗ cúng hạng nhất 1 mâm, cỗ hạng cúng nhì 3 mâm, quả phẩm 4 mâm (mỗi mâm 2 tiền), ngày sinh Văn Thù, Phổ Hiền đều làm cỗ cúng hạng nhì ba mâm, quả phẩm 3 mâm.
Ngày mùng 9 tháng 7, năm Thiệu Trị thứ 4, lễ trai đàn tổ chức tại chùa Diệu Đế, tổ chức tụng kinh một thất bảy ngày đêm để mừng Thánh tổ mẫu Nhân Tuyền Từ Khánh Thái Hoàng hậu phước thọ tăng long và cầu mưa thuận gió hòa, vua đã châu phê tất cả lính thợ cần dùng bao nhiêu vật liệu, chuẩn cho đổng lý chiếu các nha môn tư xuất trước cho kịp thời làm việc. Tháng 5 năm 1846, trai đàn chúc hỗ các hoàng tử hoàng nữ và nội đình tổ chức tại chùa Diệu Đế, trong lễ này tất cả gạo, thóc, lương, tiền chi cấp cho chư tăng binh thợ và trai tăng chẩn bần cùng tất cả các thứ vật hạng nhu dụng đều xin y theo như trai đàn chúc hỗ của hoàng tử hoàng nữ năm ngoái (lễ tụng kinh chúc hỗ một thất của hoàng tữ hoàng nử cử hành tại chùa Thiên Mụ năm 1843) mà chước lượng cho chu đáo chờ sau khi trai đàn viên mãn, chi vật xuất hạng bao nhiêu sẽ lập tiêu sách. Tháng 7, năm 1845, trai tăng tại chùa Thiên Mụ nhân dịp các hoàng tử hoàng nữ tụng kinh chúc hỗ một thất. Trong ngày trai tăng cấp phát cho tăng cang mỗi người Phi Long đại tiểu ngân tiền mỗi thứ một tấm, một thước vải tây đỏ, một cây quạt tàu, một bao gạo nếp, và bánh trầu cau thuốc lá mỗi thứ một gói. Trụ trì mỗi người một tấm Phi Long tiểu ngân tiền, thiền sư một quan tiền kẽm, tăng chúng mỗi người 5 bách tiền kẽm. Từ trụ trì trở xuống tăng chúng cấp đồng đều mỗi người một thước vải đỏ, một cây quạt tre, một bao gạo nếp, bánh trầu cau thuốc lá mỗi thứ một gói. Chư tăng dự trai đàn lần này tăng cang gồm có 3 vị, trụ trì 3 vị, thiền sư 126 vị, tăng chúng 53 vị đều được cấp phát theo thứ bậc[4:153 ].
Về trai đàn từ ngày khai kinh đến ngày hoàn kinh những người làm từ sư tăng, binh dân, lại dịch, công thợ đều được cấp 20 đồng tiền và một bát gạo trong mỗi ngày. Những chư Tăng lưu lại chùa đợi ngày mai khai Kinh từ tăng cang đến tăng chúng là 185 người cấp cho tiền gạo để chi độ. Ngày 21 tháng 6 năm 1846, Vũ Khố Phúc xin dự liệu số giấy vàng bạc dùng trong trai đàn 1 thất của hoàng tử hoàng nữ tại chùa Diệu Đế và trai đàn 1 thất chẩn tế vào tháng 7 tại chùa Thiên Mụ. Truyền cho các vị lo lễ kiểm tra các loại giấy vàng bạc, giấy kinh y, giấy tiền, giấy ngũ sắc, hương, đồ trang điểm... lo liệu cho đủ lễ. Lễ đúc đại hồng chung chùa Diệu Đế, sáng sớm làm lễ cáo tổ thợ làm mâm cỗ cúng do phủ Thừa Thiên sắm sửa đủ các lễ phẩm gồm cả chay lẫn mặn. Thiệu Trị, năm thứ hai, cấp 300 quan tiền, gạo để quan địa phương chuẩn phát cho dân xã và vị Lạt Ma trong chùa ấy, chuẩn cho chiểu các việc trong chùa, tùy mà chi biện triều đình ban cờ cho một số chùa như Bảo tháp Phúc Duyên, Diệu Đế, Linh Hựu, Giác Hoàng.
Giai đoạn này, vô số tượng và pháp khí được đúc. Vua cho đúc đại hồng chung ở chùa Diệu Đế. Chuông được đúc theo khuôn mẫu của chùa Thiên Mụ, bộ thần sai các thuộc viên đem thợ đến chùa Thiên Mụ đo đạc hồng chung chùa ấy. Ngày 26 tháng 5 năm 1846, tiến hành đúc đại hồng chung ở chùa Diệu Đế. Đúc chuông lần này là một sự thể quan trọng trong công tác Phật sự của chùa và một việc làm ý nghĩa đối với nhà vua nên trước ngày đúc (ngày 25 tháng 5), thần bộ sẽ đến xưởng đúc trần thiết màn trướng, bàn án đồ thờ các thứ trong ba gian. Gian giữa thờ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, Câu Lưu Tôn Phật. Gian bên tả thờ Đệ Nhất Uy Đức Thành Tựu Chúng Sự Đại Công Đức Thiên. Gian bên hữu thờ Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát Phật (các tượng Phật do nhà chùa phụng đệ trần thiết), các lễ phẩm để cúng gồm có 5 mâm cúng hạng nhất, 15 mâm cúng hạng nhì, giấy tiền, trà, hương, đèn đầy đủ đều do thần bộ sắm sanh. Các sư ở chùa Diệu Đế sẽ đến xưởng tụng một bộ kinh Khổng Tước Minh Vương, đại diện lễ Phật là viên chức của thần bộ. Triều đình cho 2 suất đội Cẩm y và Kim ngô, 6 đội trưởng, 30 lính đến xưởng để kiểm tra cho việc đúc chuông được thành tựu. Hộ, Lễ, Công 3 bộ tâu việc phân chia tỷ lệ vàng cho vào các nồi nấu đúc. Số vàng Ngự tiền ban xuống là một nén vàng 10 lượng. Nội đình hoàng tử, hoàng tôn, công chúa, hoàng nữ, nội cung và thái giám cúng gồm 8 nén vàng 1 lượng cùng các loại tiền vàng gồm 28 đồng nặng 12 lượng 1 tiền.
Phụng chiếu chuông này định từ miệng đến vai chuông phải cần 35 00 cân đồng thiếc. Từ miệng đến vai chuông là 35 nồi nhưng gia vàng thì bắt đầu từ nồi thứ 5. Quả chuông hoàn thành nặng ước chừng 4400 cân. Trong đó, hoàng tử An Phong công Hồng Bảo hiến cúng 3 tấm Phú thọ đa nam (“Phú Thọ đa nam” thời Minh Mạng, nặng 5 đồng cân, trị giá giá 43 quan, nặng 4 đồng cân, trị giá 34 quan, nặng 3 đồng cân, trị giá 26 quan) trung kim tiền và 5 tấm Bát bửu ngân tiền, Phước Tuy Công Hồng Nhậm hiến cúng 1 tấm Phú Thọ đa nam tiểu kim tiền 1 tấm Phi long (Kim tiền Phi Long thời Thiệu Trị, hạng lớn nặng 7 đồng cân 2 phân, trị giá 60 quan, hạng nhỏ nặng 3 đồng cân 5 phân, trị giá 30 quan) tiểu ngân tiền (Ngân tiền Phi Long nặng hạng lớn nặng 7 đồng cân 2 phân, trị giá 2 quan, hạng nhỏ nặng 3 đồng cân 5 phân, trị giá 1 quan), cộng lại là 1 lượng 5 phân vàng và 8 tiền 6 phân bạc tất cả đều không cho vào khi đúc do hiến cúng trong khi đồng nấu đã tan chảy và sắp tiến hành rót đúc. Vì vậy, số vàng này sẽ lưu lại cùng với số vàng 1 lượng 7 tiền (trong đó 1 thoi vàng 1 lượng và 4 tấm kim tiền các hạng) nguyên trích lưu để khảm các chữ đại tự kính.[4:188-189]
Thiệu Trị năm thứ năm Bộ Lễ tuân nghị làm tập về tự khí tự điển chùa Long Phước - Quảng Trị. Trong đó có các khoản nói về tam bảo điền, về các đồ thờ, các sái phu ở chùa và khoản nói cách thờ tự (việc thờ theo). Khoản nói về đồ thờ ở chùa Long Phước (Quảng Trị) từ thời Minh Mạng đã được cấp các thứ đồ thờ làm bằng đồng, sắt, sành sứ, các thứ này cũng được giao cho tỉnh thần kiểm tra và giữ lại thờ. Còn các thứ trướng bằng Nam sa, các đồ thờ bằng gỗ cũng giao tỉnh thần kiểm tra kỹ, cái nào cần làm lại hoặc sửa lại phải kê khai để nội vụ Vũ Khố lo liệu vật liệu và thợ đến tu bổ. Những tự điển hiện còn thiếu 1 cái chuông, 1 cái trống, 1 tấm vũ đoạn chắn bụi, và tàn lọng, chân đèn, chậu, thau, mâm, kỷ, chiếu ... đều xem xét để cấp thêm, nếu được chuẩn cho thì nội vụ kê rõ và 3 phường An Định Nha, An Hướng, Phương Xuân được nhận giữ phụng thờ. Một khoản khác nói về 3 phường này được định lại việc tế lễ và cấp thêm đồ thờ, đồng thời cung cấp 3 người phu quét dọn cùng với 6 người cũ và được đổi tên là phu giữ chùa, trong đó có đặt một người làm phu trưởng để xướng suất công việc. Còn một khoản nói về việc thờ cúng trong đó triều đình giao cho phường trưởng 3 phường ấy lo việc cúng kính. Chùa Quảng Tế ở thôn Dương Xuân Hạ, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy thành phố Huế, Ngài Hải Nhu - Tín Nhậm trụ trì. Ngài được Thái Hậu Từ Dũ cúng 3 ngôi tượng tam thế và Liên Hoa pháp tòa (sơn thếp), Ngài lại thỉnh thêm một số tượng Bồ tát, Hộ pháp, Thập điện cùng các pháp khí trong chùa để thờ trang nghiêm.
Pháp khí thời vua Thiệu Trị không đúc tạo nhiều nhưng cái nào được tạo đều có giá trị. Về đại hồng chung, triều đình chỉ cho đúc ở quốc tự Diệu Đế còn lại các chùa trên cả nước thời này tự mỗi chùa hay dân làng góp tiền để đúc. Chuông chùa Thiên Ấn, được xem là “chuông thần” thời đó. Phía trước, bên trái chính điện chùa có treo một quả đại hồng chung, gọi là chuông thần. Nguồn gốc của quả chuông này từ làng Chí Tượng. Nay là xã Đức Hiệp, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Tương truyền dân làng Chí Tượng có đúc một quả chuông cho chùa làng. Nhưng kì lạ chuông đánh mãi không kêu. Vào năm 1845, tổ sư thứ ba của chùa Thiên Ấn là thiền sư Bảo Ấn. Khi ngài đang thiền thì thấy một vị hộ pháp bảo tới thỉnh quả chuông ấy về. Kỳ lạ thay, sau khi chuông được thỉnh về chùa Thiên Ấn. Ngày lễ khai chuông, sau khi chú nguyện, thiền sư Bảo Ấn gióng thì chuông phát ra tiếng kêu. Tiếng chuông trầm ấm ngân vọng khắp vùng nên dân làng gọi đó là Chuông Thần.[7]
Cũng có câu chuyện khác được lan truyền. Sau khi biết dân Chí Tượng đúc chuông mà đánh không kêu, Thiền sư Bảo Ấn đến xin thỉnh chuông. Dân làng đều không đồng ý. Sau khi đúc đến cái thứ ba mà kết quả vẫn như cũ, họ mới đồng ý cho thiền sư thỉnh chuông về chùa. Kì lạ là chỉ khi về chùa, tiếng chuông mới được ngân vang. Chuông chùa Vinh An tỉnh Tuyên Quang, một quả chuông đồng đúc vào đời vua Thiệu Trị. Chuông chùa Phúc Nương được tu sửa đầu thời Nguyễn. Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng sớm ở nước ta, thông qua những tấm bia mang niên hiệu Hoằng Định Chính Hòa thời Lê Trung Hưng khẳng định về sự nổi tiếng của ngôi chùa này từ thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Đến năm 4 (1844), Thiệu Trị trị vì, dân làng đã công đức tiền của đồng thuê thợ đúc quả chuông đồng lớn “Phúc Nương tự chung”. Bài ký trên thân chuông ghi:
Quan viên sắc mục xã thôn trưởng, lão ông, lão bà thiện nam tín nữ, sư trụ trì và toàn dân thôn Yên Thị xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Thường nghe chùa chiền có chuông xưa nay là thế, thành tâm với đạo mà không có phương tiện thì không kết quả, không có chuông thì đạo Phật không sáng tỏ được, gõ to thỉnh nhỏ để giác ngộ đạo chân thừa. Sáng niệm tối cầu để vượt bến mê qua bờ giác. Đạo Phật thường âm vang giữa thế gian. Ấp ta gần sông Thiên Đức, chùa cổ Phúc Nương đàn tùng sáo trúc điểu ngữ kinh kệ quả là danh thắng một vùng. Rồi trải qua binh hỏa tiếng chuông im bạt đã bao năm rồi. Đến năm Giáp Thìn, bản thôn khuyến thiện thập phương phúc quả vẹn toàn tiếp tục thanh âm xưa, sức tiếng xã gần phúc tựa hà sa. [10]
Kết luận
Triều Thiệu Trị, Phật giáo tồn tại và hoạt động dưới sự quản lý và bảo trợ của triều đình. Tuy không phải tôn giáo chính thống nhưng vẫn dành được nhiều sự ưu ái của nhà nước. Chính sách của triều đình đối với Phật giáo thời này không hạn chế như thời Gia Long, không có sự ủng hộ mạnh mẽ như thời Minh Mạng nhưng không vì thế khiến cho Phật giáo thụt lùi. Vua quan vẫn cho phát triển cơ sở thờ tự, các ngôi Quốc tự vẫn nhận được bổng lộc của triều đình, đời sống Tăng chúng giữ được thanh tịnh hòa hợp, Phật sự châu viên. Có thể nói, đây là nối tiếp thành quả của thời Minh Mạng và làm nền tảng cho sự phát triển của những thời kỳ sau.
Thích Nữ Hiền Nguyện - Học viên Cao học, Học viện PGVN tại Huế.
--------------------------Tài liệu tham khảo 1. Thích Hải Ấn - Thích Trung Hậu (2011). Chư Tôn Thiền Đức & Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, NxbTổng Hợp TP. Hồ Chí Minh. 2. Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh. 3. Vũ Thanh Bằng (?) Cơ sở thờ tự Phật giáo triều Nguyễn, ngày truy cập 1/7/ 2021, http://chuaxaloi.vn/tin-tuc/co-so-tho-tu-phat-giao-duoi-trieu-nguyen/396.html 4. Lý Kim Hoa (2002), Châu Bản Triều Nguyễn - Tư liệu Phật giáo, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 5. Nguyễn Đình Hòe (1917), Những người bạn cố đô Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế. 6. Giới Hương (1994), Văn bia chùa Huế, bản viết tay, lưu hành nội bộ, Huế. 7. Hữu Khoa, Linh Phạm (2020) Chuông Thần- giếng Phật trong chùa 300 năm, ngày truy cập11/7 /2021, vnexpress.net/chuong-than-gieng-phat-trong-chua-300-nam-4016850.html-https 8. Nguyễn Ngọc Quỳnh (2007), Thái độ ứng xử của triều Nguyễn với Phật giáo qua “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ), ngày truy cập 11/7, https://thuvienhoasen.org 9. Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994) Hoàng Việt Luật Lệ, tập II, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 10. Sen Trắng (2019), Chùa Phúc Nương, ngày truy cập 01/8/2021, https://sentrang.vn/chua-phuc-nuong-ha-noi.html 11. Quốc sử quán triều (2006), Đại Nam thực lục, tập 6, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
Bình luận (0)