Trang chủ Lịch sử - Triết học Quan điểm và chính sách Phật giáo của vương triều Nguyễn

Quan điểm và chính sách Phật giáo của vương triều Nguyễn

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Quảng Hoàng
Học viên Cao học khoá 3, Học viện PGVN tại Tp.HCM

1. Bối cảnh lịch sử

Triều Nguyễn kéo dài 143 năm (1802-1945), nhưng lại được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn tự chủ (1802-1884) và giai đoạn không tự chủ (1885-1945). Tác giả viết về giai đoạn tự chủ của triều Nguyễn và tập trung chủ yếu viết về Phật giáo tại Huế trong giai đoạn này.

Sau khi đánh thắng Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, Kinh đô đóng tại Huế. Kể từ đó, đất nước Việt Nam đã được thống nhất dưới sự thống trị của nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn đã xây dựng chính sách cai trị dưới chế độ phong kiến quân chủ tập quyền, tức là mọi quyền hành điểu khiển đất nước đều nằm trong tay vua. Tôn giáo cũng không ngoại lệ, cũng nằm trong sự điều hành của triều Nguyễn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Kinh do Trieu Nguyen

Cổng Ngọ Môn, Kinh thành Huế trong Quần thể di tích Cố đô Huế. (Ảnh: Minh Duy)

Nhà vua đã thực thi nhiều lệnh cấm nghiêm ngặt, lấy Nho giáo làm tư tưởng chính trị, và với chính sách “bế quan toả cảng” đã làm cho kinh tế đất nước không phát triển. Và “với chính sách cai trị mang tính áp chế nặng nề, sự kém của toàn bộ nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, những khó khăn trong đời sống nhân dân, nhất là nông dân làm cho không khí xã hội Việt Nam ở nữa đầu thế kỷ XIX có xu hướng ngày càng trở nên căng thẳng. Trên cả hai phương diện quan hệ đẳng cấp và giai cấp đều chất chứa những mâu thuẫn gay gắt”[1]. Như vậy, với những lệnh cấm của triều đình đã tạo nên những mâu thuẫn xã hội gay gắt. Chính vì vậy, những cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra liên tục. Chính những điều này đã tạo nên sự bất ổn cho xã hội Việt Nam nói chung và Phú Xuân nói riêng.

2. Quan điểm và chính sách Phật giáo của vương triều Nguyễn

Nhà Nguyễn chủ trương xây dựng thể chế chính trị dựa trên nền tảng tư tưởng Nho giáo, xây dựng nhà nước theo hệ thống “tam cương, ngũ thường”, điều này đã thúc đẩy cho sự phát triển của Nho giáo trong triều đại nhà Nguyễn. Chính vì vậy, đã có sự áp đặt lên các tôn giáo khác, như các nhà thờ của Thiên Chúa giáo thì bị phá dỡ, những giáo dân thì bị bắt đi ở tù…

Đối với Phật giáo, bởi vì là một tôn giáo lâu đời, là tôn giáo truyền thống của người dân Việt Nam, Phật giáo đã đi sâu vào tâm trí của những người dân Việt, vì vậy nhà Nguyễn đã không có những sự áp đặt khắt khe như Thiên Chúa giáo, nhưng vẫn đưa ra một số chính sách nhằm hạn chế sự phát triển Phật giáo.

Vua Gia Long (1802-1820), trong những năm đầu đã có những chỉ đạo và nhận xét khắt khe với Phật giáo. Ông đã sai các quan thần đi xét các chùa và tất cả những người ở chùa từ những bậc trưởng thượng đến các chú tiểu đều phải được ghi chép rõ ràng trong sổ để dâng lên nhà vua. Ông cũng bắt những người xuất gia dưới 50 tuổi thì phải chịu lao dịch như dân thường. Ngoài ra, việc thờ phụng cha mẹ và thờ Phật cũng không bằng trung với vua: “Người thờ Phật là cốt để phúc báo. Sách nhà Phật nói: có duyên Phật độ, không duyên Phật chẳng độ. Lại nói: thờ cha mẹ chẳng ra gì, tuy hằng ngày ăn chay niệm Phật cũng vô ích. Trung với vua mà đến thế, dẫu không cúng Phật cũng không sao”[2]. Những điều này đã tạo nên sự bất bình đối với nhân dân, và Phật giáo. Bên cạnh đó, vua Gia Long còn nói rằng: “Gần đây có kẻ sùng phụng Đạo Phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay, chạy đàn, mở hội, phí tổn về cúng Phật nuôi sư không thể chép hết, để cầu phúc báo viễn vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ. Vậy từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới với tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa, hết thảy đều cấm. Sư sãi có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh quán chí, đem nộp ở quan trấn để biết rõ số”[3]. Việc này đã cho chúng ta thấy rõ sự hạn chế của triều Nguyễn với Phật giáo. Mặc dù, vua Gia Long cũng đã cho trùng tu một số ngôi chùa, nhưng đó chỉ là những ngôi chùa quốc tự. Vì vậy, nó không nói lên được ý nghĩa của việc hạn chế hay phát triển Phật giáo trong thời Gia Long.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Noi dung tu tuong van bia Ngu kien Thien Mu tu 3

Tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ, Huế – Ảnh: St

Đến đời Minh Mạng (1820-1840), nhà vua đã có những chính sách cởi mở hơn với Phật giáo, nhà vua đã cho xây dựng, trùng tu một số ngôi chùa, và có những chính sách cởi mở hơn với tăng đồ. Rất nhiều ngôi chùa được xây dựng và trùng tu trong thời gian này. Chính sự việc ủng hộ Phật giáo của nhà vua đã tạo động lực cho các hoàng thân quốc thích và các quan trong triều ủng hộ sự phát triển, trùng tu và xây dựng chùa chiền. Vua Thiệu Trị (1840-1847), tuy trị vì trong thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng đã có những chính sách nhằm phát triển Phật giáo. Trong đó, đặc biệt nhà vua đã cho xây dựng chùa Diệu Đế để đánh dấu kỷ niệm nơi sinh của nhà vua và tháp Phước Duyên tại chùa Thiên Mụ. Cả hai đều được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).

Nhìn chung, Phật giáo trong hai đời vua Minh Mạng và Thiệu Trị đã có sự cởi mở hơn rất nhiều. Việc xây dựng, và trùng tu của các ngôi chùa cũng đều tập trung chủ yếu trong giai đoạn này. Chính vì vậy, Phật giáo trong thời gian này đã có sự phát triển hơn cả về số lượng chùa chiền và số lượng tăng đồ.

Tuy nhiên, đến thời vua Tự Đức (1847-1883), thì Phật giáo lại rơi vào tình trạng hạn chế như thời Gia Long. Nhà vua lại có những sự kiểm soát khắt khe với tăng, ni, chùa chiền, việc xây dựng hay phục hồi chùa cũ cũng đều phải có sự cho phép của nhà vua. Các hoạt động của nhà chùa, hay các lễ hội đều phải có sự chấp thuận của nhà vua. Mặc khác, nhà vua còn đánh giá về giáo lý của Phật giáo, cho rằng đó là những họa thuyết vô ích, làm hại cho lễ giáo phong kiến, ảnh hưởng trực tiếp đến các giáo điều của Nho giáo.

Chính những chính sách như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Phật giáo. Đã khiến cho Phật giáo không còn vị thế cao quý trong đời sống nhân dân. Mặc dù, một số nhà vua đã có sự hạn chế đối với sự phát triển của Phật giáo. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn có sự phát triển trong những giai đoạn này. Các ngôi chùa tuy việc xây dựng bị hạn chế do chính sách của triều Nguyễn, nhưng với sự hộ trì của các hoàng phi, công chúa đã giúp cho những ngôi chùa lớn được sửa sang và phát triển. Ví như vua Minh Mạng dựa trên nền thánh tích cũ đã cho xây dựng chùa Thánh Duyên để làm công đức hồi hướng chúc thọ đến Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, và đã cho mở lễ hội tại đó. Ngoài ra, các ngôi chùa như Thiền Tôn, Báo Quốc, Thiền Lâm, Từ Đàm,… đều được sự hộ trì của các vị công chúa hoàng phi để xây dựng và trùng tu lại.

3. Kết luận

Việc hạn chế Phật giáo và độc tôn Nho giáo của triều Nguyễn chủ yếu nhằm nâng cao vị thế của triều Nguyễn trong việc trị vì đất nước. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn không lùi bước mà vẫn phát triển theo một cách chậm rãi hơn.

Phật giáo là một tôn giáo đã gắn bó lâu đời với dân tộc, vì vậy các vua triều Nguyễn đã không thể áp đặt Phật giáo như các tôn giáo khác. Sự khắt khe của vua Gia Long và Tự Đức đã làm cho Phật giáo trong hai đời vua này không có sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhận thấy sự ủng hộ của các hoàng hậu, hoàng phi, công chúa, và Phật giáo trong dân gian vẫn hoạt động và phát triển theo thời gian. Chính những điều đó, đã chứng minh rằng, Phật giáo là một tôn giáo của dân tộc, đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân, cho nên nhà Nguyễn đã không thể áp đặt việc hạn chế Phật giáo như các tôn giáo khác.

Tác giả: Thích Quảng Hoàng
Học viên Cao học khoá 3, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích
[1] Phan Huy Lê (Chủ biên – 2012), Lịch sử Việt Nam tập 2, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr. 753-754.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 586.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr. 586.

Tài liệu tham khảo
1. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.
2. Lý Kim Hoa (sưu khảo và biên dịch – 2003), Châu bản triều Nguyễn, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội
3. Phan Huy Lê (Chủ biên – 2012), Lịch sử Việt Nam tập 2, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường