Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Bát Kỉnh Pháp trong Tăng đoàn: Thời Phật tại thế và thời nay

Bát Kỉnh Pháp trong Tăng đoàn: Thời Phật tại thế và thời nay

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thích nữ Hòa Tấn
Học viên lớp Cao học PG Khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

Nhìn về lịch sử Phật giáo, có nhiều vị Ni là tấm gương sáng trong hành trạng tu tập, cống hiến và Đạo Hạnh. Trải qua bao biến cố lịch sử, lúc thịnh, lúc suy, nhưng Phật giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc. Qua đó, không thể không nhắc đến những vai trò và công hạnh của nữ giới trong tăng đoàn thời Phật còn tại thế và thời đại bấy giờ.

Tăng đoàn thời Phật luôn đầy đủ bốn chúng hoặc bảy chúng (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di). Đức Thế Tôn từng dạy: “Tất cả chúng sinh (tăng, ni) đều có Phật tính bình đẳng như nhau, dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn,…”. Thật vậy, tự tính giác ngộ nơi mỗi chúng sinh là bình đẳng bất luận là nam hay nữ, ai tu thì người đó chứng, ai ăn người ấy no, nóng, lạnh, chua, ngọt, mặn, lạt tự cảm nhận lấy. Người nữ tinh tấn tu tập cũng thành chính giác, người nam biếng nhác tu tập thì vẫn đọa như ai, ví như nàng Long Nữ là loài Rồng cái cũng thành Phật. Chúng ta muốn thành tựu trước hết phải giữ giới. Vì Giới là nền tảng, là căn bản của sự giác ngộ giải thoát. Cho dù chúng ta tu pháp môn nào đi nữa, thì điều căn bản phải giữ giới làm đầu vậy. Bởi vì, “nhân giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ, thứ cơ thành tựu thánh đạo”.

Phương pháp tu hành thì có khác nhưng cũng không ngoài “Giới, Định, Tuệ”. Luận Giải Thoát nói: “Giới, Định, Tuệ là con đường giải thoát”. “Giới là nghĩa oai nghi. Định là nghĩa chẳng loạn. Tuệ là nghĩa hiểu biết. Đó là lấy Giới trừ ác cấu, Định trừ truyền cấu, Tuệ trừ sở cấu, nên phải lấy “Giới, Định, Tuệ” để gieo giống thiện, gây mầm đạo”. “Y vào Giới, Định, Tuệ mà tu, thời đường lối của chư Phật cũng rất gần vậy”(1). Đây là ba phạm trù căn bản theo ta suốt con đường tu tập. Thời đại ngày nay, có các bậc Ni, như: Sư Bà Hải Triều Âm, Ni Trưởng Diệu Tịnh,… không cần đòi bình đẳng giới, không cần bỏ “Bát Kỉnh Pháp vẫn được chư tăng tôn kính.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Bat Kinh Phap Trong Tang Doan Thoi Phat Tai The Va Hien Tai 1

1. Bát kỉnh pháp là gì?

Bát kỉnh pháp hay còn gọi là bát kỉnh giới hoặc bát trọng pháp, gọi tắt là bát kỉnh. Đây là tám pháp mà Phật dạy Tỳ kheo ni phải cung kính tôn trọng Tỳ kheo tăng. Bát kỉnh pháp gồm có: “1. Tỳ kheo ni dù có bất cứ bao nhiêu tuổi hạ, cũng đều phải một lòng kính trọng lễ phép với Tỳ kheo tăng. 2. Không được nặng lời với Tỳ kheo tăng. 3. Không được nêu tội Tỳ kheo tăng. 4. Phải thỉnh cầu Tỳ kheo tăng khi thọ giới Cụ túc. 5. Nếu phạm tội phải ở giữa hai bộ đại Tăng, phải làm pháp ý hỷ trong nửa tháng. 6. Mỗi nửa tháng phải thỉnh cầu Tỳ kheo tăng làm Giáo Thọ. 7. Không được an cư ở vùng không có Tỳ kheo tăng. 8. Sau mùa an cư, phải làm lễ tự tứ trước hai bộ tăng chúng” (2).

2. Nội dung Bát kỉnh pháp

Tỳ kheo ni dù có bất cứ bao nhiêu tuổi hạ, cũng đều phải một lòng kính trọng lễ phép với Tỳ kheo tăng. Nghĩa là, “một Tỳ kheo ni dù một trăm tuổi hạ khi gặp một thầy Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ kheo”(3). Đức Thế Tôn không phải ghét bỏ người nữ mà chế ra “Bát kỉnh pháp”, Ngài vì lòng từ bi chăm lo cho chư ni, vừa sợ xã hội không chấp nhận, vừa sợ ni sinh tâm cống cao.

Không được nặng lời với Tỳ kheo tăng. Nghĩa là, Tỳ kheo cho dù có phạm lỗi đi nữa thì Tỳ kheo ni cũng không được phép khiển trách hay nặng lời với Tỳ kheo(4).

Không được nêu tội Tỳ kheo tăng. Tỳ kheo ni không được ngăn tỳ kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi của Tỳ kheo. Trái lại Tỳ kheo được quyền cử tội Tỳ kheo ni(5).

Phải thỉnh cầu Tỳ kheo tăng khi thọ giới Cụ túc. Nghĩa là, muốn thọ trì Cụ túc giới phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ kheo ni và Tỳ kheo.

Nếu phạm tội phải ở giữa hai bộ đại Tăng, phải làm pháp ý hỷ trong nửa tháng. Nghĩa là, nếu Tỳ kheo ni phạm tội Tăng tàn, thì phải đến trước hai bộ đại Tăng thực hành pháp Ý hỷ trong thời gian nửa tháng. Hai bộ đại tăng gồm: Một bộ Tỳ kheo với 20 vị và Tỳ kheo ni 20 vị, nghĩa là phải đủ 40 vị, thì pháp đó được xem thành tựu.

Mỗi nửa tháng phải thỉnh cầu Tỳ kheo tăng làm Giáo Thọ. Nghĩa là, nửa tháng phải đến Tỳ kheo Tăng cần cầu dạy bảo. Nghĩa là, khi hạ an cư cứ mỗi nửa tháng chư Tỳ kheo ni nên thỉnh Tỳ kheo đến trùng tuyên lại những lời Phật dạy, giúp cho Tỳ kheo ni nhớ mà hành trì.

Không được an cư ở vùng không có Tỳ kheo tăng. Nghĩa là, không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có Tỳ kheo ở. Vì chúng ta an cư chỗ có Tỳ kheo ở gần, để bảo vệ về mặt an ninh cho Tỳ kheo ni an ổn tu tập.

Sau mùa an cư, phải làm lễ tự tứ trước hai bộ tăng chúng. Nghĩa là, khi an cư xong, phải đến Tỳ kheo tăng cầu ba sự tự tứ: thấy, nghe và nghi. Thật vậy, cứ theo thông lệ hàng năm khi mãn hạ, thì chư Tỳ kheo ni phải đến Tỳ kheo xin được chỉ dạy, mà tiêu biểu là ba sự: thấy, nghe và nghi.

Tóm lại, những giới điều trên tưởng như một sự kỳ thị nhưng thời kì này xã hội Ấn Độ, việc cho nữ giới vào đoàn thể xuất gia rất là khó khăn. Tôn giả Xá Lợi Phất đã nói: “Tám điều này đưa ra với mục đích là mở được cửa cho giới phụ nữ đi vào giáo đoàn”(6).

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Bat Kinh Phap Trong Tang Doan Thoi Phat Tai The Va Thoi Nay 2

3. Vì sao chúng ta phải giữ Bát kỉnh pháp

Như chúng ta đã biết, đất nước Ấn Độ thời bấy giờ tồn tại bốn giai cấp: Bà La Môn (Tu sĩ Bà La Môn), Sát Đế Lợi (Vua chúa), Phệ Xá (Thương buôn), Thủ Đà La (tầng lớp nông dân). Ngoài bốn giai cấp kể trên, người dân Ấn Độ luôn đặt nặng sự trọng nam khinh nữ, ngay cả trong tăng đoàn cũng vẫn còn sự phân biệt đó.

Đức Thế Tôn muốn cho người nữ xuất gia đã là một việc vô cùng khó khăn rồi, vì nó đi ngược lại với xã hội Ấn Độ ở thời kỳ ấu.

Kiều Đàm Di, là vị Tổ Ni đầu tiên bên ni giới thời Phật, vừa là hoàng hậu vừa là dì, là Di Mẫu của Thái tử Tất Đạt Đa. Bà vì mến đạo, muốn xuất gia làm Ni, nhưng xã hội bấy giờ vô cùng hà khắc với người nữ. Người nữ họ xem như một vị nội trợ, phụ làm những công việc trong gia đình. Vì quan niệm con gái là ngoại tộc, con trai mới nối dõi tông đường. Chính những lý do đó, vì thương hàng ni chúng, nên đặt điều kiện phải nghiêm giữ “Bát Kỉnh Pháp”. Nên trong trường hợp này Di Mẫu xin xuất gia, đức Thế Tôn khó lòng chấp nhận vậy. Đức Thế Tôn dẫu biết mỗi chúng sinh nam, nữ, loài trống, loài mái Phật tính đều bình đẳng, nhưng Ngài vẫn tùy thuận theo xã hội, lập ra điều kiện thọ trì “Bát kỉnh pháp”.

Sau khi nghe đức Thế Tôn tuyên thuyết Ma Ha Ba Xà Ba Đề y giáo phụng hành, nguyện suốt đời vâng giữ không dám sai phạm. Vì mục đích Phật chế giới muốn cho giúp cho tăng đoàn được thanh tịnh, tăng già được ổn định, chính pháp được lâu dài,… Tất cả giới luật đức Thế Tôn đều là những chuẩn mực đạo đức làm nền tảng cho sự giải thoát mọi khổ đau, cắt đứt mọi tham ái ràng buộc.

Kinh Phạm Võng có viết “Giới như đèn sáng lớn, soi sáng đêm tối tăm. Giới như gương báu sáng, chiếu rõ tất cả pháp. Giới như châu Ma ni, rưới của giúp kẻ nghèo”(7). Tác hại của những tăng sĩ không giữ giới luật sẽ đưa đạo đức đến chỗ hủy diệt, ánh sáng chân lý không còn trên thế gian này, không có chỗ cho cuộc sống nương tựa và tu học.

Chính vì lẽ đó, chúng ta phải giữ “Bát kỉnh pháp”, cho dù ở cương vị nào cũng phải giữ giới, vì nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ. Giới khác nào như cây đèn để soi sáng đêm tối. Như trong Kinh Di Giáo đức Phật dạy: “Các thầy Tỳ kheo, sau khi Như Lai phải trân trọng tôn kính tịnh giới… phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các ngươi. Nếu Như Lai có ở đời cũng không khác gì tịnh giới ấy”(8) hay câu: “Sau khi như lai diệt độ, Tỳ kheo phải tôn quý Ba La Đề Mộc Xoa, như tối gặp ánh đen, nghèo gặp châu báu. Nên biết giới là bậc thầy cao cả của các ngươi, không khác gì Như Lai còn ở đời”. Trong Luật Thiện Kiến, Phật bảo A Nan: “Sau khi ta diệt độ, có năm điều thù thắng khiến Phật pháp tồn tại. Một là, Tỳ ni hay giới luật, vì giới luật là bậc Thầy cao cả của các ngươi,…”(9). Qua đó, đã cho mỗi chúng ta thấy được rằng giới luật vô cùng quan trọng, khi sắp nhập diệt đức Thế Tôn vẫn luôn nhắc nhở. Thật vậy, giúp cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của giới luật có sức ảnh hưởng từ xưa cho đến bây giờ như câu: “Tỳ Ni tạng trụ Phật pháp cửu trụ, Tỳ Ni tạng diệt Phật pháp diệt diệt”. Kinh Di Giáo những lời di huấn của đức Phật: “Này A Nan pháp và luật ta giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ thì pháp và luật ấy sẽ là thầy đạo sư của các ngươi”(10).

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Bat Kinh Phap Trong Tang Doan Thoi Phat Tai The Va Thoi Nay 4

4. Tại sao một số chư ni đòi bỏ Bát kỉnh pháp

Một số chư ni bây giờ thường sống theo cảm xúc riêng của mình, không thích những giới điều. Họ muốn bỏ “Bát kính pháp”, vì cho rằng: “Nam, nữ bình đẳng” nếu không xóa bỏ họ bị bất công. Theo giáo lý nhà Phật thì đúng là: “Phật tính bình đẳng, dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn”. Thật vậy, điều này ai ai cũng biết cả. Nhưng nam, nữ với thân vật lý luôn có chức năng riêng, mỗi người, mỗi nhiệm vụ, vì cấu tạo và cơ chế nó vậy rồi. Nếu chúng ta muốn thay đổi thì vô cùng khó, vì không thể xét theo một khía cạnh nhỏ mà được. Chính bản thân “Bát kính pháp”, nó đâu có tội mà chúng ta đòi bỏ, giữ hay không là quyền của mỗi người. Quan trọng chúng ta nên thay đổi một cái nhìn tiêu cực trở thành tích cực. Thời Phật, có Ma Ha Ba Xà Ba Đề, thời nay, có Sư Bà Hải Triều Âm, vâng giữ “Bát kính pháp” được tăng đoàn tôn kính. Đọc kỹ “Bát kính pháp” ta thấy lòng từ bi vô bờ của đức Thế Tôn dành cho chúng ta, như người mẹ khéo bảo hộ con mình tránh xa những cảm dỗ.

Thật vậy, chính những suy nghĩa tiêu cực như thế đôi khi làm cho họ lười biếng hơn và lơ là trong giới pháp mình đã lãnh thọ hồi nào không hay.

Tám giới Bát kỉnh giúp chúng ta tăng thêm sự khiêm cung, và thuận duyên trên bước đường tu tập. Song song đó, giúp sự gắn kết qua lại giữa Tăng đoàn và Ni đoàn để trợ duyên sách tấn tu tập hơn. Mục đích của nó không phải là kỳ thị, mà chính là dứt trừ sự kỳ thị. Chính Ni trưởng Kiều Đàm Di cũng nhận rõ: “Pháp chế tám điều đó, không phải là những trở ngại cho sự tu học của chúng tôi, mà chính là cửa ngõ cho chúng tôi được đi vào… Đó không phải là những điều kỳ thị nữ giới mà lại là những phương tiện bảo vệ và che chở cho giáo đoàn, trong đó có nữ giới”. Bởi vậy, sau khi việc xuất gia của nữ giới đã trở thành sự thật, và khi nếp sống Ni chúng đã trở nên nề nếp theo quy củ, thuần thục rồi, thì “Bát kính pháp” sẽ không còn cần thiết nữa: vì Ni chúng cũng đã thấm nhuần giới luật. Sự việc cả ngàn vị Tỳ kheo ni thời Phật tại thế, sau một thời gian tu học tinh cần, đã đắc quả A La Hán, đã nói lên đầy đủ ý nghĩa đó(11). Vì đây là giới bảo hộ Tỳ kheo ni, chứ không phải vì sự thiện vị hay ghét bỏ chúng Ni mà thiên vị với chư Tăng. Ai biết khiêm hạ, thì đạo pháp ngày tăng tiến. Người nữ học giới ngày nay lẽ nào không thấy được giá trị thiết thực tám điều giới làm khuôn phép tiến tu. Một số Tỳ kheo ni không muốn tuân thủ, cho là lỗi thời. Bản thể của tăng thì luôn luôn thanh tịnh và hòa hợp. Có thể vì một vài cá nhân của chúng Tỳ kheo nào đó bê bối, không đủ phạm hạnh khiến cho chư Ni bất bình không muốn cung kính, nhưng đừng vì thế mà quên rằng việc cầu giáo thọ hay cầu thọ đại giới là cầu với Tăng chứ không phải cầu với cá nhân. Song song đó, cho dù cá nhân vị Tỳ kheo đó có như thế nào đi nữa thì đó cũng thuộc phạm vi của giáo hội, Tỳ kheo ni phải luôn nhớ trong tám điều không thể vượt qua đó đã ghi rõ không được khiển trách hay nặng lời đối với Tỳ kheo, không được chê bai nói rằng: Thầy phá giới, phá kiến, phá oai nghi. Đủ thấy, tám điều giới pháp là linh hồn của giáo hội Tỳ kheo ni không thể không bảo trọng, như trong Luật Tứ Phần có ghi rằng: “Như vậy đó A Nan! Ta nay đã nói tám kỉnh pháp suốt đời tôn trọng không được trái phạm, nếu người nữ nào thực hành được thì tức là được thọ giới. Cũng ví như, có người muốn qua dòng nước lớn, phải bắc cầu mà đi qua”. Như trong Tứ phần Tỷ kheo ni giới bản có ghi:

“Giới là cách trang sức,
Nhỏ, trẻ, già đều hợp,
Tín, tuệ làm của báu,
Phước không ai trộm được”(12).

Qua đó, đã cho chúng ta thấy được rằng giới quan trọng biết dường nào mọi lứa tuổi đều hợp “nhỏ, trẻ, già” và chính bản thân “Bát kỉnh pháp” cũng không ngoài ý nghĩa đó vậy. Như trong Kinh Phạm Võng có câu:

“Giới như đèn sáng lớn,
Soi sáng đêm tối tăm”.

Nếu không có giới thì không biết điều nào là lành, điều nào là dữ, những điều gì nên làm, những điều gì nên tránh. Như vậy, giới khác nào như cây đèn sáng để soi sáng đêm tối tăm cho mọi người, để biết lối nào nên đi, lối nào nên tránh(13).

“Giới như gương báu sáng,
Chiếu rõ tất cả pháp”(14).

Bởi vì, “Bát kỉnh pháp” là giới của Tỳ kheo ni và “Giới luật còn là Phật pháp còn”(15).

Tóm lại, đức Phật chế ra “Bát kỉnh pháp” không phải ghét bỏ chúng Ni, mà Ngài hướng đến mục tiêu cao quý hơn là giúp chư Ni nhận định được những khó khăn gây trở ngại trước mắt, và chính vì bảo vệ Ni chúng đề phòng những cám dỗ. Đức Phật, không vì sự trở ngại đó mà không tạo điều kiện cho họ xuất gia làm Ni. Thật vậy, bản thân người nữ không thể so sánh với người nam, mặc dù khả năng tu tập và thành tựu mục tiêu giải thoát ngang nhau, nhưng quan niệm chúng Tăng cho phép người nữ xuất gia vào Tăng đoàn, làm cho chính pháp giảm 500 năm, và ai muốn xuất gia làm Tăng thì phải rời xa gia đình, sống đời sống khất thực rày đây mai đó, ngủ trong rừng. Chính vì thế, đức Phật chế 8 điều giới để bảo vệ họ.

Tám điều giới này như tám điều kiện chấp nhận cho người nữ chính thức gia nhập vào đoàn thể Tăng già. Bỏ “Bát kỉnh pháp” đồng nghĩa với không có Tỳ kheo ni và cũng không có chúng ta như ngày hôm nay vậy. Qua đó, chính “Bát kỉnh pháp” cũng giống như một lời hứa giữa Tỳ kheo ni với chúng Tăng. Chính vì thế chúng ta phải biết trân quý, biết tôn trọng “Bát kỉnh pháp”. Tỳ kheo ni cần phải vâng giữ “Bát kỉnh pháp” cũng như tròng con mắt, như chim hai cánh. Chúng ta nên gạt bỏ những tư kiến, cùng nhau tô điểm cho ngôi nhà phật pháp ngày thêm tươi đẹp hơn, có như thế Phật pháp mới mong được chói sáng và trường lưu mãi mãi.

Thích nữ Hòa Tấn
Học viên lớp Cao học PG Khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

***

Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn riêng của tác giả.

CHÚ THÍCH:
(1) Thích Thanh Kiểm (2003), “Khóa Hư Lục”, Nxb Tôn Giáo, tr. 47.
(2) Tuệ Tâm Hỷ (2005), “Danh từ Phật học ứng dụng”, Nxb Tôn Giáo, tr. 40.
(3) Giác ngộ online.
(4) Giác ngộ online.
(5) Giác ngộ online.
(6) Thư Viện Hoa Sen. ogr.
(7) Thích Trí Tịnh (1992), “Kinh Phạm Võng”, Thành Hội Phật Giáo Tp. Hồ Chí Minh, tr. 27-28.
(8) Thích Trí Hải (2012), “Tứ phần Tỷ-kheo-ni giới bản”, Nxb Hồng Đức, tr. 7.
(9) Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương (2017), “Kinh Di Giáo”, Nxb Phương Đông, tr.15.
(10) Thư Viện Hoa Sen. ogr.
(11) Thư Viện Hoa Sen. ogr.
(12) Thích Trí Hải (2012), “Tứ phần Tỷ-kheo-ni giới bản”, Nxb Hồng Đức, tr. 33.
(13) Thích Trí Tịnh (1992), “Kinh Phạm Võng”, Nxb Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM, tr. 27.
(14) Thích Trí Tịnh (1992), “Kinh Phạm Võng”, Nxb Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM, tr. 27.
(15) Viên Trí (2004), “Ý nghĩa giới luật”, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, tr. 8.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường