Thế nào là một BẬC GIÁC NGỘ? Nhưng tôi ngần ngại trả lời. Một phần vì sợ đụng chạm với những vị cao quí, đã tuyên bố mình là BẬC GIÁC NGỘ, nhưng phần chính là do không chắc người hỏi sẽ tin tưởng câu trả lời của mình.
Nhiều phật tử hỏi tôi: Thế nào là một BẬC GIÁC NGỘ? Nhưng tôi ngần ngại trả lời. Một phần vì sợ đụng chạm với những vị cao quí, đã tuyên bố mình là BẬC GIÁC NGỘ, nhưng phần chính là do không chắc người hỏi sẽ tin tưởng câu trả lời của mình.
Hôm nay, nhân duyên tôi trả lời câu hỏi đó minh bạch như sau, qua các lời kinh Phật đã dạy chứ không do tư kiến.
Chắc ai cũng đồng ý rằng: GIÁC NGỘ thì không còn VÔ MINH. Nếu còn VÔ MINH thì không thể nói rằng đã GIÁC NGỘ. Nhưng thế nào là VÔ MINH?
-- Theo Tương Ưng Bộ Kinh, chương Tương Ưng Sự Thật, thì đức Phật đã định nghĩa VÔ MINH một cách rất cụ thể như sau: VÔ MINH là chưa Chứng Tri (rõ biết như thực) tất cả 4 THÁNH ĐẾ.
Xin trích dẫn đoạn kinh đó như sau:
1) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.
2) Rồi một Tỳ kheo đến ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, Tỳ kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Vô minh, vô minh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh? Và cho đến như thế nào là đi đến vô minh (avijjàgato)?
4) -- Này Tỳ kheo, chính là không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Này Tỳ kheo, đấy gọi là vô minh. Cho đến như vậy là đi đến vô minh.
5) Do vậy, này Tỳ kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ", một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Đây là Nguyên Nhân của Khổ", một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Đây là Khổ Diệt, và một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
Nghe như vậy thì ta có thể hiểu rằng nếu một vị đạo sư không có sự hiểu biết rành rẽ về 4 THÁNH ĐẾ để có thể dạy và dẫn dắt các đệ tử Chứng Tri được 4 THÁNH ĐẾ thì có thể nói rằng, vị đó còn VÔ MINH, chưa thực sự là BẬC GIÁC NGỘ.
Ngay chính đức Phật, ngài chỉ tuyên bố rằng ngài là bậc CHÍNH ĐẲNG CHÍNH GIÁC sau khi đã hoàn toàn chứng thực 4 THÁNH ĐẾ (Lậu tận Minh). Xin trích dẫn đoạn kinh đó như sau:
Hỡi này các Tỳ kheo, ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn pháp thánh đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì, cho đến chừng ấy, Như Lai không xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng sa môn, Bà La Môn, Trời và Người rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chính Ðẳng Chính Giác (anuttaram samma sambodhim)
Ðến khi, hỡi này các Tỳ kheo, tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn pháp thánh đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ thì, chỉ đến chừng ấy, Như Lai mới xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng Sa môn, Bà La Môn, Trời và Người rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chính Ðẳng Chính Giác. (Kinh Chuyển Pháp Luân)
Mong rằng những lời giải thích trên giúp ích được cho các người con Phật đã thiết tha đi tìm Chính Pháp giải thoát, không bị uống nhầm các loại "thuốc ung thư giả", không chữa trị được khổ đau vô tận của ung thư "SINH TỬ LUÂN HỒI".
Nếu một ông thầy thuốc 1) không có sự hiểu biết thông thái về BỆNH, 2) không có sự hiểu biết thông thái về NGUYÊN NHÂN của Bệnh, 3) không có sự hiểu biết thông thái về sự LÀNH BỆNH, 4) không có sự hiểu biết thông thái về CÁCH CHỮA TRỊ BỆNH, thì ông ta rất có thể định bênh sai, rất có thể định nguyên nhân của bệnh sai, cho đến cách chữa trị bệnh cũng rất có thể hoàn toàn sai. Như vậy khó có thể tin rằng ông ta có thể giúp bệnh nhân của ông ta ra khỏi khổ đau của bệnh hoạn. Đó thường là trường hợp chữa bệnh của các ông LANG BĂM không có đầy đủ kiến thức Y khoa, thường làm cho bệnh nhân bị bệnh trầm trọng hơn.
Cũng như thế, một vị dẫn dắt tâm linh, mà không có sự hiểu biết thông thái về 4 THÁNH ĐẾ (cả về PHÁP HỌC, PHÁP HÀNH, cũng như PHÁP THÀNH) thì chắc chắn vị đó không có khả năng chấm dứt đau khổ sinh tử luân hồi cho chính mình (cả thân xác lẫn tinh thần) thì huống gì với khổ đau của các đệ tử. Một vị như thế không thể nào là một bậc giác ngộ. Thông thường vị đó sẽ đưa các đệ tử, thầy và trò, đều đi vào “KIẾN BỘC LƯU”, tức là sự trầm luân lâu dài hơn qua nhiều đời trong đau khổ do học phải những loại TÀ KIẾN ra ngoài Chính Pháp 4 THÁNH ĐẾ.
Như Không
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2019
Bình luận (0)