DẪN NHẬP
Nhiều thế kỉ qua, thân phận người phụ nữ vẫn là vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm đến đó là sự bình đẳng giới. Cho đến tận ngày nay, vẫn không tránh khỏi sự phân tranh về mặt quyền lợi, sự trọng nam khinh nữ vẫn còn mặc dù đất nước với khẩu hiệu: “Xã hội công bằng - Thế giới văn minh” nhưng thực tế đang còn nhiều điều trong thực tế về bất bình đẳng giới. Đó là xã hội hiện tại, huống gì hai ngàn năm trước tại Ấn Độ, người phụ nữ được cho là giai cấp nô lệ, một giai cấp không được sự quan tâm, địa vị thấp hèn, hơn thế nữa họ xem người phụ nữ là thú vui cho người đàn ông, trong đời sống gia đình luôn bị chèn ép không thể nói lên tiếng nói của mình, xã hội kì thị đến mức độ luôn dành những ngôn từ thấp kém chỉ cho thân phận người phụ nữ. Trước tình thế đó đức Phật Thế Tôn ra đời, Ngài đã mở ra một cuộc cách mạng mới đó là sự bình đẳng giai cấp, hay nói cách khác là lập ra một tôn giáo mới chủ trương là Bình đẳng - Vị tha. Với chủ trương đó thì Ngài phủ nhận, sự bất công, sự phân chia tầng lớp để gỡ bỏ hàng rào giai cấp lấy sự bình đẳng mà đối đãi, giúp cho người phụ nữ mỗi người sinh ra ai cũng được quyền sống, quyền làm chủ bản thân và cả ngay trong sự tu tập giải thoát. Quan điểm sự giải thoát không hề liên quan đến thân phận người nam hay thân phận người nữ nào cả, mà tư tưởng này đã tồn tại lâu đời ở Ấn Độ. Có thể mạnh dạng nói rằng đây chính là cuộc cải cách vĩ đại, vĩ đại nhất của đức Thế Tôn Ngài đã mở ra lối đi mới cho người phụ nữ giúp họ vượt qua ranh giới bất bình đẳng đồng thời không phụ thuộc vào những qui ước nào của xã hội. Từ đó, Ngài đã cho phép thành lập ni đoàn và đưa ra tám điều kiện hay còn gọi là bát kỉnh pháp. Nhưng không hề đơn giản cũng không tránh khỏi sự tranh luận gay gắt của xã hội bấy giờ và ngay thời đại văn minh đây tạo ra làn sóng tranh cãi quyết liệt chính trong nội bộ Phật giáo cũng là đề tài tranh luận cho các nhà nghiên cứu. Vì vậy, người viết sẽ trình bày dựa theo nguồn tư liệu Văn bản Hán tạng, bốn bộ A Hàm, năm bộ Nikaya, đồng thời liên hệ các bản kinh khác, để tìm về xã hội, nguyên do chế định Bát kỉnh pháp và tầm quan trọng của Ni giới trong việc hành trì Bát kỉnh pháp. Nhằm giúp người đọc nhận thức rõ ràng hơn về việc chế định Bát kỉnh pháp đối với Ni giới.
NỘI DUNG
1. Đôi nét xã hội thời đức Phật và nguyên do chế bát kỉnh pháp
Đất nước Ấn độ thời bấy giờ vị trí người nữ trong xã hội cũng như các giáo phái khác họ không hề đồng tình cho người nữ xuất gia, thậm chí phái Lõa Thể cũng bác bỏ sự hối lỗi của người nữ. Bởi vì thân phận người phụ nữ ngay cả trong gia đình của bản thân họ đã bị hạ thấp và họ luôn cho rằng phụ nữ là nguyên nhân gây nên tội lỗi là nguồn gốc của các ác nghiệp. Khi bước chân ra ngoài phải che kín mặt không được tham gia vào các việc chính của gia đình và các hoạt động của xã hội, càng không được tham dự vào các nghi lễ tôn giáo. Và mãi mãi không sánh ngang hàng với người nam trong xã hội. Từ đó, cho chúng ta thấy một tư tưởng thật cổ hủ triết lý Bà La Môn giáo trên nền tảng bốn Vệ Đà “xem người nữ là nguồn gốc của mọi sự rắc rối cho chính đấng sanh thành tạo ra và họ chỉ là kẻ sinh con cho cha mẹ chồng,..” Kỳ Na giáo cũng thế, họ cũng cho rằng “người phụ nữ là ngọn đèn chiếu sáng con đường dẫn đến cánh cửa địa ngục.”[1] Theo tục lệ Sati, người vợ phải bị thiêu ong để đi theo người chồng đã chết: “Phụ nữ, khi còn bé phải theo cha, còn trẻ phải theo chồng, chồng chết phải theo con. Phụ nữ không được phép sống độc lập.”[2] Thậm chí khi chồng qua đời, người vợ cũng thể hiện sự trung thành bằng cách nhảy vào giàn thiêu xác chồng hay tự nguyện sinh. Qua đó cho chúng ta thấy, thời đức Phật đã có những sự tư duy đen tối những suy nghĩ đồi bại như thế rồi thì làm sao đức Phật thay đổi được tư duy truyền thống đó ngay trong phút chốc được, không phải đức Phật không chấp nhận cho người nữ gia nhập tăng đoàn mà chính xã hội và con người Ấn Độ không bao giờ chấp nhận. Ấn Độ lúc bấy giờ chưa có sự xuất hiện của nữ tu nào trực thuộc tôn giáo cả. Muốn cho người nữ gia và nhập vào Tăng đoàn, đức Phật phải chờ phản ứng từ xã hội, hay nói cách khác là để xã hội chấp nhận trước rồi sau đức Phật mới cho gia nhập vào tăng đoàn.
1.1. Mahāpajāpati Gotamī cầu pháp đức Phật
Mahāpajāpati Gotamī được phiên âm chữ hán là Ma Ha Ba Xà Ba Đề, dịch là “Đái Ái Đạo, hoặc Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di sinh ra và lớn lên ở Devadaha nước KoLy, con của vua Suppa Buddha, là em gái của hoàng hậu Mahà Mayà. Sau khi sanh thái tử Tất Đạt Đa được bảy ngày thì hoàng hậu Mahà Mayà qua đời và bà trở thành nhũ mẫu chăm sóc và nuôi dưỡng thái tử khôn lớn. Đến tuổi thành niên thái tử xuất gia thành Phật, trong thời gian đó bà vẫn ở hoàng cung Ca Tỳ La Vệ với vua Suddhodana. Sau khi thành đạo khoảng chừng ba năm lần đầu tiên đức Phật trở về hoằng hóa tại quê hương đồng thời thăm viếng vua cha và hoàng tộc. Vào lần đó, bà được đức Phật giáo hóa sau khi nghe thuyết pháp thì chứng đắc Sơ quả”[3]. Lần thứ hai, đức Phật trở về Ca Tỳ La Vệ là năm thứ năm sau Ngài thành đạo. Lúc vua Suddhodana đã 81 tuổi và lâm bệnh nặng sai đại thần Mahanama đi thỉnh đức Phật về cung để được gặp mặt lần cuối. Sau khi vua băng hà, Mahāpajāpati Gotamī đã xin Phật xuất gia. Bà đã ba lần thỉnh cầu nhưng đều bị đức Phật từ chối. Sự kiện này được tìm thấy trong kinh Trung A Hàm có đoạn như sau: “Một thời đức Phật trú Thích-ki-sấu, tại Ca-duy-la-vệ, vườn Ni-câu-loại, cùng với đại chúng Tỳ kheo đồng thọ hạ an cư. Bấy giờ, Cù-đàm-di Đại Ái đi đến chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên mà bạch rằng: Bạch Thế Tôn, nữ nhân có thể đắc quả Sa-môn thứ tư được chăng? Do nhân duyên này nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo được chăng? Đức Thế Tôn nói: Thôi! Thôi! Cù-đàm-di, người chớ nên nghĩ rằng nữ nhân có thể ở trong Pháp Luật chân chánh này chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo. Cù-đàm-di, người cứ như vậy mà cạo bỏ đầu tóc, khoác áo ca-sa, suốt đời tịnh tu phạm hạnh. Khi ấy, Cù-đàm-di Đại Ái bị Phật ngăn cản, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.”[4] Chúng ta có thể thấy được sự quyết tâm từ bỏ đời sống vương quyền trưởng giả của Mahāpajāpati Gotamī mong được sống đời sống thanh tịnh của người xuất gia. “Sau đó, đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn tiếp tục du hành đến Vesali. Thế Tôn ở Vesali, tại Đại Lâm, ở ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Mahāpajāpati Gotamī, với tóc cạo sạch, đắp áo cà sa, cùng với nhiều nữ nhân Sakya ra đi đến Vesali, tiếp tục bộ hành và đến Vesali, ở ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Mahāpajāpati Gotamī, với chân bị sưng, tay chân lấm bụi, khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc than, đứng ngoài cửa chính.”[5] Không khỏi xúc động cho Mahāpajāpati Gotamī và năm trăm phu nhân theo bà cùng xin Phật xuất gia. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng tại sao Phật lại làm khó không cho người nữ xuất gia. Trong khi với nam giới Ngài lại rất dễ dàng chấp thuận. Đây cũng là lý do nhiều người đưa ra quan điểm đức Phật kỳ thị người nữ nhưng nếu với cái nhìn của kẻ phàm phu tục tử thì sao hiểu được ý của bậc trí tuệ. Vì khi ở tại kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, nếu đức Phật cho phép người nữ xuất gia ngay thì sẽ tạo thành tiền đề cho sự công kích của các thế lực ngoại đạo, để họ sẽ chỉ dùi đục vào đức Phật nói đức Phật thiên vị cho hoàng tộc mà cho người nữ xuất gia. Ngài muốn để họ tự chứng kiến thấy được sự quyết tâm xuất gia của Mahāpajāpati Gotamī và năm trăm phu nhân dòng họ Thích. Sau khi bị đức Phật từ chối, họ đi bộ một đoạn đường khá dài từ thành Ca-tỳ-la-vệ đến Vesali để gặp Phật xin xuất gia lần nữa. Số năm trăm người nữ cùng đi ngoài đường cạo bỏ mái tóc đẹp, khoác áo Ca Sa là điều mà dân chúng chưa bao giờ được chứng kiến. Tất cả ánh nhìn sẽ đổ dồn về đoàn người của Mahāpajāpati Gotamī sẽ truyền nhau hỏi những người này là ai và họ đang làm điều quái quỷ gì thế? Nhưng khi thấy hình ảnh như thế chắc hẳn sẽ tạo nên một sự ngạc nhiên lớn và đồng thời sẽ cảm thấy thương cho người nữ trong xã hội.
1.2. Lời thỉnh cầu của tôn giả Ananda
Đối với nữ giới Ananda đầu tiên ủng hộ, giúp đỡ để giáo đoàn đầy đủ bốn chúng: “Ananda thấy Mahàpajàpatì Gotamì với chân bị sưng, tay chân lấm bụi khổ đau sầu bi những giọt nước mắt đầy mặt và than khóc đứng ngoài cửa thấy vậy liền nói với Mahàpajàpatì Gotamì vì sao lại đứng ở cửa với chân bị sưng, tay chân lấm bụi khổ đau sầu muộn nước mắt đầy mặt, khóc than như vậy…sau đó Ananda thưa hỏi Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả, hay A-la-hán quả… Nếu Mahàpajàpatì Gotamì chấp nhận tám kính pháp, thời Gotamì có thể được thọ cụ túc giới.”[6] Ananda nói hai lí do. Một là, người phụ nữ nếu có cái nhìn thấu đáo, có sự vững tâm cũng có thể chứng quả giải thoát trong hiện tại. Hai là, hoàng hậu Mahàpajàpatì Gotamì có công lớn trong việc dưỡng dục thái tử: “Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, Đức Thế Tôn cũng vẫn nói: Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho Chúng Tỳ kheo. Dâng cúng cho Chúng Tỳ kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường Đại chúng. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đứng phía sau đức Thế Tôn, cầm quạt hầu Phật, liền thưa rằng: Bạch Thế Tôn, Đại Sinh Chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Thế Tôn nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Thế Tôn sau khi thân mẫu Thế Tôn qua đời.”[7] Đức Phật, trước sự đa văn như thế ngài đồng ý cho bà xuất gia. “Đức Phật không hạn chế các vị bổn sư Tỳ kheo ni nhất định là A La Hán, nhưng nhấn mạnh ở tâm phẩm cách. Tuy phẩm cách tượng trưng cho bậc thánh, nhưng phàm tăng hội đủ đức hạnh đặc biệt như Ananda cũng có thể hướng dẫn các hàng Tỳ kheo ni…Thành tựu bao nhiêu pháp, bạch Thế Tôn, Tỳ kheo nên được chấp nhận là vị giáo giới cho các Tỳ kheo ni? Này Ananda, thành tựu tám pháp, Tỳ kheo nên được chấp nhận là vị giáo giới cho các Tỳ kheo ni … thành tựu tám pháp này, này Ananda, vị Tỳ kheo được chấp nhận là vị giáo giới cho các Tỳ kheo ni.”[8] Vẫn tạo nhiều tranh luận gay gắt trong các nhà nghiên cứu, họ cho rằng đức Phật là Bậc giác ngộ của nhân loại lại không biết điều đó. Mà phải đợi Ananda nhắc, theo TT.Thích Hạnh Bình: Nội dung mà A Nan thưa thỉnh với đức Phật được chép trong kinh rõ ràng không mấy thuyết phục vì không thể chỉ vì lý do đền đáp công ơn nuôi dưỡng của Cù Đàm Di mang tính tình cảm cá nhân mà cho bà xuất gia. Thầy cho rằng nội dung chính mà A Nan thưa thỉnh đức Phật là vấn đề: “Nên chăng cho nữ giới xuất gia với điều kiện cuộc sống định cư.”[9] Tăng đoàn thời ấy là “cuộc sống vô gia cư chủ yếu là họ sống trong rừng ngủ dưới góc cây, di chuyển liên tục từ nơi này đến nơi khác, nó chỉ phù hợp với đời sống của người nam.”[10] Có thể đây cũng là lý do nhiều lần Ngài không đồng ý cho bà xuất gia, vì khi chấp nhận cho bà xuất gia là chấp nhận cho toàn bộ nữ giới xuất gia và thừa nhận sự thành lập ni đoàn. Khi ấy, buộc phải có một đời sống ổn định cho Ni giới và đồng thời nó làm đảo lộn đời sống tu tập vốn có của Tăng đoàn. Không chỉ đức Phật phải đối diện với phản ứng của xã hội mà sự phản đối cho nữ giới xuất gia cũng xuất hiện ngay trong giáo đoàn của Ngài. Vì Tăng đoàn của đức Phật có đầy đủ các thành phần trong xã hội, hơn thế nữa họ là những người thừa hưởng nặng nề đậm chất kỳ thị người phụ nữ của Ấn Độ. Dù không nói ra thì những thành kiến về việc cho người nữ xuất gia vẫn luôn tồn tại trong giáo đoàn. Bằng chứng là sau khi đức Phật nhập diệt trong lần kiết tập Kinh điển đầu tiên, Tôn giả Ca Diếp liền kết tội Ananda phạm năm tội Đột kiết la. Trong đó, tội thứ năm là xin cho nữ giới xuất gia. Do vậy, với cái nhìn sâu xa, đức Thế Tôn đã để thời gian là cán cân cho sự thành tâm cầu đạo xuất gia của nữ giới. Đồng thời, nhiều lần khước từ của đức Phật là để chờ đợi phản ứng và sự chấp nhận của phần đông trong xã hội và ngay trong giáo đoàn của Ngài chứ không phải như nhiều người nhận định đức Phật bị miễn cưỡng phải cho nữ giới xuất gia, và càng không có sự kì thị hay bất bình đẳng nào của Ngài dành cho nữ giới ở đây cả. Thật vô lý khi có quá nhiều ý kiến cho rằng đức Phật phân biệt trọng Tăng hơn Ni, hay Phật không thương Ni giới bắt phải tùy tùng Tăng, qua việc Ngài chế định Bát kỉnh pháp chấp nhận cho người nữ xuất gia, thành lập ni đoàn.
1.3. Bát kỉnh pháp là tiền đề hình thành ni đoàn
Nhằm mục đích để thích nghi với điều kiện văn hóa tập tục và phản ứng của xã hội Ấn Độ cũng như trong Tăng đoàn thời bấy giờ. Đức Phật đã đặt ra điều kiện phải thọ trì thêm Bát Kỉnh Pháp: “Dầu cho thọ đại giới một trăm năm, một Tỳ kheo đối với một Tỳ kheo mới thọ đại giới trong một ngày cũng phải đảnh lễ, đứng dậy, chấp tay, xử sự đúng pháp. Pháp này sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua. Tỳ kheo ni không có thể an cư mùa mưa tại chỗ không có Tỳ kheo...”[11] Mahāpajāpati Gotamī lãnh nạp bát kỉnh pháp, bát kỉnh pháp được bà ví như tràng hoa quý báu và nguyện thọ trì trọn đời. Ni đoàn được hình thành từ đây, trách nhiệm tiếp dẫn hậu lai, phát triển ni đoàn được giao phó cho bà. Chính bà là người đại diện thọ lãnh Bát kỉnh pháp, tiếng nói của bà có giá trị rất lớn trong Ni đoàn lúc này và không có luật lệ nào dành riêng cho ni giới ngoài Bát kỉnh pháp. Đức Phật cũng đã khẳng định khả năng chứng các quả vị của người nữ ngang tầm với nam giới. Do vậy, khi tiếp nhận nữ giới vào Tăng chúng thì rõ ràng Ngài có cái nhìn thật đúng đắn.
2. Tầm quan trọng của Bát Kỉnh Pháp đối với Ni đoàn
2.1 Về mặt bình đẳng
Có thể khẳng định rằng: Bát kỉnh pháp là điều kiện tiên quyết để đức Phật chấp nhận cho nữ giới xuất gia. Nhưng nếu không có Bát kỉnh pháp chắc chắn việc người nữ được xuất gia là không thể cũng không có sự thành lập của Ni đoàn, giáo đoàn của đức Phật cũng không hội đủ bốn bộ chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di. Bát kỉnh pháp là phương tiện để đức Phật đưa địa vị của người nữ cao hơn trong xã hội để họ có quyền thoát khỏi sự ràng buộc của người đàn ông ở Ấn Độ. Việc chấp nhận điều kiện Bát kỉnh pháp giúp họ có một vị trí được xem trọng, hơn nữa là được tôn kính trong xã hội. Kinh Tiểu Duyên có ghi: “Này Bà-tất-tra! Ngươi nên biết hiện nay chúng đệ tử của ta, dòng dõi không đồng, xuất xứ khác nhau, xuất gia tu hành ở trong giáo pháp ta. Nếu có gặp ai hỏi: ‘Người thuộc dòng nào?’ thì nên trả lời họ: ‘Tôi là Sa-môn, con dòng họ Thích.”[12] Cho nên, ngày nay chúng ta không thể đem giá trị xã hội ngày nay về bình đẳng mà lên tiếng phê phán đức Phật không bình đẳng. Vì Ngài chính là người mở ra cuộc cách mạng cho người nữ thoát khỏi sự áp bức và kì thị thế nên Ni giới chúng ta, không có lý do gì lên tiếng cho rằng Bát kỉnh pháp không phải do đức Phật tuyên thuyết, hay lên tiếng đồi hủy bỏ Bát kỉnh pháp. Làm như thế thì không khác nào chúng ta phủ định những gì đức Phật làm vì người nữ, tự chúng ta khiến mình thành kẻ vong ân với chính người đã mở ra lối đi mới cho chúng ta. Cũng như mỗi chúng ta khi sinh ra ai ai cũng có nhiều khía cạnh trên cùng một cơ thể con người đôi khi không đồng nhau, do vì chức năng của mỗi cơ quan khác nhau thì cũng vậy ý nghĩa sự bình đẳng giữa nam và nữ ở đây là cần có chỗ để thực hiện nghĩa vụ của chính mình, mà không phải là tương tợ nhau ở chức trách hay định mệnh.
2.2 Về quá trình tu chứng
Trong kinh A Tu La Pahàràda có đoạn ghi : "Ví như, này Paharada, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng.....sát đế lỵ, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong pháp và luật được Như Lai tuyên bố này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử".[13] Và trong Kinh Tăng Nhất A Hàm đức Phật cũng có dạy: “ Lại nữa, bậc đệ tử hiền thánh, dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí huệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự vui thích, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh, như thật mà biết, giống như cây kia trổ hoa đầy đủ...các Tỳ kheo, hãy học điều này”.[14] Ở đây, Chúng ta không hề thấy nhắc đến người nữ nhưng bao hàm tất cả những ai xuất gia sống đời sống phạm hạnh thì trong đó có sự xuất hiện người nữ. Sau khi Mahà Pajàpatì Gotamì thọ lãnh Bát kỉnh pháp xuất gia, và tiếp nhận giáo đoàn cũng đã chứng minh lời Phật dạy là người nữ cũng có thể chứng quả vị ngang hàng với người nam. Trong thập đại đệ tử của đức Phật bên tăng có ngài Ananda là bậc đa văn đệ nhất... thì bên Ni cũng hội đủ: "Trong các vị nữ đệ tử Tỳ kheo ni đã lâu ngày của Ta, tối thắng là Mahà Pajàpatì Gotamì... "[15] Hơn nữa, “khi Phật còn tại thế có không ít vị Tỳ kheo ni đã được hoàn toàn giải thoát, chứng quả A L Hán.”[16] Trong Trưởng Lão Tăng Kệ có nhắc đến như sau đầu tiên là trưởng lão Mahapajapati và tiếp đó là các vị Tỳ kheo ni khác. “Isidàsi đã diễn tả trạng thái vui sướng tột bậc của mình khi được xuất gia vào giới đoàn và chứng đắc A La Hán như sau:
Tôi đã giải thoát khỏi sống và chết, Tôi đã cắt đứt sợi dây luân hồi”.[17]
Đó là những minh chứng năng lực, trí tuệ và khả năng đạt ngộ, chứng quả Vô lậu của các vị ni ưu tú. Ngày nay ni giới thực hành Bát kỉnh pháp cũng không hề mất đi quyền lợi về mặt tổ chức của giáo hội, và cũng không ảnh hưởng đi sự cung kính cúng dường của Phật tử đối với các vị Tỳ kheo ni. Bát kỉnh pháp giúp cho người nữ dẹp đi sự kiêu ngạo, cũng là hàng rào ngăn ngừa tham ái liên quan đến phạm hạnh của tăng ni. Ni giới chúng ta luôn lấy Bát kỉnh pháp thực hạnh là trên hết người viết cảm thấy Bát kỉnh pháp không có gì là quá đáng cả, ngược lại cần phải tôn trọng và hằng biết ơn, vì điều trở ngại lớn nhất cho người thực hành đạo chính là sự kiêu ngạo, chúng ta cần phải noi theo những tấm gương của các bậc đi trước để học hỏi và thực tập một cách hiệu quả nhất.
KẾT LUẬN
Như vậy, truyền thống văn hóa xã hội ấn độ phân chia giai cấp mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ được đức Phật xóa bỏ trên nền tảng giáo lý bình đẳng – vị tha. Ngài chấp nhận cho người nữ xuất gia và đưa ra điều kiện là thọ trì Bát kỉnh pháp suốt đời không có gì là bất bình đẳng. Ngài đã khởi xướng ra cuộc cách mạng giúp cho người nữ có vị trí mà họ đáng được có Ngài là người đầu tiên trong lịch sử tôn giáo nâng giá trị của nữ lên tầm mức cao nhất trong xã hội. Nhờ sự hy sinh chấp nhận thọ lãnh Bát kỉnh pháp mà Ni đoàn chúng ta hình thành và tồn tại đến tận ngày nay. Do đó, chúng ta phải sống và tu học sao cho thích đáng với sự hi sinh cao cả này và hành trì đúng với bổn phận của người xuất trần thượng sĩ trong cương yếu của người xuất gia. Cũng khẳng định rằng người nữ trong quá trình tu chứng thì quả vị như nhau, xóa đi những suy nghĩ cổ hủ của người dân Ấn nói riêng và các tôn giáo thời bấy giờ nói chung, cho thấy đức Phật là con người bình thường nhưng hơn cả con người phi thường. Ngài đã thiết lập nên một xã hội bình đẳng, nhân đạo. Hơn hết, trong giáo đoàn của đức Phật quan điểm về người nữ trong quá trình tu chứng được công nhận một cách minh bạch. Ngay tại đất nước chúng ta sinh đang sống thì các vị Tỳ kheo ni, Thức Xoa Ma Na hay Sa di ni được công nhận và được giáo hội cho thành lập phân ban ni giới, được nhà nước tôn trọng. Trong khi đó tại Thái lan, Lào... được xem Phật giáo là quốc giáo thì nữ tu chỉ được phép thọ 8 giới hoặc 10 giới và việc các nữ tu còn rất nhiều thiệt thòi so với thời của đức Phật. Vậy ai dám nói rằng đức Phật bất bình đẳng đối với nữ giới. Trong khi những đệ tử Ngài chính là người không làm theo lời Ngài đã dạy, vẫn đầy chấp ngã và bảo thủ. Không ai, không tổ chức nào có đủ thẩm quyền bỏ đi Bát kỉnh pháp. Vì thế hậu sinh khả úy chúng ta cần phải biết ơn và nhớ ơn những vị đã hi sinh vì sự nghiệp giải thoát và thành lập ni đoàn mà chúng ta cần phải nổ lực, tinh tấn trau dồi giới định tuệ và kế thừa phát huy mạng mạch phật pháp lâu dài, chứ không phải vì sự xuất hiện của người nữ trong giáo đoàn của đức Phật mà chính pháp giảm đi năm trăm năm, hay đâu đó còn những suy nghĩ như ngài Ca Diếp là vẫn kì thị người nữ.
Thích Chúc Hòa – Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Chú thích: Bài viết thể hiện cách lập luận, phân tích theo tư duy, góc nhìn riêng của tác giả.
----------------- CHÚ THÍCH: [1] Viên Trí, Ấn Độ Phật giáo sử luận, NXB. Phương đông, 2009, tr. 133-134 [2] Thích Giác Dũng, Phật Việt Nam dân tộc Việt Nam, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội,2004, tr. 34 [3] Thích Chơn Thiện, Tăng già thời Đức Phật, NXB Tôn Giáo, 2000, tr. 288 [4] Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, Kinh Trung A-Hàm Tập 1, 116. Kinh Cù-Đàm-Di, Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr. 853. [5] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VIII Tám Pháp VI, Phẩm Gotami, tr. 651. [6] Sđd, tr. 654. [7] Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, Kinh Trung A-Hàm Tập 2, 180. Kinh Cù - Đàm - Di, Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr. 259. [8]Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VIII Tám Pháp VI, Phẩm Gotami, tr. 659. [9]Thích Hạnh Bình, Nghiên Cứu Về Năm Việc Của Đại Thiên, NXB Phương Đông, 2014, tr. 85. [10] Trích từ ý giảng giáo thọ sư. [11] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 3, Chương VIII Tám Pháp VI. ‘Phẩm Gotamì’, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 654 - 655. [12] Thích Hạnh Bình, Những Vấn Đề Cốt Lõi Trong Kinh Trường Hàm, Kinh tiểu duyên, NXB Hồng Đức, tỉ2018 tr. 113 [13] Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi II, Kinh A Tu La Pahàràda, phẩm Lớn, Viện NCPHVN, 1988, tr. 5. [14] Việt dịch: Thích Thanh Từ, Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập II, XXXIX. Phẩm Đẳng Pháp, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 559. [15] Thích Minh Châu Phẩm, Kinh Bộ Tăng Chi, Phẩm người Tối Thắng, Viện NCPHVN, 1988, tr.34. [16] 雜阿含經卷34: 「婆蹉白佛:「且置比丘,有一比丘尼於此法、律盡諸有漏,乃至不受後有不?」 佛告婆蹉:「不但一、二、三比丘尼,乃至五百,有眾多比丘尼於此法、律盡諸有漏,乃至不受後有。」( CBETA, T02, no. 99, p. 246, c12-16). [17] Tăng chi bộ III, phẩm Gotami, bài 11, Trưởng lão tăng kệ, tr. 39.THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Kinh Bộ Tăng Chi, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN, 1988. 2. Kinh Tăng Chi II, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN, 1988. 3. Kinh Tăng Chi Bộ 3, Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2005. 4. Kinh Tăng Nhất A-Hàm - Tập II, Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005. 5. Kinh Trung A-Hàm Tập 1, Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, Tôn Giáo, Hà Nội, 2008. 6. Kinh Tăng chi, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 1996. 7. Tăng già thời Đức Phật, HT. Thích Chơn Thiện, NXB. Tôn Giáo, 2000. 8. Nghiên Cứu Về Năm Việc Của Đại Thiên, Thích Hạnh Bình, NXB. Phương Đông, 2014. 9. Những Vấn Đề Cốt Lõi Trong Kinh Trường Hàm, Thích Hạnh Bình, NXB Hồng Đức, 2018. 10. Ấn độ Phật giáo sử luận, Thích Viên Trí, NXB. Phương đông, 2009. 11. Phật Việt Nam dân tộc Việt Nam, Thích Giác Dũng, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 12. Trích từ ý giảng giáo thọ sư.
Bình luận (0)