Tác giả: Lê Tuấn Dương
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024

Trong các nghiên cứu về sắc phong cho Công chúa Liễu Hạnh tại phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định của các nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh Phương(1) và Chu Xuân Giao(2) cũng như các tư liệu về sắc phong của Bảo tàng tỉnh Nam Định và các phủ chính Tiên Hương, phủ nội công bố(3) thì điểm chung của các sắc phong thời đầu từ năm 1683 (niên hiệu Chính Hòa thứ 4) trở về sau đều thấy xuất hiện các cụm từ như “帝釋僊庭 - Đế thích tiên đình”. Đây là điểm cho thấy sự ảnh hưởng của văn hoá Phật giáo lên tín ngưỡng dân gian và sắc phong triều đình ở thời kỳ đó!

(帝釋天) phạm: Zkra Devànàm-indra, Hán âm: Thích Ca Đề Hoàn Nhân Đà La, gọi tắt: Thích Đề Hoàn Nhân, Thích Ca Đề Bà. Cũng gọi Thiên Đế Thích, Thiên Chủ, Nhân Đà La, Kiều Thi Ca, Sa Bà Bà, Thiên Nhãn. Đây vốn là một vị thần của Ấn độ giáo. Ở Ấn Độ đời xưa, thần này được gọi là Nhân Đà La, sau khi du nhập Phật giáo, được gọi là trời Đế Thích.(4)

Triều đình Lê Trung hưng (1533-1789) dùng khái niệm Đế Thích trong các sắc phong thần dành cho Liễu Hạnh công chúa có lẽ vì họ nhận thấy sự tương đồng ở nhiều điểm của vị thần được nhận phong tặng này với nhân vật vua trời Đế Thích (vị thần vốn là một hộ pháp xuất hiện trong nhiều kinh sách và xâm nhập thần điện các nước Á Đông như Trung Hoa, Đại Việt, Triều Tiên, Nhật Bản qua con đường của Phật giáo). Những sự tương đồng của 2 vị thần dễ nhận thấy ở các khía cạnh sau đây:

- Liễu Hạnh công chúa là vị thần chủ đạo của tín ngưỡng Tam Tứ phủ Việt Nam, bà được đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, Địa Tiên Quốc Mẫu, kiêm quản sơn lâm có địa vị rất cao, bà được dân gian quan niệm là con gái của vua Ngọc Hoàng đại đế trên thiên giới và tín ngưỡng Tam Tứ phủ cũng chấp nhận các vua trời khác như Phạm Thiên, Đế Thích vào thần điện của họ mà điển hình là văn thỉnh công đồng(5) của tín ngưỡng này có hát “dục giới sắc giới chư thiên đều mời, vua Đế Thích quyền cai thiên chủ, vua Ngọc Hoàng thiên phủ chí tôn”. Đó là sự tiếp thu cả Đạo giáo và Phật giáo vào tín ngưỡng này.

Tượng Thánh mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Tây Hồ (Hà Nội) - Ảnh: St
Tượng Thánh mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Tây Hồ (Hà Nội) - Ảnh: St

Cũng không phủ nhận rằng trong thực tế chùa Việt cũng có ít nhất 3 cách bài trí ban Tam bảo với 3 loại hình vua trời, như bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu hoặc bộ Phạm Thiên, Đế Thích, cá biệt có nhiều chùa thờ cả 3 vua trời Ngọc Hoàng, Phạm Thiên, Đế Thích. Tuy vậy trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ thì vai trò của Ngọc Hoàng với địa vị vua cha nổi bật hơn 2 vị vua trời trong văn hoá Ấn Độ kia.

Tuy nhiên về tiền thân đời trước của Ngọc Hoàng theo sự tích và truyền thuyết dân gian Trung Hoa vốn là người nam tên Trương Bách Nhẫn nổi tiếng nhẫn nhục, khiêm nhường mà được suy tôn lên làm vua trời, còn cõi trời của Phạm Thiên thì không có nữ nhân. Trong các vị vua trời trên duy có Đế Thích trong sự tích đời trước có ghi chép về người nữ cố tu hành để tái sinh lên trời Đao Lợi, truyện đó(6) kể về chàng Magha có 4 người vợ, nghề nghiệp chân chính, vui giữ 5 giới, chàng và các nam thanh niên thích làm công đức, họ xây một hội trường lớn nhưng không cho nữ nhân tham gia cùng vì nghĩ họ không xứng đáng, trong khi các bà vợ của Magha đặc biệt là vợ cả tên Sudhamma rất kiên trì xin được góp công và thiết tha xin cúng đỉnh chóp tháp bằng gỗ quý cho công trình công ích của chồng, mặc dù ban đầu bị từ chối vì họ không chấp nhận nữ nhân tham gia cùng nhưng với sự nhiệt thành cuối cùng bà đã thuyết phục được cánh đàn ông từ bỏ thành kiến, nhân đó các nữ nhân khác cũng học theo nô nức góp công, góp của làm thiện hạnh chung với nam giới. Cuối cùng nhờ nhân lành đó sau khi mạng chung, người đứng đầu việc công đức là người chồng tên Magha tái sinh làm vua Đế Thích (Sakka) cai quản 33 cung điện của trời Đao Lợi hay còn gọi tầng trời ba mươi ba, tất cả những ai góp công khi trước cũng đều tái sinh lên trời đó làm thần dân, thiên tử, còn bà vợ cả Sudhamma cũng tái sinh làm thiên hậu của trời với toà tháp tuyệt hảo vì trước đó cúng dường đỉnh tháp. Đây là câu chuyện kể về nỗ lực đấu tranh vươn lên của nữ giới trong xã hội cổ đại, và cũng là chuyện về tiền nhân hậu quả để sinh lên trời Đao Lợi.

Truyện này cũng phản ánh phảng phất chính hình ảnh của Công chúa Liễu Hạnh, một hiện tượng rất hiếm hoi từ vị trí người phụ nữ bình dị trong xã hội phong kiến thời Lê Trung hưng nơi ảnh hưởng đậm nét của Nho giáo với tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng bà vẫn dần trở thành vị nữ thần quan trọng thậm chí xác lập vị trí nòng cốt, đứng đầu cả một hệ tín ngưỡng trong dân gian cũng như được phong tặng nhiều tôn hiệu cao quý của triều đình. Về hình ảnh cố gắng làm nhiều việc thiện của nàng Sudhamma trong truyện Đế Thích thì theo bia Quảng Cung linh từ bi ký hiện tại phủ Nấp (thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) cũng ghi chép về tiền thân của công chúa Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất tên Phạm Tiên Nga (1443-1473) đã làm rất nhiều công ích như đắp đê ngăn nước, làm 15 cây cầu đá, dựng chùa Kim Thoa, tu sửa chùa Sơn Trường, chùa Long Sơn, chùa Thiện Hành, bố thí người nghèo, chiêu dân lập ấp, khơi nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, chữa bệnh…

- Điểm thứ 2 dễ nhận thấy là cả Đế Thích và Liễu Hạnh công chúa đều được thờ phụng như những vị chiến thần. Đế Thích là một người chiến binh vĩ đại, một biểu tượng của sự can đảm và sức mạnh, thần dẫn dắt các Deva (chư Thiên) và các nhiên thần như Agni (lửa), Varuna (nước) và Surya (mặt trời); đồng thời thần luôn lãnh đạo các cuộc chiến chống lại những kẻ đối lập với các thần, những yêu ma như Asura. Bên cạnh việc là một vị thần chiến tranh, thần cũng được đề cập như là người bảo hộ phương hướng, biểu trưng cho phương Đông(7). Trong văn hóa dân gian Việt mà điển hình là truyện Hồn Trương Ba da hàng thịt thì vua Đế Thích được mô tả là vị thần rất giỏi đánh cờ, đây thực chất cũng là hình ảnh của chiến thần vì đánh cờ là bộ môn có sự bài binh bố trận như ngoài trận địa. Trong các kinh sách Phật giáo cũng mô tả Đế Thích thường đắc thắng trong các cuộc chiến với Asura (atula), vua trời Đế Thích bèn hiện thân có ngàn con mắt, tay cầm chày Kim Cương, đầu bốc khói lửa. Tu-la thấy thế liền phải thua chạy. Liền bắt Tỳ Ma Đa Chất trói mà mang về.(8)

Còn với trường hợp Liễu Hạnh công chúa theo khảo cứu và phát hiện của thạc sĩ Lê Tùng Lâm thì "Vân Cát thần nữ chép: Năm Cảnh Trị (1663-1670), ngài được triều đình phong làm Mã Hoàng công chúa. Tuy nhiên khi đọc các văn bản thần tích hữu quan, chúng tôi phát hiện hai chữ “mã hoàng” có ba cách viết khác nhau. Có 4 bản thần tích chép là 鎷鐄, có 2 thần tích ghi là 禡黃, và cách viết phổ biến nhất là 禡鐄 trong 16 thần tích. Riêng cách viết 鎷鐄 còn được nhiều người kiến nghị nên đọc là “mạ vàng”. Về tự dạng thì đọc như vậy là không sai, nhưng chúng tôi cho rằng phải đọc là mã hoàng vì hai chữ này chỉ việc quân đội tế thần. Từ điển Từ Nguyên chú thích: 古代行軍於所止處祭神曰禡。其神或曰黃帝,或曰蚩尤 (Cổ đại hành quân ư sở chỉ xứ tế thần viết mã. Kì thần hoặc viết Hoàng Đế, hoặc viết Si Vưu). Dịch là: Thời cổ đại hành quân tế thần ở nơi dừng lại gọi là mã. Tế thần là Hoàng Đế hoặc Si Vưu. Tra ngược lại văn bản Truyền kỳ tân phả (A.48), văn bản này chép là 禡黃. Kết hợp với những lần Chúa Liễu âm phù triều đình dẹp giặc, thậm chí còn có lúc đích thân dẫn quân đi cứu giá…(9) Ngoài ra, bà còn được biết đến nhiều với phong hiệu “Chế thắng bảo hòa diệu đại vương” cũng là ý nghĩa về sự âm phù cho việc thắng trận. Một góc độ nhỏ khác thì Đế Thích Indra là thần sét còn Liễu Hạnh công chúa trong dân gian cũng được miêu tả là vị thần ban phúc giáng họa khôn lường.

- Một số học giả, nhà nghiên cứu như Thượng tọa Thích Tiến Đạt Viện chủ chùa Đại Từ Ân tại Hà Nội(10) cho rằng bộ tượng nhị chủ (Phạm Thiên, Đế Thích) trong chùa Việt phản ánh bóng dáng của mô hình chính trị vua Lê và chúa Trịnh cùng cai trị Đàng Ngoài thời Lê Trung hưng cũng rất đáng xem xét trong trường hợp này. Như chúng ta đã biết thời kỳ đó, vua Lê là thiên tử chí tôn nhưng chỉ buông đai rủ áo ở ngôi tượng trưng còn mọi quyền hành giao hết vào tay chúa Trịnh, xã hội trên thực tế có 2 vua. Với 2 vị vua Phạm Thiên, Đế Thích thì Phạm Thiên ngự tầng trời cao hơn còn Đế Thích tuy ở tầng trời dưới nhưng làm vua của các vị thần. Và trong thần điện tín ngưỡng Tam Tứ phủ cũng có hiện tượng cả vua và chúa như vậy. Ngọc Hoàng đại đế trong Đạo giáo Trung Hoa là vua cai quản bách thần, nhưng vua cha Ngọc Hoàng cùng vua cha Bát Hải Động Đình trong tín ngưỡng mẫu Việt thì chỉ ngự trên điện chứ điều hành, mọi việc lại là chúa Liễu Hạnh nên văn chầu đệ nhất có câu hát rằng “khăng khăng giữ sổ tam tòa, ngày ngày chầu chúa liễu hoa cầm quyền”. Rõ ràng các bộ đôi vua Lê – chúa Trịnh, Phạm Thiên – Đế Thích, vua Bát Hải – chúa Liễu Hạnh có sự phân công vai trò khá tương tự nhau, và sự gắn kết giữa phong hiệu của công chúa Liễu Hạnh như đã nói ở trên với cụm từ Đế Thích là dựa trên rất nhiều sự tương đồng như vậy.

Kết luận

Phật giáo được du nhập và thịnh hành tại Việt Nam từ rất sớm, giữ vai trò quốc giáo trong các triều đại Lý (1009-1225), Trần (1226-1400) nên đã tạo ra một sự ảnh hưởng to lớn trong văn hóa, lịch sử đất nước, đến giai đoạn Lê Trung Hưng (1533-1789) tuy mất đi vai trò độc tôn và tầng lớp cai trị lấy Nho giáo làm nền tảng nhưng sức ảnh hưởng của Phật giáo trong văn hóa tín ngưỡng vẫn còn rất rõ. Thậm chí sự ảnh hưởng này len lỏi cả vào văn bản nhà nước mà điển hình là các sắc phong thần dành cho Công chúa Liễu Hạnh, một vị thần dân gian nổi tiếng. Ở góc độ khác cũng không thể phủ nhận sự cố gắng tiếp thu yếu tố tam giáo Phật, Lão, Nho của các dòng tín ngưỡng dân gian nội sinh lúc bấy giờ như tín ngưỡng Mẫu, nội đạo tràng....

Tác giả: Lê Tuấn Dương
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024

***

CHÚ THÍCH:

(1) Căn cước lịch sử của Thánh Mẫu: Phát hiện và luận giải đạo sắc phong cổ nhất mang niên đại 1683 cho Liễu Hạnh công chúa hiện còn nguyên tại phủ Dày Nam Định, tác giả Chu Xuân Giao, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) 2018, trang 40.

(2) Vũ trụ quan Phật giáo Mật tông, với trung tâm là núi Tu Di ở tầng trời Đao lợi của Đế Thích, phản ánh trong nhóm sắc phong sớm nhất cho Liễu Hạnh công chúa vào nửa cuối thế kỷ XVII, tác giả Chu Xuân Giao, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 1(155), 2020, trang 36, 37, 38.

(3) Các sắc phong cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh và dòng họ Trần Lê ở Phủ Dầy https://phuday.com/cac-sac-phong-cho-thanh-mau-lieu-hanh.html

(4) Đế Thích thiên, từ điển Phật học onlie https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/de-thich-thien-k33394.html

(5) Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam – Maurice Durand, Olivier Tessier, dịch giả Nguyễn Thị Hiệp, Marcus Durand, Philippe Papin, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2019, trang 181-184. Nguyên tác Technique et Pantheon des mediums Vietnamiens( Dong), Maurice Durand, nxb de l’Ecole Francaise d’Extreme Orient, Vol. XLV, Paris, 1959 trang 222.

(6) Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt tập 4, sự tích cõi trời ba mươi ba, trang 176-189, tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh, nxb văn học 2014.

(7) Vua trời Đế Thích Thiên tác giả Huỳnh Thanh Bình, Nguyệt san Giác Ngộ 4/2015 https://giacngo.vn/vua-troi-de-thich-thien- post29700.html.

(8) Bài viết “Làm thiện với tâm đố kị chịu nỗi khổ tái sinh làm loài Atula”, phần trích kinh A Hàm, tham khảo Lục Đạo tập tác giả Thích Viên Thành, nxb Hải Phòng, https://phatgiao.org.vn/lam-thien-hanh-voi-tam-do-ky-chiu-noi-kho-tai-sinh-lam-loai-a-tu- la-d45493.html

(9) Nghiên cứu Hán Nôm năm 2020 nxb thế giới 2020, 39. Lê Tùng Lâm: hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong truyền kỳ tân phả
-hành trình văn học hóa những chất liệu dân gian, trang 583-584.(10) Phát biểu tại triển lãm Phật đản 2023 - mùa sen nở tổ chức tại chùa Đại Từ Ân, Đan Phượng, Hà Nội.