Nguyễn Văn An - Bảo tàng Bắc Ninh
Hữu Bằng có tên Nôm là làng Bùng (Bùng Cát) xưa thuộc tổng Phù Lương, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Ngọc Xá, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Hiện nay tại tòa Tam bảo chùa làng Hữu Bằng còn bảo lưu nhiều di vật cổ giá trị, trong đó độc đáo nhất là quả đại hồng chung “Dương chú linh tự hành cung hồng chung” đúc dưới triều vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa 24 (1703).
Chùa làng Hữu Bằng được khởi dựng từ lâu đời có quy mô kiến trúc lớn dưới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII). Trải qua thời gian chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, gần đây nhất là vào năm Bảo Đại 17 (1942) công trình hiện còn bảo lưu được khá nguyên vẹn đến ngày nay. Chùa nằm ở phía Đông Nam của làng, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, tòa Tam bảo gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện. Bộ khung tòa Tiền đường và Thượng điện đều được làm bằng gỗ lim chắc chắn, kết cấu vì kèo kiểu “con chồng giá chiêng, tiền kẻ hậu bẩy”.
Trên các bộ phận kiến trúc như con rường, cốn, bẩy, nghé kẻ đều được chạm khắc trang trí đề tài rồng, mây, hoa lá cách điệu mang phong cách nghệ thuật truyền thống.
Giá trị của chùa làng Hữu Bằng còn được thể hiện ở hệ thống di vật cổ đang lưu giữ tại tòa Tam bảo bao gồm: hệ thống tượng phật cổ đa số có niên đại thời Nguyễn, 6 tấm bia đá ghi chép việc hậu Phật, trong đó 4 tấm bia bị mờ chữ chỉ còn 2 tấm bia rõ niên đại là “Nguyễn gia thạch tấn” khắc năm Hàm Nghi nguyên niên (1885) và “Giáp hậu bi ký” khắc năm Duy Tân 10 (1916)... Đặc biệt tại tòa Tam bảo chùa làng Hữu Bằng còn lưu giữ được một quả chuông đồng lớn (đại hồng chung) đúc dưới thời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa 24 (1703). Chuông màu xanh gỉ đồng, kích thước khá lớn: cao toàn bộ 112cm (riêng quai cao 26cm), đường kính miệng 62cm, chu vi thân 146cm. Quai chuông là một đôi Bồ lao đấu lưng vào nhau 4 chân ôm lấy thân chuông, đuôi hướng lên phía trên đỡ quả hồ lô. Bồ lao có đầy đủ đầy đủ các bộ phận như: râu, tóc, sừng, đao lửa, miệng há rộng ngậm ngọc, thân và chân có vẩy. Vai chuông hơi thon, thân phình, miệng loe rộng, gờ miệng để trơn không trang trí hoa văn. Toàn bộ thân chuông chia làm 8 ô (4 trên, 4 dưới), ngăn cách giữa các ô là những đường chỉ nổi (gân chuông) gồm 5 đường ngang và 5 đường dọc, đường ở giữa to hơn hai đường bên cạnh. Xung quanh thân chuông (vị trí đường gân ngang) phía trên có 4 núm đánh, phía dưới có 2 núm đánh, các núm đánh đối xứng nhau hình tròn nổi cao, đường kính 11cm, mỗi núm đính 20 hạt tròn (hạt lựu). Trên vai chuông khắc chìm 8 chữ Hán lớn trong khung hình lá đề (2 chữ 1 ô) nội dung ghi tiêu đề tên chuông là: ‘‘Dương chú linh tự hành cung hồng chung’’. Ngoài ra toàn bộ thân chuông bên dưới khắc kín bài minh chữ Hán, tất cả khoảng gần 2000 chữ, kiểu chữ chân phương còn rất rõ nét. Nội dung bài minh ngoài việc ca ngợi cảnh đẹp ngôi chùa còn cho biết lý do đúc chuông và ghi khắc toàn bộ tên họ những người công đức tiền của dùng vào việc đúc chuông. Phần cuối cho biết chính xác chuông được đúc vào ngày tốt, mùa Hạ, niên hiệu Chính Hòa 24 (1703) triều Lê.
Quả đại hồng chung ở chùa làng Hữu Bằng là cổ vật quan trọng đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình chuông đồng được đúc vào thời Lê Trung Hưng.
Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay còn khoảng 12 quả chuông được đúc vào thời kỳ này, chuông chùa làng Hữu Bằng có niên đại cổ thứ 3 ở Bắc Ninh hiện nay (sau chuông chùa Khúc Toại, phường Khúc Xuyên đúc năm Phúc Thái 6 (1648) và chùa Đẩu Hàn, xã Hòa Long đúc năm Chính Hòa 16 (1695). Quả chuông này góp phần minh chứng Bắc Ninh là một trong những địa phương có mật độ phân bố chuông thời Hậu Lê còn khá nhiều so với các tỉnh khác ở khu vực đồng bằng châu thổ Bắc Bộ ngày nay.
Nguyễn Văn An - Bảo tàng Bắc Ninh
Bình luận (0)