Trang chủ Bài viết nổi bật Sự dung hòa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt qua không gian thờ cúng

Sự dung hòa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt qua không gian thờ cúng

Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống, là sự kết tinh phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa đặc sắc của người Việt. Dù đã có những thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại nhưng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn mang những giá trị truyền thống nhất định trong đời sống của người Việt.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống, là sự kết tinh phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa đặc sắc của người Việt. Dù đã có những thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại nhưng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn mang những giá trị truyền thống nhất định trong đời sống của người Việt.

Tác giả: HT. TS Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự,
Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương,
Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội,
Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024

Tóm tắt: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt có nguồn gốc từ rất lâu đời, khởi nguồn từ thời thị tộc phụ hệ trên nền tảng tinh thần hiếu đạo, uống nước nhớ nguồn và những tâm nguyện tâm linh được tổ tiên phù hộ. Qua hơn 2.000 năm du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã ảnh hưởng và tương tác với phong tục thờ cúng tổ tiên ở phương diện tư tưởng quan điểm, nghi lễ, thờ cúng, kiến trúc,…

Bài viết đề cập đến sự dung hòa của Phật giáo với tục thờ cúng tổ tiên thông qua không gian thờ cúng. Xu hướng văn hóa Phật giáo dung hợp văn hóa dân tộc đã, đang và sẽ còn là xu hướng chủ đạo của Phật giáo Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai.

Từ khóa: Phật giáo, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Không gian thờ cúng tổ tiên

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên, được truyền sang Việt Nam vào những năm đầu Công nguyên, do các tăng sĩ và thương gia Ấn Độ đến Việt Nam bằng đường biển. Sau này, Phật giáo còn được truyền vào Việt Nam bằng đường bộ do các nhà sư Trung Hoa sang giảng kinh.

Trong khi đó, phong tục thờ cúng tổ tiên vừa là một đạo lý, vừa là một tín ngưỡng có ý nghĩa về mặt tổ chức trong cộng đồng xã hội truyền thống của văn hóa làng xã của người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đặt niềm tin về sự linh hồn sau khi chết; người ta tin rằng người đã khuất vẫn có thể về thăm nom, phù hộ cho con cháu, do đó thờ cúng tổ tiên đã trở thành phong tục, phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên giúp người dân thỏa mãn được nhu cầu về đạo đức, nhu cầu tâm linh, góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, tộc họ những người cùng chung huyết thống.

Du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa (tục thờ cúng tổ tiên), được Việt hóa đã có sức sống vô cùng mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của nhân dân, tạo nên sự dung hợp với truyền thống văn hóa dân tộc trên mọi khía cạnh: lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, tập quán… Sự dung hợp giữ Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ được thể hiện trong thực hành tín ngưỡng và nghi lễ thờ cúng, mà còn được thể hiện trong cách thức bài trí của kiến trúc ngôi chùa.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2024 Su dung hoa van hoa phat giao va tin nguong tho cung to tien cua nguoi viet 1

1. Về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Ở xã hội nguyên thủy, nguồn gốc của tín ngưỡng này bắt nguồn từ Tô tem giáo. Ở đó, niềm tin về mỗi con người hay nhóm người đều có mối liên hệ chặt chẽ với vật thể tinh thần: cây cối hay động vật và những vật thể này được coi là vật tổ của thị tộc, bộ lạc.

Khi chuyển sang chế độ phụ hệ, vai trò của người đàn ông trong gia đình và xã hội ngày càng trở nên quan trọng, những người này bằng uy tín của mình đã củng cố và thiêng liêng hóa việc thờ cúng tổ tiên đã manh nha trong thời kỳ mẫu hệ thị tộc. Họ có quyền thế tục, thờ cúng thần và tổ tiên đã mất, vì vậy đối tượng thờ cúng trong thời kỳ này có sự thay đổi lớn, từ việc thờ tổ tiên Tô tem giáo chuyển sang thờ tổ tiên thật, đó là những người đã mất có cùng huyết thống.

Người Việt từ xa xưa có quan niệm “vạn vật hữu linh”, theo đó mọi vật đều ẩn chứa linh hồn bên trong, người ta tin rằng luôn có sự tồn tại của linh hồn và có mối liên hệ hiển nhiên giữa người chết và người sống. Khi con người chết, phách tiêu tan cùng thể xác, còn hồn tách ra, bay lượn trong không trung, sống cuộc sống độc lập, linh hồn sẽ tồn tại mãi mãi và đấy là cuộc sống của tổ tiên sau khi mất.

Họ gia nhập vào thế giới siêu nhiên và sợi dây tiếp nối giữa họ với người thân chính là thông qua việc thờ cúng, nghi lễ thờ cúng. Do đó, người đã khuất vẫn tham dự vào đời sống tinh thần của thế hệ sau, mỗi khi đến kỳ lễ tết, ngày giỗ, những dịp đặc biệt quan trọng, họ đều được con cháu mời về để con cháu tỏ lòng hiếu kính tưởng nhớ.

Trong nhận thức dân gian, người Việt quan niệm rằng, con người có hai phần: phần xác và phần hồn. Hai phần này vừa gắn bó, vừa tách biệt với nhau. Khi con người còn sống, hồn nhập vào xác điều khiển hành vi của con người. Khi con người chết, phần hồn rời khỏi xác, thể xác của họ hòa vào cát bụi, phần hồn tồn tại và chuyển sang sống ở một thế giới khác (cõi âm).

Bên cạnh đó, người Việt cũng cho rằng, nếu chúng ta không cầu cúng, linh hồn của tổ tiên sẽ đói khát, biến thành ma xấu, quấy nhiễu, đem lại tai ương cho con cháu. Tuy nhiên, nỗi lo sợ bị trừng phạt của con người không phải là yếu tố duy nhất và chủ yếu dẫn đến sự hình thành, phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở người Việt mà còn bao hàm nhiều nhân tố khác ở trong đó như sự kính trọng, biết ơn đối với tổ tiên, sự hiếu thảo của thế hệ sau đối với thế hệ trước.

Thờ cúng tổ tiên là một tục lệ, tín ngưỡng hay tôn giáo đang còn nhiều ý kiến khác nhau và chắc chắn cần phải thảo luận nhiều để đi đến sự thống nhất. Tuy nhiên, khái niệm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có thể được hiểu như sau:

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là sự thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên – những người đã mất, cùng huyết thống, đã có công sinh thành và nuối dưỡng con cháu.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ mở rộng huyết thống từ gia đình đến họ tộc mà còn mở rộng ra cả tổ tiên làng xã, đất nước: “Đạo thờ tổ tiên theo nghĩa rộng không chỉ thờ những người có công sinh dưỡng đã khuất, nghĩa là những người có cùng huyết thống mà thờ cả những người có công với cộng đồng, làng xã và đất nước”(1). Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện ở ba cấp độ chủ yếu: cấp độ gia đình, dòng họ theo huyết thống; cấp độ làng xã, cộng động và cấp độ quốc gia, dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã bén rễ, ăn sâu trong đời sống tinh thần của nhân dân ta từ nhiều thế hệ. Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng, thông qua nghi lễ của tín ngưỡng này thể hiện quan niệm nhân sinh của người Việt: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam tuy giản dị nhưng rất sâu đậm. Ban thờ tổ tiên thường ở gian giữa, được trang trí, bày đặt rất đa dạng. Ban thờ là khoảng không gian thiêng, nơi kiêng kỵ và cung kính nhất trong gia đình. Ngay từ khi xây ngôi nhà mới, người ta đã chú ý dành một gian ở trung tâm để đặt bàn thờ, giường thờ hoặc hương án (gồm bát nhang, bài vị, lư hương…), người ta coi đó là nơi linh hồn ông bà, tổ tiên thường xuyên lui tới. Con cháu để hương tàn, khói lạnh là có lỗi với tổ tiên.

Trải qua nhiều thế hệ, để cho hậu thế không quên cội nguồn, người ta lập các chi họ, viết gia phả, xây dựng nhà thờ họ. Đối tượng thờ phụng là ông bà, tổ tiên, những người ruột thịt cùng huyết thống đã có công sinh thành và nuôi dưỡng con cháu. Việc thờ cúng tổ tiên thường diễn ra sau năm đời, nhưng đối với vị thủy tổ của một dòng họ, ông tổ làng hoặc quốc tổ như Hùng Vương thì con cháu là hậu sinh đời đời hương khói phụng thờ.

Ngày thờ cúng tổ tiên là những ngày mất của bố mẹ, ông bà, tổ tiên mà người ta thường gọi là ngày kỵ hoặc ngày giỗ. Ngoài ra, khi có chuyện vui, việc buồn trong gia đình theo phong tục thờ cúng, người Việt cũng thường có nén hương, nải quả để kính cáo với gia tiên. Thờ cúng tổ tiên còn được tổ chức vào những ngày có các sự kiện quan trọng trong gia đình như: cưới hỏi, xây nhà, tậu trâu, mua ruộng, đi xa, thi cử…

Người Việt Nam luôn tin tưởng tổ tiên của mình rất linh thiêng. Dù đã đi vào cõi vĩnh hằng, âm dương cách biệt, song, họ quan niệm ông bà, tổ tiên vẫn luôn “sống” cạnh con cháu để phù hộ, độ trì trong những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn; chia vui khi thành đạt hiển vinh. Ông bà, tổ tiên cũng khuyên giải, hay quở trách (mà không hề trừng phạt) khi con cháu làm những điều sai trái. Đức bao dung, lòng độ lượng của ông bà, tổ tiên là động lực lớn để con cháu không ngừng vươn lên.

2. Sự kết hợp, dung hòa giữa Phật giáo với tục thờ cúng tổ tiên qua không gian kiến trúc

Dù là một tôn giáo lớn, một hệ tư tưởng triết học sâu sắc và có tính hệ thống, song Phật giáo vẫn rất gần gũi, có phần bình dân, phù hợp với nền tảng đạo đức, văn hoá của người Việt. Phật giáo tiếp tục tôn vinh giá trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt, nâng cao giá trị “đạo hiếu”, bổ trợ định hướng về tinh thần trong cách thờ cúng tổ tiên.

Ở Việt Nam, chùa như là sự hiện diện cho đời sống tâm linh của đại đa số người dân, nhất là dân sống trong các làng, được biểu hiện qua câu nói “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa được xây dựng khắp mọi nơi, từ miền quê hẻo lánh tới các thành phố, đô thị hiện đại. Trong cả nước nói chung và đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt Hà Nội nói riêng, hầu như làng nào, phường nào cũng có chùa.

Giữa chùa, đình và đền… đều có những điểm tương đồng, có sự dung hợp, pha trộn lẫn nhau, mang phong cách của kiến trúc phương Đông, thể hiện được nét đặc sắc trong lối kiến trúc cổ của người Việt. Chùa là một quần thể kiến trúc, gồm nhiều ngôi nhà sắp xếp cạnh nhau hoặc nối vào nhau.

Tùy theo cách bố trí những ngôi chùa này mà người ta chia thành những kiểu kiến trúc chùa khác nhau. Kiểu chùa đơn giản nhất là kiểu chữ Đinh, có nhà chính điện hay thượng điện, tức ngôi nhà đặt các ban thờ Phật, nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà Tiền đường ở phía trước. Nhà bái đường đôi khi cũng được gọi là chùa hộ, có lẽ vì ở đây thường có các tượng Hộ Pháp.

Phổ biến hơn cả là kiến trúc có nhà chính điện và nhà bái đường song song, được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà Thiên hương, nơi nhà sư làm lễ. Có nơi gọi gian nhà nối nhà bái đường với Phật điện được nối với nhau bằng nhà Thiên hương hay ống nuống như vậy, ta có kiểu chùa được gọi là kiểu chữ Công. Kiểu chữ Nhị là kiểu chùa có hai nếp nhà song song với nhau. Ngoài ra một vài chùa có hình chữ Tam thường được gọi là chùa hạ, chùa trung và chùa thượng.

Về cơ bản kiến trúc chùa Việt Nam mang đậm phong cách kiến trúc của làng xã người Việt, đó là sự đăng đối, hài hòa âm dương. Các gian thờ tự thường được bố trí theo số lẻ có thể là 3 gian hay 5 gian và có thể là 7 gian, hai trái.

Nhà thờ hay bàn thờ gia tiên của các đại gia đình thờ tự các vị từ cao tổ trở xuống hiển khảo trở lên gồm hiển cao tổ (can hay kỵ); hiển Tằng tổ (cố hay cụ), hiển tổ khảo tổ tỷ (ông bà), hiển khảo tỷ (cha mẹ) và kèm thêm phụ vị thương vong các đời, tức là những người chết yểu chưa có con, tổ bá, tổ thúc, tổ cô ngang vai cao tổ trở xuống. Tóm lại những vị thờ trong nhà thờ này còn được cúng giỗ.

Những vị từ cao cao tổ trở lên (theo xưng hô của trưởng tiểu chi) bắt đầu cúng giỗ, gọi là Ngũ đại mai thần chủ tức là chôn thần chủ đi và rước vào nhà thờ chung của họ tiểu chi để liệt thờ phối tế theo tiên tổ (kể cả phụ vị thương vong quá 5 đời). Kiến trúc từ đường của người Việt xét theo phạm vi tế tự rộng, hẹp được thành 3 loại:

Đại tôn từ đường: nhà thờ đại tôn thủy tổ và các vị tiên tổ đời cao, khi chưa chia thành phân chi. Trong các tiểu chi nếu có những vị thần tổ linh hiển, hoặc các vị đỗ đạt cao, chức tước lớn, mặc dù về thế thứ đứng hàng thấp nhưng cũng được rước vào nhà thờ đại tôn thờ cùng với các vị thủy tổ, vì có công làm rạng danh dòng họ.

Bản chi đường: họ lớn qua nhiều đời chia thành nhiều tiểu chi, thì mỗi tiểu chi có một nhà thờ riêng, thờ tự vị tiên tổ đứng đầu khi xuất chi trở xuống. Trong nhà thờ tiểu chi thờ thần chủ vị đứng đầu chi, tiếp đến các đời sau chỉ có dòng trưởng mới được thờ chính giữa, còn các tiên tổ dòng thứ dẫu đời cao hơn thuộc bậc chú, ông chú, cụ chú… cũng chỉ liệt thờ hai bên, phối tế, gọi chung là “tả chiêu hữu mục”.

Giữa kiến trúc bài trí của chùa với kiến trúc bài trí của hệ thống thờ tự khác: từ đường, bàn thờ gia tiên trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam có sự dung hợp, tương hỗ với nhau về nhiều mặt, từ phong thủy, lối kiến trúc đậm chất dân gian làng xã, hợp với văn hóa lúa nước, chuộng kiểu kiến trúc xây dựng các gian thờ bè chiều ngang, theo số lẻ, với kèo, cột và quá ngang… Qua đó cũng thể hiện sự hài hòa, đăng đối âm dương, hòa quyện giữa con người với trời đất, con người với tổ tiên.

Ở trong chùa, cách thức bài trí thờ tự được sắp xếp theo một trật tự từ trên cao xuống. Chùa có rất nhiều tượng Phật; Bồ Tát cùng với tượng các thiên thần Phật giáo khác, rất đa dạng và phong phú. Trong chùa, chính điện bao giờ cũng là nơi trung tâm của sự thờ cúng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2024 Su dung hoa van hoa phat giao va tin nguong tho cung to tien cua nguoi viet 2

Chính điện chùa Ngâu (Hà Nội) – Ảnh: Minh Khang

Ở đây có rất nhiều bàn thờ được đặt ở chính giữa và làm thành những bậc từ cao xuống thấp. Đặc biệt với sự có mặt ở vị trí đặc biệt của tượng Phật A Di Đà cùng với tượng các Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đã nói lên ý nghĩa quan trọng của tín ngưỡng Tịnh Độ trong Phật giáo.

Do ảnh hưởng của Phật giáo, thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng được bài trí một cách bài bản. Trong mỗi gia đình, bàn thờ cúng tổ tiên được đặt ở giữa nhà, là vị trí trang trọng nhất, là trở thành nơi con cháu khấn vái trong những ngày tuần, ngày giỗ, ngày tết, hoặc khi có hiếu hỷ, việc to, việc nhỏ với mong muốn được gia tiên phù hộ. Mọi “thay đổi” trong gia đình đều được gia chủ kính cáo với tổ tiên.

Theo phong tục, bàn thờ gia tiên được đặt ngay tại gian chính giữa nhà. Nhà giàu có thì đồ thờ phụng được trang hoàng lộng lẫy, sơn son thếp vàng và thờ đủ thần chủ bốn đời là cao, tằng, tổ, khảo, bằng gỗ táo, trên đó đề tên, họ, chức tước, ngày tháng sinh, tử của tổ tiên. Nhà nghèo thì cũng có bát hương và bộ ỷ để thờ, bởi đồ thờ tự được coi là những vật linh thiêng.

Ngày nay, do tác động của nếp sống mới, gia đình có bàn thờ cổ không còn nhiều. Người ta lập bàn thờ trên một tấm ván đóng trên tường, có khi là trên nóc tủ… Đồ thờ chỉ gồm một bát hương nhỏ, khung ảnh thờ người quá cố và một số đồ thờ khác.

Bàn thờ tổ được trang trí gồm hai lớp: lớp trong và lớp ngoài, ngoài ra còn có y môn, đèn treo và thần chủ. Lớp trong được bố trí cao nhất, là nơi đặt Thần chủ trong long khám hoặc kỷ, ngai được sơn son thếp vàng. Lớp ngoài từ y môn trở ra được đặt hương án, và ba cái đài dùng để đựng chén rượu nhỏ lúc cúng giỗ…Y môn, là chiếc màn vải đỏ, dùng làm bức màn ngăn cách lớp thờ bên trong và lớp thờ bên ngoài…

Sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được biểu hiện trong không gian thờ tự có nhiều nét tương đồng và pha trộn với cách thức bài trí thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đó là cách thức bài trí có tôn ti, trật tự, có thứ bậc, thể hiện sự tôn kính và lòng thành của con cháu đối với tổ tiên, của tín đồ đối với Đức Phật, Bồ Tát, các vị Thánh Tăng…

Điều đặc biệt là, trong cách thức bài trí ấy, một điều mà dễ nhận ra nhất đó là các đồ thờ tự cũng có nhiều điểm giống nhau. Ban thờ tự trong chùa, trong gia đình, từ đường dòng họ, trong đình làng và đình thờ vua Hùng đều không thể thiếu Bát hương, khán thờ, kỷ (Tam sơn) và còn có thêm hoành phi câu đối mang ý nghĩa nhớ ơn công đức Phật, tổ tiên và truyền thống đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.

Qua đây cho thấy, văn hóa bài trí thờ tự của Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt đã hòa quyện, ảnh hưởng lẫn nhau.

3. Kết luận

Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống, là sự kết tinh phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa đặc sắc của người Việt. Dù đã có những thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại nhưng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn mang những giá trị truyền thống nhất định trong đời sống của người Việt.

Sự dung hợp giữa Phật giáo đối với thờ cúng tổ tiên của người Việt bắt nguồn từ lâu đời trong lịch sử, từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Hiện tượng Phật giáo hòa nhập với tín ngưỡng truyền thống không chỉ thể hiện ở sự có mặt của ngôi chùa, trở thành một “mắt xích” không thể thiếu trong hệ thống di tích thờ cúng tại các làng xã, trong cách bài trí tượng Phật, các đối tượng được thờ cúng tại chùa, mà cả trong các nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Chính sự giao lưu, hòa hợp từ hai hướng nêu trên đã dẫn đến sự dung hợp, hòa nhập vào nhau giữa Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống, được ví như sữa với nước. Sự thờ cúng tổ tiên của người Việt ngày càng có xu hướng gắn chặt hơn với Phật giáo là điển hình biểu hiện sự dung hợp đó.

Tác giả: HT. TS Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự,
Trưởng Ban Thông tin truyền thông Trung ương,
Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội,
Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2024

***

(1) Đặng Nghiêm Vạn (1996), Vấn đề tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 315.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Toàn Ánh (2001), Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2. Nguyễn Chí Du (2013), “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt”, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 1+2, tr. 85-86.

3. Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.

4. Huệ Khải (2012), “Tín ngưỡng vật linh đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6, tr. 72-76.

5. Lê Đức Hạnh (2013), “Về nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của người Việt”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 34 (44), tr. 70-74.

6. Phan Nhật Hạnh (2015), “Phát huy giá trị văn hóa của sự dung hợp Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt”, Tạp chí Giáo dục lý luận, số 238, tr. 30-32, 36.

7. Trương Thìn (2010), Nghi lễ thờ cúng tổ tiên, đền chùa miếu phủ, Nxb. Thời đại.

8. Lê Thị Thanh Thảo (2020), Sự dung hợp giữa Phật giáo Bắc tông và tín ngưỡng dân gian ở tỉnh Tiền Giang, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Trà Vinh.

9. Đặng Nghiêm Vạn (1996), Vấn đề tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb. KHXH, Hà Nội

10. Van, Vu Hong (2020), “Determine the appearance and the value system of the traditional culture of Vietnam through the worship of ancestors belief of Vietnamese People”, Psychology and Education, Vol. 57(9), p. 621-63

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 8585 2222 – 0914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

Thượng tọa Thích Đạo Thịnh

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 8585 2222 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường