Trong bài viết "Sẽ không có nhiều người biết viết trong vài chục năm nữa" được đăng trên trang báo điện tử VnExpress ngày 15/12/2024, chuyên gia máy tính Paul Graham đã đưa ra một nhận định đáng suy ngẫm: Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mở ra kỷ nguyên mới nhưng có thể khiến con người mất khả năng viết lách và tư duy.

Quan điểm này không chỉ là một lời cảnh báo, mà còn là một lời nhắc nhở về giá trị của việc viết lách trong việc hình thành và duy trì năng lực tư duy độc lập của con người.

Liệu AI có thực sự làm giảm khả năng tư duy viết lách của con người hay không, hay ngược lại giúp chúng ta phát triển tốt hơn khi biết cách sử dụng? 

Theo Paul Graham, kỹ năng viết là công cụ quan trọng của tư duy

Paul Graham nhấn mạnh rằng việc viết không chỉ đơn thuần là ghi lại suy nghĩ, mà còn là quá trình giúp con người mạch lạc hóa tư duy.

Khi một người đặt bút viết, họ buộc phải tổ chức lại những suy nghĩ rời rạc trong đầu thành hệ thống logic, rõ ràng và có ý nghĩa. Viết là cách chúng ta tự phản biện bản thân, tìm ra những lỗ hổng trong lập luận và hoàn thiện ý tưởng của mình. Điều đó có nghĩa là kỹ năng viết mà Paul Graham muốn nói đến ở đây là khả năng biên soạn, biên tập, sáng tạo nội dung chứ không đơn thuần là việc cầm bút viết. Paul Graham khẳng định: "Bạn không thể tư duy tốt nếu không viết tốt, không thể viết tốt nếu không đọc tốt. Và từ 'tốt' ở đây mang hai nghĩa. Bạn phải giỏi đọc và biết tiếp thu những điều hay". Đối với Paul Graham, viết chính là tư duy, có một dạng tư duy chỉ có thể được hình thành bằng cách viết ra. Không ai có thể diễn giải thông điệp này xuất sắc bằng nhà toán học Leslie Lamport: "Nếu bạn tư duy mà không viết ra thì bạn mới chỉ tưởng là mình đang tư duy".

Chuyên gia máy tính Paul Graham lo ngại rằng trong tương lai, khi AI đảm nhận phần lớn công việc viết lách, con người sẽ dần mất đi khả năng tự suy nghĩ rõ ràng. Thay vì tự viết một bài luận, một bản báo cáo hay thậm chí là một email đơn giản, chúng ta sẽ phó mặc hoàn toàn cho công cụ AI. Đây là lúc con người đánh mất khả năng tư duy sâu sắc dẫn đến việc trì trệ trí óc. Thay bằng việc tự do sáng tạo, chúng ta bị lệ thuộc vào văn phong, bố cục nghị luận của AI tạo ra. 

Ảnh AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Ảnh AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

AI và sự phụ thuộc nguy hiểm

Thực tế cho thấy, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã đem lại nhiều tiện ích trong cuộc sống. AI có thể viết những văn bản trơn tru, đầy đủ thông tin trong thời gian ngắn, khoảng 15 đến 30 giây cho một bài nghị luận dưới 2000 từ.

Tuy nhiên, sự tiện lợi ấy vô tình khiến con người ngày càng thụ động, lười tư duy. Thậm chí, những thông tin mà AI đưa ra chưa chắc đã hoàn toàn chính xác cho đến thời điểm cung cấp cho người hỏi, có thể thông tin đã cũ, có chỉnh sửa lại nhưng chưa được đưa lên hệ thống, lúc này nếu không tư duy chọn lọc người hỏi sẽ phải tiếp nhận một câu trả lời thiếu tính chính xác. Khi chúng ta lệ thuộc vào AI để làm thay phần lớn công việc trí óc, kỹ năng viết – vốn đòi hỏi thời gian và công sức rèn luyện – sẽ dần bị lãng quên.

Não bộ rất thông minh và có tính chọn lọc, khi chúng ta cho nó tiếp nhận thông tin thuộc loại nào trong một thời gian dài mang tính liên tục, nó sẽ mặc định, hình thành thói quen đó và lãng quên đi cái đã lâu không sử dụng. 

Paul Graham cảnh báo về một viễn cảnh mà kỹ năng viết sẽ trở thành một "đặc quyền" của số ít. Những người biết viết trong tương lai sẽ là những cá nhân ý thức được giá trị của tư duy độc lập và cố gắng bảo tồn kỹ năng này.

Trong khi đó, phần lớn sẽ chỉ dựa vào AI để hoàn thành công việc mà không hề hiểu bản chất vấn đề. Điều này tạo ra một khoảng cách không chỉ về mặt tri thức mà còn về khả năng tự chủ trong tư duy. Viết không chỉ là công cụ biểu đạt mà còn là phương tiện giúp con người tự học hỏi và phát triển. Nếu kỹ năng này bị mai một, con người sẽ trở nên thụ động và phụ thuộc, không còn khả năng tự phản biện hay tạo ra những ý tưởng đột phá. Một xã hội mà phần lớn mọi người không còn biết viết đồng nghĩa với một xã hội thiếu đi sự sáng tạo, thiếu khả năng tự chủ trong tư duy.

Hơn nữa, việc mất đi kỹ năng viết còn ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và kết nối giữa con người với nhau. Viết không chỉ phục vụ công việc, mà còn giúp con người chia sẻ, thấu hiểu và truyền đạt cảm xúc một cách sâu sắc. AI có thể viết nhanh và chuẩn, nhưng nó thiếu đi cái "hồn" của con người – thứ tạo nên sự độc đáo trong từng câu chữ.

Ảnh AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Ảnh AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Ứng dụng AI nhưng giữ được khả năng sáng tạo viết lách?

Trước viễn cảnh mà Paul Graham đặt ra, chúng ta cần có những hành động cụ thể để bảo tồn và phát triển kỹ năng viết trong thời đại AI. Đầu tiên, giáo dục cần đóng vai trò chủ chốt trong việc rèn luyện khả năng viết cho thế hệ trẻ. Việc sử dụng AI nên được kiểm soát một cách hợp lý, chỉ nên xem đây là công cụ hỗ trợ, không phải là phương tiện thay thế hoàn toàn.

Giống như việc khi chiếc máy tính đầu tiên ra đời hay chiếc ô tô ra đời, đó chỉ là công cụ, phương tiện để hỗ trợ, phục vụ cho những nhu cầu của con người, chiếc máy ảnh, chiếc bút cũng vậy. Thực tế AI là công cụ, phương tiện như cái bút, cái máy ảnh mà thôi. Để tạo ra kiệt tác, bài viết hay, thông tin đối chiếu chính xác vẫn cần đến con người hay nói cách khác AI chính là trợ lý, cầu thủ cho con người, nếu như cầu thủ giỏi mà không có huấn luyện viên thì cũng không ghi bàn được, huấn luyện viên dù không ghi bàn nhưng lại khai thác được cầu thủ. 

Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần ý thức được giá trị của kỹ năng viết và tư duy. Thay vì phụ thuộc vào AI, chúng ta nên dành thời gian để tự mình suy nghĩ rồi viết, mô tả, hướng dẫn AI theo nghĩa ý của mình để có những sản phẩm kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người thật hoàn hảo.

Kỹ năng viết cũng được thể hiện ngay màn đầu nếu bạn muốn sửa dụng giỏi, sử dụng thành thạo được công cụ AI, đó là Prompt. Bạn cũng phải học cách mô tả, gợi ý để tạo ra câu lệnh chứa thông tin rõ ràng, mạch lạc, chi tiết chính xác bao nhiêu thì AI cũng trả lại cho bạn kết quả đầy đủ, có giá trị hơn là việc bạn tạo Prompt một cách rời rạc, sơ sài. 

Bài viết của Paul Graham đã đặt ra một vấn đề đáng báo động trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão: Liệu chúng ta có đánh đổi khả năng tư duy của mình lấy sự tiện lợi từ AI? Bên cạnh đó giúp chúng ta nhận thức được rõ việc sử dụng AI có hiệu quả tốt đối với công việc nhưng không được phụ thuộc mà vẫn phải chăm chỉ tư duy, suy nghĩ để làm chủ ý thức của mình, làm chủ cả AI để biến nó trở thành một công cụ đắc lực, chứ đừng trở thành nạn nhân của nó hay để nó dẫn dắt.

Viết không chỉ là kỹ năng, mà còn là biểu hiện của một tư duy độc lập, sâu sắc và tự chủ. Để tránh viễn cảnh mất đi kỹ năng quan trọng này, con người cần nhận thức rõ ràng và có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng công nghệ. Hãy để AI là công cụ phục vụ, chứ không phải là thứ thay thế khả năng suy nghĩ và viết.

Tác giả: AI - NGUYỄN THÚY ANH