Trang chủ Đời sống Tứ Nhiếp Pháp trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc lý tưởng

Tứ Nhiếp Pháp trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc lý tưởng

Tứ nhiếp pháp là phương pháp giáo hóa cho chúng sinh từ tâm lý đến hành động thực tiễn. Đây là bốn cách làm lợi ích cho mình và cho người dựa trên sự thấu hiểu về tâm lý. Người thực hiện bốn nhiếp pháp này phải tùy thuận chúng sinh...

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tứ nhiếp pháp là phương pháp giáo hóa cho chúng sinh từ tâm lý đến hành động thực tiễn. Đây là bốn cách làm lợi ích cho mình và cho người dựa trên sự thấu hiểu về tâm lý. Người thực hiện bốn nhiếp pháp phải thực hành được hạnh tùy thuận chúng sinh…

Tác giả: Thích nữ Uyển Nhiên
Học viên Thạc sĩ Khóa 5, Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Con người luôn mang trong mình khao khát từ ngàn đời là tìm kiếm hạnh phúc trong đời sống thường ngày. Nhiều hệ thống nền tảng triết lý ra đời chỉ nghiên cứu chuyên sâu về việc làm sao để con người hạnh phúc, con người phải làm sao để hạnh phúc, hạnh phúc của con người ở đâu… Từ thời hồng hoang con người chưa hình thành khái niệm hạnh phúc vì lúc này con người sống theo tập tính, thiên về cảm tính. Dần theo thời gian cùng sự phát triển của xã hội loài người, khi con người định danh khái niệm hạnh phúc cũng chính là lúc con người chạy đi tìm kiếm hạnh phúc. Khi con người bất toàn với cuộc sống hiện tại, họ tạo ra một loạt các khái niệm lý tưởng để vươn tới. Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, đức Phật ra đời tại đất nước Ấn Độ đã để lại cho nhân loại một kho tàng đồ sộ về phương cách giải quyết nỗi khổ niềm đau cho con người. Hạnh phúc của mỗi người không giống nhau vì vậy phương pháp đi đến hạnh phúc cũng có muôn vàn. Tứ nhiếp pháp là một trong số các phương pháp của Phật giáo đưa chúng sinh đến hạnh phúc lý tưởng. Trong đó gia đình là nơi trung gian quan trọng nhất để thực hiện xây dựng hạnh phúc cho con người. Gia đình là chiếc nôi hình thành nên xã hội lý tưởng và gia đình hạnh phúc sẽ nuôi dưỡng nên các cá nhân hạnh phúc. Vì vậy, xây dựng gia đình hạnh phúc là phương án quan trọng để xã hội loài người hạnh phúc.

1. Thực trạng gia đình hiện nay

Vấn đề cần được xã hội lưu ý và quan tâm nhất hiện nay là tình trạng đạo đức đang dần trở nên lệch lạc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của ông cha từ bao đời nay. Sự xuống cấp về mặt đạo đức cũng thể hiện rất rõ trong qua nhiều vụ án hình sự, kinh tế. Đạo đức xã hội xuống cấp còn thể hiện ở những hành vi bạo lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ bạo lực gia đình, bạo lực học đường,… đến bạo lực nơi công cộng. Có những người sẵn sàng tước đi mạng sống để giải quyết mâu thuẫn trong mọi quan hệ giữa cha mẹ và con, anh chị em, vợ chồng, hàng xóm láng giềng, bạn bè… Nhiều trường hợp dẫn đến kết cục vô cùng thương tâm, khiến cả xã hội lên tiếng phẫn nộ.

Trong nền kinh tế thị trường, mọi người đều tìm cách kiếm được thật nhiều tiền, điều này là chính đáng, tuy nhiên một số người đã tôn sùng đồng tiền một cách mù quáng, coi tiền là mục đích sống và tìm mọi thủ đoạn để có nhiều tiền, tạo mọi điều kiện để mặt trái của đồng tiền phát huy. Khi đồng tiền lên ngôi cũng chính là lúc đạo đức xuống cấp.

Chương trình Vu Lan – Đạo hiếu & Dân tộc năm 2023: Kết nối tình thân và tinh thần hiếu hạnhTrong tiến trình lịch sử và ở hầu hết các quốc gia, gia đình luôn được xem là chiếc nôi hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách con người. Xã hội đang xuất hiện các nguy cơ khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng khi lựa chọn những giá trị niềm tin lối sống ở thế hệ trẻ. Các thế hệ thanh niên đang lạc lõng không có nơi làm điểm tựa tinh thần, không được trao truyền những chuẩn mực đạo đức, những lối sống gương mẫu để noi theo. Những giá trị văn hóa lệch lạc đang ngấm ngầm chi phối tư tưởng giới trẻ khiến cho họ mất niềm tin, phương hướng trong cuộc sống. Cuộc sống hiện đại khiến các thế hệ trẻ có những quan niệm lạc quan trong đời sống tình yêu hôn nhân. Sự du nhập của các nền văn hóa mới khiến cho giới trẻ coi nhẹ việc ly hôn, không còn coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Nhiều gia đình ly hôn dẫn đến hậu quả là con cái không được quan tâm giáo dục, dễ dàng sa vào các tệ nạn xã hội, thậm chí con cái còn bị bạo hành, rơi vào trầm cảm tâm lý trở thành vấn đề quan trọng cần được quan tâm của xã hội. Sự phát triển của gia đình là một phần quan trọng trong sự phát triển của xã hội: “Những trật tự xã hội, trong đó những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình”[1]. Sự du nhập của nền văn hóa ngoại lai không được tiếp thu đúng đắn đã làm lệch hướng nhận thức của một số thành phần trong xã hội. Chính sự nhận thức lệch lạc này đã khiến cho một số gia đình trong xã hội phát triển theo hướng tiêu cực. Xã hội đang cấp thiết đòi hỏi một đường lối tư tưởng có thể thay đổi nhận thức tiêu cực của một số cá thể. Xây dựng gia đình theo mô hình hạnh phúc lý tưởng là yêu cầu cấp thiết được đặt ra cho xã hội hiện đại. Vấn đề trong gia đình không phải do thế giới bên ngoài tạo ra, mỗi thành viên trong một gia đình tạo ra đau khổ do sự thiếu hiểu biết và tham ái. Con người tạo ra thế giới bên ngoài, vì vậy muốn xây dựng gia đình hạnh phúc cần phải thay đổi từ bên trong mỗi con người.

2. Thực hành Tứ Nhiếp Pháp trong kinh tạng

Đức Phật dạy về Tứ Nhiếp pháp: “Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp pháp này. Thế nào là bốn?:

Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự
Hỡi các vị Tỷ-kheo,
Đây là bốn nhiếp pháp”[2].

Bốn nhiếp pháp là bốn phương pháp để hóa độ chúng sinh, nghĩa là dùng bốn cách này để giáo hóa chúng sinh, đưa chúng sinh đến chỗ an ổn vui vẻ. Chúng ta thường nghĩ rằng bốn pháp này sử dụng với mọi người, nhưng lại quên người cần được nhiếp hóa đầu tiên là chính người thân trong gia đình của mình. Chúng ta thường nói lời ái ngữ với người lạ và dành những lời cộc cằn cho người thân của mình. Chúng ta tham gia các hoạt động thiện nguyện nhưng khi trở về nhà lại không thể giúp cha mẹ hay vợ con mình quét dọn nhà cửa. Đây là hiện thực vẫn đang xảy ra trong đời sống hàng ngày. Đức Phật dạy chúng sinh bình đẳng, chúng ta phải đối xử bình đẳng với tất cả chúng sinh, hơn hết gia đình là nơi gần ta nhất và cần được giáo hóa đầu tiên. Chúng ta cần nhiếp hóa những người thân cận ta nhất để làm điểm tựa khi thực hành nhiếp hóa ở nhưng nơi với quy mô rộng hơn. Gia đình luôn là nơi cổ vũ, hỗ trợ chúng ta trong cuộc đời, vì vậy chúng ta xây dựng gia đình hạnh phúc sẽ trở thành nền tảng vững chắc nâng đỡ chúng ta trong cuộc đời.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu nhiep phap trong doi song hanh phuc gia dinh 1

2.1. Bố thí nhiếp

Đức Phật dạy về Bố thí: “Ở đây, sao gọi là Bố thí? Nghĩa là, ở trong việc đem của cải bố thí hoặc ít, hoặc nhiều, tùy theo chỗ tự lực bố thí ấy mà khởi tâm rộng lớn, đem chỗ bố thí này thâu hóa sự tham lam bỏn sẻn kia. Như vậy gọi là tu Bố thí nơi nhiếp pháp của Đại thừa”[3]. Bố thí bao gồm tài thí và pháp thí. Tài thí là đem của cải vật chất trao tặng cho người, pháp thí là đem điều hay lẽ phải đến với người giúp người vơi bớt nỗi khổ. Tài thí chỉ đem lại hiệu quả nhất thời, không giải quyết được cội nguồn của sự khổ, pháp thí là cách giải quyết khó khăn cho con người từ nguyên nhân. Trong gia đình, pháp thí cũng là phương pháp tối ưu để giúp đỡ nhau. Con cái sử dụng tài sản của cha mẹ như lẽ hiển nhiên, cũng vậy, con cái biếu tặng cha mẹ tài sản cũng sẽ không hiệu quả bằng việc giúp cha mẹ có đời sống tự tại thảnh thơi. Bố thí pháp trong gia đình là đưa người thân của mình thoát ra khỏi khổ đau bằng những điều hay lẽ phải, bằng chân lý đúng đắn. Bố thí pháp đôi khi chỉ là nhữnglời khuyên chân thành khi người thân gặp khó khăn, chỉ cho họ con đường bước ra khỏi cảm xúc bế tắc hiện tại. Cha mẹ bố thí pháp cho con bằng cách dạy điều hay lẽ phải cho con, hướng con về đời sống đạo đức lành mạnh. Hơn nữa, bố thí pháp là hướng dẫn người thân của mình quy y Tam bảo, thực hành năm giới cấm để họ có được sự hộ trì của Tam bảo trong đời sống tâm linh, được sống tự do thảnh thơi trong hàng rào của ngũ giới. Tam quy ngũ giới là nếp sống căn bản đạo đức hướng con người đến đời sống hướng thượng, hạnh phúc lý tưởng của người tại gia.

2.2. Ái ngữ nhiếp trong đời sống gia đình

Trong khi bố thí pháp chúng ta phải kết hợp với ái ngữ nhiếp để đạt được kết quả cao. Lời nói tác động đến tinh thần của người nghe, lời nói nhu nhuyến ôn hòa sẽ cảm hóa được những tâm tính cứng cỏi hay sân giận. Đức Phật dạy về ái ngữ nhiếp như sau: “Sao gọi là Ái ngữ? Nghĩa là nơi tất cả xứ, thấy các chúng sinh luôn với vẻ mặt vui vẻ rộng lượng, ngôn ngữ hòa nhã, thuận hợp dùng các phương tiện đem điều thiện đến để an ủi và bằng ái ngữ này, thâu hóa các sự thô ác kia”[4]. Ở mọi nơi với tâm thế rộng lượng, chúng ta luôn nói lời hòa nhã, nói các pháp thiện để an ủi chúng sinh, với lời nói dịu dàng đúng đắn này thu phục sự xấu ác xung quanh ta. Dân gian có câu: Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Đây là cách yêu thương chưa đúng đắn, đôi khi còn mang lại hiệu quả ngược lại trong sự dạy dỗ. Sự bảo ban của cha mẹ đối với con cái thường luôn xuất phát từ lòng yêu thương đối với con cái. Cha mẹ luôn mong muốn con cái trưởng thành nên người. Tuy nhiên vì nhiều áp lực cuộc sống tác động, các bậc cha mẹ đã dùng lời nói khắt khe, hà khắc khi muốn con cái nghe lời. Điều này thường không đem lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều trường hợp con cái trở nên thụ động với xã hội, xa lánh người thân hay mắc phải các chứng bệnh tâm lý do bị tổn thương bởi lời nói. Các thành viên trong gia đình trở nên xa cách, không có tình cảm gắn kết bởi không nói chuyện chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Vì vậy, nói lời ái ngữ là điều quan trọng cần thiết trong đời sống gia đình. Những lời nói ôn tồn khuyến khích con làm điều đúng đắn, phân tích những lợi hại đúng sai cho con hiểu sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn là áp đặt con cái vào khuôn khổ cha mẹ mong muốn. Con cái cũng phải thường xuyên hỏi thăm cha mẹ, nói lời yêu thương với cha mẹ vì tình thương luôn là động lực lớn nhất trong cuộc sống. Các thành viên trong gia đình luôn nói lời hòa ái với nhau sẽ tránh được những xung đột do nóng nảy sinh ra. Lời ái ngữ giống như sợi dây gắn kết con người với nhau, tạo nên không khí đầm ấm trong gia đình.

2.3. Lợi hành nhiếp

Gia đình là nơi những con người có cùng huyết thống sinh sống cùng nhau. Các thành viên trong gia đình gắn bó yêu thương nhau, vì vậy việc làm lợi ích cho nhau được xem như dễ dàng. Tuy nhiên, việc làm đem lại lợi ích như thế nào mới được coi là đúng đắn, đem lại hiệu quả tốt. Đức Phật dạy: “Sao gọi là Lợi hành? nghĩa là thấy các pháp thiện thì ngày đêm siêng năng thực hành. Đối với mọi loài chúng sinh thì khởi tâm Từ bi, dùng lòng tin trong sạch đã phát sinh để thâu hóa những kẻ không lòng tin. Lấy sự gìn giữ tịnh giới để thâu hóa kẻ phá bỏ giới cấm ở khắp mọi nơi thường đạo lợi ích an lạc. Như vậy gọi là tu Lợi hành”[5]. Lợi hành hiểu đơn giản là làm những việc có lợi cho chúng sinh dựa trên sự tự tu tập của mình. Đối với đời sống tại gia, việc có lợi có lẽ là những hành động đem lại của cải vật chất. Tuy nhiên, điều có lợi cần thiết hơn của cải vật chất là thực hành các pháp thiện. Thực hiện thiện pháp có thể nhiếp hóa được những kẻ không có lòng tin với thiện pháp, khiến những kẻ đang sống đau khổ không biết đến thiện pháp được biết đến thiện pháp, biết được có pháp lợi giúp họ chấm dứt được khổ đau. Trong cuộc sống gia đình lợi hành là rất cần thiết. Cha mẹ cần phải dạy cho con biết hướng về điều thiện, như vậy là làm lợi ích cho con. Cha mẹ cũng phải là người gương mẫu làm các điều thiện để các con noi theo. Làm lợi ích cho mọi người trước tiên hết phải là với những người thân trong gia đình. Đó là sự hiếu kính chăm sóc đối với người lớn tuổi, thấu hiểu san sẻ với vợ chồng của mình và sau đó là chăm lo dạy dỗ con cái. Đối với bạn bè hay làng xóm, luôn sẵn sàng giúp đỡ khi mọi người có công việc cần. Lợi hành còn là giúp đỡ mọi người có nơi nương về chân chính, khuyến hóa họ từ bỏ những niềm tin sai lạc, gây hại đến đời sống. Những việc làm cụ thể làm lợi ích cho người khác là tham gia vào các công việc ích lợi của xã hội như xây cầu, đắp đê, hay những việc thiện nguyên vì nhân sinh như dọn rác nơi công cộng, trồng cây xanh,… Những việc làm thiết thực như vậy không chỉ giúp đỡ mọi người mà còn là đang bảo vệ cuộc sống của chính mình. Đây cũng là phương pháp giáo dục cho trẻ em trong gia đình thực tế và đem lại hiệu quả cao.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tri An Cha Me 2

2.4. Đồng sự nhiếp

Phương pháp cuối cùng trong tứ nhiếp pháp cũng là phương pháp luôn đi theo khi nhiếp hóa người khác là đồng sự nhiếp. Đồng sự là cùng làm việc chung, cùng chung với chúng sinh ăn ở để có thể hiểu được nỗi khổ niềm đau, từ sự thấu hiểu đó tìm cách làm lợi ích giúp chúng sinh thoát khổ. Trong kinh nói về đồng sự nhiếp: “Sao gọi là Đồng sự? nghĩa là tất cả mọi nơi, trước hết phải hòa đồng với sự việc đó. Lại dùng phương tiện để giáo hóa nhằm làm cho tâm Bồ-đề thêm tinh tấn, kiên cố”[6]. Trong gia đình, không phải chung sống dưới một mái nhà là đã đồng sự cùng nhau. Trên thực tế nhiều gia đình cùng ở chung nhưng lại không sống chung, mỗi người làm việc của mình, giống như những khách trọ không có sự yêu thương thấu hiểu. Đồng sự trong gia đình nghĩa là chúng ta phải chia sẻ công việc với nhau, cùng nhau làm việc để tạo nên sự yêu thương trong gia đình. Con cái giúp đỡ cha mẹ việc nhà, cha mẹ cùng con cái tháo gỡ những khúc mắc trong cuộc sống. Đồng sự còn là dạy người giữ gìn năm giới cấm, giúp người từ bỏ các giới cấm: “Đồng sự nói ở đây nghĩa là rất chán ghét sự giết hại. Tìm mọi cách khéo léo giúp đỡ bạn bè để họ cùng chừa bỏ sự giết hại, chán ghét sự trộm cướp, và khéo léo giúp đỡ bạn bè để họ cùng tránh bỏ việc trộm cướp. Đối với dâm dục tà hạnh cũng rất là chán ghét, nên tìm cách giúp bạn bè cùng tránh bỏ. Đến như việc nói dối cũng rất ghét, việc uống các thứ rượu cũng rất ghét, nên tìm cách khéo léo giúp bạn bè cùng từ bỏ. Các việc như thế v.v… đều gọi là đồng sự”[7]. Chúng ta cùng chung sống với người, chúng ta giữ gìn năm giới nên chúng ta khéo léo khiến người cũng giữ gìn giới cấm như ta, vậy gọi là đồng sự. Trong gia đình các thành viên cùng nhau giữ gìn năm giới cấm, cùng nhau chung sống trong sự thanh lương mát mẻ của giới như vậy là đồng sự trong gia đình. Cha mẹ thấy con cái bỏ quên năm giới cấm thì khuyến hóa con trở về giữ gìn năm giới cấm cùng với mình. Đặc biệt nếu con cái không nghe lời sống buông lung, cha mẹ có thể cùng con sống chung để có thể thấu hiểu con, từ đó thiện xảo khuyên con quay trở lại con đường chân chính. Cùng chung sống giúp đỡ lẫn nhau trở về với thiện pháp như vậy gọi là đồng sự nhiếp.

KẾT LUẬN

Tứ nhiếp pháp là phương pháp giáo hóa cho chúng sinh từ tâm lý đến hành động thực tiễn. Đây là bốn cách làm lợi ích cho mình và cho người dựa trên sự thấu hiểu về tâm lý. Người thực hiện bốn nhiếp pháp này phải tùy thuận chúng sinh, khéo léo sử dụng cho phù hợp đem đến lợi ích cho chúng sinh. Bốn pháp thu nhiếp lòng người này là một trong những yếu tố xây dựng nên một xã hội phát triển bền vững, ấm no hạnh phúc cho mọi loài. Trong đời sống gia đình, bốn pháp này giúp cho người thực hiện nó dễ dàng thu phục lòng người. Sử dụng quyền xảo bốn pháp này sẽ khiến con cái nghe lời cha mẹ, cha mẹ thấu hiểu con, đem đến đời sống hạnh phúc cho gia đình. Đức Phật dạy về ý nghĩa Tứ nhiếp pháp như sau:

“Bố thí và ái ngữ
Lợi hành và đồng sự,
Ðối với những pháp này,
Ở đời đối xử nhau,
Chỗ này và chỗ kia,
Như vậy thật tương xứng,
Và bốn nhiếp pháp này,
Như đỉnh đầu trục xe,
Nếu thiếu nhiếp pháp này,
Thời cả mẹ lẫn cha,
Không được các người con,
Tôn trọng và cung kính”[8].

Con người sống ở đời với bốn pháp này sẽ được nhiều lợi ích lớn, được mọi người xung quanh yêu quý và kính trọng. Cha mẹ thực hành bốn pháp này sẽ được con cái kính trọng phụng dưỡng. Tứ nhiếp pháp giúp chuyển hóa những nguyên nhân sinh ra mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội, quyết định nên việc làm thiện hay ác. Tứ nhiếp pháp còn là những bài học sâu xa để rèn luyện đạo đức, nhân phẩm con người, tinh thần trách nhiệm của một công dân trong xã hội. Tứ nhiếp pháp là các phương pháp chỉ dẫn con người xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc. Thực hành Tứ nhiếp pháp trong gia đình sẽ tạo nên mẫu hình gia đình lý tưởng của xã hội con người.

Tác giả: Thích nữ Uyển Nhiên – Học viên Thạc sĩ Khóa 5, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích:
[1] Jean Chateau, Triết lý và chính sách giáo dục, sđd, tr.392.
[2] Kinh Tăng Chi 1, Thích Minh Châu, Phẩm Bánh xe, kinh Nhiếp pháp, VNCPHVN, Hồ Chí Minh, 1996, tr. 610.
[3] Linh Sơn đại tạng, Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 69 , Hội Văn Hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 660.
[4] Linh Sơn đại tạng, Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 69, Hội Văn Hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 660.
[5] Linh Sơn đại tạng, Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 69, Hội Văn Hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 660.
[6] Linh Sơn đại tạng, Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 69, Hội Văn Hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, tr. 661.
[7] Linh Sơn đại tạng, Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 89, Hội Văn Hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, 142.
[8] Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ 1, chương Bốn pháp, phẩm Bánh xe, Kinh Nhiếp pháp, nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, tr.370.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường